NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự
 
   
HỒ ĐẮC THIẾU ANH

Bút danh: Hồ Đắc Thiếu Anh, Cao Huế, Đông Triều
Sinh năm: 1950, tại Thành Nội Huế
Quê quán: Làng An Truyền, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên
Hiện ở: Sài Gòn

 
 
TIỂU SỬ – HOẠT ĐỘNG KINH TẾ, VĂN HÓA, NỮ CÔNG, XÃ HỘI
 
Hẳn rằng giới làm báo, đài, văn học nghệ thuật và xã hội từ Sài Gòn đến Huế không ai lạ gì với tên tuổi của người đàn bà làm thơ, làm bếp và làm cái việc theo tôi là đẹp nhất – đó là việc sẻ áo nhường cơm cho những số phần bất hạnh, cho từng cơn thiên tai dịch họa trên đất tổ quê cha. Người phụ nữ ấy, người đàn bà ấy là nữ sĩ Hồ Đắc Thiếu Anh.
Đây là một mẫu người biết bão hòa các nghịch lý trong đời sống – bởi nghề của chị là phải đối đầu, đối mặt với những hàng chữ, những con số khô khan, những công thức rắc rối, lạnh lùng (Cử nhân Kinh tế) nhưng nghiệp lại là văn chương phú lục bằng trái tim đa cảm nồng nàn với những rung động, lân mẫn trước bao nỗi bất hạnh của cuộc đời và của kiếp người… Phải chăng tố chất ấy chị được tiếp nhận, được thai thành từ các bậc tiền hiền nữ lưu thông tuệ và nhân hậu của gia tộc Hồ Đắc, mà tiêu biểu là hai vị nữ tu : sư bà Diệu Huệ, sư bà Diệu Không – hai trong ba ái nữ của cụ cố Hồ Đắc Trung.
Chào đời vào mùa thu năm Canh Dần, dương lịch là 23 – 9 – 1950 trong Hoàng thành Huế, được nghiêm phụ Hồ Đắc Hạp là vị hưu quan trí sĩ thuộc bộ Lễ cuối triều Nguyễn, vị túc nho uyên bác này đã đặt cho con gái cưng tên chữ là Thiếu Anh bằng tâm niệm, bằng ước muốn rất dễ thương, rất đẹp.
Từ mẫu Lê Thị Hiền là một phu nhân trọn bề nết hạnh, trọn niềm tứ đức tam tòng và là vị thầy tại gia thường trực của Hồ Đắc Thiếu Anh về môn nữ công gia chánh. Vốn liếng tri thức và trách nhiệm quán xuyến nội trợ; được tiếp thu từ cha mẹ là hành trang lớn để Thiếu Anh hội nhập với xã hội trong từng lĩnh vực.
Khi lên xe cưới để thành bà Nguyễn Quảng Nha vào năm 1974, rồi lần lượt làm mẹ của hai con, hai báu vật một trai một gái, soạn giả có nhận xét là chị đã làm đúng chức năng của người phụ nữ Việt Nam – phụng sự mái ấm gia đình, và với vai trò của người con dâu chăm sóc cha mẹ chồng khi ốm đau bệnh tật trái nắng trở trời, cháo cơm thang thuốc, cùng chồng nuôi dạy con cái nên người, dựng vợ gả chồng vừa đôi phải lứa.
Với công sở, với gia đình chị đã tạm tròn bổn phận.
Nếu quan điểm chung – Thơ là một Đạo giáo, mà người thơ là tín đồ – thì tất cả những người phụ nữ làm thơ đều là những tín đồ vô cùng ngoan đạo, vô cùng trung thành, chung thủy với giáo chủ: Nàng Thơ.
Trên 10 tuổi chị đã mon men đánh bạn với một thể loại văn học vô cùng khắc nghiệt kiêu kỳ: Đường luật – nhưng may thay chị không thất bại…
Và từ đấy nghiệp dĩ hay nghiệp chướng bắt đầu đeo đẳng cô thiếu nữ luôn “tươi tắn như hoa hàm tiếu” cho đến lúc khoác áo vu quy để trở thành thiếu phụ, cho đến lúc làm bà nội bà ngoại, thơ với chị vẫn song hành.
Gia tài của nữ sĩ Hồ Đắc Thiếu Anh tính từ khi tôi làm hợp tuyển này là 4 tập thơ, 4CD thơ nhạc:
·      Hương chùm kết
·      Sông mùa trẻ lại
·      Sao không là ngày xưa
·      Khúc vàng phai
 và một số tư liệu về ẩm thực.
Hợp tuyển này xin trân trọng giới thiệu một gương mặt tài hoa: Hồ Đắc Thiếu Anh, một người đàn bà biết khóc cho nỗi đau của đồng loại, một người làm bếp núc thực tế với cơm ngọt canh lành và cả bếp núc văn chương với bao sơn hào hải vị để dâng tặng cuộc đời, dâng tặng khách tri âm.
“Lục thập nhi nhĩ thuận” sắp tròn vòng hoa giáp, nói gì cũng thuận lẽ trời, tình người – Người mà nữ sĩ từng ví vọng: “Chiếc thuyền đưa em đi qua con sóng đời nghiệt ngã” (PQ - HĐTA).
Chúc nữ sĩ mãi bình yên với chiếc thuyền đời của mình.
Chúng ta sẽ gặp thơ Hồ Đắc Thiếu Anh qua phần cảm nhận của soạn giả.
                                                          
PHẦN CẢM NHẬN THƠ HỒ ĐẮC THIẾU ANH
 
TÌNH YÊU VÀ NỖI SẦU XỨ TRONG “MÊNH MÔNG CHIỀU”

35 bài thơ là một chuỗi hoài niệm của Hồ Đắc Thiếu Anh gởi về cố quận trong cõi mênh mông mà người xưa từng bảo “nhật mộ hương quan…”; ai xa quê ngái kiểng mà không có bao buổi chiều như thế, chúng ta sẽ gặp lại đường xưa lối cũ của Hồ Đắc Thiếu Anh và của chúng ta trong bài:
Đưa em về
Anh đưa em về thăm quê xưa
Có nắng vàng nghiêng đổ bóng dừa
Cho em ửng nóng hồng đôi má
Bẽn lẽn tình xuân hương tóc đưa
Quê xưa của em có nắng vàng màu mật ong đầu hạ, có tàu dừa nghiêng mình ngắm dáng em đi, để nét e thẹn làm ửng hồng đôi má măng tơ ngày hò hẹn, cho em thấy:
Xanh biếc dòng sông gợn gió thu
Thuyền xa văng vẳng tiếng ai ru
Tình em lai láng trên sông ấy
Mà mượt lòng anh bước lãng du”
Bước lãng du của anh có phiêu bạt đến tận góc bể chân trời thì vẫn có lúc nhớ về nguồn cội, về mảnh đất một thời nuôi nấng để em, để anh nên vóc nên hình; bởi vậy làm sao quên, làm sao quay lưng sấp mặt cho nên:
“Anh đưa em về thăm cố hương
Bên những hàng cây soãi lá buồn
Chiêng trống Hoàng thành yên giấc ngủ
Lạnh bóng thềm rồng nhớ Quân Vương”
Ở hai câu sau của khổ thơ này ta bắt gặp nỗi đồng cảm giữa hậu sinh với tiền bối cho dù hai cấu tứ và thể loại sáng tác hoàn toàn khác nhau nhưng ý tưởng lại là một:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
(TLTHC – Bà Huyện Thanh Quan)
Cùng một nỗi niềm hoài cổ giữa cảnh thương hải tang điền; chỉ khác nhau ở ngôn ngữ giãi bày của một Cung Trung giáo tập một nữ quan của hai triều đại phong kiến (cận đại) và một cô kỹ sư kinh tế của thời hiện đại. Cung bậc nhớ thương về một thời trẻ dại được tác giả phát họa và bày tỏ:
“… Đây bến Văn Lâu những chuyến đò
Qua bao mùa lá chở đầy thơ
Sương lam tỏa khói mờ nhung nhớ
Bến cũ rêu phong dấu đợi chờ
… … … …
… Trăng nghiêng một nửa vành môi nhỏ
Khép nép cười qua kẽ lá cau”
Hai câu thơ trên đây theo cảm nhận của riêng tôi là hai câu thơ hay nhất trong bài “Đưa Em về”. Một sự liên tưởng đẹp, một hình ảnh đẹp và lãng mạn cực kỳ.
Khổ cuối của bài thơ đã khóa chặt, đã ấp yêu bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu tâm tư giữa mộng và thực trong buổi quay về:
“… Chan chứa hương xưa lối trở về
Hồn em mê muội giữa trời quê
Cho anh gặt gió vào tay áo
Ủ mát tình em tình say mê”
Tôi thích nhất là cụm từ “gặt gió” mà tác giả đã dùng trong câu thứ ba của khổ cuối. Gặt gió để nhốt vào tay áo của anh thì quả chỉ có Hồ Đắc Thiếu Anh mới có tứ thơ độc đáo như thế!
                                                                       
LINH HỒN LÀ ĐÂY

Đọc hết 35 bài thơ trong “Mênh mông chiều” tôi đã bắt gặp linh hồn của tác phẩm, đó là bài lục bát mang chủ đề toàn tập:

Em về thăm lại dòng sông
Có tình anh trải mênh mông trong chiều
Hương xưa trở giấc tình yêu
Lao xao lá trúc diễm kiều tóc mây
Sương giăng kín mặt sông đầy
Vòng tay quấn quýt dáng gầy hoàng mai
Dịu dàng một thuở trang đài
Ngại ngần như mới yêu ai lần đầu
Đò ngang neo bến sông sâu
Như em gởi mối tình đầu trong anh
Nước ôm bờ đá yên lành
Gió say hương ngọt tình anh bên cầu
Với 12 câu lục bát dễ thương như thế – mềm mại đầy nữ tính như thế, một điều lạ và hình như đó là nét đặc thù trong thơ Hồ Đắc Thiếu Anh là hầu hết các bài thơ đều không ghi lạc khoản cho nên không có dấu mốc thời gian để người đọc suy luận về những bài thơ tình của tác giả. Hay Hồ Đắc Thiếu Anh muốn đánh đố người đọc?
Mênh mông chiều – bài lục bát làm xương sống cho toàn tập duy chỉ một sai sót, một lỗi kỹ thuật nhỏ đó là bị lập vận cho 2 câu bát thứ 8 và 10, làm người đọc bị chững lại một chút, một chút thôi!

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập