NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

   
TÔN NỮ THU THỦY

Bút hiệu: Diệu Anh, Cát Tường,
Tôn Nữ Thu Thủy
Sinh: 27 – 10 – 1953     
Quê quán: Vĩ Dạ, Thừa Thiên Huế
Hiện ở: 154/61A Âu Dương Lân
                  P3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh 


TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, VĂN HỌC, BÁO CHÍ

Người phụ nữ có vóc dáng mềm như lụa và nét hiền thục rất dễ gây thiện cảm với mọi người qua lần đầu đối diện được hai đấng sinh thành cho mang cái tên gọi khá tĩnh lặng – bởi dòng nước mùa thu hay hồ thu thì làm gì có những trận ba đào hung hãn, có chăng chỉ là những gợn nhẹ lăn tăn trang điểm cho mặt nước hồ thêm diễm kiều, lãng mạn khi heo may về bầu bạn với sương lam.
Thu Thủy được mẹ cho làm người vào cuối mùa thu năm Quý Tỵ (27/10/1953).
Kể từ Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng vì nhiều lý do bức bối cộng thêm lời mặc khải của bậc tiên tri Bạch Vân cư sĩ, ông đã xin với Trịnh Kiểm và nhờ sự can thiệp của bà Ngọc Bảo – vợ Trịnh Kiểm và cũng là chị ruột của mình ông mới được vào trấn nhậm miền Ô Châu ác địa. Rồi với bản lĩnh của một bậc võ tướng, cùng chí hướng lập nghiệp của bậc trượng phu ông đã biến vùng đất ấy thành nơi dân cư trù phú, ruộng mật bờ xôi để trở thành vị chúa mở cõi đầu tiên cho tám đời kế nghiệp, tên tuổi của ông đã dính liền với ngôi đại tự hùng vĩ ở Thừa Thiên Huế: Linh Mụ – Nguyễn Hoàng.
Tôn Nữ Thu Thủy là cháu đời thứ 5 của vị chân chúa đức tài đảm lược ấy. Cô thuộc trực hệ của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, là chắt nội của Phụ Chánh thân thần Tôn Thất Hân phụng sự qua hai đời vua gần cuối triều đại nhà Nguyễn – ấy là Duy Tân và Khải Định.
Ông nội của Thu Thủy cũng là một đại thần phụng sự mọi việc ở Tôn nhơn Phủ – đó là cụ Tôn Thất Ngân.
Thân phụ của Thu Thủy thuở thiếu thời là cậu ấm Tôn Thất Tuân, nếu Nguyễn triều còn trị vì thiên hạ thì cậu ấm Tuân hẳn phải có một trọng trách, một phẩm trật gì để kế thế ông cha, nhưng khi vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Hội đồng Cách mạng lâm thời vào mùa thu 1945 để làm công dân Vĩnh Thụy, lúc đó tính từ ngày sinh thì cậu ấm Tuân vừa 24 tuổi. Vương triều nhà Nguyễn nhường sứ mệnh cho trăm họ – cậu ấm Tuân thành một công dân của một xã hội mới, ông là một công chức mẫn cán đến ngày đất nước thống nhất. Hiện giờ cụ Tôn Thất Tuân và phu nhân có nhũ danh Lê Thị Thu Sương đang vui thú điền viên bên những người thân yêu ở Thành nội, Thừa Thiên Huế với tuổi đời 90 và 81. Hạnh phúc vô cùng cho Tôn Nữ Thu Thủy là giờ này vẫn còn hai cây đại thọ, hai bóng mát để Thu Thủy thương yêu và được thương yêu, được gọi “Mẹ ơi!” lúc mỏi gối chồn chân với bao nhọc nhằn hệ lụy, có nơi chốn trở về để được sưởi ấm bởi tình cha.
Tốt nghiệp toàn phần Cử nhân Văn chương ngành Sư phạm vào năm 1975, Thu Thủy trở thành cô giáo và có quyết định về Nha Trang dạy vào năm 1976. Đất nước thời hậu chiến với bao khó khăn, ngành ngành khó khăn, nhà nhà khó khăn, người người khó khăn – cô giáo hoàng gia vọng tộc Thu Thủy làm sao thoát ra quỹ đạo ấy được… Nhưng nhờ nghị lực và sức chịu đựng tất cả rồi cũng qua đi – sự tồn tại nào chẳng được trả giá bằng nỗi khổ niềm đau.
Năm 1981 cô giáo Thu Thủy lập gia đình với nhạc sĩ Hồ Văn Thành phải chăng do sự đồng cảm đồng điệu của hai tâm hồn yêu nghệ thuật, tôi (NGTC) có suy nghĩ là những người phụ nữ Huế làm thơ có một ảnh hưởng rất sâu xa từ lời ru của mẹ thuở ấu thơ, những lời ru bằng thơ, bằng ca dao, bằng Gia huấn ca, bằng Việt Nam Quốc sử diễn ca của mẹ theo con vào giấc ngủ thần tiên và ngấm vào con từng vi ti huyết quản. Tôn Nữ Thu Thủy cũng vậy, tuổi 13 đã có thơ thiếu nhi đăng báo ở Sài Gòn và văn nghiệp cứ thế dấn thân theo ngày tháng để hôm nay Văn học văn đàn Việt Nam có nữ sĩ Tôn Nữ Thu Thủy.
Sau 1975 bài thơ được đăng báo đầu tiên của Thu Thủy là bài “Khi dừng lại ở Truồi” (đăng ở báo Văn nghệ Bình Trị Thiên).
Năm 1984 Thu Thủy cùng 2 tác giả nữ in chung tập “Dòng sông khoảng đời”, đến 1988 Thu Thủy in riêng tập “Viết tặng Ánh Lửa”
Sau hơn 10 năm quần thảo trên bục giảng với bảng đen phấn trắng tại một ngôi trường Trung học ở Nha Trang cùng những trang viết khắc khoải về những tang điền dâu bể:
“Khung cửa cũ chiếc bàn gỗ cũ
Trang giấy rời cây viết cạn khô
Ngày như pha lê buông rơi từng mảnh
Giữa cát bụi này người là những câu thơ”
(Hồi ức về 1978)
Thu Thủy lại cùng chồng con khăn gói gió đưa giã từ thành phố biển vào miền đất mà đã có thời được phong tặng “Hòn ngọc Viễn Đông”. Xa quê thêm một chặng đường cánh chim thiên di có ôm sầu cố quận khi nhìn về phương Bắc mờ xa, nơi ấy có “Lòng lão thân buồn khi tựa cửa”?
Vào Sài Gòn, 3 năm sau Thu Thủy cho ra mắt tập thơ “Trái đất đang nóng dần lên” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 1991.
Rồi “Hoa hồng xanh” – tập thơ thiếu nhi do Nxb Đồng Nai ấn hành năm 1998.
“Mắt lá” – thơ do Nxb Trẻ ấn hành năm 2002.
Giã từ bục giảng đã tâm huyết trong bao nhiêu năm và tạm biệt đám môn sinh thương mến, chị lao vào một lĩnh vực khá truân chuyên là làm báo và viết báo để dung hòa được hai mảng văn phong là văn chương và báo chí – đòi hỏi người viết phải có cái nhìn, cái cảm vừa linh động cập nhật vừa tinh tế sâu sắc – điều này Tôn Nữ Thu Thủy có đủ khả năng.
Cuộc “Hôn phối giữa Nhạc và Thơ” đã cho ra đời một tác phẩm lớn – một bản giao hưởng gồm có 4 chương (soạn giả muốn nói đến 4 cậu con trai của Thành – Thủy ấy mà).
Cầu mong mái ấm nơi che chở nắng mưa của đất trời và của cuộc đời của nhạc sĩ Hồ Văn Thành và nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy luôn ấm nồng bếp lửa yêu thương.
Chính kiến của soạn giả về văn chương của nữ sĩ Tôn Nữ Thu Thủy quý vị sẽ đọc tiếp ở phần cảm nhận của soạn giả.
 
PHẦN CẢM NHẬN THƠ TÔN NỮ THU THỦY
 
ĐỌC LỤC BÁT CỦA TÔN NỮ THU THỦY
 
Lục bát là một thể loại rất mềm dẻo nhún nhường nhưng lại cực kỳ khó tính, nếu người sáng tác vận dụng câu chữ vần điệu không khéo léo uyển chuyển lập tức nó sẽ biến thành “vè” ngay. Người đọc hồi hộp theo dõi từng câu, từng vần chùm thơ lục bát của Tôn Nữ Thu Thủy in ở tập “Thơ lục bát” của 14 tác giả do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Điều đáng mừng là tác giả đã không phụ lòng người đọc.
Bằng ngôn từ nhẹ nhàng Tôn Nữ Thu Thủy đã đưa bạn đọc theo chị với những cung bậc mượt mà khi đứng trên đỉnh của “Biển mây” vọng tưởng về mái ấm với bao tình cảm và bao kỷ niệm của thời còn nép trong vòng tay của phụ mẫu, nhìn mưa ở đèo Hải Vân mà liên tưởng:
“Hạt nào rơi xuống vườn sau
Rung trong sân trước một màu xanh xanh
Mái nhà cha mẹ thôi đành
Xa xăm ở giữa nội thành xa xăm
 
Đâu là cây cỏ trăm năm
Ở bên thềm sáng bên thầm lặng xưa
Đâu hương trầm kinh sách xưa
Bước chân cha mẹ bên bờ hư không …”
(MQHV – TNTT)
Không một đứa con nào xa nhà, xa cõi miền hạnh phúc một thời thơ trẻ lại không mang tâm trạng hoài niệm ấy.
Ta thấy gì ở bài “Ngày thường” của tác giả – vâng, vẫn là những cung bậc tha thiết về một vùng miền no đầy ký ức:
“… Tôi bắt đầu ở nời đây
Bắt đầu cùng cội cùng cây thắm cành
Bắt đầu như chim manh manh
Vụt bay qua giữa triền xanh nao lòng
 
Bắt đầu ngọn lửa bếp nồng
Bàn tay quét lá rụng trong sân thềm
Bàn tay nhặt ngọn rau mềm
Vấn vương ý cũ nỗi niềm ca dao
 
Tôi đang đứng giữa vườn sau
Nụ cười của mẹ thấm vào không gian
Lời cha sau trước bảo ban
Cuộc đời lớn rộng lòng vàng bền lâu”
(NT – TNTT)
Trong ký ức thẳm sâu của người con xa xứ chị rưng rức cầu mong:
“… Chẳng hề mất chẳng hề vơi
Ngày thương tiếp nối đắp bồi tình yêu”
(NT – TNTT)
Trong cõi nhân sinh ai ai trong chúng ta cũng đã một lần hay nhiều lần khóc cười bởi khổ đau và cả khi hạnh phúc. Nước mắt, nụ cười xóa tan hờn giận ấp ủ tin yêu, tôi tìm thấy điều ấy trong bài “Không đề” của Tôn Nữ Thu Thủy:
“Đi qua nước mắt nụ cười
Gừng cay muối mặn là lời nghìn năm
Em bên trời đất thuận đằm
Đóa hoa mới nở nhụy lòng thì xanh
Em nói thế em thương anh
Trái tim lửa đỏ đời thành thế thôi”
(KĐ – TNTT)
Chỉ cần từng ấy câu 6 – 8, “Anh” đã thấy được sự thủy chung của “Em” rồi, cần gì bày tỏ dài dòng, bởi nguyên lý của nghìn đời là gừng thì cay, muối thì mặn, cay mặn hòa trộn vào nhau khi em:
“Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”
(Ca dao)
Thông điệp tình yêu của Tôn Nữ Thu Thủy ngắn gọn kiệm lời như thế đó
 
ĐẾN VỚI “TRÁI ĐẤT ĐANG NÓNG DẦN LÊN”

Nhìn tựa tập thơ soạn giả cứ nghĩ đây là tư liệu của Nha khí tượng thủy văn với lời dự báo mang tính chất SOS.
Nội dung bài thơ “Trái đất đang nóng dần lên” quả là một lời kêu cứu thật, một thông điệp đầy tính thời sự với ít nhiều triết lý nhân sinh. Đúng vậy, trái đất đang nóng lên bởi sự tàn phá của một thời chiến tranh lửa đạn, và cả bàn tay con người hủy hoại môi sinh … Và cả xứ sở tâm hồn của mỗi chúng ta cũng đang bị chính chúng ta tàn phá không mảy may thương tiếc. Ta tàn phá tâm hồn “nhân chi sơ tính bản thiện” của ta với những đố kỵ ghét yêu, giận hờn thương tiếc, và cuối cùng mỗi chúng ta tự phá phách đến vô sản cuộc đời mình?!
Trở lại với “Trái đất đang nóng dần lên” của Tôn Nữ Thu Thủy ta thấy chị là nhà quay phim ôm ống kính camera ghi nhận từng nhịp thở cuộc đời chung quanh chị với sự đồng cảm của “Anh”:
“Anh nói về tin tức mới đọc
Buổi sáng còn lẫn trên những mái nhà
Những con đường chúng ta đi qua
Đẹp tuyệt vời mang tên Nguyễn Huệ, Đồng Khởi
Giấu trong lòng ngày qua và những bước chân in vết
 
Anh nói về chiến tranh như một nỗi ám ảnh
Những đổ vỡ
Những người đã chết
Người sống nào ngậm cười?
Chính lòng ta là xứ bị tàn phá nhiều nhất
Câu ấy chưa trôi qua …”
(TĐĐNDL – TNTT)
Tập “Trái đất đang nóng dần lên” có 30 bài thơ, tất cả đều được hình thành bằng một văn phong triết lý và triết luận về thân phận của con người, của mỗi người, điều này ta gặp ngay ở bài “Em đi tìm chính em”
“… Em đi tìm chính em
Thời gian vừa rơi khẽ
Vầng trăng khuyết trong em
Đầy nỗi đau được mất
 
Em đi tìm chính em
Ở trong anh một nửa
Nơi đâu đời gặp gỡ
Nơi đâu đời cách chia?”
(EĐTCE – TNTT)
Từ thuở hồng hoang cổ sử người ta đã biết đi tìm một nửa của mình ở nơi em hoặc nơi anh, và cứ thế hết đời này đến đời khác, cứ lang thang quyết tìm cho ra một nửa của đời mình – tìm đến rớm máu gai đời trên đôi chân nhỏ, đến:
 “Kiệt cùng và giàu có”
(EĐTCE – TNTT)
Tìm được rồi kẻ trắng tay trở thành muôn ức nghìn chung. Nhưng nếu sự bôn ba kiếm tìm đó chỉ là mò kim đáy bể thì:
“… Em không còn là em
Chỉ như một viên sỏi
Chỉ như một bóng đêm”
(EĐTCE – TNTT)
Thơ ca nhạc họa là cứu cánh của cuộc đời, trong chiến tranh ca nhạc có một công năng diệu kỳ cả hai mặt, cũng một bản nhạc khiến người chiến sĩ xung phong lên trước quân thù, cũng một bản nhạc khiến quân lính buông gươm bỏ súng, đó là loại âm nhạc phản chiến. Thuở Hán Sở tranh hùng, bao nhiêu binh lính quan quân của Sở bá vương Hạng Võ bỏ chiến trường vì một bản bi ca của Trương Lương:
“Đêm khuya mờ mịt trời sương
Có người thiếu phụ quê hương đợi chờ
Sa trường vó ngựa trầy gót binh nhung
Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa
Mỏi mòn trông ngóng mẹ cha
Canh khuya vò võ tuổi già đợi con
Chí trai vạn dặm
Hồ thỉ bốn phương
Nhưng anh đi đã lầm đường
Giúp người tàn bạo không thương dân tình
Mơ màng nửa giấc ba sinh
Một đi, một ở, một mình, một ta”
Tôi dài dòng tung tẩy như trên là vì rất thích bài “Tin và Nhạc” của Tôn Nữ Thu Thủy, bài thơ cho tôi sự liên tưởng chiến tranh và hòa bình, súng gươm và âm nhạc:
“13g00. Bão. Nguy cơ chiến tranh
Lao động thừa. Nạn lừa đảo…
 
Như gỗ bị vết khắc
Trái tim trong cõi đời này
 
13g5ph. Nhưng đó là sự thực cứu chuộc
Âm thanh dẫn ta đi
Phía mặt phẳng, chiều cao vĩnh viễn
 
Dù bốn tiếng gõ
Định mệnh thách đố
Beethoven
Cơn lốc vẫn cuộn lên
Xoáy tròn niềm vui qua đau khổ
 
Đồng quê giao hưởng
Mùa hạ róc rách tràn trề
Đỏ thắm niềm say mê
Suối, cơn dông, mặt trời nở
… … …
Như gỗ bị vết khắc
Trái tim trong cõi đời này
Nhưng có dòng nhạc nào không vang lên từ trái tim nhiều đau khổ?”
(TVN – TNTT)
  
“DỌC ĐƯỜNG” – TIẾNG CƯỜI TRONG NIỀM ĐAU

Không gian, phong cảnh được phác họa trong tranh bao giờ cũng khác xa với không gian, với cuộc đời thực tế, ta thấy thi ảnh trong thơ Hồ Xuân Hương “Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo. Đường đi thiên thẹo quán cheo leo”
Cũng trong cái “quán đời” ở một góc nhỏ nào trên mảnh đất này tác giả của bài “Dọc đường” đã thấy, đã chiêm nghiệm:
“Tôi đã ngồi sau một vệt nắng xanh
Từ hướng nào gió thổi
Một người móm mém rót cho tôi ly trà
Rưng rưng mùi nhang khói từ sâu thẳm
quán lá và tấm ảnh người con chết trận ở biên giới, 1988
Người mẹ già
Cười như khóc
Bán nước
Nhớ con
Buổi sáng vẫn lặng lẽ, bình thường
 
Nơi tôi một lần qua
Biết có khi nào trở lại”
(DĐ – TNTT)
“Dọc đường” là một tâm trạng khắc khoải của tác giả về bao sự, bao tình giữa cõi nhân sinh.
 
“BIỂN TRONG EM” – TÔN NỮ THU THỦY

Ai đã từng đứng trước biển để thấy sự bao la trùng trùng sóng nước, mặt biển khi dịu dàng trầm mặc với những làn sóng nhẹ như ru ta trong thu biếc nắng hồng. Đó là biển của đất trời thực thể, còn biển trong mỗi chúng ta thì sao nhỉ? Còn với Tôn Nữ Thu Thủy thì “biển trong em” có thể biển thật – với một chiều hè tác giả ngồi nhìn mây nước bằng tâm trạng của một kẻ phiêu bồng kiếm tứ đề thơ, nhưng cũng có thể “biển trong em” là những cuồng nộ bất bình vô ngôn “Nghìn năm thế giới thét gào lặng im” và biển trong em là:
“Giữ hộ mãi mãi
Giấc mơ
Ngững ngã đường kỳ ảo
Luôn có bến bờ nào
Chưa đến được…”
(BTE – TNTT) 
 
BÀI THƠ “NHẬT KÝ” ĐƯỢC VIẾT BẰNG TRÁI TIM ĐA CẢM
Công bằng là một điều khó trên thế giới loài người cho dù người thơ thấy và bao người có trách nhiệm “lo cho trăm họ…” thấy – nhưng để thực hiện được công bằng trong nhu cầu sinh hoạt, trong hưởng thụ tiện nghi là một điều bất khả, người thơ xót xa khi nhìn thấy:
“Những ngôi nhà lớn che khuất những căn nhà ổ chuột…”
(NK – TNTT)
Những trái tim nhân hậu thắt lại, trái tim người thơ khi nhìn bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương:
“Có ai đang ăn trưa trong nắng
Có ai ngủ trên càng xe ba gác
Có ai đào bới trong rác
Không thấy bóng mình trên kinh nước đen”
(NK – TNTT)
Tôi biết tác giả nghĩ gì khi hạ bút:
“Có một người điên lang thang làm cho người khác tỉnh táo hơn…”
(NK – TNTT)
Đọc câu trên tôi chợt nhớ Nguyễn Bá Trác với:
“Nào ai tỉnh nào ai say
Chí ta ta biết lòng ta ta hay…”
(HT – NBT)
Chí của trượng phu hay của nữ nhi có chút tâm huyết với cuộc đời với con người thì vẫn như nhau… nhưng cái đáng bàn là không phải một mình “ta hay” mà có nhiều trái tim đồng cảm “cùng hay” cho dù:
“Trời vẫn xanh vô tình
Gió bụi người đi
Đá sỏi người đi
Nào ai biết “ngày sau sỏi đá””
(NK – TNTT)
Tuy là một “nhật ký” ngắn gọn nhưng tác giả đã ký thác nhiều tâm sự bằng trái tim đa cảm của người phụ nữ, của người thơ.
“Trái đất đang nóng dần lên” là một tiếng nói của lương tri, lời cảnh tỉnh trong mọi trạng huống…

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập