VINH HỒ




Ca Dao Tục Ngữ, Thành Ngữ
Có Dính Dáng Đến Chó

                                         (Sưu tầm)

Trong số những con vật gần gũi nhất với con người là chó mà hình ảnh của nó góp mặt khá nhiều trong tục ngữ ca dao VN. Tôi đã sưu tầm và sắp xếp theo mẫu tự ABC. Trong năm mới kính mời quý đồng hương đọc cho vui, và cũng có thể rút ra những bài học quý giá, thâm thúy, mà tiền nhân đã kín đáo gởi gắm qua hình ảnh con chó dễ thương này.
Ăn cùng chó nói xó cùng ma
Ăn khoai cả vò/ăn chó cả lông
Ăn rồi xách đít ra về/thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
Bạch cẩu huỳnh đầu lưng đới ấn/thuộc hàng chó quý chó tinh khôn.
Bán gà tránh trời gió, bán chó tránh trời mưa.
Bắt khoan bắt nhặt mà chi/đến khi chó cắn lại chìa con ra
Bẩn như chó
Bọ chó múa bấc (bất tài mà lại thích phô trương).
Cẩu thả
Chạy rông như chó dái
Chết như một con chó
Chỉ chó mắng mèo
Chó ăn đá, gà ăn sỏi (nơi đất đai cằn cỗi)
Chó ăn trứng luộc
Chó ăn vụng bột
Chó bỏ giỏ cua
Chó cái trốn con
Chó cái bỏ con
Chó càn cắn dậu (hung hăng bừa bãi)
Chó cắn áo rách (nghèo còn bị hại)
Chó cắn càn
Chó cắn thì chìa con ra
Chó cắn ma
Chó cắn giậu
Chó cắn trộm
Chó cắt tai
Chó chạy cùng sào
Chó chạy hở đuôi
Chó chạy trước hươu
Chó chạy bờ ao, chuột chạy bờ rào
Chó chạy đường cùng
Chó có chê cứt thì người mới chê tiền
Chó chê cơm
Chó chê khỉ lắm lông/khỉ lại chê chó ăn dong ăn dài
Chó chê cứt nát (khó tính hay đòi hỏi).
Chó chết hết chuyện
Chó chết hết cắn
Chó chui gầm chạn (chạn hay chạn bếp, chạn chén bát, chỉ cảnh ở rể)
Chó có váy lĩnh/chó mặc váy lĩnh
Chó cùng đường cắn đau
Chó ba năm mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy
Chó dữ mất láng giềng.
Chó ba năm mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy
Chó dại có mùa, người dại quanh năm
Chó dại cắn càn/chó dữ cắn càn
Chó dại cùng đường
Chó đá vẫy đuôi
Chó đá qua sông
Chó đâu chó sủa lỗ không/chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
Chó đen giữ mực (cố chấp, không thay đổi)
Cho đen không đổi được lông trắng
Chó đen quen ngõ
Chó đớp phải ruồi
Chó đú, lợn sề
Chó gầy hổ mặt người nuôi/chàng gầy hổ mặt thiếp tôi lắm chàng
Chó ghét đứa gậm xương/mèo thương người hay nhử
Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi/chưa chồng mà đã có mười mặt con
Chó già giữ xương
Chó già, gà non
Chó giống cha, gà giống mẹ
Chó giữ nhà, mèo bắt chuột
Chó giữ nhà, gà gáy trống canh (phân công)
Chó giữ nhà, gà gáy sáng
Chó húp cháo nóng
Chó ham thả mồi bắt bóng
Chó ỉa bờ giếng không sao/chó ỉa bờ ao thì bị người ta cắn cổ
Chó kể công coi nhà giữ cửa/ngựa kể công đưa chủ đi về/đánh đông dẹp bắc
Chó khom lưng vãi cải, chó le lưỡi vãi mè
Chó khôn tứ túc huyền đề/tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong
Chó khôn chớ cắn càn
Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà
Chó khôn chẳng sủa chỗ không
Chó liền da, gà liền xương
Chó mà điên dại có mùa/người mà điên dại không mùa không năm...
Chó má
Chó nào chủ nấy
Chó ngáp phải ruồi (may mắn ngẫu nhiên)
Chó nhảy bàn độc
Chó ngồi ló đuôi
Chó ngồi bàn độc
Chó nhà nào sủa nhà nấy
Chó quen nhà, gà quen chuồng
Chó nhà quê đòi ăn mắm mực
Chó săn, chim mồi/chó săn gà chọi
Chó săn nhanh, thỏ trốn cũng nhanh
Chó sủa là chó không cắn
Chó sủa mặc chó, người lữ hành cứ đi
Chó sủa trăng
Chó tha đi, mèo tha lại
Chó tháng 3, gà tháng 7
Chó tiền rưỡi
Chó treo, mèo đậy
Chó ỷ nhà, gà ỷ vườn
Chớ quen bán chó mua dê/vui cùng hạc nội đừng mê chi gà đồng.
Chơi chó, chó liếm mặt/chơi gà gà mổ mắt
Chuột chê xó bếp không ăn/chó chê nhà dột ra nằm bụi tre
Chuông đeo cổ chó
Chực như chó chực xương
Chửi chó mắng mèo
Coi vợ nhà như chó nằm nhà ván
Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo
Con mèo đập bể nồi rang/con chó chạy lại phải mang lấy đòn
Con mèo, con chó có lông/cây tre có mắt, nồi đồng có quai
Cọp lại sinh chó
Dù ai buôn bán trăm nghề/chẳng bằng nuôi chó huỳnh đề bốn khoen (huỳnh đề là móng treo sau chân)
Dữ như chó
Đã khó chó còn cắn
Đá mèo khoèo chó
Đàn ông biết đánh tổ tôm/biết ăn thịt chó biết xem nôm Thúy Kiều
Đánh chó phải ngó mặt chủ
Đánh chó ngó chủ nhà
Đầu chó máu mèo
Đen như chó mực
Đen như mõm chó
Đồ chó đểu!
Đói ăn thịt chó nấu riềng/bán rau mảnh bát lấy tiền nộp cheo
Đói không lo, lo chó chết
Đồ chó chết
Đồ chó dại
Đồ chó săn
Đồ chó cắn trộm
Đồ chó đẻ
Đồ chó má
Đồ chó ghẻ
Em như cục cức trôi sông/ anh như con chó đói đứng trông trên bờ
Gà què bị chó đuổi
Gà con ta để ta nuôi/đến mai ta gả con chó cụt đuôi cho mày.
Gái đâu có gái lạ lùng/nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao
Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó/ trai phải vợ như cò bợ phải trời mưa
Giàu sơn lâm kẻ tầm người kiếm/nghèo giữa chợ chẳng chó nào tìm
Giàu bán chó khó bán con
Giàu muôi chó khó nuôi con
Giàu cưng chó khó cưng con
Giả cầy người ăn như chó
Giậu nát chó ỉa
Giậm giật như chó tháng bảy
Giỡn chó, chó liếm mặt
Hà tiện mới có, phũ như chó mới giàu
Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi
Hát cho chó cắn bò lồng/hát cho con gái bỏ chồng mà theo/hát cho chó cắn bò kêu/hát cho ông lão trong lều bò ra
Hễ bảo quét sân đánh chết ba con gà/hễ bảo quét nhà đánh chết ba con chó.
Hình đi phất phơ, con mắt trõm lơ, như con chó đói
Hỗn như chó
Hục hặc như chó với mèo
Khẩu ó như mỏ chó
Khó chó còn cắn
Không chó có tiếng cắn theo/không gà có tiếng theo chiều gọi con
Không có chó bắt mèo ăn cứt
Khuyển mã chí tình
Lên voi xuống chó
Làm người thì khó, làm chó thì dễ
Làm như chó mữa
Làm kiếp chó ăn dơ
Làm chó gì
Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu
Lắt nhắt như chó đái
Lầm bầm như chó ăn vụng bột
Lầu bầu như chó hóc xương
Ló đầu thì nuôi, ló đuôi thì thịt
Lõm ngõm giường cao thấy chó ngồi
Lơ láo như chó thấy thóc
Lợn rọ, chó thui
Mài gươm dạy vợ/giết chó khuyên chồng
Mang chết chó cũng lè lưỡi
Mắng mèo quèo chó
Mắng chó chửi mèo
Mèo đàng, chó điếm
Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang
Mèo hoang thì gặp chó hoang/anh đi ăn trộm gặp thằng đào khoai
Mèo ở đậu khó/chó ở đậu giàu
Mỗi khi bị đạp xuống sàn/ngủ chung với chó còn than nỗi gì
Mồm chó vó ngựa
Một bồ dao găm/một trăm con chó
Một vác dao bầu/một xâu thịt chó
Một đầu cầu, mấy con chó chết
Một tiếng kêu cha/hai tiếng kêu chó
Mỡ gà thì gió/mỡ chó thì mưa
Nai chết chó cũng lè lưỡi
Nào ai chấp chó lỏ bòi
Ngồi xó ró như chó tiền rưỡi
Ngu như chó
Nhà bà có con chó đen/người lạ nó cắn người quen nó mừng
Nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm
Nhất chó sủa dai, nhì người nói lặp lại
Nhục như con chó/như chó với mèo (xung khắc)
Nói dai như chó nhai giẻ rách
Nói như chó ngậm cám,
Nói như chó ăn vụng bột
Nói như chó cắn ma
Phường chó lợn (hạng người đáng khinh)
Quăng xương cho chó cắn nhau.
Ra sức khuyển mã
Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa
Ruộng đất ê hề không bằng nuôi chó huỳnh đề bốn khoen
Ruộng bờ thẳng cánh cò bay/chó cong đuôi chạy, trâu cày cả trăm
Sống trên đời ăn miếng dồi chó/chết xuống âm phủ đâu có mà ăn
Sự đời bằng cái lá đa/đen như mõm chó chém cha cái sự đời
Thắt cổ mèo treo cổ chó (keo kiệt, bóc lột)
Thấy anh dựa cột liếm môi/anh ngó con chó anh lùi chân ra
Thịt chó chấm nước chó
Thông gia là bà con tiên/ăn ở không hiền là bà con chó
Tiếng gà khe đá gáy trăng/trong hang chó sủa như mừng bóng xuân
Trâu không có, bắt chó kéo cày
Trâu đeo mõ, chó leo thang
Treo đầu dê, bán thịt chó
Trông nó chó quá
Trơ như đầu chó đá
Xuỵt chó vô bụi.
Trong danh sách trên, hầu như thiếu vắng những câu bênh vực, ca ngợi, hay có cảm tình với chó. Những câu được gọi là có thiện cảm với chó đại để như các câu sau đây thì thật là ít ỏi.
-Chó đâu chó sủa lỗ không/ chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày
-Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang
-Dù ai buôn bán trăm nghề/chẳng bằng nuôi chó huỳnh đề bốn khoen
-Chó giữ nhà, gà gáy sáng.
Xã hội Tây phương đối xử với con chó tựa như đối xử với con người qua câu nói sau:
"Nhất con nít, nhì đàn bà, thứ ba mèo chó, sau đó mới đàn ông".
Hay trong Anh ngữ, đại từ He/She được dành cho chó mèo, ví dụ:
-I have a nice cat. She always follows me when I am at home.
-Go and find the dog to make sure that He is fine.
Trong lúc đó, xã hội VN, nạn ăn thịt chó ngày càng phổ biến, nạn bắt trộm chó "cẩu tặc" ngày càng trầm trọng, không sút giảm chút nào so với ngày xưa - được thể hiện trung thực qua những câu ca dao tục ngữ có dính dáng đến hình ảnh con chó:
-Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ đâu có mà ăn.
-Thịt chó chấm nước chó
Ca dao tục ngữ phản ảnh đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của người VN xưa rất đậm nét. Người VN có phong tục đặt chó đá trước cổng nhà, đền miếu để đuổi ma quỷ. Hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật có ý nghĩa cầu phúc, trừ tà; hoặc đặt chó đá trên bệ thờ coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Tục lệ thờ chó đá cũng được nhắc đến trong tục ngữ:
-Chó đá vẫy đuôi
Có những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ theo tôi thuộc hàng tuyệt bút:
-Chó sủa mặc chó, người lữ hành cứ đi
-Chó ngáp phải ruồi
-Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu
-Đen như mõm chó
-Treo đầu dê, bán thịt chó
-Chó đâu chó sủa lỗ không/ chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
-Lên voi xuống chó
...
Hình ảnh chó thân thiết với con người, trung thành, thông minh khó có loài vật nào theo kịp, ngày đêm canh gác giữ nhà, nhưng lại bị lem luốc hầu hết trong kho tàng văn chương bình dân nói về chó:
-Sự đời bằng cái lá đa/ đen như mõm chó chém cha cái sự đời
-Làm người thì khó, làm chó thì dễ
-Nói dai như chó nhai giẻ rách
-Đồ chó cắn trộm
-Nhục như con chó
-Hỗn như chó
-Đồ chó chết
-Đồ chó dại
-Đồ chó săn
-Đồ chó ghẻ
-Đồ chó đẻ
Thiết nghĩ về nghệ thuật dùng chữ thì không còn gì hay hơn chữ "cẩu" ghép với chữ "thả": cẩu thả. Hay chữ "chó" ghép với chữ "má": chó má. Cả hai đều có ý nghĩa hoàn toàn mới so với 2 chữ gốc. Cữ chó má: có hàm ý nói rằng không có gì xấu xa ác độc đê tiện hơn. Các thành ngữ như "đồ chó má/trông nó chó quá", chữ chó là danh từ nhưng đã tự biến đổi thành tỉnh từ "xấu xa" thật là tuyệt diệu!
Người bình dân đã sáng tạo ra một kho từ ngữ dân gian mà hôm nay ngồi đọc lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên, thán phục. Nhờ những ngôn từ tái tạo thần sầu đó mà họ được giải tỏa bao nỗi ẩn ức tức giận chất chứa trong lòng trước những cảnh/tình đời trái tai gai mắt.
VINH HỒ sưu tầm
3/1/18
Tham khảo:
-Tục Ngữ Phong Dao, Quyển II: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọchttps://tusachtiengviet.com/a439/tuc-ngu-phong-dao
-Hình tượng con chó trong văn hóa
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_ch%C3%B3_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a
-Bài viết của Khải Chính Pham5 Kim Thư: http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=27990
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập