BAN BIÊN TẬP

Thông báo:

 
Chúng tôi vừa nhận được tin buồn:
 
Nhà văn LÊ VĂN THIỆN cộng tác viên của trang VHNT Hai Bờ Giấy đã qua đời vào ngày 30.7.2018 tại quê nhà (Thôn Tân Dân, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) sau một cơn đau tim, hưởng thọ 71 tuổi
 
 

 
Nhà văn Lê Văn Thiện (1947-2018)
 
 
 Thành kính phân ưu cùng gia đình nhà văn Lê Văn Thiện.
Nguyện cầu hương linh người quá cố sớm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng
 
Nhà văn Lê Văn Thiện sinh năm 1947 tại Vạn Giã, Khánh Hòa
Truyện ngắn đầu tay Ngoại Lệ đăng trên Văn số 47, ngày 1.12.1965 ký tên Văn Lệ Thiên. Sau đó có truyện đăng thường xuyên trên Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Ý Thức, Khởi Hành...

BBT xin giới thiệu hai tác phẩm của ông:

Ngoại Lệ 

Bây giờ còn sớm quá, trời đất lờ mờ. Kiên đạp xe nhanh xuống đường cái, một cây xoài to ngã nghiêng bên đường như một người khổng lồ mang áo tơi đứng đợi ai. Chưa có người nào đi chợ. Một chú gà cồ nhỏ trong cái nhà cạnh đường bỗng ó lên, nhưng tiếng gáy đứt phựt, tức tối. Kiên nhìn ra, tầm mắt không tới khúc quanh của con đường ngoài kia, chỉ thấy lối mòn trắng ở giữa, cong queo. Tháng này không phải là tháng Chạp. Những ngày cận tết người ta đi chợ sớm lắm, gà gáy một hai lần đã có tiếng nói ngoài đường. Hình như không ai biết mỏi cẳng vì quãng đường dài bảy cây số từ làng đến chợ lớn trên quận, nhất là những cô bé có khi hai ba tháng mới được đi một lần. Ở nhà làm quần quật cả ngày, được đi chợ là được nghỉ ngơi, lại thêm có dịp xem hàng quán nhộn nhịp, vui tươi. Nên  đêm sửa soạn mấy thúng rau trái để sáng vô chợ bán cũng là đêm khó ngủ được.
 
Kiên chống xe, ngồi xuống cỏ. Khỏi làng một chặp có con truông khá dài, hai bên là rừng chồi, cây mọc trên cát, con đường lên quận bò ngang qua đó. Chiều xẩm và lúc mờ sáng qua truông thấy dễ sợ lắm, hồi trước sợ cọp bây giờ sợ ma. Mấy đứa trẻ nhỏ thì ngán bà Lên, Kiên cũng vậy. Trước kia vợ chồng bà ta có cái nhà ở đầu truông, nhưng làm ăn không khá nên cách đây gần hai năm hai vợ chồng bỏ vô một làng trong đó ở. Lối nửa năm sau, một buổi chiều, bà vợ ra mò cua dưới con sông cạnh đó chẳng may sụp búng, chết đuối. Xác bà ta theo nước sông chảy xuống, ra biển. Và dễ ớn hơn nữa là cái xác ấy lại lần mò tấp về làng cũ, dưới bến, chỗ neo mấy chiếc ghe chài. Sự việc hãy còn mới nên đi ngang truông một mình, mấy đứa bé sợ phải gặp bà Lên về ngồi trên nền nhà cũ, tóc tai phủ mặt phủ mày như cái xác khi được vớt bỏ nằm dưới bến.
 
Vẫn chưa thấy người nào qua lại. Kiên vơ vẩn ngước lên nhìn trời. Trống nhà làng đột nhiên vang lên, tiếng thật trong và rõ. Trống gọi dân làng đưa đám ma. Làng này có thói quen: nếu có người chết, mọi người phải nghỉ việc để đến thăm tang gia và phúng điếu kẻ quá cố, dù quen hay lạ. Cho nên nghèo cùng đến mấy, người chết vẫn được ấm cúng và tang chủ vẫn có đủ tiền làm ma chay. Để việc này mãi mãi hiệu lực người ta thường nhắc: ngày có người chết, ai bỏ đi làm, sau này trong gia đình người ấy có thế nào thì phải tự lo liệu lấy, ráng kênh vác xuống gò mà chôn. Tiếng trống đình luôn luôn thúc giục dân làng nên đi làm việc nghĩa, cho người và cũng là cho mình.
 
Kiên mừng rỡ đứng lên, vừa nghe có tiếng nhiều người nói chuyện xen tiếng cười. Một tốp năm người đàn bà gánh thúng mủng bước đi nhanh.
-  Ý! Ông địa ơi!
Một bà đâm bổ tới sát chiếc xe đạp. Mấy bà khác dừng lại.
-  Ai đứng kỳ vậy?
-  Dạ con.
Bà mặc áo dài đến nhìn mặt Kiên.
À thằng Kiên. Tưởng ai.
Bà la ông địa để gánh xuống, Kiên nhận ra dì Tâm:
- Mầy đứng tần ngần làm tao mất hồn. Đi đâu sớm vậy Kiên?
- Dạ, con vô chợ mua cho thằng Tình hộp sữa. Nay nó yếu quá.
Dì Tâm chặc lưỡi:
-  Thằng bịnh cả đời. Tội quá, nếu để nó sống thì cho nó mạnh đi, hành hạ thân xác nó tội nghiệp.
   
Kiên thấy câu nói của dì giống mẹ mình. Những ngày em Tình trở bịnh nặng mẹ Kiên vẫn thường nói như thế. “Thánh thần cô cậu có để nó sống thì cho nó lành bịnh, còn số nó không ở được với cha mẹ anh em thì hãy đem nó đi, đừng hành nó tội nghiệp.” Thằng bé thân thể gầy gò trăn trở trên gường bịnh làm mẹ nó đau lòng, cúng vái lung tung. Kiên thì không tin rằng cô cậu nào bắt nó. Thằng nhỏ mang bệnh tật vào mình từ khi chưa đầy một tuổi. Thầy phù thầy pháp có, nhà thương bác sĩ có, nhưng nó vẫn phải mang lấy một cái tay quẹo, đôi chân đi không vững, và suốt bảy năm trời, bảy tuổi, chỉ mạnh được một hai năm là cùng. Bây giờ thì gần chết.
-  Nhưng sao mày đứng đây? Thím Hải hỏi.
-  Dạ, còn tối con sợ quá. Kiên cười.
-  Thằng nhát như thỏ. Mày phải biết: mấy năm trước, hồi chưa có lính canh gác như bây giờ, một mình tao ở quận về lúc nửa đêm, còn dám nữa là.
-  Dạ hồi đó chắc bà Lên chưa chết?
-  Chuyện! Chết sống cũng vậy. Bây giờ đã nằm xuống đất bà ấy cắn mổ được ai mà sợ.
    Thím móc túi, hình như lấy trầu. Kiên dắt xe theo sau, tốp đàn bà đi trước. Trống làng lại vang lên, nện mạnh từng tiếng. Mợ Tần sang vai gánh:
-  Chắc cũng xế đám mới đi?
-  Không xế thì trưa. Còn chờ thằng con út ông ấy về.
-  Đứa nào?
-  In như thằng Hạnh. Con trai ổng bốn năm đứa dễ lộn lắm..
Thím Hải trầm ngâm một lát:
-  Đúng rồi. Thằng Cả nằm nhà, mấy thằng lớn đi lính xa, chỉ có thằng đó nhỏ nhất mà đi  xa nhất, tận Kontum, Pleiku gì lận. Hồi còn sống ông Canh nhắc nó luôn.
  
Tới đầu làng bà mặc áo dài  đi rẽ lên, bà viếng đám tang. Nghe có tiếng kèn đám chết kêu ngắc ngứ trong nhà thợ Năm, mợ Tần nói nhỏ:
-  Gớm! Cái thứ ấy mà thổi thử trong nhà trong cửa. Hư hao gì thì đến nhà đám sửa chứ. Nghe phát khiếp.
Dì Tâm cười:
-  Ông ấy thường làm vậy rồi. Đám nào ổng cũng đem kèn ra, thử đi thử lại cả buổi. Lại còn rung, còn ngân rồi khè khè xuống như khóc, ngán.
Dì quay lại:
-  Thằng Kiên thật có công. Đem xe mà dắt bộ. Như tao thi nãy giờ đã gần tới chợ.
Mợ Tần hỏi:
-  Liệu em mày có sống được vài ba tháng nữa không? Tao thấy sợ...
Mợ nghĩ một chút và tiếp:
-  Như việc ai cũng phải đi phúng điếu người khuất, làng này có cái lệ thường chết cặp đôi. Để ý thì biết ngay. Tháng sáu năm ngoái ông Trường chết buổi sáng, xế một chút thì con Cương chết, cả hai đều bịnh lâu năm. Hôm tháng chạp bà Sáu chết bữa trước, hai ba bữa sau thằng nhỏ con ông Xê chết theo. Mấy năm trước cũng như vậy luôn. Nay ông Canh mới chết, mà thằng em mày bịnh nặng, tao e quá.
Kiên im lặng không nói gì. Dễ nhớ nhất là năm cha Kiên mất, hôm sau cũng có người chết: bà mẹ anh Thư ở cùng xóm, cách nhà Kiên một đám ruộng. Biết đâu lần này thằng Tình lại không theo ông Canh.
 
Qua hơn nửa truông, trời đã sáng tỏ. Kiên lên xe đạp đi, mấy người đàn bà bước thong thả đằng sau, tiếp tục nói chuyện.
Đến quận hãy còn sớm, mới có một vài hàng mở cửa, chợ chưa có ai. Kiên hỏi mua hộp sữa và về ngay. Mặt trời mọc, con đường lớn nhiều người qua lại, đông nhất vẫn là kẻ đi chợ. Kiên hối hả đạp xe nhanh, bây giờ có lẽ bọn học trò đã đến nhiều. Thằng Tình không ăn uống gì từ hôm qua. Kiên nhớ đến ông Canh. Lời mợ Tần ban nãy. Đứa học trò gái ngồi chồm hổm trên ghế, Kiên còn nhớ rõ cử chỉ con bé: nó xòe bàn tay ra, mấy ngón như cung lại, nó nói với mấy đứa bạn:
-  Hòn dái ông Canh bây lớn vậy nè.
Mấy thằng nhỏ bật cười. Một đứa hỏi:
-  Sao mấy biết?
-  Hồi trưa tao theo con Lại vô coi. Con Lại nói ông nội nó gần chết rồi. Tao thấy ổng nằm trên giường, một đổi lại lăn qua bên này, rồi lăn qua bên kia. Ổng rên nữa, rên lớn lắm.
Nó chu miệng và giơ bàn tay lên, lập lại điệu bộ lúc nãy: xòe bàn tay ra, cung các đầu ngón lại:
-  Lạ lắm! Ổng nằm ngửa trên giường, chỉ bận áo, không bận quần. Hòn dái ổng sưng thiệt là to, bây lớn vậy nè.
Mấy đứa nhỏ cười sặc. Con bé thêm:
-  Cha con Lại quỳ ở đầu giường khóc, nó cũng khóc. Tao sợ quá bỏ chạy về.
 
Xế hôm qua ông Canh gần chết, sáng hôm nay ông ấy đã chết. Bây giờ thằng Tình yếu quá, nó gần chết. Chiều nay hay sáng mai, biết đâu nó lại...
Kiên đạp xe rẽ lên lối nhỏ về nhà. Một tốp học trò đang đi ở trước, thấy Kiên chúng dừng ngay lại, lật mũ bỏ nón chào:
-  Anh Năm.
-  Anh Năm.
-  Đi đâu về sớm anh Năm?
Kiên gật đầu cười. Bọn nhỏ chạy theo xe, Kiên đạp chậm lại:
-  Làng đi đám chưa các em?
Con Đan nhanh nhẩu:
-  Dạ mới đi đây. Hai ông khiêng trống đi trước, ông xách chiêng sau, rồi tới mấy người cầm cờ, đi vô ngõ giữa. Lúc trống làng vô em chạy xuống coi. Người ta thiệt nhiều, có trò Trừ nữa, em rủ đi học, trò ấy biểu coi chút nữa, người ta đông đảo vui quá.
Thằng Quý hỏi:
-  Sao hôm qua nó nói ở nhà ông Canh thấy sợ lắm, bữa nay nó lại xuống coi?
-  Nay người khóc nhiều hơn hôm qua, nhưng ông Canh đã bị bỏ trong hòm, đậy kỹ rồi ít sợ. Đan trả lời thông thạo.
Kiên chống xe xuống sân, đem sữa vô nhà. Tình nằm, mắt nhắm nghiền, nó thở hơi lên. Mẹ Kiên ngồi đầu giường:
-  Em nó mệt lắm rồi con ơi!
Kiên thấy mình muốn khóc.
Tám giờ đúng. Kiên móc túi lấy còi thổi. Bọn học trò ào ào chạy vô lớp, bàn ghế đụng nhau lạch cạch. Thằng Chút nói:
-  Mình vô lớp sớm quá. Chưa nghe trường công đánh trống
Con Ngào nhìn nó:
-  Ừ, bữa nào trường mình cũng vô trước một chút. Sớm càng ngon.
Kiên vỗ hai tay vào nhau:
-  Các em nghe đây...
Bọn học trò ngẩng đầu lên, im lặng:
-...Em Tình bịnh nặng, các em không nên đùa giỡn inh ỏi như mọi bữa, nghe chưa?
Chung nó đáp một rập:
-  Dạ...ạ...
Kiên viết bài tập trên bảng. Sáu đứa Lớp Tư ngồi ngay ngắn trông. Bàn Lớp Ba, những đứa học trò lớn nhất trường,. còn lục đục, đứa viết, đứa kẻ, đứa cào bút sồn sột xuống mặt ghế. Chỉ có bọn Mẫu Giáo, lực lượng đông đảo nhất, là ồn ào hơn cả. Một số học bài, đánh vần rào rào, số khác quay qua quay lại cãi nhau. Tiếng con Đan:
-  Sao không nghe tiếng trống đám chết nữa hé?
Thằng Châu nói:
-  Chắc đã chôn rồi.
-  Ẩu, người ta nói đến chiều mới đem đi
Con Phụ dự vào, tiếng nói ồm ồm:
-  Ai nói? Cứ láo, đến xế thì chôn.
Mỗi đứa góp một câu, loạn lên. Kiên gõ mặt bảng cộp cộp:
- Im đi chứ. Em nào còn nói chuyện bị đòn bây giờ.
 
Học trò thì giống nhau, lớn hay nhỏ nghịch ngợm, quấy phá, ồn ào. Kiên thấy ngán bọn đệ tử nhóc của mình. Dù đã rất cố gắng quất mạnh tay roi lên đầu lên mông chúng, nhưng lũ nó vẫn không sợ. Không phải là không sợ. Chúng sợ, nhưng chỉ những lúc bị đánh, sau đó chúng lại tật nào hoàn tật ấy: thọc trước, thọc sau, thầm thì, rì rào rồi ồn lên, lan to ra như gió lốc. Cách đây chín tháng, Kiên cũng ở trong cái thành phần dễ sợ này. Lớp Kiên có sáu chục đầu nhưng thường thì ít khi có mặt ở trường đông đủ, mặc cho đó là năm thi. Không hẳn lớp này nghịch phá nhất trường, nhưng nó cũng loạn lắm. Nạn nhân bị đem ra quấy chọc nhất là hai ông thầy quan trọng: một cụ quốc văn, cụ này dĩ nhiên là già, vì già mới cụ. Thứ đến là ông toán, anh này trẻ trạc nửa đời thôi. Anh được ông trời tạo ra một cái hình dáng  rất dễ cho bọn học trò vẽ. Chỉ cần vạch một cái đầu dài, phải cho dài, và cẳng cũng dài là đã giống. Thêm nữa, dường như  để thuận ý trời, anh thầy này còn tự tạo cho mình vài nét dị biệt khác: cái đầu hớt cao, ít chải, trước trán thường có một lỏm tóc ngã phủ xuống. Và, theo trào lưu mới, anh mặc những cái quần ngắn mà mấy thằng bạn Kiên quả quyết rằng ống chỉ rộng chừng 16 hay 14 phân. Anh ta dạy toán, giảng mau, hay nhưng phải cái chứng hay gắt, cứ luôn cao giọng: “Các anh  học lối này thì khi thi sẽ rớt như mít rụng, để mà xem.” Câu này anh đem áp dụng thường trực, giờ dạy nào cũng nói như vậy ít ra một lần. Và...lâu lâu, mới bước vào lớp, nhìn lên bảng anh ta đã thấy một hình người, đàn ông, mặt dài, chân dài, tóc hớt cao, mặc cái quần tới đầu gối, và từ đầu gối trở xuống lông mọc đâm tua tủa. Bên trên, trước cái gạch làm miệng có một vòng tròn lớn đâm ra trước, giống như một thầy phù thủy chụm miệng phun bùa phép. Trong cái vòng đó có hàng chữ: “Các anh phải liệu lấy thân, cứ học theo lối nầy  thi khi thi sẽ rớt như mít rụng...để mà xem”. Anh thầy đứng trông, sững sờ. Bọn học trò im thin thít, ra tuồng đứng đắn.
 
 Với cụ quốc văn trường hợp này cũng có thể xảy ra, nhưng chỉ độc một lần. Hôm đó, ngay khi thấy giữa tấm bảng đen có mấy nét nguệch ngoạc hình dung một cái đầu khỉ, khỉ có mang gương, cụ hầm hầm quay xuống, xông vào phòng ông hiệu trưởng và nằng nặc xin thôi. Cụ nói: “Tôi dạy đã mấy chục năm trời chưa thấy bọn nào quá quắt như vậy.” Ông hiệu trưởng nổi trận lôi đình, và sau đó toàn lớp bị đuổi cảnh cáo bảy ngày. Không ai chứng nhận nhưng bọn học trò đều đồng ý ngầm rằng cụ quốc văn giống hệt như con khỉ, giống ở cái mặt hóp. Từ đó, từ bữa bị chỉnh, cụ quốc văn không được thấy mình bị phác họa lần nào nữa, nhưng chưa phải đã là hết, chúng còn tìm nhiều cách chọc làm ông già giận phát run và đâm ra ngại mỗi khi bước chân vào cái lớp ấy.
 
Ra xong hàng chữ viết tập cho lớp Năm, Kiên cầm sách đọc chính tả. Tám đứa lớp Ba cắm cúi viết. Thằng Giác ngồi khuỳnh tay, bẹt chân, bộ tịch dềnh dàng, lấn cả chỗ đứa bạn bên cạnh. Tài huých hông Giác phản đối:
- Ngồi gọn lại chút mậy, giơ cả càng que ra làm sao tao viết.
Thằng Định mắt lấm lét, đang chăm chú viết bất thình lình chồm lên liếc nhanh qua vở Tài. Thấy rõ  được cái chữ mình đánh vần mãi không ra, nó lanh lẹ viết lấp vào chỗ trống. Bắt được, Tài chộ:
- Ê, đừng cóp chớ. Tao mét anh Năm bây giờ.
Không đáp, Định cúi đầu sát vở mình, làm như chẳng nghe thấy. Có tiếng động ầm ỳ, tiếng máy nổ thì phải, nghe hơi xa.
Tàu lửa!
Đang viết Châu ngửng lên:
-  Tàu lửa hả, đâu?
-  Ầm ầm đó.
Con Đan trả lời và nhìn ra sân. Chúng lắng tai nghe. Chợt con Phụ nói, tiếng ồm ồm:
-  Hổng phải.
Mấy đứa lớp Ba quay lại, ngơ ngác.
-  In như máy bay, hổng phải tàu lửa.
Tiếng động cơ lớn dần và bây giờ  đã rõ. Một đoàn phi cơ bay rầm rầm qua, chúng giống nhau, cũng trục lúc và mỗi chiếc mang một cái chong chóng to trên lưng, quay tít. Bọn nhỏ cũng chồm lên nhìn ra sân, Giác tỏ ra hiểu biết:
-  Máy bay chong chóng, cứu thương.
Tài phụ họa:
-  À, anh hai tao cũng nói, thứ này bay đi cứu thương.
Nó nhỏ giọng, vẻ quan trọng:
-  Bữa nay chắc ngoài đó đánh nhau dữ lắm...Đến mười mấy chiếc cứu thương bay ra!
Định nghe, dáng chăm chú. Bỗng nó hỏi:
-  Ở ngoài nào có đánh nhau, Tài?
Thằng nhỏ làm ra kẻ lớn, cau mày:
-  Thì ở ngoài xa kia chớ đâu, ngoài Bắc ngoài Huế gì đó
Nó chống tay xuống bàn nói thật nhỏ:
-  Tụi bay hổng thấy sao, chín mười ngày nay máy bay ra vô đầy trời, mà xe lửa thì...lạ...
Mấy đứa kia chụm đầu lại im thít.
-...Hổm nay thiệt lâu mình chẳng thấy hình dạng đâu cả, phải không? Chắc gãy đường rồi, xe chạy không được.
Mấy cái mồm cùng “À” lên một tiếng.
-  Hèn gì- thằng Giác nói- hổm nay mình hổng nghe tàu lửa hú lần nào
Đoàn tàu bay qua đã xa, tiếng ầm ầm vẫn còn nghe rõ. Kiên nâng sách lên đọc tiếp một câu chính tả.
 
....Buổi học trôi qua bình thường. Lũ học trò ra về, xô lấn nhau, giành nhau đi trước. Kiên ôm chồng sách lên nhà trên. Bé Tình nằm không cựa quậy, mắt nó nhắm, duy có hơi thở thật mạnh, dồn dập. Mẹ Kiên vẫn ngồi, tay bó gối nhìn đứa con, thấy mình bất lực. Dễ chừng từ sáng tới giờ - không, từ hôm qua – bà đã ngồi mãi như thế. Kiên thấy thương mẹ như thương thằng em mang cái định mạng khốn khổ. Kiên ra giếng rửa mặt. Mợ Tần ngoài ngõ đi vào, tay nắm một nhánh cây nhỏ, chắc để dọa những con chó có tính thích dọa những chị đàn bà đi vào nhà lạ mà cầm những cành cây nhỏ, như mợ Tần.
-  Có chó không mậy? Mợ Tần hỏi lớn.
-  Dạ có!
Mợ đứng khựng lại, ngó xung quanh rất nhanh. Kiên cười xòa:
-  Nhưng nó chạy đi chơi đâu mất rồi.
Mợ Tần mừng rỡ đi vô:
-  Thằng làm tao hết hồn.
Mợ bước lên thềm:
-  Chị Ba!
Tiếng mẹ Kiên hỏi:
-  Cái gì. Ai đó?
Mợ Tần cẩn thận dựng cái roi tựa vào tường trước thềm:
-  Dạ tôi. Cháu bớt chút nào không chị?
Mẹ Kiên đáp nhỏ, Kiên không nghe thấy, nhưng đoán được:
-  Chẳng bớt chút nào mợ ơi, mà nó còn...có mòi nặng thêm.
Rồi có lẽ bà thút thít. Mợ Tần tới sờ trán thằng nhỏ, ngó sững nó và lát sau bước tới ngồi cạnh mẹ Kiên:
-  Ừ, cháu thở nặng hơi quá, tôi sợ...
Mợ không nói nữa nhưng mẹ Kiên cũng biết được những tiếng tiếp theo:...”tôi sợ nó không sống nổi!”
 
Hai người đàn bà đứng dậy bước xuống giường và ngồi bệt dưới nền, đặt khay trầu ở giữa. Không nói gì, mợ Tần bỏ miếng trầu vô miệng, nhai nghe sào sạo. Mẹ Kiên dí viên thuốc lá vào sát hai hàm răng và chà mạnh qua lại.
Kiên xối thêm một gàu nước nữa lên đầu, mát lạnh da thịt. Vuốt tóc ra sau. Kiên chạy vào nhà. Mợ Tần hỏi:
-  Con Nhẫn đâu?
Kiên đáp thay mẹ:
-  Dạ nó đi chợ.
-  Chưa về à? sao tao không gặp?
-  Dạ nó bán chuối, làm gạo và vô tận chợ lớn mua cá nữa nên về trễ.
Mợ Tần cười:
-  Một công hai ba chuyện, con nhỏ giỏi chớ!
Mẹ Kiên vẫn còn còn đánh răng thuốc. Mợ Tần với lấy ống thiếc nhổ đánh phẹt một búng nước trầu.
Nhẫn gánh gánh gạo nặng bước lên và đặt mạnh trước thềm. Kiên thấy trước:
-  Con Nhẫn về.
Mợ Tần chồm lên ngó ra. Nhẫn vứt nón xuống thềm, bỏ cây đòn gánh ngang qua thúng gạo, vuốt lại mấy sợi tóc rồi đi vô, lại giường cúi xuống nghe hơi thở của Tình, xong nó bước ra:
-  Ồ ghê quá...
Kiên hỏi:
-  Cái gì Nhẫn?
Nhẫn nhìn mẹ, nhìn mợ Tần:
-  Anh Lài chết rồi.
Mợ Tần giật nhỏm mình:
-  Thằng Lài chết hả, Lài con chị Phó phải không?
-  Dạ, anh Lài con thím Phó, ảnh đi lính. Nghe như ảnh chết đã hai ba ngày rồi, bị trúng đạn đầy mình. Người ta liệm xong chở về. Thím Phó khóc quá trời. Người ta  giở hòm ra cho thím thấy mặt con lần chót.
Nó nói tiếp, mau mắn:
-  Chị Bông cũng có tới. Chị ôm hòm khóc ồ ồ. Người ta coi bà con thăm đông nghẹt.
Mợ Tần chặc lưỡi:
-  Thiệt ngán. Ông Canh chưa được chôn đã tới thằng Lài. Con Bông chưa được cưới đã thành góa.
Kiên ngẩn ngơ, tay nắm cứng cái lược quên cả chải.
-  Kiên, mầy thấy không?...
Mợ Tần bỗng gọi to, Kiên giật mình:
-  Dạ, cái gì mợ?
Mợ Tần đứng dậy tới chống tay vào cạnh bàn, nhìn mẹ Kiên, quan trọng:
-  Tôi nói thiệt mà , làng này đã có cái lệ dễ sợ...lúc nào cũng chết một lượt hai người, không cùng ngày thì cũng chỉ cách nhau một hai bữa. Lần này thì quả cùng ngày.
Mợ nuốt nước miếng đánh trót:
-  Bọn thằng Bút, thằng Hưng để ý chuyện này trước hơn ai hết, tôi nghe thấy tụi nó nói và ngẫm lại thì trúng thiệt. Hồi mai tôi đã nói rồi mà, có thằng Kiên đây nghe, nay ông Canh chết thì không lâu sẽ có một người chết theo, trúng quá. Làng này đã có cái lệ...
Mợ nói luôn một  hơi, như thích thú trước cái khám phá mới mẻ của mình. Mẹ Kiên ngồi nghe im lặng. Nhẫn kéo vạt áo lau mồ hôi trán:
-  Gớm quá hé!
Nó đi ra bưng chồng hai thúng gạo lên nhau, đem đôi gióng đi cất. Mợ Tần đã đi lại ngồi xuống đối diện với mẹ Kiên như lúc nẫy. Đột nhiên như nhớ ra điều gì hay lắm, mợ vỗ cẳng mẹ Kiên một cái mạnh:
- Này, chị Ba!
Mẹ Kiên thót mình:
- Hả?
-  Khỏe rồi đó...Chị chẳng khỏi sợ rồi...
Không đợi mẹ Kiên hỏi, mợ tiếp:
-  Thằng Lài nó thế cho thằng nhỏ Tình đây rồi đó. Đã đủ cặp, đúng lệ rồi, thằng Tình chắc mạnh.
-  À...
Mẹ Kiên “á...á” trong miệng, vì thật ra bà không được tin tưởng lắm:
-  Được vậy thì sướng quá.
-  Ừ, chắc rồi, nó không chết đâu, mai chiều nó sẽ mạnh, thằng Lài thế cho nó.
Bỗng thấy Tình động đậy, hai người đàn bà nghe tiếng khè khè phát ra thật to, từ cổ họng thằng bé, tay nó quơ mạnh lên. Mẹ Kiên đứng bật dậy. Mợ Tần đứng dậy theo...Thằng bé uốn mình, mắt nó trợn trừng, tiếng khè khè lớn hẳn, Mẹ Kiên ngồi bạch xuống giường và đột ngột khóc rống lên. Kiên chạy vô. Nhẫn ở nhà sau chạy lên.
-  Em chết rồi con ơi! Kiên ơi! Nhẫn ơi!...
Bà mẹ ẵm xốc thằng bé dậy, nhưng nó đã xuội lơ.
-  Trời!
Mợ Tần kêu lên và đứng ngay ra nhìn.
Kiên đưa tay quẹt nước mắt. Nhẫn ngồi bệt xuống khóc.
-  Em chết rồi con ơi! Kiên ơ...ơi!./.

Gian Nan Một Đời

 Mồ côi cha mẹ, được một người bà con nhận nuôi, từ bảy tuổi ba tôi đã đứng đồng, chăn trâu. Và đến lúc có sức, cầm được cái cày thì ông bắt đầu cày cuốc, gieo gặt, làm lụng quần quật trên đồng quanh năm.
       Rồi ba má tôi gặp nhau, thương yêu nhau, tự sống chung dù không được sự đồng tình của hai gia đình, bởi… không hạp tuổi. Đến đây, một nổi khổ mới xuất hiện, bám riết lấy ba tôi: khổ vì con. Má tôi sinh ba người con đầu đều chết yểu, nên khi sinh tôi ra, ba tôi chạy ngược chạy xuôi từ am này đến đền nọ, quỳ lạy mòn gối tại nhà các thầy pháp, ông đồng bà cốt. Ông đặt cho tôi cái tên xấu xí, đeo vào cổ tôi đủ loại vòng bạc, bùa phái… Tôi là con cầu tự nên được yêu quý, nuông chiều cũng dễ hiểu.
       Năm bảy tuổi, tôi đi học. Tôi học tạm được, dạng trung bình, “mỗi năm lên một lớp.” Chỉ như thế cũng đã đủ để ba má tôi vui thích. Ba tôi rất quan tâm đến việc học của tôi. Tháng nào ông cũng hỏi tôi được xếp thứ mấy, và trong số các bạn trong làng tôi hơn đứa nào thua đứa nào. Có lần, gặp lúc vui ông hỏi: “Những khi học bài không thuộc, thầy phạt cách nào?” – “Dạ, phạt quỳ úp mặt vào tường, hay lấy thước kẽ quật lên tay.” – “Có đứa nào đau quá khóc không?” – “Dạ, thường lắm ạ.” Ông cười: “Phạt như thế nhẹ hều, khóc là yếu. Nếu gặp ba thì thầy cô đánh gãy thước ba cũng chẳng nhúc nhích!” Ngẫm nghĩ một lúc, ông tiếp: “Hồi nhỏ ba cứ ao ước được đi học vài hôm cho biết.” Và ông bảo tôi: “Con ráng, ba sẽ cố gắng cho con học xong ở đây rồi lên tỉnh… Ba không được đến trường, con học luôn phần của ba.” Tuy không mặc áo học trò ngày nào nhưng ba tôi cũng đọc được sách, biết làm bốn phép toán, nhờ mày mò tự học. Khi tôi lên lớp nhì (lớp bốn) thì ông nói đến cái ước mơ lớn: “Con ốm yếu, không hợp với nghề nông, nên chăm học để sau làm thầy giáo… Nghề dạy học khó giàu nhưng thơm tho, nhàn nhã.”
       Ba năm cuối bậc tiểu học, tôi lên học tại một trường tư ở thị trấn Vạn Giã, cách nhà tám cây số. Đi với tôi còn có năm bạn khác cùng xóm. Chúng tôi đi xe đạp, sáng lên chiều về, vì ngày học hai buổi. Ngày nào má tôi cũng dậy sớm, nấu cơm cho tôi đem theo ăn trưa. Vào các tháng mùa đông mưa gió, trời mau tối, chiều nào ba tôi cũng đi bộ ba cây số vào dốc Ké đứng đón tôi, bởi quãng đường rừng đó vắng vẻ. Ba tôi không coi chuyện đưa đón là cực khổ… Ông thường nói với má tôi: “Chiều đứng trước sân, dòm thấy cu Cọt đạp xe về là tôi sướng, bao nhiêu nhọc mệt trong ngày tan biến hết.”
       Đúng như ba tôi nhận định, càng lớn tôi học càng khá. Giữa năm 1970 tôi tốt nghiệp tiểu học, hai tháng sau tôi đậu vào lớp sáu. Năm anh bạn cùng làng đều nghỉ cả. Gia đình họ ngại lên tỉnh, đi xa, tốn kém… Vào được trường trung học ở Thới Bình là điều vui mừng lớn. Có thể nói, tôi đã đạt hai mục tiêu: được học trường công khỏi đóng học phí, và bước đầu thực hiện ước vọng của ba tôi: nhắm đến cổng trường sư phạm.
       Lên trọ học tại thành phố tôi sống chật vật vì nhà gởi cho tiền ít. Nhưng tôi không buồn vì biết đây là toàn bộ sức lực, khả năng của cha mẹ.
       Ở phố nhưng tôi nhớ nhà khôn nguôi. Nhiều lúc, vào xẩm tối, tôi nghĩ: giờ này ở nhà chắc ba đang chuẩn bị đi biển soi cá, má lùa gà vào chuồng. Rạng sáng, tôi đoán, chắc má đang nấu cháo heo, ba ôm rơm cho trâu ăn… Đi trên đường phố Thới Bình thỉnh thoảng gặp những người đàn ông dưới quê mới lên – nhìn cách ăn mặc, dáng đi của họ là biết – tôi lại thấy hiện ra trong đầu hình ảnh ba tôi gánh bốn thúng cá hấp chạy trên đồi cát Đầm Môn. Trong những ngày rảnh việc đồng (thường vào mùa nắng), ba tôi xuống các làng đảo mua cá hấp về bán. Công việc này lời khá, nhưng vất vả. Mỗi chuyến đi mất ba ngày. Ba phải gánh bốn thúng cá đầy ngộn, chạy trên những đồi cát thấp, xa khoảng sáu cây số, trên đầu nắng gắt, dưới chân cát nóng… Về lại đất liền, ba tôi vào các làng xóm xa biển rao bán. Ba tôi làm toàn những việc nặng nhọc.
       Năm tôi học lớp tám, ba tôi lâm bệnh, một chứng bệnh ngặt nghèo. Mới vài tháng, từ một người lực lưỡng, ông biến thành hình nộm gầy gò xanh bủng. Cây cột trụ lung lay, nhà tôi rúng động. Nằm trên giường bệnh, ba tôi vẫn lo cho vợ con. Ông than: “Lỡ tôi không mạnh lại thì tính sao đây? Bà chẳng quen làm nặng, lũ nhỏ còn bé quá… nhà cửa ọp ẹp thế này… Chắc khó có tiền để thằng Cọt học… Ông trời ác quá.” Má tôi sợ cuống nhưng bất lực, chỉ biết ngồi nhìn.
       Ba tôi mất lúc mới 46 tuổi. Của cải quý nhất ông để lại là tám thửa ruộng một vụ và bảy con trâu. Trước đó ông đã bàn với má tôi: “Ta tính một đàng ra một nẻo. Giờ bà ráng xoay xở nuôi con. Ruộng mướn người ta cày, làm kiếm gạo. Trâu thì bán, cất lại cái nhà cao ráo hơn một chút, và cho thằng Cọt học ít năm nữa… tội nghiệp nó, chắc khó theo được đến thành thầy giáo.”
       Sau ngày ba tôi qua đời, tôi học thêm hơn một năm nữa, rồi phải nghỉ. Chỉ nội việc kiếm cho ba anh em tôi ăn no, má tôi đã đuối, nói chi tới chuyện cao hơn.
       Việc học của tôi dở dang, tôi không được vào trường sư phạm như mơ ước của ba. Nhưng nay chắc ba tôi vui lòng khi thấy tôi nằm trong số những người “có chữ nghĩa” trong làng, và tôi ham đọc, biết mua sách báo như dân thành phố. Và còn một điều đáng nói: giống như ba, tôi coi học vấn là chìa khóa giúp cho con người bước vào ngôi nhà tri thức lộng lẫy, nên dù gia đình chỉ đủ ăn, hai con tôi nay đã ngồi trên ghế giảng đường đại học ./.
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập