NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

   
HOÀNG XUÂN THẢO

Họ và tên: Hoàng Thị Thảo
Sinh năm: 1953
Quê quán: Điền Môn, Phong Điền,
                 Thừa Thiên Huế
Hiện ở: 81 Mai Thúc Loan, TP Huế


TIỂU SỬ – HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, VĂN HỌC VĂN NGHỆ

Tiền thân của bà Duy Mong chủ tiệm kim hoàn “Thuận Thành - Duy Mong” và khu “Tịnh Tâm Kim Cổ” ở nội thành Huế – là cô thôn nữ nhu mì hiền thục được chào đời ngày 2/2/1956 tại làng Điền Môn, huyện Phong Điền thuộc phía Bắc của thành phố Huế.
Ở tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, cô đã yêu thơ và mon men làm được 5 - 7 bài thơ xếp vào tập vở, rồi tình yêu đầu đời đến cô yêu và được yêu – người yêu cô là anh trai làng từng là bạn học thuở vỡ lòng cùng nhau chạy nhảy trên sân trường ăm ắp niềm vui… Yêu và được yêu – cô thấy cuộc đời quá đẹp – đẹp hơn cả thơ trời ạ, vì người yêu của cô đã là một bài thơ, một tác phẩm hoàn hảo mà đất trời ban tặng cho tuổi băng sương của nàng thôn nữ – thế là cô quay lưng với thơ chẳng ngó ngàng chi tới mực đen giấy trắng. Từ khi yêu nhau cho đến khi nên chồng nên vợ, mối tình đầu đời trở thành duyên giai ngẫu bách niên, cô dâu Xuân Thảo e ấp cất bước vu quy vào ngày 10/11/1975. Soạn giả nghĩ chắc hai người này là Tiên Đồng Ngọc Nữ hẹn nhau trốn khỏi thiên đình xuống trần gian để làm chồng vợ nên mới xuôi chèo mát mái như có sự sắp xếp của ơn trên và của thần tình ái để Duy Mong - Xuân Thảo thành đôi uyên ương chắp cánh liền cành, rồi:
“ Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
Tôi muốn nói cánh đồng mà vợ chồng họ cày cấy là cánh đồng thương trường, thị trường vàng bạc đá quý.
Cùng chung lưng đấu cật, cũng chín nắng mười mưa, cũng hai sương một nắng cuối chợ đầu sông dựng gầy cơ nghiệp, bởi:
“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” nên mới có một gia đình êm ấm hạnh phúc, đẻ cái sinh con - bảy đứa con lần lượt ra đời là bảy niềm hạnh phúc, bảy báu vật vô giá của đôi vợ chồng trẻ này, cứ thế nhờ phúc ấm gia tiên và sự tháo vát năng động của bản thân cùng sự may mắn của số phận, vợ chồng từ ăn nên làm ra dần dần trở thành chủ nhân của các cơ sở kinh doanh kim hoàn có tiếng ở tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.
Hình như Xuân Thảo với mọi việc đều được chứng minh theo định lý thuận, khi công việc làm ăn yên ổn con cái thành nhân ơn cha nghĩa mẹ chu toàn đầy đủ, thì duyên thơ và nàng thơ lại về với cô tuy có chậm nhưng vẫn chưa muộn, vào những năm cuối thập niên 90 cô đã trở về với bút mực và nguồn thơ đã dồn dập ùa về, Xuân Thảo đã viết và viết nhiều như để bù lại hơn 20 năm quên nghiên bỏ bút, cô trở thành hội viên của các câu lạc bộ thơ ở Huế và có thơ in rải rác ở các báo chí, các tuyển tập.
Xuân Thảo có thơ in ở tuyển “Dạ thưa xứ Huế” bài “Hương Xuân” (trang 31), ở hợp tuyển “1000 nhà thơ Huế đương thời” có bài “Dáng Huế” ( trang 324), ở “700 năm thơ Huế” cô có bài “Hương Xuân” (trang 418).
Năm 2000 Xuân Thảo xuất bản tác phẩm chính đầu tay có tựa đề “Hương Quê” do nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép.
Năm 2005 tác phẩm “Tình thơ” lại tiếp tục trình làng cũng do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.
Đến bây giờ (2010) tác phẩm thứ 3 lại đến với bạn đọc, cho chúng ta thấy sức sáng tạo của tác giả sung mãn như thế nào – bởi với một người làm kinh doanh luôn đối mặt với những con số, những chỉ, những lượng, khô khốc mà còn làm thơ nữa – thì đó là điều đáng trân quý. Mười hai năm có 3 tập thơ, một số lượng đáng kể còn về chất lượng thơ và nhân cách thơ, đạo đức thơ thế nào ta sẽ hiểu hơn qua phần cảm nhận của soạn giả (NGTC).
Chúng ta cùng nhau xâm nhập vào vườn thơ của Hoàng Xuân Thảo nhé

PHẦN CẢM NHẬN TÁC PHẨM
 
TẬP “HƯƠNG QUÊ”
“Hương quê” là tập thơ đầu tay sau 2 năm lao tác với chữ nghĩa đã ra mắt bạn đọc do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào cuối năm 2000 là món quà xuân tinh thần của Hoàng Xuân Thảo dành kính dâng quê hương tổ phụ, tình nghĩa vợ chồng, con cháu, và bằng hữu chi giao.
Tập thơ trang nhã về dáng vóc ngoại hình, bìa một đúng với chủ đề toàn tập – một hình ảnh quê kiểng với lưới chài sông nước khiến ai đi xa chẳng chạnh niềm cố quận khi dán mắt nhìn vào, nội dung tốt – tốt đây là tôi đang đề cập về mặt đạo lý chứ chưa đụng vào phần kỹ thuật sáng tác của tác giả đâu nhé.
Tốt là tác giả đã viết về quê hương, cha mẹ với lòng trân trọng biết ơn về công lao trời biển của hai đấng sinh thành:
“Mẹ ơi đã chẵn mười năm
Cửa nhà vắng mẹ gối chăn lạnh lùng
Cha luôn buồn bã não nùng
Chúng con thiếu mẹ chung cùng nỗi đau
Ngày xưa nghèo khổ cháo rau
Đưa con khôn lớn mong sau mẹ nhờ
Chúng con có được bây giờ
Vẫn luôn ghi nhớ ước mơ mẹ hiền …”
(NM – HXT)
“Mười năm qua vắng mẹ
Chúng con cùng nỗi đau
Ơn cha nghĩa mẹ khắc sâu
Chúng con tạc dạ mong sao đáp đền
Công lao trời biển khó quên
Giờ mong báo hiếu mẹ hiền còn đâu
Thắp nhang con khấn nguyện cầu
Hương hồn của mẹ nhiệm mầu thời gian”
(ONST – HXT)
“Huế quê mẹ như vầng trăng mười sáu
Đẹp vô ngần soi bóng nước Hương giang
Tôi yêu Huế, bởi dòng sông xanh mát
Chảy hiền hòa uốn lượn giữa thành đô …”
(HQM – HXT)
Vâng! Mẹ là quê hương và quê hương là mẹ, có mẹ là có quê hương bởi trong quê hương có mẹ. Tôi còn nhớ một người bạn tôi có cặp lục bát về quê hương và mẹ như thế này:
“Con về quỳ giữa quê hương
Thầm hôn lên những bước đường mẹ qua”
(NT)
Bài “Đò dọc” cho chúng ta thấy Hoàng Xuân Thảo là một cô gái đa cảm đến dễ thương trong tình yêu. Hoàng Xuân Thảo kể lại cuộc chia tay giữa hai kẻ yêu nhau với ngôn ngữ thật thà hồn nhiên của một nàng thôn nữ:
“Nhớ chuyến đò đưa em về thôn nhỏ
Anh đứng nhìn làm em thấy thương ghê
Em biết anh chẳng muốn để em về
Em cũng thế, xa anh lòng chẳng muốn …
… … …
Em không trách trời sinh chi đò dọc
Sao không hoài buộc chặt bến yêu thương
Thương anh nhiều nhưng chẳng biết sao hơn
Đành tạm biệt, em về anh ở lại.”
(ĐD – HXT)
Từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” rồi thời gian trôi – ông Tơ bà Nguyệt đã buộc chặt đôi trai gái ấy nên vợ thành chồng, bền duyên son sắt thủy chung một chữ đồng tâm, mà thành quả là một đàn con thành nhân chi mỹ để sau 25 năm ngày hôn lễ họ vẫn bồi hồi nhớ lại thuở yêu nhau với niềm rung động như thuở ban sơ:
“Ngày xưa còn bé đôi ta
Hai nhà ở cuối cây đa đầu làng
Chiều về nắng trải lụa vàng
Bốn mùa hoa mướp trên giàn đơm hoa
Ngày nào anh cũng ghé qua
Ngắt cành hoa mướp làm quà tặng em …
… … …
Tình xưa dấu ấn đậm đà
Nhớ xưa kỷ niệm tặng hoa ban đầu
Thời gian như phép nhiệm mầu
Cho ta nối lại nhịp cầu ngày xưa
Ơn trời sao khéo đẩy đưa
Gặp nhau tình cũng đã vừa lứa đôi
Ngày ngày tháng tháng êm trôi
Tơ duyên khéo buộc nên đôi vợ chồng …”
(DA – HXT)
Đôi vợ chồng ấy, người thiếu phụ, người mẹ trẻ ấy đã làm tốt đạo tam tòng và đến lượt người mẹ trẻ Hoàng Xuân Thảo lại dặn dò con gái đầu lòng trước phút vu quy:
“Con ơi! Nhớ lấy những lời
Yêu thương mẹ dặn suốt đời khắc ghi
Thuyền quyên phận gái một khi
Theo chồng nhớ giữ lễ nghi đôi đường
Lời ăn tiếng nói nhún nhường
Kính trên nhường dưới lẽ thường chớ quên …”
(KC – HXT)
Mọi người Mẹ (tôi viết hoa từ Mẹ) trên hành tinh này đều mang vác vào thân bao ước nguyện tốt đẹp cho con cháu, từ làm Mẹ đến làm bà, người phụ nữ không lúc nào nguôi quên nỗi lo âu cho con trong mọi tình huống, mà điển hình là người Mẹ Hoàng Xuân Thảo đã mừng vui lẫn hồi hộp lo lắng thế nào khi nghe con gái mình đang chuẩn bị hành trang vượt cạn, sự lo lắng cho sự an toàn của con khi “đi biển một mình” và vui mừng khi bản thân sắp trở thành bà ngoại:
“Đang vui nghe báo đầu dây
Con đang chuyển dạ mẹ đây sang liền
Ngập ngừng mẹ đứng ngoài hiên
Cầu cho con được thỏa niềm ước mong
Đợi chờ, hồi hộp ngóng trông
Mẹ cha nội ngoại trong lòng âu lo
Lần đầu chuyển dạ con so
Lạ đường lạ nước cầu cho vuông tròn …”
(CCD – HXT)
Còn gì hạnh phúc hơn cho bậc làm cha làm mẹ khi chứng khiến niềm hạnh phúc của con cái, Hoàng Xuân Thảo cũng không ra ngoài lệ ấy với bài:
MỪNG CON
“Ba mẹ mừng con cuối kỷ nguyên
Đầu lòng sinh quý tử ngoan hiền
Cưu mang chín tháng bao công khó
Mong ước con trai được thỏa nguyền”
Là một doanh nhân nên trong niềm vui tột cùng khi chứng kiến phút giây chào đời của đứa cháu ngoại Hoàng Xuân Thảo vẫn tỉnh táo để cân đo:
“Mở mắt chào đời kháu khỉnh thay
Ba cân hai, nặng mấy ai tày
Ngoại cầu chúc cháu nhanh khôn lớn
Sớm được thành danh phước quả đầy”
(CC – HXT)
Trên đây soạn giả (NGTC) đã giới thiệu cùng công chúng mảng thơ quê hương, cha mẹ, gia đình, con cháu của tác giả Hoàng Xuân Thảo – còn với tình giao lưu thơ phú với các bằng hữu đàn anh đàn chị – mà với suy nghĩ của tác giả là “Tình thơ nghĩa bạn thiêng liêng muôn đời” – tôi muốn nói đến và giới thiệu 2 bài thơ lục bát Hoàng Xuân Thảo viết cho 2 nhà thơ, hai người bạn lớn tuổi của Hoàng Xuân Thảo (và cũng của Ninh Giang Thu Cúc):
MỪNG KHÁNH THỌ
(Kính tặng hai bác Xuân Tốn)
Chúc mừng xuân bác tám mươi
Tóc sương môi thắm nụ cười vui tươi
Khánh thọ, phúc ấm, ân trời
Sum suê hòe quế thảnh thơi tuổi già
Tình thơ, tình bạn, tình nhà
Hương giang trăng nước đậm đà muôn nơi
Chúc mừng song thọ trọn đời
Bên nhau trăm tuổi đẹp lời thơ ca
(HXT – Hè 2000)
Còn nhà thơ Việt Trang Phạm Gia Triếp với tư cách là người bạn thơ, người em họ Ninh Giang Thu Cúc thật xúc động khi đọc bài thơ Hoàng Xuân Thảo viết cho nhà thơ Việt Trang – một con người nhân hậu đã trở thành người thiên cổ:
MỪNG HỘI NGỘ
(Kính tặng anh Việt Trang)
Gặp anh Huế đã vào thu
Người từ phố núi sương mù về đây
Tình quê vui cạn chén này
Mai chiều xa cách nhớ ngày hôm nay
Rượu đào uống để mà say
Say tình say nghĩa lại say men nồng
Say cho môi thắm má hồng
Say cho ngây ngất như không đất trời
Say cho vật đổi sao dời
Say cho điên đảo trận cười ngả nghiêng
Say cho quên hết ưu phiền
Tình thơ nghĩa bạn thiêng liêng muôn đời
(HXT – Thu 2000)
Tửu lượng Hoàng Xuân Thảo có thuộc loại Lưu Linh không chúng ta đọc bài Đường luật “Say Thơ” của Nàng thơ này nhé:
“Say thơ mới biết quý đường tơ
Đêm thẩn ngày thơ mộng với mơ
Xuân đến ngắm mây ngàn lãng đãng
Hạ về nhặt cánh phượng bâng quơ
Thu sang nhớ tiếng mưa buồn bã
Đông lại nghe cơn rét đợi chờ
Ướm tứ gieo vần quên giấc ngủ
Gối chăn thầm thỉ, ngỡ ngàng thơ”
(HXT – Thu 2000)
Đúng là Hoàng Xuân Thảo say thơ nhiều hơn say rượu!
Soạn giả đã mời khách yêu thơ thưởng thức một số bài tiêu biểu trong 79 bài thơ ở tập “Hương Quê” của tác giả Hoàng Xuân Thảo với nhiều thể loại, nhiều chủ đề. Với tập thơ đầu tay chúng ta hẳn chưa nên bàn về bút pháp, về thi thuật của tác giả mà cái đọng lại trong lòng người đọc, trong lòng soạn giả (NGTC) đấy là cái tâm, cái nhân hậu với quê nhà, với gia đình, với cuộc đời. Chữ nghĩa dàn trải trong Hương Quê biểu tỏ được chữ Nhân, chữ Nghĩa, chữ Lễ. Khép lại tập thơ lòng soạn giả lâng lâng niềm cảm xúc với 4 câu thơ ngắn – như một thông điệp Hoàng Xuân Thảo gởi đến cuộc đời:
“… “Mai sau dù có bao giờ”
Rút từng sợi nhớ dệt thơ tặng Người
Thương anh thương trọn cuộc đời
Yêu anh yêu cả nụ cười dáng đi”
(Chung thủy – HXT)
Xin cảm ơn đất Điền Môn đã sản sinh ra một Hoàng Xuân Thảo!
  
TÁC PHẨM “TÌNH THƠ”
 
Tập thơ thứ hai của Hoàng Xuân Thảo chào đời vào đầu năm 2005 do Nxb Thuận Hóa kiểm duyệt, ấn hành có tên gọi “Tình thơ”. Nói vui một chút với Hoàng Xuân Thảo là người xưa có một bồ chữ thì đã khổ lắm rồi, đằng này Xuân Thảo lại có đến hai gánh bốn bồ thì ai chịu thấu (bìa 1), cái chi cũng đủ đôi đủ cặp – đò hai chiếc, gánh hai người. Hì!
Tập “Tình thơ” có 23 bài làm theo thể luật Đường thất ngôn bát cú trong 118 tổng số bài của toàn tập. So với “Hương Quê” 79 bài có 9 bài Đường luật (trong đó có 1 bài thất niêm, bài “Tình Hồng”) thì mảng thơ Đường của Hoàng Xuân Thảo đứng được, điển hình là 2 bài “Cảm đề” sau khi đọc Di thảo của sĩ phu Nguyễn Lộ Trạch, chỉ tiếc là hai bài họa cho hai tác giả mà lại cùng một tựa đề, uổng quá!
Cùng một đề tài về Nguyễn Lộ Trạch nhưng hai bài hai cấu tứ, hai hình ảnh, ngôn ngữ thơ đã nói lên được toàn bộ tâm tư chí hướng đối với đất nước của Nguyễn Lộ Trạch khi viết “Thời vụ sách” để dâng lên vua Tự Đức. Giá như tác giả để “Cảm đề một”, “Cảm đề hai” thì mạch cảm xúc liền lặn hơn (Bạn đọc sẽ gặp hai bài này trong phần thơ tiêu biểu dành cho Hoàng Xuân Thảo)
Cụ Cao Đăng Tòng là một thi lão đã giao lưu xướng họa với bằng hữu 3 miền Trung, Nam, Bắc; một cây bút Đường thi lão luyện của Thành phố Huế, để mừng thượng thọ của cụ Hoàng Xuân Thảo đã họa bài “Tuổi chín mươi” với ý tình tâm trạng tôn vinh, bằng tất cả sự ưu ái của một tiểu sinh đối với bậc “cây cao bóng cả”. Với lòng quý mến dành cho Hoàng Xuân Thảo, và để cùng học hỏi rút kinh nghiệm lẫn nhau Ninh Giang Thu Cúc tôi xin có vài góp ý nhỏ trong cách dùng từ của Hoàng Xuân Thảo, một bài thất ngôn bát cú vỏn vẹn có 56 từ vì thế đòi hỏi sự chính xác rất cao, đơn cử hai câu luận trong bài “Tuổi chín mươi”:
“… Tuổi hạc sương pha mong được trọn
Đời trai ngang dọc quyết lo tròn …”
Ý tác giả muốn nói cả cuộc đời trai trẻ của cụ đã cống hiến cho quê hương đất nước, tức là thuộc thì quá khứ, vậy tác giả viết thế này sẽ đúng văn cảnh và câu thơ sẽ “đắc” hơn:
“Đời trai ngang dọc đã lo tròn”
Vì từ “quyết” là chỉ cho sự hứa hẹn thuộc thì tương lai, mà đây tác giả đang nói về thì quá khứ vậy thì cái đã qua phải là “đã” Xuân Thảo ạ.
Xuân Thảo không viết sai – chỉ không để ý một tí thôi! Cái này thuộc về kỹ năng nghệ thuật.
Cũng như ở bài “Xuân 46 tự trào” ở tập “Hương quê” cặp trạng rất dí dỏm dễ thương:
“Nhìn gương thấy dáng đang còn trẻ
Nghe cháu xưng bà ngó cũng mê”
Nếu Xuân Thảo hạ chữ “gọi” thay chữ “xưng” thì sẽ đúng hơn về cả mặt văn phạm.
Vài chi tiết điển hình mà soạn giả nêu để tác giả lưu ý hơn, kẻo nhiều khi chỉ vì không lưu ý mà chỉ vì một từ lại làm hỏng cả bài thơ hay thì quá uổng. Là một tập biên khảo giới thiệu chân dung chứ không phải phê bình văn học nên soạn giả chỉ lạm bàn một tí chứ không đi sâu vào mảng phê bình.
Đường luật là một mảng văn học thuộc đỉnh cao của nền văn chương cổ cận từ Trung Hoa xâm nhập vào Việt Nam từ thuở Lý – Trần. Chúng ta là hậu sinh tiếp nối theo gót tiền nhân, thật hạnh phúc khi được kế thừa di sản ấy.
23 bài thơ luật Đường trong tập “Tình thơ” bài nào ý cũng dễ thương, ví như bài:
ĐÔI DÒNG LÃNG ĐÃNG
Xa rồi cánh nhạn đã tung bay
Trách cứ thời gian khéo vẽ bày
Hội ngộ duyên thơ lời chửa trọn
Giao hòa ý nhạc tứ không may
Ơi người tri kỷ còn lưu luyến?
Hỡi bạn tâm đầu có đắm say?
Năm tháng chia xa mong mỏi nhớ
Đường về đôi nẻo chớp mi cay
Ở mảng thơ viết về xã hội trong “Tình thơ” tôi lưu ý đến bài “Em bé đánh giày”,
Khi một sinh vật biết đau xót trước sự bất hạnh của đồng loại thì đó mới đáng là sinh vật cao cấp, là con người đúng nghĩa Người được viết hoa.
“Bất hạnh đời em mất cánh tay
Hành nghề đánh bóng những đôi giày
Loanh quanh hè phố dầm mưa nắng
Kiếm kế sinh nhai lãng tháng ngày
Em có mùa xuân không hỡi em?
Thân gầy mang nặng cánh tay mềm
Cố dùng cùi chỏ nâng giày khách
Nhanh nhẹn cánh tay để kiếm tiền
 
Chỉ biết thương thầm mãi thế thôi
Nhìn em khó nỗi thốt nên lời
Trong lòng cảm phục thầm thương mến
Tàn phế nhưng em vẫn đẹp đời.
(Xuân 2001)
Tại sao lại chỉ thương thầm và thầm thương? Soạn giả “nghĩ thầm” với hoàn cảnh của tác giả thì nên biến sự thương thầm thành một nghĩa cử đẹp (tất nhiên là soạn giả không đề nghị tác giả tặng em một con cá mà nên tặng một chiếc cần câu)
Ở “Tình thơ” người đọc lại một lần nữa cảm động vì tấm lòng người mẹ ở nhà thơ Hoàng Xuân Thảo trong bài “Tiễn con”
“Bùi ngùi tiễn bước con đi
Nghẹn ngào dòng lệ bờ mi tuôn trào
Từ xa con vẫy tay chào
Lòng mẹ xa xót cồn cào tâm can
Từ nay cách trở quan san
Mong ngày gặp lại ngỡ ngàng trong mơ …”
(TC – HXT)
Đóng lại tập “Tình thơ” soạn giả vui mừng vì thấy Hoàng Xuân Thảo có khởi sắc, có bước đột phá trong thơ (tất nhiên là tương đối) cái đáng bàn ở đây là tôi vẫn bắt gặp tấm lòng của tác giả đối với cuộc đời, đối với thơ và tác giả đã có lý khi chọn chủ đề toàn tập là “Tình thơ”, vâng, Tình thơ!

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập