LÊ VĂN THIỆN


Ao Buồn

Truyện ngắn

Nhà cậu Đáng ở gần nhà ngoại tôi. Hồi nhỏ tôi thường về thăm ngoại vào dịp hè, nên biết được nhiều chuyện về gia đình cậu. Cậu Đáng thuộc hạng giàu có trong làng, nhờ hưởng một gia tài lớn của cha mẹ để lại. Cậu làm nông, người  cục mịch, đen cháy, râu tóc bờm xờm. Nghe đâu trước kia cậu cũng có đi học, từng đậu bằng tiểu học trường Tây. Vợ cậu – mợ Hân – nhỏ người, mảnh mai, trắng trẻo. Mợ dạy học ở trường quận. Thời đó con gái ít được đi học, phụ nữ học cao rất hiếm. Mợ Hân là người phụ nữ duy nhất trong xã dạy trung học. “Sao một cô nhỏ nhắn, xinh đẹp lại đi lấy cái ông lư đừ, dềnh dàng thế kia?”, tôi thường tự hỏi.
Năm tôi mười tuổi, vào một ngày cuối hè, mợ Hân tự vẫn. Lần đầu thấy người chết bằng cách trầm mình, một cái chết dữ dội, tôi sợ hãi nhận ra: chết cũng có nhiều cấp độ. Người ta vớt mợ Hân từ dưới ao lên, đặt nằm trên hai tấm ván kê ở giữa sân. Mặt mợ trắng chạch, không còn một nét nào giống lúc sống. Máu miệng ứa ra ướt đẫm gối. Nước từ đầu tóc nhỏ xuống đọng thành vũng. Ba dĩa cơm nắm, hột gà, lư nhang. Chiếc lưỡi cày dằn trên bụng. Cái mền mỏng đắp lệch. Hai bàn chân mợ thò ra ngoài mền cũng trắng rớt như cái mặt… Cả làng đổ tới coi, người đứng chật kín trong sân, trong nhà, ngoài vườn. Chẳng thấy ai khóc (hai người chưa có con). Cậu Đáng lừ lừ đi ra đi vào, mắt ráo hoảnh. Bà Bướm – gia nhân, đã phục vụ nhà cậu hơn 20 năm – cũng tỉnh khô, bình thản. Người thân bên mợ ở đâu không thấy. “Đám chết mà lạnh tanh, không có người khóc, kỳ cục”, tôi nghĩ.
Người ta xì xào: “Coi kìa, hai mắt cô ấy bầm đen, môi sưng vều”. Mợ Hân bị chồng đánh, hai ngày qua phải nghỉ dạy. Cậu Đáng đã đánh đập vợ hàng trăm lần. Dường như cậu ghen. Chỉ “dường như” thôi, chẳng ai biết rõ ràng về chuyện lục đục của nhà cậu, dù chuyện này xảy ra thường xuyên… Cậu Đáng hành động thầm lặng, không lớn tiếng. Cậu đóng cửa đánh vợ, cấm khóc, cấm không được than thở với ai. Thỉnh thoảng lại thấy mợ Hân đi dạy với cái mặt sưng tấy, hoặc con mắt bầm tím. Mợ sống khép kín như cung nữ ngày xưa. Đi chợ, đến trường đều phải tuân theo một thời gian biểu chặt chẽ. Mợ không dám nói chuyện lâu với đàn ông, con trai ngoài đường, không dám mời học trò, bạn hữu về nhà. Lúc nào mặt mợ cũng dàu dàu, ủ dột, xa vắng. Nhiều người nói họ chưa hề thấy mợ cười, dù một lần thôi.
Dân làng vẫn thường nhắc lại những “chuyện lạ” của vợ chồng cậu. Một lần, vào khoảng mười giờ khuya, có người chạy đến báo với ông hương kiểm, cậu Đáng đánh vợ gần chết. Nhưng khi ông hương kiểm và ba tuần đinh (như an ninh thôn và dân phòng) đến nơi, thì lại thấy cảnh trái ngược: người nằm lăn giữa nhà, quần áo tả tơi, khóc lóc sướt mướt là cậu Đáng. Cậu hỏi vợ, như nhai từng tiếng một:
“Tại sao mày ở lì ngoài chợ, mười một, mười hai giờ mới về?”.
“Em đã nói rồi, em phải chờ mua heo, sáng nay may người bán heo tới trễ”.
“Tại sao đi chợ mà mày không bảo cho tao biết?”.
“Thì chính anh bảo em đi mua heo”.
“Sao phải mua ở chợ, không mua heo của bà Bắc, bà Nghi trong làng?”.
Cậu khóc khản tiếng, bứt tóc, đập đầu xuống đất, và giãy đành đạch như em bé dỗi mẹ.
Lần khác, nghe tiếng đập phá thình thịch trong nhà cậu Đáng, bà con xung quanh chạy đến, nhưng không can thiệp được, phải đứng ngoài sân, vì các cửa đều đóng chặt. Cậu Đáng đánh vợ bằng roi, cứ sau một roi lại nghe cậu hỏi:
“Thằng Tùng là gì với mày?”.
“Chẳng lẽ anh không biết thằng Tùng?”.
“Nó là gì với mày?”.
“Nó là cháu tôi, cũng là cháu anh”.
“Sao mày nói chuyện với nó mặn mòi như thế?”.
“Mặn thế nào? Anh giỏi đặt điều, tưởng tượng trên trời dưới đất”.
“Nó nói gì với mày?”.
“Tôi đã nói anh nghe mấy chục lần, tôi hết hơi rồi… cứ đánh tôi chết đi. Anh là quỉ dữ, không phải con người”.
“Mày cười với nó, nheo mắt với nó, vỗ đầu vỗ vai nó”.
“Nó là cháu tôi, cũng là cháu anh… Bụng dạ, đầu óc anh đầy thuốc độc, đầy rác… Tôi muốn chết”.
Cậu Đáng ghen? “Đâu phải ông Đáng ghét vợ. Hãy nhìn kia, ông ấy buồn rầu, bước đi không vững”. Mấy người hàng xóm nhận xét.
Ghen là cái gì mà lớn lao, kinh khủng như vậy? Tôi chưa hiểu nổi.
*
Ông Chương uống trà, thong thả, nhâm nhi từng hớp, như uống rượu. Ông nheo mắt ngắm Đáng, thằng cháu đang mang tai tiếng đầy mình.
“Cũng lạ, không hiểu sao mày có thể tàn bạo như vậy”.
Ông Chương là chú ruột cậu Đáng, ở trên tỉnh mới về. Ông giàu sang, được họ hàng quý trọng. Cậu Đáng nhìn ra cuối vườn, nơi có cái ao oan nghiệt. Vốn ít nói, từ ngày vợ chết cậu càng “tịnh khẩu”. Cách đây mấy hôm, tình cờ cậu nghe bọn trẻ chăn trâu bàn về chuyện nhà mình. Chúng nói cậu hung ác, hà khắc quá nên vợ sống không nổi, phải tự tử. Một đứa bảo, cha nó nhận xét, ở xứ này cả trăm năm qua chẳng thấy ai tính tình quái đản như cậu, ai gieo gió độc thì sau này chắc chắn sẽ gặt bão dữ.
“Bà con quanh đây nói, mày coi vợ như gà heo, cỏ cây”.
Ông Chương giơ cái ly lên cao, nhìn kỹ, như ngắm vật lạ.
“Nay mày có ân hận chút nào không?” ông hỏi rồi tự trả lời. “Có tiếc thương, ăn năn, cũng đã muộn, quá muộn”. Ông châm trà cho mình.
“Sống chung hơn ba mươi năm, tao chưa hề chửi thím mày một câu nặng, chưa đánh, dù chỉ một bợp tai nhẹ. Vì sao? Vì cổ nhân nói, trong tình vợ chồng có tình anh em và tình bạn… Không cần chửi bới đánh mắng nhau người ta vẫn sống được… Mày nghĩ sao khi thẳng tay đấm con Hân sưng vù mặt?”.
“Con… con buồn quá”. Được nhận những lời giáo huấn từ miệng người cao quí rất đáng hãnh diện. Có điều, ông Chương không biết, cậu Đáng cũng chưa hề chửi vợ một câu nặng.
“Nó, vợ, như em gái mình. Ai đánh con Ngọc như thế, mày buồn không?”.
“Con… con ngu”.
“Đánh em cháu, bắt nạt người yếu đuối hay ho gì… Có người bảo, con Hân chết, không bỏ đi, vì nó thương mày.. Mày hèn!”.
*
Bà Bướm nói, có chỗ khó hiểu, sao cô Hân tìm đến cái chết thảm, không bỏ chồng. Mấy năm gần đây chẳng hề thấy cô ấy cười. Một người hiếm có, dịu dàng, xinh đẹp. Dạo khắp vùng quê tối tăm này, dù tìm mờ mắt cũng sẽ không thấy người thứ hai tương tự. Cô ấy yêu trẻ con, chẳng giận ai, luôn nghĩ tốt về người khác.
Bà Bướm kể, bốn ngày trước khi chết, vào buổi trưa, Hân uống rượu. Cô ấy moi ở đâu ra một chai rượu đế, mấy miếng khô thiều. Bà Bướm thất kinh. Cô hỏi, có khi nào bà nghĩ đến cái chết, bà sợ chết không. “Tôi sẽ uống đến lúc ngã gục. Chắc tối nay tôi chết đấy… Biết chết mà không sợ kể cũng giỏi!”. Cô ấy còn nói, tuần qua ngày nào cô cũng tắm hai lần để người thơm và quen nước ao. Sao lại quen, quen thế nào? “Say chết, hay say rồi tỉnh?... Có chuyện thế này: một ni sư quy y hơn 40 năm, ăn chay trường, đến lúc gần chết xin uống thử muỗng nước mắm. Tôi tin chuyện đó có thật, tôi đang uống nước mắm đây… mắm cay!”.
“Tôi chưa hề nghe cô Hân nói xấu ai”.
“Chưa hề”. Cậu Đáng lặp lại. “Chị có nghe Hân phàn nàn, oán trách tôi?”.
Bà Bướm lắc đầu. “Cô ấy chẳng chê bai, chỉ trích ai”.
“Không chê”. Cậu Đáng lặp lại. “Chị gặp thằng Tùng chở Hân mấy lần?”.
“Không gặp. Ai nói với chú chuyện đó?... Dù có chở cũng là thường, có gì đáng để ý?”.
“Chuyện thường?”.
 Cậu Đáng nói, như hỏi mình.
“Thằng Tùng chưa bao giờ chở Hân, chị thề đi”.
“Tôi thề. Nếu nói sai, kiếp sau tôi sẽ thành heo chó, giòi bọ”.
Một lúc lâu, khoảng mười phút, cậu Đáng bật cười, tiếng cười nghe lạ, như tiếng nghiến răng, gió rít. “Quái dị, giờ này còn hỏi thế để làm gì?”.
“Dường như cô Hân không biết ca hát, cười đùa… Tội nghiệp, cô ấy trẻ quá mà…”.
“Tôi cũng trẻ… chưa có con, chưa già”. Cậu Đáng cười, khô khốc.
“Tôi nghĩ mãi, sao cô Hân không bỏ chú, lại chết oan uổng”. Bà Bướm nói thật nhỏ, phải chú ý mới nghe được.
Cậu Đáng có thương yêu vợ không? Khó thể biết được. Có điểm dễ thấy, sau ngày mợ Hân mất, cậu gầy rộc, hốc hác. Cậu lấp cái ao, trồng lên đó mấy cây bàn chải. Suốt ba tháng, ngày nào cậu cũng ra ngồi bên mả vợ từ chiều xẩm đến khuya. Nhiều đêm cậu ngủ luôn ở đó. Rồi cậu ngã bệnh, nằm liệt giường hơn nửa năm trời.
*
Đó là chuyện xảy ra cách đây hơn… nửa thế kỷ. Mấy năm sau, chiến tranh bùng nổ. Cái làng nhỏ bé ấy hóa ra xơ xác, tiêu điều. Ngoại tôi qua đời. Tôi không về làng nữa. Sau này, dò hỏi, tôi được biết cậu Đáng đã bỏ quê đi trong dạo đó. Cậu tặng nhà cửa, ruộng vườn cho em, cháu. Cậu đi đâu, không ai biết.
Đến nay, hơn hai vạn ngày qua đi, tôi đã lên lão. Thời gian xóa nhòa nhiều thứ trên trái đất, nhưng cái chết của mợ Hân vẫn còn rõ nét, không mờ cũ trong trí tôi… Không phải mọi việc trên đời đều có thể giải thích được. Chắc chẳng ai có khả năng nhìn thấy tất cả đường nẻo, ngóc ngách trong tâm hồn con người ./.

 


  Trở lại chuyên mục của : Lê Văn Thiện