BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu
Chùm Bài
Vĩnh Biệt Nhà Thơ ĐẶNG TẤN TỚI

Giã Từ nhà Thơ ĐẶNG TẤN TỚI
Nguyễn An Đình

Như vậy là anh Đặng Tấn Tới đã ra đi trưa ngày 14 tháng 12 năm 2017 tại Sài Gòn.
Dù đã biết trước sức khỏe của anh mỗi ngày thêm yếu dần. Nhưng khi nghe tin anh mất, lòng tôi bỗng thấy nặng đi với bao nỗi ngậm ngùi.
Tôi bị đau tim từ 10 năm nay, ngày ngày phải uống thuốc đều đặn, thì làm sao từ quê nhà An Nhơn, Bình Định này vào được Sài Gòn để đốt cho anh nén nhang lần cuối cùng.
Thôi thì xin gợi lại chút kỷ niệm xưa cũ từ hơn 30 năm về trước ở quê nhà Bình Định cho vơi đi bớt nỗi niềm.
Tôi may mắn được đọc tập bản thảo gồm 41 bài “ Thơ ca hoa lá và Máu xương ” thơ của Đặng Tấn Tới, tháng 01 năm 1983. Đọc xong tôi thích thú lắm, nên hai đêm liền tôi đã tản mạn cảm nhận đôi điều về thơ Đặng Tấn Tới, đến nay đã trên 30 năm rồi.
Bài tản mạn có tựa: “ Giậu cúc năm nào rụng hết bông ”. Nay xin được chia sẽ, tâm tình cùng bạn đọc trên Trang Nhà Face Book. của Nhà văn Mang Viên Long.
NAĐ

LỜI CẢM
GIẬU CÚC NĂM NÀO RỤNG HẾT BÔNG

Một lá thuyền lan xuống bóng hồng
Nghe chừng hạnh phúc lạc hư không
Em về ráng đỏ giăng đầu núi
Thu tới sương mù đổ xuống sông
Đêm lấp dư hương lời ước nguyện
Ngày chôn tàn mộng sáp đào song
Trùng phùng dù hẹn mai còn hội
Giậu cúc năm nào rụng hết bông. ( * )

Điền dã vừa chép lại một bài thơ của Bùi Giáng Tiên Sinh. Và chính Bùi Giáng Tiên Sinh đã có lần điểm qua thơ của Đặng Tấn Tới như sau:
“ Nguồn thơ ông rất đặc biệt. Đọc mấy thi phẩm ông, tôi còn giữ lại một cảm tưởng hiu hắt. Rủi sao, tập thơ ông, tôi bỏ lạc đâu mất, nên không thể dám mạo muội viết nhận định ra đây. Xin một dịp khác . ” ( Trang 155 Thi ca tư tưởng. Sổ Đoạn Trường tức Đi vào cõi thơ, cuốn hai – Bùi Giáng. Ca dao xuất bản lần thứ nhất tháng 12 – 1969 ).
Tập thơ, rủi bỏ lạc đâu mất. Nhưng vẫn còn nhớ rõ ràng: “ Nguồn thơ rất đặc biệt, nên vẫn còn giữ lại một cảm tưởng hiu hắt ”. Đọc thơ và cảm được thơ như thế thì thật là tuyệt vời. Do đó mà Điền Dã mới dám mạo muội trích thơ Bùi Giáng ra đây. Và cứ xem như là một chút trợ duyên cho lời mở đầu cảm nhận về thơ Đặng Tấn Tới vậy.

( * ) Thơ Bùi Giáng
Thật vậy, đến ngày này, năm này Điền Dã cũng còn may mắn gần gũi được với người thơ Đặng Tấn Tới.
May mắn gần gũi, nhưng thực tế không dan díu sum vầy: “ Hai tình vẹn cả hòa hai ”. Bởi Điền Dã và người thơ không có dư thời giờ để mà vui chơi quá lắm.
Có lẽ, vì nặng nợ với áo cơm tự tiền kiếp, buộc thân phải làm lụng, nên không có dư thời giờ. Tuy có lúc cũng xem hoa nở, cũng lắm khi chờ trăng lên. Nhưng xem hoa nở và chờ trăng lên trong những bận “ Niềm vui bỗng lại, nỗi sầu chợt qua ”. Hỏi tại sao ? Xin thưa: Bởi người thơ đã tự rúm mình sống cô lậu ngoài thành cũ. Còn Điền Dã thì ra thân lăn lộn với cá chim, với hoa cúc, với công việc quê nhà.
Do đó, nên không lúc nào dám buông thả chơi vui quá lắm, giữa những khó khăn chồng chất chung quanh - mà thường nhật cứ thư nhàn thì thật là kỳ dị quái quắc, thật là vô lí với trời đất, cỏ hoa.
Không dám nói sai đâu ! Bởi đời mình vốn đã vất vả khổ cực. Nói sai thì những vật khổ cực không còn ý nghĩa gì với cuộc sống cả. Cứ thật lòng, ( Ai không thật lòng thì cứ gửi thẳng lên ông trời xanh để xét tội – chứ còn cách gì hơn ! ).
Cứ thật lòng “ mở cánh song giấy, thả cho con ong bay ra, chẳng cũng sướng lắm sao ? ”. ( Thánh Thán ). Cũng sướng – bỗng chợt trong đời sống áo cơm vất vả, cũng có lúc vui sướng trong giây lát như thế.
Sướng vui trong giây lát, nhưng vẫn còn thấy sướng hoài ! cũng như cánh hoa kia – nở đẹp trong giây lát; nhưng vẫn còn thấp tiếp tục nở đẹp hoài !.
Tại sao lại có được sướng hoài, đẹp hoài ?
Xin thưa ! “ Càng khóa khăn để cho nhất định phải có điều mình mong ước, người ta càng phải cố gắng, và khi khó khăn mới có, mà rồi có thì cái thú mới là thú tuyệt vời ”. lời của Lê Văn Siêu vẫn thấy có lý thật.
Cho nên càng thấy nhiều nỗi khó khăn, thì Điền Dã càng thấy gần gũi được với nguồn thơ Đặng Tấn Tới. Thử bắt chước người xưa nói to rằng: “ Nhà Điền Dã vốn nghèo, bạn bè vốn ít. Nhưng nghèo thường thủy chung, bạn bè ít thường chắc thiệt. Có thủy chung có chắc thiệt là giàu lớn. Vốn nghèo mà bổng được giàu, thì bỗng chợt cũng chuốc rượu vui cười ! Đọc đi ! nghiến răng đi ! Trợn mắt đi ! Hui hắt đi ! Đời chưa đọc kịp thì đốt đi ! A… có phải Điền Dã đã đốt thật chăng ? ”
Đã có đốt thật chăng thì người thơ cũng từng hiểu cho rồi. Tâm tình nghi ngút ngày nay vẫn còn. Phải chăng ? Hởi các bạn yêu quí ?
“ Trên đời liệu có mấy Tử Kỳ và Bá Nha để thức cảm hết giá trị nghệ thuật cho nhau như thế ? Còn thường thì đã có biết bao người chỉ nghe người khác khen mà khen, nghe người khác phục mà phục ? Ví thử trời đất nghe được những lời khen phục cỡ ấy thì trời đất cũng chẳng thú vị gì. Còn người làm việc khen phục ấy chả qua cũng nói xuôi theo thời thượng một lúc rồi thôi. Có gì của tác phẩm làm được cho người ấy thiết tha ? ”.Vẫn thấy điều vừa nêu do Lê Văn Siêu viết ra là điều có lý nữa.
Thật vậy trên 15 năm qua, dần dà gặp gỡ thơ Đặng Tấn Tới. Trên 10 năm qua, dần dà gặp gỡ tánh tình nhau. Đến ngày này, năm này, thật cũng còn gặp nhau như lần đầu; nó sướng như “ mở cánh song giấy, thả cho ong bay ra ’. Cũng như cái gần gũi bắt gặp bây giờ, nó sướng như thấy cánh hoa chợt bừng nở.
Thật ra, con ong đã bay đi mất. Cánh hoa đã tàn rụng. Nhưng những đổi thay trong cuộc sống hàng ngày hàng giờ. Cũng như những con ong, những cánh hoa không thể giữ nguyên hình trạng, mà luôn luôn bất chợt hiện ra những đột ngột, khiến cho trời đất và người thưởng ngoạn phải hòa điệu để cùng say mê rạo rực.
Cái thăm thẳm vô cùng hun hút mù mịt kia mà tôi muốn tỏ bày hôm nay – chính Bùi Giáng Tiên Sinh đã mở ra cho bao máu xương cùng nhau thấm thía vậy:
Trùng phùng dù hẹn mai còn hội
Giậu cúc năm nào rụng hết bông.

Hẳn người thơ cùng với bạn đọc đã rõ ý.

*
* *

Ngày hôm qua, Điền Dã theo anh bạn “ sào nhá ” ( người trong xóm, cùng đi đứng nhá, bắt cá hằng đêm, để sinh sống ) lên Hố Hương nơi mà anh bạn “ sào nhá ” đã chặt cây, lăn đá để trồng mì, lang – tăng thêm nguồn kinh tế cho gia đình.
Chiều theo ý tôi, anh bạn thân thiết đã dẫn lối lên Hố Hương để tôi tìm kiếm phong lan.
Hố Hương nằm song song với Hố Giang về hướng mặt trời mọc thuộc Hòn Giang An Trường ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Từ bao đời câu hát ru em vẫn còn phổ biến trong khắp vùng quê này:
“ Ngó lên Suối bé ve kêu
Hố Giang nước chảy nhiều điều đắng cay ”
.
Đi chặt giang, chặt mây đổi gạo, mà không khổ cực sao ? Nên chỉ ngó lên hố nước chảy mà nhiều đắng cay đã phát ớn đến thế rồi ! Thì ta cứ thử tưởng tượng sự vật vã khi đời sống đã phải chịu nương cậy vào rừng núi để kiếm ăn còn gian nan khổ sở đến mức độ nào !
Vậy mà chính nơi đây, dọc theo hố, những nhành phong lan xòe lá bám lơ lửng trên cây; sẵn sàng vui đùa với dòng suối. Nước suối chảy ào ào, bắn tung xuống từng vách hố đá sâu, bọt văng trắng xóa, tỏa mát một vùng.
Những chùm phong lan chịu đựng với gió mưa, giông bão. Chịu chia sẽ nhiều gian nan thử thách với đời, luôn luôn sống ở đó, để cùng vui buồn với người.
Cùng men đến Hố Hương thì mặt trời đã ngã xế. Chùm phong lan đã đón tiếp đúng theo lời của anh bạn đã mách chỉ.
Thân này vốn quen với dốc cao, đá dựng. Củi rừng đã từng quảy nặng vai. Lòng rộn ràng:
“ Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt, còn ngờ chim bao ” ( Kiều – Nguyễn Du )
Cái chơi nó đang thấm lần vào trong máu, trong xương người ta, mà qua sự gian nan mới thấy rõ lòng.
Bàn tay vốn chắc khỏe của Điền Dã nâng niu từng nhánh lan, nhưng rất mạnh mẽ cưa đứt nguyên vẹn cả cành cây. Hái trọn một chùm lan tươi tốt mà không hề tổn thương một chiếc rễ nhỏ nào ! Mồ hôi đổ tháo ra, nên khát nước lắm. Điền Dã sẵn sàng uống nước Hố Hương. Vì chính những người làm rẫy nơi đây đã nhờ các hố nước này mà sống và mình đã từng sống như thế rồi, nên không chút ngại ngùng.
Mặt trời xế lần, bóng nắng đã che khuất nữa núi. Phải xuống núi để kịp trở về nhà. 
Một bầy gà rừng bay vụt ngang lối nhỏ rậm rạp. Lưng Điền Dã chở chùm phong lan. Dưới kia lòng kênh mương hiện ra nguyên hình, một dòng xanh chảy dài êm đềm, mờ dần tận các nẻo làng xa.
*
* *
Đêm ấy chùm phong lan được gắn vào hiên. Đã lâu không leo núi nên hai chân mỏi lắm. Nhưng lòng đang hớn hở, nên không thấy buồn ngủ chút nào. Tình cờ được đọc lại những dòng ghi cũ, trong đó chợt gặp bài tặng bác N.H.V năm xưa. Mới hay thơ viết đến nay đã sáu năm rồi mà chưa gởi được.
Năm ấy Điền Dã cùng với người thơ ngược lên Đồng Phó viếng thăm mối tình “ hoa lá mù sương ” trên xứ gieo.
Nhìn nhành lan vừa hái trên đỉnh Hố Hương, An Trường mà lòng tự thẹn lòng. Sao mà mình quá hững hờ ! Nên vội ghi tiếp mấy dòng, mòng nguôi bớt đi nỗi ray rức và ngậm ngùi kia !
Trân trọng kính gửi đến bác N.H.V trong mối tình “ hoa lá mù sương” giữa những ngày đầm ấm sắp đến của mùa xuân Quý Hợi.
Thơ rằng:
Đường xa hay cách chốn
Sáu năm rõ đục trong
Mưa nắng reo ngoài nội
Còn nhau nỗi nhớ mong

Hố Hương trưa suối chảy
Nhành phong lan rực màu
Hiên trời che tạm lá
Chợt bừng cơn xót đau.


Đang khi hớn hở rạo rực, vậy mà cơn xót đau chợt bừng xô ập tới. Điền Dã biết tỏ bày gì hơn ? Người đợi biết ai chờ ? Ai chờ Điền Dã ? Người nào sẵn lòng đợi đây ? 
Nhìn trước sau, những mầu nhiệm trôi theo cuộc sống thật vô cùng mờ mịt. Vậy mà Điền Dã lại cứ thấy những điều hốt nhiên lên, hốt nhiên xuống kia – chảy theo bể dâu vô cùng mù mịt kia, lại chính là những điều thơ mộng và hiện thực nhất trong cuộc sống này.
Cũng do nguồn tình cờ cảm xúc dài dòng trên, mà hôm nay Điền Dã mới dám mở lòng để nói thẳng cùng với người thơ Đặng Tấn Tới rằng: Thật tôi cũng còn may mắn gần gũi với người thơ, mà bao năm chưa có dịp tỏ bày được.
Còn gần gũi được với người thơ, bởi người thơ còn còn thấy tấm thân lặn lội của nông dân này là lặn lội thật. Và Điền Dã vẫn thấy người thơ sống cô lậu bên thành là cô lậu thật.
Nên người thơ có lúc chợt ghi cho Điền Dã rằng:
“ Con cá bán mang ra ngoài chợ
Con cá vui lội giữa trời trăng
Sào nhá cần câu xương máu chở 
Lối về sương cỏ gió băng băng ”
( Đặng Tấn Tới )

Ở đời, thật giả khó phân, nhưng hành động và lời nói cũng khó mà lừa dối nổi người ta.
“ Những hàn sĩ trong chuyện Liêu Trai, ngồi đọc sách mà thấy mĩ nhân từ trong cây hoa hiện đến với mình. Hay một hoàng hậu nhà Đường ban chiếu đuổi hoa quỳnh vì không kịp nở để đón chào hoàng hậu. Đó là những chuyện cổ Đông phương thực chất là tưởng tượng để ngụ ngôn. Nhưng tựu trung cũng vẫn không thể không nhìn nhận một sự có thật là sự người ta coi hoa cỏ cũng có một đời sống như người, cũng buồn, cũng vui như người vậy: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ! ” ( Lê Văn Siêu ).
“ Những từ trên ngọn đào tơ
Mười lăm năm mới bây giờ là đây ”
( Kiều – Nguyễn Du ).

Kể từ khi Kim Trọng bắt được Kim Thoa trên cành cây đào mà vấn vít, bâng khuâng, ngậm ngùi, đứt ruột, xé lòng… thắm thoát đã mười lăm năm !.
“ Tình duyên ấy, hợp tan này
Bi hoan mấy nỗi, đêm chầy trăng cao ”
( Kiều – Nguyễn Du )

Kể từ khi Điền Dã bắt gặp được thơ Đặng Tấn Tới trên chặng đường của cuộc sống trăm năm này – mà hòa diệu mênh mông, cảm trôi lai láng… thắm thoắt cũng đã mười lăm năm rồi !
Nhìn lại thời gian qua, chẳng biết thời gian lẫn trốn chỗ nào mà trôi nhanh linh diệu đến thế !
“ Gương trong chẳng chút bụi trần 
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm ”
( Kiều – Nguyễn Du )

Do đó, có thấu được nỗi cảm xúc dạt dào, thì mới thấy rõ sự sáng tạo luôn đổi mới có tác dụng làm cho người cảm xúc, yêu thương trìu mến với bao niềm xao xuyến chân tình.
Như khi ta yêu thương hoa, ta có lòng trìu mến hoa thì hoa sẽ đáp tạ lại với ta, giống hệt sự sáng tạo luôn đổi mới một cách vô cùng phúc hậu. Chẳng nghe thầy Huyền Quang đã nói: “ Nhìn xem cúc nở biết trùng dương” ( Cúc hoa khai xứ tức trùng dương ). Nhìn xem cúc nở mà biết ngày trùng cửu ( mùng 9 tháng 9 ), không phải là việc đơn giản giữa hoa và người được!.
Cho nên, đủ biết tác dụng của hoa, của cái đẹp thắm tình thắm nghĩa; liên quan mật thiết chặt chẽ đối với tâm hồn trong cõi người ta.
Vậy thì nhân dịp này, sẵn đà mở trôi chuyện từ “ Mười lăm năm mới bây giờ là đây ”. Xin gửi đến người thơ Đặng Tấn Tới đang sống đơn lẻ bên thành Đông Bình Định cũ những lời máu xương quê dã nhất.
*
* *
Hiện thời Điền Dã đang vất vả với đời sống áo cơm thật.
Nên mong ông trời xanh hãy cho tâm hòn có được chút ít thư thản, êm đềm.
Bao năm qua, ngọn đèn quê nhạt mờ ảo diệu – Điền Dã có lần đã thức suốt canh. 
Niềm nhớ thương đau đớn riêng của gia đình. Công việc chung của làng xóm quê nhà… Tất cả chỉ là những câu hỏi trên “ những con đường vời vợi đang đi ! ” Mà người thơ đã thấu được nỗi niềm của Điền Dã:
“ … Mà tất cả, nghĩ cho cùng chẳng khắp 
Như hoa rừng gợn bóng suối tan nhanh
Tôi đi về quàng mấy nẻo loanh quanh
Mười lăm năm ấy phải chi là mộng
Em Kiều chỉ đàn trăng và giỡn sóng
Nợ Tiền Đường buông thả hết xa xôi 
Nhưng không, tiếng kêu mới đứt ruột ” rồi 
Quỉ dẫn lối hay nhà mà chờ đợi
Những con đường thường ra đi chẳng tới
Ơi những con đường vời vợi đang đi !
Câu hỏi mênh mông để chẳng hỏi gì
Những câu hỏi như liềm trăng tròn lại…
( Đặng Tấn Tới )

Những câu hỏi như liềm trăng tròn lại. Những câu hỏi như: Tại sao ? Có nghe ? Có còn ? Có biết ? Thế nào ? Do đâu ? bao giờ ?...
“ Những câu hỏi của không lời êm ái 
Câu đáp lời hẹn mãi với muôn sao ”
( Đặng Tấn Tới )

Hẹn mãi để rồi không nói lên được niềm thống thiết thoáng chợt qua kia. Vì nó như nước, như bóng, như mây, như khói, như chim kêu, như hoa nở… mà rốt cùng chỉ là “ như hoa rừng gợn bóng suối tan nhanh ”.
Nên thật khó giữ yên niềm thống thiết mãi được !
Mà ai đã giữ yên được đâu ! Những điều hốt nhiên, rất thật và rất lạ lùng !
Xin thưa rằng:
“ Bao xương tủy trút theo lề lá cỏ
Cho thịt da còn mở miệng thưa rằng
Thơ và mộng của một chiều chưa tắt
Thở hơi ra, dội hắt mãi lời vô
Đường đi ấy luôn sôi trào lặng ngắt
Xối mang mang xuống bằn bặt mơ hồ
Từng trang đời chưa hết sắc bạc thô
Mỗi sợi mảnh đâu cạn màu ảo dị
Cánh phấn mỏng, bướm hay người yêu mị
Vài ba lời thổi tóc lệch vai xô
Tôi vẫn biết có nghĩa nào không khổ
Khúc cổ bồn gõ tang trống cười ca
Trò chơi ấy trời xanh kia thách đố
Cuộc đau này còn rỡn cõi người ta
Trăm nghìn năm chơi chỉ thế thôi mà !...” 
( Đặng Tấn Tới
)
Chơi chỉ thế thôi, giữa lòng phố thị huyên náo. Nếu không dám khép mình sống cô độc thì hỏi chơi làm sao được. Và làm sao thấy kịp cuộc sống chung quanh mình, làm sao thấy kịp tiếng kêu của Điền Dã vang vọng nẻo xa quê:
“ Gánh củi than chạm đến đỉnh sương mù 
Sao còn hỏi: “ anh ơi ”, nghe cũng lạ ”
( Đặng Tấn Tới )

Nên đến ngày này, năm này, tuy là chưa bao giờ: 
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên ”
( Kiều – Nguyễn Du )

Một cánh thư nhàn quá lắm. Mà chỉ được may mắn gần gũi nhau một cách quê mùa, với những đêm dư hương thoáng lồng ngoài nội, những ngày hui hắt trận trận gió nam thổi lạnh thịt khô da:
“ Dòng trước chưa kịp gởi 
Lời sau vội vã theo
Bao đêm không ngớt lệ
Gò lạnh gió nam reo ”
( Khóc cháu – N.A.Đ )

Mà Điền Dã và người thơ sẵn sàng quan tâm chiếu cố với nhau. Rõ lòng, thật dạ với nhau một cách giản dị, ấm cúng, mộc mạc.
Bởi thế, Điền Dã không nỡ nào dám quên, dù chỉ là vài ý cảm “ hoa lá mù sương ” nhưng Điền Dã đã hẹn chờ có dịp là đón tiếp ngay.
Nên Điền Dã vẫn cứ xem: “ Lời quê thản mặc lợi quê, dẫu mùa gió ngược đường về ta đi ” – “ Một vùng cỏ mọc xanh rì. Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu ” ( Kiều – Nguyễn Du )
Thỏa lòng biết mấy ! Khi đã quyết hẳn như thế, thì trời đất cũng không thể ngăn cản nổi nữa rồi !
Bởi “ Nặng vì chút nghĩa bấy lâu ” hao chờ mòn mỏi. Nhớ lại năm xưa Điền Dã đã có ghi rằng: “ Trác Sơn và Thánh Thán trò chuyện lai rai nhau chơi. Thế mà hai mươi năm sau vẫn còn nhởn nhơ, vẫn còn vui vẻ, vẫn còn tạc lòng ghi dạ. ôi ! trong phút chốc chỉ bày chuyện lai rai nhởn nhơ, chơi vui. Vậy mà vẫn thấm thía vẫn sướng mãi đến những hai mươi năm sau, đến cả đời người, thậm chí đến cả với người đời sau… ” Vậy thì tội tình chi đã sẵn lòng, sẵn dạ, sẵn hoa lá, sẵn máu xương mà Điền Dã không dám tỏ bày.
Do đó, “ Thơ ca, hoa lá và máu xương ” chính là những khúc giao hưởng tuyệt vời cho chim đồng, cá quê, mù sương, tơ cỏ, mà trong đời sống ở nơi thôn ổ này, không dám nỡ hững hờ vậy:
“ Xương máu nói lên lời rất thật 
Cỏ hoa trổi điệu lại là mơ
Hững hờ, lôi cuốn lòng vui, hận
Mong trải cho đời hết mối tơ ”.
( Đặng Tấn Tới )

Thật không ngờ, người thơ sống cô độc ngoài thành lại còn viết lên được những bài thơ lôi cuốn, mãnh liệt. Mới lướt qua tưởng chừng là bình dị. Nhưng đọc lại, thì hút sâu thăm thẳm, dội chan chát vào nhịp sống cuộc đời.
Những dòng thơ như thế mà ta còn gần gũi. Thử hỏi, không may mắn sao được ? !
*
* *

Mấy hôm nay, đêm về khuya, trời thường mưa lấm tấm, gió se se thổi lạnh. Những hạt mưa khuya làm tươi tốt hoa màu, chồi non mau bén ngọn, mừng thầm.
Mừng vì mình vốn làm nông. Làm nông mà không mong lúa màu được mùa tươi tốt, thì thật là tự phản bội lấy mình. Tự phản bội lấy mình tức là giả dối, không thật. Không thật tức là vô lễ với trời đất, thì trời đất có dịp sẽ vặn họng, bẻ cổ ngay. Vặn họng bẻ cổ rồi, thì hạnh phúc cũng đi theo đời nhà ma, nhà quỉ. !
Không còn hạnh phúc thì làm gì còn thấy được chút nồng cay, đau khổ của cuộc đời; 
Nên:
“ Người có lúc chỉ mong trồng ớt 
Cùng hoa, ta thử bỡn lòng thôi
Qua rồi, rớm máu mắt môi
Nồng cay còn dội bao hồi nắng mưa ”
( Đặng Tấn Tới )

Nồng cay còn dội bao hồi nắng mưa. Nếu như tấm thân này, gió mưa chưa lật khỏi lưng trần, thì dễ gì cảm xuôi được !
Thật vậy, có chịu đựng được với nắng mưa, có hết lòng với hoa lá; mới thấy điều tình cờ thoáng qua rất là ngậm ngùi.
Có thấy được cái trôi mất, mới có được chút nghĩa duyên đậm đà.
Những cái trôi mất mà tôi nhận thấy trong bao năm qua. Chính Đặng Tấn Tới đã bày ra nhiều cuộc chơi tận tận. Mà hỏi rằng cuộc chơi tận tận ở đâu ? Chính người thơ cũng không nhớ !
Huống hồ hiện nay:
“ Đã đành nắng lửa phải quen
Bữa nay bước sớm thả ven chân đồi
Đôi khi cần sống lôi thôi 
Cuộc chơi thử giỡn má môi lan rừng ”
( Đặng Tấn Tới )

Thử giỡn vui với lan. Vậy mà vừa vui đó, hớn hở rạo rực đó, lại chợt – bừng – đau – xót – khôn – cùng. Nhân đấy, mới thả xuôi chút đỉnh tâm tình với Đặng Tấn Tới. Nhưng giải bày nhận định chừng nào, tôi càng cảm thấy mù mịt chừng ấy.
Thôi thì:
“ Viết, không đừng được đã đành
Thêm chi hoa cỏ cho thành đa đoan
Em ơi, đời dẫu hao mòn
Gắng nuôi chút mộng lòng son đất trời ”.
( Đặng Tấn Tới )

Thôi thì:
“ Thật ra chẳng có chi thơ
Một hơi nghìn cũ bây giờ giở ra
Sơn lâm đổ lộn giang hà
Một hơi thở nữa sẵn đà đẩy luôn
Giọt trong vắt ngấn mưa nguồn
Giọng tình ai thử buông tuồng xanh khơi ”

( Đặng Tấn Tới )
Thôi thì:
“ Đã lòng mây trắng trời xanh
Sao còn dội ngược dồn quanh hởi người
Trăm năm một cuộc đi đời
Là khi lá thốt hoa cười nghe ra ”

( Đặng Tấn Tới )
Là khi lá thốt hoa cười nghe ra ! 
Phải vậy chăng hởi người thơ ? Hởi quí bạn trìu mến của tôi ? hởi tài tử ẩn mình đâu tá ?
Nếu lá thốt hoa cười nghe ra thật, thì rõ là còn may mắn lắm.
May mắn gần gũi được với người thơ thì ngại ngùng gì mà không “mở cánh song giấy, thả cho con ong bay ra, chẳng cũng sướng lắm sao ? ”
Thả cho con ong bay ra. Là chính Điền Dã xin mạn phép được thả những dòng thơ ghi “ lơ mơ phớt tỉnh ” trong ba năm về trước, trên mười lăm năm trở đi của người thơ Đặng Tấn Tới sống cô độc ngoài thành Đông Bình Định cũ, đến với quý bạn trìu mến, đến với tài tử ẩn mình đâu tá, để cùng nhau đọc chơi, khen chơi, chê chơi, cười chơi, ném chơi, xé chơi, khóc chơi… Đến lúc ngán rồi thì xin đốt chơi…
Cuối cùng kính gởi đến Bùi Giáng Tiên Sinh lời cảm tạ chân thành.
“ … Trùng phùng dù hẹn mai còn hội
Giậu cúc năm nào rụng hết bông ”.
( Bùi Giáng )

Mười lăm năm mới bây giờ là đây
Đêm 12, 13 tháng 01 năm 1983
Thôn An Ngãi – Bình Định
Nguyễn An Đình
( Nguyễn Câu Mục )


"TUYỆT HUYẾT CA",
Thơ ĐẶNG TẤN TỚI


Phê Bình: Mang Viên Long

(Bài viết cho Đặng Tấn Tới , Tuy Hòa, tháng 4 -năm 1974)

Tại sao tôi chọn đọc thi phẩm “Tuyệt huyết ca” mà không là “Thi Thiên” (tác phẩm thứ tư, phát hành mùa Thu Quí Sửu), hay thi phẩm mới nhất vừa phát hành trong mùa Xuân 1974 là “Trúc Biếc” của Đặng Tấn Tới ? Tại sao là một tập thơ mỏng manh, được in ra vội vàng trong một năm đầy biến cố (mùa hè 1972), kỹ thuật trình bày cũng xoàng xỉnh, mà không là một tập nào trong 04 tập thơ xem như được độc giả lưu ý nhiều nhất ?

Chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca” tôi cần nói tới hai điều :

1-Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của kẻ sĩ Việt Nam (hay nói cách khác: Nỗi bi thiết tuyệt diệu và vô cùng của người nghệ sĩ Việt Nam) hai mươi năm “lạnh nghe hồn réo mười phương, Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn”.

2-Minh chứng, lần chót nhưng không phải là thừa thãi, không có sự phân chia (không phải sự tìm hiểu, nghiên cứu) nào trong Thi ca là thích hợp ; hay nói cách khác, không thể uốn nắn, xếp loại một cách gượng ép, cứng nhắc, với nhiều ác ý để từ đó đưa ra những luận cứ nhất thời rất hàm hồ, về những thi phẩm đã được giới thiệu.

Phần một (xin tóm tắt) : Thi phẩm “Tuyệt Huyết Ca” gồm 27 đoạn thơ song thất lục bát, tất cả 108 câu thơ, chung quanh một nhan đề chính đã được chọn. Sử dụng lối thơ cổ truyền Việt Nam để diễn tả những khúc ca máu hồng tuyệt vời của dân tộc, Đặng Tấn Tới đã dồn hết rung cảm tích tụ kỳ diệu bao năm giữa “Trăng cổ độ ố mầu tăng hải, Trải thu phần quan tái vài bông”, trong cảnh tượng đời sống ghê khiếp như ma quái “Người vất vưởng tận hang cùng cốc. Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương” vào thời gian được ghi nhận là biến loạn nhất trong hai mươi năm chinh chiến.

Tôi tạm chia “Tuyệt Huyết Ca” thành một bố cục như sau : Đoạn một : (08 câu đầu) Tình cảm mang mang thúc đẩy lần viết (hay lần mở) từng trang tuyệt huyết của Dân tộc. Đoạn hai : (72 câu tiếp) có thể chia làm 04 tiểu đoạn. Tiểu đoạn a: (08 câu) Viết (hay mở) với tư thái thong dong, trang trọng, chua xót và có chút gì như là chán nản. Tiểu đoạn b : (16 câu) . Những trang đầu tiên – là một cuộc tao ngộ kỳ bí, đưa đẩy tác giả túy lúy trong cảnh “Sông nước chảy chiêm bao máu rạn. Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương”. Tiểu đoạn c: (16 câu) . từ cuộc hội ngộ “chung tuyệt huyết” tri kỷ trên, thảm cảnh ma quái trần gian tỏ lộ sáng ngời như đời sống ngày đêm của Dân tộc đã hai mươi năm “Người vất vưởng tận hang cùng cốc/ Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương/ Máu khô thịt nát bên đường, Rợp mầu tinh huyết đò dương đắm chìm”. Tiểu đoạn d : (32 câu) . Thái độ tìm thấy khi đã kinh qua cảnh đoạn trường (ở đây cũng là tâm sự, thái độ của kẻ sĩ – hay nghệ sĩ, đối với mọi biến động) : Giải quyết những nỗi ưu tư bi thiết bằng sự an ủi của chính mình, bằng sự xoa dịu của đôi mắt nhân ái trầm buồn của Phật Lão, và sau rốt, bằng vào sự hy vọng (vẫn còn hy vọng) : “Non nước cũ rạng ngời sông núi / Trời trong xanh muôn tuổi thơ ngây / Nước trôi mây cuốn chưa đầy / Ngày sương nắng biếc hồng rây ánh vàng”. Đoạn 3 (28 câu cuối): Con người đau khổ thống thiết từ đầu (cuộc tao ngộ) đã đổi khác : Ở đây là một cõi mới, một đời sống tiên cảnh lạ thường, hay là một cõi chiêm bao mộng mị của đa số nghệ sĩ Việt Nam. Nhờ đâu con người (em Nguyên Thủy) đã chết với máu me, với hình hài tiều tụy, với xương trắng cát lạnh, đã được sống lại vào đoạn kết ? Nhờ đâu? Xin thưa : Nhờ niềm hy vọng. Nhờ ước mơ. Nhờ mơ tưởng. Nhưng phải chăng mọi hy vọng ở tương lai cũng chỉ là chiêm bao ? Đoạn kết : “Mây gió nổi trôi ngàn bước mộng/ Bàn chân không lùa sóng vô biên/ Ta đi dạo khắp cõi miền/ Này là phố thảo kia triền xóm hoa”.

Đặng Tấn Tới trong “Tuyệt Huyết Ca” không phải u mặc như Tâm Thu Kinh, cũng không gảy những đoản khúc du dương (hân hoan hay bi lụy) liếc ngó đời sống với đôi mắt nhuốm đượm màu sắc Lão Trang – một thái độ ẩn dấu, e dè, nản chán – đó là thái độ hay tâm sự của kẻ sĩ hiện thời. Trong 108 câu thơ ở “Tuyệt Huyết Ca” đã kéo được tấm màn cho ngần ngại cho thấy rõ ràng một hình ảnh của nhà thơ : Đây là những hình ảnh trung thực, gần gũi, linh hoạt, chứa chất nhiều tâm sự bi đát (không giấu diếm – qua những cái nhìn, đến tư tưởng) có thể đại diện cho đa số kẻ sĩ (hay nghệ sĩ) hiện thời : Thương nhớ quê hương, xót xa vì vận nước, nhưng chỉ thể hiện bằng những thái độ tiêu cực (Than thân trách phận, buồn nản, tuyệt vọng, hy vọng, mơ ước, mộng mị, chiêm bao, và thoát tục : Một tính chất biểu hiện hiển nhiên trong vài năm gần đây tâm sự, quan niệm, đời sống của người nghệ sĩ (hay kẻ sĩ) rất phù hợp với vận nước, cùng những cố gắng khai phá cho Thi ca một lối thoát). Sự chuyển biến tâm tư trên có thể giải thích tóm tắt : Quá Đau Khổ Ngao Ngán -> Thất Vọng -> Quá Thất Vọng -> Hy Vọng - > Trở Về Với Mình = Mộng / Ước / Chiêm Bao / Thoát Tục, v.v…. Tất cả những trạng thái tình cảm quanh co nầy đã được ghi dấu trong “Tuyệt Huyết Ca” bằng một giọng trầm tĩnh, trang trọng nhưng lại quá lâm li bi đát.
Tình cảm đó là :

Mang mang cát bụi lên đường
Những xương máu cũ phai hường là đâu?
Trăng cổ độ ố mầu tang hải
Trải thu phần quan tái vài bông
Nao nao gió giục sang hồng
Rụng bao nhiêu cánh giữa lồng nhân sinh

Ngậm ngùi thương cảm :

Ghé trong mây trắng môi cười
Một xe cát bụi xô người ra đi

Và :
Vin sắc máu trong tòa hồng sử
Tay run mầu lữ thứ cô hương
Lạnh nghe hồn réo mười phương
Ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn

Nồng nhiệt, tha thiết :
Ta uống cạn trong giòng bích ngạn
Cuộn tâm bào ức vạn sinh linh
Quá giang ca ngộ cô tình
Lấp mầm sinh tử như mình như ai
Người thoáng hiện di hài cuối nguyệt

Đoạn trường:
Hồn đau nhỏ máu tơ đồng
Mấy cung hồ gợn mênh mông gió gào
Sông nước chảy chiêm bao máu rạn
Chén vàng thanh ngồi nán đêm sương

Chán nản :
Mây trôi lớp lớp vô thường
Trời xanh còn lại con đường chim bay

Nhìn thấy:
Người vất vưởng tận hang cùng cốc
Kiếp lạc loài oan khốc kêu sương
Máu khô thịt nát bên đường
Rợn mầu tinh huyết đò dương đắm chìm

Và :
Phơi xương trắng ngoài đêm cát lạnh
Vùi đó đây từng mảnh thân non
Đất bay đá chạy chi còn
Bi thương cổ lục héo mòn tân thanh!

Vì thế, tâm sự :
Trường thu hận tan tành sông núi
Bao mạng người làm củi nung tim
Mây ơi chở nụ im lìm
Chở hồn hoa trắng bay tìm tình tang

Tiếng kêu thương trầm thống còn vọng mãi muôn đời:
Nghìn thu trước ai tình xanh mắt
Nghìn thu sau hiu hắt hồn hương
Cùng nhau về tụ đầu sương
Long lanh chút mộng cuối đường tài hoa.

………………………………….
Không kể đến những tâm sự được giải bày mạch lạc trong một bố cục chặt chẽ (điều nầy cố ý hay vô tình ? Tác giả đã : “Ta cũng sầu mở quá độ chơi”) phô diễn và liên kết từng dòng xúc cảm, từng chặng thăng trầm, như một lan tràn tươi mát của suối nguồn. Ngoài một lối sử dụng thể thơ song thất lục bát độc đáo, mới lạ, tuyệt vời nhất trong những áng thơ song thất lục bát đã có tự cổ chí kim (Tôi chịu trách nhiệm về những phát biểu đã nói hôm nay cho tới ngàn sau), không có một câu thơ nào trong 108 câu của “Tuyệt Huyết Ca” tì vết, suy suyễn (mà bạn có biết là tại sao có 108 câu?). Tôi có thể ví như một xâu chuỗi hạt, 108 hạt ngọc đều ngời sáng và quí giá như nhau. Không chú trọng tới những ưu điểm hình thức, điều quan trọng tôi muốn nói lên khi chọn đọc “Tuyệt Huyết Ca”, phân đoạn và dẫn chứng, rằng không có sự phân chia nào trong Thi ca là thích hợp cho mỗi tác giả, không cố định và bắt buộc phải chịu dán cái nhãn hiệu kỳ quặt xa lạ đối với họ (Thi sĩ) Rằng Thơ phải đọc bằng tâm hồn, rung cảm tự nhiên, đọc và mê man tàng tịch trong mỗi dòng mỗi chữ. Rằng thơ phải như thế – xúc cảm ; nồng nhiệt, phẫn nộ, hay đau xót, hân hoan cũng phải chảy vào lòng người bằng ngõ ngách sâu khuất nhất của tâm hồn. Chứ không phải là một kỹ thuật dụng chữ. Dụng ngôn. Đao to búa lớn. Tôi có thể vắn tắt : Sự rung cảm truyền đạt bền bỉ và sâu sắc là phần quyết định chân giá trị của một thi phẩm chứ không phải : Viễn mơ, Dấn thân, Thiền hay một cái gì ngộ nghĩnh khác./.

(Tuy Hòa, tháng 6/1974)

 

 Trang Thơ: ĐẶNG TẤN TỚI
Nhà văn: Mang Viên Long giới thiệu

 

Tình Cát Bụi
 

Một ít tơ xanh rụng tóc hồ
Nơi đâu là nghĩa trắng hư vô
Bao nhiêu gương thắm đằm gương nước
Soi đến không cùng đất bạc thô

 

Mỗi ngày tôi vẫn đến bên chân
Thả chẳng xa và nắm chẳng gần
Đôi mảnh thơ hồng hương đắm đuối
Ơi tình cát bụi mãi còn ngân


Mầu Xứ Sở
 

Tôi còn lại bên bờ non biển thẳm
Đợi bao lần xa mất giữa trăm năm
Sầu hoang loạn xứ sở nào bước gặp
Mạch thơ mầu cổ lục mắt đăm đăm

 

Người từ buổi lên đường mang lửa đốt
Gió sương mùa thao thức mầu long lanh
Sông reo sóng trường sa hồn phiêu hốt
Dội diêu tàn biền biệt xuống xuân xanh

 

Tôi nay đứng trên đường thương thế kỷ
Ngả mười lăm mười bảy đã qua nhanh
Lời mời gọi vô cùng cơn lâm lụy
Ánh hoa đời ngời rạng suối tình anh


Cát Bụi Thơ

Đây xương máu còn xanh sông núi
Nọ linh hồn vẫn suối tình mơ
Bao nhiêu bước mất, chân chờ
Gặp hoài trong cát bụi thơ tuôn trào

 

Trước Đèn Khuya
 

Việc vặt trong ngày vừa tạm yên
Khuya chong đèn nhỏ sáng trời riêng
Còn nuôi một điểm hồng trang trắng
Bút mực về xa, nồng lửa thiêng

( trong “ Lửa và Hoa - Bên Bờ Năm Tháng Hai Ngàn “ )


Tình Thơ

Tặng D Kh
 

Đâu đó khu vườn thơ bỡ ngỡ
Lối về nắng lụa, gió hương vây
Lược trăng rẽ lệch đường ngôi tóc
Nhật nguyệt nồng reo, máu cuộn ngày

Bàn tay đan ấm thời gian ấy
Bay bổng tình đôi theo cánh chim
Ta dẫu nhỏ hơn đời cát bụi
Em nào ra khỏi suối mơ tìm

Luôn thắp cho lòng bông lửa đỏ
Bên rào thiên cổ, cuối xanh thâu
Xôn xao biển mắt, ngàn sao gọi
Lặng lẽ trào dâng sóng bạc đầu

Ta đang chung bước, chi mà vội?
Lịu địu hành trang biêng biếc sau
Ngõ sớm, đường khuya, chân bối rối
Môi kề tơ cỏ, cắn thương đau

 

Trung Thu

Tặng Duy Khương
 

Trăng nổi ngang đầu , mây trắng che
Đời ta trôi chảy có bao nhiêu
Tình em, gương sớm lòng soi tỏ
Cảm nửa khuya thu, xế mây chiều

 

Em ghé qua vườn yêu hái trái
Khi xuân nguồn trổi điệu xa khơi
Rừng mai hoa thả tơ vàng ánh
Lộng mái chèo thơ khỏa sóng ngời

 

Để hạ mơ nồng cơn hỗn mang
Thấm đau từng giấc ngu u lan
Gió đưa lấp lánh mầu thương nhớ
Nắng rải bờ hương bước rộn ràng

 

Nhịp cầu đông giá nổi mưa sương
Lạnh ấm chưa ngờ trắng một phương
Xuân, ha, thu mờ trông tám hướng
Bên kia bờ sẵn chôn-như-thường

 

Ơn người, huệ núi vẫn vui trao
Một nửa trăng, và một nửa sao
Cuộc lớn vô cùng trong nửa nửa
Trung thu, em mỉm nụ xanh chào…

 

Tâm Khúc
 

Nếu không, lòng chẳng đợi
Như có, hòn đâu đau
Trời xanh ngát mãi sau
Trăng sao còn chín tới


Còn Nhau
 

Chút lòng trong cát bụi
Sáng ngoài hương cỏ cây
Đêm trăng tơ mềm núi
Ta còn nhau ngắm mây

 

Sóng Lòng
 

Hồ xanh về một tối
Người hái đá sương sao
Sóng vòng tay bối rối
Tình động thấu chiêm bao

 

Tình Mãi Mới
 

Sớm nay hoa vẫn nở
Trên đường hương lãng du
Em ơi, tình bỡ ngỡ
Chưa từng xuân vớo thu

 

Núi Mùa Xuân
 

Đỉnh non xuân thấm lạnh
Lưng chừng sông khói sương
Lòng hư không trống lặng
Đậm nhạt quán triêu dương

Cánh Biếc

 

Đàn hạc xuân về biếc
Trời vui theo cánh lưa
Ngàn cao không dấu vết
Hồn đẹp thoảng xa đưa

 

Tâm Khúc
 

Nếu không, lòng chẳng đợi
Như có, hồn đâu đau
Trời xanh ngát mãi sau
Trăng sao còn chín tới

 

Còn Nhau
 

Chút lòng trong cát bụi
Sáng ngoài hương cỏ cây
Đêm trăng tơ mềm núi
Ta còn nhau ngắm mây

 

Gởi Người Xưa Đã Để Lại
Cho Người Sau

 

Tài tử duyên còn gặp
Thất thanh cười khóc nhau
Trăng tình chung chảy máu
Hừng hực lửa thơ mầu

 

Còn Nhau
 

Chút lòng trong cát bụi
Sáng ngoài hương cỏ cây
Đêm trăng tơ mềm núi
Ta còn nhau ngắm mây

 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập