NINH GIANG THU CÚC

 
Một Cặp “SÁU TÁM” Đệ Nhất Tài Hoa
 
Chỉ có người am hiểu tận tường lẽ tử sinh còn mất, nghiên cứu sâu về Phật học và vật lý học mới thấy nền tảng sự cấu tạo con người vật lý là sự kết hợp của bốn thành tố đất, nước, gió, lửa, và cách đây hai ngàn năm trăm sáu mươi hai (2562) năm nhà bác học Thích Ca Mâu Ni đã khẳng định điều ấy.
Vì thế, sự hợp tan của bốn yếu tố đó là lẽ tất nhiên khi hội đủ điều kiện.
Hiểu như thế và từng nghiên cứu sự lý như thế, nên thi hào Nguyễn Du đã nói về chuyện ở, đi, sống, chết nhẹ như mây, thoáng như gió. Vua, chúa, khanh, tướng, công, hầu, Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử hay bách tính lương dân đều bị sự chi phối của luật vô thường và bình đẳng trong cái chết.
 
Xin một lạy vọng nhớ thi hào và tột cùng tâm đắc khi cụ tả cái chết của Đạm Tiên: “Phận hồng nhan quá mong manh / Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương...
Câu sáu chỉ là bệ phóng cho câu tám bay cao trong kho tàng bảo vật Đoạn Trường Tân Thanh.
Trời ơi! Tả cái chết mà như đưa tay hứng một đóa hoa, nhẹ như mây mùa xuân lơ lửng bay giữa cung trời thơ mộng! Tài hoa đến độ Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy(*), Cụ Phạm Quý Thích là một đại tri kỷ của thiên tài Nguyễn Du.
 
(*) Thơ Phạm Quý Thích
 
KIM TRỌNG, THÚY KIỀU,  KHÁCH VIỄN PHƯƠNG, TỪ HẢI
Sự Ký Thác Của Nguyễn Du
 
Người xưa khi cầm bút để thực hiện một công trình, một tác phẩm nghệ thuật – các vị đều mang một tâm nguyện là gửi gắm tâm tư, hoài bão lý tưởng để phụng sự cho đối tượng riêng, chung, nhỏ, lớn cho cuộc đời, cho xã hội, cho Tổ Quốc thân yêu của mỗi công dân.
Nhà Quân sự chiến lược, tâm lý chiến tài ba kiệt xuất – Ức Trai Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Sách đóng góp mưu trí cùng Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược để bảo vệ từng tấc đất của ông cha.
Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm làm Chinh Phụ Ngâm để an ủi, sẻ chia nỗi buồn thương, trông ngóng của những người mẹ, người vợ, có con, có chồng đang 
Giã nhà đeo bức chiến bào”(1) lăn mình vào lửa đạn ở chiến trường trong sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc biên cương nhưng lòng vẫn hướng về quê nhà, nơi có “Lòng lão thân buồn khi tựa cửa / Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm / Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam / Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân”(2).
Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều ký thác nỗi bất bình của kẻ sĩ bó tay trước thời thế bằng tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc, để tố cáo các chế độ quân chủ tập quyền, tranh bá đồ vương; bằng cách đồng cảm xót thương thân phận của lớp lớp cung nga thể nữ, họ bị giam hãm tuổi thanh xuân trong Tử cấm thành của mỗi triều đại Vua chúa để hầu hạ phục vụ chuyện gối chăn cho các vì “Thiên tử”. Đến lúc về già nhan sắc tàn phai bị thất sủng ôm nỗi sầu cô quạnh, và biết đâu có người suốt một đời chưa hề diện kiến long nhan để nhận chút “ân mưa móc” bởi xe dê không dẫn lối đưa đường(3), mỏi mòn ngồi trong cung lạnh đếm thời gian chờ đợi ngày về thiên cổ.
“….Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì…”
(Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Vậy sau khi đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Tiên Điền vì động lực nào, vì cảm xúc nào thúc đẩy để ông viết Đoạn Trường Tân Thanh bằng ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu thơ lục bát mượt mà; để lại dấu ấn bất tử cho nền văn học cổ điển thời trung đại của dân tộc Việt Nam.
Đoạn Trường Tân Thanh là niềm thương cảm sầu vương cho bao nhiêu tầng lớp độc giả từ Á sang Âu… Nếu thuở sinh tiền, Tố Như tự hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”, thì bây giờ ở một cõi miền xa xôi nào đó, xin cụ yên lòng vì không chỉ ba trăm năm; mà kẻ hậu sinh này trộm nghĩ là còn nhiều và nhiều năm sau nữa tác phẩm của cụ vẫn là đề tài hấp dẫn làm tốn nhiều giấy mực và nước mắt của bao khách văn chương. Vì thế, không ngoa ngữ tí nào khi nhà báo Phạm Quỳnh chủ bút tờ Nam Phong tạp chí đã khẳng định: “Truyện Kiều còn, nước ta còn / Tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu nói bất hủ ấy sau này được viết trang trọng bằng chữ Nôm trên trụ cổng vào mộ phần của nhà báo, nhà văn hóa tài hoa họ Phạm ở khu đất phía trước Chùa Vạn Phước thành phố Huế.
Có rất nhiều ý kiến không đồng nhất về thời điểm 
Nguyễn Du viết tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh. Theo cụ Hoàng Xuân Hãn: “Liệt truyện và gia phổ đều viết Nguyễn Du đi sứ năm Gia Long thứ mười hai (1813), năm sau về. Lúc bấy giờ Nguyễn Du đúng 50 tuổi và mất năm 56 tuổi. Vậy quyển Đoạn Trường Tân Thanh viết ra trong khoảng năm 1814 – 1820”. (Theo Nguồn Gốc Văn Kiều – Hoàng Xuân Hãn trang 30 – Hai Trăm Năm Nghiên Cứu Bàn Luận Truyện Kiều – Lê Xuân Lít)
Và trong So Sánh Dị Bản Truyện Kiều, NXB Văn Học 2006, tác giả Lê Quế cũng cho rằng truyện Kiều được viết vào năm 1814. Có thể tất cả luận điểm trên đều còn là những thắc mắc đang tồn nghi trong nền văn học cổ cận. Điều này chỉ có chính người viết ra nó mới giải đáp được ẩn số nhưng nay Cụ đã phiêu lãng hạc nội mây ngàn ở chốn thần tiên nào đó, để có lúc trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã ngậm ngùi:
“…..Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
Gửi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ
Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian..”
(Hận – Nhớ Tố Như – Bùi Giáng – Nhà Xuất bản Văn Nghệ 2005)
 
Chúng tôi (NGTC) là kẻ sinh sau đẻ muộn, đã từng học Truyện Kiều và đọc đến thuộc lòng bằng tất cả niềm yêu quý dành cho tác phẩm, và sự trân kính, ngưỡng mộ dành cho người nghệ sĩ mát tay có tên Nguyễn Du, ông đã dày công nuôi nấng gầy dựng các nhân vật tiêu biểu bằng thịt xương sinh động.
Theo thiển ý của chúng tôi (NGTC), Truyện Kiều là một sáng tác vĩ đại của Nguyễn Tiên Điền, chứ không phải là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân có tên gọi Kim Vân Kiều Truyện.
Nguyễn Du chỉ mượn nhân vật, bối cảnh, tình tiết của đất nước Trung Hoa triều đại nhà Minh. Mượn chuyện người để kể chuyện mình, mượn không gian người để chuyển tải bao nỗi niềm chìm đắm đau thương tranh danh đoạt lợi, tương tàn tương sát của xã hội Việt Nam thời Lê mạt – cái thời mà một số sĩ phu khoanh tay bất lực trước sự đàn áp của Chúa Trịnh với Vua Lê, các vị “con trời” thuở ấy chỉ còn là chiếc bóng mờ nhạt, là những ông Vua bù nhìn từ Lê Dụ Tông đến Lê Chiêu Thống… Những sỉ nhục đớn hèn của một hạng người xu phụ, những rối ren khủng khiếp, những đau đớn ê chề nhục nhã của một số tầng lớp quan quân 
buổi ấy đã được Ngô Gia Văn Phái tường thuật rạch ròi, khiến người đọc phải chau mày nghiến răng cùng với tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Phạm Đình hổ với Vũ Trung Tùy Bút, Tang Thương Ngẫu Lục.
Là con trai thứ bảy (7) của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm và bà Trần Thị Tần, người phụ nữ mỹ miều của xứ Kinh Bắc, cậu ấm Du sống trong nhung lụa với sự cưng chiều của gia đình. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười lâu hơn với cậu. Vừa lên mười (10) tuổi, nỗi bất hạnh lớn ập đến là thân sinh Nguyễn Nghiễm qua đời và hai năm sau phu nhân Trần Thị Tần cũng theo chồng về thiên cổ, bỏ lại bốn anh em Nguyễn Du côi cút, đành nương tựa vào người anh cả khác mẹ là Tả Thị Lang bộ Hình kiêm Hiệp Trấn xứ Sơn Tây. Hoạn lộ của người anh Nguyễn Khản nhiều gập ghềnh biến động. Tuy vậy, Nguyễn Du vẫn được anh cho ăn học tử tế, thi đậu tam trường (Tú tài) rồi thôi không học tiếp nữa.
Chính những điều đau đớn từ xã hội đến gia cảnh, tự trong sâu thẳm của tấm tình bi đát, cậu thiếu niên công tử là nạn nhân, là chứng nhân của thảm kịch quốc phá gia vong. Quá khứ vàng son khép lại từ khi mồ côi 
cha mẹ mang mặc cảm sống nhờ ở đậu, cô đơn, người thiếu niên, rồi thanh niên ấy, tìm vui qua các buổi hát hò cùng với các cô, các cậu trai làng (hát phường vải). Bước lãng du của người con trai phong vận đưa chàng đến cây đa bến nước đầu làng để gặp người thôn nữ chèo đò ngang đẹp như vầng trăng mười sáu, và có giọng hát trong veo như sương mai, họ yêu nhau nồng nàn.
“…Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vừng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song…”

Thế mà họ không thực hiện được lời thệ ước bởi quan điểm bất đồng giai cấp của bà mẹ lớn. Bà ép Nguyễn Du cưới vợ để chia cắt mối tình đầu của cậu ấm. Mối tình đẹp như trăng đành tan vỡ theo thành kiến môn đăng hộ đối, đã đem lại cho Nguyễn Du nỗi tuyệt vọng cùng cực, nỗi ám ảnh khôn nguôi...
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Ngân với bài viết trong Nghiên Cứu Văn Học Số 6 - Năm 1960, thì ông có tìm thấy trong thư viện Huế một tập thơ (di cảo) có tên Tình Hận của Nguyễn Du.
 
Truyện Kiều ngoài 8 câu đề dẫn, phần vào nội dung ta thấy Nguyễn Du đã mở ra một không gian nghệ thuật bằng câu: “Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh”. Sao lại phải triều Minh bên Trung Hoa mà không phải là triều đại Vua Lê Chúa Trịnh ở nước ta?
Ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu (3254) lục bát mượt như nhung và thơm hương ngọc lan dịu nhẹ toàn tập là từng khúc ruột mang thương tích trầm kha nhức nhối, là nỗi thống khổ của thời đại, của cộng đồng, của cá nhân. Mỗi nhân vật chính diện của tác phẩm là một phát ngôn nhân, một công tố viên, một hội thẩm nhân dân, một luật sư bào chữa, mà bào chữa cho ai? Ai chánh án và ai tội phạm? Một quãng đời thanh niên Nguyễn Du đã theo gương cha đem trí lực phụng sự Lê triều. Khi nhà Lê sụp đổ cáo chung, Nguyễn Du mất phương hướng, ông không tỏ thái độ hưởng ứng hay chống đối phong trào nông dân Tây Sơn mà lẳng lặng phiêu bồng sương khói khắp miền non Lĩnh sông Lam mười năm đằng đẳng ngõ hầu tìm quên thế sự... Vì vậy có nhiều ức đoán của các nhà nghiên cứu là Đoạn Trường Tân Thanh ra đời ở giai đoạn này, những ức đoán, khẳng định, phủ quyết về năm tháng khai sinh 
tác phẩm là một điều vừa thú vị, vừa mệt mỏi, vừa kích thích sự tìm tòi của bạn đọc xưa nay và mai sau...
Trong những tháng năm bất đắc dĩ phải chơi trò tiêu dao vui thú yên hà, dọc sông Lam và chín mươi chín ngọn Hồng lĩnh trên góc trời quê kiểng ấy với tuổi đời ngoài ba mươi (36), liệu Nguyễn Du có hội đủ chất liệu, sự trải nghiệm qua bao nhiêu trò đời, tình đời, lên voi xuống chó, đã đủ chưa những điều trông thấy? Có lẽ mới tạm đủ, nhưng để cho đầy đặn phủ phê những điều trông thấy ấy, phải là lúc ông vâng mệnh người khai sáng triều Nguyễn là Thể tổ Cao Hoàng đế Gia Long ra làm quan với tân triều bằng tâm trạng “hàng thần lơ láo”. Đây là giai đoạn Nguyễn Du bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, hệ quả là những ngày ốm đau bệnh tật lạnh lẽo nằm tại dịch quán của đất Cố Đô. Những thương ghét đố kị gièm pha bia miệng của người đời, của cuộc đời đã tạo cho ông sự đối kháng bằng im lặng. Trong vai trò Chánh sứ đi triều cống “Thiên triều Trung Hoa” với những tháng ngày công cán trên đất khách, lúc rảnh rỗi ông đã tìm thăm các di tích lịch sử của các triều đại đã lùi vào quá khứ, đã khóc vì quý trọng sự trung liệt của một Nhạc Phi, đã 
căm giận sự gian hùng của một Tần Cối, đã ngậm ngùi trước Đồng Tước đài của Tào Tháo xây dựng với tâm niệm tặng Đại Kiều, Tiểu Kiều của Ngô Tôn Sách và Chu Du nếu Ngụy thắng Ngô, đến sông Mịch La nơi Khuất Nguyên trầm mình... và gót du tử dừng chân ở núi Cô Sơn khóc thương người bạc mệnh:
“…Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư...”
(Độc Tiểu Thanh Ký – Nguyễn Du)

Với bản chất đa sầu, đa cảm, vì vậy gặp một hoàn cảnh thương tâm nào cũng đem lại cho Nguyễn Du sự đồng cảm cao độ, sự sẻ chia thật chí tình và ông đặt mình vào đối tượng để cùng khổ đau, ông khóc cho người và cho bản thân ông. Có lẽ trong nền văn học cổ cận - ông là nhà thơ khóc nhiều nhất!
Nhà thơ TCHYA (Đái Đức Tuấn) đã từng viết:
“...Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy…”
Vâng! Giàu cảm lụy là căn bệnh chung của nghệ sĩ, nhưng với Nguyễn Du - người nghệ sĩ biệt phái này thì sự cảm lụy nhân lên đến vạn lần trời đất ạ.
Tố chất buồn thương đã là vốn liếng của cậu bé lên mười, tiến lên là một công tử phong vận lỡ bước cùngđường, gia đình ly tán, bế tắc hoạn lộ công danh, nghèo túng quanh năm suốt tháng... Đến lúc được nhà Nguyễn chiêu mộ ra làm quan, đáng ra phải được vinh gia ấm tử và bản thân ông phải được sung túc lên xe xuống ngựa, được tẩm bổ bằng sơn hào hải vị. Vậy mà ông vẫn đói khổ, bệnh hoạn, xác xơ cho đến lúc nhắm mắt lìa đời chưa được tuần sơ thọ. Đúng là tài hoa sóng bước bạn bầu oan khiên... là tài mệnh tương đố chăng???
Sự buồn khổ, thất chí, thất tình, từ buổi thanh my cho đến khi bạch phát, sự trải nghiệm bao nhiêu nỗi đoạn trường thân thế, sự chung đụng với nhân tình nơi thì lạnh nhạt nơi thì xót thương đã tích lũy cho ông một vốn sống quá phong phú, quá no đầy, để ông trải lòng trải ý chấp chới trên đầu ngọn bút biến thành câu chữ ngọt ngào để lại một gia tài văn học đồ sộ cho cuộc đời, vì thế ta có thể suy đoán là tác phầm Đoạn Trường Tân Thanh ra đời sau khi ông đi sứ về (1814).
Nỗi niềm mình, tâm sự mình ông đã ký thác gửi gắm qua từng nhân vật.
a) Một công tử lịch lãm phong vận thông minh tài 
bộ hơn người “...Đề huề lưng túi gió trăng / Sau chân theo một vài thằng con con / Tuyết in sắc ngựa câu dòn / Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời...”. “...Nền phú hậu bực tài danh / Văn chương nết đất thông minh tính trời / Phong tư tài mạo tót vời / Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa...”
Đó là Nguyễn Du phác họa chân dung tự thân của mình thời “còn cha gót đỏ như son”. 
b) Những tháng ngày thanh xuân yêu đương trong sáng với cô lái đò yểu điệu thục nữ - lời thề nguyện trăm năm hương lửa không thành - bởi sự so sánh thành phần của người cầm cân nảy mực trong đại gia đình Nguyễn Du; nên lứa đôi phải tan đàn xẻ nghé, cuộc tình đầu gãy đổ đã để lại cho Nguyễn Du niềm di hận khôn nguôi “...Bây giờ trâm gãy gương tan / Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân...”.
c) Với Tứ vô lượng tâm của nhà Phật là Từ, Bi, Hỷ, Xả thì một người có tìm hiểu về Phật pháp, và với tâm Từ Bi vô lượng, Nguyễn Du đã cho người khách viễn phương thực hiện hai điều căn bản là Tâm Từ và Tâm Bi, qua việc làm rất đẹp với người đàn bà bạc mệnh Đạm Tiên “...Sắm sanh nếp tử xe châu / Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa...”
d) Chí làm trai không thành, tìm không ra chân Chúa để phụng sự, để thực hiện lý tưởng an bang tế thế, để trên vì nước, dưới vì nhà, mộng công hầu tan rã bao phen, mặc dầu bản thân là người “...Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài / Đội trời đạp đất ở đời...”
Bốn nhân vật tiêu biểu của Truyện Kiều: Kim Trọng, Thúy Kiều, Khách Viễn Phương, Từ Hải, chúng ta nhập bốn nhân vật điển hình ấy lại và phóng to sẽ thấy một chân dung Nguyễn Du cao vời vợi, với đa chiều tính cách mà người xây dựng muốn giới thiệu về bản thân mình.
Kim Trọng là Nguyễn Du của thuở hoa niên với nền “phú hậu bực tài danh, văn chương nết đất thông minh tính trời”.
Thúy Kiều là Nguyễn Du với tình yêu nửa đường đứt gánh tương tư thăng trầm lên voi xuống chó; có nhiều lúc, đàn ông cũng phải bán mình vào “lầu xanh” và làm ôsin để: “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”???
Khách viễn phương là Nguyễn Du với tấm lòng rộng mở thương yêu gửi đến khắp cả thế gian, khắp cả mọi giai tầng trong xã hội với trái tim của một người học Phật.
Từ Hải là Nguyễn Du với chí lớn bất thành, không hòa nhập được cuộc đời mình vào vòng quay của thời thế lúc bấy giờ, nên đành: Vỗ gươm mà hát / Nghiêng bầu mà hỏi / Thiên hạ man man / Ai người tri kỷ / Lại đây cùng ta cạn một hồ trường(4).Rốt cuộc một hành trình cô độc với gươm đàn nửa gánh và biết trước là “... Hàng thần lơ láo phận mình vào đâu…”. Nhưng biết và làm cái mình biết là hai việc khác nhau.
Bốn gương mặt, bốn tính cách và những bi kịch của mỗi người cộng lại thành một chân dung, một nhân cách của đại thi hào Nguyễn Du. Bốn gương mặt đại diện cho một thân phận, một số phận, số phận phong vận kỳ oan, một nỗi niềm: cổ kim hận sự thiên nan vấn... Là thế đó Tố Như tiên sinh ạ! Bởi vì
Từ xưa nay đến mai sau
Tài hoa sóng bước bạn bầu oan khiên.

 
Chú thích:
(
1), (2) Chinh Phụ Ngâm (3) Vua Tần Thủy Hoàng thường đi chơi bằng xe dê, các cung nữ gắn lá dâu ở ngoài cửa phòng mình mong xe đưa vua đến để được chiêm ngưỡng long nhan... (4) Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập