NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

 
   
THÁI KIM LAN

Họ tên: Thái Thị Kim Lan
Năm sinh: 1942
Quê quán: An Ninh Hạ, Xuân Hòa, Hương Long,TP Huế
Hiện ở: Hải ngoại   
                                                                        
 
PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VĂN HÓA VĂN HỌC

Có chủ quan và địa phương tính lắm không - khi chúng tôi bảo rằng chị Thái Kim Lan là một hình ảnh một biểu tượng Huế "rặt".
Ấn tượng đầu tiên khó quên với Ninh Giang Thu Cúc là chất Huế đằm thắm nơi người đàn bà này qua suối tóc mây óng mượt búi gọn gàng và chiếc áo dài màu rượu chát rất nhu mì hiền thục pha lẫn nét nghiêm cẩn đài trang của một "Mạ" Huế.
Trước khi trở thành giáo sư tiến sĩ đứng trên bục giảng của trường đại học tổng hợp Ludwig - Maximclian, ở thành phố Munich, thuộc CHLB Đức để dạy môn Triết học, thì Thái Kim Lan là một người con gái Huế được sinh thành trong một gia đình vọng tộc, nề nếp, nghiêm phụ là cụ Thái Nguyên Trinh (thất lộc sớm) và hiền mẫu là bà Tôn Nữ Thị Nhơn, thời cắp sách đến trường chị được sống êm đềm hạnh lạc trong sự bảo bọc nâng giấc của các bậc bề trên trong gia đình gia tộc, và đặc biệt là của một người chị gái thân yêu học trên Kim Lan mấy lớp, quấn quýt không rời; cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng chơi. Chị Ngọc Lan dịu hiền đẹp người đẹp nết đã chăm chút Kim Lan với tất cả lòng yêu thương.
Khu phố Hàng Đường là nơi gia đình Kim Lan sinh sống - con đường sầm uất nằm dọc dài theo nhánh sông đào với dòng nước trong veo, đã từng in bóng hai nữ sinh Đồng Khánh với tà áo trắng tinh khôi, nón nghiêng che bờ vai nhỏ, khoan thai từng thao tác trên vòng quay của hai chiếc bánh xe đạp trong mỗi sáng sương lạnh còn rắc bụi để đến trường. Dạo đó, đầu thập niên 60 trường Đồng Khánh không có lớp đệ nhất cho nên xong bán phần (tú tài một) là mấy cô phải khăn gói gió đưa đầu quân qua trường Quốc Học để học năm cuối cho xong cái tú tài toàn phần, rồi một số lên xe bông theo chàng về dinh, một số học tiếp, Thái Kim Lan nằm trong số thứ hai.
Năm 1962 Kim Lan ghi danh vào Đại học Huế và theo học khoa Triết học, trong giai đoạn ấy chị thường đến các thư viện tìm tư liệu để tham khảo về môn đang học, lại học thêm sinh ngữ tại Trung tâm văn hóa thuộc viện Goethe Saigon có trụ sở ở Huế. Tại đây, gặp nhiều cơ duyên thuận lợi chị đã được người đại diện của Trung tâm cấp học bổng sang Đức để học môn Đức ngữ sau, hơn hai niên khóa dùi mài tạm đủ vốn liếng ngôn ngữ để hội nhập vào nền văn hóa của quốc gia này, chị đã xin tiếp một học bổng nữa để học chuyên về triết học tại trường Đại học tổng hợp Ludwig-Maximilian.
Thái Kim Lan - cô gái Huế mảnh mai nhưng thông tuệ và giàu nghị lực đã hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp loại ưu hạng để nhận học vị tiến sĩ trên quê người đất khách. Tự lực cánh sinh tự thân phấn đấu và một vinh dự lớn đến với cô nghè tân khoa, là cô được mời làm trợ giảng tại trường và sau đó là giảng viên đứng lớp chính thức của ngôi trường cô đã từng theo học.
Thập niên đăng hỏa, nợ bút nghiên đã trả xong, bước hoạn lộ rộng mở thênh thang trên xứ người, đáng lẽ bậc khôi nguyên phải vinh quy bái tổ. Thế nhưng vì bao nguyên nhân "khách quan" ngăn trở nẻo về cố quận để người đi đành ôm lòng thương nhớ với bao tình, bao cảnh vọng tưởng chốn gia hương… (!)
Giáo sư tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan đã lập gia đình, và định cư trên xứ sở đã từng cưu mang chị học hành, và trân trọng trao học vị học hàm cho chị đánh dấu kết quả sự nỗ lực học hành của cô sinh viên đất Việt.
Cũng vì lo chuyện học hành, lo đầu tư cho kiến thức cho trình độ, cho sự nghiệp (không biết có phải không?) mà chị lập gia đình muộn, nhưng điều may mắn là người bạn trăm năm của chị là dân đồng chủng cùng đi du học và hai anh chị đã có một quý nữ vào năm chị 39 tuổi. Tuy sống ở châu Âu, cụ thể là nước Đức, thế nhưng cháu bé Mai Lan được ba mẹ dạy dỗ hướng dẫn theo nề nếp của gia phong Việt Nam nên Mai Lan rất ảnh hưởng mẹ Kim Lan về quê hương, về tình cảm của Huế, cháu cũng hồn nhiên mô tê, răng, rứa, và biết nhiều thổ âm, thổ ngữ của Huế mình.
Tuy sống ở châu Âu mấy mươi năm trời, tiếp xúc với bao nhiêu phong cách văn minh hiện sinh của nhiều tầng lớp công chúng, mà bản thân chị phải giao tiếp hàng ngày, thế nhưng bản sắc và cốt cách Đông phương mà cụ thể là Việt Nam là Huế - ở chị vẫn không một chút hao hụt mất mát, mà vẫn đầy đặn vẫn hào phóng tiêu pha ngôn ngữ quê nhà.
Đứng trên bục giảng của một trường đại học thuộc châu Âu để giảng triết học, và Phật học là nền tảng đạo đức châu Á, là linh hồn là tinh túy của phương Đông, bằng kiến thức uyên áo, bằng phong thái dịu dàng đầy nữ tính, bằng nụ cười thân thiện chị đã chinh phục sự quý mến cảm phục của bao lớp sinh viên theo học bộ môn của chị. Ninh Giang Thu Cúc nghĩ đó là sự thành công và lực đẩy để các bậc làm thầy các nhà sư phạm sống hết mình cho trọng trách cao quý của một lương sư…
Là một công dân của Tổ quốc Việt Nam, bằng ý thức bổn phận, trách nhiệm và tình yêu dành cho Đất Nước quê hương; phụng sự dân tộc là lý tưởng của mỗi người của mỗi trí thức. Vì vậy mà khi cơ hội đến (1991) chị là một trong các thành viên đầu tiên thành lập Hội giao lưu Đức - Việt cũng như vận động các nhà kinh tế các doanh nhân Đức sang Việt Nam hợp tác làm ăn với đồng bào ta, phần đóng góp trực tiếp của chị với quê hương đất nước về mảng giác dục và văn hóa với những buổi giảng dạy cho sinh viên các trường và tổ chức, chủ trì các hội thảo khoa học, tôn giáo tại các trung tâm văn hóa lớn trong nước như Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh.
Về nghệ thuật - Tiến sĩ Thái Kim Lan đã bỏ tiền riêng để phục hồi lại vở tuồng Đông Lộ Địch của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, phóng tác từ vở kịch Lecid của Corneille từ tiền bán thế kỷ XX, tưởng đã chìm vào quên lãng nhưng qua tấm lòng yêu nghệ thuật tuồng, chị và các cộng sự đã thành công khi đưa vở Đông Lộ Địch sang công diễn ở châu Âu vào năm 2002 đã có tiếng vang tốt đẹp về sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Đức. Với tâm niệm phục hồi tuồng cổ chị đang ôm ấp hoài bão tái tạo gầy dựng lại rạp hát "Bà Tuần" hồi trước tọa lạc tại "ngã giữa" gần tiệm cháo lòng Đồng Ý (nay là đường Phan Đăng Lưu, TP Huế).
Tiến sĩ Thái Kim Lan cũng đang chủ trương một tủ sách "Tuyển tập văn học Đức – Việt” để dịch các tác phẩm văn học từ hai chiều Đức - Việt và Việt - Đức. Công trình này đã được khởi đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Chị là một trong những người đã, đang và sẽ là dịch giả những tác phẩm kinh điển của hai nước.
Tập thơ "Lạnh hơn xứ mình" được sáng tác bằng tiếng Đức, rồi tự tác giả chuyển dịch sang Việt ngữ in tại Đức vào năm 1992 và được Phương Đông in lại vào năm 2008. Chúng ta đọc một trích đoạn tâm sự, tâm tình của nhà thơ Thái Kim Lan trong "lời bạt" của "Lạnh hơn xứ mình".
"… Đến năm 1992, những "bài thơ" ấy chỉ là những mẫu chữ "giữ riêng cho mình" gần hơn 10 năm. "Giữ riêng" là nỗi e dè, không muốn gọi là… "thơ" những con chữ lạ lùng bật ra trong tiềm thức vốn chứa đầy tiếng mẹ bị bặt âm nơi xứ người:
Một khung trời khép lại
Một chân trời mở ra
Người bật lên tiếng lạ
Ú ớ
Gọi hồn ơ hờ
Như… thơ
Nhiều tình cờ hơn định trước trên đường đi… gió lùa trên cỏ, cánh hoa thu không ngơ ngác tìm trong vườn English, hay cơn mưa, hay giá tuyết hay nỗi cô đơn lạnh lùng nơi tha hương hoặc nỗi thất vọng, hụt hẫng giữa muôn khuôn mặt lạ, và ta, cũng lạ với người, phải nhận lấy tất cả những thứ ấy để bắt đầu làm quen, làm nơi cư ngụ mới.
Chúng tình cờ trong cái thế giới mà ta vừa mới cất bước vào… còn chưa tỏ được lời. Rồi bỗng giữa khi học nói, học nghe, những chữ, những lời bật hiện như rơi từ thinh không, lọt vào tay áo, ta cảm nhận cùng một lúc với nhịp đập của con tim như một chút may gặp được tri âm! Âm vang có thể tan vỡ hay hòa điệu, ta đưa chúng thêm một lần vào hồn, và chúng trở nên quen thuộc như tiếng của mình…
Chúng chẳng khác chi những cọng rơm được lượm về xây nên mái tạm trú cho những năm tháng xa quê, trong đó những xót xa gay gắt, những mâu thuẫn, những cạm bẫy, bệnh tình, thiếu thốn, bơ vơ của thân phận con người lưu xứ tự tìm ra âm thanh lên tiếng bày tỏ… Khi nỗi buồn đậm đặc, khi niềm vui ứ tràn, khi sự kinh ngạc phồng lên, khi thất vọng ngập ngụa, thân ta chao đảo, quay cuồng, bỗng nhiên trong khoảnh khắc tình cờ có tiếng vọng nào đó vỡ ra, thanh âm xoắn vào trong cảm xúc… bật nên lời… kết thành lời, thành tên gọi… để hết bỡ ngỡ với cõi trần, cũng nắng, cũng gió, cũng trăng lên, cũng tuyết đổ, cũng chừng thế ấy nhưng hãy còn xa rất xa, mà lạ  cũng thiệt là rất lạ…
“In einem kaelteren Land" bao gồm những khoảnh khắc làm quen, làm lành vết thương hay chia vui chia khổ của một người đi trong xứ lạ, như một cách làm hòa, tìm lại đồng điệu… "gọi hồn ơ hờ" và từ đó nhớm bước cho tâm hồn giải thoát, vượt lên, bay lên, vút qua, thong dong được thở tự do trên những hỉ nộ ái ố thường tình.
Và nếu như thế được gọi là… thơ, thì thơ vẫn e dè trong giây phút ban sơ nhất giữa lạ và quen…
(Trích: Lời bạt - "Lạnh hơn xứ mình")
"Lạnh hơn xứ mình" - một sự so sánh thật thâm trầm… Vâng, lạnh vì thời tiết của hai xứ khác nhau, và lạnh vì cô đơn, nhưng không sao, bởi sự cô đơn đã được chị biến thành dược đơn để có một phát đồ điều trị… mà người đọc đã "thấy" phát đồ ấy qua toàn tập (tất nhiên là ở phần Việt ngữ).
Với một trái tim nhạy cảm và cực kỳ đa cảm, cực kỳ lãng mạn, cái lãng mạn nghiêm cẩn… đó là những tố chất cộng hưởng vào nhau để tạo nên một thi pháp, một văn phong không lẫn được với ai về thể loại văn xuôi của Thái Kim Lan.
Bút pháp của Thái Kim Lan vừa mộng thực mơ hồ sương khói liêu trai, vừa thâm trầm sâu lắng, vừa gợi mở dí dỏm nghịch ngầm lại vừa lễ nghi Khổng Mạnh, vừa vô vi Trang Lão, vừa kín đáo vừa lặng như hồ thu, lại vừa ầm ào như giông gió…

PHẦN THƠ TIỂU BIỂU CỦA THÁI KIM LAN
 
TIẾT THU

Ngọn lá đỏ
Bay
Trở lại
Bầu trời xanh
Trong hồ
hân hoan -
an lành
Đưa tôi
Qua bờ
Bên kia.
 
 
TUYẾT ĐẦU TIÊN

Trong đêm sâu
máu trào lồng ngực
tim bồi hồi
chẳng hiểu vì sao
hóa ra
cây già -
trong sâu u tối -
bừng nở hoa tuyết
lặng lẽ sáng ngời
buổi hừng đông.
 
 
BÀI THƠ TÌNH

Những ngày
Tình yêu chúng ta
Em đếm
Nơi những bức điện tín phát nhanh
"Chào em, em yêu,
một nghìn cái hôn…
Anh của em"
"Em, Anh nhớ em
một nghìn lần hôn.
Anh của em"
"Em, Anh nhất định phải cưới em,
một nghìn lần hôn.
Anh của em"
"Em, lúc nào chúng ta cưới nhau?
một nghìn cái hôn.
Anh của em"…
Thế rồi có lần
tiếng bấm chuông
của người phát thư
im bặt
và tôi bắt đầu
ngồi đếm
những nụ hôn
không khí
chưa đếm kịp
cho đến khi
hình ảnh Anh
nhạt mờ…
 
 
 
 

  
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập