VINH HỒ


 Kỷ Niệm 65 Năm làm Thơ       
Của Thi Sĩ HOA VĂN

 
I. TỔNG QUÁT VỀ THƠ VÀ NGƯỜI:
Năm 2000, tôi may mắn quen biết nhà thơ Hoa Văn. Sau đó cùng sinh hoạt chung trong Hội Văn Nghệ Tự Do, Hội Văn Bút Đông-Nam Hoa Kỳ và Hội Thơ Ca Việt Nam Hải Ngoại, nên rất thân tình và có nhiều kỷ niệm.
Năm 2015, tôi cùng 5 văn hữu đại diện Văn Bút Đông-Nam Hoa Kỳ đến tham dự Đại Hội Mừng Hoa Anh Đào do Văn Bút Đông-Bắc Hoa Kỳ tổ chức tại tiểu bang VA. Buổi trưa tại hotel mưa gió lạnh thấu xương, nhưng nhà thơ Hoa Văn cùng cô cháu ngoại Ngọc Hân vẫn vượt đường dài đến thăm. Chúng tôi cảm động đón tiếp nhà thơ và cô cháu ngoại tại phòng trọ; bên "chiếu rượu" cùng nâng ly chuyện trò thân mật ấm cúng, trong khi ngoài trời tuyết rơi lất phất. Tôi đề nghị tác giả Hoa Văn đọc bài thơ "Ngủ ổ rơm" cho mọi người nghe. Dù bất ngờ nhưng ông vẫn nhớ và đọc bài thơ dài 28 câu thất ngôn không sai 1 chữ. Qua câu chuyện, chúng ta thấy tấm lòng, trí nhớ, và sự minh mẩn của ông thật đáng nể phục dù tuổi đã vào hàng bát thập. Cô Ngọc Hân đang là sinh viên đại học Hoa Kỳ qua bài thơ cũng đã hiểu được thời thơ ấu của ông ngoại mình vất vả ra sao? 
Tôi ngủ ổ rơm hồi tuổi nhỏ
Đông về áo mỏng rét căm căm...


Nhà thơ Hoa Văn sinh năm 1932, quê tỉnh Phú Thọ là con út của một gia đình nghèo có 7 anh chị em ruột. Đời thi sĩ Hoa Văn là một chuỗi dài đau khổ, ly tán, và di chuyển không ngừng, đi từ quê lên Hà Nội, đi từ Bắc vô Nam, đi từ phố lên rừng, đi từ VN sang Mỹ...
Trải qua một cuộc bể dâu, quê hương đất nước bị tàn phá, chia cắt, chiến tranh, tù đày, đói rách, đời ông chẳng khác gì cây mai già mọc trên vách đá cheo leo nhưng vẫn nở những đoá hoa vàng rực rỡ trước phong ba tuyết giá. Ông xuất bản 16 thi tập, và trong hơn nửa thế kỷ vẫn chung thuỷ với nàng thơ, nỗ lực sáng tạo, làm mới thơ lục bát - thể thơ thuần tuý của dân tộc.  
Thơ Hoa Văn đã được đánh giá cao, có tên trong 2 bộ sách phê văn học của 2 nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh, và Nguyễn Đình Tuyến, cũng có tên trong 15 tuyển tập và sách phê bình văn học khác, được 17 nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có Ns LMST, Ns Huỳnh Công Ánh, Ns Vũ Đức Nghiêm, Ns Anh Bằng.
Vinh Hồ có làm 4 câu lục bát tóm lược cuộc đời của nhà thơ như sau:

Cành Mai Vách Đá
(Riêng tặng nhà thơ Hoa Văn)

Xuống trần làm kiếp phiêu du
Khổ nghèo, chinh chiến, ngục tù, chia xa
Cành mai vách đá phong ba
Vẫn vươn lên vẫn nở hoa dâng đời.
(Vinh Hồ, Orlando, 20/11/19)


II. CÁC GIAI ĐOẠN LÀM THƠ:
Trong 65 năm làm thơ của nhà thơ Hoa Văn, tôi mạo muội chia ra làm 4 giai đoạn:
 
1. Giai đoạn khởi đầu 1954-1957: 
Năm 1954, ông bắt đầu làm thơ. Ngày 26/10/1955, ông gởi bài thơ tự do dài đăng trên tờ Chỉ Đạo in khổ lớn do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm Chủ Bút. Năm 1956, ông gởi bài thơ "Nhớ Mẹ" (mẹ đang ở ngoài Bắc) đăng trên tờ Nguyệt san trường Cây Mai. Năm 1957, ông gởi bài thơ đăng trên tờ tuần báo Nhân Loại ở Sàigòn, nội dung tả thằng bé rao bán bánh mì buổi sáng.
Thời gian này ông đọc nhiều thơ Việt, thơ Pháp, thích nhất thi sĩ Paul Verlaine (1844-1896) với bài Chanson d'automne. Ông thích Truyện Kiều của Nguyễn Du, cùng các thi sĩ: Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên...


2. Giai đoạn thứ hai 1957-1975: Ông xuất bản 4 tập thơ:
 1964: Đường Em Hoa Nở
 1965: Thơ Anh Hoa
 1966: Thơ Lục Bát
 1966: Mưa Cao Nguyên
 
Thi tập "Thơ Lục Bát" rất sáng giá đã được hai thi sĩ đương thời nhận xét như sau: 
 
-Thi sĩ Diên Nghị: "Hơn một ngàn câu lục bát được viết lên trong những lúc cảm hứng dạt dào, ngoài trận tuyến hoặc trong rào vi đơn vị." (Pleiku 1965)
-Thi sĩ Kim Tuấn: "Lục bát trong tâm hồn của Anh Hoa là một sự ngược trở về nguồn, nguồn của thi ca Việt..." (Pleiku 1965)


Sau này khi ra hải ngoại, thơ Hoa Văn (trước 1975) được ghi nhận in trong cuốn "Thơ và Thời Gian", 2002: 
-Thi sĩ Hà Thượng Nhân: 
"Tôi đọc thơ Anh Hoa từ mấy chục năm về trước. Lục bát Anh Hoa vừa giản dị vừa hoa mỹ. Tôi nghĩ trong làng thơ VN, riêng về thơ lục bát, ít ai có thể qua mặt được anh."
-Thi sĩ Cao Mỵ Nhân: 
"Thi sĩ Anh Hoa đã nổi danh ngay từ khi thơ chưa xuất bản thành sách, và đã tự vạch cho ông một con đường thơ đầy phong cách riêng tư... Thơ lục bát của Hoa Văn mang bản sắc riêng ngay từ ý tứ và lời lẽ riêng của nó."
-Thi sĩ Băng Đình: 
"Trước 1975 và tới nay tôi vẫn trân trọng thơ lục bát Anh Hoa cách riêng…"
-Thi sĩ Đông Anh: 
"Đọc anh tôi thấy cả một trời kỷ niệm ùa về. Thơ Lục Bát Anh Hoa đã khiến lòng tôi bâng khuâng lúc thiếu thời, nay đến với tôi vẫn như đang lung linh dưới nắng vờn quanh nỗi nhớ thuở nào." (Cali 2002)
-Thi sĩ Du Tử Lê: 
"Đó không phải là một cõi thơ êm đềm, dung dị như trong ý nghĩ nhiều người! Tôi bắt gặp đâu đó, những câu thơ hôm nay, còn ở trong tôi, như những hòn than, tự nó âm ỉ những ngọn lửa đìu hiu thân phận...
Một khi, nơi những người bạn thi sĩ của tôi, sau bao bầm dập, nổi, chìm, trên môi họ, vẫn nguyên vẹn những nụ cười, thi sĩ…" (Cali. Mar.13/02)
-Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Tuyến:
"Qua tập "Đường Em Hoa Nở" ta có thể nhận chân được thái độ của nhà thơ Anh Hoa, thái độ đó là thái độ dấn thân, thái độ một người không trốn tránh trách nhiệm, không làm lơ trước tiếng gọi của chiến tranh và của tình yêu như một lối thoát trong chiến tranh."
(Trích "Những Nhà Văn Hôm Nay" của GS Nguyễn Đình Tuyến xuất bản tại Sài Gòn 1969)
-Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh:
"Thơ Anh Hoa đưa tâm tình người con đất nước thời chiến đến với người đọc ở hậu phương, ở những nơi xa xôi, địa đầu của người lính. Thơ ông còn là những bức tranh núi rừng sơ khai, những miền đất nước tươi đẹp, với những nét truyền thần - có khi chỉ là phác thảo vì đang theo bước quân hành tiến về phía trước hoặc nếu tiếng súng không vọng đến từ sa trường. Người lính miền Nam yêu đất nước, đã lên đường giữ gìn bờ cõi, nhưng tâm hồn lãng mạn, đầy tính nhân bản, và nhất là không hề sắt máu, hận thù trong thơ."
(Trích Văn Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch. TGXB, 2016)
                                        
Trích dẫn những câu thơ tiêu biểu của giai đoạn này:

Cho em giấc ngủ lưu đày
Những âu lo những tháng ngày buồn thương
Cho em giấc ngủ sa trường
Những bom đạn những đoạn đường chông gai
Cho em giấc ngủ ngày mai
Những bâng khuâng những u hoài xót xa
Cho em giấc ngủ lìa nhà
Bốn phương khói lửa thịt da chán chường.
Cho em giấc ngủ chiều sương
Những heo hút những phố phường lặng câm
Cho em giấc ngủ ca cầm
Những câu tiếc nhớ những trầm luân sâu
Cho em giấc ngủ thương đau
Những ngăn cách những âu sầu trắng canh. 
(Cho em giấc ngủ)
 
Gia tài tôi chẳng còn gì
Trăm bài lục bát gửi về cho em
Với đêm mưa gió ưu phiền
Với năm tháng cũ với niềm cô liêu
...
Đêm nay trời đất mê cuồng
Nằm nghe tiếng súng sa trường nhớ em 
(Đêm sa trường) 

Buồn nghe mưa lại buồn thêm
Xe tương lai chở lãng quên vào đời 
(Mưa Cao Nguyên) 

Tôi từ lục bát lớn lên
Nghe ru từ thuở chưa quen tiếng đời
Nhà tôi nghèo lắm em ơi
Mẹ già chiếc áo một đời tứ thân 
(Mẹ Tôi)

Cơm vay nước mượn cũng buồn
Đã không đến cả cái còn cũng không 
(Cái còn cũng không- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

Cho đi buồn nỗi buồn dài
Sầu hom góp tuổi chết ngoài cội tâm 
(Cội Tâm- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

Quẩn quanh trong cái đoạn trường
Bao la một đoá vô thường trên tay 
(Lạ Thường- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

Mai cầm quá khứ trên tay
Hương mờ nhật nguyệt rượu cay mắt đời
Trong ta hiện kiếp qua rồi
Hình em lục đạo luân hồi còn mang 
(Lục đạo luân hồi- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

Nụ cười điên giữa hư không
Buồn đau từ độ lưu vong đến giờ 
(Nỗi buồn lưu vong- in lại trong tập Thơ và Thời gian)


Thơ 7 chữ cũng rất độc đáo, xin trích dẫn những câu tiêu biểu:

Em đã cho ta tình lụa là
Nửa đời khuê các nửa kiêu sa
Mắt em sao nở chiều xuân muộn
Để nhớ trong thơ nhớ chẳng nhoà 
...
Nếu vác vai này cây thánh giá
Vai kia chất nặng một ân tình
Nếu mai chết dưới bàn chân chúa
Thì chắc linh hồn được hiển linh
...
Làm sao níu được thời gian lại
Xin tạ ơn tình em đã cho
(Tạ Tình- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

 
3. Giai đoạn thứ ba 1993-2016: tại hải ngoại gồm 8 thi tập được xuất bản: 
2002: Thơ Và Thời Gian
2005: Tạ Ơn Đời
2008: Che Đời Mưa Bay 
2010: Như Áng Mây Hồng
2012: Vạt Nắng Bên Đời
2014: Cõi Thơ Ta Ở Một Đời
2015: Gió Cuốn Mây Bay        
2016: Mấy Nốt Phù Hoa
 
Khi ra hải ngoại dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn hăng say sáng tác và sáng tác liên tục. 

-Linh Mục, Văn sĩ Trần Cao Tường: 
"Thi tập Tạ Ơn Đời với nhiều bài lục bát mượt mà, thơ Hoa Văn bơm chất sống vào trong những tàn lụn, chuyển chất tình thành thứ keo màu nhiệm, gắn lại mọi mảnh rời xung khắc thành hoà khúc dịu êm trào dâng lẽ sống."
Thi sĩ Lê Thị Ý và văn sĩ Lê Thị Nhị: 
"Chị (phu nhân của Hoa Văn) có đôi mắt đen lánh và cái miệng nho nhỏ với đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng, dáng dấp chị lúc nào cũng khoan thai dịu dàng, đôi khi mang vẻ e thẹn thật dễ thương... Xin mừng anh chị có những đứa con ngoan. (2002)
-Nhà văn Tuệ Chương: Nếu dùng chữ cõi như anh thì tôi cho rằng thơ của anh là cả một cõi lòng. Hơn một trăm trang giấy, ít quá, làm sao nói hết cõi lòng anh, như một bầu trời, khi nắng khi mưa nhưng bao giờ cũng đượm một màu buồn bã, có điều đáng yêu thích, trong cõi trời hiu quạnh vắng vẻ ấy, lại mang rất nhiều tình, cái tình của anh thuộc nòi tình như tôi nói ở trên khiến anh không thể rứt ra được khỏi cõi hồng trần nầy. (2002)
-Thi sĩ Diên Nghị: 
"Hàng triệu sinh linh hoảng loạn, vật vờ cơn mộng dữ, và hơn ai hết, người thơ chiến sĩ đã nói hộ cho mọi nhà về nỗi bi đát của kiếp người, chẳng may vướng vất canh bạc lận:
"Đời chỉ ví như canh bạc lận
Vui buồn không quá một cơn say"
(Gió sẽ vô tình thổi chút đau, trong tập Thơ và Thời Gian)
-Nhà văn Lương Thư Trung:   
"Dường như trong suốt nhiều tập thơ của nhà thơ Hoa Văn mà tôi được đọc lúc sau này thì cái ý tưởng chính của ông chính là cuộc đời và ông chấp nhận nó như một đặc ân mà Trời đất đã ban tặng cho mình và ý hướng ấy làm đời ông lại lạc quan hơn."
(Houston, ngày 02 tháng 6 năm 2013)
-Thi sĩ Phan Xuân Sinh: 
"Thơ ông đa dạng dưới mọi thể loại. Mỗi thể loại có một sắc thái, một cảm xúc riêng biệt. Vì thế người đọc dễ thẩm thấu và dễ dàng chia sớt với ông những tình tiết mà ông đã chất chứa trong lòng, diễn đạt trên từng con chữ." (Boston 2002)
-Thi sĩ Trần Trung Đạo: 
"Anh viết lục bát tuyệt vời... Tuy nhiên, những bài thơ bảy chữ của anh vẫn được anh chị em ưa chuộng nhất... Càng đọc thơ anh tôi càng cảm thấy bầu trời văn học Việt nam cao rộng và đẹp đẽ biết bao nhiêu. (Boston 2002)
-Nhà thơ Trần Thu Miên: 
"Người như anh thì đi đâu, đến đâu cũng sẽ được yêu mến như chúng ta đã yêu mến anh 20 năm qua và những năm sắp tới..."
(2013)
-Thi sĩ Trần Minh Hiền: 
"Nói chung thơ của thi sĩ Anh Hoa- Hoa Văn đẹp như những bức tranh vẽ bằng thơ lục bát, thắm đượm tình người và đầy ắp những niềm cảm thông trong kiếp nhân sinh vốn dĩ vẫn đầy những oan khiên cay đắng những "nghiệp chướng" của thi ca, vặn chương và nghệ thuật."
(Orlando ngày 29 tháng 3 năm 2012)


Trích dẫn những câu thơ tiêu biểu trong giai đoạn này:

Trời xuân mưa ẩn gió ngàn
Hồn xa xót lạnh đêm tàn tạ bay

Tiền thân lục bát còn ôm
Sầu Cao Bá Nhạ, âm hồn Nguyễn Du

Thoáng thôi hết một kiếp người
Màu da nào cũng ngậm ngùi đau thương

Ngày về vàng võ tâm tư
Đời tù ngục cũng buồn như lá rừng

Đời người như chiếc lá rơi
Không không sắc sắc đất trời mù câm

Cuộc đời mặn chát hư danh
Mùa xuân xuân nở trên cành hư vô

Ta như con chim sâu
Tìm ăn trên lá biếc
Cái sinh và cái diệt
Tất cả đều như nhau
(Sinh và diệt trong thi tập Thơ và Thời Gian)

Đã biết chuyện đời cơm với áo
Thì vinh với nhục có ra gì
Bao nhiêu rồi cũng phù hư cả
Sau trước rồi ra cũng biệt ly. 
.....
Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm
Có những người quen muốn lạ dần
Có những tâm hồn như lá cỏ
Chuyện còn chuyện mất cũng phân vân

Tình đời vẫn lạnh như mưa gió
Một nỗi sầu riêng một nỗi mình
Vui cứ ra đi buồn cứ lại
Ly đầy đong cạn rượu phù sinh.
(Bài Đêm buồn uống rượu một mình- trong thi tập Thơ và Thời Gian) 

Ta xin hớp hớp đắng ly tiền kiếp
Và cả phù du của kiếp này
Đời chỉ ví như canh bạc lận
Vui buồn không quá một cơn say


4. Giai đoạn thứ tư 2017-2019: tại hải ngoại, gồm 4 thi tập được xuất bản:
2017: Dòng Thơ Cho Em 
2018: Hương Tình Hoài Điệp 
2018: Hương Hoa Tình Thơ        
2019: Dòng Tình Yêu Em 

Vào tháng 3/2016 trên một website văn nghệ, nhà thơ Hoa Văn quen nàng Hương Hoài Điệp (HHĐ)- bút hiệu của Trịnh Thu Cúc. Hương Hoài Điệp viết truyện ngắn, hồi ký, thực hiện nhiều PPS mang tên: PPS: Thu Cúc Trịnh và PPS: Hương Hoài Điệp.
Sau 1 thời gian trao đổi tâm tình, chàng yêu nàng như yêu người trong mộng. Tình yêu màu nhiệm đã biến trái tim chàng trẻ lại, chàng như con chim khuyên miệt mài làm tổ, tổ uyên ương dệt bằng thơ đủ thể loại: lục bát, 5 chữ, 7 chữ, nhiều nhất 8 chữ. Suốt hơn 3 năm, chàng dành hầu hết thời gian để làm thơ bất kể ngày đêm, có khi nửa đêm cảm xúc dâng tràn, chàng thức dậy ghi vào tập giấy được để sẵn trên bàn ngủ. Mỗi tuần nàng gọi chàng 3 lần, mỗi lần nói chuyện 2, 3 tiếng. Tổ uyên ương dệt bằng thơ suốt hơn 3 năm nhộn nhịp: chàng làm thơ, in 4 tập thơ gồm 358 bài trong vòng 1080 ngày, trung bình cứ mỗi 3 ngày hoàn tất 1 bài thơ từ 4 câu đến 200 câu. Còn nàng thì làm PPS, có 33 PPS cho thơ chàng, âm thầm chấp cánh cho thơ chàng bay vào vùng trời hình ảnh và âm nhạc. Cuộc tình-thơ của họ thật đẹp, đầy thánh khiết, cao thượng, vượt qua mọi giới hạn, rào cản, tuổi tác, để trở về với độ tuổi hai mươi dạt dào cảm xúc, cũng sầu mộng bâng khuâng, cũng nhớ mong hi vọng, cũng háo hức đợi chờ. Lời thơ diễn tả tâm trạng chung của những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu.
Thực hiện 4 tập thơ tình, tác giả Hoa Văn cho biết đều tự túc không nhận tài trợ của ai. Ông cho biết lý do sách chỉ tặng không bán, là để tôn trọng tâm tình của nàng HHĐ, đồng thời chia sẻ tình cảm riêng tư của mình như một lời cám ơn gởi đến tất cả đọc giả đã yêu thơ Anh Hoa- Hoa Văn trong nhiều năm qua. 
Trong lịch sử thi ca thế giới có rất nhiều cuộc tình-thơ đẹp đẽ như vậy. Nhiều thi sĩ làm thơ ca ngợi người vợ, người tình, hay người trong mộng, hiện còn lưu nhiều bài thơ của Lý Bạch, của Hàn Mặc Tử, v.v... Hoặc còn lưu cả 1 tập thơ của Chu Mạnh Trinh, của Nguyễn Tất Nhiên:
-Thời nhà Đường ở bên Tàu, thi tiên Lý Bạch (701-762): cách nay 1,300 năm, theo truyền thuyết đã thầm yêu nàng Dương Quý Phi có làm 3 bài "Thanh bình điệu" để ca ngợi nhan sắc nàng, trong đó có câu tuyệt bút:
"Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" (Mây tưởng xiêm y, hoa tưởng dung).
-Thời Pháp thuộc, Chu Mạnh Trinh: một nhà Nho thành thạo cầm, kỳ, thi, họa, một thi sĩ đa tình lãng mạn, tài tử phong lưu; thầm yêu nàng Kiều đã làm một tập thơ vịnh mang tên: "Thanh Tâm Tài nhân thi tập" gồm 1 bài Tựa bằng chữ Hán và 24 bài vịnh Kiều bằng chữ Nôm, tập thơ này đã chiếm Giải Nhất trong cuộc thi Vịnh Truyện Kiều năm 1905 tại Hưng Yên. Xin trích mấy câu tuyệt bút:
"Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên. (trích từ bản dịch "Bài Tựa" của Đoàn Tư Thuật).
-Thời tiền chiến, Hàn Mặc Tử: nhà thơ lãng mạn yêu Mộng Cầm làm nhiều bài thơ tuyệt bút như: Muôn năm sầu thảm; Phan Thiết Phan Thiết... Xin trích 2 câu tuyệt bút:
Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi.
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ. 
-Thời hiện đại, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên: (1952-1992) yêu cô gái tên Duyên đã in 1 tập thơ tên "Thiên Tai" có nhiều bài viết về nàng như Khúc tình buồn, Duyên tình con gái Bắc... đã được Phạm Duy phổ nhạc nổi tiếng 1 thời như: Thà như giọt mưa, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Hai năm tình lận đận, Em hiền như Masoeur. 
Tuy nhiên, cá nhân người viết vẫn chưa thấy nhà thơ nào  làm 4 tập thơ cho 1 người tình như nhà thơ Hoa Văn, nhất là khi ông đã qua tuổi 80. 

Có nhiều thi sĩ nhận định thơ Hoa Văn trong giai đoạn này như sau:
-Văn thi sĩ Hoàng Ngọc Liên: 
"Thiết tha, chung thủy là những đặc điểm của thơ Anh Hoa. Thơ và bạn, Anh Hoa đều một lòng, một dạ." (Cali tháng 2/2019)
-Thi sĩ Du Tử Lê: 

"Nếu được quyền bầu chọn một nhà thơ đã bước qua tuổi 80, có sức sáng tác chẳng những vẫn dồi dào, mạnh mẽ mà, lại có phần sung mãn hơn thời trai trẻ thì, đó là nhà thơ Hoa Văn." (Ngày 23-3-2017)
-Thi sĩ Song Nhị:
"Dòng Tình Yêu Em", dòng thơ vẫn thắm thiết , mượt mà, toát ra từ một tâm hồn tươi trẻ đầy chất lãng mạn qua một "mối tình" cũng thật lãng mạn khi tác giả ở vào tuổi ngoài bát tuần. Đây quả thật là một hiện tượng để minh chứng tình yêu không kỳ hạn tuổi tác, không phân biệt lứa đôi." (Ngày 1/4/2019)
-Nhà văn Duy Xuyên: 
"Tôi đã đọc xuyên suốt qua 76 bài thơ của Nhà Thơ Hoa Văn với nỗi xúc động bùi ngùi, triền miên, tưởng chừng như con tim cũng cùng đi hoang với nhà thơ đang đi hoang về bến lạ, tìm về một tình yêu vừa mơ hồ vừa hiện thực; với ý niệm của vô thường... có có không không, không không có có, với nỗi nhớ trong tiềm thức viễn vông, mà hiện thực là đam mê, thác loạn mà đời mải miết còn mơ với mộng và còn gì hơn người mộng (THU CÚC) vẫn cứ mãi trong Thơ. "
(Tacoma, 14/3.2018)
-Thi sĩ Đỗ Bình: 
"Nhà thơ Hoa Văn dù tuổi đời đã cao vẫn làm được những bài thơ tình say đắm sướt mướt, trong đó có những đoá hoa lòng toả hương thơm, là những bông cỏ lạ trong vườn thơ tình ái... Hoa Văn ôm ấp nàng thơ một hình tượng trong mơ rồi dệt mộng, cái thực trong đời và cái mộng trong ảo giác sẽ hoà nhau chắp cánh."
(Paris 01 tháng 03 năm 2019) 

Trích dẫn những câu thơ tiêu biểu trong giai đoạn này:

Bỏ đi những khúc đoạn trường
Anh về hái trái vô thường tặng em
(Ngậm Ngùi Tìm Em - trong tập thơ Hương Tình Hoài Điệp)
 
Thu về nhìn lá vàng bay
Sáng quanh quẩn nhớ chiều loay hoay buồn 
(Yêu quá mùa thu - trong tập Dòng Tình Yêu Em)
 
Tình đầy lửa ấm bao giờ tắt
Thơ viết ngàn trang vẫn chửa tàn
Nhờ có tình em cho ý gọi
Nên dòng thơ cứ chảy miên man.
(Bài TÌNH EM MUÔN THUỞ gồm 160 câu trong thi tập HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP)

Anh gặp em như gặp một thiên thần
Đôi cánh nhỏ đưa anh về cõi mộng.
(Hoa Ân Tình)
 
Anh trao em đời này chiếc vương miện
Gọi em là hoàng hậu của tình yêu
Anh đón em bằng vạn đoá hoa điều
Để em bước êm đềm vào cõi mộng
Nhiều lúc mơ để điểm tô cuộc sống
(Chỉ Là Mơ)

Thơ đã ngàn trang tình chẳng đặng
Còn mong còn đợi trắng sương đời 
...
Ba năm một chén sầu chưa cạn
Tình chỉ hư không còn ước ao 
(Thu Nhớ) 

Chân có đi cùng những bước vội vàng
Trên đường chiều nắng hồng như muốn tắt.
(NẮNG VỘI)
 
Ngày thứ Bảy và Chủ Nhật qua
Hai ngày vắng tiếng kể như là 
Thời gian đã hết thiên niên kỷ
Em hỡi em ơi tình quá xa.
(Ngày Đợi Tháng Chờ)

Còn thơ còn thở thơ còn viết
Vẫn đẹp tình nhau đẹp chẳng ngờ
(Tình Yêu Hoa Cúc - dài 200 câu)

Thu đến Thu đi cho ý thơ
Bên này bên ấy mơ và mơ
Đành đem chữ nghĩa vào trong mộng
Để dệt tin yêu để đợ chờ.
(MÙA THU KHÔNG EM - trong tập thơ HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP)

 
Theo tôi, cuộc tình-thơ của Hoa Văn và Hương Hoài Điệp thể hiện trong 4 thi tập gồm 358 bài với khoảng 10.674 câu thơ là một cuộc tình lãng mạn đầy khói sương thơ mộng và cao thượng của độ tuổi tám mươi, là một hiện tượng đặc biệt có một không hai trong lịch sử văn học VN. Một cuộc tình-thơ ở độ tuổi tám mươi nhưng thiết tha, nồng nhiệt, và hết mình không kém ở độ tuổi hai mươi; có thể nói đó là một cuộc tình-thơ đặc biệt nhất của thế kỷ và của mọi thời đại. 

III. KẾT LUẬN: 
Tổng cộng 65 năm làm thơ, thi sĩ Hoa Văn viết gần 2 ngàn bài thơ, đa số là lục bát.
Theo tôi, thơ Hoa Văn có phong cách riêng, rất lãng mạn, bay bướm, mượt mà, hoa mỹ, như một vườn hoa đầy sương khói mơ hồ, man mác hương Thiền, không không có có; như một dòng sông mênh mang êm đềm chuyên chở triết lý nhân sinh, hư hư thực thực. Thơ Hoa Văn rất Hoa Văn, mềm như lụa, êm như nhung, mượt mà như mạ non, đầy hoa mỹ, văn vẻ, trữ tình, lãng mạn; mở ra một chân trời tự do, khoáng đạt, thăng hoa, đầy nhân hậu, nhân bản, cao thượng, nửa hiện thực và nửa trừu tượng. Suốt 65 năm làm thơ, dù bất cứ ở đâu, nơi nào, tấm lòng chân thật, vị tha, nhân hậu, chung thuỷ, cao thượng, vẫn là một xâu chuỗi ngọc sáng lấp lánh xuyên suốt tác phẩm và đời thường. 
Người Tây phương cảm nhận tình yêu là một sự đam mê, say đắm, khao khát, cuồng nhiệt, tượng trưng bằng Mũi tên của Thần Cupid, con trai Thần tình yêu Venus trong thần thoại Hi Lạp. Người Ðông phương quan niệm tình yêu cao thượng thánh khiết hơn; tình yêu là sự hi sinh, thuỷ chung, có hậu. Thúy Kiều tái ngộ Kim Trọng “tình nhân lại gặp tình nhân, hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình.” Quang Dũng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp: “Bao giờ ta gặp em lần nữa. Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa."
Chính niềm tin vào một ngày mai sáng lạn mà có những lời "thề non hẹn biển", thậm chí còn tin sẽ tái ngộ ở kiếp lai sinh, ở duyên nợ ba sinh, của những cặp tình nhân Phương Ðông.
Thiển nghĩ, trong lúc thơ ca VN hiện đại ảnh hưởng tình yêu đầy đam mê, khao khát, cháy bỏng, quay cuồng của Tây phương, thì thơ Hoa Văn vẫn ở lại với quan niệm Đông phương, tình yêu chất đầy mộng mơ, sương khói mơ hồ, êm đềm như dòng nước chảy trôi về biển cả, nhẹ nhàng, thánh khiết, thăng hoa và cao thượng.  
Tôi xin mượn lời bình của các văn thi sĩ VN và danh ngôn của một triết gia người Pháp, thay cho lời kết bài viết này:

-Thi sĩ Trần Minh Hiền: 
"Từng câu từng chữ, thấm đẫm hơi hướm của Thiền của Phật, nhưng không lên gân dạy đời mà rất thật thà tâm tình giữa những người yêu nhau và nhắn nhủ, nhắc nhở tất cả chúng sinh, tất cả mọi người. Đời vô thường, tất cả đều vô thường kể cả thân tứ đại của chúng ta, kể cả tiền tài vật chất, danh vọng, hư danh, chức quyền, quyền lực, ham muốn, thắng thua, được mất, kể cả tình yêu, kể cả sự thật và giả dối. Tôi mê nhất là hai câu thơ:
Mò mẫm tìm nơi bờ bến giác
Không ngờ lại tới cửa sông mê."
(Orlando, 9/12/2017)
-Tiến sĩ, Nhà văn Chân Không: Thơ Hoa Văn thấm nhuần đạo lý công bằng của Socrate, tình thương cao cả của Đức Chúa Trời và lòng từ bi vô biên của Đức Phật.
(16/10/2011)
-Thi sĩ Hà Bỉnh Trung:
"Hoa Văn làm thơ rất cẩn thận và trau chuốt. Chọn chữ lựa vần thật khéo, làm tăng thêm nhạc tính du dương. Thơ Hoa Văn có lẽ được nhiều người yêu thích vì thế. Riêng tôi, tôi lại chú ý nhiều đến tư tưởng Phật đạo và triết lý nhân sinh trong thơ Hoa Văn."
-Thi sĩ Ngô Minh Hằng: 
"Với tôi, nhà thơ Anh Hoa không những là một thi nhân có những vần thơ diễm tuyệt mà trong những vần thơ diễm tuyệt đó, còn có tình quê hương vời vợi của một trái tim Việt Nam, có nỗi đau thương của kiếp nhân sinh, của thân phận con người nổi chìm theo vận nước, có nghĩa thuỷ chung của vợ chồng, có sự trung thành của tình chiến hữu, tình bạn bè. Hơn thế và cũng là điểm vô cùng đặc biệt, thơ Anh Hoa có tính từ bi. (New Jersey, 4/4/2002)
-Nhà văn Trần Đoãn Nho:
"Con người anh Hoa Văn và thơ anh, theo tôi, có cái gì từa tựa nhau. Thơ như người. Khiêm tốn, gói ghém, nhẹ nhàng, chân thật, không có gì lớn lối. Mỗi bài thơ như tiếng thở dài. Nhè nhẹ. Buồn. Đọc thơ lục bát anh làm thời hoa niên hay thơ thất ngôn anh làm thời gian sau này- tuy lời thơ, ý thơ, tứ thơ sâu lắng hơn, đậm đà hơn, chữ nghĩa phong phú hơn- nhưng hơi thơ khong mấy khác." (Đầu tháng 3/2002)
-Nhà văn Nguyễn Lân: 
"Bài thơ tình nào của anh cũng là muôn thuở. Bài nào cũng lãng mạn, tình tứ và chữ dùng vô cùng hoa mỹ." (Thủ đô HTĐ tháng 4/2019)
-Phóng viên Văn Bia: 
"Anh hầu hết đều có mặt trong những lần các anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi gặp gỡ nhau, anh là người chiếm đoạt hết những giải nhứt về lặng lẽ nhứt, nhu mì khiêm tốn nhứt, ít lên tiếng phát biểu nhứt... Anh Hoa Văn thành thật ngay thẳng với anh em." (2002)
-Thi sĩ Song Nhị: 
"Hơn 60 năm gắn bó với Nàng Ly Tao, sản sinh được 16 đứa con tinh thần với tác phẩm mới nhất “Dòng Tình Yêu Em”, dòng thơ vẫn thắm thiết, mượt mà, toát ra từ một tâm hồn tươi trẻ đầy chất lãng mạn qua một “mối tình” cũng thật lãng mạn khi tác giả ở vào tuổi bát tuần. Đây quả là một hiện tượng để chứng minh tình yêu không kỳ hạn tuổi tác, không phân biệt lứa đôi." (April, 1/2019) 
-Thi sĩ Vương Đức Lệ:
"Tôi vẫn tìm đọc thơ anh trên sách vở, báo chí và tôi vẫn thích những vần lục bát óng mượt, trong sáng của anh, cách gieo vần rất quen và cũng rất lạ, lối bố cục sít sao mà ý tình vẫn được giàn trải, tự nhiên. Thơ anh là tiếng nói của một trái tim nhân hậu, của một tâm hồn đa cảm mặc dù cảm xúc của anh bộc lộ không mạnh, luôn luôn chừng mực như những từ anh thường sử dụng, như bản chất con người anh vốn hiền hoà, đôn hậu." (Vương Đức Lệ, 2000)
-Thi sĩ Dư Thị Diễm Buồn: 
"Thơ tình của anh Hoa Văn còn ai sánh bằng. Lời thơ mượt như nhung và ngọt như mía lùi."
-Nhà văn Lâm Chương: 
"Anh làm thơ và biết cười xoà trước mọi nỗi bất bình trên cái cõi nhân gian đầy trắc trở này...
Chính vì quan niệm mọi vinh nhục đều là phù hư, nên anh chẳng để tâm giận ai bao giờ." (2002)
-Thi văn sĩ Trần Hoài Thư:
"Tôi cảm tưởng những giòng lục bát của thơ Ông như những giòng suối êm đềm chảy trong một buổi hoàng hôn buồn bã, hay trong một đêm trăng vàng võ, chảy lạnh vào tâm khảm của người. Đó là giòng sông nhân sinh mà bóng trầm luân phủ mờ." (Boston 2010)
-Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Tuyến:
"Làm thơ là điên là phi lý, nhưng làm thơ cũng chính là một lối giải thoát, một khởi thức về sự hiện hữu của mình trong hiện tại và trong tương lai."...
"Thơ lục bát Anh Hoa tuy chưa đạt đến mức độ làm ta kinh ngạc, nhưng đã chứa đựng được những tâm tư, đau đớn, những tình cảm xót xa và khổ sở của định mệnh con người không trọn vẹn..." 
(Trong cuốn" Những Nhà Văn Hôm Nay" của GS Nguyễn Đình Tuyến xuất bản tại Sài Gòn 1969)
-Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh:
“Thơ Anh Hoa (Hoa Văn) sử dụng nhiều thể loại nhưng thăng hoa với lục bát, một thể loại dân tộc từ ngôn ngữ đến nội dung thích ứng tâm tình tác giả nhất, tâm tư mênh mang không cùng, không giới hạn, cũng là thể loại giúp ông chứng tỏ thi tài làm mới con chữ và làm mới câu lục bát, với nhạc tính tự nhiên.” 
(Trong cuốn Văn Học Miền Nam 1954-1975 (nhận định, biên khảo và thư- tịch. TGXB, 2016.)
-Triết gia, nhà văn Voltaire (1694 – 1778):
"Chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn là tình yêu. Yêu là còn sống và còn sống là còn yêu."

Suốt 65 năm làm thơ của thi sĩ Hoa Văn rất phong phú đa dạng, chỉ với một bài viết ngắn như thế này làm sao nói hết những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, cái ý tại ngôn ngoại của thơ Ông? Tuy nhiên, qua những lời trích dẫn của các cây bút tên tuổi trên, hi vọng sẽ minh hoạ được phần nào bức chân dung thơ Hoa Văn một cách tổng thể nhất.

-Bài thơ tặng của người viết:

Tình Yêu Không Tuổi Tác
(Kính tặng thi sĩ Hoa Văn)
Dù tuổi đôi mươi hay bát thập
Trái tim còn đập là còn yêu. 
Nồng nàn cháy bỏng khi sương sớm
Sầu mộng, bâng khuâng lúc nắng chiều.
Vinh Hồ

 
Xin đa tạ, và kính chúc thi sĩ Hoa Văn luôn có nhiều sức khoẻ để tiếp tục dâng đời những thi phẩm giá trị khác hầu góp phần làm giàu cho nền thi ca VN hải ngoại.

VINH HỒ
Orlando, Nov 26, 2019 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập