Võ Chân Cửu
  Người Không Làm Dáng
 
Trong một giờ khắc nào đó, nhất là khi mới nở, dáng  hoa bỗng như mang một nét đẹp xuất thần. Cánh hoa cong mình, nhụy rung trước gió. Ở nhiều loài vật cũng vậy. Đôi cánh bướm không bay theo nhịp thường thấy mà lại lượn vòng; chú sáo nhỏ một mình rỉa lông, khoe bộ mã. Người ta gọi đó là những động thái “làm dáng”!
Khoảng gần cuối thập niên 1960, khi triết thuyết và các luồng tư tưởng hiện sinh, hư vô, sống thực, “độc hành”… theo các nguồn dịch thuật tràn vô học đường và các tạp chí văn hóa, nghệ thuật ở Miền Nam, người ta thấy ngày càng nhiều người có cuộc sống lập dị, khác biệt, nhất là trong giới trí thức và văn nghệ sĩ. Ngoài những số trẻ được gọi là “hippy” mặc áo quần tự xé, tóc tai rối bời hoặc để dài không chải, người ta gặp những chàng trai mang kính cận và chồng sách ngoại văn dày cộm ngồi hàng buổi trong các quán cà phê; hoặc những nhà sư thoải mái vào các quán bia, có khi đi cùng một hai người nữ. Chung quy chỉ vì tất cả đang mất niềm tin; cái ác và sự chết do bom đạn, pháo kích diễn ra hàng giờ. Các giá trị tinh thần và thân phận con người nhanh chóng trở thành vô nghĩa.
Đời sống tinh thần mà các tôn giáo và các nhà truyền bá triết thuyết đem đến cho con người lúc này thật đa dạng. Sau các trường đại học Đà lạt, Vạn Hạnh, các giáo hội có xuất phát từ miền Nam như Cào Đài, Phật giáo Hòa Hảo cũng đều lập các trường đại học. Nhiều tạp chí có màu sắc tôn giáo được ưa chuộng. Một số nhóm trí thức tôn giáo có khuynh hướng chính trị đã lập các tạp chí văn nghệ có mục đích cổ vũ hành động. Người cầm bút theo một đạo lúc này tương đối ít tín hữu là Tin Lành cũng lập ra một tờ văn nghệ riêng là tạp chí Thoát. Các dòng văn chương mang màu sắc thần bí hoặc xưng là “về nguồn” cũng nảy sinh tại nhiều miền “đất thánh” như Tây Ninh, Châu Đốc…Người làm văn nghệ trong giai đoạn này nếu không có bản lãnh, có sắc thái riêng dễ sa vào cảnh “nửa tăng-nửa tục” hoặc mang dáng đạo sĩ vu vơ.
Vào cuối năm 1973 trên thi đàn Sài Gòn bỗng xuất hiện một ấn phẩm mang màu sắc lạ. Đó là thi phẩm “Tảo mộ lên đênh” của tác giả Trần Đới. Bìa sách in hình chân dung tác giả phóng lớn. Đó là một người đàn ông cỡ tuổi ngoài 50, râu tóc xồm xoàn, đẹp lão lại mang dáng dấp của các nhà văn và lãnh tụ kháng chiến ở vùng châu Mỹ La tinh. Hình ảnh này vốn được các tạp chí văn nghệ “dấn thân” lúc này ngợi ca và cổ vũ. Tác giả Trần Đới phần nhiều dùng thể loại thơ 8 chữ và lục bát. Chữ nghĩa câu thơ chứa hình tượng mộc mạc nhưng âm điệu chân thật, mang màu sắc thiên nhiên hoang dã, dẫu ở những bài viết về cảnh sống đô thị.

  • Trần Đới
Sài Gòn
Sài Gòn có những giọt mưa
Dài như nỗi nhớ trong ta một ngày
Một ngày có những ngón tay
Vuốt mưa trên tóc dính mây nghìn trùng
Sài Gòn mưa vẫn ướt chung
Riêng ta ướt hết nửa vùng mưa chia
Ướt đi từ cõi ướt về
Ướt qua ướt lại dầm dề trang thơ
Sài Gòn lá cuối cành thu
Rẩy run nghe gió hoang vu thổi về
Lạnh dài là những tiếng xe
Nhớ xa là tiếng tỉ tê trong hồn
 
Vẫn đi ta với Sài Gòn
Mưa mưa gió gió đầy đường đầy tim
Đèn xanh là giọt lệ chìm
Nhạc vàng khói thuốc nổi nênh ngàn trùng
Vẫn về vô thủy vô chung
Nhớ thương là trận bão lòng bao la
Vắng ai ngày vắng đêm xa
Sài Gòn mưa vẫn thiết tha xuống người
 
Tập thơ “Tảo mộ lênh đênh” được bày bán trước tiên tại thư quán thuộc Viện đại học Vạn Hạnh, nằm ngay mặt tiền dốc cầu Trương Minh Giảng. Cạnh nhà sách là quán Nắng Mới nổi tiếng. Khá nhiều văn nghệ sĩ và trí thức vẫn đến đây “ngồi đồng” bên ly cà phê ngon. Viện đại học Vạn Hạnh xuất bản tạp chí Tư Tưởng, ra hàng tháng, trong đó phần văn nghệ được nhiều cây bút sáng giá tham gia. (Viện đại học Vạn Hạnh từ khi thành lập là điểm tựa của nhiều cây bút có tiếng trên lãnh vực nghiên cứu tư tưởng và văn học-nghệ thuật lúc này, như Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Trần Xuân Kiêm, Ngô Trọng Anh, Phạm Thiên Thư, Hồ Thành Đức, Phạm Thế Mỹ…Phân khoa Văn học và khoa học nhân văn lúc này do giáo sư Nguyễn Đăng Thục làm khoa trưởng (trước 1969 do thi sĩ Phạm Công Thiện đảm trách). Giáo sư Nguyễn Đăng Thục là tác giả bộ sách Lịch sử Triết học Đông phương. Bộ sách nhấn mạnh và đề cao triết lý tổng hợp của người Việt xưa và nay, gây được nhiều ảnh hưởng cho tầng lớp trí thức và sinh viên. Vì vậy, Viện đại học Vạn Hạnh như một điểm “mở”, thu hút nhiều người đến gặp gỡ, đối thoại về triết luận, văn chương).
Sách được bày bán trong thư quán, đều thuộc loại nghiên cứu kinh điển hoặc văn hóa Phật giáo. Tôi được nghe các nhân viên nhà sách kể rằng khi mới chưng tập thơ Trần Đới lên kệ, tình cờ thầy Viện trưởng (Thượng tọa Thích Minh Châu) vô thấy, liền mở ra xem. Đọc qua nhan đề, Thầy liền nhíu mày hỏi: “lên đênh à?”. Người phụ trách nhà sách rất lo là sẽ bị quở mắng, vì nhà sách của trường đại học thuộc giáo hội Phật giáo lại tự ý bày bán loại sách vu vơ, đi ngược với tư tưởng phải “an định” nhất quán của người tu học. Nhưng có lẽ do nhận ra tác giả chính người thợ lâu nay vẫn đến đây quét vôi định kỳ, nên thầy để sách lại vào kệ, như ngầm cho bán ở đây.
Thi phẩm của Trần Đới ra đời đã được thi sĩ Bùi Giáng trích dẫn và ngợi khen. Giọng thơ Trần Đới lại mang nét riêng, không lẫn lộn với các tác giả khác, nên nhiều độc giả yêu thích. Nhiều sinh viên sau đó cũng trầm trồ về tác giả, xem người thợ quét vôi này như một vị “hành giả”.
Thi sĩ Trần Đới thường mặc đồ bà ba, như một cư sĩ. Ông ít nói. Thiên hạ hấy “ông thợ quét vôi làm thơ” ngày càng thân thiết với “Bùi trung niên thi sĩ” nên đã có nhiều đồn đại về nguồn gốc nhân vật bí ẩn này. Có người từ Huế vào nói rằng ông nguyên là một cựu sinh viên đại học Huế. Trong đợt đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, cô sinh viên xinh đẹp là người yêu của chàng trai này đã “ngã” vào tay một tăng lũ tranh đấu nổi tiếng. Thất tình, nên Trần Đới giả dạng làm một người người thất học. Ông đi lang thang các tỉnh, tự kiếm sống bằng các nghề lao động phổ thông, rồi vào Sài Gòn “phát huy” tay nghề sơn nhà cửa, quét nước vôi. Trong bộ môn này, ông quả là một tay thợ điêu luyện. Tôi từng chứng kiến qua bàn tay ông, cây chổi dài kéo nước vôi đường nào đi đường nấy tăm tắp, không nhểu nhảo xuống nền một giọt nhỏ. Khi kẻ chỉ tuốt trên tường cao, vẫn chẳng cần dùng thang leo nhưng đường màu vẫn đi ngang thẳng tắp!
“Tảo mộ lênh đênh” là một phát hiện của thi sĩ Nam Chữ. Ông Chữ lúc này mới đổi sang bút hiệu Phạm Mạnh Hiên, và đứng chủ trương nhà xuất bản Trung Quán (sau đổi thành Tân An, lấy tên làng quê của anh ở tỉnh Bình Định). Cửa chùa luôn rộng mở, và có lẽ trong thời gian này, để thay đổi không khí nên Nam Chữ thỉnh thoảng lại đến tá túc dưới các mái chùa. Trong lần đến ngủ nhờ trong khu phòng khách thuộc Trung tâm Quảng Đức (lúc này là trụ sở Tổng vụ thanh niên Phật tử), Nam Chữ đã  phát hiện được tài thơ của ông thợ nước vôi Trần Đới đang trú ngụ nơi đây. Nhận thấy bản thảo thi tập “Tảo mộ lênh đênh” đầy thơ mộng, nên ông đề nghị được đứng ra xuất bản luôn.
Ẩn mình, không tham gia bàn luận chuyện văn chương, tranh giành một chỗ ngồi ở “chiếu trên” hay “chiếu dưới”. Nhưng, nếu có điều kiện thì Trần Đới lại sẵn sàng “du hành” hầu tiếp cận cái đẹp của thiên nhiên và tình đồng loại. Đó chính là tính cách đáng yêu nhất ở người làm thơ đặc biệt này.
 
Mong manh ngọn gió
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa. Khi đến cuối thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ bóng người ngày thơ. Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy. Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh…
         
Sau ngày đổi tiền lần thứ nhất (tháng 9-1975), gia đình tôi gần như lâm vào cảnh kiệt quệ. Hầu hết mọi đồ đạc có giá và cả 2 chiếc nhẫn cưới còn giữ lại đã được vợ chồng tôi đem bán tháo cho đủ tiền mua căn nhà nhỏ gần ga xe lửa Gò Vấp. Nguồn thức ăn chính có được là đám lá nghệ vô tình ngoi lên xanh um ở ngoài mảnh sân sát đường rầy xe lửa. Hái lá vào xắt ra, bỏ vào thêm nắm gạo sẽ thành nồi cháo ấm lòng. Mấy rương sách cũ cũng đã bán xong. Tôi đang tính với vợ chuyện đi thuê một chiếc xích lô kiếm sống…Bỗng tiếng đàn Măng-đô-lin quen thuộc đang khảy bài Nắng Chiều của tác giả Lê Trọng Nguyễn từ ngõ ngân vọng vào. Du sỹ Trần Đới bỗng xuất hiện! Lần đầu tiên chúng tôi gặp lại sau ngày 30/4. Không rõ ai chỉ mà ông tìm ra đúng nhà tôi mới mua lại của một gia đình hồi hương.
Bước vào nhà, vừa dứt cung đàn là tiếng cười hà hà quen thuộc, đầy thương mến. Vẫn bộ quần áo cư sĩ màu già lam, cái khác bây giờ là ông có đeo tay nải. Thi sĩ trút từ đãy ra một nải chuối và một túm gạo, bảo Hạnh-vợ tôi đem vào nhà cất để dành. Ông đã trở thành một nhà khất sĩ bán chuyên nghiệp, đi khất thực với tiếng đàn điêu luyện từng vang lên dưới các mái chùa những đêm trăng. Một bạn hữu học sau tôi vài năm là anh Nguyễn Cao Vinh, người đảm trách phát phiếu cơm xã hội (cơm giá rẻ ) ở trường Vạn Hạnh thì ông Trần Đới không hề biết nhạc lý nhưng nhờ tài thẩm âm nên các đầu ngón tay lướt vào dây đàn rất đúng giai điệu. Trong các đêm sinh hoạt “phong trào”, nhiều tay đàn trong đoàn văn nghệ sinh viên cũng phải thán phục. Ông chỉ rành chơi đàn Măng-đô-lin. Có lẽ vì nó nhỏ gọn, dễ mang theo trong tay nải của một kẻ không nhà.
Trong tập thơ “Tảo mộ lênh đênh” in tháng 10-1973, hình như Trần Đới đã có một bài vịnh xa gần về tiếng đàn của mình:

TẶNG TRANG TỬ
 
Trời chiều như nắng về khe
Cá đi còn lội nước hoe như vàng
Mây cao như núi đầu non
Có cây như đá lá còn rung rinh
Có người về hát không thinh
Mắt vàng nhìn nắng qua cành ve kêu
Có con chim nhớ rừng chiều
      Cánh mau như gió đuổi theo lá cành.
Tôi vui vì hai vợ chồng và đứa con nhỏ mấy tháng tuổi được “cứu độ” bất ngờ, nhưng không khỏi ngậm ngùi vì sau cơn biến động biển dâu, cây đàn của người nghệ sĩ quen “tiếu ngạo giang hồ”, nay không phải chỉ dành cảm thán cùng con chim bay, con cá lội, mà phải ra giữa chợ đời, có lúc phải biến thành chiếc cần câu cơm, hổ trợ cho người bạn nghèo qua cơn khốn khó. Phải chăng đó là nghiệp chướng mà thi sĩ Trần Đới từng linh cảm và mang nặng trong lòng khi viết những vần thơ  nhớ về một người chị miền quê:

CHỊ TÔI
 
Củi về oằn oại vai lưng
Tay vin dốc đổ ngại từng bước đi
Mồ hôi đẵm mũi đá chì
                 Ruột thì  đói lả dặm thì còn xa.
                                             (Tảo mộ lênh đênh)

  • Anh có tính về lại ngoài quê Lăng Cô hay không?
Thi sĩ Trần Đới hình như không muốn trả lời câu hỏi của tôi bằng cách dạo thêm vài cung đàn réo rắt, rồi đứng dậy vẫy tay chào từ biệt. Cứ cách vài ba ngày, ông lại xuất hiện cùng tiếng đàn và trút lại gia đình tôi mấy món thực phẩm rồi biến dạng. Sau đó chừng một tháng,hình như ông đã mất hút về đâu đó. Tôi hình dung về miền quê ông ở, nên lần giở trang sách ông đã in:

LĂNG CÔ MỘT CHIỀU ĐÔNG
 
Vượn chợt hú, lênh đênh đời vô vọng
Sao sóng gành gió núi dội ngàn năm?
Gió chỉ hát lê thê buồn gắt gỏng
Sao chiều mù biển thét trời hờn căm?
Mây chỉ rên nửa bóng lạnh vô cùng
Sao đất đến mang tháng ngày u ám?
 
Đời chi thuở mãi mang hồn choáng váng
Chân về đi còn ngất lối đau mòn?
Bao nhiêu rồi là cát biển bùn non
Và đâu đến máu xương hồn vất vưởng?
 
Trời tuyệt vọng trầm khua tình tơ tưởng
Nước non mờ chút nắng bạc phai mau
Mưa ơi mưa bao giòng nước qua cầu
Bao giòng lệ cá tôm còn lặn ngụp.
 
Tôi đi giữa hồn mòn đường ký ức
Tìm máu xương hài cốt mục chưa về
Thoáng lênh đênh thành đá hét thảm thê
Mùa mông quạnh chợt sầu tê trăm tuổi.
 
Thoáng choáng váng muôn trời nghiêng tức tưởi
Mây rã rời chiều vọng lối còn khuya
Gió đảo điên hồn chạy trốn muôn bờ
Lời xơ xác máu lùa qua muôn tối.
 
Trời chợt tắt như trời nào cổ độ
Biển chợt chìm núi đổ như chiêm bao
Miền héo hắt chụp về như giấc ngủ
Tôi ra về hồn thảng thốt lao đao.
                                                                 (Tảo mộ lênh đênh)

Bài thơ làm đã lâu nhưng lại như những lời tiên tri. “Lời xơ xác máu lùa qua muôn tối”. Như vậy thì người thi sĩ ấy cũng khó lòng dừng chân an cư! Quả đúng như tôi dự đoán, trong khoảng thời gian từ 1980-1990, ông đã có về lại quê xứ, tu bổ thêm cho mảnh vườn cũ của gia đình. Nhưng bước chân giang hồ lại tiếp tục khiến ông không thể an cư. Quê xứ Lăng Cô cũng chỉ để làm “một cõi đi về”. Nhưng kỳ này, Trần Đới cùng cây đàn “Măng-đô-lin” thường tiếp tục ngược xuôi dọc giải đất miền Trung. Quê ngoại Trần Đới ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhưng suốt từ đó đến Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang đều là cõi vân du.
Đến khoảng đầu năm 1990, ông xuất hiện trở lại ở Sài Gòn. Tôi thuyết phục đưa ông về trú tại một mảnh vườn yên tĩnh gần cầu Bình Lợi. Nhưng chỉ chừng một năm sau, Trần Đới lại đeo tay nải lên vai để nói lời từ biệt. Lần này, ông tâm nguyện xuất gia tại tu viện Thường Chiếu (Long Thành). Nhiều năm sau khi trở thành Đại đức Thích Thông Bác, Trần Đới lấy pháp danh làm bút hiệu, xuất bản vài tập thơ mới. Ngôn ngữ và hồn thơ bây giờ in màu đạo vị.
Con đường ông chọn là không thể khác. Hình như  thơ ca khó có thể mang niềm hạnh phúc viên mãn đến cho con người!
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập