BAN BIÊN TẬP

Hân hạnh giới thiệu

Những Lời Bạt & Cảm Tác cho
Tác Phẩm
KINH VÔ THƯỜNG
Của Nhà Thơ Võ Thạnh Văn


Bạt 1:

CAO MỴ NHÂN

 
Thư Nữ Sĩ CAO MỴ NHÂN
Viết Cho Phù Hư dật sĩ Võ Thạnh Văn
Tác Giả KINH VÔ THƯỜNG

 
 
Thư gởi Phù Hư dật sĩ,
 
Chiều 18 tháng Tư (2008), xe UPS chuyển tới cho CAO tôi thùng đồ vuông vắn như mặt đất buổi sơ khai. CAO tôi vô tâm vô ý, cứ đinh ninh rằng Văn Bút Tây Bắc Hoa Kỳ gởi đến 10 cuốn Bút Hoa, bèn cất ngay, chẳng buồn mở ra xem.
 
Tới tối, chợt thấy góc thùng quá có tên VÕ THẠNH VĂN, chột dạ, bèn mở. Hóa ra là kho tàng chữ nghĩa mà buổi tham dự giới thiệu văn nghiệp MINH ĐỨC HOÀI TRINH (do Võ Thạnh Văn làm MC), CAO tôi ngay tình nhắc đến mối sơ giao một người tên VĂN họ VÕ là cả kho báu tài hoa… thì hóa ra là thật, chẳng phải xã giao.
 
Mở thùng sách, nhìn quyển THƯỢNG của bộ KINH VÔ THƯỜNG, CAO tôi tự hãnh diện về chính mình… vì tâm trí còn sáng suốt tinh tường… nhìn người đã thấy ngay sự nghiệp. Rồi mở quyển KINH, CAO tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên, HÀ Chưởng Môn viết bài Tựa (Cát Bụi 1) phiêu bồng. Thế mới xứng với 70 nghìn chữ trong KINH VÔ THƯỜNG của Phù Hư dật sĩ… chứa đựng toàn lời lẽ triết ngôn của một triết nhân thi sĩ. Và như thế mới xứng là bài Tựa cho KINH, cho KỆ.
 
Lật từng trang. Đọc. CAO chợt thấy có cái gì đó nơi KINH VÔ THƯỜNG quá quyến rũ. Trong nỗi ưu tư tự phát từ thân phận con người, CAO tôi bèn làm bài thơ “LỜI MỞ VÔ THƯỜNG” (April 18th, 2008) để hân hoan chào mừng một HIỆN TƯỢNG. Lại đọc tiếp, bất ngờ bài TỰA của Linh Mục Học Giả Giáo Sư CAO PHƯƠNG KỶ… với những lời lẽ uyên bác thông thái trang trọng uy nghiêm của một bậc tu hành.
 
Tiếp, bài BẠT của DUY VĂN ở cuối tập CÁT BỤI 2.
Thoạt đầu, CAO tôi không nghĩ bài BẠT của DUY VĂN hay đến thế. Sau cùng, thấm cái LẼ ĐẠO trong BẠT, và thêm một lần nữa CAO tôi phục Phù Hư Dật Sĩ là… qua mắt Thánh… Tất cả đã hiện nguyên hình: VÕ THẠNH VĂN đã linh cảm, đồng thời có thể nói, kinh qua cuộc sống bèo bọt muôn muôn vàn vàn tiểu ngã trầm luân… Phù Hư Dật Sĩ đã thấu triệt được là ai làm được… ai không… các sự việc ở đời… Có nghĩa là không lầm vậy.
 
Thế nên, sáng nay, April 20th/2008, CAO tôi lại cảm tác làm bài “AM MÂY THÁNG TƯ” để bày tỏ mối cảm tình và lòng ngưỡng mộ trước một TÀI HOA thực sự tài hoa. [Trở về thực tại, trước hết, hãy cho CAO tôi cám ơn sự ưu ái của một kẻ tiểu bối (Phù Hư tiểu bối) đã dành cho một bậc Tiền Bối (CAO MỴ NHÂN Tiền Bối)].
 
Xin góp một ý nhỏ: Đã có TỰA rất văn chương của Thi Lão HÀ THƯỢNG NHÂN, một cái TỰA khác (CB#2) rất uyên bác cao xa của Linh Mục Học Giả Giáo Sư Tiến Sĩ CAO PHƯƠNG KỶ, thêm bài BẠT đầy văn chương của Giáo Sư NGUYỄN LIỆU, nhà thơ NGÔ ĐỨC DIỄM, nhà thơ NHỊ THU, nhà thơ DIÊN NGHỊ, nhà thơ CUNG DIỄM… bài BẠT rất đạo học của DUY VĂN… đủ để thổi thốc 10 tập CÁT BỤI của KINH VÔ THƯỜNG thành cơn bão lốc trùm lấy nhân gian, mịt mù huyền ảo… thì năm ba dòng cảm xúc ngẫu hứng bất chợt… của CAO MỴ NHÂN tôi… liệu có nên phô trương chăng?
 
Mấy ngày qua và cho mãi đến hôm nay, CAO tôi đã đọc lại suốt mấy nghìn câu KINH VÔ THƯỜNG để thẩm thấu nỗi ưu tư (mà hỷ xả), hân hoan (mà đau xót)… của một con người PHÙ HƯ mai danh ẩn tướng… Thật vô lý, lẽ ra, tác giả VÕ THẠNH VĂN phải lăn xả vào cuộc đời, phải dành lấy chiến thắng…!!!...
 
CAO tôi dẫu sắp sửa đến tuổi cổ lai hy, nhưng vẫn luôn xếp cho mình một chỗ đứng. Bởi vì kế thừa tính tự lo toan của MẸ VIỆT NAM (như trong khúc bi hận anh hùng ca TRƯỜNG SA HUYẾT HẬN của Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN), và, CAO tôi vốn xuất thân từ các đoàn thể thanh thiếu niên, Hướng Đạo, Quân Đội… không thể ngồi diện bích lâu hơn một công tác xã hội đang chờ đợi.
 
Sau cùng, hãy nghe đây: nầy Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN tiểu bối, hãy hy sinh, hãy chịu khó, hãy tiến lên, hãy chui ra khỏi hang, hãy thôi ẩn dật, hãy dấn thân, hãy phục vụ cho đời. Nầy tiểu bối, thân chúc vạn an, mọi điều tốt đẹp. Tái bút: Chúa Nhật, May 4th, 2008, CAO tôi sẽ có mặt tại San Jose, CA, Trung Tâm VIVO, từ 1:00 giờ trưa đến 5:00 giờ chiều.
 
Mong gặp.
 
Hawthorne, April 20th, 2008
CAO MỴ NHÂN
 
 
BẠT 2
Ngô Đức Diễm

 

KINH VÔ THƯỜNG

NIỆM THƯỜNG HẰNG
 
Mở Kinh Vô Thường, đọc từng chữ, ngẫm từng ý, thưởng thức từng câu, tôi cảm thấy như đang tụng kinh Phật, đang chiêm nghiệm Thánh Kinh, hay hơn nữa, đang tấp tễnh bước vào thiền. Thú thật, tội không  đủ thâm sâu để bắt hết ý của tác giả trong mấy chục ngàn câu thơ, nhưng mỗi câu mỗi chữ, đều cho tôi cảm giác tìm thấy một cái gì mới mẻ, thường hằng trong cái vô thường của  cuộc đời..
 
Thật vậy, nói đến vô thường là nói đến dâu bể, hình hoại, sắc không, nhưng trong cái chuyển hóa như cơn lốc xoáy như thể là Diện đó, tác giả đã tìm thấy một cái gì vĩnh hằng, không suy suyễn như thể là Điểm. Đó có thể cái Định trong Vô Định, cái Còn trong cái Mất, cái Có trong cái Không:
 
Vách am cỏ dựa sơn căn
Chợt nghe từng nụ thường hằng trổ hoa
 

Thường hằng còn nụ, nghĩa là mới chớm,  còn chúm chím, chưa tung khai, và đó mới thực là vẻ đẹp hồn nhiên như thể nét mặt trẻ thơ, hiển lộ cái  Đạo uyên nguyên của Lão Tử. Nhưng điều đáng để ý là nụ thường hằng đi ra khỏi thể tĩnh để trổ hoa,  chính là đi vào thể động, nên người ta mới nghe được tiếng hoa nở, một cách bất chợt, không thể ngờ, như thể một mặc khải.
 
Nói đến mặc khải là nói đến huyền nhiệm, không thể giải thích, minh họa, mà chỉ có thể cảm nghiệm và cảm nhận. Hình như tiếp nhận mặc khải, con người phải đối diện với một thực thể mới, lung linh giữa mơ và thực, giữa tỉnh và mê:
 
Nửa mê nửa tỉnh bàng hoàng
Có ai gõ đá tụng tràng kinh ma
 

Thực thể mới đó là một sự trộn lẫn giữa “gõ đá” và “kinh ma”. Nhìn thoáng  thì tất cả chỉ là ảo ảnh, nổi trôi bồng bềnh, là ma, vì tất cả đều khoác áo “phù” dung, nếm mùi  phù sinh,  phù du, phù trầm và phù hư:
 
Em phù sa-ta phù vân
Lêu bêu trên đỉnh mây tần phù du
Phù trầm lạc bến phù hư

Phù sinh cát bụi trầm tư cửa thiền
 
Nhưng thoáng thấy thế mà không phải thế… Tất cả ảo ảnh nỗi trôi đã chìm xuống tại cửa Thiền. Có ba chìm  bảy nổi mới tìm thấy chân lý tại cửa thiền. Tại đây tất cả đã hóa thân thành một thực tại mới vuợt trên vô thường, giã từ nổi trôi bất trắc và bất định:
 
Môi nào nếm thử chân như
Mắt nào thấy rõ bụi từ hóa thân
 

 Bụi hóa thân hay mắt hóa thân? Đời hóa thân hay người hóa thân? Không cần biết nữa, vì một khi đã nửa tỉnh nửa mê, thì đâu còn biên giới ngăn cách giữa chủ thể và đối tượng. Chỉ cần biết có một biến động lớn, làm thay đổi cả mối tương quan hữu thể giữa chủ thể và khách thể. Thế là trong cái hỗn mang đã có hóa thân, nhưng hóa thành thân  nào? Thưa là thân mới, không còn là thân thường, thân đời, mà là thân tiên:
 
Môi tiên thơm dạ lý hương
Tay tiên chép rã vô thường thư si

 
Thế  đó! Ngày nào Holderlin bảo “người ở đời thiết yếu là thi sĩ.” Hôm nay, trong Kinh Vô Thường, Võ Thạnh Văn đã mở cửa Đời, cũng là cửa  Thơ và của Thiền để người ở đời - thi sĩ hé thấy hoa Tình như thể thực tại muôn thuở. Ai bảo tình  mong manh dễ vỡ, chóng qua, vô thường… thì mặc ai,  còn Võ Thạnh Văn đã thấy tình thường hằng, vĩnh cửu:
 
Tựa cửa Không đọc kinh hiền
Lời Tình nhả ngọc - Lam Điền hóa thơ

 
     Rốt cuộc, tất cả  là hư không. Chỉ có Tình là vĩnh cửu, là thường hằng. Nhưng tình lại chính là thơ, nên thơ phải viết bằng chữ hoa. THƠ là thường hằng vĩnh cửu, và đó chính là nụ hoa tô điểm cuộc đời. THƠ phải là KINH vậy..
      
       Chợt nghe từng  nụ thường hằng trổ hoa..
 
Ngô Đức Diễm
 
 
Cảm Tác:
HẢI PHƯƠNG


Đọc KINH VÔ THƯỜNG
Của VÕ THẠNH VĂN


Em đi cát bụi có nghe
Hồn ta ở lại bến xe đò chiều
 
Em về cát bụi thương yêu
Con sông rẽ nhánh sóng triều biển ca

Đời nhau mấy ngã đôi ta
Tài hoa cát bụi rộng tà huy bay

Phận người cát bụi như say
Phiêu bồng hát mãi tâm đầy lượng không

Mở trang vô tự đoạn trường
Thấy trong lá biếc vô thường dòng kinh

Một phương ta một phương mình
Còn phương cát bụi lời tình quạnh hiu

Phù vân tàn một cuộc vui
Thì thôi cát bụi ngậm ngùi nỗi đau

Phôi pha vời vợi sắc màu
Đục trong cát bụi tìm nhau mệt đời

Hỡi em cát bụi mịt trời
Lời vô ngôn cũng là lời tình yêu

Vô thường quảy gánh mộ xưa
Qua đây cát bụi như vừa chiêm bao


HẢI PHƯƠNG 


 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập