NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

 
   
HỒNG THỊ VINH

Bút hiệu: Hồng Vinh
Sinh năm: 1948
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Hiện ở: Nha Trang

 
TIỂU SỬ, HOẠT ĐỘNG VĂN CHƯƠNG – GIÁO DỤC
 
Cũng như nhà thơ Hồ Dzếnh – người con gái Huế, o nữ sinh Đồng Khánh có gốc gác Minh Hương này đến với thơ ở độ tuổi xấp xỉ trăng rằm (ông cố của Hồng Thị Vinh là người Tàu sang Việt Nam buôn bán và lập nghiệp luôn). Rồi vào tuổi 20 thơ cô xuất hiện ở văn đàn, điển hình là Bán nguyệt san Phổ thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ trương.
Gia đình bên ngoại cô là quốc thích của hoàng tộc Nguyễn triều bởi bà cố ngoại của Hồng Thị Vinh là quý phi của vua Đồng Khánh và mẹ vua Khải Định. Do dây mơ rễ má ấy mà cô có bài thơ “Trước tượng vua Khải Định” và bài “Cung nội”. Hồng Thị Vinh là cháu ngoại của Thượng Thư bộ Lễ Dương Quang Lược.
Hồng Thị Vinh chào đời tại kinh thành Huế và có một đời sống thơ ấu đến hết cấp trung học bên cha mẹ ở thành phố thơ mộng kỳ ảo này. Cô tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn vào năm 1968 (khóa 5), sau đó được bổ dụng vào dạy học ở thành phố Nha Trang và định cư tại thành phố biển từ ấy đến nay.
Sự nghiệp văn chương của cô khởi sắc và có vị trí ở văn học Việt Nam được định hình từ quê hương Khánh Hòa. Với nhiều thể loại sáng tác từ thơ truyền thống, thơ mới, thơ Haiku, và mảng văn xuôi với bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết được đăng tải ở các báo viết và báo mạng như Tạp chí sông Hương, Tạp chí Nha Trang, Đặc san Nhớ Huế, Tạp chí Văn, Báo Người Công Giáo, … Báo mạng thì trang web “newvietart.com” đăng tải các truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó tiểu thuyết “Những cơn bão đi qua”, thơ và truyện của Hồng Thị Vinh đã và sẽ được chuyển ngữ trên trang web này khi tiểu thuyết “Những cơn bão đi qua” đến phần kết thúc.
Khi Ninh Giang Thu Cúc làm hợp tuyển này thì Hồng Thị Vinh đã có 3 tập thơ in riêng, ba tác phẩm chính của cô. Thơ Hồng Thị Vinh nhiều thể loại và thể loại nào cũng thấm đậm chất thiền học và triết lý về nhân sinh, vũ trụ. Chúng ta sẽ bàn về thơ của Hồng Thị Vinh ở phần cảm nhận của soạn giả.
Nên hiểu rằng, để có một hành trang, một tài sản tinh thần ấy, Hồng Thị Vinh đã phải trải qua bao giai đoạn thăng trầm khóc cười hệ lụy từ khi rời ghế nhà trường và đứng trên bục giảng để làm cô giáo, rồi làm vợ làm mẹ, và cả sự thay đổi riêng chung của đất nước, của xã hội và của mỗi số phần, người phụ nữ làm văn chương này phải chịu nhiều nỗi “đoạn trường”, nhiều đa đoan phiền toái. Phải chăng đấy là mẫu số chung dành cho phần lớn những người phụ nữ vướng vào nghiệp dĩ bút nghiên.
“Nữ lưu miền Hương Ngự” trân trong giới thiệu nữ sĩ Hồng Thị Vinh với bút danh Hồng Vinh.

 
PHẦN CẢM NHẬN TÁC PHẨM
 
NGÀN NĂM MÂY BAY
Một chút gì vừa thực, vừa hư huyền, vừa lãng mạn phiêu bồng lại vừa trang nghiêm bí ẩn mà tôi (Ninh Giang Thu Cúc) đã tìm thấy trong toàn bộ sáng tác của nữ sĩ Hồng Vinh.
Trước tiên xin được đọc và cảm vài bài trong tập “Ngàn năm mây bay”.
Nếu bảo thơ là người thì tôi đang gặp một người thơ vừa trần gian vừa xa lạ, vừa thực thể lại vừa mơ hồ:
“… Tôi vứt cành hoa cuối cùng sau khi vẫy người tình muôn vàn khoảng cách. Sau lưng tôi còn mái tóc buông vườn trăng và còn bóng lũ chim khuất sau tổ, sẽ ngủ giấc không chiêm bao.
Sẽ dâng trí nhớ cho người. Ở Huế mùa đông vẫn có những ngày không mưa. Đường về hôm nay buồn len trong xác lá. Heo may còn sót trên ngọn sầu đông. Những ngọn sầu đông trơ thân cằn cỗi…
Tình yêu cũng trút lá: Tôi lộ liễu trước đám đông đầy những con trai con gái đang khiêu vũ trong màn ảo ảnh. Và châm lửa trong khu rừng tình ái đầy huyền hoặc biến thành tro than.”
(HT – HTV)
Nữ sĩ đã từng níu kéo nỗi cô đơn cực cùng để tìm ở đó hạnh phúc trong trống vắng, hạnh phúc trong sự trống vắng phải chăng là một dược đơn linh diệu:
“… Ngôn ngữ được nặn thành hình hài diễm tuyệt bằng đam mê tưởng tượng, có đôi tay ấp ủ đủ bốn mùa xuân hạ… đong đưa ngày tháng như một điệu ru tình bất tuyệt..
Phải chăng là lời nhắn nhủ vào đời đầy niềm tin yêu nhưng vẫn nặng lòng ngờ vực
Những bước gập ghềnh cầu nước cheo leo
Xin nương hồn vào thơ để được phút yên hàn
Xin đưa tâm tình lên một khoảng xa xanh để đón chút rực rỡ của sắc nắng hồng sau những lác đác cơn mưa
Xin một khoảnh khắc vô tư của những cánh chim chiều theo nhau về tổ
Chỉ có thiên thần mới không hẹp lòng
Chỉ có thiên thu mới biết ơn ta đã đến nơi đây
Tặng cho đời hồn thơ trầm thức
Tặng cho người lòng yêu thương chân thực
Nhưng mãi mãi trong hồn vẫn róc rách một dòng sông khát vọng”
(ĐRT – HTV)
Xin vô cùng đồng cảm nỗi khát vọng của nhà thơ Hồng Thị Vinh. Khát vọng là chất liệu nuôi dưỡng sự tồn tại của nhân sinh.

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập