BAN BIÊN TẬP
             
 
CHỮ TÌNH
               Trong Thơ Nguyễn Ngọc Danh                     

 
 
NGUYỄN NGỌC DANH - nhà thơ, nhà biên khảo, một nhiếp ảnh gia nghệ thuật tài tử - một phong cách sáng tác độc lập nổi bật với góc nhìn thiên bẩm về Mỹ học …
Phát xuất từ sự cao nhã nội tại như thế, trong thế giới Thi ca của riêng mình, Nguyễn Ngọc Danh đã vẽ nên một chân diện tình yêu, một Cõi Tình riêng biệt. Người đọc có thể tìm thấy vẻ đẹp vừa lãng mạn nồng nàn săc hương cõi lụy nhưng cũng đồng thời rất u mặc, rất huyền nhiệm một cõi chân như…
                                                                     *   *   *
I. Trong cõi tình huyền nhiệm ấy, có SẮC MÀU HUYỀN SỬ  với TÌNH YÊU trọn vẹn thủy chung.
1.  - Tình yêu luyến ái nam nữ, vốn là đề tài đầy hấp lực, miên viễn của sáng tác văn thơ… Trong thế giới tình yêu bằng ngôn ngữ thi ca, những vần thơ của Nguyễn Ngọc Danh cũng khởi đầu viết về những sắc điệu tình yêu sâu lắng, nồng nàn, lãng mạn… Tuy nhiên, sự khác biệt tạo nên ở thơ tình Nguyễn Ngọc Danh với các dòng thơ tình yêu khác, là màu sắc huyền sử đậm nét, đẹp hiện thực và huyền ảo, đã tạo sự lôi cuốn rất riêng, bởi chất trí tuệ ẩn hàm, mạnh mẽ, đầy khí phách đậm sắc màu Hồn Sử Việt :
 
Có thể ta bắt gặp một sắc điệu yêu thương tình tứ nồng nàn của cõi mộng xôn xao :
Em đi nhặt lá Thu rơi
 Ðem lên rừng Nhớ ngồi phơi nắng thiền
 Ta về ý mã -  tâm viên
Chờ Em xuống phố với viền nón  xưa

Ý Mã, Tâm Viên - trong tư tưởng đạo học Đông Phương, tâm ý con người được ví như con ngựa lăng xăng, con khỉ động đậy. Con người tuy là chủ của Tâm Ý nhưng thực tế không thể kiềm chế chúng một cách dễ dàng. Dù chỉ một sát na ! “Ta về ý mã tâm viên” là trở về với con người thật của mình, một con người đầy trần tục vướng  mắc hệ lụy sân si… Và chính như thế, sự mong đợi trong tình yêu mới ray rứt, khao khát, mới rất người, rất đời mà cũng vô cùng lãng mạn …
Có  niềm khát khao mãnh liệt :
                                                “Ta ước mơ gặp em trong tiền kiếp
                                                   Một lần thôi là đổi cả trăm năm”
 
Hay  những tương tư khắc khoải đủ cung bậc điệu sầu :
 
Tố Như rút ruột Đoạn Trường
 Thơ ta tiếng dế vô thường lãng du
Gọi em ngoài cõi xa mù
Về đây mỗi độ gió Thu sang mùa…
 
Thật tiêu sái điệu nghệ phiêu bồng :
 
Thôi thì nửa gánh quan hà
Xin em ta gửi theo tà áo bay
Mai sau còn lại chốn này
Hồn thơ cổ tích trăng gầy mộ bia…
 
Trong những dòng thơ ấy, lối diễn đạt thật cô đọng mà hàm súc, có dư lực mở ra những trường liên tưởng sóng tiếp sóng trong lòng người …
 
b.  Nhưng đó chưa phải là điểm dừng trong thơ Tình yêu Nguyễn Ngọc Danh.  Điểm cuốn hút và làm nên một chân diện tình yêu rất riêng chính là ở vẻ đẹp gợi nhớ mênh mang lẫm liệt Hồn Sử Việt.
Những trang thơ đậm chất huyền sử luôn khắc họa thiết tha bước chân của một lãng tử thủy chung trong tình yêu đất Việt, miệt mài  đi tìm bức chân dung quê nhà thương nhớ ngàn năm :
 
Em từ huyền sử bước  ra
Thuở  hồng hoang nắng vỡ òa tinh khôi
……………………
Để tôi về lại cội nguồn
Tìm em khắp nẻo dặm trường sử xanh     (Bước Chân Huyền Sử)
 
Đó là một tình yêu lung linh cao vút bay theo dòng Sử Việt đi tận về cội nguồn….để nghe lời Cha Hùng ngàn năm trước, bú nguồn sữa thiêng từ vú Mẹ Âu Cơ …
 
Bởi em là cánh hạc bay
Tôi về Ngũ Lĩnh suốt ngày đợi trông
Bởi em Tiên mẹ-Cha Rồng
Gặp em tôi đứng giữa đồng ngẩn ngơ
 
Chân dung người tình thực sự ? Phải chăng là BÓNG HUYỀN SỬ đẹp đẽ ngọt ngào mang dấu ấn tâm linh cội nguồn, như sông  suối tự tình, giữ lại cho người nguồn sinh lực diệu kỳ trên bước đường viễn xứ lưu vong:
 
Có phải em tiên thân loài Hạc trắng. 
 Bay về đây từ Ngũ Lĩnh xa xôi.
 
Việt Nữ ơi ! mãi ngàn năm. 
 Hồn em là cõi hương trầm an vi.
 
Vì thế, mạch thơ tuôn trôi nhẹ nhàng, chân tình nhưng luôn hàm ẩn chất trí tuệ thâm ảo lôi cuốn khác biệt :
 
Em ngọn cỏ trong nắng chiều Cựu Ước
Nhánh lan gầy trong gió chướng Đông Phương
Cánh cò trắng thiền vũ khúc vô thường
Ta vụng dại niệm nhầm chương vô tự
 
Em như Xuân đến có mận đào.
Hạ huyền Cánh Bướm - Giấc chiêm bao
Ta thành Khuất Nguyên ngàn năm trước
Viết xuống vai ngà khúc Ly Tao.
 
Đi vào thế giới tình yêu trong những vần thơ Nguyễn Ngọc Danh, người đọc dường như được trôi trong cõi  trần thế đa đoan nhưng đồng thời  u mặc, cao nhã lạ thường :
 
Em vào nhập thất tinh khôi
Bỏ trang kinh lại giữa đời cho tôi
Về  qua phố thị đông người
Vắng em nào biết nói cười với ai ?
 
Vì em mỗi bước là thơ
Trong tôi bỗng mất dại khờ hồn nhiên
Ngày em mở cuốn sách Thiền
Tôi , trang Kinh Tạng còn nguyên mùi trầm … :
 
Những sắc điệu yêu thương mênh mang cao khiết ấy cứ làm con người day dứt yêu thương trong chất men lắng đọng những tinh khôi, yên tịnh mà diệu vợi vô cùng :
 Bởi em tiếng hạc bay qua /
Nhớ nhau rớt xuống chung trà lênh đênh
 
Tình yêu trong thơ Nguyễn Ngọc Danh là môt tình yêu vừa vướng mắc đậm đà hương vị bụi trần nhưng cũng luôn  lồng lộng, hiến dâng trong sắc màu huyền sử :
 
Có phải em tiền thân loài hạc trắng
Thiên di về từ  đỉnh Ngũ Lĩnh Sơn
Để hồn ta thành một khúc thơ Đường
Qua suối tóc chảy vào hồn chữ Việt
 
Vì thế, mỗi sắc thơ thể hiện đều mang tất cả khát khao cống hiến, những tâm tình hiến dâng hào sảng:
 
 Ta ước mơ thành chiến mã trời Nam
Chở  Em về miền Văn Lang huyền thoại
 
Vừa xôn xao trần thế vừa bát ngát cõi yêu, tưởng như đầy tình trần, nhưng rồi thoát tục đó ! Thơ Nguyễn Ngọc Danh có sức lôi cuốn êm đềm thấm sâu trong ta tự lúc nào chẳng rõ !. Cái vẻ đẹp trong những dòng thơ tình ấy là sự kết hợp tuyệt diệu của cao nhã u mặc nhưng không xa cách thoát  trần -  vẫn lãng mạn tinh tế  mà rất  nồng nàn hương sắc cuộc đời, nên dễ làm người đọc “bén lửa” ngay…  Và còn hơn thế nữa, cảm xúc yêu trong thơ Nguyễn Ngọc Danh là cảm xúc đã được tinh cất trọn vẹn men Thơ nên có sức “gây mê”, lay động lớn trong từng cảm nhận riêng ở mỗi trái tim tiếp cận…
Bức chân dung của người  tình si - khí phách trượng phu : 
Cứ như thế, không gian trong Thơ Nguyễn Ngọc Danh rộng lớn, hào sảng vừa ngập tràn thương yêu bao dung vừa chất ngất trí tuệ, nên chân dung người tình si cũng mang vẻ đẹp đầy khí phách của một đấng bậc đại trượng phu đĩnh đạc khoan hòa :
  Nếu là nỗi sầuTa nghe sầu muôn dặm / Theo chiến mã về kinh”, hay tận cùng sự cô đơn Quan san qua ải một mình”, thì đó vẫn là vẻ đẹp oai phong đầy tráng khí mang sức mạnh tung hoành :
 
 Quan san qua ải một mình
 Lục lạc, vó ngựa làm kinh núi đồi” !
 
Vẻ đẹp oai phong dõng dạc ấy là ước mơ đầy ắp hoài bão, thấm đẫm những tự tình dân tộc :
 
 Ta chẳng mơ màng cõi liêu trai
Dưới trăng trải mộng suốt canh dài
Đêm nay hóa kiếp thành tráng sĩ
Giữ  đất vua Hùng thủa sơ khai        (Giấc Mơ)
 
Hay cuồn cuộn dòng sinh lực Lạc Hồng trong Giấc Mộng Chim Bằng :
 
 Đã một thời mang gươm làm tráng sĩ
Với bạn bè hành đạo cõi phương Nam
Chắp lên vai đôi cánh của chim bằng
Bay vút mãi vào hồn thiêng đất nước 
 
Nếu dừng lại ở cách hiểu luyến ái nam nữ, thì thơ Nguyễn Ngọc Danh đều là những bài thơ tình diễm tuyệt, diễn đạt thành công hình ảnh người tình si lãng mạn với một tình yêu nồng nàn tha thiết mãnh liệt, thủy chung.  Tuy nhiên, trong Hình ảnh - Ngôn từ thể hiện, các sắc điệu Ý – Tình vẫn có những khác biệt với bao bài tình thi khác. Khí độ quân tử lẫm liệt, phong thái của bậc trượng phu… đã tạo nên một phong vị thật lôi cuốn, đầy hấp lực ẩn tàng trong thơ, rất mơ hồ dường có dường không, nhưng thật cuốn hút quyến rũ. Bốn dòng thơ sau thực sự dậy men say của khí phách và lãng mạn:
 
Bao giờ trăng biết đợi chờ
Ngón tay sen nở bên bờ Hằng sa
Bao giờ trăng hiện là hoa
Ta lên gõ cửa trăng tà mượn kinh
-- “Bao giờ trăng hiện là hoa / Ta lên gõ cửa trăng tà mượn kinh” … Câu thơ dung dị nhưng vô cùng sáng tạo trong hình ảnh câu chữ, cách diễn đạt, đã khắc họa thật tuyệt vời cái tiêu sái phóng túng ngang tàng, cái thiết  tha diệu vợi trong tâm phách…  Từ ý tưởng đến hình ảnh, chất thơ cứ đẹp ngời ngợi, người đoc hoàn toàn bị nhiếp tâm trước những tình tứ thiết tha mà ẩn tàng khí phách tung hoành hào sảng…của  một lãng tử chân đất, lãng tử trong tâm tưởng (*) luôn thủy chung, mạnh mẽ với một tình lệ non sông đất nước cùng nỗi thao thức khôn nguôi :
 
Từ đó em là sông / Theo mây về viễn xứ
Ta hồi chuông triêu mộ / Rền vang giữa vô cùng …
 
Thơ cũng là Người - Bóng dáng Hồn Sử Việt đã làm nên một tình yêu, một khí phách lẫm liệt rạng ngời như thế.
 
II. “Người từ vô tận tái sinh/đi qua trần thế mang tình nhân gian” (**) : Chữ Tình trong thơ là Cõi Tình nhân gian độ lượng… Những góc chân dung tình yêu trên, chỉ là một sắc điệu yêu thương trong thế giới thi ca Ngọc Danh.  Rộng lớn hơn, vi diệu hơn, Cõi Tình trong thơ Nguyễn Ngọc Danh còn là tấm lòng nhân gian độ lượng không biên độ - không khởi đầu, không kết thúc !  Là khoảng lặng mênh mang để người đọc tự tìm thấy những lắng trong cho bản thân mình khi trôi trên những dòng thơ…
Bốn câu thơ sau như một tuyên ngôn sáng tác của tác giả :
 
 Lấy nét vô thường của mênh mông
Chúa đem tô thắm nụ sen hồng
Phật đi khất thực qua xóm vắng
Đứng ngắm nụ cười nở hư không   
 
Nguyễn Ngọc Danh đã làm thơ “với tâm hồn Hư Không của Phật, với cái  “Vô” của Lão Trang, với chương trình tác tạo huyền diệu của Thiên Chúa trong Kito Giáo” (***), cho nên Không Gian Thơ cứ lồng lộng phiêu bồng. Cái vũ trụ rộng lớn bao la ấy không làm con người cảm thấy nhỏ bé - đối  lập, hoặc sợ hãi, hoặc thần phục ! Mà ngược lại, cứ làm ta cảm thấy nhẹ nhàng, hòa theo, tan đi, bay lên và … thở được. Và dẫu hình ảnh có là chiếc lá, giọt sương, vẫn thể hiện sự nâng niu thương yêu trân trọng. Vì thế mà có sức mê hoặc lạ lùng …
 
Nhấp chén trà thiền khói lung linh
Chẳng thấy Đạt Ma chỉ thấy mình
Tâm nghe từ cõi trời vô lượng
Tiếng hạc sang mùa nở hạt kinh
 
Cái “tiếng hạc” tự tâm “nghe thấy”,  trang kinh thư tự viết trong đốn ngộ lòng người, mở lòng đón nhận dào dạt sức sống đất trời : 
 
 Mở lòng với cõi mênh mông
Với trăng phố núi-với rừng mù sương
Với ai giữa cõi đêm trường
Trong mây tiếng hạc trên đường thiên di                              (Trăng Thiền 2)
 
 Những vần thơ dung dị, nhẹ nhàng, cực đơn giản :
 
Lênh đênh giữa cuộc vuông tròn
Khi còn hơi thở ta  còn nợ nhau.
Nợ chén nước, nợ bó rau
Nợ khu phố cũ, nhịp cầu bắc ngang
Nợ cha mẹ - Nợ họ hàng
Nợ dòng mực tím – Nợ trang sử buồn
Nợ tiền nhân – Nợ cội nguồn
……………………………………..
Nợ cay đắng – Nợ ngọt mềm
Nợ chiều loang nắng bên thềm tương tư
Nợ ru hời ! – Tiếng võng đưa
 
Chỉ những ai đã từng được sống, trải nghiệm, nhận thức và nuôi dưỡng ý niệm đẹp, thì mới nên vần nên điệu vừa chân thực sâu sắc vừa giúp cho người đọc thêm lần nữa, mở được cánh cửa tâm hồn mình !  Để lắng nghe và ngắm nhìn :
 
Vườn riêng cánh bướm Trang Chu
Thoáng như hư ảo, thoáng như nhập trần
Nắng chiều bóng ngã phù vân
Ngàn trang kinh sử cũng ngần ấy thôi
 
Co ro khoác ánh trăng Thiền
Cô đơn…bạch lộ mơ tiền kiếp xưa
Hỏi ai tới cõi bến bờ
Săc – Không xin gửi đôi tờ tâm kinh
 
Những giai điệu về đường bay của cánh chim trong ráng chiều lồng lộng,  tiếng hạc trong đêm, cánh cò trắng sãi cánh mênh mang phận người bên ly trà thiền sương khói phù trần … Không là Thơ, là hình ảnh nữa, người đọc lắng nghe được cả tấu khúc của Họa, của Nhạc… lắng nghe được nhịp thở đất trời … lắng nghe được tâm hồn lãng mạn tinh tế của Nguyễn Ngọc Danh -  một con người mà trong mỗi tác phẩm, vẫn giúp cho người thưởng ngoạn  ôm được cả uy nghi tiêu sái đất trời vào trong lòng mình.
 
Rồi miên man đến những vũ khúc của “cánh bướm Trang Chu” chập chờn “bóng nắng phù vân”  cứ trong suốt  đẹp nhiệm màu  – Để cảm nhận bằng tất cả trái tim : vẻ đẹp lớn lao cuối cùng đọng lại, vẫn là Bác Ái và Tư Bi, là trao ban yêu thương vô lượng. Những vần thơ chợt nhẹ nhàng tĩnh tại, ấm áp trong veo gần gũi, thâm ảo lạ thường vẻ đẹp nhân sinh !  
 
Liên tưởng đến truyện ngắn “Cánh bướm mùa hạ”, cùng tác giả -  Phải có huệ tâm, mới có thể viết nên câu chuyện đẫm thiền vị và lời kết thúc làm người đọc phải nghẹn ngào :  “Đừng khi nào hà tiện lòng từ bi và yêu thương . Hãy gieo hạt mầm yêu thương, rồi phép lạ sẽ đến, không hẳn cho mình, nhưng cho một người nào đó, ở một nơi chốn nào đó mà mình không biết..” Như tác giả đã gieo hạt mầm yêu thương ngay ở những tác phẩm nghệ thuật của mình, để người đọc tiếp tục nhận được phép lạ từ bi ấy.
 
 Nhất là cuộc sống hiện nay, cuộc sống tốc độ cứ làm con người có cái cảm giác bức bối, gò ép, ngạt thở. Ít ra, với riêng người thưởng ngoạn, mỗi khi đọc những bài thơ mang nội hàm 2 góc nhìn : Nghệ thuật và Triết học,  đầy sức sáng tạo, tràn ngập yêu thương ấy là có cảm nhận quăng bỏ hết phiền trược, ngột ngạt đời thường, thấy mình đẹp hơn, bay lên tan theo mênh mang vô biên và…được thở !
 
 Cõi Tình trong thơ NND vừa mang đậm vẻ đẹp Huyền Sử Việt với tấm lòng nhân gian độ lượng huyền nhiệm của người đã đạt được Lẽ Đời. Phong cách Thơ ấy là rất riêng của Nguyễn Ngọc Danh, không trùng lắp, không ai mô phỏng được. !… Bởi lẽ thơ Nguyễn Ngọc Danh đã giúp ta nhận ra điều kỳ diệu : thế giới thần thánh nào dẫu tôn nghiêm đến mấy mà một khi nhân duyên trần gian gõ cửa thì cũng dường như đã sống lại, vừa rất thánh khiết mà cũng rất đổi trần thế bởi tình yêu ngọt mật nơi thế gian này …  Hay vi diệu hơn, được nhận chân sâu sắc về  “cái Không trong đại ngã và cái Sắc trong tiểu ngã” để cảm nhận tận hưởng và sẵn sàng gửi lại nhân gian, tình yêu độ lượng biết mấy cho vừa…
 
III. Nghệ thuật :
 
1. Đặc điểm ngôn từ :
Với những giá trị tư tưởng đẹp đẽ vi diệu trên, chuyển tải được phải có  phong cách nghệ thuật đặc thù . Nổi bật về nghệ thuật trong thơ Nguyễn Ngọc Danh, có lẽ phải nói đến tài năng nhà thơ với « công phu khai quật ngôn từ thượng thừa » của một ngòi bút uyên bác trong biên khảo, điệu nghệ trong câu chữ. Giúp người thưởng thức  giải mã nhiều vấn đề  một cách logic và đơn giản,  chân thực, xác đáng hơn. Nói vui một chút, với người thân hoài tuyệt học, công lực phi phàm, thì một cái vẫy bút cũng đủ dậy sóng quan hà !
Đôi khi điểm xuyết một vài điển cố hàn lâm, uyên bác,(vì tất nhiên theo ngòi bút mà tuôn), Từ Ngữ trong thơ Nguyễn Ngọc Danh, rất bình dị tự nhiên, nhưng mang sức mạnh nội hàm khơi gợi lớn những cảm thức trong tâm hồn người đoc...
Như bài “Nhánh sầu đầu non”, điểm đặc biệt tuyệt vời của bài thơ này ở Giọng Điệu vừa hờ hững vừa thiết tha, chữ nghĩa thì chuệnh choạng , nhưng là cái chuệnh choạng của túy quyền, ẩn tàng điên đảo càn khôn, nên người đọc dễ  bị “nhiếp tâm”, trùng trùng tự vấn :
 
Lên non quên một cuộc tình
Mười năm tịnh khẩu nửa Kinh - nửa  Mường
Hôm qua trở lại phố phường
Gặp em cười bảo : Nửa Mường nửa Kinh
Về non đứng khóc một mình
Chim chê - vượn mắng : Nửa Kinh nửa Mường !
 
Thơ là cảm xúc, nhưng phải là cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc sáng tạo… Bài thơ “Nhánh sầu đầu non” đã làm được điều đó. Cuộc ra đi và trở về của Thơ không trùng lặp.  Khởi đầu và kết thúc của Thơ, vẫn là cảm xúc, nhưng là cảm xúc không lặp lại. Khởi đầu tưởng như nhân vật trữ tình và Thơ cùng chắp cánh, nhưng khi trở về, kết thúc một bài thơ, là mở ra một lộ trình mới cho người đọc thơ nhập cuộc … Một bài lục bát dung dị, câu chữ  tưởng chừng loanh quanh – nhưng đã mang  lồng lộng cái đẹp của cuộc lữ hành qua cõi nhân trần…
 Hoặc “màu nắng”, một sắc nắng bình dị, một trong những vũ điệu của ánh sáng trong thơ vẫn được thể hiện thật phong phú, tinh tế giàu chất triết lý nhân sinh :
 
Đem lên rừng nhớ ngồi phơi nắng thiền
Nắng chiều bóng ngả phù vân
Nắng về mở cửa thời gian
Chiều đi đổ nắng bên cầu
Áo hoa màu nắng kinh thư
 
Hoặc đẫm ngát hương yêu :   - Từ Em màu nắng ca dao
Chỉ bằng chất liệu là ngôn từ bình dị,  phải thực có tài năng mới đem cho mỗi sắc nắng là một linh hồn riêng, một sắc diện riêng, cứ lung linh dào dạt chất thơ …
Hoặc đó còn là những hình ảnh tưởng như bình thường, ngôn ngữ thật đơn giản, mộc mạc,  trôi theo mạch thơ dung dị nhẹ nhàng, nhưng làm bật vỡ òa bao cảm xúc, kiêu hãnh thánh khiết lạ lùng :
 
Từ đó em là trăng
Rụng xuống trang huyền hoặc
Từ đó thơ là hạc
Ngàn đời lẻ loi bay
 
Phân tích nào có thể lột tả hết vẻ đẹp của hình ảnh :  “Từ đó thơ là hạc / Ngàn đời lẻ loi bay” , hay chất ngất phiêu bồng : “Bao giờ trăng hiện là hoa/ Ta lên gỏ cửa trăng tà mượn kinh !” ?
 
Thành công trong diễn đạt này, đã nói lên phần nào khuynh hướng sáng tác của nhà thơ : “…Nghệ thuật nếu chỉ nằm ở phần kỹ thuật thì không đủ sức gắn đôi cánh cho tác phẩm vượt thoát khỏi cái bình thường của lối mòn để bay vút vào tầng tinh túy nghệ thuật.  Mà ở đó sự  dè dặt chắt  lọc tinh tế để đạt tới nét đơn giản nhất với tâm hồn khiêm cung, nhạy cảm của tác giả sẽ đóng một vai trò quyết định linh hồn tác phẩm.” (***).  
Và cứ thêm một lần nữa, trong mỗi dòng ngôn từ dung dị ngân lên, người đọc lại nghe chính trái tim mình ngân lên những  giai điệu tình yêu thuần khiết, để tự mình rửa tội và xin được tái sinh  ...
Những vần thơ sóng sánh âm ba :
Từ nghệ thuật sử dụng ngôn từ, đã tạo nên “những vần thơ sóng sánh âm ba” thật cuốn hút .. Đây là đặc điểm nghệ thuật thư 2, thể hiện rất rõ sức liên tưởng vừa rất sáng tạo lại vừa logich, vẫn là đặc điểm lớn  trong Thơ Nguyễn Ngọc Danh ! 
 
Nói cách khác : thơ hay và cuốn hút làm người đọc vương vấn mãi chính là phải tạo được “dư địa” ( không phải tác giả nào cũng có thể làm được – phải có vốn kiến thức lớn, trí tuệ, và tài năng, tức là phải có nội-lực thực sự). Đó là khoảng lặng  thần sầu trong bài thơ, để người đọc vừa cuốn theo mạch biểu cảm-biểu ý của bài thơ, thúc đẩy tự tham gia phát triển cảm xúc sáng tạo của riêng mình.. Bài thơ hết, nhưng các tầng ý tình không kết thúc, làm người đọc cứ bâng khuâng lãng đãng trước muôn cánh cửa suy tưởng mở ra trong cảm nhận của thế giới nội tâm cho riêng mình . Đó là  cái dư vị “sóng sánh âm ba” ! Nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Danh  có những khoảng lặng (dư địa)  thâm ảo như thế… 
 
Trong “Nhện và Tôi” :
…..Cúi đầu giây phút lặng thinh
Nhìn lên ngọn cỏ bóng mình phù du
Thưa rằng : Thưở ấy dường như
Một lần gặp gỡ thiên thu đợi chờ 
 
Một cái cúi đầu, một sát na thôi, mà dư âm củangọn cỏ bóng mình phù du- Một lần gặp gỡ thiên thu đợi chờdường như mang hết cả nỗi sầu ngàn năm cuộc thế, đầy những bi, ca, hoan, lạc,cả cõi nhân trần.. tùy theo tâm thức cảm nhận của riêng mỗi người mà dậy sóng tâm tư. !
Hoặc từ  hình ảnh con sáo sổ lồng trong một làn điệu dân ca, tác giả lại đưa ra một minh triết:
 
Sáng nay đội nón ra đồng
Tìm con cò trắng sổ lồng đêm qua
Bỗng nghe âm vọng rừng xa
Hôm qua,
là của hôm qua…
mất rồi !                
 
 (Giữa dòng sinh mệnh.) “ Hôm qua! là của hôm qua mất rồi!” -  Đó cũng là một công án, làm sáng bừng nhiều lẽ. Câu thơ đó vẫn cứ mãi là “phao cứu sinh”, là “bè lau nhỏ” cho những sinh mệnh phù du đang loay hoay trong vòng xoáy nội tâm không lối thoát...
 
Khoảng lặng trong những bài thơ nơi đây để lại, nói lên cái triết lý thâm thúy kỳ ảo của cái “Không” nhà Phật,  cái “Hư Vô” của Lão Trang. Đây là một trong những tư tưởng cốt lõi, vô cùng quan trọng trong hai nền triết học “Nhất Nguyên” Lão và Phật…. Nguyễn Ngọc Danh đạt  hai điều này nên đã  đem lại cho người xem những cảm nhân vô cùng thanh cao … Những dòng thơ dẫn người đọc thả hồn  đi mãi, đi mãi rồi hòa nhập vào chốn mênh mông kỳ diệu của càn khôn vũ trụ.  Chính lúc đó người thưởng lãm thấy mình như là tác giả của tác phẩm mình đang chiêm ngắm.  Đây chính là cái khác biệt giữa  sáng tác nghệ thuật Đông và Tây. 
Vì thế, mỗi cảm xúc yêu thương trong thơ Nguyễn Ngọc Danh luôn đẫm hương sắc tinh khôi có bàn tay diệu kỳ tạo hóa “Bỗng vầng hồng ló rạng cõi phương Đông / Thổi sức sống cho muôn loài thức dậy” --  Người đọc như đắm mình trong “Đóa hoa xinh còn sương ngậm trên môi .Dâng lên Chúa hồn băng trinh vô lượng”. để rung lên niềm hạnh phúc trong tận hiến, bao dung…
 
Phải bằng “sự tài hoa, thông minh, nhạy cảm trong quá trình tự thể hiện” mới đủ lực khiến người tiếp cận vỡ ra, nhận ra bản thân với diện mạo khác, một linh hồn, một cuộc đời, một thế giới khác .. Mỗi bài thơ của Nguyễn Ngọc Danh là một cuộc lữ hành. Cái trở về trong thơ Nguyễn Ngọc Danh luôn mang theo trái tim của người đọc, đang bị câu dẫn bởi cảm xúc thơ chuyển tải, bắt buộc họ phải khát khao, kiếm tìm, sáng tạo tiếp tục cho chính bản thân mình …
                                                           *  *  *
Tác giả đã từng bày tỏ về quan điểm sáng tác nghệ thuật :
 “Mượn đôi dòng để bộc bạch chút tâm tư cất dấu từ bao lâu nay, không nhắm tô bóng cho mình, nhưng là để cùng người thưởng lãm đi vào cõi huyên diêu của thê giới chung quanh mà tôi xem đó như là cõi thiên đàng tại thế này….Môt chút lao tâm cùng với những giọt mồ hôi để cống hiên cho người thân bạn hữu những giây phút nhẹ lòng với tôi đó chính là thực thi tinh thần Bác Ái và Từ Bi của hai tôn giáo” (***)
 
Khi tâm hồn con người có được một chút lắng trong thì có thể soi tỏ cả trời xanh mây trắng, thấm thía cõi nhân trần… để biết từ bỏ và biết yêu thương ! Những tác phẩm nghệ thuật, những bài thơ của Nguyễn Ngọc Danh lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình : Vẻ đẹp của các tuyệt tác ấy, giúp cho người lặng ngắm, biết yêu thương hơn, để có thể tự chiêu hồn và phổ độ cho mình.
Nhà thơ Mai Quang đã nhận xét về Ngọc Danh: “Phát xuất từ sự cao nhã nội tại, ông có một góc nhìn thiên bẩm về Mỹ học. Điều đó luôn luôn được ông biểu lộ, diễn tả, trình bày, thể hiện trong tác phẩm. -- Tác phẩm của ông (về nhiều lĩnh vực), đều toát lên vẻ đẹp của Nghệ thuật hướng tới mức độ của "Toàn Chân-Toàn Thiện- Toàn Mỹ", (cái) mà loài người đã, đang, sẽ miệt mài theo đuổi.”
Hiển nhiên là thế, hầu hết những sáng tác Nghệ Thuật của Nguyễn Ngọc Danh đều mang một sức mạnh nội tâm đánh tan bay những bọt sóng tâm hồn, gieo được cái nhìn mỹ cảm trong lòng người đối ngoạn, để con người được lắng trong hơn, tự mở ra những chiều sâu tâm thức, đánh thức lại những khát khao đi tìm cái Thiện, cái Đẹp trong cuộc đời và cho cả bản thân mình…
Tháng 09/2014   --  Phù Vân Am Sĩ
 
(*) : ( trích Động hoa vàng – NND)
 (**) : Thơ Bùi Giáng
 (***) : (trích Hoa Sen – NND)



  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập