NINH GIANG THU CÚC


 
    
ĐẠM PHƯƠNG nữ sử (1881 - 1947)
Họ tên: Công nữ Đồng Canh
Bút hiệu: Đạm Phương
Chức danh: Nữ sử
Thường gọi: Đạm Phương nữ sử
Hội trưởng Trường Nữ công học hội, Thừa Thiên Huế
   

 
PHẦN TIỂU SỬ

Bà Công nữ Đồng Canh là thứ nữ của Quận vương Hoằng Hóa Nguyễn Miên Triện và là cháu nội của vua Minh Mạng.
Tuổi 16, Công nữ Đồng Canh được lệnh hạ giá về làm dâu họ Nguyễn Khoa và là hiền nội của tập ấm Nguyễn Khoa Tùng, cùng là nòi tình nên dễ dàng đồng điệu. Hai ông bà sống hòa hợp, cùng xướng hòa thơ phú dưới nguyệt chén đồng…
Bà là người phụ nữ bản lĩnh và tài năng, kiến thức uyên bác, nên được triều đình bổ dụng làm Nữ quan dạy dỗ cho các công chúa, cung tần mỹ nữ trong tam cung. Bà còn có bổn phận ghi chép lại nội sự trong tam cung lục viện nên được phong là Nữ sử.
Bà đến với văn học và báo chí lúc gần 30 tuổi với mục đích nâng cao giá trị của nữ giới. Xã hội Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XIX rất ít người phụ nữ có tư tưởng cách mạng như vậy, vì đa số đều an phận khuê môn bất xuất và cam chịu làm tì thiếp phục vụ giới mày râu.
Nhờ đọc nhiều hiểu rộng, người phụ nữ này am hiểu kim cổ Đông Tây và thông thạo hai ngoại ngữ Hán, Pháp nên sự hoạt động văn hóa được nhiều thuận lợi.
Từ năm 1918 đến 1920 bà đã giữ mục “Lời đàn bà” của tờ báo “Trung Bắc Tân Văn”, viết cho tạp chí “Hữu Thanh” chuyên đề “Văn đàn bà”. Bài vở bà viết thường đăng trên các báo chí Trung Nam Bắc với nhiều đề tài phong phú hấp dẫn qua các mảng thơ, đối, sưu khảo, nghị luận.
Từ năm 1918 - 1928 bà đã cộng tác với các tạp chí và nhật báo: Tiếng Dân, Tràng An, Nam Phong, Lục Tỉnh, Tân Văn… Bà tha thiết chú ý đến vấn đề: Giáo dục gia đình, giáo dục phụ nữ, giáo dục nhi đồng, nữ công thường thức… và xuất bản tủ sách phụ nữ gia đình mà bà đứng tên chủ biên.
Dạo đó mọi tầng lớp độc giả đều quý trọng và khâm phục việc làm cũng như chí hướng bà phục vụ, bao văn nhân nghệ sĩ đã ca tụng bà qua những câu thơ bài thơ tâm đắc.
Cường như Phục nữ uyên nguyên học
Thắng tự Tào Nga tuyệt diệu từ
Có người đã dịch:
Học vấn uyên thâm như Phục nữ
Văn chương tuyệt diệu tựa Tào Nga
Đây là hai câu kết trong một bài thơ Đường luật của nhà thơ tu sĩ Viên Thành tặng nữ sử Đạm Phương lúc bà nhận Kim Tiền của triều đình nhà Nguyễn ân tặng.
Là một công nương cành vàng lá ngọc, nhưng bà rất lưu tâm đến đời sống của giới phụ nữ bách tính và ngưỡng vọng những bậc kiệt nữ, mà tiêu biểu là những dòng thơ ca ngợi hai bà Trưng.
Chị tiết em trinh đều vẹn cả
Làm cho rõ mặt gái Nam châu
(HBT-ĐP)
Năm 1926 Hội nữ công đầu tiên ở Huế được thành lập với tên gọi “Nữ công học hội”. Bà Đạm Phương làm hội trưởng. Bà Trần Quang Khải làm hội phó và cô Trần Thị Như Mân làm thư ký, và đông đảo sự cộng tác đắc lực của một số các quý bà, quý cô ở Huế lúc bấy giờ. Quan trọng hơn hết, là sự cổ vũ khích lệ tinh thần để công việc này từ ý tưởng mới manh nha trong đầu bà Đạm Phương trở thành hiện thực tốt đẹp. Đó là nhà chính trị có biệt danh Ông già bến Ngự - Cụ Phan Bội Châu.
Cụ, vâng chính cụ Phan trong thời gian bị Pháp giam lỏng ở Huế (chỉ định cư trú) đã cùng một số nhân sĩ trí thức trong đó có nữ sử Đạm Phương, bà đã từng trình bày ước nguyện hoạt động để nâng cao vai trò của người phụ nữ ngoài xã hội cùng với cụ Phan, được cụ hoan nghinh và cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng bàn bạc với nữ sử phương pháp xây dựng và hoạt động của hội. Thế là ngày 15-6-1926 Nữ công học hội cắt băng khánh thành với nhiều đại biểu quan khách tham dự kể cả đại diện của chính quyền bảo hộ thực dân Pháp.
Buổi lễ khánh thành này cụ Phan không thể đến được, nhưng sau đó cụ đã một mình đến thăm trụ sở Hội và tặng tập bản thảo “Nữ quốc dân tu chí” và đã được ấn hành ra mắt độc giả ngay năm sau (1927).
Hoài bão, tâm niệm của người sáng lập Hội đã được ký thác vào hai vế đối treo trang trọng ở hội quán, mà khách vãng lai và hội viên không thể nào không đọc, không thưởng thức khi đến thăm hoặc đến làm việc ở đây.
- Đạo đức sẵn nền xưa, Trung Nam Bắc dìu dắt chị em, xây đắp bồi thêm văn hiến cũ.
- Á Âu đương hội mới, công ngôn hạnh giữ gìn nền nếp, tập tành mong để lợi quyền chung.
Theo thời gian hoạt động, Hội nhận được sự hưởng ứng tham gia của mọi thành phần, được sự tài trợ của nhiều tổ chức và cá nhân, bà thừa thắng thành lập một nhà giữ trẻ mang tên “Nhà trẻ Đạm Phương" do bà đích thân điều khiển và tạo được uy tín tốt, được sự ủng hộ của tất cả đồng bào Thừa Thiên Huế.
Mọi hoạt động của bà đều được mật thám Pháp theo dõi, nhất là sau buổi lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh mà bà viết điếu văn và tự trình đọc ở diễn đàn trong buổi lễ trang trọng do mọi tầng lớp trí thức Huế tổ chức chịu tang cụ Phan, đã khiến nhà cầm quyền Pháp nghi bà có âm mưu khích động về chính trị nên năm 1929 bỏ tù bà hai tháng nhưng không có tang chứng vật chứng, nên đành phải trả tự do cho bà.
Một người phụ nữ hoàng gia vọng tộc, mang tư tưởng sống vì mọi người sống cho mọi người như thế, tài năng và đảm lược như thế thì tất nhiên phải chiếm được sự quý trọng và dễ dàng nhận được sự đồng điệu của bao người.
Ở lãnh vực văn hóa văn học chúng ta thấy bà có những người bạn ý hợp tâm đầu như sư bà Diệu Không, như các cụ cao niên cả tuổi đời và tuổi văn nghiệp đều đến với bà bằng tấm lòng ưu ái. Phải chăng đó là sự cảm thông quý trọng về tài năng và nhân cách.
Với gia đình riêng mà cuộc hôn nhân loan phụng hòa minh giữa bà và phu quân Nguyễn Khoa Tùng, chúng ta hơi tiếc là họ chỉ sống với nhau có 37 năm thì cụ Nguyễn Khoa Tùng đành từ biệt vợ con để về cõi vĩnh hằng sau một cơn bệnh nặng tại quê nhà.
Qua bao biến thiên dâu bể, rất nhiều tác phẩm của bà bị thất lạc, như các tác phẩm có giá trị sau đây đang còn ở dạng bản thảo.
1. Hiệp bích thi cảo
2. Đông quan thi tập
3. Tú dư xích dộc
4. Giáo dục phụ nữ
5. Đạm Phương thi văn tập
6. Năm mươi năm về trước
Tác phẩm đã được xuất bản:
1. Phụ nữ giữ gia đình (Thư quán Gò Công in 1928)
2. Kim Tú Cầu (tiểu thuyết) 1928 (nhà in Bảo Tồn Sài Gòn)
3. Hồng Phấn tương tri (1929), Nữ lưu thư quán Gò Công in
4. Giáo dục gia đình (1942) Lê Cường Hà Nội xuất bản.
Với 39 năm hoạt động cho nền báo chí và văn học nước nhà, bà đã để lại cho đời và cho nữ giới tấm gương cần mẫn, tấm lòng vị tha thấm đẫm tình người.
Trong cuộc sống gia đình bà là người vợ đảm mẹ hiền, rất tiếc là phu quân Nguyễn Khoa Tùng của bà sau 37 năm hương lửa đã không cùng bà đi tiếp trên hoạn lộ mà cưỡi hạc quy tiên quá sớm.
Năm 1946 toàn quốc bùng nổ kháng chiến chống Pháp, bà đã cùng con cháu tản cư ra Thanh Hóa và năm 1947 đã qua đời tại huyện Lạc Lâm (Thanh Hóa). Các con của bà mất đi một người mẹ hiền, đất nước mất đi một công dân gương mẫu, và quê hương Thừa Thiên Huế, nữ giới Huế mất đi một bậc nữ lưu thông tuệ tài năng. Nhưng cái còn lại để chúng ta mãi tự hào là sự nghiệp và nhân cách của bà còn lưu mãi với mai sau.
Trích từ tập “Nữ Lưu Miền Hương Ngự”

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập