NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

PHẠM THỊ THÀNH - NSND, ĐẠO DIỄN

Sinh năm: 1941
Quê quán: Đức Thọ, Hà Tĩnh. Vĩ Dạ, Huế
Hiện ở: 101 Phố Láng Hạ,
Q. Đống Đa, Hà Nội
   
PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT
 
Tiến sĩ nghệ thuật học, nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành xuất thân từ một gia đình trâm anh vọng tộc. Phụ thân là cụ Phạm Khắc Hòe và hiền mẫu là quận chúa Công Tôn Nữ Diệu Phẩm - cháu nội của hoàng tử Miên Trinh, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng - được phong là Tuy Lý Vương - Phủ phòng Tuy Lý ở Vĩ Da, Huế. Tuy Lý Vương là một trong hai vị chủ soái của "Mạc Văn Thi Xã". Song thân của bà Diệu Phẩm là quan tuần phủ Tiểu Thảo Hường Thiết và một bà thứ thất có tên gọi là Mệ Thanh. Quận chúa Diệu Phẩm là người vợ đảm đang và là người mẹ cả đời chỉ biết hy sinh cho sự nghiệp của chồng và bảy người con. Mặc dầu sinh trưởng nơi quyền quý, song lúc về sống ở quê chồng (Đức Thọ - Hà Tĩnh) bà vẫn "trên đồng cạn dưới đồng sâu" vẫn căn cơ kim chỉ, vẫn buôn bán tảo tần, qua bao giai đoạn biến động riêng chung của gia cảnh và xã hội thuở bấy giờ. Vì vậy sau lưng sự thành công của các con, và nói riêng là Phạm Thị Thành đều có bàn tay vun vén và trái tim rộng mở của người mẹ Huế quý tộc Diệu Phẩm để Phạm Thị Thành - cô tiểu thư út ít nuôi hoài không lớn, đã từng có biệt danh "trái cau điếc", trở thành một đạo diễn sân khấu tài năng quán xuyến; xông xáo khắp các vùng miền phục vụ xã hội trong lãnh vực chuyên môn, và tận hiến bản thân cho sự nghiệp… Làm sao nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành trong từng phút giây tưởng niệm dám quên công đức của Mẹ!
Có một lần người viết bài này đã được đọc những cảm niệm về ân đức ấy qua một cuộc trao đổi giữa bà và phóng viên báo "Gia đình -Xã hội"
Chúng ta trở lại thời thơ ấu của Phạm Thị Thành với người cha đã từng có một cuộc hành trình hi hữu: "Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc".
Cụ Phạm Khắc Hòe sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, ông nội và thân phụ đều xuất thân ở cửa Khổng sân Trình, đều lấy tam cương ngũ thường làm lẽ sống, làm thuật xuất xử…
Trước cách mạng mùa thu năm 1945, giữa những năm thuộc thập niên 20 cụ Phạm Khắc Hòe là một sinh viên cao đẳng luật khoa, ra trường người thanh niên phong vận này được bổ dụng vào chức vụ Tham tá tòa sứ làm việc tại tòa Khâm sứ Huế. Soạn giả suy đoán cuộc hôn nhân giữa người thanh niên tài hoa lịch duyệt và cô quận chúa đẹp nết đẹp người thành tựu ở giai đoạn này. Sau đó ít lâu, quan Tham tá được thuyên chuyển lên làm Quản đạo ở cao nguyên Lâm Viên, và bầu đoàn thê tử lên đường trấn nhậm. Ở thành phố sương mù, chập chùng đồi dốc se lạnh ban mai, vả ảo huyền khi màn đêm ngự trị, Phạm Thị Thành đã cất tiếng khóc đầu đời trong phút giây tột cùng đớn đau và hạnh phúc của người mẹ đó là ngày 24 tháng 9 năm 1941.
Thời gian làm việc ở Đà Lạt ngoài công vụ trôi chảy, quan Quản đạo còn huy động các đồng hương tha phương cầu thực, sống rải rác các vùng lân cận trong địa phương tập hợp về một khu vực và thành lập một làng gọi là ấp "Nghệ Tĩnh" hợp tác nhau làm ăn sinh sống, đoàn kết giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn.
Sau thời gian ở Đà Lạt, gia đình cụ lại trở về Huế do lệnh triệu dụng của Nam triều mà theo trong hồi ký "Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc" (TTĐHĐCKVB) thì do Hoàng hậu Nam Phương vì tin tưởng vào khả năng và tư cách của cụ nên đã vận động với tòa Khâm sứ và cả với hoàng đế Bảo Đại đưa ông về triều đình với chức vụ "Ngự tiền văn phòng Đổng Lý".
Với cương vị dưới một người trên nhiều người này, cụ đã thuyết phục vận động nhiều lần để vua Bảo Đại đồng ý thoái vị trao quyền lãnh đạo cho Hội đồng cách mạng lâm thời. Chính cụ là người soạn thảo bản chiếu chỉ từ nhiệm để vua đọc trong buổi lễ trao ấn kiếm tại quảng trường Ngọ Môn vào chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, để hoàng đế Bảo Đại trở thành công dân Vĩnh Thụy và Phạm Khắc Hòe từ Ngự tiền Đổng Lý của triều đình nhà Nguyễn thành cán bộ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - với nhiều hoạt động đắc lực từ ngoại giao đến tư pháp.
Tiền đề để Phạm Thị Thành đến với nghệ thuật bắt đầu từ chặng đường làm văn công vào tuổi 14 mà điểm xuất phát là những ngày theo cha vê quê nhà. "Trái cau điếc" đã được các bác ở chiến khu giới thiệu với đoàn văn công trung ương thuộc Bộ văn hóa, với cái tuổi mà các cô chiêu khác còn vòi vĩnh mẹ, còn ham ăn mê ngủ, thì cô tiểu thư Phạm Thị Thành đã ba lô mang vai, cơm nắm muối vừng lặn lội theo các đàn anh đàn chị, theo các cô, các chú bậc thầy băng rừng lội suối phục vụ các chiến trường, đem niềm vui tinh thần làm lực đẩy, cho những người con của Tổ quốc đang bảo vệ từng tấc đất ngọn rau cho hậu phương yêu quý, nơi có mẹ già con dại được yên lành bên giếng nước bờ tre. Rồi từ một diễn viên nhí của đoàn văn công trung ương, Phạm Thị Thành bay qua đoàn kịch nói trung ương của Bộ văn hóa.
Năm 28 tuổi chị mới có điều kiện ôn lại cấp 2-3 phổ thông tại trường bổ túc văn hóa, và tiếp theo đó học Nga văn rồi đi du học đại học tại Mat-xcơ-va; khoa đạo diễn nghệ thuật sân khấu, tốt nghiệp loại xuất sắc. Về nước, chị hoạt động chuyên môn tại cục biểu diễn nghệ thuật thuộc Bộ văn hóa thông tin và kinh qua các chức vụ như giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ, Cục phó Cục biểu diễn nghệ thuật… viết sách, viết báo, và còn tham gia cả lĩnh vực chính trị như: Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, Đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Trên đây là đôi nét về người phụ nữ này, còn tình yêu và hôn nhân cũng không phải là chuyện không đáng cho chúng ta lưu ý: Có tham lắm không khi đa số phụ nữ đều ước muốn người bạn đời của mình phải là một pho từ điển bách khoa sống động để khi cần là tra cứu cấp tốc. Rồi có khi ao ước người đàn ông mà mình trao thân gửi phận không phải duy nhất đơn thuần là một người chồng; mà theo từng tình huống họ phải có cách cư xử khi nghiêm nghị nhân hậu như một người cha, khi thông tuệ như một ông thầy trên bục giảng, khi đỡ đần bảo bọc như một người anh, khi lãng mạn như một người tình, hình như những điều cần thiết trong nỗi cầu mong ấy Phạm Thị Thành được đáp ứng khá tốt trong mối tình với thần tượng của mình.
Mười bảy tuổi Phạm Thị Thành đem lòng yêu một người đàn ông, một nghệ sĩ nhân dân lớn hơn mình trên hai con giáp (25 tuổi) đó là NSND Đào Mộng Long, Ninh Giang Thu Cúc có trực giác là tình yêu mà Phạm Thị Thành dành cho vị nghệ sĩ tên tuổi và đứng tuổi này bắt đầu có lẽ bằng tình phụ tử qua những cưng chiều âu yếm, chăm sóc ân cần mà Thành khao khát (bởi điều này không có ở người cha quan trường nghiêm khắc Phạm Khắc Hòe) và quan hệ thầy trò trong nghiệp vụ. Sự yêu thương ấy được biến thái thành tình yêu đôi lứa theo thời gian, theo nhục cảm từ lực hút ở sự lịch lãm, sự đa tình, sự lãng mạn, sự từng trải của NS Đào Mộng Long, người đàn ông với chừng ấy điều kiện đã quá đủ để chinh phục trái tim trong veo chưa một lần xao xác của Phạm Thị Thành.
"Thuở ấy hồn tôi trong trắng quá
Tình thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng người nghệ sĩ từ đâu lại…"
Khác với người nghệ sĩ trong thơ T.T.Kh là nghệ sĩ Đào Mộng Long không êm ái trao một vết thương mà trao một tình yêu nồng nàn mê đắm cho dù phải đối đầu với nhiều lực cản từ gia đình đến tập thể, nhưng rồi tất cả đều bó tay, đều bất khả xâm phạm và đành:
Xin quy ngưỡng tình yêu người vĩnh cữu
Máu về tim nguyên lý tự hồng hoang
(Vĩnh cửu - NGTC)
Cuộc sống vợ chồng rực lửa đam mê trong mười năm mộng mị đã cho Phạm Thị Thành hai đứa con, hai báu vật, nhưng rồi hợp tan là quy luật. Mười năm chung sống để cô gái mười bảy trở thành thiếu phụ chín chắn… Mười năm chung sống để người nghệ sĩ lãng đãng tài hoa trở thành trầm mặc ở ngưỡng cửa lục tuần, muốn ẩn cư vào ốc đảo để chiêm nghiệm thế tình trong khi người vợ tuổi vị thành niên năm xưa bây giờ đang vào độ trưởng thành phấn đấu cho sự nghiệp. Cuộc tình đã đến hồi kết thúc phân ly mà chủ động là người đàn ông độ lượng; với sự trân trọng dành cho người phụ nữ mình yêu là hy sinh tình riêng để cho mẹ của con mình tiến thân lập nghiệp, là chấp cánh cho chim hồng soải cánh bay xa. Vì vậy, cuộc chia tay của họ đẹp như bài ca tống biệt, và người đàn bà Phạm Thị Thành đã không phụ lòng tin của người đàn ông một thời hương lửa, với cá tính mạnh mẽ, với sự năng động bén nhạy, với lòng kiên trì học tập chị đã bảo vệ thành tựu luận án Tiến sĩ. Đó là phần thưởng danh dự chị dành tặng cố nhân, và kính dâng lên người mẹ đã thay Phạm Thị Thành chăm sóc hai đứa con thơ trong những tháng năm chị bôn ba theo đòi bút nghiên sự nghiệp.
Người phụ nữ này từ hồi còn là một bé con tí tẹo đã không mê những môn học, những trò chơi có phong cách mềm mại uyển chuyển, vì thế mà môn học chị bị bố cho ăn đòn tơi tả là môn âm nhạc (PIANO) và ta hiểu tại sao Phạm Thị Thành mê đá bóng và chơi tennis. Với bản tính năng động, nghệ sĩ Phạm Thị Thành đã không sai lầm khi chọn nghề đạo diễn để phát huy sự xông xáo sáng tạo và cứng rắn trong nhiều tình huống. Yếu tính nữ phải cất giấu, bởi đã là phụ nữ ai chẳng yếu mềm - điều này, Phạm Thị Thành đã từng tiết lộ, nhưng khổ nỗi; là không có thì giờ để nghĩ đến nỗi buồn và sự cô đơn, có lẽ tình yêu nghệ thuật đối với bà là trên hết.
Nếu bảo, nên bằng lòng với cái gì đang có thì Tiến sĩ, NSND Phạm Thị Thành có nhiều cái để bằng lòng. Một tình yêu đẹp với hiệu quả là hai con: một trai, một gái thành đạt vẻ vang, sự nghiệp bản thân như thế được xem là viên mãn, tuổi tác gần tuần thất thập mà phong độ vẫn phóng khoán trẻ trung. Xuôi ngược dàn dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật mà vẫn dành thì giờ để viết nhiều bài cho các báo và là tác giả của hai đầu sách có giá trị về học thuật đó là:
1. Cảm xúc và sáng tạo (Nxb Đà Nẵng 2000)
2. Nghệ thuật sân khấu dành cho trẻ em Việt Nam (Nxb Sân khấu 1999)
Thật đáng trân trọng.


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập