Những Nhận Định&Phê Bình về MANG VIÊN LONG (I)

1.MANG VIÊN LONG,

một thế hệ buồn…

Ban Mai

 
 
 
Lần đầu tiên tôi nghe tên ông, là lúc nhà văn Nguyễn Mộng Giác về thăm quê nhà, ông hỏi tôi có biết địa chỉ nhà văn Mang Viên Long, nghe nói bây giờ đang sống ở An Nhơn, Bình Định. Tôi là kẻ hậu sinh, ngày ông thành danh tôi chỉ là một đứa bé, khi tôi lớn lên ông đang sống trong im lặng, làm sao tôi biết được. Cái duyên gặp tình cờ khi tôi và ông cùng viết cho tạp chí Quán Văn Sài Gòn. Và thân tình từ đó.
 
Mang Viên Long là một người viết sớm, từ những năm còn đi học đã có bài đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Khởi hành, Ý thức... Chỉ trong vòng 4 năm từ 1969 đến 1972 ông xuất bản 5 đầu sách gồm 4 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút. Cuốn truyện đầu tiên “Trên đỉnh sa mù” ra mắt năm 1969. Là một cây bút đang lên, ông đột ngột ngưng viết khi thời cuộc thay đổi, và hơn 20 năm sau mới viết lại với độ sung sức đáng kinh ngạc. Bắt đầu năm 2003 ông xuất hiện với tập truyện “Biển của hai người”, và trong vòng 10 năm, ông cho ra đời 16 tập truyện ngắn, phê bình, tạp bút. Những năm gần đây, trung bình hàng năm ông xuất bản 2 đến 3 đầu sách. Có lẽ 30 năm im lặng, chiêm nghiệm cuộc đời, những ẩn ức dấu kín được dịp tuôn trào, ông viết không ngưng nghỉ.
 
Mang Viên Long là nhà văn trung thành với lối viết cổ điển, thiên về hiện thực. Thời gian trong truyện của ông thường là thời gian tuyến tính, không gian là những miền quê nghèo khó trên dãi đất miền Trung. Với giọng văn mộc mạc bình dị nhà văn kể về những cuộc đời bé mọn của kiếp người. Đặc biệt hệ lụy của chiến tranh bàng bạc trong từng phận người, chúng ta có thể tìm thấy trong “Nỗi khổ không rời, Hai trường hợp một cuộc tình, Trên đỉnh tháp chuông, Mấy ngày trước giáng sinh…” hoặc những chuyện tình luôn có kết thúc tan vỡ trong “Bóng mây ngày cũ, Quán café Tulip”, hay tìm lại một thời đã qua trong “Ngôi nhà mùa hè”.
 
Đọc truyện của Mang Viên Long, điều đọng lại trong tôi là một chữ tình, mặc dù nhân vật chính của ông lúc nào cũng là kẻ thất thế, người thua cuộc, mang nặng nỗi buồn, với một cuộc đời cô độc, nghèo khó, không gia đình, mồ côi cha mẹ…tuy nhiên, không phải vì vậy mà ông nhìn đời với lòng thù hận, trái lại là một tấm lòng “thàng hậu” của người dân xứ Nẫu.
 
Trong “Hai trường hợp, một cuộc tình” Ngạn là sinh viên năm 3 tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn, đang học thì phải nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 1972. Năm 1973 huấn luyện xong ra trường, Ngạn làm lính với cấp bậc chuẩn úy, hai năm sau chiến tranh kết thúc anh bị bắt làm tù binh và đi học tập cải tạo. Ra tù, không gia đình, không biết nương tựa vào đâu, Ngạn xin đi học làm thợ sửa máy may kiếm sống. Cuộc sống tưởng chừng êm ấp khi Ngạn lấy Kiều và có con, chồng sửa máy may, vợ may vá cũng đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi nghề sửa máy may ế khách, cô vợ có điều kiện bằng cấp và lý lịch hơn, được ông chú làm ở phòng giáo dục gợi ý theo học lớp sư phạm, chỉ cần ly hôn với anh chồng (lính ngụy) thì cô vợ sẽ đổi đời…chuyện gì đến rồi phải đến và cả hai ra tòa ly hôn.
 
Hay trong truyện ngắn “Quán bên sông” nhân vật Đệ có người cha bị bắt đi lính rồi mất tích, mẹ và đứa em gái chết vì bom nổ, Đệ được dì nuôi ăn học, người dì cũng ở giá vì người tình đi lính chết trận. Sau năm 1975, Đệ lớn lên học giỏi, thi đỗ vào Đại học Y khoa nhưng không được đi học vì lý lịch gia đình lính ngụy. Không nản chí, Đệ kiếm việc đi làm rồi vừa làm vừa học, cuối cùng ra trường cưới vợ ở thành phố. Những tưởng cuộc đời sẽ hạnh phúc về sau không ngờ cô vợ đòi ly dị. “Người con trai chán nản, về lại quê nhà, hàng ngày ngồi bên quán ven song thấy cuộc đời trống rỗng. Gần ba năm – hơn một ngàn ngày đêm nhìn thời gian lờ lửng trôi qua đời mình. Đệ càng nhận ra nỗi cô đơn vô vị tẻ lạnh của cuộc sống phù du ngắn ngủi. Những khổ đau đã quấn vào đời anh ngay từ ngày anh vừa mới bước đi chập chững... Đệ trở về nơi đây – quanh quẩn trong ngôi nhà dì Cát như một sự cùng đường - một bến bờ phải neo lại cho đám rong bèo bồng bềnh truân chuyên” …
 
Với lời kể bình thản của tác giả, bạn đọc cũng thấy lòng mình trống trải như nhân vật trong truyện. Chiến tranh kết thúc nhưng những phận người của bên chiến bại, vẫn không thoát khỏi vòng kim cô “lý lich”, hệ lụy của chiến tranh vẫn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đè nặng trên từng con người, không những là nỗi khổ cho người tham chiến, mà kể cả những đứa trẻ không hề liên quan cũng bị “lý lịch” đè nặng. Chính cách hành xử thiếu nhân bản này đã đẻ ra bao vết thương không lành miệng cho đến ngày hôm nay.
 
Phải chăng vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống riêng cũng nhiều đỗ vỡ nên nhà văn Mang Viên Long luôn khao khát tình yêu gia đình. Tình nghĩa vợ chồng được ông chăm chút trong truyện ngắn “Sáu Bẹo”. “Sáu Bẹo” kể chuyện một người đàn ông đi lính, có vợ ở nhà sinh 6 đứa con. Mặc dù biết những đứa con sau chưa chắc là con mình khi ông đi lính xa nhà, và rồi đi học tập cải tạo, nhưng ông vẫn một mực yêu thương, bỏ qua những lời đàm tiếu của lối xóm. “Điều làm cho cả xóm Thượng Tây thường xầm xì bàn tán là nét mặt mỗi đứa, đều rất giống những người đàn ông trong xóm Thượng Tây này! Giống đến nỗi như khuôn đúc vậy. Từ khuôn mặt, chân tay, dáng vóc như “ cắt để” vào, không lẫn vào đâu được. Có lẽ Sáu Bẹo cũng nhận ra điều lạ thường ấy trước tiên, nhưng ông không hề mở miệng. Vẫn yêu thương, chăm sóc – lo lắng từng miếng ăn, tấm áo, ốm đau – cho đến chuyện học hành của các con, như nhau. Ra khỏi nhà, đi làm – Sáu Bẹo thường nghe bạn bè chặn hỏi, chọc quê: “ Tao thấy mấy đứa nhỏ sau này đâu phải là con của mầy? Mầy không có con mắt hay sao vậy? “. Sáu Bẹo phớt lờ - chỉ cười: “ Nghé ai vào chuồng nhà mình là của mình thôi!”. Nhờ vậy vợ Sáu Bẹo cũng vững tâm chung lưng gánh vát công việc cùng chồng. Ông hy sinh, giữ mọi khốn khó về phần mình, nuôi con ăn học, lần lượt dựng vợ gả chồng cho sáu người con tới nơi tới chốn. Đại gia đình của ông tuy không dư gỉa, nhưng sống với nhau trong yêu thương đùm bọc. Chính vì vậy các con ông đều yêu quý và bênh vực cha mình, khi có người tò mò:” “ Đó là chuyện của người lớn, anh không biết! Anh chỉ biết anh được sinh ra ở nhà này, cha đã lo lắng, chăm sóc, thương yêu anh hết lòng. Anh không cần biết “ cha” nào khác!”.
 
Truyện ngắn “Sáu Bẹo” chưa phải là một truyện hay nhưng là mẫu nhân vật mà tôi thích, dám nghĩ dám làm, cao thượng, vị tha, mẫu đàn ông xưa - nay đều hiếm. Một người lính bại trận, trở về quê nhà, vợ con bị dèm pha. Nhưng vượt qua số phận, mạnh mẽ gây dựng lại cuộc sống gia đình từ con số không, nuôi dạy con cái nên người, gây dựng một nếp nhà hòa thuận, trách nhiệm chu toàn. Phải là người bản lĩnh, dám sống theo suy nghĩ của riêng mình mới vượt qua sự ích kỷ thường tình của người đàn ông, phải có một tình yêu cao cả mới bỏ qua những lời đàm tiếu của xã hội để bảo vệ người đàn bà mà ông thương yêu. Trong một xã hội, khi đồng tiền lên ngôi mọi luân thường đạo lý dường như đảo lộn: “Công cha thua chiếc Honda/ nghĩa mẹ khó sánh vợ ta bây giờ/ Có tiền – có của, chúng thờ/ Nghèo khô – cháy túi, chúng lơ thôi mà!”(*) thì nhân vật Sáu Bẹo của nhà văn Mang Viên Long trở thành một nét son. Thông qua “Sáu Bẹo”, tác giả muốn nói lên quan  niệm của mình về cuộc sống mà tình yêu thương đối với ông là cứu cánh. Nhà văn cũng gởi vào đó triết lý sống biết chấp nhận cuộc đời, biết hài lòng với chính mình, đấu tranh vượt lên mọi nghịch cảnh để tìm đến hạnh phúc.
 
Mang Viên Long lớn lên trong một đất nước chiến tranh, nên ông thấu hiểu nỗi khổ của người thanh niên thời chinh chiến. Người thanh niên không có sự lựa chọn cho riêng mình, họ không có quyền yêu, không có quyền sống theo ý mình, họ như một con tốt trên bàn cờ chiến tranh, sống mà không biết ngày mai. Vào những năm 70, trong truyện ngắn “Dì Lucia”, nhân vật người lính Miền Nam đã bao lần trăn trở, họ đã hy vọng sẽ có hòa bình sau hiệp định Pari, hai miền Nam - Bắc ngưng chiến: “Tôi chợt nghĩ là từ khi vào lính, mặc vào người bộ áo quần dầy cộm nầy, tôi chưa có được một dịp nào, để nhìn một chút nắng êm đềm như vậy, mà mơ tưởng tới một ước mơ nhỏ nhắn tầm thường cho đời sống mình. Tôi bận rộn, tôi ngơ ngác. Tôi bồn chồn. Bấy nhiêu tình cảm đó cũng đủ khiến tôi mệt đừ trong hai mươi bốn giờ của một ngày.

Tôi không ngờ tôi đã gặp một người nữ tu trẻ, và đẹp như dì Lucia. Chắc là tôi khó có thể tả lại được một vẻ đẹp như vẻ đẹp của dì Lucia, nhưng tôi có thể nói chắc một điều, xưa nay tôi chưa hề được gặp một người nữ nào có một vẻ đẹp, vừa quyến rũ, vừa thánh thiện như thế.Có lẽ nét hồn hậu, điềm tĩnh của dì, khiến tôi về sau này, thấy nhớ dì hơn.
 
Tôi cũng đã cầu nguyện hòa bình, yên ổn như họ. Tôi chỉ biết cùng họ ước mong rằng thù hận, và máu lửa, thôi không còn kéo dài, tiếp diễn trên quê hương này nữa mà thôi. Hình ảnh kham khổ của họ đã cho tôi nhìn thấy rõ chiến tranh, thù hận, là một điều đáng ghê tởm, và đáng nguyền rủa nhất. Có bao giờ, những người chủ chiến nhìn thấy được những nét mặt, những đời sống cùng khổ này không?
 
Tôi không thích chiến tranh. Tôi không là cán bộ tuyên truyền. Nhưng là một người trẻ biết trách nhiệm với quê hương, còn tin tưởng và hy vọng để xây dựng. Chính chúng ta phải xây dựng xứ sở của chúng ta chớ không ai khác, sau ngày ngưng bắn và hòa bình”.
 
Nhưng ước mơ của người lính Miền Nam được sống yên lành, góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh của họ vỡ tan sau ngày hòa bình.
 
Theo tôi, “Dì Lucia” là một truyện ngắn hay, viết về chiến tranh nhưng không có những cảnh chết chóc bạo liệt, ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, không gian thi vị, gấp sách lại tôi vẫn mường tượng hình ảnh u buồn của người lính và vị nữ tu dịu dàng vẫn còn bảng lảng dưới vạt nắng chiều. Truyện kể về mối tình thoáng qua của người lính, trong một lần dừng chân đóng quân gần cô nhi viện, gặp vị nữ tu thánh thiện. Nói về chuyện tình nhưng không một lời yêu, không một nụ hôn, không dám cả một cái nắm tay...giống như tác giả sợ chạm vào, chuyện tình sẽ tan như sương, như khói. Tâm thức đầy bất ổn của người lính bàng bạc trong câu chuyện, nỗi khát khao hòa bình, thân phận tình yêu trong thời chiến để lại dư âm buồn trong lòng người đọc
Mang Viên Long, sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, Bình Định thuộc miền Nam trung bộ, cũng như bao người con trai khác trong thời loạn ly, khi đang đứng trên bục giảng, ông cũng bị xung vào lính chiến trong thời kỳ tổng động viên. Sau năm 1975, những giáo viên “biệt phái” dạy Văn và Anh văn như ông đi học tập cải tạo, rồi không được lưu dụng, thất nghiệp ông về quê làm đủ mọi nghề, cuối cùng ông làm thợ sửa ống khóa, chìa khóa. Dù cơ cực Mang Viên Long luôn giữ phẩm cách của một nhà giáo, trong sạch, hiền lương. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã từng chua xót khi nói đến tình cảnh những trí thức Miền nam sau thời hậu chiến: “Những anh trí thức càng hiền lành, tự trọng, thì càng thê thảm: "...Giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện... trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng cho trẻ con" (“Lẽ sống” - Thuyền viễn xứ)
 
Trong bài tạp bút “Nhớ lại một câu hỏi” Mang Viên Long từng viết: “Bạn bè thấy tôi hành nghề sửa khóa làm chìa ở góc phố chợ lấy làm ái ngại cho tôi. Họ không thể ngờ một nhà giáo, nhà văn như tôi lại rơi vào một hoàn cảnh như vậy. Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình “khổ” như lời chia sẻ của các bạn, mà vẫn nghĩ điều gì rồi cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Cứ an vui và kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm để có niềm hy vọng mà sống tiếp”.
 
Thế hệ của Mang Viên Long là một thế hệ buồn, đi qua mọi thăng trầm của lịch sử, ông thấm thía nỗi đau nhân tình:
 
“Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Ðâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Ðâu là vì mình, và đâu là vì nước
...
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua...
(“Thế hệ tôi - thế hệ buồn” Gia Hiền)
 
Sống một cuộc đời nhiều đau khổ, gian truân nhưng nhà văn Mang Viên Long không hận đời, hận người. Trái lại, ông là một người luôn yêu đời, yêu người. Ông hiểu rõ cuộc đời là một “bào ảnh/ huyễn mộng” và để chế ngự được sự “vô thường” bất hạnh kia, ông luôn vui sống chấp nhận, với tình yêu thương. Gặp ông là thấy nụ cười hiền hậu nở trên môi, với một thái độ khiêm cung của một người hiểu đời, hiểu mình. Nhà văn luôn sống với tâm thức:

“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Cho ta thêm ngày nữa để Yêu Thương”(**)
dù thế hệ ông là một thế hệ buồn.
 
 
Ban Mai 
Quy Nhơn, ngày 12.3.2015


2.MANG VIÊN LONG,
 Cây bút truyện ngắn của những mảnh đời hẩm hiu
& những tình yêu dang dở.

 
Hồ Sĩ Duy

 
 
Mang Viên Long đã đi vào làng văn từ những năm cuối của thập niên 60 thuộc thế kỷ XX vừa qua. Tác phẩm của ông hầu hết là truyện ngắn, được viết trong bối cảnh của lịch sử Việt Nam từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, rồi gần hai mươi mốt năm chiến tranh, và kể cả thời hậu chiến sau 1975, thời kỳ của bao cấp. Gần đây, “ Tuyển  Tập Truyện Ngắn ” của ông, (tập 1) do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, ghi dấu một chặng đường cầm bút trong nhiều chục năm, nội dung phần lớn, thể hiện những mảnh đời hẩm hiu cùng những tình yêu dang dở…
Mang Viên Long đã xây dựng tác phẩm của mình mang tình tự tư duy hiện thực xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Và trong bối cảnh ấy, người đọc cũng cảm nhận được những thân phận của nhân vật trong những mảnh đời hẩm hiu trước thời cuộc, cùng những tình yêu sâu lắng, đậm tính nhân văn nhưng cũng chịu nhiều bất hạnh, dang dở.
Ông đã gợi lên “Một thời thương yêu và một thời tưởng nhớ ” mà dẫn dắt người đọc đi vào một mối tình đầy thơ mộng giữa Quyên và Tưởng. Họ đã yêu nhau trong khung cảnh của quê hương Bình Định, một quê hương thuộc liên khu 5 trong thời kháng chiến chống Pháp. Người con trai tên Tưởng, có cha chết trận Kon Tum: “Ngày sinh con Quy vừa đầy tháng, má Tưởng được tin chồng chết trận ở Kon Tum, má Tưởng như bị dĩ vãng vây hãm, khóc rấm rứt cả ngày trong hầm trú ẩn.” Trong khung cảnh của một căn nhà xưa cũ, có tàn cây che khuất máy bay địch, có những dây bầu, dây bí sản xuất tăng gia và có “chiếc bồ sơn trắng bất đầu treo ở cuối xóm, báo hiệu những trận càn quét của Tây, bất ngờ đi xuyên qua sớm ”… Rồi những trận oanh tạc của máy bay mỗi lúc một nhiều, làm cháy dần những căn nhà còn sót lại, làm cho con xóm trở nên vắng vẻ lạ thường! Má Tưởng giao nhà cho bà Bốn, người u già như sinh ra để sống cho gia đình Tưởng, lấy gia đình Tưởng làm gia đình mình. Má Tưởng đi buôn tận vùng bị chiếm Tam Kỳ và lần cuối cùng bị kẹt ở Tourane không về nữa. Còn Quyên, người yêu của Tưởng cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha Quyên đi dân công tiếp vận chiến trường về, bị sốt rét, “được đưa đi chữa bệnh, rồi bặt tăm”! Mẹ Quyên  cũng chết vì “bệnh ho ra máu”, bà đã trối lại “phải giữ lấy căn nhà và lo cho Trung ”… Quyên và Tưởng đã yêu nhau trong hoàn cảnh cả hai đều không còn cha mẹ, chỉ còn những căn nhà cũ của cha mẹ họ để lại với khuôn vườn nhỏ và Trung, em trai của Quyên. Ở đó, còn có bà Bốn, một u già trung thành của gia đình Tưởng. Tất cả họ đã sống trong không và thời gian của chiến tranh, của tản cư, của cảnh vườn không nhà trống, của những đợt oanh tạc với lựu đạn, với bom xăng của giặc Pháp, cùng với những trận đổ bộ rập rình đe dọa của quân thù. Tuy vậy, tình yêu của họ rất đẹp và cũng không kém vẻ thơ mộng: “Ánh trăng chiếu xuống thật chậm, những ô sáng xuyên từ các kẽ hở cây lá từng ô trắng rõ nét trên gương mặt Quyên. Cái im vắng của buổi sáng sau những lần báo động của tản cư, chạy giặc, đọng khô trên từng ngôi nhà, từng hàng rào, từng hàng cây, con đường …” Quyên tìm đến với Tưởng trong khu vườn khép kín, tĩnh lặng, ngồi yên trên võng bên Tưởng. Quyên đã đem tiếng cười làm cho Tưởng vơi đi bao nỗi ưu phiền. Và trong một  cử chỉ âu yếm thật lãng mạn: “Tưởng ngã người bên bờ vai Quyên – Chim én là mùa xuân, em cũng là mùa xuân của anh ” (trang 13 sđd). Đối với Tưởng, “mùa xuân được nhắc đến như một tên gọi đã bỏ quên từ lâu lắm.” Tưởng nhớ đến mùa xuân như nhớ về một hoài niệm với thời gian, và tâm tư chàng như ướm lên cả một niềm khát vọng: khát vọng hòa bình từ những đau thương của cuộc sống mà chàng đã và đang đối diện: “từ những đêm mưa dai dẳng, lạnh cóng, không có chăn ấm, phải chui vào bồ lúa, phải đốt lửa giữa nhà ngồi chờ sáng. Rồi mùa xuân đến với một ngày hai bữa cơm ghé củ, ghé bắp, và mùa xuân nằm mãi trong hầm trú ẩn với những căn nhà cháy thui vì bom xăng, mùa xuân của những hớt hãi bay đi theo từng hồi kiểng thúc, những lần bỏ nhà tản cư lên núi.” (trang 13 sđd).
 Bối cảnh của cuộc sống như thế đã làm cho Tưởng thấy yêu Quyên hơn, vì những bất hạnh của nàng, vì giữa cuộc sống và nỗi chết, sự  chia xa có thể đến bất cứ lúc nào, trong một buổi, một ngày ngắn ngủi… Ý tưởng ấy đã đến, dần dần đem Quyên đến gần Tưởng hơn. Hạnh phúc đích thực của đôi tình nhân này chính là “mơ ước một ngày bình yên, không nghe tiếng kiểng, một ngày bên nhau không nhìn thấy chiếc bồ trắng kéo lên quá đọt tre, đã là một hạnh phúc cho cả hai như buổi sáng hôm nay.” (trang 14sđd ).
Tình yêu của Tưởng và Quyên được nhen nhóm từ hoàn cảnh của một quê hương trong thời chiến, một quê hương thật thơ mộng và thật đậm tình quê cha đất tổ, đậm tình nơi cắt rốn chôn nhau; một quê hương đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ, với dòng sông, với bến nước, với những lần “Tưởng trốn má, bỏ ngủ trưa, chạy ra đây tắm, chạy ra đây cút bắt, chạy ra đây tạt nước thi với lũ thằng Thu, thằng Quyến, thằng Minh…” (trang 21 sđd). Nơi quê hướng ấy, còn có căn nhà của ba má Tưởng, có bóng cây xanh che chở cho căn nhà còn nguyên sau mấy lần bị máy bay oanh tạc. Nơi đó có khoảng  sân gạch được giở ra để tăng gia sản xuất, để trồng đu đủ, bí, bầu và vài luống mì, luống bắp… Nơi quê hương ấy cũng có căn nhà của cha mẹ Quyên, mà trước khi mẹ Quyên chết bà đã trối lại là “phải giữ lấy căn nhà và lo cho Trung…” – đứa em trai của nàng. Những căn nhà ấy, đã từng là không gian cư ngụ êm đẹp nhất của hai gia đình Tưởng và Quyên và cũng là nơi ấp yêu bao kỷ niệm của họ, những con người đã được sinh ra và lớn lên từ nơi ấy.
Nhưng rồi, chiến tranh đã xóa nhòa tất cả những hình ảnh êm đẹp và yêu thương của con người với nhà cửa, xóm làng, với sinh hoạt thường ngày, với kỷ niệm tuổi thơ, với khung trời thanh bình của mộng mơ ngày cũ. Ngày Tưởng bỏ học trở về cùng với hình ảnh điêu tàn nhất của xóm: “Không nhìn thấy bóng người sau những rặng tre, không một chuyến xe ngựa, không nghe tiếng cối xay, tiếng giã gạo. Tưởng có cảm giác như trở về một miền đất chết xa lạ. Dấu bom cày sâu từng vùng, vật ngã những thân cây cổ thụ chắn lối đi, mùi tro than bốc khét trong hơi gió thốc ngược.” (trang 17 sđd).
Tưởng tìm lối vào nhà, căn nhà của Tưởng bây giờ đã bị thủng nhiều lỗ, ngói văng vãi xuống thềm, những cành cây xác xơ, lá bay nằm trên mái nhà, những hàng cây ăn trái, những dây bầu, dây bí từng nụ hoa mới chớm đều bị cháy sém cả. Còn căn nhà của Quyên, nằm trong xóm cũng chỉ còn “chong trơ vơ những bức tường loang lổ, những cột nhà cháy đen”. Con  xóm vắng tênh, nhưng “Tưởng vẫn ngỡ có rất nhiều tiếng khóc nuối tiếc, có rất nhiều lời than van thì thầm…” Ý tưởng mà mẹ Quyên đã trăng trối “Con hãy giữ lấy căn nhà” lúc nầy không còn là một mệnh lệnh bắt buộc được nữa, mà nó đã trở thành một hiện thực đau thuơng, một âm vang não nùng trong tâm hồn của con người như Quyên, như Tưởng khi họ đứng trước một thực trạng “những căn nhà trống trơn, đổ nát, chênh vênh” mà họ không khỏi toát ra một cảm giác đớn đau, rờn rợn trước những khu vườn xơ xác lá đổ, nhẫn nhục, buồn hiu ấy. Đó là cảnh của “tiêu khổ kháng chiến” cảnh tang thương của “vườn không nhà trống”, mà một thời dân tộc Việt Nam phải chịu đựng, phải đau xót và phải nuốt lệ trong tâm hồn! Đó cũng là những tình huống tương phản giữa cuộc sống và tâm thức con người như Quyên, như Tưởng phải trải qua và đau khổ chịu đựng. Họ yêu nhau với những tình cảm đẹp,  họ nhìn đời dưới một lăng kính mộng mơ, với những kỷ niệm êm đềm thơ mộng như những lần đi câu cá bên dòng sông, hoặc  những chiều Tưởng cùng Quyên lên gò bẩy én, họ “cùng ngồi bên nhau dưới chân con đê để chờ tiếng kêu của những con chim én bị mắc bẩy…” –  “Tình thương bắt đầu từ Quyên và ở lại mãi phảng phất hoài như sự luyến nhớ nụ hôn trên môi, trên tóc…”
Tuy nhiên, cuộc sống thực tế trong thời kháng chiến, không phải chỉ là những kỷ niệm êm đẹp và mộng mơ của đôi tâm hồm kẻ yêu nhau, mà con người thực tế còn  phải đương đầu với sự cơ cực vì chiến tranh, phải: “ quanh năm trốn trong hầm trú ẩn, hầm bí mật, chờ nghe tiếng máy bay, trông chừng từng mức bồ kéo lên …” ( trang 20 sđd ).
Trong kháng chiến chống Pháp, cái bồ không chỉ là dụng cụ để người nông dân đựng thóc, lúa, mà còn có một công dụng thiết thực là để làm tín hiệu, báo động cho nhân dân biết những khi giặc Pháp đi càn quét đốt phá xóm làng… Cuộc sống của những người trong xóm vắng dần, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, phố xá cũng tiêu điều vì máy bay oanh tạc hằng ngày. Chợ búa, trường học, ruộng đồng… ban ngày cũng vắng vẻ, chỉ sinh hoạt vào ban đêm. Mọi người đều xa lánh phố xá hoặc nhà ở của mình để tránh sự oanh tạc của phi cơ địch, họ đã làm lều, làm trại để tạm trú vào những nơi hoang vắng. Câu nói “Khôn ở lều ở trại, dại ở phố ở nhà” đã được truyền tụng như nhắc nhở mọi người trong thời kháng chiến đã phải sống như thế. Quyên cũng làm một chòi tranh dựa lưng vào hàng tre rợp bóng mát, nằm dọc theo sông để ẩn trú, tránh máy bay địch. “Tiếng kẻng đánh thức từng hồi vang lên từ cuối xóm, chạy dài theo cánh đồng. Tưởng chui ra khỏi căn chòi nghe ngóng tiếng máy bay, nhìn lơ lửng trên nền trời vắng ngắt… Buổi chiều xuống nhẹ trên cánh đồng, ánh sáng mềm mại, mát dịu. Con đê cao còn vướng chút tia nắng nặng nề đọng lại của một buổi chiều cuối năm.” Hình ảnh “cái chòi” vừa là nơi để Quyên ẩn trú, tránh máy bay, nhưng cũng là một không gian thơ mộng khi Tưởng đến tìm Quyên trong một buổi chiều, “buổi chiều xuống nhẹ trên cánh đồng” với “Con đê cao còn vướng chút tia nắng nặng nề đọng lại…” Hình ảnh ấy, thật thơ mộng,  êm đềm để cho đôi tình nhân Quyên, Tưởng gặp nhau. Không gian tình yêu của Quyên và Tưởng là một không gian thật tương phản, một không gian vừa tĩnh, vừa động, vừa thanh bình êm ả cũng vừa bất ổn vì những hồi kẻng báo động  máy bay, hoặc vì chiếc bồ trắng ở đầu xóm kéo lên cao, báo hiệu sắp có trận càn của địch. Tuy nhiên, trong cái cảnh bấp bênh, bất định, cái cảnh vừa tĩnh vừa động ấy, ta vẫn thấy có một thăng hoa của thanh bình tuyệt đối, đó là tình yêu tràn ngập trong tâm hồn của Quyên và Tưởng.
Tình yêu ấy đã được nhen nhuốm và vươn lên từ quê hương đổ nát vì chiến tranh, nhưng vẫn đẹp, vẫn trầm lắng trong nét lãng mạn của kháng chiến. Đó là những khổ nhọc và đau thương, là những ấn tượng trực tiếp về cuộc đời thực tại và đó cũng là sự siêu thăng trong tâm linh con người.
“Quyên kéo tay Tưởng rẽ xuống ngã tư, muốn đi len trong những hàng cây rậm. Lâu lắm, Quyên mới tỏ ý chọn lựa khi tay nàng trong tay Tưởng. Hai người rẽ các bụi cây dày lá, mát sạch, dìu nhau từng bước nhỏ. Trừ khu vườn hai người vẫn thường có những lần rủ nhau đi rong chơi trong sự vắng vẻ của buổi chiều chờ cơm, chờ quảy hàng ra chợ. Cũng nhiều lúc thật rỗi, Tưởng và chị em Quyên lên thăm cái chòi nằm sát dòng sông, dưới hàng trẻ rũ bóng mát. Cái chòi, trở thành một nơi khó bỏ như căn nhà, vì nơi đó, Tưởng đã sống trọn vẹn cho Quyên, cho tình yêu một đời những buổi trưa đắm đuối yêu đương…”
Cái khung cảnh như luôn luôn đan xen giữa sướng vui và khổ cực, giữa náo động và thanh bình, giữa những chập chờn âu lo vì cuộc sống bất an luôn đe dọa và niềm ước mơ hạnh phúc miên viễn của tình yêu… Với một không gian tình yêu từ bụi cây khóm lá, từ những buổi tối chập chờn trên cao, từ những cơn gió chao chát trên cành lá, từ những tiếng chim xao xác gọi nhau về tổ… “Quyên cảm thấy lòng lâng lâng niềm vui, nỗi thanh thản hiếm hoi của một ngày không nghe tiếng máy bay.” Còn Tưởng thì nghĩ rằng “không ngờ trong nỗi khốn khổ này, anh vẫn có quá nhiều niềm hạnh phúc, quá nhiều an ủi vì anh đã có tình yêu của Quyên.” Anh “cúi xuống trên bàn tay Quyên, cúi xuống trên nỗi hạnh phúc tràn đầy. Quyên bàng hoàng trong niềm khoái cảm tuyệt diệu vì tình yêu đã đến, đến gần, không phải ở những câu nói, không bắt đầu từ lúc nào, nó tự nhiên và âm thầm như những nụ hôn, những lần ôm ấp bên nhau trong chiếc chòi tranh, hay trong hầm trú ẩn sau nhà.” Chiếc chòi tranh, chiếc hầm trú ẩn đều là những không gian của thời chiến để cho con người tránh hiểm nguy của bom đạn, của địch truy lùng tàn sát, nhưng chính nơi ấy cũng là không gian ấm cúng của tình yêu, của ôm ấp và của những nụ hôn giữa Quyên và Tưởng. Cảnh sinh hoạt trong thời chiến, khi con người phải lấy đêm làm ngày và lấy ngày làm đêm, nghĩa là ban ngày mỗi hoạt động sinh hoạt đều như co lại, chỉ có ban đêm, mọi hoạt động thường ngày mới được mở ra, từ chợ búa, ruộng đồng, học hành, đi lại… nhất nhất đều diễn ra vào ban đêm. Tuy vậy, ban đêm, người ta còn phải hạn chế ánh đèn để tránh sự dò xét của máy bay địch…
Cùng với tinh thần cảnh giác ấy, cùng với nỗi lo toan ấy, trong sự thầm lặng với “những bữa ăn âm thầm dưới hầm”, “ngoài vườn”, hoặc “trong bụi cây ”, đã trở thành thói quen làm việc trong đêm của con người thời kháng chiến. Trong sự thầm lặng đó, Tưởng có những kỷ niệm với Quyên, nhất là lúc con trăng bắt đầu hiện: “Dưới ánh trăng, trong sự yên lặng của cây, lá, hoa cỏ chung quanh, cả hai đã thấy gần nhau như cành với lá. Tưởng đến ngồi trên chiếc cầu tre bắc ra giữa dòng sông trông xuống bến nước xao xuyến ánh trăng, Quyên đang giúp bà Bốn rửa chén bát…” (trang 27).
Và một cảnh thật lãng mạn và đầy thơ mộng lại hiện ra:
-         Trăng đẹp không anh Tưởng?
Nàng bắt đầu có những câu nói thật tươi mát của tuổi thơ, trở về với sự bình yên bên Tưởng. Rời bến nước trắng bạc ánh trăng phẳng lặng như dát lớp bạc mỏng, Quyên đến gần Tưởng, kéo một cành tre sà xuống trước mặt. Bóng đêm in đậm nét trên dòng nước, dáng Quyên và cành tre trông y như một bức tranh tàu. (Trang 28 sđd) Ở đây ta thấy thấp thoáng những hình ảnh lãng mạn, tình tứ của đôi tình nhân mang tính tiểu tư sản của một thời trong tiểu thuyết tự lực văn đoàn. Mang Viên Long, đã có lúc làm cho người đọc không khỏi không liên tưởng đến khung cảnh và nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh trong “Đôi Ban”, “Bước trắng”, hoặc của Thạch Lam trong “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”… Mặc dù bối cảnh tình yêu của Tưởng và Quyên được đặt trong khung cảnh của thời kháng chiến chống Pháp tại quê hương Bình Định, nhưng không gian tình yêu của họ lại là một không gian cực kỳ lãng mạn, một không gian trong lành êm ả của đôi tình nhân Quyên Tưởng như vượt thoát hẳn cái không khí chiến tranh vẫn đục, u ám và nặng nề của quê hương thuở ấy: “Tưởng nhớ những kỷ niệm thời còn nhỏ. Thật xưa và thật đẹp. Như chiếc lọ cắm hoa cổ, có hoa đẹp như có tiếng cười.” Với Tưởng, tiếng cười là tuyệt diệu nhất, vì nó có thể xoa diệu và giải quyết được tất cả. Tiếng cười của Quyên đã đưa Tưởng trở về kỷ niệm đầu tiên Tưởng gặp nàng, dẫn nàng lên gò bẩy én. Chính tiếng cười và những con chim én đã buộc chặt cả những gặp gỡ sau này của hai người. (Trang 28 sđd). Và từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (1) đã đưa họ đến một khung cảnh bên nhau thật tuyệt với trên một thảm cỏ xanh. “Bãi cỏ có màu xanh đậm, đều. Cảm giác truyền từ gót chân, vẻ tươi mát của thảm cỏ sạch, dày, được quạt bằng hơi gió, khiến Tưởng thèm nằm. Đi từ đầu bãi đến cuối bãi, Tưởng trở lại chỗ Quyên ngồi, thả người nằm xuống và bắt đầu nhận ra mùi hoa lý của khu vườn bỏ hoang của gia đình người dượng, quyện dìu dặt trong gió. Gió vẫn thổi miệt mài trên bãi cỏ… Tưởng nhìn lên những cụm mây trắng xóa, trắng đục, bồng bềnh trên nền trời xanh… ” (trang 28-29 sđd).
Với bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, với thảm cỏ mịn màng, với người yêu bên cạnh, tình yêu giữa Tưởng và Quyên, tưởng chừng như đang thoát ly thực tại, một thực tại không phải là những nụ hôn, hoặc cái nhìn âu yếm của đôi tình nhân, nhưng họ muốn thoát ly cái thực tại, của thực tại ấy,  để cho tình yêu thăng hoa vào một thế giới thần tiên mộng mơ miên viễn nào đó…
Tuy nhiên, lại một thực tại trước mắt đã níu kéo họ về trong cái nhìn đau khổ của cuộc đời: “Cảnh tượng hiện ra trước mắt, đơn giản và ghê rợn”. Cái cảnh “ông Hương Nhâm đang quì trên tảng đá ong” với thân hình “già sọm gầy gò”, “chao đi chực ngã”. Cái cảnh của “người con trai nằm dài, úp mặt xuống đất bên người vợ cũng bị trói và hai đứa con”. Cái cảnh “Ông Năm Lé cầm roi nhịp nhịp” điều khiển toán nông dân lục lạo… Rồi tiếng ông Nam Lé quát tháo… Rồi tiếng khóc sụt sùi, “tiếng khóc đã quá khan” của ông Hương Nhâm, trộn lẫn tiếng ồn của đám người chung quanh… Tiếp đến là hình ảnh của ông Hương Nhâm: “Chợt lảo đảo, ngã lăn xuống khỏi tảng đá ong, nằm có quắp…” tiếng người con dâu thét lên, tiếng ngọn roi của Năm Lé quất xuống, tiếng ông Hương khóc khàn hẳn…”
Bỗng một tiếng kêu thương tâm, từ đám đông bên ngoài:
“Trời ơi! Tội nghiệp!” Rồi tiếp theo là mệnh lệnh của Năm Lé vang lên: “Ai nói tội nghiệp đó? Anh em ra bắt đem vô xử tội mau, lẹ lên!”... (trang 30 – 31 sđd).
Có thể nói từ đầu đến cuối câu truyện “Một thời…” Mang Viên Long đã dẫn dắt người đọc vào một tình yêu thật đẹp giữa Quyên và Tưởng, mà ông gọi là “Một thời để yêu”, nhưng tình yêu ấy đã trải qua một chặng hành trình dài, nối tiếp giữa những tương phản của tối và sáng, giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và đau thương, giữa êm đềm lãng mạn và kể cả giữa những xót xa ray rứt của thân phận nhân vật trong truyện. Hình ảnh đấu tố ông Hương Nhâm ở xóm Thạch Tĩnh, chính nơi quê hương của tác giả, là một hình ảnh có thật, không một chút hư cấu. Và đó cũng là một cảnh tượng “ghê rợn” hiện ra trước mắt như một màng đen hãi hùng làm xóa đi vầng sáng của một tình yêu lãng mạn giữa Quyên và Tưởng. Tình yêu của họ đã đi vào dang dở, chia xa, khi Tưởng ra đi tập kết miền Bắc, bỏ lại Quyên nơi quê hương cũ đầy ngổn ngang và đổ vỡ… Khi mà hình ảnh của bà Bốn, người u già đảm đang, trung hậu và nghĩa tình với gia đình Tưởng, một chứng nhân trước bao hoàn cảnh đổi thay của gia đình và thời cuộc, một nguồn an ủi cho cuộc đời của Tưởng và Quyên cũng đã không còn nữa! Cuộc sống đạm bạc, giản đơn với những bữa cơm “Bốn cái chén, bốn đôi đũa, một đĩa rau dền, một tô mắm cua, một nồi canh rau má, một rổ khoai mì, một xoong cơm ghé bắp…” Cuộc sống như thế, tưởng chừng như đã yên phận cho Quyên khi nàng không muốn biết thêm bất cứ một điều gì nữa, vì nó sẽ làm cho nàng lo lắng, khổ tâm. Những ước muốn ấy cũng bỗng dưng tan biến trong tiếng kêu thương: “Trời ơi tội nghiệp!” … Tội nghiệp không chỉ cho một thân hình “già sọm”, gầy gò, chao đi, chao lại khi đang bì quì trên tẳng đá ong rồi chợt chao đảo, ngã lăn, “nằm co quắp”… mà “tội nghiệp” còn là tiếng kêu cho số phận tình yêu dang dở của Quyên và Tưởng!
“Một thời để yêu… ” giữa Quyên và Tưởng nếu càng đẹp bao nhiêu, thì “Một thời để nhớ… ” giữa họ cũng không kém xót xa đau đớn. Và Tưởng đã ra đi, và Quyên vẫn sống trong cảnh cô đơn, lạnh lùng: “Tất cả như còn phảng phất những vui buồn từ một dĩ vãng mười mấy năm trở lại. Mười mấy năm xa Tưởng, xa bà Bốn, xa ngôi nhà của mẹ, xa ngôi nhà cổ của Tưởng, xa cái chòi”. (trang 32 sđd) Mang Viên Long rõ ràng đã nêu lên một bức tranh hiện thực, hiện thực từ nội tâm cho đến ngoại cảnh của con người của một thời… Nhưng ta vẫn thấy tác giả không hề phê phán hiện thực ấy bao giờ!
Rời xa “Một thời để yêu và một thời tưởng nhớ” người đọc còn theo bước chân của Mang Viên Long để đi vào những mảnh đời hẩm hiu và những tình yêu dang dở cả trong thời chống Mỹ và thời hậu chiến, bao cấp. Những mảnh đời, những tình yêu ở đây cũng lắm đau thương, lắm dập vùi cho số phận con người trước thời cuộc và trong khúc ngoặt của lịch sử dân tộc, có nhiều ngậm ngùi xót xa, có nhiều dở dang bất trắc…
Đó là những cuộc đời tình ái của Viên và Mộng, trong “Dáng Mộng”, của Toàn và Thược trong “Nếu Có Một Ngày Nào”, của Khang và Kim Khánh trong “Căn Lều Của Người Anh Họ ”, của Thương và Luân trong “Chim Bay Về Đâu”, của Khánh và Kha trong “Một Thời Để Thương Yêu”, và cả Thảo và Tuyên trong “Chị Sáu Cô Đơn”… Tất cả những nhân vật trong các truyện ngắn kể trên, đều đã tạo nên những khuôn mặt trong phạm trù của tình yêu dang dở. “Dáng Mông”, một truyện ngắn nói về tình yêu của Viên và Mộng: thầy giáo hiền lành, dạy học ở một quận hẻo lánh, “Cái quận được bao bọc bởi núi, tách xa quốc lộ, con đường độc nhất đến đó phải qua đèo Thị lởm chởm những lỗ mìn được đào gỡ lên cho mỗi buổi sáng xe cộ di chuyển” (trang 69 sđd). Nơi đó, chiến tranh, chết chóc và gian nguy luôn luôn rình rập cho số phận con người. Nơi đó, về đêm cũng thường xảy ra những vụ bắt cóc, khủng bố… làm đe dọa đến tính mệnh con người. Đêm đêm, Viên cũng như một số người ở trong vùng “xôi đậu”, mất an ninh ấy thường đi ngủ nhờ vào các nhà quen ở khu vực khác, nơi gần quận, gần chi khu quân sự, nên tương đối có an ninh hơn. Tuy vậy, vẫn hằng đêm xảy ra đụng độ giữa lực lượng bên này và bên kia. Súng nổ, hỏa châu, pháo kích, ám sát, bom mìn, lựu đạn. Viên yêu Mộng, cô y tá nhân hậu, đẹp thùy mị, dịu dàng. Mối tình Viên Mộng, đẹp, chưa đi vào hôn nhân. Rồi một hôm, Mộng đưa Viên về nhà mình ở quê để ăn giỗ. Ăn cổ xong, Mộng theo người chị ra đám bắp, bẻ bắp tươi về nướng đãi Viên. Khi “Mộng vừa cột những trái bắp chọn được thành chùm, bước tới một bước thì có tiếng nổ. Tiếng nổ ngay dưới bàn chân Mộng. Rồi tiếng người chị mất hồn, réo gọi thất thanh…” Rồi tiếng thằng nhỏ giữ bò chạy đưa tin.
-         Bác Hai ơi, bác Hai… Chị Mộng bị mắc mìn, mắc mìn nổ chết ngoài soi bắp.” (trang 90 – 91 sđd )
          Thế là kết liễu cuộc đời mộng và cuộc tình Viên - Mộng bị dở dang.
Câu chuyện tình Viên Mộng được đặt trong bối cảnh của thời chiến, một thời chiến ác liệt đã diễn ra ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn cao điểm từ 1968 đến 1975. Sau biến cố năm 1968, quê hương miền Nam Việt Nam đã bị xé nát ra thành từng mảnh. Một cuộc chiến tranh không còn phân biệt giới hạn của chiến tuyến, chiến tranh đã len lỏi khắp mọi nơi, nhất là những vùng nông thôn thường biến thành những vùng “xôi đậu”, những vùng “da beo”, những vùng là ban ngày thuộc nên ni, ban đêm thuộc bên kia… Người dân luôn sống trong tình trạng bất an, trận chiến thường xảy ra bất cứ lúc nào. Những mìn, lựu đạn, mã tấu, lưỡi lê, pháo kích, tấn công… cùng với những thiết quân luật, giờ giới nghiêm, hỏa châu, kiểng báo động… đã là những hiện tượng đau thương “xảy ra như cơm bữa ” trong cuộc sống người dân. Nhưng rồi trong cuộc sống ấy, tình yêu vẫn nảy nở, vẫn xuyên suốt mọi hoàn cảnh, mọi mảnh đời tan thương để tồn tại trong mọi nơi, mọi lúc, theo nhịp đập của trái tim và hơi thở của con người. Tình yêu là đề tài muôn thuở của tiểu thuyết và thi ca và kể cả lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Nó cũng chính là bản chất cuộc sống của muôn người, muôn vật. Tình yêu, còn là một động lực uyên nguyên, xô đẩy bản thể tĩnh lặng để con người tìm đến với nhau như “chim liền cánh, cây liền cành” như một khát vọng truyền kiếp của con người, thông qua nguyện ước của người chinh phụ trong chính phụ ngâm:
“Thiếp xin nguyện kiếp sau này
Như chim liền cánh, như cây liền cành”
Còn ở Tây phương, Musset, nhà thơ lãng mạn của Pháp vào thế kỷ 19, cũng đã cho rằng:
“La Vieestun Sommeil, l/amouren est le rêve
Et vous auref vécu, si vous avef aimé.”
(Cuộc đời là một giấc ngủ, tình yêu là mộng trên gối,
Và bạn chỉ sống, nếu bạn đã từng yêu)
Và chính vì “Et vous auref vécu, si vous avef aimé” (Bạn chỉ sống, nếu bạn đã yêu) nên tình yêu đã trở thành thiết thân cho cuộc sống. Do vậy, những khuôn mặt tình yêu trong tác phẩm của Mang Viên Long được viền đậm trong nét sống thực của cuộc đời, đã được xuất thân từ hoàn cảnh chiến trang tang tóc của bom mìn, súng đạn, dây thép gai, của những đêm pháo kích, bắt cóc, ám sát, tấn công, hỏa châu rực sáng, máy bay rình rập, những đêm trong xóm làng mất an ninh, sự chết chóc luôn rình rập, đe dọa con người. Tình yêu giữa Viên và Mộng, trong “Dáng Mộng” là một tình yêu sống thực trong chiến tranh. Trong chiến tranh, thầy giáo Viên đi dạy ở một vùng huyện hẻo lánh, đã phải sống “xùng xình” để tìm chút an thân, nhưng vẫn không an thân được vì phải đối diện với súng nổ, pháo kích qua những cuộc đụng độ từng đêm giữa bên này và bên kia. Còn ban ngày thì xảy ra những cảnh mìn nổ trên quốc lộ làm tan xác xe đò, mìn nổ trên đường sắt làm lật đổ đoàn tàu, làm vỡ đầu máy, làm chết lái tàu… và mìn còn nổ ngay trong đám bắp làm tan xác Mộng, một cô y tá hiền lành vô tội, là người vợ sắp cưới của thầy giáo Viên. Câu chuyện tình giữa Viên và Mộng có đẹp chăng là ở chỗ bi thảm. Bi thảm như cái chết của Mộng, bi thảm như cuộc đời “xùng xình” của thầy giáo Viên, sống lẻ loi như con ngựa lạc bầy, như con chim lạc hướng. Ông đang sống mà không tự thấy mình được sống. Và cũng bi thảm như cảnh sống của người dân trong các xóm làng “chỉ còn lại người già và trẻ con”, vì lớp thanh niên đã bị lôi vào cuộc chiến để cầm súng  cho bên này hoặc bên kia… “Xóm vắng bóng đàn ông, chỉ thấy toàn bà già, con nít. Sự sống vì thế cũng chậm chạp, già nua như những bà già ngồi trước hiên xoáy trầu – xóm làng vì thế cũng uể oải, buồn tênh.” (Dáng Mộng, trang 86)
Cái chết tức tưởi của Mộng vừa hằng đậm nét bi thảm của một tình yêu dang dở và cũng là một bản cáo trạng, dù không là bản cáo trạng cá nhân, đêm đêm thường xảy ra trong những vùng “xôi đậu”, khi người của phe này đến ám sát người của phe kia, giết chết một mạng người, rồi cắm lệnh đó cho một bản cáo trạng, để kết án kẻ thù… Cái chết bi thảm của Mộng, chính là bản cáo trạng về tội ác chiến tranh mà Mang Viên Long muốn nói đến. Ở đây, trong “Dáng Mộng”, ta không thấy tác giả đi sâu vào các chi tiết diễn tả tình yêu của nhân vật như Tưởng và Quyên trong “Một Thời Để Yêu”… Ở đây ta thấy tác giả trình bày câu chuyện tình của Viên và Mộng gần như một duyên cớ để nói nhiều hơn về một bối cảnh. Đó là bối cảnh của thời chiến, của thân phận con người, mà có lẽ những ai đã từng sống trong giai đoạn chiến tranh ác liệt vào những năm đầu của thập niên 70 ở Nam Việt Nam thì mới cảm nhận đầy đủ và sâu sắc về những ý nghĩa bi thống của nó. Cũng những năm này, dòng sinh hoạt văn học nghệ thuật ở các thành thị miền Nam đã phát khởi một phong trào phản chiến. Một phong trào chống chiến tranh từ những cuộc xuống đường của sinh viên học sinh, đến những tuyên ngôn của giới trí thức, văn nghệ sĩ… nói lên sự phản kháng của chiến tranh đã tàn phá quê hương, giết hại đồng bào và phân hóa tâm hồn người dân Việt bằng những chủ thuyết ngoại lai. Cây bút Mang Viên Long trong giai đoạn này, cũng đã thể hiện ý thức phản chiến ấy trong “Dáng Mộng”, trong “Dì Lucia”, trong “Bên Kia Thành Phố”, và trong “Bên Trời Mơ Ước”… Xuyên qua những truyện ngắn ấy, người đọc hôm nay trở về một quá khứ, một thời quá khứ của màu đen, của đau thương, chết chóc, bất an và vô định, một thời mà cuộc sống của con người bị đe dọa nhiều mặt, một thời đã dập vùi thân phận của con người vào phi lý, bất công và buồn tủi… Quyền sống của con người đã bị chà đạp một cách cùng cực, công lý đã bị thay thế bằng họng súng, mã tấu và dao găm, cùng sự áp đặt của chủ nghĩa ngoại lai. Người dân Việt đã sống trong cảnh “một cổ, đôi ba tròng”, làng quê bị cô lập, bị tả tơi vì bom đạn, ruộng đồng bỏ hoang, lũy tre xơ xác, nhà cửa tiêu điều, sông rạch loang máu…
Có những vùng mà người dân phải sống cùng một lúc với áp lực của hai chế độ khác nhau: ban ngày, thuộc về bên này, ban đêm, thuộc về bên kia. Có những cái chết oan uổng của con người vô tội như lão Cộ: “Lão Cộ đi tháo nước một mình. Lính lục soát đào được hầm chứa súng đạn, lão Cộ tò mò tới coi cho biết. Một ngày sau, lúc lão vừa thổi tắt đèn định đi ngủ, thì có tiếng gọi cửa. Lão nằm im thin thít dưới gầm giường… Rồi lão bị bắt trói cắt ké – Bản án viết tay vội treo ở đầu ngõ, đọc cho một ít người nghe. Ai nấy đều cúi gằm mặt không dám nhìn lúc lão Cộ bị cột vào một thân cây. Cái đêm trông thấy lão Cộ chết, lão Xịa thấy bàng hoàng cho cuộc như cá trong chậu…” (trang 364 sđd). Rõ ràng là một cái chết oan uổng cho người dân vô tội. Cái phi lý của chiến tranh, thù hận, sắt máu cứ luôn luôn áp đặt vào cuộc sống của con người. Con người như lão Cộ, có tội gì đâu? mà tại sao lại có những con người kia đã nhân danh điều gì để sát hại? Bản án ở đây là gì? phải chăng đó chỉ là một trò phi nhân?! Lại có những thân phận của những con người, vì chiến tranh đã cướp đi một phần thân thể, họ trở về làng cũ, sống cuộc đời tàn phế, đầy mặc cảm tự ti, nhưng chưa yên thân, vì còn sợ đêm đêm có đối phương xuất hiện, sẽ nổi lên hận thù, làm vong mạng, tan thây! Đó là hình ảnh của “Khải khập khiểng từng bước cong cớn, bước xuống sân, từng bước âm thầm ra ngõ, từng bước lặn lội qua mấy con hẻm nhầy nhụa, trơn trợt ra đường…” (trang 295 sđd)
Chiến tranh đã tạo ra nhiều bi đát trong cuộc sống, đã choàng phủ lên cuộc sống con người những số phận hẩm hiu. Cái bi đát nhất ở đây của Khải chính là ý thức chối bỏ thân phận làm lính, vì anh thấy rằng đời lính: “sống từng giờ, nay còn, mai mất. Có đi lính, có đánh nhau, có gần kề cõi chết mới biết hết được lòng dạ những đứa làm lính như anh… Lý do dễ hiểu là anh ghét lính, dù anh rất thương đời lính…” (trang 301-302 sđd)
Khải ghét lính vì anh muốn chối bỏ thân phận của kẻ cầm súng trong cảnh “cốt nhục tương tàn”, nhưng anh vẫn thương đời lính, vì cuộc đời ấy quá gian nguy, luôn gần kề cõi chết. Mệnh sống của lính được đo bằng từng giờ, từng ngày nay còn, mai mất. Ý thức phản chiến ấy đã được Mang Viên Long nói lên từ chính nhân vật trong truyện là những người trong cuộc như Khải, như nhân vật chính trong “Dì Lucia”. “Tôi chợt nghĩ là từ khi vào lính … tôi chưa có được một dịp nào để nhìn một chút ánh nắng êm đềm như vậy, mà mơ tưởng tới một ước mơ nhỏ nhắn tầm thường cho đời sống mình. Tôi bận rộn, tôi ngơ ngác, tôi bồn chồn…” (trang 328 sđd)
Đời sống của người lính đã bị cuốn hút vào sự bận rộn của chiến tranh, làm cho chính họ phải ngơ ngác, phải bồn chồn vì mình không có được cuộc sống đích thực cho chính mình. Đó cũng là khát vọng tự do của con người, khi con người đã bị đày vào một hoàn cảnh mất tự do như người lính. Khi mà không khí chiến tranh lan tràn khắp quê hương, khi mà sự chết chóc, nghèo đói và bất hạnh luôn diễn ra: “Tôi nhìn thấy bất cứ ngôi nhà nào của ấp này cũng có một chiếc bàn thờ, nhang đèn nghi ngút. Dân cư thưa thớt, từng ngôi nhà rải rác, vườn tược hoang vắng, tôi chỉ gặp toàn đàn bà, con nít và ông già. Tất cả họ đều có vẽ sợ hãi, nghèo khó và tội nghiệp…” (trang 332 sđd). Đó là bức tranh ảm đạm, buồn hiu của một làng quê trong thời chiến, và đó cũng là một cuộc sống đau lòng cho những ai đang sống và những ai đang nhìn vào cuộc sống như người lính kia, chẳng hạn. Từ thực tại đau thương ấy, càng nảy sinh ý thức chán ghét chiến tranh và nguyền rủa chiến tranh: “Hình ảnh kham khổ của họ, đã cho tôi nhìn thấy rõ chiến tranh, thù hận, là một điều đáng ghê tởm và đáng nguyền rủa nhất.” (trang 332 sđd). Trước thực trạng bi thiết ấy, Mang Viên Long càng đẩy cao ý thức phản kháng cuộc chiến vào sự chất vấn đến những kẻ chủ chiến: “Có bao giờ những người chủ chiến nhìn thấy được những nét mặt, những đời sống cùng khổ này không?” (trang 332)
Câu hỏi được đặt ra, nhưng không có câu trả lời của kẻ chủ chiến! Đó là cái nhìn bế tắc trước thời cuộc! Vì vậy, khát vọng vẫn còn là khát vọng: “Tôi chỉ biết cùng họ ước mong rằng thù hận và máu lửa, thôi không còn kéo dài, tiếp diễn trên quê hương này nữa.” (trang 332) Và ở đây ta lại thấy có một ước vọng thật nhỏ nhoi, thật đơn sơ như một niềm mơ ước hạnh phúc được lóe sáng: “Sau cùng là ước mơ của tôi về một ngày hòa bình được trở về dạy học, được vun xới một mảnh vườn, được viết những điều muốn viết…” (trang 333 sđd). Ước mơ trên đây của người lính (nhân vật trong truyện) hay cũng chính là ước mơ của tác giả (MVL), nguyên ông là một nhà giáo, đã bị rời mái trường vì lệnh tổng động viên và đã trờ thành người lính khiên cưỡng trong cuộc chiến. Cuộc chiến kéo dài trong 20 năm đã để lại cho dân tộc ta biết bao nhiêu đau khổ, chết chóc và đổ nát, do hận thù của lòng người tạo nên. Cuộc chiến còn để lại những vết thương trên thân thể của Khải, trong “Bên Trời Mơ Ước”, của Mân trong “Mùa Xuân Ở Trên Cao ”… của những nỗi  ám ảnh đau thương mãi dằn vặt trong tâm hồn của những thương binh như Khải, như Mân khi họ nhìn vào thân thể mình vẫn còn những thương tích do chiến tranh để lại: “Khải nhìn chậm chạp sững sờ lên những vết thương đang khô dần, lành lặn ở hai cánh tay. Một cánh tay bị bể xương, trộn lẫn với những mãnh đạn, sưng lên ở khuỷu, phần thịt hai bên khô héo lại nhỏ xíu” (trang 305 sđd). Rồi những ý tưởng ray rứt về thân phận: “Khải chua xót nghĩ rằng thịt xương anh  đâu phải là nơi chứa những mảnh đạn, những thù hận”. Rồi xót xa nghĩ đến đứa con của anh sắp ra đời: “Nó sẽ ra đời bên người cha tàn phế như Khải, để lúc lớn lên sẽ hỏi cha nó về cái chân què, cái tay cụt, cái vết sẹo dài ở ngực, người cha biết làm cách nào để nói với con, trả lời cho con những điều đó rành rọt đây?” (trang 305 sđd). Đó là những mặc cảm đau xót về thân phận, là mặc cảm tự ti đeo đẳng suốt đời Khải… Cũng như Mân, một phần chân trái của anh đã bị mất sau trận Dakto năm nào “có lẽ đã tan thành cát bụi ở bìa rừng, hóc núi nào rồi, nhưng nỗi buồn tủi cứ vẫn còn đeo đẳng suốt đời anh.” (trang 315 sđd)
Mang Viên Long như đã thẩm thụ được tất cả niềm đau sâu lắng của họ, tất cả những phân vân, đau xót và ngậm ngùi của một thân phận hoài nghi cả tương lai, một tương lai hy vọng trong tuyệt vọng: “Ngày mai có rực rỡ chăng trong căn nhà hạnh phúc? Tôi đón đợi hy vọng và hạnh phúc, nhưng sao khi hạnh phúc và hy vọng tới, tôi lại ngại ngùng e sợ? Phải, tôi yếu lắm, tôi không thể cầm giữ được gì chắc chắn lâu dài cho đời tôi đâu. Làm sao tôi đứng vững được với một cái chân gỗ mới gắn vào? Còn những khúc ruột chằm vá kia, tới khi nào mới đứt bung ra, chảy máu?” (trang 344 sđd). Đó là nét bi đát của thân phận, bi đát vì “đón đợi hy vọng và hạnh phúc, nhưng khi hạnh phúc và hy vọng tới thì lại ngại ngùng và e sợ”… Ngòi bút của Mang Viên Long đã xoáy vào một thực trạng tâm lý của nhân vật, chạm phải nỗi đau thầm lặng và sâu xa của một con người, con người của mất mát, dở dang, con người vừa hy vọng, vừa tuyệt vọng vì trong cái nhìn về chính thân phận và ý thức được thân phận: “tôi chưa giữ vững được cuộc sống tôi, thì nói chi tới chuyện đem hạnh phúc, hy vọng cho người khác. Tôi thấy được rằng tôi là một cánh bèo, lêu bêu và vô ích giữa dòng đời lạnh băng như dòng sông trôi xuôi lặng lẽ.” (trang 334 sđd)
“Cánh bèo vô địch, lêu bêu giữa dòng đời lạnh băng”… hay cũng chính là những mảnh đời hẩm hiu, khập khiễng, què quặt… kéo lê  sau cái chân què của những kẻ tàn phế do cuộc chiến gây nên. Bên cạnh những nỗi bất hạnh ấy Mang Viên Long còn cho ta nhìn tận mặt những cảnh đời bất hạnh khác, như là sản phẩm của một thời từ chống Pháp, chống Mỹ, thời hậu chiến và cả đến bao cấp nữa. Đó là hình ảnh cuộc đời của lão giáo Truyện (Chờ Bão), của lão Xịa (Bên Kia Thành Phố), của lão Tư Nhạ (Mùa Thu Trống Trải), của Thương (Chim Bay Về Đâu), của vợ chồng Mân, của ông Năm Bụng, của Dì Dượng Sáu (Mùa Xuân Ở Trên Cao), của Vĩnh (Những Kẻ Tạm Trú), của Khánh và Kha (Một Thời Để Thương Yêu), của ông Nhương và lão Nhện (Phố Nhỏ Những Ngày Mưa), của ông Cổn, ông Thạch (Bên Tách Trà Khuya) v.v.. và v.v..
Suốt một hành trình dài của lịch sử từ 1945 đến 1975 và kéo dài thêm một thời của bao cấp, Mang Viên Long đã lần lượt hiện thực những mãnh đời đau thương cùng những phận người trong cuộc bể dâu chìm nổi ấy. “Chờ Bão” nói lên một cuộc đời cùng khổ và quạnh hiu của lão giáo Truyện. Xuất thân từ một gia đình giàu có nhất ở nông thôn, gắng học, đậu primaire trước 1945 rồi đi làm thầy giáo hương thôn, lãnh lương 12 đến 15 đồng mỗi tháng, cuộc sống tương đối ổn định. Nhưng rồi Việt Minh lên, cho dạy vài năm lại bị loại bỏ, vì thành phần giai cấp, lão trở về cày ruộng và bắt đầu mắc phải bệnh phong thấp. Mùa lạnh, cơn đau nhức kéo dài trong cơ thể lão, nhưng lão phải “một mình ngồi co ro trên vọng gác ngoài bãi, với cái mõ, chiếc gậy dài, cuộn dây dừa, để canh chừng tàu thủy đổ bộ…” (trang 96 sđd) và “chiếc áo tơi lá kè không sao che nổi được những trận gió ào ạt, những con sóng to nổi dậy, hung hãn mon men bò sát vọng gác, muốn cuốn phăng cái chòi tre cao lêu nghêu, khiến lão sợ hãi, không thể nào chịu được.” Rồi lão làm đơn xin dạy bình dân để chấm dứt cuộc sống gác tàu cơ cực ấy, nhưng không được chấp nhận. Bệnh thấp khớp của lão ngày một tăng, lão đã trải qua bao khốn khổ để đi chữa bệnh, nhưng “cơn đau nhức vẫn không buông tha cho lão”. Đình chiến 1954, lão bán ruộng vườn để đi chữa bệnh bằng thuốc bắc. Rồi lão xin đi dạy học trở lại. Rồi vợ lão chết, lão bỏ nghề dạy học, trở về với gia đình. Sống trong cảnh gia đình con cái nheo nhóc, lão Truyện dạy học tư để kiếm sống và người con gái tên Hữu, bán hàng ngoài chợ, nhưng buôn bán ế ẩm, chợ búa thưa vắng dần vì cuộc sống mất an ninh. Chồng Hữu bị mất tích trong trận đánh ở Pleiku. Hữu có mối tính vụng trộm với Thế – Thế, 26 tuổi, cha mẹ đều chết, thoát ly năm 1967, tổ trưởng du kích, trưởng mũi. “Đêm đêm Thế thường về với Hữu, rồi cảnh sát xã về điều tra, rồi lính của quận đến bắt Hữu – Hữu đi rồi, cuộc đời lão Truyện chỉ còn sự quạnh hiu. Từ ngày vắng Hữu, Huyện mang cơm sang mỗi bữa cho Lão… “Những bát cơm vắng vẻ, hiu quạnh như thu góp hết mọi nỗi quạnh hiu sầu thảm của đất trời. Lão đã ăn âm thầm, lão đã khóc âm thầm. “Đời già, vắng con, vắng cháu, hỏi có lúc nào buồn hơn?” Lão rưng rưng khóc mỗi bận ngủ dậy, nhìn dáo dác khắp nhà gọi “Hữu ơi, con ơi…mà không hề nghe tiếng đáp.” (trang 106 – 107)
Thật là một cảnh đời u ám, buồn hiu và cô độc trong tuổi già của lão Truyện. Tuy vậy, ta vẫn thấy có lúc lão được sống trong hồi tưởng như: một ánh hồi quang chợt lóe lên, dù là một hồi tưởng trong bi thương: “Lão soi từng tia nhìn chung quanh vách tường, bàn thờ, bàn ghế, chõng tre, móc áo, chiếc tủ, tấm tranh, câu liễn, cột hiên. Lão dừng lại nhìn đăm đăm nơi chiếc trống treo lủng lẳng ở đầu hiên nhà. Chiếc trống lủng, chiếc trống nhện giăng bụi phủ. Chiếc trống im lặng, chiếc trống đã chết. Nhìn sững sờ vào chiếc trống đã bị phế bỏ, tự dưng lão nhớ tới những ngày còn đi dạy quá đỗi. Tiếng trống xôn xao mỗi sáng sớm, mỗi chiều vàng, như bừng dậy rộn rã trong đầu lão. Những ngày yên thân ở Đông Phước, những tháng buồn bã ở Củng Sơn, những năm âm thầm dưới mái hiên nhà bên đàn trẻ đen điu lam lũ… Tất cả những âm vang đó, trôi dần qua trí lão, réo gọi bên tai lão với thật nhiều nỗi tiếc xót xa. Ta bây giờ như chiếc trống mục đầu hiên, đâu còn âm vang của những sớm những chiều giục giã hân hoan? Bỗng lão nhắm nghiền đôi mắt, nghe những giọt nước mắt nóng, chảy ròng trên gò má khô.” (trang 105-106 sđd)
Mang Viên Long đã đưa người đọc vào một thế giới hồi tưởng của nhân vật trong tác phẩm ông. Ở đây, không chỉ là sự hồi tưởng về một quá khứ xa xưa của ông giáo già như lão Truyện, mà tưởng chừng còn là những hồi tưởng man mác trong tâm hồn người đọc với một chút xót xa, băn khoăn, bồi hồi nhớ về một qúa khứ nào đó… Chiếc trống ở đây, không chỉ là dụng cụ để tạo âm thanh, báo hiệu cho những giờ đi học, những giờ vào lớp hay những buổi tan trường, mà tiếng trống còn là biểu tượng cho linh hồn của cuộc sống học đường. Học đường có vang lên tiếng trống, là có sự sống của nó, có cả sự linh hoạt của thầy, trò, của bạn bè và của tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, của tình thầy trò mến thương, thiêng liêng, ấm áp… Đặc  biệt những ai sống với nghề giáo, rồi bị dở dang, khi đọc đoạn văn trên, chắc lòng không khỏi bùi ngùi trong cái nhìn hoài tưởng, trong sự sống lại với hoài niệm về một thời còn đi dạy. Tiếng trống đã trở thành hiện thân của một nỗi nhớ xôn xao, làm bừng thức bao kỷ niệm, vui buồn của một thời quá khứ và đang réo gọi bên tai với thật nhiều nuối tiếc xót xa. Và trong sự xót xa tiếc nuối ấy, Mang Viên Long đã để cho nhân vật trong tác phẩm tự nhìn vào mình mà cảm nhận thân phận trong hiện tại, một thân phận: “bây giờ như chiếc trống mục đầu hiên, đâu còn âm vang của những chiều giục giã, hân hoan…” (trang 106 sđd). Rõ ràng là một thân phận bi thương trong mảnh đời hẩm hiu, buồn tẻ. Mảnh đời ấy đã làm cho lão Truyện phải “nhắm nghiền đôi mắt” để nghe đau thương trào theo nước mắt chảy ròng trên đôi gò má khô!
Nhưng rồi, đau thương cũng đã không dừng lại cho riêng cuộc đời của lão Truyện, mà đau thương lại còn len lỏi các mạch sống của những mảnh đời bao kẻ khác. Nó trở thành hệ lụy cho một kiếp nhân sinh, cho những cuộc đời cơ nhỡ, lận đận, bị bỏ rơi, bị hất hủi của một thương binh. “Sau 75, nhiều người đã nhìn ngó vào khúc chân còn lại của anh như nhìn vào một điều gì đáng ghê tởm. Nhiều lần gia đình Mân đã bị từ chối không cho nhận phần cứu trợ, cấp cho gia đình nghèo vì không nằm trong diện “chính sách” (trang 315-316 sđd). Vợ chồng Mân đã sống trong cảnh nghèo với nghề bỏ chổi cau, chổi đót đem ra chợ bán. Cuộc sống kham khổ, nhưng lòng họ rất nhân ái, vì họ cũng biết cưu mang cho những mảnh đời rách nát, già nua như ông Năm Bụng, như Dì Dượng Sáu mà chia cơm xẻ cháo với họ. “Năm Bụng sống một mình nơi góc phía sau hiên đình làng”. Từ ngày vợ lão mất, lão phải bán đi thửa vườn và ngôi nhà tranh còn lại để trả nợ. Trả nợ xong, “còn một ít để làm vốn kiếm ăn, thì đứa con trai duy nhất của lão ở Sài Gòn về hạch sách lão, rồi lấy hết khoản tiền còn lại mới chịu ra đi.” (trang 312 sđd). Lão Năm buồn, ngã bệnh, sống vất vưởng trong tuổi già, trong cô đơn, nghèo khó. Còn lão Năm Kèn, trong ban tang lễ của đình, cuộc sống cũng chẳng gì hơn lão Năm Bụng: “Cả hai, đều sống chui đụt hai bên ngôi đình làng như đôi bạn chí cốt – như hai đám rong bèo tình cờ trôi dạt vào chân cầu.” (trang 312 sđd)
Tình cảnh vợ chồng Dì Sáu cũng thật đắng cay, trước cũng thuộc loại khá giả trong thôn, có ruộng đôi ba mẫu, có vườn cây ăn trái vài hecta. Sau 1975, giao ruộng cho HTX  để làm ăn theo lối tập thể, còn vườn thì “hiến” để HTX xây nhà kho. Cuộc sống thu lại “ông Sáu xin vào làm cai trường”, “Dì Sáu hằng ngày với mẹt bánh kẹo, cóc ổi, ngồi trước cổng trường, kiếm từng đồng bạc lẻ từ đám học sinh nghèo khó.” Tuy vậy, Dì Dượng Sáu vẫn cố gắng nuôi hai đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn và có vợ, con, nhà cửa ở Sài Gòn. Thế rồi một hôm, ông Sáu bị đột quị, cái chết tức tưởi, đột ngột, khi “vẫn còn cầm trên tay cái dùi đang đánh trống tan trường” (trang 313 sđd). Rồi Dì Sáu vào Sài Gòn ở với cậu con trưởng, với cô dâu và cháu nội, nhưng bị con dâu hất hủi, đã nhiều lần nặng lời: “Bà có đủ thói hư tật xấu vậy – không thể sống chung với tôi được đâu!...” Người con trai nghe lời vợ nói sang sảng ngay trước mặt mình cũng chỉ im lặng. Dì Sáu chỉ biết gạt nước mắt đau thương! Đến với vợ chồng đứa con thứ cũng bị con dâu từ chối, tìm cách đuổi khéo bà: “Mẹ liệu ở chơi vài hôm rồi về. Ở đây, sinh hoạt đắt đỏ, mà tụi con còn phải lo cho con cái ăn học, chi phí nhiều, không gánh nổi thêm ai nữa.” Dì ngồi nghe mà nước mắt cứ rưng rưng – lòng điếng lặng, cảm thấy toàn thân như mềm nhũn đi, tan rã ra.” (trang 314 sđd).
Dì Sáu lầm lũi trở về, sống cô độc trong căn nhà rách trước dột sau. Đó là những mảnh đời hẩm hiu, mảnh đời bị dồn vào góc tối của xã hội, những ước mơ hụt hẫng khi vào HTX để làm ăn tập thể, nhưng cũng chẳng sáng sủa gì cho Dì Dượng Sáu mà chỉ đem lại một sự đổ vỡ vì đổi thay nếp sống, đổ vỡ từ lòng người khi đi vào buổi giao thời giữa hai nếp sống, một đàng là kinh tế tự do, một đàng là kinh tế chỉ huy theo lối XHCN. Trong thời buổi ấy, cũng tạo ra sự giao thoa, sự nhiễu động trong nếp tư duy về cuộc sống của con người, giữa giá trị tinh thần và vật chất, giữa giá trị truyền thống về nhân bản, nhân văn hay sự khát khao về vật chất trong cái nhìn thuần vật chất, xem đó như là cứu cánh cùng đích của con người, sau một thời gian dài của chiến tranh, chết chóc, đói khổ, thèm khát vì thiếu thốn trăm điều. Sau 1975, đất nước đã được thống nhất, nhưng lòng người còn lắm ngổn ngang. Sự đổ vỡ từ tâm hồn đã kéo theo sự đổ vỡ của gia đình và xã hội. Về mặt này, ngòi bút truyện ngắn của Mang Viên Long cũng đã xâm nhập vào một cách sâu sắc. Ngoài những đứa con của Dì Dượng Sáu đã quáng mắt vì tiền bạc, lợi danh, a dua thói đời, chạy theo vật chất, quên cả công ơn của đấng sinh thành dưỡng dục, xa lánh mẹ cha, từ bỏ trách nhiệm… lại còn có “Một Trường Hợp” thật điển hình như thằng Hùng trong gia đình ông Nguyễn chẳng hạn: “Sau năm 1975, ông từ miền Bắc trở về thăm quê và vợ con, sau 20 xa cách. Hai người con ông đã lập gia đình, vợ ông đã có cháu nội, cháu ngoại. Bà vẫn sống với con, để chờ đợi ông, như lời bà đã hứa lúc đưa ông xuống tàu. Ở lại với gia đình được một tháng, ông trở ra Bắc, với một số vàng, vợ ông và con ông góp cho, để ôngthanh toán món nợ tình cảm dây dưa ở ngoài  ấy”, trước khi về sống hẳn với gia đình trong này. Rồi năm năm sau, ông trở về, không một mình, mà với bà vợ sau cùng ba đứa con. Vợ trước và con cái đều quyết không lui tới với ông nữa. Còn ông cũng chẳng bước đến nhà họ, cho dù đó là kỵ giỗ cha mẹ của ông.” (trang 287 sđd). Với chức vụ Trường phòng lương thực huyện, sau gần sáu năm làm việc, ông Nguyễn đã “mua được đất”, “xây dựng nhà to”, có “xe cúp đời mới” – ông đã có đủ số tài sản ấy, so với trong Nam trước đây, một công chức trung bình, phải làm trong thời gian gấp ba lần.
Cuộc sống vật chất của gia đình cán bộ như ông Nguyễn khá no đủ, nhưng cuộc sống hạnh phúc gia đình của ông lại khá xáo trộn. Thằng Hùng, con trai ông rất hoang nghịch, hỗn láo, đánh mẹ chửi cha, ăn chơi, xài phí, hoang đàn và bất trị. “Ông Nguyễn hỏi: Sao mày lại hỗn láo với mẹ mày thế? – Bà ấy không phải là mẹ tôi. Hùng lớn tiếng cãi. Nó vẫn ăn chơi, đàng điếm, hết tiền thì lấy của nhà ra bán, từ chiếc đồng hồ “Oméga” của ông Nguyễn, sau đó là chiếc quần Jean, cái bàn ủi điện…” (trang 290 sđd). Ông bà Nguyễn định đưa nó ra chính quyền, cho đi cải tạo, nhưng kế hoạch ấy không thực thi được. Có lần nó đã xô mẹ nó lăn xuống nhà, trặc một cánh tay, va đầu vào tường thâm tím, rồi bỏ ra đi. Có lần nó quay về, bố nó hỏi, nó lại lý sự và dùng chiến thuật “lấy gậy ông đập lưng ông”.
-         Mày nói lý sự với tao à?
-         Bố mẹ đã chẳng từng nói với nhau: Ở đời nếu không biết lý sự, quanh co, thì không sống được, hay sao?
-         Mày xô ngã mẹ mày trặc một cánh tay, va đầu vào tường thâm tím như thế, mà không chịu xin lỗi, hỏi han bà ấy một lời là thế nào?
-         Ai đã sinh mày ra, nuôi mày lớn lên, mà mày không nghĩ tưởng gì đến là sao chứ? Mày có phải là con người không?
-         Còn bố - Hùng quay phắt lại – Bố đã nghĩ gì, làm gì cho cha mẹ của bố? Đến ngày cúng giỗ bố cũng chẳng đã bỏ quên là gi?” (trang 291)
Ông bà Nguyễn rất đau buồn và âu lo vì có một thằng con phá gia: “Bao nhiêu tiền của trong nhà này, dần dần cũng từ tay Hùng mà bay đi – Biết làm thế nào? Trước tình trạng của một đứa con hoang và bất trị như thế, ông bà Nguyễn đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người em vợ ở Nam Định, vốn là một cán bộ quản giáo trong trại giam để có biện pháp cải huấn cho thằng Hùng. Thế nhưng khi: “Hùng bước vào, mặt đỏ gay. Mùi rượu bia bốc lên từ bộ quần áo nhàu nhò, thấm ướt mấy chỗ trước ngực.”
-         Hùng, cháu mới đi chơi về đấy à?
-         À – Hùng quay lại. Tôi đi chơi hay đi đâu thì có can dự gì đến cậu?
-         Cháu dám trả lời cậu như thế à?
-         Có gì mà không dám! Hùng đáp – Cậu chỉ tài quát nạt những người đã bị trói – Anh giận dữ chụp lấy cánh tay Hùng.
-         Cậu buông tôi ra hay không thì bảo? Hùng chỉ tay vào mặt cậu. –  Muốn yên thân trở về Bắc thì đừng có giở trò lên mặt dạy đời  nhé.
Anh quát lớn: Mày không phải là một con người. Mày chẳng có trái tim. Hùng bước về phía cửa, quay lại cười gằn:
-         Hẳn các người có trái tim chắc?”
          Mẫu đối thoại trên, không chỉ phản ảnh thực trạng của một mảnh đời đổ vỡ từ lòng người sau cuộc chiến tranh dài. Chiến tranh và chủ thuyết ngoại lại đã phân hóa đến độ cùng cực từ cuộc sống ngoại tại đến nội tâm con người. Sự đổ vỡ của quê hương đất nước vì chiến tranh, sự đổ vỡ của gia đình vì lửa đạn, vì nghèo đói, bệnh tật… đã đành, mà sự đổ vỡ từ tâm hồn, từ ý thức luân lý, từ truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời đã từng gắn liền với hơi thở, với nhịp sống của con người qua bao nhiêu thế hệ, bỗng nay bị sụp đổ, bị thay thế bằng chủ nghĩa ngoại lai, chủ nghĩa vật chất, thực dụng, thứ chủ nghĩa vong bản cứ lăm le xâm nhập, phá hoại những gì là tinh hoa của dân tộc, những gì là văn hiến của giống nòi. Đó là điều đáng sợ, là mối đại nguy vì nó muốn tiêu diệt hẳn những trái tim ấm áp tính người với những tình cảm thiêng liêng nhân ái, trong sáng ngàn đời của dân tộc để thay thế vào đó những gì của vô cảm, của tham lam và của say mê, rung động theo một chủ nghĩa vật chất ngoại lai nào đó… Đất nước đã thống nhất sau 1975, giang sơn Việt Nam đã nối liền một giải, nhưng sau một cuộc chiến  dai dẳng trên 30 năm (1945 – 1975), trái tim của con người Việt Nam đã có sự rung cảm  theo nhịp bước thống nhất của giang sơn hay chưa? Đây, ta hãy nghe những dư âm của những trái tim qua bao mảnh đời mà  Mang Viên Long đã chứng kiến:
Trong cuộc chiến dai dẳng gần 21 năm, có những mảnh đời của những kẻ sống bờ, sống bụi, trốn chui, trốn nhủi vì sợ phải vào lính để cầm súng bắn nhau, nên cuộc sống của họ là cuộc sống bên lề xã hội, mặc dù cuộc sống ấy thật bấp bênh, thật nguy hiểm và thật bất định, dành cho “đứa con trai dở dang mọi chuyện, ngày đêm nằm co ở ven sông Đ.R. giữa bãi cỏ dài dằng dặc.” (trang 412 sđd). Tuổi thanh niên trong thời tương tàn ấy thật khốn khổ đủ chuyện, bên nào cũng dành lấy chúng để đặt súng vào tay, để trang bị chủ nghĩa vào óc. “Chủ nghĩa và súng đạn, đâu có cần cho cuộc sống của chúng. Súng đạn đã ngụy trang, che chở cho những chủ nghĩa to lớn, rỗng tuếch như những tâm bích chương, những tờ truyền đơn vất rải rác trong các con hẻm xóm làng. Không ai đủ thanh thản để nhìn lên những tấm bích chương, cũng như không đủ yên ổn để cúi xuống những tờ truyền đơn nọ. Nhưng dù có sợ hãi, thảng thốt, tránh né như lũ thằng Cường, thằng Chí, thì cũng được đặt súng M16 trong tay, hay như thằng Hòa, thằng Minh, hoặc con gái lão Thí, cũng phải mang sung AK, dao găm, lựu đạn… Khổ nỗi, bao nhiêu năm trên đất nước này, người ta chỉ chăm chú tập luyện cho tuổi trẻ thân thiết, gắn bó với súng đạn…” (trang 416 sđd).
Đó là thực trạng bi đát của tuổi trẻ trong thời chiến, khi họ không muốn chấp nhận thân phận mà vẫn cứ bị đày ải vào thân phận. Khi mà những kẻ chủ chiến đã biến họ thành công cụ của chiến tranh, khi mà những công cụ ấy, là những con người đồng bào, đồng chủng mà phải cầm vũ khí của ngoại ban để giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mà chủ nghĩa ngoại lai ác hại đã vào nhân danh cho cuộc chiến ấy. Bản chất của chiến tranh phi lý là như thế, thân phận của người dân Việt trong chiến tranh khốn cùng, đau thương, bi đát là như thế.
Ngòi bút của Mang Viên Long đã lột tả một sự thật của tâm thế con người trước nỗi buồn chiến tranh, muốn giã từ vũ khí, giã từ những gì điêu linh, chết chóc và khổ đau, do chiến tranh gây ra, do chủ nghĩa ngoại lai áp đặt và do cả hận thù được đào bới lên từ lòng người. Đó là những nét đặc thù nhất của chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ vừa qua, và đã làm xuyến xao bao nhiêu lương tâm của con người trên thế giới.
Nhưng rồi, chiến tranh cũng đã qua, và nỗi buồn vẫn còn đọng lại. Những “Mùa Thu Trống Trải”, hắt hiu, đã nhạt nhòa  cái buồn dằng dặc của con người trong trong cuộc chiến, thì “Một Thời Để Thương Yêu” của Khánh và Kha cũng bâng khuâng trong nét ngậm ngùi dài… Tình yêu sắt son, chung thủy của Khánh và Kha sau thời điểm 1975 đã đi vào khúc ngoặt của cuộc đời: Kha là sĩ quan quân đội của chế độ miền Nam Việt Nam, sau 1975 phải đi học tập cải tạo nơi núi rừng hiểm trở, rồi bị bệnh nặng. Khánh, vợ của Kha, một người vợ rất mực yêu thương son sắt với chồng, đã lên rừng núi gian nguy để thăm nuôi chồng, chăm sóc lúc chồng bị bệnh. Khi Khánh trở về nhà, nàng bị sốt ác tính, vào thời buổi bao cấp, không đủ thuốc men để chữa trị, nên nàng đã trút hơi thở cuối cùng! Câu chuyện đơn giản nhưng cũng khá thương tâm! Có lẽ nỗi thương xót ngậm ngùi trong lòng Kha càng hằn đậm “Một thời để thương yêu ” và Mang Viên Long đã làm sáng lên khuôn mặt của một người vợ tuyệt đẹp với tấm lòng sắt son, nhất mực yêu thương chồng, bất chấp cả gian nguy, dù phải hy sinh đến tính mệnh.
Nhưng, cũng trong thời hậu chiến (sau 1975), bên cạnh khuôn mặt của Khánh, một người vợ thủy chung, trung hậu, đảm đang thì cũng có một khuôn mặt bạc nghĩa, phụ tình như Thảo. Thảo là hôn thê của Vĩnh, Nguyễn Thế Vĩnh, một sĩ quan của chế độ cũ, sau 1975 đã bị đi cải tạo ở trại tập trung, vùng núi cao nguyên Trung phần. Vĩnh và Thảo đã yêu nhau, thuở ấy Thảo còn đang học sư phạm. Tháng 7 năm 1974, Thảo và Vĩnh đã làm lễ đính hôn và hai bên hứa hẹn sẽ làm lễ cưới vào ngày 1 tháng 5 năm sau. Nhưng rồi tình thế đã đổi khác; sau 30 – 4 – 1975, Vĩnh đã phải vào trại tập trung cải tạo. “Cha của Thảo tập kết hoạt động ở chiến khu về, đang làm phó chủ tịch UBND cách mạng tỉnh. Thảo ra trường được phân công dạy ở thị xã, sau đó vài tháng là đám cưới – chồng Thảo đang làm Trưởng phòng giáo dục thị xã.” (trang 208 sđd). Thảo bỏ Vĩnh đi lấy chồng. “Vĩnh đã sống trong buồn đau của kẻ chiến bại trong cuộc đời và cả trong tình yêu.” (trang 206 sđd). Vĩnh đã bàng hoàng trong nỗi thất vọng và phũ phàng – ước mơ một ngày hòa bình được giải ngũ, trở về bên gia đình, vợ con để viết lại những gì cần viết cho mình, cho người, đã bao lần thì thầm với Thảo, nay thật xa lạ, mịt mờ trong đầu óc Vĩnh, và đôi lúc “nó làm anh khiếp đảm, sợ hãi, không dám nghĩ tới nữa. Nó tan biến dần, thế vào bằng một nỗi ê chề, rã rời…” (trang 207 sđd). Đó là tâm trạng bi quan của một tên tù nhân như Vĩnh, một tâm trạng thất vọng của một kẻ “chiến bại trong cuộc đời và cả trong tình yêu”. Ngày Vĩnh được phóng thích là niềm vui lớn cho đời anh, cũng như mọi bạn tù như anh. Nhưng Vĩnh đã thấy rằng anh chẳng còn gia đình nào để trở về, chẳng còn biết nơi nào để dừng lại. Mọi tình thế không còn như cũ nữa, thậm chí Vĩnh ghé vào nhà của người anh ruột, cũng bị ông anh và bà chị dâu ghẻ lạnh: “Họ không  mời Vĩnh ở lại, họ đều nhìn Vĩnh với ánh mắt lạ lùng, cả bốn con mắt ấy, không tỏa ra một chút sinh khí vương vấn nghĩa tình nào. Nó lạnh tanh, cứng đờ…” trang 209 sđd). Vĩnh bước ra khỏi nhà người anh và dọc phố chạm mặt người quen, nhưng chẳng ai chào hỏi anh một lời, anh lầm lũi bước đi, lòng mênh mang buồn và tình cờ dừng lại trước nhà một người bạn là một nhà thơ, Vĩnh ghé thăm, nhưng nhà thơ cũng lạnh lùng dấu mặt! Đó là cảnh nhân tình thế thái trong bức tranh đời tàn của một sĩ quan thuộc chế độ cũ như Vĩnh. Đó cũng là nỗi buồn hiu của một kiếp người do “thời thế, thế thời phải thế!” Vĩnh đi vào Sài Gòn vì đã không chịu nổi cái không khí lạnh lùng, xa lạ ngay trên quê nhà của mình. Vĩnh bắt đầu đi vào cuộc đời tạm trú, từ tấm giấy xin tạm trú ba tháng mà anh xin được từ địa phương. Vào lang bạt ở Sài Gòn, tình cờ nơi quán cafe, Vĩnh lại gặp một người cũng tạm trú. Đó là cô gái vừa tròn 28 tuổi, năm 1973 tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài Gòn, đã có chồng và một đứa con gái. Giữa năm 1978, hai người anh của cô ở Nha Trang đã vượt biên. Cuối năm ấy, cô bị cho nghỉ việc. Năm 1980, nghe theo lời người cha đang công tác ở tổ chức tỉnh, chồng nàng yêu cầu nàng ký vào đơn ly hôn. Cuộc ly hôn đã diễn ra nhanh, gọn và hợp pháp. Nàng phải xa chồng, ẵm con về quê, vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống an lành đã bao năm gắn bó. Nàng đã một thân bơ vơ, ẵm con vào Sài Gòn kiếm sống, nhất là để xa nơi “đã từng ghi dấu bao kỷ niệm một thời son trẻ hạnh phúc của đời con gái”. Thế là một cuộc sống hẩm hiu bắt đầu một cuộc tình dang dở. Sài Gòn bấy giờ đã trở thành miền đất hứa cho những người tạm trú, những con người cơ nhỡ, dở dang trước cuộc đời. Và cuối đời, nói như Mang Viên Long thì “cũng chỉ là một nơi tạm trú thôi.” (trang 213 sđd). Có lẻ ý tưởng ấy được thoát thai từ tư tưởng của triết lý Nho, Phật, Lão và nó cũng là một trải nghiệm thực tế cho những con người thuộc chế độ cũ của Nam Việt Nam đã sống sau giai đoạn 1975. Vẫn biết rằng đời là một cõi tạm và con người sống trên đời này cũng chỉ là những kẻ tạm trú, kể cả những ai đã nhân danh của quyền lực nào đó mà tác oai tác quái với con người. Cái thực tại của xã hội Nam Việt Nam sau 1975, vẫn là một thực tại xót xa đổ vỡ, ngổn ngang và ray rứt trong lòng người. Thực tại ấy cũng phi lý, cũng hẩm hiu, cũng nghiệt ngã cho số phận con người, dù rằng chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi “trùng trùng duyên khởi”  của đau buồn vẫn chưa chấm dứt, những kiếp sống dở dang đang mơ về một mùa xuân, nhưng “mùa xuân còn ở trên cao”!
Những mảnh đời lận đận, “tay làm hàm nhai” như ông Nhương, như  Lão Nhện trong “Phố Nhỏ Những Ngày Mưa” hoặc như lão Năm Bụng, Năm Kèn với cuộc đời “bần cố”, sống trôi dạt trong ngôi đình làng, sống hẩm hiu với đói nghèo và bệnh tật và kể cả cuộc đời đắng cay của đôi vợ chồng già, Dì Dượng Sáu. Rồi “Điều Bất Ngờ Đã Đến” – với câu khẩu hiệu “Đông đồng tan chợ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp, “phố xá chợ búa đều vắng hoe”. “Cuộc sống vẫn ngột ngạt, lận đận, khó khăn, lại thu hẹp quanh quẩn ở trong nhà, trong vườn, ngoài ruộng, chậm chạp và đều đặn trong nỗi cam chịu âu lo.” (trang 371 sđd). Để kiếm sống qua ngày, vợ chồng Trương và Khải cùng mấy đứa con dại, đã làm cái nghề vặt vãnh để thay vào cái việc làm vườn nhỏ lẻ không sống nổi. Trương đã dừng ngay công việc làm vườn, để chú tâm nắn những con gà đất, những con ve ve, những chiếc trống rung… làm những đồ chơi vặt vãnh cho trẻ con, để vợ đem ra chợ bán, kiếm chút tiền còm mà sống qua ngày. Thế rồi Khải, vợ Trương, khuyên chồng bán nhà ra đi, vì cha Khải đã bảo với nàng rằng: “Chồng mày là lính ngụy, còn mày không có nghề nghiệp, không về quê sản xuất, thì mày hãy thu xếp đi kinh tế mới.” Chú nàng còn cho biết thêm: “Nay mai, trong thành phố, thị xã sẽ khó có một người dân thường nào được ở cả – nhất là đám ngụy quân, ngụy quyền”… (trang 373 sđd)
Khải “mù mờ không nghĩ ra lối thoát giữa bao đổi thay mới lạ, khắc nghiệt, càng ngày càng dồn ép, thúc giục ”… Về sau, nhất là khi biết tin cha mình đã trở về Bắc với vợ và con riêng của ông, Khải buồn tủi vô cùng. Ông đã mang gần như toàn bộ số vàng bán nhà ra đi, không về quê thăm vợ chồng nàng lần cuối như đã hứa. Nghĩ đến quãng thời gian đằng đẵng hai mươi năm, mẹ nàng đã dời chỗ ở hơn mười lần để tránh bom đạn và sự truy xét, quản thúc của chính quyền thôn xã, hai lần bà cạo trọc đầu để cầu nguyện cho chồng được bình yên trở về với vợ con, làng xóm, Khải không khỏi đau đớn, thất vọng. (trang 373 sđd)
Nỗi “đau đớn, thất vọng” ấy, không riêng gì Khải đã nếm trải mà nó gần như là nỗi “bạc mệnh” cho số phận của những người đàn bà có chồng đi tập kết, xa cách hai mươi năm như mẹ Khải đã phải chịu đựng bao nỗi khóc, cười dở dang, bao nhiêu là đau thương thầm lặng, bao điều nguyện cầu thiết tha, bao nhiêu hy vọng trong ước mơ để rồi tuyệt vọng trước thực tại phũ phàng. Và cái thực tại phũ phàng ấy vẫn còn đeo đẳng, và ám ảnh cho số phận của cô giáo 28 tuổi đi bán café trong truyện “Những Kẻ Tạm Trú ”, cũng như số phận bẽ bàng của Thương trong “Chim Bay Về Đâu”! Có ai khi đọc đến những mẫu chuyện trên của Mang Viên Long mà lòng không cảm thấy xót thương cho thân phận của những người đàn bà trong nỗi đau “bạc mệnh” như thuở xa xưa cụ Nguyễn Du đã để cho nàng Kiều kêu lên nỗi đau ấy: “Đau đớn thay phận đàn bà – Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”!
Cuộc sống của miền Nam lúc bấy giờ cũng đang “Tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” như lời hô hào của Tổng Bí thư Lê Duẫn, do đó đã bị cuốn hút vào những đợt cải tạo: Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo sản xuất, cải tạo nếp sống cũ, cải tạo ngụy quân ngụy quyền vân vân và vân vân.
Con người được đặt dưới nhiều cái nhìn: Cái nhìn của lý lịch ba đời, cái nhìn của những sự nghi kỵ, cái nhìn của phân biệt đối xử tùy theo thành phần được phân loại: ngụy quân, ngụy quần, vượt biên, người Hoa… hay gia đình công nhân viên chức nhà nước, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng v.v.. Vấn đề cư trú của người dân cũng được đặt ra, được qui định rõ rệt cho những ai được ở thành thị và những ai không được sống ở đó, như lời của cha và chú của Khải đã nêu. Rồi những phong trào đi kinh tế mới, phong trào thanh niên xung phong xây dựng nông thôn mới, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới… liên tục được nổ ra. Bên cạnh những điều ấy, ta cũng thấy có những tình huống xảy ra đã được Mang Viên Long ghi nhận một cách sinh động và sâu sắc:
Thương và Luân yêu nhau, mối tình thật êm đẹp trong bối cảnh của xã hội và quê hương Nam Việt Nam. Thương học sư phạm, Lận là chàng sinh viên trường luật. Họ gặp nhau một chiều trên bãi biển cùng đuổi bắt những con còng với bạn bè. Tình yêu đã đến với họ từ ấy. Sau đó không lâu, họ tốt nghiệp và làm đám cưới. Sau 1975, Thương là cô giáo phổ thông cơ sở ở thị trấn, Luân làm phó bí thư huyện Đoàn. Cuộc sống của họ “trôi qua êm ả, so với gia đình nhiều người đang bắt đầu những xáo trộn, đổi thay. Cuộc sống cũ trong hơn hai mươi năm, cùng với chín năm kháng chiến chống Pháp, đang bị xốc lên, sàng lọc” (trang 386 sđd). Ông Bảo, cha Luân tập kết từ Bắc về, đang công tác ở huyện lỵ. Thương, vợ Luân, có hai người anh vượt biển, đang sống ở ngước ngoài. Ông Bảo xét thấy lý lịch của Thương không tốt, vì có anh ruột vượt biên, nên quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của Luân và Thương. Buộc họ phải ly dị và ra tòa giải quyết nhanh gọn. Thương lặng lẽ bồng con về với cha mẹ nàng, rồi ở đó cũng bị chính quyền xã gây khó khăn. Nàng lìa xa cha mẹ, ra đi trong đau đớn và để lại một bức thư giã từ cùng với đứa con của nàng tạm gửi bố mẹ trông nom. Thế là một cuộc tình dang dở, một cảnh đời bơ vơ và một số phận hẩm hiu trút xuống thân phận của người thiếu phụ “chim bay về đâu”. Những mẫu chuyện thương tâm như trường hợp của Khải, trong “Điều Bất Ngờ Đã Đến”, của Hiên, trong “Bên Trời Mơ Ước ” và của Thương trong “Chim Bay Về Đâu ”, đã gây không ít nỗi xuyến xao trong lòng người đọc. Đó là những câu chuyện sống thực, của cay đắng và phũ phàng, của nhẫn nhục và khổ đau, của âm thầm và lặng lẽ cam chịu bao bất hạnh của cuộc đời như Khải, như Hiên, như Thương, như Khánh… Họ đều là những thiếu phụ, những người mẹ, người vợ luôn yêu thương và lo lắng cho chồng, cho con, cho gia đình. Họ là những người luôn tảo tần vì cuộc sống, vì tinh thần trách nhiệm cao, biết hy sinh cho chồng, biết chấp nhận nguy nan như Khánh, biết chịu thương chịu khó như Hiên, luôn chăm sóc và an ủi chồng, một người chồng thương binh, tàn tật như Khải, đã được hạnh phúc sống bên cô vợ người Nam, bé nhỏ, thật thà, nặng tình, nặng nghĩa đã thực sự an ủi, vỗ về đùm bọc anh. Nhưng đau thương vẫn không từ bỏ họ, những đổi thay của thời cuộc, những hạn chế của sự sống, những gò bó của một nền kinh tế chỉ huy, và một chế độ quan liêu bao cấp đã không tránh khỏi bao sự phán xét nghiệt ngã về con người, kể cả sự phán xét của một “Thúc ông” thời hiện đại trước bản lý lịch của con dâu ông. Tình yêu chồng vợ và hạnh phúc gia đình của Thương và Luân đã bị vỡ tan dưới sự phán quyết của ông Bảo, một “Thúc ông” của thời đại lý lịch. Một cánh chim lìa đôi, lìa tổ như Thương không biết bay về đâu, đang bơ vơ giữa bầu trời vô định. Đó là số phận tình yêu bị chia xa vì lý lịch. Lý lịch như một bức tường vô hình đã ngăn cách giữa con người và con người, giữa trái tim tình yêu và “nhân tình thế thái”. Niềm đau của sự cách ngăn ấy đã làm cho Thương “không khóc, nhưng những giọt nước mắt cứ chảy ràn rụa quanh mặt. Thương phải đưa tay lên gạt lau nhiều lần” (trang 390 sđd). Thật là một nỗi bi thương cho thân phận của một thiếu phụ như Thương. Nhưng ở đây ta còn thấy Luân, chồng Thương, cũng là người trong cuộc. Đặt dưới sự phán quyết của ông Bảo, Luân đã làm đơn ly hôn vợ theo lời thúc dục của cha, không một chút do dự, không một lời phản đối. Thái độ ngoan ngoản của chàng “Thúc sinh thời đại” ấy, cũng chỉ là kẻ giá áo túi cơm, tham mùi phú quí lợi danh chăng? Người đọc không tìm được ở đây một nét phản kháng nào để chứng tỏ là một người chồng biết bảo vệ tình yêu chồng vợ, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình. Từ góc độ so sánh, ta có thể liên tưởng đến Hùng trong “Có Một Trường Hợp” là con trai của ông Nguyễn, và Luân trong “Chim  Bay Về Đâu”, là con trai của ông Bảo. Cả Hùng và Luân đều có điểm chung là cùng có cha đi tập kết ở Bắc về sau 1975. Tuy nhiên Hùng có một cách nhìn đời khác hẳn với Luân. Hùng ngang tàng, biết lý sự với cha, biết phân tích và nhận định sự việc và biết phản kháng trước vấn đề mà mình đã tư duy, dù rằng Hùng là một đứa con hoang phí của cải cha mẹ. Còn Luân cũng là con của một cán bộ tập kết về, nhưng Luân công tác tại huyện Đoàn với chức Phó Bí Thư. Luân ngoan ngoãn nghe theo lời cha bao nhiêu thì Hùng lại ngược ngạo với cha bấy nhiêu. Luân làm theo lời cha là chối bỏ hôn nhân và hạnh phúc riêng tư của mình, thì Hùng lại đem lời nói của bố mình ra để chứng minh, mà lý sự với ông: “Bố mẹ đã chẳng từng nói với nhau: Ở đời nếu không biết lý sự quanh co thì không sống được hay sao?” Có thể người đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự trái nghịch nhau giữa tâm tính và cách nhìn đời giữa Hùng và Luân. Một bên thì sôi động, phản kháng và bất tuân, còn một bên thì lặng lẽ và ngoan ngoãn tuân theo.
Tại sao vậy? Xin thưa: có lẽ Mang Viên Long muốn vẽ lên hai khuôn mặt của hai người con đều có cha đi tập kết, nhưng một người thì được ra đời từ lòng mẹ phía bên kia bờ “Bến Hải” và cũng đã được nuôi dưỡng, học tập, lớn lên từ nơi ấy. Còn một người thì được ra đời từ lòng mẹ phía Nam từ “Bến Hải”, lúc lên hai tuổi, cha ra đi tập kết ở Bắc, mẹ ở lại trong Nam đã nuôi Luân khôn lớn cho đến ngày cha trở về. Đó là hai hình ảnh trong một thế hệ cuộc đời, mà Mang Viên Long muốn đưa ra thành hình tượng nhân vật tượng trưng trong tác phẩm của ông để cho người đọc nhận thức… Mang Viên Long đã nhìn thẳng vào thực trạng của cuộc sống ở miền Nam Việt Nam sau 1975 để hình thành bức tranh của thời thế thế thời. Sự cúi đầu lặng lẽ với tâm trạng lạnh lùng nhận chịu sự khổ đau, mất mát hơn là sự phản kháng trước thực trạng phi lý, bất công và bất cận nhân tình như thế, chỉ đem lại một dập vùi cho thân phận người phụ nữ như Thương. Tình yêu đôi lứa của Thương và Luân đã không còn “như chim liền cánh, như cây liền cành” nữa và “La mour cestun rêve” (tình yêu là một giấc mộng), nhưng lại là giấc mộng bẽ bàng của Thương và Luân.
Rồi thời gian vẫn trôi, dòng đời vẫn biến đổi, con người trong cuộc sống vẫn có lúc “ngẫm lại sự đời” như câu chuyện “Bên Tách Trà Khuya” giữa ông Thạch và ông Cổn. Đó là cả một nỗi niềm của những kẻ đã “trải qua một cuộc bể dâu”. “Cuộc bể dâu” là một biến trình, làm cho cuộc đời ông Cổn đổi thay từ trẻ đến già. Từ ngày xa quê đi tập kết 1954 đến ngày trở về 1975 và cuồi cùng, cuộc đời còn lại “như bóng tà cuối thôn”. Đây, ta hãy nghe cái tâm sự buồn tẻ và ngậm ngùi của ông:
“Ngày đi có vợ, có con,
Ngày về, vợ đã chẳng còn bên ta!
Con thì phiêu bạt phương xa…
Đời ta còn lại bóng tà cuối thôn!
Nhớ thương da diết mõi mòn,
Tìm đâu ngày cũ? nước non dặm dài
(trang 239)
          Đời còn lại của ông Cổn thật già nua, buồn tẻ như cái “bóng tà cuối thôn”. Còn cuộc đời của ông Thạch, nguyên là một sĩ quan của chế độ Sài Gòn, sau 1975 cũng chẳng tươi sáng gì hơn. “Chuyện hai hoa mai vừa nở trên ve áo ông, thì đã sớm héo tàn từ năm xưa rồi.” Nhưng cái hậu quả để lại cho con cái ông vì lý lịch, có cha là sĩ quan của chế độ cũ, nên con “học sinh giỏi văn cấp tỉnh” không bước vào được ngưỡng cửa đại học. Nên cô con gái ông không ngớt phiền trách cha… Ông biết nói gì với con về cái quá khứ dài dặt và bất hạnh mà ông (và bạn bè ông) đã phải trải qua? (trang 236 sđd) – “Nghĩ mà buồn!” Đó là nỗi buồn của thời thế, của đất nước và của lịch sử đã tạo nên cho đôi bạn già đồng hương và là bạn cùng học một trường, thuở còn là học sinh trung học, rồi kẻ đi tập kết ra Bắc, người ở lại trong Nam. Sau 20 năm cách xa, họ được đoàn tụ tại quê nhà, để rồi có dịp ôn lại những gì về cuộc đời họ. Cuộc đời ấy, theo họ, “là một giấc mộng” mà con người đang đi vào đời là “những kẻ đang say”. Và “kẻ đã say” thì không bao giờ nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời. Rồi “đêm lặng lẽ trôi. Mặt trăng thu 21 chênh chếch, lơ lửng, góc trời phía đông, trông lạnh lẽo. Tiếng gà buâng quơ, chợt gáy đơn độc từ góc vườn nhà người bạn như tiếng thở dài – Tắt lịm” (trang 242  sđd ).
Ngày nay, đọc truyện ngắn của Mang Viên Long, người đọc như đang trở về một thời quá khứ của lịch sử, thời của chiến tranh, của bao cấp và của lạc hậu, đã kéo lùi sự tiến hóa của tổ quốc và dân tộc. Đó chính là một thảm trạng đã gây ra biết bao nhiêu thảm kịch cho con người. Con người trong tác phẩm của Mang Viên Long là con người cúi đầu nhẫn chịu, con người sống lênh đênh, vô định như những cánh bèo trên dòng sông lạnh lẽo của cuộc đời. Con người bơ vơ trước cảnh đời như “con chim lạc bầy”, “con ngựa xa đàn”. Con người cô đơn như Vĩnh như Thương, như cánh chim lìa tổ, không biết bay về phương trời nào. Đó không là những con người phản kháng tích cực, mà là những con người đã bị rơi vào tình thế trong chiếc vòng kim cô như con khỉ Tôn ngộ không của Tây Du Ký.
Cuộc chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ 20 đã xé nát quê hương, xé nát lòng người, đã phân hóa con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau, theo những cái nhìn chủ quan khác nhau, dưới những lăng kính chính trị của bên này hoặc bên kia, dưới sự chiếu tỏa của chủ nghĩa ngoại lai, học thuyết ngoại lai và áp đặt cũng do ngoại lai nốt! Việt Nam đã đi từ máu lửa đến ly tán; ly tán trong sự chia cắt đất nước qua đôi bờ Bến Hải, ly tán giữa kẻ ra đi tập kết, người ở lại quê nhà, ly tán giữa người cầm AK và người mang M16, ly tán giữa kẻ bỏ nước vượt biển gian nguy và người ở lại bị đọa đày…
Từ đó cũng tạo ra những bức tường vô hình ngăn cách những lý lịch, sưu tra, những hoài nghi và những đối xử phân biệt… Ngòi bút Mang Viên Long đã trở thành chứng nhân lặng lẽ trước những giai đoạn lịch sử và trước những mảnh đời hẩm hiu, dâu bể ấy. Đó là cái nhìn về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến. Đó là những tủi nhục về chiến tranh, cộng với những sai lầm của con người. Đó là một bối cảnh của đất nước có quá nhiều biến động, từ những giai đoạn “vườn không nhà trống”, tiêu thổ kháng chiến, phá đình chùa, đường sá, cầu cống, đến những phát động phong trào cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa, cải tạo ngụy quân ngụy quyền, cải tại công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo xã hội… Bên cạnh những điều đó là cuộc chiến từ 1964 đến 1975, mỗi ngày một leo thang thật ác liệt, đời sống của nhân dân càng trở nên bi thảm và cơ cực hơn…
Tất cả những điều ấy, đã trở thành duyên cớ cho mọi tai họa mà con người phải nhẫn nhục chịu đựng, như một áp đặt của định mệnh vào cuộc đời. Những bước ngoặt của lịch sử đã làm thay đổi hoặc biến dạng cuộc sống của con người như những nhân vật trong tác phẩm Mang Viên Long đã trở thành nạn nhân hoặc tội nhân, thiện nhân thành ác nhân và hiền nhân ra phế nhân… Rõ ràng, cuộc sống của con người Việt Nam đã phải trải qua biết bao thăng trầm và khổ đau như thế. Những mảnh đời đáng thương ấy, luôn bị chi phối bởi sự nghiệt ngã của hận thù, phi lý và bất công qua các chế độ, để từ đó mà ban phúc hay giáng họa, tôn vinh hay vùi dập, vực dậy hay chôn sâu bao kiếp sống con người. Truyện của Mang Viên Long, vừa nói lên tính thời sự và cũng vừa là những dấu ấn của thời đại, mà tất cả những ai đã đi vào thời đại ấy đều nhận diện và phán xét được nó. Với Mang Viên Long, ông chỉ chọn mình ở vị trí hiện thực cuộc sống như một sự trình bày, hơn là một thái độ phê phán. Ông đã vẽ nên những bức tranh sống thực của con người Việt Nam trước một giai đoạn lịch sử đau thương qua ngôn ngữ sống động, trôi chảy theo ngòi bút cùng niềm xót xa của thân phận con người, mà ông đã cảm nhận thật sâu sắc và thể hiện một cách trữ tình, phong phú. Những vấn đề ông nêu ra đã là những vấn đề dính dáng đến tính cách thời đại, mà có thể các cây bút đồng thời với ông đều chưa dám động tới vì e ngại tính nhạy cảm của nó. Có lẽ Mang Viên Long đã thâm cảm triệt để câu nói của Tư Mã Thiên: “Thiên nhân chi nặc nặc, bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc”, có nghĩa là: Ngàn người dạ dạ, không bằng một kẻ sĩ nói thẳng. Mang Viên Long đã viết như trình bày những điều của một kẻ sĩ nói thẳng (Nhất sĩ chi ngạc ngạc). Qua tập truyện ngắn của ông, nó như một dòng chảy xôn xao của văn học vào cuộc sống và phản ánh cuộc sống ấy. Tuy nhiên, trong cái dòng chảy xôn xao, ào ạt và phong phú của tâm hồn Mang Viên Long, có lúc ta cũng bắt gặp những nét bút lan man làm loãng đi phần nào về ý tưởng và ít nhiều đã đánh mất sự cô đọng về nghệ thuật diễn tả của truyện ngắn. Dù sao, trong cái nhìn tổng quan, ta vẫn thấy ở ngòi bút Mang Viên Long có những nét đặc trưng là thể hiện những tư duy về tình yêu dở dang và thân phận bi thương của con người trước cuộc sống.
Ngày nay, nhìn về quá khứ, điều hay nhất là có lẽ chúng ta nên quên đi những gì đen tối của cuộn phim qúa khứ ấy, và để lòng thanh thản nhìn đời một cách vô tư trước cuộc sống, hoặc ít nhất cũng có một thái độ tư duy như một nhà văn Pháp đã nói:
          “Cuộc đời, tự nó không có ý nghĩa mà cũng không phi lý. Nó có đó, thế thôi. Dù sao, chính đó là chỗ quan trọng nhất, Và thình lình sự thực hiển nhiên ấy xúc động ta với một sức mãnh liệt làm ta đành thúc thủ. Đùng một cái, tất cả xây dựng đẹp đẽ bị sụp đổ: đột nhiên mở mắt ra, chúng ta lại bị đụng chạm mạnh vào cái thực tại ương ngạnh ấy, cái thực tại mà chúng ta từng làm như là đã giải quyết xong…” (Alain Robbe Grillet, trong “Một con đường cho tiểu thuyết tương lai”, đăng trên tạp chí N.R.F).
 
Saigon tháng 10.2015
HỒ SĨ DUY
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập