MANG VIÊN LONG

 
 B ó n g  M â y

Truyện Ngắn

Tối nay mặt trăng hiện ra thực kỳ lạ. Từ cửa sổ nhà Hiếu tôi đã trông thấy mặt trăng tròn, đầy, sáng trong, chếch trên ngọn sầu đông. Bầu trời quang đãng. Tôi nhìn mặt trăng như lâu ngày nhìn thấy một thiếu nữ đẹp. Tôi đứng yên thực lâu ở cửa sổ, nhìn, lòng cảm thấy cũng mới mẻ như trăng trong. Tôi nghĩ bụng, trăng vẫn còn, không có gì thay đổi hết. Tôi cảm thấy phấn khởi rất thơ trẻ khi nghĩ đến Mây…
Hiếu đã sửa soạn xong công việc lặt vặt buổi chiều để chuẩn bị ngồi vào bàn với xấp bài. Chung quanh bàn anh, ngoài mấy tạp chí, vài quyển sách, còn lại chỗ nào cũng toàn là bài chờ đợi. Những xấp bài bao giờ cũng là cái cớ vững chãi nhất, hùng hồn nhất, để anh khước từ ra phố. Dĩ nhiêu là ít ai có can đảm biến bạn mình thành một ông thấy lười biếng. Tôi trở về sống với gia đình Hiếu đã  gần một tháng, chỉ được đi chơi với anh hai buổi tối chủ nhật. Anh thường nhắc nhở, hối thúc tôi đi chơi, nhưng ít khi tôi gọi anh ra khỏi nhà: Tôi cố gắng để khỏi làm xáo trộn trật tự đã có, trong gia đình bạn.
Tôi nói, mắt nhìn trăng:
- Tối nay trăng mới quá, cậu à.
Hiếu đã ngồi vào bàn, bỗng anh ngước nhìn lên cửa sổ:
- Ừ nhỉ, trăng đẹp thật.
Tôi đến tủ lấy chiếc chemise mới của Hiếu mặc với chiếc quần bảnh nhất của tôi. Hiếu đã rời bàn, đứng bên cửa sổ. Tôi trông thấy anh cũng có vẻ thích trăng lắm. Có lẽ không ai có thể ghét trăng được.
- Tối nay tôi đi chơi với cậu, Hiếu quả quyết.
- Đi chơi à? Tôi không tin Hiếu đã quyết định. Hiếu vội vã mở tủ:
- Cậu đeo chiếc cravate này vào…
- Thôi đủ rồi; tôi từ chối. Cravate làm gì cho nó bệ vệ.
- Không, cậu cứ mang vào. Hiếu tròng chiếc cravate vào cổ tôi.
Tôi cười:
- Còn anh. Tôi hỏi nhưng không có ý hỏi thực.
Hiếu lấy tấm áo vest choàng vào người. Lúc này tôi mới tin chắc là anh đã quyết định đi chơi với tôi. Thực là tiếc khi tôi phải khước từ đi chơi với anh. Tôi hơi do dự. Có thể tôi  sẽ bỏ cái hẹn với Mây. Lỗi hẹn với con gái thì được, nhưng lỗi hẹn với bạn trai thì không nên, tôi nghĩ bụng. Với con gái, chúng ta có nhiều cái hẹn. Vả lại kinh nghiệm cho tôi biết, con gái hiếm khi giữ được lời hẹn đến cuối cùng. Tôi đã gần 30 tuổi.
- Cậu đang suy nghĩ gì thế, Hiếu đang chải lại tóc.
- Không, tôi chối. Đang tính thử nên đi chơi ở  đâu.
- Vào quán hoài chán chết, Hiếu càu nhàu.
- Trăng đẹp thế này có ngốc mới vào quán, tôi nói.
- Vào quán chỉ dành cho lúc đã mỏi chân.
- Này, tôi nói như chợt nhớ, hay mình lại thăm Mây. Tôi có hẹn với nàng…
- Hay lắm, Hiếu cười, cậu có một cái hẹn tuyệt quá.
Tôi bước ra cửa. Hiếu giữ tay tôi lại:
- Cậu lấy thêm tiền không?
Tôi ngập ngừng:
- Thôi, còn đủ. Vả lại đâu có vào quán. Mà cậu không đi sao?
Hiếu móc ví lấy tiền:
- Đâu được. Đi với con gái phải cần có tiền, càng nhiều càng hay. Con gái ưa vào quán dầu có trăng đẹp. Cậu nên đi một mình, những cái hẹn như thế.
Tôi do dự cầm mấy tờ giấy bạc năm trăm ở tay Hiếu, nhớ tới những ngày chúng tôi sống ở Trung tâm nhập ngũ, rồi sau đó, vào quân trường. Hiếu vẫn khoáng đạt, tế nhị, độ lượng như xưa. Sự chân thành lo lắng giữa hoàn cảnh khó khổ của anh, khiến tôi bùi ngùi.
- Anh lo cho tôi quá, tôi nói giọng xúc động.
- Chúc cậu hạnh phúc. Hiếu vỗ tay lên vai tôi. Tôi rất mong…
- Cám ơn…
Tôi đã ra tới ngõ, nhưng hai chữ “Hạnh phúc” của Hiếu vẫn còn làm tôi bàng hoàng. Hiếu đã từ chối đi với tôi, để tôi được hạnh phúc. Tôi không tin rằng tôi sẽ được gì với những cái hẹn ở một người con gái, ngoại trừ được một nỗi lãng quên, một chút ấm cúng, hay những tiếng cười; nhưng tôi không đòi Hiếu đi theo. Hiếu sẽ chỉ đống bài: “Thất hứa với người yêu còn được, chứ  thất hứa với học trò thì không nên”. Tôi cũng biết được rằng Hiếu ra phố vì tôi, chứ không phải vì trăng đẹp. Trăng chỉ để soi sáng cho tấm chân tình của anh mà thôi.
Mặt trăng đã ở ngay trên con đường phố chính, phía cuối đường. Ở hướng đó có biển, cát trắng, những hàng dương, và gió. Trước khi quẹo lên phố, tôi dừng lại trước ngã ba đường, nhìn trăng một lúc. Trăng sáng. Bình yên. Mới lạ. Trước mặt tôi xe cộ chạy lướt thướt. Người đi vội vã. Mấy chiếc haut-parleur ở một cơ sở thông tin kêu rè một bản nhạc cũ. Âm thanh náo loạn, bay tản mát. Tôi đứng yên, bỗng để ý thấy không ai biết trên đầu họ, một mặt trăng thực trong đang vằng vặc sáng. Sự khó khổ và công việc ít khi cho họ ngước lên được. Nếu mọi người đều ngước lên được, tôi nghĩ, thì đời sống đẹp biết bao. Tôi bỗng nhớ tới Hiếu: Giờ này anh cũng đang cắm cúi xuống những xấp bài chấm dở. Anh đã giải thích cho tôi hiểu khi nhìn thấy tấm thời khóa biểu của anh không còn một giờ nào trống, kể cả buổi chiều thứ bảy: Mấy năm trước dạy hai mươi giờ sống dư, mấy năm gần đây dạy ba mười giờ tạm sống qua ngày, tới năm này dạy gần  năm mươi giờ mà vẫn lo thiếu. Đồng thời với lời giải thích của anh, tôi cũng nhận ra anh đã gầy xanh hơn thuở trước. Sự nhẫn nại làm việc vì gia đình của Hiếu làm tôi cảm động và thán phục. Ngày vừa mới đến, nhìn thấy  căn nhà của vợ chồng anh có hàng chữ “Hạnh phúc” trước hiên tôi đã hỏi đùa: “ Ông bà ở trong nhà hạnh phúc chắc hẳn hạnh phúc lắm?”. Hiếu cười mơ hồ: “Chủ căn nhà hạnh phúc này đã thu dọn đi nơi khác, nhường hãnh phúc lại cho mình, nhưng không biết mình có được ở lâu hay không bởi vì giá mắc quá!”. Và anh tiếp: “Hay mình lại nhường hạnh phúc lại cho người khác nữa…”.
- Hạnh phúc là một vòng tròn mà, tôi nói.
- Sợ không được như vòng tròn, Hiếu cười.
- Nó là một đường gãy, vợ Hiếu đáp. Mình phải cố gắng đi theo con đường khúc khuỷu đó.
- Có lẽ khó… Tôi phát biểu.
- Chỉ cần khéo léo một chút, kiên nhẫn nữa, là mình đi được hết. Hiếu nói giọng bình dị.
Tôi đi thẳng tới nhà Mây. Tôi thầm mong con đường hạnh phúc của chúng tôi sau này cũng sẽ được thẳng, suông sẻ như thế. Tôi nghĩ tiếp, mấy năm đi lính, tôi đã có đủ khéo léo và kiên nhẫn. Nghĩ cho cùng, con đường hạnh phúc dầu có khó khăn đến đâu đi nữa, cũng không nguy hiểm khó khăn bằng một chuyến đi kích. Những lỡ lầm của tình yêu hay hạnh phúc sẽ còn có nhiều dịp để cứu vãn.
Mây đón tôi ở cổng. Chỗ nàng đứng trăng sáng bạc. Khu vườn phía sau cây lá lấp lánh ánh trăng, những vũng sáng trắng rung động trên nền đất đen.
- Sao lâu quá vậy? Mây hỏi.
- Bao giờ sự chờ đợi trong tình yêu cũng thấy lâu cả, tôi cười.
- Em tưởng anh quên.
- Quên à? Đừng nói giỡn, cái đầu con người sinh ra để làm gì? Anh đã nhớ từ sáng hôm kia lận…
- Mấy giờ rồi, anh – Mây cầm bàn tay tôi.
- Tốt hơn đừng để ý tới giờ giấc, anh chúa ghét giờ…
Tôi thấy nàng cười như một đóa hồng mới nở. Lúc gương mặt nàng ngước lên, đôi mắt kia to và sáng làm sao. Tôi đã thấy nhiều đôi mắt đẹp, nhưng chưa đôi mắt nào trìu mến, quyến luyến như đôi mắt ấy. Nó dường như bao giờ cũng bao trùm lấy tôi, muốn len lỏi vào trong tôi. Như có tỏa ra một thứ hương kỳ bí. Sự đau khổ, nỗi lo âu, ngay cả sự sống cấp thiết nhất của tôi bỗng không còn ám ảnh, ray rứt tôi nữa. Mọi thứ, trong ánh mắt ấy, đều vững chãi và tràn đầy hi vọng. Nếu có lòng can đảm nào để chiến thắng, có lẽ tôi sẽ chọn đôi mắt nàng để ấp ủ, nuôi nấng. Thật tuyệt diệu thay, đôi mắt đã thổi niềm tin, nghị lực, đời sống vào cho người. Đôi mắt của Mây bao giờ cũng thức tỉnh trong tôi một sự phấn đấu, và yêu đời.
- Em vào thay đồ đi, tôi giục.
- Bộ anh không vào sao?
- Anh chờ ngoài này, tôi nói lơ đãng, muốn ở trong vườn một chút.
Mây chạy thoắt vào trong. Ánh đèn điện chiếu sáng một vệt dài ra giữa sân. Căn nhà tràn đầy ánh điện. Tôi tưởng đó là một cái hang đá ấm cúng và đáng yêu nhất trên đời.
Tôi đi dần vào giữa vườn. Cây lá tĩnh mịch. Trăng sáng hiền hòa. Giấc mơ ngủ quên giữa khu vườn với Mây một đêm mùa hè hay một đêm trăng thu lại trổi dậy, khiến tôi nao nao. Tôi dừng lại trên khoảng đất trống, khoáng mát, nhủ thầm: Chỗ này có thể đặt một chiếc bàn, ít chiếc ghế. Tôi nhìn sang góc phải, bóng cây nhãn xà thấp xuống: Ờ, chỗ này có thể đặt chiếc chõng tre. Trong đầu tôi hình dung ra một buổi gặp gỡ thú vị: Những người bạn cũ, những người bạn phiêu bạt phương xa trở lại lần lượt quanh chiếc bàn. Trên bàn đã có café và trà nóng. Chúng tôi kể lại đủ thứ chuyện, từ chuyện ở trung tâm nhập ngũ, quân trường, hành quân, lưu lạc, lang thang, say sưa, vân vân. Mỗi đứa chúng tôi đều có nhiều chuyện để nhắc kể, những phút im lặng, và rồi những tiếng cười vang dậy. Dĩ vãng của những khổ ải, chết chóc lận đận được nói tới như là một chuyện tiếu lâm. Một giấc mơ. Thực tế là sự họp mặt có trà nóng, café, hay rượu. Ký ức của sự khốn đốn bao giờ cũng xa mù, hư huyễn, có thể giúp cho rượu trà thêm ngon.
- Anh đâu? Tiếng Mây vọng lại.
- Thử tìm coi, tôi cười.
- Có phải chỗ “đặt cái bàn” không?
- Đúng rồi. Bây giờ chỗ này còn là chỗ tụ họp bạn hữu nữa.
Tiếng Mây cười như loé sáng trong khu vườn tối.
Ra tới đường, tôi hỏi:
-Em định đi đâu?
-Tùy anh, nàng vẫn ngoan ngoãn đi cạnh tôi.
- Anh không quen quyết định với phái nữ.
- Anh đã tập dần từ bây giờ sao? Mây ngước nhìn tôi.
- Tính anh vậy, anh không thích tập cái gì ngoài việc ép buộc phải tập.
- Có lẽ mấy năm đi lính anh đã tập nhiều thứ? Giọng nàng hơi trêu chọc.
- Đủ thứ. Tôi cười - từ đôi giày ống nặng trịch, chiếc mũ, bộ đồng phục dơ dáy.
- Còn gì nữa? nàng kéo tay tôi dừng lại.
- Tập bất cần mọi thứ, để chỉ cần em.
- Nhớ nhé?
- Khỏi cần em nhắc  – Tôi quay nhìn nàng, có cần long trọng tuyên thệ không?
- Không, nàng đưa tay lên miệng cười, em không muốn anh làm chính trị.
Chúng tôi đã đi dần ra đầu phố. Tôi trông thấy màu trăng bàng bạc ở bồn cỏ ngã năm, khu đất trống cạnh đó. Đèn điện của các dãy phố không sáng đủ ra tới mặt đường. Những bóng đèn đường đỏ bệch. Ánh trăng vì thế tỏa rộng, bao trùm cảnh vật. Khu phố bỗng bé nhỏ, thấp hẳn, rất dễ thương. Chúng tôi ghé lại hiệu sách báo bên này đường: Những tờ báo phụ nữ, kịch ảnh, kỹ nghệ, sân khấu, treo lủng lẳng trên dây thép. Bên cạnh những tờ báo màu sắc, kềnh càng đó, một hai tạp chí văn học nhỏ bé khép nép trông tội nghiệp. Tôi nghĩ bụng, có lẽ văn học đang bị sân khấu, kịch ảnh, phụ nữ, kỹ nghệ đè bẹp. Tôi định mua một tờ tạp chí tuyển tập văn chương nhưng nghĩ sao, tôi bỏ ý định. Có lẽ không có gì trong đó để đọc, tôi nói thầm.
- Anh đã đọc truyện này chưa? Mây chỉ vào tủ sách.
- Đọc rồi.
- Còn truyện này?
- Rồi, cũng mới đây thôi – Tôi cười cũng nhờ được nằm nhà thương mấy tháng… không thì chắc khó đọc được.
Tôi nhờ đứa bé mở tủ lấy cuốn “Uyên Ương Gãy Gánh” của Kahlie Gibran.
- Em đọc cuốn này chưa? Tôi nhìn nàng.
- Chưa. Em ít đọc sách, giọng nàng bỡ ngỡ.
- Vậy thì đọc đi. Nên đọc ít sách.
- Tại sao quyển này? Nàng có vẻ không bằng lòng.
- Buồn và đẹp lắm, nó sẽ giúp chúng ta thêm tình yêu, nghị lực và phấn đấu. Cái nhan của cuốn sách không hề gì đâu, chỉ trừ khi chính chúng ta đổi khác.
Tôi mua thêm hai chiếc lọ cắm hoa bằng sứ, một chiếc bank tóc, và một xấp bì thư. Chúng tôi đi thực chậm, dọc theo đường phố, nhìn mặt trăng đã lên cao. Trăng đang ở giữa đường phố. Nó ngự trước mặt chúng tôi. Tươi mát và quyến rũ.
Các cửa hàng bán vải đông khách. Phần nhiều là đàn bà, con gái. Các mẫu hàng mới bao giờ cũng hấp dẫn họ, như những  nhà chơi  đồ cổ thấy được món đồ xua quý.
- Đàn bà là tượng trưng cho nghệ thuật, tôi cười với nàng.
- Nghệ thuật gì cơ – Nàng làm bộ ngạc nhiên, có phải nghệ thuật vải vóc không? Nàng mỉm cười.
- Đó cũng là một nghệ thuật. Nếu không có đàn bà thì vải vóc sẽ không có thêm loại hàng nào mới.
Mây lướt nhìn qua các cửa hiệu vải chật ních những cô gái.
- Từ đó đời sống chẳng biết sẽ ra sao nữa phải không? Tôi nhìn nàng.
- Lúc đó các anh hoặc lên thiên đàng hết hoặc xuống địa ngục hết chứ gì? Nàng cười rúc rích bên vai tôi.
- Có lẽ rủ nhau xuống địa ngục, tôi nói. Xuống dưới địa ngục còn hi vọng gặp con gái nhiều…
Chúng tôi đi ngang qua quán café Lệ Thủy. Quán tối. Nhạc bồng bềnh. Trong cái ánh sáng mờ nhạt, khói thuốc bốc mù từng góc nhà. Những bóng đèn mầu ở các góc u ám. Tôi bỗng nhớ tới lời Hiếu, con gái ưa vào quán dầu có trăng đẹp. Tôi biết Mây không là loại con gái ưa ngồi quán sau vài lần mời nàng, đưa nàng lại quán Phượng. Hình như nàng đã nói quán chỉ để lúc nào không còn chỗ nào đí, ghé quán một chút cho đỡ mỏi. Tôi cố ý nhìn vào quán, Mây trông thấy.
- Anh thích vào đó? nàng hỏi.
- Em thích không? tôi cười.
- Lò sát sinh, nàng bỗng cười.
- Sát sinh tập thể, tôi tiếp.
- Trăng, biển, bãi cát, khu vườn, hàng dương, dãy ghế ở bệnh viện, bến ghe, sao có nhiều chỗ thích thế mà người ta lại chui vào đó nhỉ? Giọng nàng nghiêm nghị.
- Tại người ta đã mỏi chân, tôi liếc nhìn phản ứng nàng.
- Mỏi chân gì nhiều vậy, nàng quay lại nhìn tôi.
- Tuổi trẻ rất ưa mỏi chân, tôi cười.
- Bởi cả ngày họ chạy nhiều? Nàng chờ đợi.
- Có lẽ, tôi nói, thường thường tuổi trẻ bây giờ già sớm lắm.
Chúng tôi ghé vào một hiệu bánh ngọt. Tôi mua vài thứ kẹo, một gói hạt dưa, một trăm gram bánh. Ngoài đường trăng vẫn sáng. Thành phố vắng bớt xe cộ nên rất êm đềm. Những cô gái mặc áo cụt chở nhau trên xe đạp có vẻ nhẹ nhàng, thơ mộng như trên một màn ảnh. Họ tươi mát, tràn đầy sinh lực, nhởn nhơ, giữa cảnh phố xá hơi hiu quạnh, trống trải trông dễ gợi mơ mộng. Họ là những cánh bướm của đời sống. Tôi tưởng tượng đến một khu phố sâu hút, cây lá trời thu, những cánh bướm nhởn nhơ lặng lẽ kia sẽ khơi dậy nguồn sinh lực của trời đất, và lòng người. Sự thanh bình yên ổn luôn luôn ở trên những cánh tay trần mịn màng đó.
Nhìn từ giữa phố xuống cuối đường, quang cảnh mờ ảo dưới trăng, thực quyến rũ. Tôi nghĩ bụng, sự đau khổ có thể quên trong một đêm với trăng, và niềm hoan lạc an lành sẽ nhẹ nhàng lưới tới mà chúng ta không hay biết. Nếu tưởng tượng, chúng ta thấy như là rất khó. Chẳng hạn như lúc này, tôi thực sự đã quên hết những ngày tháng thống khổ, nổi quằn quại thể xác và ngay cả cái mỏi mệt trước khi rời quân y viện. Quả thực con người có khả năng thích nghi mầu nhiệm – nhất là những thích nghi khoái lạc.
Tôi nói với Mây những ý nghĩ tôi về trăng, thành phố, những kỷ niệm đen tối, sự hy vọng dễ dãi, nỗi ngạc nhiên về những khám phá nơi mình từ ngày gặp nàng. Mây vừa nhai kẹo, vừa cười mủm mỉm. Nàng làm như thể tôi đang kể với nàng một câu chuyện cổ tích. Tôi chợt sung sướng vì sự lơ đễnh của nàng.
Chúng tôi đối diện với biển: Mặt nước đen óng ánh trăng, gió, hơi nước, và nỗi bao la hiu quạnh. Chúng tôi đi bộ, dọc theo bãi cát, im lặng. Phía dưới những con sóng xô nhau đập vào bờ bọt nước trắng xóa, vài con còng lăng tăng. Phía trên, bờ cát cao, những cặp tình nhân, những mỏm cát nhô lên, vài chiếc quán lập lòa ánh đèn, con đường trống, những ngôi biệt thự bỏ phế. Cát vàng trải dài dưới những bước chân chúng tôi. Trăng ở đây rực rỡ và giá lạnh hơn.
Tôi cầm tay Mây dừng lại:
- Mình ngồi đây đi.
Mây ngồi xuống.
- Nhìn biển lúc này dễ sợ quá anh nhỉ, nàng đăm chiêu trông ra khơi.
- Bởi vì mình bé nhỏ quá, tôi nói.
- Không, có lẽ mình cô đơn quá. Mây nhìn tôi.
- Có lẽ vậy. Phải có nhiều thì giờ để biết mình như thế, mới sống đủ.
- Nếu không thì cứ ngỡ mình là cái rốn của vũ trụ.
- Bởi thế anh yêu mến những người nghệ sĩ.
- Hình như anh có nhiều bạn là nhà thơ, Mây nói giọng hân hoan.
- Có.
- Em muốn anh làm thơ, nàng cười.
- Nếu em muốn là được, bây giờ anh chỉ cần cây bút và tấm giấy. Tâm hồn và cuộc đời đáng quý hơn nhiều. Anh yêu mến hai cái đó hơn đọc thơ…
Bầu trời yên tĩnh đến nỗi khiến tôi bàng hoàng. Nếu không có Mây ngồi cạnh, có lẽ tôi không đủ can đảm ngồi lại nữa. Tôi nhìn dọc bãi cát, những cặp tình nhân đã rời nhau dần, cuối bãi, hình như còn có bóng hai người ngã vào nhau. Sóng biển cuồn cuộn dữ dội hơn, những con nước đã mấp mé  tới chỗ chúng tôi ngồi. Ánh trăng vàng ánh, nhảy múa, rung động trên mặt nước hư ảo. Một phút, tôi bỗng tưởng tôi đã ngồi đây từ lâu lắm, không biết từ năm tháng nào. Tôi cảm thấy lạc lõng với sự tưởng nghĩ lung lạc đó.
Mây nói:
- Em sợ.
- Em sợ sóng biển? Tôi lo lắng.
- Sóng biển, gió, bóng tối, bầu trời, bãi cát… Nàng như thì thầm.
- Còn như thế là tốt, là vui vẻ, đó là hiện tượng của những tình cảm đáng quí. Khổ cho anh là anh không còn biết sợ gì nữa cả, ngay cả người chết, ma quỉ, thần thánh…
Mây ngồi yên lặng, ngã đầu dựa trên vai tôi.
- Người chết, tôi lặp lại, anh không còn phân biệt được nữa.
Có rất nhiều người đã chết nhưng anh tưởng họ như còn sống.
- Anh không sợ gì thật sao? Mây bỗng ngồi nhổm dậy.
- Thật. Tôi vui với giọng hỏi của nàng.
- Suy nghĩ kỹ đi, năm phút. Nàng cười trở lại.
- Có, tôi thốt lên, anh chỉ sợ sự gian dối.
- Còn nữa, nàng chồm tới đầu chạm vào trán tôi.
- Hết rồi, tôi lười biếng - tin tưởng đáp.
- Có sợ mất em không? nàng lại cười vang lên.
- Dĩ nhiên, con mèo. Tôi ôm đầu nàng trong hai bàn tay tôi.
Chúng tôi hôn nhau thực lâu.
- Ước gì mình có thể ngủ tại đây với cát, biển, gió và trăng – Nàng nói mơ hồ bên tai tôi.
- Điều đó dễ lắm, con mèo. Chúng ta chỉ có những ước mơ bé nhỏ - một giọng nói vọng lại.
- Ngày mai…
- Bao giờ cũng hãy tin vào ngày mai. Đó là một câu kinh nhiệm mầu.
Đưa Mây trở lại nhà, tôi vội vã trở về. Phố vắng. Trăng trong. Con đường bỗng rộng, dịu dàng, hiền từ như trong tranh. Lúc này tôi chợt để ý tới chiếc cravate: Nó trở nên kỳ dị. Giữa đường phố đã đóng cửa gần hết, vắng người, chẳng lẽ tôi lại giữ chiếc cravate ở cổ để lấy oai với những bác cảnh sát? Tôi tháo cởi cravate nhét vào túi dầu nghĩ, với cảnh sát hay quân cảnh rất nên đeo cravate. Vả lại, tấm giấy phép của tôi cũng đã hết hạn từ lâu.
Từ ngã năm, tôi nhìn thấy con đường phố thẳng tắp, sâu hút, và mờ ảo. Ánh trăng đã làm cho mọi thứ trở nên mờ ảo và dễ thương. Tôi nghĩ bụng, chưa bao giờ tôi lại được trông thấy một cảnh phố  tuyệt vời như vậy. Sự tĩnh mịch, có vẻ xơ xác, đìu hiu của phố trái ngược với sinh hoạt thường ngày của nó, đã khiến nó có một nét quyến rũ khác thường. Tôi yêu phố xá về khuya. Bời vì, nó đã gợi lại trong tôi một cảm giác thanh bình hay thơ mộng, mà lúc nó thức dậy, nó đã đổi khác. Trong ký ức tôi về những thành phố đã sống, đã dẫm bước lang thang, chỉ còn lại những góc phố hiu hắt, vắng lặng. Lúc bấy giờ chúng tôi đi thênh thang giữa phố, đi lững thững trên hè, tay cầm những khúc bánh mì và rượu, ăn uống như trong nhà của mình. Cười nói, đùa giỡn, tâm sự, hoặc hứng chí ngâm thơ. Những bài thơ đầy ắp yêu thương và chí khí ngút trời…
Tôi dừng lại xe bán bánh mì mua bốn ổ bánh mì thịt lớn. Có hai cô bé cũng đang chờ đợi. Dáng nữ sinh. Tay cầm quyển sách dày. Có lẽ họ cần bánh mì để thức khuya học thi. Học sinh và bánh mì là hai hình ảnh không thể rời nhau. Bánh mì đã giúp phần xây dựng tương lai của họ. Riêng tôi bánh mì đã chẳng xây dựng gì cho tương lai của tôi, nhưng nó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, quí giá, từ thuở còn đi học, đến thời vào lính.
Hai cô bé cười rúc rích như thể họ nghĩ rằng tôi không ăn bánh mì được. Tôi sống với thứ gì lạ lùng lắm. Những con thỏ con ơi, em đã lầm, không ai sống mà không cần bánh mì cả, ngay đến Phật hay Chúa. Là người sự sống đều sống nhau. Có những cái tầm thường như nhau. Tất cả đều phải ăn và bài tiết. Tôi bước đi thẳng không quay lui lại, nói thầm với mình: Không có gì để ngạc nhiên. Phải giảm bớt sự ngạc nhiên đi, để đời sống tăng thêm ý nghĩa. Tôi cười: hãy lạc quan lên như những ổ bánh mì thịt trên tay, những con thỏ.
Tôi quẹo vào ngõ, bước lại ngồi ở hiên nhà, ngước nhìn lên mặt trăng: Trăng vẫn còn. Sáng. Tràn đầy sinh lực. Tôi vui mừng như trăng đầy.
Đèn điện ở bàn Hiếu vẫn còn sáng. Hiếu vẫn thức như vậy để chờ những hôm tôi đi chơi về muộn. Ánh sáng ở phòng Hiếu thực ấm. Nó khiến tôi hân hoan và hạnh phúc vô cùng. Tôi như một lữ khách lỡ bước nhìn thấy bóng đèn leo lét ở một xóm xa.
Tôi gõ nhẹ cửa.
Tiếng dép Hiếu kéo trên sàn.
- Về sớm vậy? Hiếu cười.
- Bị cảnh sát đuổi rồi, sớm gì nữa – tôi đặt bốn ổ bánh mì lên bàn.
- Làm gì dữ vậy? Giọng Hiếu ngạc nhiên.
- Để đón trăng. Tôi tháo áo quần.
- Cậu uống trà hay café?
- Hai thứ. Tôi cười.
Hiếu rời quyển sách, đi pha trà và café.
Vợ Hiếu và hai đứa nhỏ đã ngủ. Vợ Hiếu thường ngủ rất sớm cùng với hai đứa con. Có lẽ cuộc đời của chị đã tùy thuộc vào đứa con. Tôi tìm thấy ở đời sống của chị  một hy sinh lớn lao và tuyệt đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật. Từ ngày về sống với gia đình Hiếu, tôi biết yêu quí và cảm phục đàn bà nhiều hơn. Những cảm tưởng hời hợt và sai lệch cũ biến mất, nhường lại cho một tình cảm tha thiết sâu đậm về một mái gia đình. Gia đình, đó là một hạnh phúc gần gũi, có thực, mà chúng ta có thể cầm giữ được. Ngoài ra, hết thảy đều là những chiếc bong bóng mầu sắc, chúng có thể vụt bay và nổ tung, nếu ta lơ đễnh. Tôi cảm thấy, một căn nhà đúng nghĩa phải là một căn nhà có đàn bà, và trẻ thơ. Tôi đã sống rất lạc lõng và thiếu hai thứ đó, dầu tôi vẫn có một căn nhà ở dưới quê mỗi khi tôi trở về. Và tôi đã chứng kiến một căn nhà bếp tẻ lạnh, u ám, của gia đình một người bạn ở Dục Mỹ khi anh ta và vợ phải sống riêng. Hình ảnh những soong chảo, chai lọ, chén đĩa… im lặng, buồn bã; tự dưng bám chặt vào đầu óc tôi, mỗi lúc tôi nghĩ tới một mái gia đình.
Hiếu mang khay đựng trà và café ra trước hiên. Tôi vác bàn và hai chiếc ghế theo sau.
- Ồ, tuyệt. Trăng xế ngay hiên nhà. Tôi trầm trồ.
- Cái hiên rách nát này đã bao phen tiếp khách giang hồ, Hiếu nói.
-  Một chỗ nghèo nàn tuyệt diệu.
- Tôi vẫn thường ngồi ở đây, Hiếu ngồi chắc chắn vào ghế, những đêm khó ngủ.
- Một mình? Tôi rót trà ra tách.
- Cậu khéo ngớ ngẩn, Hiếu cười, nhà tôi cũng rất thích uống trà và café.
Tôi chia bánh mì cho Hiếu. Chúng tôi cùng ăn. Suốt buổi tôi đi bộ với Mây, lúc này bánh mì thực cần thiết. Tôi nghĩ bụng, có lẽ Mây cũng đói. Con gái thường dễ no, nhưng cũng rất hay đói. Tôi cảm thấy tiếc là không quay trở lại để chia cho nàng một ổ.
- Tôi ước sau này về, được sống như anh. Tôi tâm sự.
- Tưởng cậu ước thêm cái gì chứ sống như vầy, dễ lắm, không tốn gì nhiều đâu. Hiếu vui vẻ.
- Tôi ngại…
- Chỉ ở mình hết. Tập sống giản dị và bình lặng là những cái mà cậu đã có.
- Tôi muốn sau này có một ngôi nhà ở quê. Sống ở quê hợp với giấc mơ của tôi.
- Cậu đã có rồi, Hiếu cười, Mây có một ngôi nhà khá xinh với vườn rộng…
Tôi cúi uống một hớp trà để dấu sự xúc động, đồng thời không  trả lời câu hỏi của Hiếu. Quả thực tôi không ngờ Hiếu đã nói câu đó lúc này, và tôi có được hạnh phúc nhanh chóng như thế. Dầu chưa được biết ngôi nhà của Mây ở quê ra sao, khu vườn trồng tỉa như thế nào, nhưng tôi có cảm tưởng y như tôi đã sống, đã làm việc, đã ấp ủ rất nhiều điều trong ngôi nhà có khoảnh vườn ấy. Nó quen thuộc lắm. Nó cũng quyến rũ lắm.
- Sao? Hiếu hỏi, nhìn thẳng vào tôi, cậu coi đã lập nghiệp ở đây được chưa?
- Rồi, tôi cười lớn, ra đi tôi nhờ cả ở cậu…
- Mang rượu tới phải không?
- Mang tới gấp, tôi đã ăn hết ổ bánh mì, càng sớm càng tốt.
- Tôi vừa sắm được chiếc áo dài, Hiếu cười khẽ, có lẽ khăn đóng cũng dễ mượn…
Hiếu kể tôi nghe thêm về Mây: Học trò cũ của anh năm đệ nhất, nhu mì nhưng bản lĩnh, đa cảm nhưng không yếu đuối, là hoa khôi của trường những năm Hiếu mới đến dạy. Nói tóm, Hiếu đồng ý tôi mang rượu trà tới nhà Mây như đã dự định. Tôi ngồi nghe anh nói, ăn hết hai ổ bánh mì còn lại. Sự sung sướng và hạnh phúc khiến tôi ăn rất khỏe. Giá có thêm vài ba ổ bánh mì nữa, tôi dám ăn hết lắm. Hạnh phúc đòi hỏi ăn uống nhiều hơn tôi đã nghĩ.
Trăng sáng ngời ngoài ngõ.
Đêm có trăng như thuở thái bình.
Chúng tôi cùng uống café và hút thuốc.
Đúng như lời hứa đêm hôm trước, sáng nay Mây không có mặt ở bến xe. Tôi và Hiếu đến quá sớm, tài xế còn ngủ. Chỉ có mấy người phụ xe giúp vài hành khách có đồ đạc cồng kềnh đưa lên trần. Những ngọn đèn mầu quanh hông xe đã bật.
Chúng tôi vào quán gọi café, và bún bò giò heo. Bà chủ quán mắt còn lem nhem, la gọi đứa con gái còn đắp chăn ngủ ở phản. Quán có vài người ngồi. Họ co ro với điếu thuốc. Gió buổi sớm thực lạnh. Tôi ngồi đối diện Hiếu, nhưng mắt vẫn ngó ra bến xe.
- Cậu hết lo sợ rồi, Hiếu nói.
- Hi vọng, tôi bỡ ngỡ quay lại, có lẽ nàng không đến thực.
- Bây giờ cậu mới bắt đầu sống, Hiếu nhìn tôi áy náy.
- Cuộc sống đầy những xúc động. Tôi mỉm cười.
- Cậu đã có một đời sống rất đẹp.
- Và cả anh nữa, tôi cười.
- Tôi vẫn tự nhủ hãy cố gắng sống cho đẹp, Hiếu nói lơ đãng, bởi đời sống vốn có nhiều thứ không đẹp.
- Như vậy ít ra mình đỡ hối tiếc, tôi mồi thêm một điều thuốc.
Tôi quay lại nhìn ra bến xe. Chiếc xe đã nổ máy. Phía dưới chỗ quày vé, đèn điện đã bật sáng trưng. Hành khách đứng ngồi chung quanh đã đông.
Đứa con gái bà chủ quán mắt còn đầy ghèn bưng hai tô bún bốc khói ra đặt trước chúng tôi. Hiếu nhắc nhớ hai tách café sữa. Nó lẳng lặng bỏ đi.
Tôi mang gói quà của Mây đặt lên bàn. Đêm hôm tôi phải cẩn thận bọc ba lớp giấy những thứ Mây đem cho tôi. Lúc từ sân ga trở về, Mây đã chạy vào nhà lấy gói đồ, như thể nàng chợt nhớ  tới một cái gì suýt nữa là quên mất. Tôi cũng tưởng là những thứ không được chuẩn bị trước, nhưng về đến nhà, mở ra, tôi mới sửng sốt. Tôi nghĩ, ít ra nàng đã phải mất suốt buổi để tìm mua và gói ghém những thứ này:
Một xấp bì thư đã dán sẵn tem. Hai cuốn sách. Một đôi tất. Hai chiếc khăn lông lớn. Mười gói thuốc. Một hộp bánh. Một ống kem và bàn chải đánh răng. Ba chiếc áo thun trắng. Một hộp dao cạo râu.
Tôi đã đề nghị với Hiếu để lại những thứ lặt vặt ( như áo thun, kem đánh răng, tất, hộp bánh, khăn lông… ) nhưng Hiếu bắt buộc tôi phải mang theo. Anh ta nói tôi phải sống với những thứ đó, mới biết yêu quí đàn bà. Mới biết nhớ thương người ở lại. Nghe lời Hiếu, nhưng tôi lại cảm thấy sợ hãi những thứ ấy, khi đã xa Mây. Chúng sẽ nhắc nhở tôi nhớ nàng. Tôi sợ tôi yếu đuối và không đủ can đảm chờ đến ngày trở về. Xưa nay tôi chưa hề được ai lo lắng dầu là trong những lúc bị bệnh, hay có tai biến. Tôi đã biết tự lo lấy từ thuở lên tám, khi mẹ tôi mất. Từ đó, tôi tự chăm sóc, an ủi, lo lắng lấy tôi, như một kẻ già cả và lẻ loi nhất. Gói quà của Mây vô tình nhắc tôi nhớ lại cuộc đời mình mà rất lâu tôi đã quên, đã cam chịu.
Sau cùng, tôi gởi tặng hai đứa con Hiếu hộp bánh, còn chia cho anh ta năm gói Cotab. Hiếu im lặng nghe lời tôi như một bà mẹ thương con.
- Xe sắp chạy rồi, Hiếu nói.
- Họ mới gọi hành khách lên xe thôi, tôi cúi xuống tách café.
- Mình đến là vừa, Hiếu tỏ lo lắng.
- Chậm một chút, tôi thong thả uống café, kéo dài được giấy phút nào càng tốt. Kinh nghiệm đi xe đò cho tôi biết, từ lúc gọi lên xe, đến lúc xe chạy nhiều lúc tới ba mươi phút.
Hiếu ngồi im lặng. Anh nhìn tôi đầy thương cảm.
- Tôi sẽ viết thư về cho cậu, tôi nói.
- Nhờ việc gì thì cho biết luôn, Hiếu khẽ nhếch một nụ cười.
- Chắc rồi, tôi cười.
Tôi là người hành khách sau cùng nhảy lên xe. Lão tài xế càm ràm vì sự trễ nải của tôi. Hiếu giơ tay vẫy tôi. Xe chạy. Tôi cố nhìn lại sân bến xe. Hiếu vẫn còn đứng yên. Lạ thay, hình như tôi vừa trông thấy bóng Mây chạy ra khỏi khoảng tối dưới bóng cây. Nàng vụt chạy thoắt ra, đưa tay gọi tôi như một cái bóng lảo đảo…

Tuy Hòa, tháng 6 năm 1971
(Trong tạp chí Thời Tập - số “Tuyển Tập Nhà Văn Trẻ” - 1974
)

---------------------------------------------------------------------------------
 
Ghi chú của tác giả: “Cám ơn Nhà thơ Trần Thi Ca đã photo gởi cho 1 tập khi tìm thấy trong thư viện”. MVL.

 
 
 
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long