NINH GIANG THU CÚC

Tôi Đọc Thơ MINH QUÂN
 
"Đơn sơ" thật vậy không?
Cách đây 12 năm, tôi nhận được thi phẩm "Đơn Sơ" với lời đề tặng ngọt ngào của chị Minh Quân: "Thương tặng em Ninh Giang Thu Cúc" do chị Miên - một người bạn chung nhân chuyến về Quy Nhơn đã đem đến tận nhà. Chị vẫn thường gửi quà cho tôi theo kiểu ấy thay vì qua bưu điện.
Tập "Đơn Sơ" được tái bản lần thứ nhất do Nhà xuất bản Đồng Nai năm 1996 (lần in đầu tiên 1965).
Thoạt nhìn cách trình bày và độ dày của nó thì đúng là đơn sơ thật, tôi đọc một loáng là xong hai mươi mốt bài toàn tập, và cảm nghĩ đầu tiên là thất vọng về thi thuật, thi pháp, mà tác giả đã vận dụng.
Mãi một năm sau tôi nhận được thư của chị Minh Quân gửi bằng bưu điện cùng mấy tấm hình chị đi Hà Tiên dự sinh nhật thứ 90 của nữ sĩ Mộng Tuyết. Trời đất ơi, tôi vừa đọc thư vừa khóc vì chị báo tin bị gãy tay và thư chị viết chữ không bằng hàng ngang mà chạy theo hình chữ chi. Đọc xong bức thư, tôi bỗng thấy nhớ chị lạ lùng, và lục tìm tác phẩm chị để đọc (tôi vốn mê truyện thiếu nhi của Minh Quân). Tôi đang ngốn ngấu đọc "Kẻ lạ mặt trên hải cảng" với tất cả tình cảm dành cho nhân vật nhóc Minh. Khi đọc đến đoạn "Cho tới gần khuya, đói meo, cả hai mới về lều, Minh giữ ý không đi mau vì bạn nó đi khập khiễng kéo lê một chân thật khó khăn. Tội nghiệp anh ta!". Tôi chững lại và loáng thoáng nhớ những chi tiết này đã gặp đâu đó khi đọc Minh Quân.
À! Có rồi, một bài thơ có tên "Tâm sự người què". Sẵn cảm xúc từ nhân vật chính trong Kẻ lạ mặt với cái chân bị gãy hai khúc ở ống quyển của anh ta - tôi tìm bài thơ ấy (Tâm sự người què) đọc, đọc nhiều lần, đọc từng câu ngẫm nghĩ từng chữ một, và tôi hiểu Minh Quân nói gì, ký thác điều gì qua nhân vật trong bài thơ chị viết. Lúc này, tôi nhìn Đơn Sơ với cái nhìn bằng lý trí mà không phải bằng trái tim với cảm tính, với sự đòi hỏi về nghệ thuật, về mỹ từ để tạo nên câu chữ diễm kiều mượt mà thơ mộng - như sự ví von - đẹp như thơ!
Tôi đọc lại Đơn Sơ từng bài một, và hình dung ra một thời tuổi trẻ của tác giả; với nhiều hoài bão hiến dâng khối óc và bàn tay cho xã hội, nguyện vọng trải trên giấy trắng mực đen với lời lời khiêm tốn nhưng ý chí thì lại sắt đá kiên cường.
"Chúng tôi vốn là những người tuổi trẻ
Vốn không tài đức, vừa ít học hành
Nhưng với hai bàn tay thô tháp
Cùng buồng tim và khối óc trong lành
Chúng tôi quyết làm những tên thợ vụng
Và "Những tên thợ vụng" này đã dấn thân cùng bạn bè và kêu gọi sự dấn thân với những ai đang còn e dè, bằng tâm trạng của người ngoại cuộc mà ai nỡ làm người ngoại cuộc với không khí làm việc háo hức sinh động như thế này cơ chứ.
"Trong khi các bạn tôi
Kẻ khuân tảng đá to, người nhặt hòn gạch vụn
Thì chúng tôi lo gánh cát, trộn vôi, hồ…
Cùng nhiều bàn tay khác
Gái, trai, già, trẻ, thanh, thô,
Chung gắng sức đắp móng đặt nền
Tòa lâu đài thế hệ.
Sinh giữa thế kỷ hai mươi
Không sớm và chưa trễ
Đúng lúc rồi, ngần ngại mãi chi! Anh!
Đứng nhìn như thế sao đành?
(Trích Đơn sơ - Minh Quân)
Vâng, vì không một người tuổi trẻ nào lại đành tâm đứng nhìn Tổ quốc lâm nguy dưới sự giày xéo của thực dân đế quốc xâm lược gây nên thảm họa:
"Trường học cũ? Ba thầy già ngã gục
Xác đẫm hồng vào một sáng tinh sương!
Đàn trẻ em đứa chết, đứa bị thương
Tính cả thảy đâu chừng năm chục mái!
Ôi! Chết chóc! Ôi! Điêu tàn… kinh hãi
Hỏi làm gì, thê thảm lắm, chao ôi!
Quanh xóm làng vắng bặt tiếng reo vui
Chỉ thấp thoáng mươi cụ già nương gậy,
Tóc trắng cước, mắt mờ tay run rẩy
Mỗi chiều về tựa cửa mỏi mòn trông…
Sóng ầm ỳ vào những buổi chiều đông
 
Vẫn còn đấy, song chuông chùa im bặt
(Vâng! Nhà sư cũng lên đường cứu quốc
Người ngạc nhiên? Nào có lạ gì đâu?
Nước nhà nguy sao có thể ngồi tu?
Tiếng kinh kệ dễ thường lui được giặc?!)
(Trích Chuyện làng tôi- Minh Quân)

Đúng vậy, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, huống gì nhà sư là sĩ phu, là người nguyện xuất thế - đó là một cách nhập thế cao cả nhất để cảm ứng tùy thời cứu khổ muôn nơi, ban vui vạn nẻo…
Nam phụ lão ấu từ trong đạo đến ngoài đời đều nhất loạt đứng lên kề vai sát cánh:
"Toàn thôn xóm đã lên đường máu, sắt…
Bỏ sau lưng đồng ruộng chẳng quay nhìn,
Hẹn trở về khi Độc Lập, Thanh Bình
Sáng rực rỡ trên khung trời chói lọi
Bốn chữ vàng son đậm đà bật nổi
Người chớ buồn, ngày ấy chẳng xa đâu,…"
(Trích Chuyện làng tôi - Minh Quân 1949)

Tôi đã trích dẫn gần hết bài thơ "Chuyện làng tôi" để chúng ta thấy sự ao ước, thèm muốn đất nước Việt Nam được tự do hạnh phúc trong đầu óc, trong hành động của tác giả Minh Quân mạnh mẽ như thế nào, và nỗi đau thời chinh chiến, nỗi khốn khổ của người chinh phụ ra sao - đều được Minh Quân khắc họa bằng một ký hiệu ngôn ngữ thẳng thừng chẳng mơ hồ ẩn dụ:
"Chàng đi non nước nhạt màu
Thiếp về may áo liệm đau, chôn buồn…
Hết hoàng hôn, lại hoàng hôn,
Bóng chiều đã ngả lòng còn ngẩn ngơ!
Chàng đi ư? Tự bao giờ?
Ô kìa! Chinh chiến có chừa ai đâu!
Tóc xanh dù có phai màu
Nhưng lòng son thắm chẳng bao giờ nhòa!
Em buồn khi trẻ hỏi cha,
Em buồn mỗi lúc mẹ già hỏi con.
Tang thương tràn ngập trong hồn
Đất bằng sao bỗng nổi cơn ba đào?
Chiến trường máu đẫm chiến bào
Khóc ư? - là nhục! Lại đau nếu cười…
(Hờn chinh chiến - Minh Quân 1950)

Trên đời này kẻ thù lớn nhất của chúng ta là chiến tranh, chiến tranh đã gây quá nhiều thảm họa cho bao gia đình, cho đất nước để bao lớp người vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của bao cuộc chiến mà hậu quả là sự mất mát, là thương tật từ thể xác đến tâm hồn. Có thể nghĩ "Tâm sự người què" của Minh Quân chỉ là cách viết ẩn dụ, hoán dụ cho thân phận chung riêng của một đất nước có thời được xem là nhược tiểu, với những con người chỉ bằng suy nghĩ vị kỉ, hoang mang trước họa vong nô… nhưng không sao, là đầu đen máu đỏ - ai chẳng đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan và đến lúc:
…" Tôi thật tình giác ngộ
Vì đấu tranh đâu phải chỉ súng, gươm?
Mất một tay, một chân đâu đã là Phế nhân?
Với bàn tay trái tôi kiên nhẫn tập dần cầm cán bút
Với nạng gỗ tôi tập đi, đi, đi từng bước…
Đến bây giờ tôi quả VỮNG VÀNG rồi:
Tay và chân như Nguyên Vẹn! Đời tôi
Đầy Ánh Sáng, Vui, Lành tràn Hy vọng!
Bạn thân mến! Hãy mừng cho
Vì giờ đây
Mới thật là
Tôi biết SỐNG
(Tâm sự người què - Minh Quân 1952)

21 bài thơ trong tập "Đơn sơ" là nỗi đau, là sự phẫn nộ của người dân với non sông dưới thời bị trị của đế quốc thực dân, là chút lòng son, là nguyện ước của một tâm hồn có lương tri có trách nhiệm với tình dân nghĩa nước.
Với tập Đơn Sơ người đọc không chú ý đến phần nghệ thuật, đến phần cấu trúc câu chữ của tác giả - mà cái quan trọng để chúng ta thẩm thức, thẩm thấu là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt nội dung mà tác giả đã giải bày bằng tâm huyết của một công dân, một phụ nữ Việt Nam đối với Tổ quốc Việt Nam. Vả lại, ai nỡ hạ bút bàn về thi thuật - tập Đơn Sơ khi chính tác giả đã chân thành tâm sự với cuộc đời, với bạn đọc qua bài:
Xin thú thật
Xin thú thật không là nòi thi sĩ
Nên thơ tôi không cạn ý, hết tình,
Lòng xót đau vì vận nước nỗi mình
Nên phải viết cho vơi sầu thế hệ…
Không muốn khóc mà mắt thường đẫm lệ
Cố gượng cười nhưng tắt nghẹn nguồn vui
Mộng thi nhân… mộng ước quá xa vời
Tôi chỉ biết nghĩ sao là viết vậy
Không giấu giếm, chẳng mảy may che đậy
Cứ viết tràn cho hả… bấy nay câm…
11-1964

Đọc Văn Xuôi Của MINH QUÂN
 
Truyện ngắn "Về thăm thầy cũ" - thông điệp của lòng tri ân
"Tâm hồn cao thượng" mà Hà Mai Anh dịch của Edmondo De Amicis là cuốn sách gối đầu giường của các thế hệ học trò Việt Nam thuộc những thập niên 40 - 50 của thế kỷ XX. Hẳn rằng, không một độc giả nào không thích thú và cảm động theo từng mẩu chuyện, theo từng tình huống để chúng ta hoặc vui buồn hoặc xúc động, và tôi không ngần ngại cam đoan với quý vị rằng - không một ai lại không sụt sùi giọt ngắn giọt dài khi đọc các chuyện kể hàng tháng như "Chú bé yêu nước thành Lombacdia", như "Một vụ đắm tàu", như "Quê người tìm mẹ"… và xúc động biết nhường nào khi đọc "Thầy giáo cũ của cha tôi" và có thể từ "Thầy giáo cũ của cha tôi" đã ảnh hưởng sâu đậm về tình thầy trò, về lòng biết ơn và sự trân quý của hàng tỉ học sinh trên thế giới, và đó là cấu tứ để Minh Quân viết "Về thăm thầy cũ".
Với hai không gian Đông Tây, hai bối cảnh, hai thời gian hoàn toàn khác nhau, và khác nhau cả cách hình thành, xây dựng nhân vật cũng như cách vào chuyện. Amicis qua Hà Mai Anh dẫn nhập nhanh chóng vụ việc trong khi Minh Quân lại bằng cách đưa người đọc vào mê đạo, vào bát quái trận đồ với sự so sánh, với óc tưởng tượng nửa chân tình, nửa dí dỏm hài hước, tinh nghịch của tuổi học trò nhất quỷ nhì ma, làm người đọc khóc cười khoái hoạt. Nếu cuộc thăm thầy của Hà Mai Anh là sự đồng hành của hai cha con mà chú bé An Di chỉ là kẻ chứng nhân cho buổi gặp gỡ, là kẻ quan sát nghe ngẩm cuộc chuyện trò, là nỗi xúc động khi thấy tình cảm và sự chăm sóc trân trọng của cha mình đối với vị thầy giáo của thuở vỡ lòng ngập ngọng bi bô, và phút chia tay ngập ngừng ở một nhà ga tỉnh lẻ giữa một người thầy tay run chân yếu và một người học trò thành đạt mạnh mẽ ôm chặt nhau mắt mờ sương khói biệt ly - khi còi tàu đang rúc lên từng hồi thúc giục… Thì ở "Về thăm thầy cũ" Minh Quân lại mở ra một hành trình đã ấp ủ qua 50 năm trên một xứ sở đầy thiên tai trắc ẩn trong giai đoạn lửa bỏng dầu sôi để đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì chinh chiến điêu linh. Và cả nỗi hoài nghi sinh diệt, của quy luật vô thường, nhưng niềm thương nhớ cứ âm ỉ trong mỗi tháng mỗi năm, nỗi ao ước được nhìn lại người thầy khả kính, nhân vật của "Về thăm thầy cũ" đã quyết định lên đường, đã thực hiện được ý nghĩ, dự định "chém sắt chặt đinh" (chữ của Minh Quân)
Nhưng lộ trình của nhân vật xưng tôi trong "Về thăm thầy cũ" không suôn sẻ dễ dàng như cha con An Di, và người đồng hành cùng nhân vật không phải là một cậu con trai mà là một bạn gái - tất nhiên nhân vật của Minh Quân phải là phụ nữ rồi.
Người đọc nao nức theo bước chân của nhân vật:
... "Từ sài Gòn đi xe đò ra Phan Thiết thì đã xế rồi, dù tôi nôn nả cũng phải ngủ lại một đêm cho đến sáng hôm sau mới tìm ra bến xe đi Mũi Né. (Vì quả thật tôi không dám tin là sẽ gặp thầy nên tôi rủ một cô bạn cùng đi nếu như thầy không còn nữa thì sẽ đỡ buồn khi trở về).
Một người khuyên tôi: không nên ra Mũi Né lúc này, đường xấu lắm. Chờ ít lâu nữa, đường sửa xong… Trời ơi! Tôi đã vượt mấy trăm cây số từ Sài Gòn ra đây, giờ lại sợ đường xấu ư? Tôi nóng lòng lắm, không chờ đợi được, 23 cây số chứ 230 cây nữa tôi cũng cứ đi. Đường xóc! Được! Tôi còn giữ được hùng khí trong lòng. Tôi giữ nguyên tình cảm với người thầy đầu tiên của tôi mà!
Và rồi, kỳ diệu làm sao. Tôi gặp lại K. cô bạn giỏi toán mà lúc nhỏ tôi luôn ganh tị và khinh bỉ môn nó giỏi. Nỗi vui được cầm tay bạn cũ, nhìn mái trường xưa khiến tôi như một con loi choi. Tôi hỏi bạn đủ chuyện, nói đủ thứ, nhưng tôi dè dặt chưa dám nhắc đến thầy cho đến một lúc sau. Tôi hỏi bạn:
- Tao muốn đi thăm các thầy cũ của mình. Tao chắc là các thầy…
Tôi không dám nói hết ý nghĩ, làm như nói đến thì sự lo sợ sẽ thành sự thật.
Bạn tôi đủng đỉnh cho biết thầy Hiệu trưởng đã dời đi chỗ khác từ lâu. Thầy lớp Tư cũng vậy, chỉ còn thầy lớp Năm… (Dĩ nhiên tất cả đã về hưu).
Tôi ngắt lời nó:
- Đưa tao đến nhà thầy! Đi!
K. ỡm ờ:
- Đi đâu giờ này, nắng chết!
- Sợ nắng thì chỉ tao đi!
- Mà thầy đâu đây mà đi?
- Quỷ chưa! Nói vậy là sao? Thầy còn...?
Tôi hỏi dồn, nó lại đủng đỉnh:
- Thầy ở trong Phan Thiết!
Tôi như người cất đi gánh nặng, nhưng tôi cũng cằn nhằn nó:
Sao không nói từ đầu làm ta hết hồn..."...
... "Gần bảy giờ tối, cái xe cà tàng mới đưa chúng tôi về đến Phan Thiết. Tuy đói meo, chúng tôi đón xe về nhà trọ rửa ráy qua loa, thay quần áo rồi hộc tốc đi xích lô đến nhà thầy tôi. Thông cảm sự nóng lòng của tôi, cô bạn không phàn nàn gì cả, tôi thầm cảm ơn nhưng không nói ra lời được vì tâm trí vẫn bị chi phối lo sợ vẩn vơ.
Xuống xe cô bạn nhanh nhẹn tiến vào trước.
Và, trời ơi! Tôi nhận ra ngay thầy tôi đang ngồi trên cái phản gỗ kê ở góc nhà, vẫn khuôn mặt phúc hậu. Vầng trán sáng sủa ấy, đôi tai hơi to ấy, chỉ có đôi mắt không được tinh anh như lúc tôi còn nhỏ. Thầy tôi mặc bộ bà ba trắng chứ không phải áo dài xuyến mông mốc đen. Dưới chân thầy tôi là đôi dép nhựa chứ không phải đôi guốc mòn vẹt gót có thể dùng đánh vảy cá, như học trò vẫn giễu"...
(Trích Về thăm thầy cũ - Minh Quân)

Người đọc phải cảm ơn cô bạn gái của nhân vật - bởi cô này đã làm cái gạch nối thật hoàn hảo cho hai thầy trò xích lại bên nhau. Thầy thì mắt mờ, tai lãng; trò thì xúc động quá chỉ biết im lặng tận hưởng hạnh phúc cuộc trùng phùng sau 50 năm. Nếu không có hai phát ngôn nhân là người bạn gái tốt bụng, và phu nhân của thầy thì chắc hai thầy trò không ai mở miệng được trong phút giây cực điểm bi hoan, phần thầy thì quá đỗi bất ngờ cho cuộc thăm viếng hiếm hoi không mong đợi giữa kẻ lái đò và khách sang sông, phần trò thì quá xúc động với cảm giác đã tìm ra báu vật, tìm lại cây đèn thần đã soi sáng, đã dẫn dắt mình từ bóng tối mù mịt ra với ánh dương quang…
Vô hình chung tác giả đã sắp xếp cho cuộc gặp gỡ của hai thầy trò, không rườm rà về nghi thức nhưng lại thấm đẫm ân tình chơn chất, với những kỷ niệm được khơi gợi từ vùng ký ức tưởng đã ngủ quên trong trái tim đôn hậu của bậc ân sư mà hoa sương đã trắng vùng trí tuệ sau hơn nửa đời tận tụy với phấn trắng bảng đen cho bao lớp môn sinh…
Ta trở lại với niềm hạnh phúc ngọt ngào của Minh Quân hay Minh Quân đã hóa thân qua nhân vật:
… "Như được bạn tiếp sức, tôi trở nên hoạt bát hẳn:
- Thưa thầy, con nghe thầy Hiệu trưởng đổi đi xa, thầy lớp Tư cũng đã mất, còn thầy…. Nhưng con lo quá, chỉ sợ… vì K. gặp thầy cũng đã lâu…
Bây giờ thì tôi lại nghẹn nữa tôi ngồi im.
Không còn nhớ chúng tôi ngồi xuống từ lúc nào. Tôi chếnh choáng, nhẹ hẫng trong một cảm xúc phơi phới, lâng lâng, rất diệu kỳ khó tả nên lời. Cô tôi cũng từ nhà trong bước ra, ngồi cạnh chồng. Cô tôi thay chồng lần lượt hỏi đến gia đình, con cái, chức nghiệp, nhất nhất đều được bạn tôi thay tôi trả lời tỉ mỉ. Còn tôi, tôi cứ im lặng mà tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời hiếm có trong đời mình. Tôi như mê đi, như sống lại cái thời thơ ấu cũ, thời ao ước trở nên vị Tướng như Tướng Carnot, sống lại cái mộng trẻ con của thời xa ấy! Không có ngựa kim lông trắng tuyết, không binh phục đỏ ráng pha, không ngựa và đoàn tùy tùng… Tôi đã đi trên những chiếc xe xộc xệch, xóc nẩy tung người lên nhưng may thay: Có cô bạn rất tế nhị, rất cảm thông tấm lòng của đứa học trò về thăm thầy cũ…".
Suốt buổi viếng thăm và trước giờ từ giã, thầy chỉ rút gan ruột để có mấy lời với cô học trò:
"Thầy rất mừng là học trò thầy không đến nỗi nào! Hãy giữ vững thiên lương! Thầy rất sung sướng được gặp con. Có lẽ đây là lần cuối cùng thầy gặp một học trò cũ làm thầy vui…  Vì thầy già quá rồi, thầy xuýt xoát tuổi ba con đó chứ ít đâu".
(Trích Về thăm thầy cũ - MQ)

Trời ơi! Tất cả các nhà sư phạm trên cõi đời này đều dạy học trò "Hãy giữ vững thiên lương!" hạnh phúc cho các thế hệ chúng ta đã có những bậc thầy như thế, đó là những "Lương sư Hưng Quốc" kế tục sự nghiệp mô phạm của nhà giáo dục lớn Chu Văn An. Tác giả Minh Quân đã đại diện chúng ta để bày tỏ lòng tri ân qua hành động về thăm thầy cũ.
Chúng ta biết ơn Minh Quân bởi qua truyện ngắn này chị đã tế nhị gửi gắm một thông điệp về đạo nghĩa thầy trò, về lòng biết ơn và nhớ ơn, về niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân khi đã làm được những điều tốt đẹp hằng tâm niệm. Chẳng thế mà tác giả đã có đoạn kết dễ thương như thế này.
... "Về đến Sài Gòn tôi thấy mạnh khỏe lên như được tiếp sức, mạnh khỏe hơn bất cứ chuyến đi nào từ trước đến nay. Tôi kể đi kể lại câu chuyện thăm thầy cũ với bạn bè thân sơ, kể cả tuần liền không chán. Và tôi hát vang lên. Giọng nói và tiếng hát của tôi y như của vị tướng hành quân vừa thắng trận. Đến nỗi các con tôi phải kêu lên: "Mẹ bữa nay trẻ lại cỡ mới năm chục tuổi xanh!".
(Trích Về thăm thầy cũ - Minh Quân 1991)

Người đọc (NGTC) có nhận xét "Về thăm thầy cũ" truyện có cốt truyện, nội dung mang tính giáo dục cao nhưng hay ở chỗ là không nặng tính giáo điều, rao giảng có thể đây là chuyện thật mà nhân vật xưng tôi là tác giả, nếu tính không nhầm thì khi viết "Về thăm thầy cũ" Minh Quân đã qua cửa lục tuần, nhưng ở phần mở đầu và đoạn kết, thì đúng là vị nữ sĩ này đang "cải lão hoàn đồng" mà chất xúc tác là tấm tình của một con người nặng lòng Tôn sư trọng đạo.
 

Nỗi đau của người mẹ qua "Những ngày cạn sữa"
 
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần truyện ngắn này và kết luận: Đây là tự truyện của Minh Quân.
Bởi không ai khác hơn là mẹ, bởi chỉ là mẹ mới lột tả được nỗi thống khổ, nỗi bất lực, nỗi thảng thốt, khi thấy bản thân không đáp ứng được những nhu cầu hợp lý của con mình - bằng những câu chữ rút ruột như thế, bằng nỗi đau khổ tột cùng thấm đẫm máu và nước mắt qua từng trang viết, qua những động thái quắt quay như thế trong Những ngày cạn sữa. Ai đã làm mẹ, ai đã từng nuôi con bằng hai bầu vú mọng căng nguồn sinh lực bổ dưỡng, mới thấy niềm hạnh phúc vô biên khi ôm con trong vòng tay với thao tác nhẹ nhàng; một cánh tay nâng vai và chiếc gáy nhỏ xíu mong manh, cái sinh vật bé bỏng nằm theo hình dốc trên lòng người mẹ, hai cánh môi hồng mọng mút chùn chụt dòng sống tuôn ra từ vùng ngực ấm, từ cội nguồn thánh địa, từ bàn tay ve vuốt vỗ về, miệng mẹ cất lời ru nhè nhẹ đưa con vào vùng trời đất thần tiên, và bàn tay con non tơ nhỏ xíu ôm phần còn lại trên ngực mẹ như muốn chứng minh một sở hữu tất nhiên. Mắt hai mẹ con đều long lanh sáng ngời niềm hạnh lạc trong cho và nhận… thỉnh thoảng bé nhả vú nhìn mẹ mỉm cười. Chao ôi, nụ cười của thiên thần - trong veo, no đầy an vui.
Vậy mà… nguồn sống ấy bỗng dưng thiếu hụt từ từ rồi tắt tị - thì có người mẹ nào mà bình tĩnh kia chứ?!
Chúng ta đọc, nghe cái giọng thảng thốt của Minh Quân:
"Phải! Tôi sợ, tôi sợ lắm! Mất sữa là điều tôi cố tránh từ trước đến nay, mỗi lần đang cho con bú tôi cần giữ gìn sữa như báu vật. Tôi không thích thuê vú, cũng không muốn nuôi con bằng sữa hộp. Tôi muốn làm trọn thiên chức người mẹ mà tạo hóa đã ban cho…".
(Trích Những ngày cạn sữa - Minh Quân)
Thiên chức cao đẹp của phụ nữ chúng ta là được làm mẹ - làm mẹ, một ân sủng lớn, một món quà vô giá ta nhận được từ tạo hóa.
Mẹ Âu Cơ - một bà mẹ hạnh phúc nhất đời là thủy tổ của các tầng lớp bà mẹ tiếp theo của chúng ta.
Phụ nữ ta tự hào và hạnh phúc trong thiên chức ấy, trong trách nhiệm ấy, niềm hạnh phúc và trách nhiệm ấy nhà văn Minh Quân đã tha thiết giải bày với một văn phong khiêm tốn nghe đến là thương:
… "Làm mẹ! Cho mà không nhận! Một nghệ thuật cao quý của phái nữ chúng tôi! Tiếc thay! Tôi không phải là nhà văn có biệt tài để diễn tả được hết cảm giác mình, tôi không trải lòng ra trên giấy. Tôi vụng về chăng? Hay cả kho ngôn ngữ loài người không đủ chữ?
Ma men gặp rượu? Chiến sĩ được huy chương?
Tầm thường quá! Hay là cái cảm giác mênh mang, rưng rưng trong lòng của kẻ vừa trở lại gia hương sau nhiều ngày ly cách? Hay là sự thích thú khi tình cờ bắt gặp bài cổ thi thất lạc từ lâu? Sự xúc động trước một nghĩa cử hay trước cảnh non sông hùng vĩ?
Lạ quá, chịu thôi! Tôi không thể so sánh, phân tách được, không nói ra lời, ghi thành chữ được, không cách nào chia sẻ được như ý muốn.
Tôi chỉ cảm và chỉ những kẻ từng làm mẹ như tôi hẳn cũng cảm thông… Lại có lúc, tôi tưởng như thế giới chỉ có mẹ con tôi và Thượng Đế. Vâng! Thượng Đế riêng thưởng, riêng ban cho tôi cái diễm phúc được đặc quyền LÀM ME! Ô! Không: Ngài ban cho tất cả phụ nhân chứ chẳng riêng ai. Song không phải kẻ nào cũng xứng đáng để hưởng nhận cái đặc ân thiêng liêng ấy, cũng biết sống đúng với cả nghĩa và chữ ấy, những chữ LÀM MẸ được viết hoa!
giúp việc trong nhà. Tuy vậy, người giúp việc chỉ làm những việc khác, còn con tôi, tôi chẳng thể giao ai…".
(Trích Những ngày cạn sữa - Minh Quân)
Vậy mà nhân vật trong "Những ngày cạn sữa" lại gặp một tai họa lớn, một tai họa tày đình giáng xuống là khi đang nuôi con mọn bằng những dòng sữa lại bị cạn sữa, cạn sữa - đồng nghĩa với cạn dòng máu nóng đang luân lưu trong cơ thể mẹ. Bởi sữa là từ máu mẹ biến thành qua bao giai đoạn chuyển hóa của nhịp tuần hoàn. Trời ơi!
Tôi đọc "Những ngày cạn sữa" bằng cảm thức quay quắt xót xa theo từng nỗi xót xa quay quắt của người trong cuộc, và bực mình theo nỗi bực mình của nhân vật khi nghe ông chồng phán một câu: "Sữa mợ bây giờ thì béo bổ gì mà tiếc chớ?". Một câu nói phũ phàng đau xé lòng một người mẹ đang trong trạng thái khổ đau vì thiếu sữa cho con! (Đàn ông mà!?)
Đã từng làm mẹ, có cùng làm mẹ mới thấu hiểu, mới đồng cảm đến tận cùng nỗi đau của tác giả hay nhân vật mà tác giả đã gầy dựng.
Về phần soạn giả (NGTC) do nhiều yếu tố cộng hưởng mà người xưa từng bảo: Đồng bệnh tương lân đồng khí tương cầu. Vì vậy mới có cái cảm nhận này gọi là đồng thanh tương ứng, để cảm tạ tấm tình của người đàn bà Việt Nam, người mẹ Việt Nam – nhà văn Minh Quân.
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập