BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả 
LƯƠNG MINH

 
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
THỦ THƯ CHO VĂN NGHỆ SĨ ĐBSCL
 
Nghe tiếng nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm đã lâu , từ khi tôi còn ở Vĩnh Long chưa vào nghề báo. Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương đã kể nhiều chuyện về thi sĩ họ Ngô này như một “quái nhân” trong làng văn. Anh xuất thân từ đất An Giang, mê văn chương, làm thơ trước năm 1964 và đến nay có hơn hai mươi tác phẩm xuất bản, chưa kể các tập in chung. Sở trường của anh chuyên về biên khảo và lưu trữ tài liệu về con người và tác phẩm, do vậy anh đã xuất bản được 6 tập Người Đồng Hành Quanh Tôi , mỗi quyển ngàn trang và Hai quyển Chân Dung Văn Nghệ sĩ, quyển nào cũng dày 1500 trang, 108 nhà thơ , nhà văn Việt giữa thế kỷ 20 (Quyển thượng, quyển trung). Mỗi quyển hơn 900 trang.
Năm 2012, sau khi tôi xuất bản quyển Chợ Tỉnh Chợ Quê, tôi gặp anh Ngô Nguyên Nghiễm (NNN) ở Thư Trang Quang Hạnh, anh bảo tôi cho một số tư liệu về cá nhân để anh làm cuốn Người đồng hành quanh tôi (tập VI), tôi từ chối chiếu lệ vì thấy mình chưa có vị trí gì trong văn đàn mà lòng thì rất thích. Anh nói “Các quyển Sách Chợ của ông là một đề tài lạ không phải ai cũng viết được vì ông tốn nhiều công sức đi lại khắp nơi, hiện nay nhiều anh em nước ngoài rất thích. Thật ra sách tôi làm giống như tự điển, có nghiêng về những tác giả trước đây ở miền Nam, số lượng trang nhiều thích hợp với giới nghiên cứu nước ngoài.”
 
Ngô Nguyên Nghiễm là dược sĩ tốt nghiệp đại học, có nhà thuốc Tây ở quận 8, nhiều khi anh mãi lo nghiên cứu viết sách in sách mà xao lãng việc kinh doanh. Bạn bè nhìn anh đôi lúc cũng xót xa vì cửa hàng thuốc Tây từ sung túc, qua thời gian đã trở nên vắng vẻ vì anh mãi mê chuyện văn chương, không chú tâm buôn bán. Anh rất vui vẻ trò chuyện với anh em không phân biệt tuổi tác, vai vế trong văn đàn, ấy vậy mà Nguyễn Bạch Dương trước đây nói anh khó tính, đàn em rất nể vì anh là người đi trước có nhiều uy tín. Theo tôi, còn có một nguyên do khác vì anh rất ưu ái đàn em, những người mới vào nghề, nhất là người miền Tây. Đồng quan điểm  về vấn đề này, nhà thơ Phù Sa Lộc ở Cần Thơ cho biết, anh nổi tiếng trước 1970 và quen rất nhiều anh em làm báo ở Sài Gòn, tuy nhiên có lẽ vì mê văn mà anh bán bớt gia sản để làm theo sở thích.
 
Một vài người chưa biết rành anh bàn việc biên soạn sách của anh:” Nếu Ngô Nguyên Ngiễm nói làm sách lỗ thì làm thêm chi nữa ?” Có gần gũi với anh mới biết, mỗi lần làm một cuốn sách nhiều tác giả, anh cũng có kêu gọi đóng góp chi phí in ấn nhưng cũng có những anh em hoàn cảnh kinh tế khó khăn anh cũng không góp tiền. Nhớ lại  năm 2013, khi nhà thơ Nguyệt Lãng còn sống, Ngô Nguyên Nghiễm có làm cuốn Tác giả tác phẩm, Người đồng hành quanh tôi, khi sách ra mắt công chúng thì đúng vào lúc Nguyệt Lãng từ biệt cõi đời. Ngô Nguyên Nghiễm đến nhà của Nguyệt Lãng, xã Bình Hưng, tỉnh Bình Phước, thắp nhang và đưa tác phẩm lên bàn thờ để cúng người bạn thơ chưa kịp thấy tác phẩm của mình nằm trong sách. Còn nhiều bạn bè nữa, khi Ngô Nghiêm Nghiễm thấy họ xứng đáng nằm trong tác phẩm của mình thì anh không ngần ngại đưa vào tuyển tập, không phụ chi phí in ấn cũng không sao! Vả lại mỗi một tác phẩm xuất bản, anh còn nộp mươi quyển lưu chiếu, tặng bạn bè hoàn cảnh khó khăn thì hỏi làm sao mà lời như có người “đếm lổ tính cua trong hang” ?
Làm sách cho mình là một cái khó, làm sách cho bạn bè thân hữu ắt phải khó nhiều hơn. Mỗi một tác giả, Ngô Nguyên Nghiễm có một ngăn riêng để lưu trữ, tác phẩm, bài báo viết về tác giả đó. Có đôi lúc chính tác giả còn ngạc nhiên tại sao anh Nghiễm có bài thơ này của mình, đó là nhờ công sưu tầm trên báo chí, đặc san hàng tuần cắt xén lưu trữ , do vậy mà các quyển Chân dung văn nghệ sĩ của Ngô Nguyên Nghiễm như một quyển tự điển về tác giả miền Nam, bổ sung cho tự điển văn học chính thống xuất bản từ Hội Nhà Văn Việt Nam.
Anh tên thật là Ngô Tấn Thiền, nhà thơ Lâm Hảo Dũng nói anh sống như một thiền gia đạo hạnh, có người nói trong thơ anh cũng phảng phất âm vị thiền, còn tôi nói việc làm sách văn nghệ của anh cũng mang vẻ thiền: được thua không quan trọng miễn tâm được an lạc là chính.
 
Hóc Môn những ngày giãn cách.
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập