BAN BIÊN TẬP
Trân trọng giới thiệu:

 
Đi Tìm "PHÙ HƯ AM"
Trong KINH VÔ THƯỜNG
Của PHDS Võ Thạnh Văn
Tác giả: Cư Sĩ Thích Nữ LÃN VÂN


 
 
Mở Kinh Vô Thường là đi vào “Trần Sa Trận”. Một ma trận với 10 nghìn câu lục bát, gồm 70 nghìn chữ… chập chờn giai nhân, mịt mùng cát bụi, dày đặc sương mù, lung linh mây khói, mênh mênh tình yêu, mang mang hoa cỏ, thoắt hợp thoắt tan, chợt có chợt không, liên tu bất tận, chẳng có điểm dừng, không thấy đường ra, biến ảo xoay vần như những kiếp nhân sinh:
 
“Kỷ hồi sanh – Kỷ hồi tử
Sanh tử du du vô định chỉ”
[Chứng Đạo Ca
Huyền Giác Thiền Sư]
 
Ngẫm cuộc đời: sống chết, sinh hoại, tan hợp tiếp nối nhau trôi trôi như một dòng chảy huyền diệu không dừng. Thái độ điềm nhiên không sợ hãi là ngộ. Đó là thái độ cười cợt với sống chết. Đó là vượt thoát khỏi sanh tử. Đó cũng chính là chiến thắng nghiệp luân hồi. Cứ thản nhiên xem lẽ tụ tán vô thường là luật tự nhiên. Hãy lấy cái tâm trẻ nít mà sống thơ thới an nhiên. Những con chữ trong Kinh Vô Thường tung tăng nhảy múa. Qua 10 tập Cát Bụi của Kinh Vô Thường, có thể nói được, Võ Thạnh Văn đã bày tỏ cái “xích tử chi tâm” của mình một cách hồn nhiên trọn vẹn.
 
Đi sâu hơn một chút, Kinh Vô thường đề cập đến nhiều triết thuyết lớn, như: thuyết Vô Vi của Lão Trang, thuyết Kiêm Ái của Mặc Địch, thuyết Trung Dung của Nho gia, thuyết Vô Thường của Phật Giáo, tín điều Cứu Rỗi của Đức Ki-Tô, thuyết Cát Bụi Hư Vô của Kinh Thánh Cựu Ước, hoặc kể cả triết thuyết Chấp Sinh của cha ông chúng ta (điển hình qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ…)… Nhưng tuyệt nhiên Kinh Vô Thường không mang nặng màu sắc triết lý. Hay nhìn cách khác, những triết thuyến lớn và căn bản của hầu hết các tôn giáo đã âm thầm hòa nhập tuyệt vời vào từng chữ, từng câu của Kinh Vô Thường làm người đọc như không hề nhận thấy chúng hiện hữu.
 
Tình yêu trong Kinh Vô Thường, tuy có ly biệt, cách ngăn, phôi pha, chia cắt, ngậm ngùi, tiếc nuối… nhưng lời thơ không chìm đắm trong khổ đau, bi lụy, trách than, oán hận… mà mang đầy thi vị thống khoái, tươi đẹp, mượt mà.
 
“Trong hồn tuyết chợt kết băng
Kể từ dạo ấy thường hằng chiêm bao
Bóng chim – tăm cá – động đào
Người đi kẻ ở dạt dào tơ vương”
[Kinh Vô Thường, Cát Bụi 2, khổ #320]
 
Chia ly có luyến thương, bịn rịn: ngày vắng lặng, đêm nằm mơ, lòng dâng niềm nhớ chứ không dằn vặt, đau xót, oán thán. Đó cũng chính là tâm hồn tác giả. Bởi vậy, Kinh Vô Thường không chất chứa khổ đau dù cuộc đời của người viết ra nó đã trải qua những thăng trầm, dâu bể, có không, hợp tan, mất được, thành bại, côi cút, lưu đày.
 
Trên căn bản ấy, tác giả Võ Thạnh Văn không bi quan, không yếm thế, cũng chẳng mơ màng một cuộc đời trọn vẹn niềm vui. Được như thế có lẽ vì tác giả thường xuyên tiếp cận với “không gian chân không” nên ông hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của “thời gian diệu hữu.” Đời người dài tựa sát na! Có chi mà buồn, có gì mà vui. Cứ sống tự tại, tùy thuận chân lý. Điều đó làm cho Kinh Vô Thường bềnh bồng, lâng lâng, chấp chới mà tự nhiên, vững chãi, thiết tha, gần gũi.
 
Giai nhân trong Kinh Vô Thường là những hình ảnh chập chờn kiêu sa, sang cả, điệu hạnh, se sua, xa hoa, phung phí. Những hình ảnh giai nhân ấy chợt biến, chợt hiện, chợt đi, chợt về với niềm kiêu hãnh hồng nhan… Giai nhân của Kinh Vô Thường cũng hay thề thốt, nhưng ít thủy chung. Bởi thế, họ nồng nàn say đắm nhưng dễ quên lãng, phôi phai. Bởi kiêu kỳ, cao ngạo nên họ thường đánh mất chính mình, vuột mất hạnh phúc… và rồi, đi đến vong thân lúc nào không hay biết.
 
Thiên nhiên trong Kinh Vô Thường là một thiên nhiên hào phóng đầy đủ núi non, sông biển, cồn thác, khe động, rạch mương, đồi trũng, rừng rú… với thừa mứa gió, mây sương, tuyết, mưa, bão, song, cồn, lũ, lụt, sấm, chớp, và có cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Thiên nhiên ấy cũng luôn đổi thay, biến ảo vô thường từ thái tảo đến hoàng hôn, từ đầu xuân đến cuối đông. Một phần chính là những thứ thiên nhiên ấy có đầy đủ nơi Phù Hư Am. Và quan trọng hơn, tác giả đã dùng những hiện tượng thiên nhiên ấy làm biểu tượng để diễn tả lẽ vô thường biến ảo của thế giới ngoại tại khách quan chung quanh đời sống con người.
 
Tác giả Kinh Vô Thường hay nói về rượu, hay nhắc đến trà nơi Phù Hư Am. Nhiều người nghe, nhưng có ai thấy? Có ai đã từng uống rượu với tác giả nơi cái am có tên Phù Hư? Có bằng hữu nào đã từng được Phù Hư Am Chủ mời trà nơi chốn ẩn dật cô tịch mơ hồ xa xôi gần gũi quạnh hiu ấy chăng? Nó là một am mây, am gió, am sương? Nó tọa lạc ở chân đồi, ven rừng, bờ vịnh, góc biển? Phù là trôi nổi, hư là hư vô rỗng không thinh lặng. Vậy cái am bồng bềnh trôi nổi khói mây âm thầm tịch mặc ấy có thật chăng? Nằm ở nơi nào? Làm sao tìm gặp?
 
Ta cũng thấy Kinh Vô Thường phảng phất mùi thiền vị đạo hạnh của một bậc khổ tu. Vậy thiền vị ấy từ đâu mà có? Từ chính bản thân tác giả nguyên thâm nhập Thánh Kinh từ thuở nhỏ chăng? Từ kinh điển Tiểu Thừa mà ông liễu quán sau này chăng? Từ cái am nhỏ Phù Hư mà quanh năm suốt tháng với bốn mùa có mây bay, gió thổi, sóng vỗ, sương lồng, thác tuôn, suối chảy, sấm ran, bão giật chăng? Có lẽ cái mùi thiền vị ấy bắt nguồn từ con tim tác giả mà ngoại cảnh của Phù Hư Am chỉ là chút trợ duyên?
Kể làm sao cho hết! Nói làm sao cho cùng! Nhưng, có thể tạm nói được Kinh Vô Thường đã lấy cát bụi trùng trùng để bày ra trận đồ chữ nghĩa mang mang là vậy. May thay, “Trần Sa Trận” trong Kinh Vô Thường không hiểm hóc như “Thạch Trận,” hay Tam Quốc Chí của La Quán Trung còn gọi là “Bát Quái Trận Đồ,” mà Gia Cát Vũ Hầu Khổng Minh đã bày ra cho Lục Tốn lạc vào nơi Ngư Phúc Phố.
Riêng ta, một cách ung dung thư thái, ta có thể bước nhẹ vào Kinh Vô Thường bất cứ lúc nào ta muốn, và bước vào từ đâu tùy duyên. Và, cũng tương tự, ta muốn bước ra khỏi Kinh Vô Thường bất cứ lúc nào và từ đâu tùy hứng. Vì, Kinh Vô Thường không có cổng Ngọ Môn để khúm núm bước vào… cũng không có cổng Tam Quan để ngạo nghễ bước ra… Nó là một khu rừng bỏ ngỏ đầy hoang sơ nhưng cũng mang đầy đủ đặc tính của một vườn Thượng Uyển… tùy vào nhãn quan của khách thưởng ngoạn, và tùy vào lòng kẻ tao nhân mặc khách đang muốn tìm kiếm những gì trong cái rừng chữ nghĩa mông lung huyễn hoặc ấy.
Cuối cùng, ta có thể kết luận rằng ngôn ngữ của Kinh Vô Thường là thứ ngôn ngữ của hư vô, lãng đãng, tịch nhiên, rỗng lặng.
LÃN VÂN Cư Sĩ

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập