NINH GIANG THU CÚC

Nữ Lưu Miền Hương Ngự

   
                     
Nữ sĩ Như Mân và cụ Đào Duy An
TRẦN THỊ NHƯ MÂN (1907 – 1992)
Năm sinh: 1907
Tại Thanh Hà, Bao Vinh, Huế
    
 
 
 

TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ BÁO CHÍ
 
Tiểu thư Trần Thị Như Mân xuất thân từ dòng họ Trần. Nội tổ là vị quan đại thần phụ chánh, một trong các vị phụ chánh nhận di mệnh của Hoàng đế Hồng Nhậm Tự Đức để tuyên đọc chiếu chỉ truyền ngôi cho thái tử Ưng Chân; và bị thảm sát bởi quan điểm bất đồng với các bạn đồng liêu trong mưu đồ phế lập, đó là phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành.
Thân phụ của Trần Thị Như Mân là ai trong 8 người con trai của cụ Tiễn Thành, các tài liệu tham khảo không thấy nhắc đến, mà chỉ biết là cô Mân thường theo cha mẹ ở nhiều tỉnh mà cụ thân sinh được bổ dụng trấn nhậm, mãi đến 7 tuổi mới lại về Huế để học hành.
Như Mân trái ngược với đức tính nhút nhát của các chị. Cô là người hoạt bát nhanh nhẹn, nói năng chững chạc rõ chữ tròn câu, và được thừa hưởng sự uyên bác thông tuệ của dòng họ của nội tổ nên rất giỏi về văn chương thơ phú, đọc thông viết thạo hai ngoại ngữ Hán văn và Pháp văn.
Năm 1925 Trần Thị Như Mân đỗ đầu cao đẳng tiểu học, rồi tiếp đến là bằng Dylome và cô được bổ dụng làm trợ giáo kiêm giám thị ngay tại ngôi trường cô đã học, đó là trường Nữ học Đồng Khánh.
Cũng trong thời gian này nhà hoạt động chính trị, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải rồi đưa về Việt Nam. Tòa án tối cao Pháp kết án tử hình, nhân dân Việt Nam bàng hoàng đau đớn trước sự dã man của thực dân Pháp.
Thành phần trí thức trẻ toàn quốc nổi dậy đòi ân xá cho cụ Phan. Từ Thừa Thiên Huế - Trần Thị Như Mân từ lâu đã xem cụ Phan Bội Châu là một thần tượng về lòng yêu nước, bây giờ nhận được hung tin về người anh hùng này, cô như thấy sét nổ giữa trời quang – và việc cần làm ngay của cô giáo Mân là tập hợp một số bạn chí thân. Cô thảo ngay một điện tín bằng tiếng Pháp gởi cho tên toàn quyền A.Varene, đề nghị thu hồi án tử hình đối với nhà ái quốc Phan Bội Châu. Bức điện văn tâm huyết ấy nội dung Việt ngữ như thế này:
“Kính gởi quan Toàn quyền A.Varene ở Hà Nội. Chúng tôi, tất cả nữ giáo sư và học sinh trường Nữ học Đồng Khánh mong muốn Ngài suy xét và rút án tử hình cho nhà yêu nước Phan Bội Châu”.
Ai đó ở nhà dây thép đã vì chút lợi lộc cá nhân – đánh mất tình đồng bào nên báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, và ngay sau đó giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần đã đích thân đến làm việc với hiệu trưởng Đồng Khánh bằng lời lẽ vô cùng khiếm nhã…
Không một chút lo lắng sợ sệt, cô Như Mân đã nhận trách nhiệm về việc làm xuất phát tự lòng yêu Tổ quốc và quý trọng một chí sĩ vì tranh đấu cho độc lập của Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam mà không quản ngại đến sự sống chết của bản thân.
Cô dõng dạc bảo với ông giám đốc Nha Học Chánh: Tôi và cô Vệ là bạn chí thân của tôi, hoàn toàn nhận mọi hậu quả của việc làm ấy, việc làm do cá nhân hai chúng tôi, không liên quan chi đến bà hiệu trưởng trường tôi cũng như các đồng nghiệp và các bạn học sinh trong trường.
Trước lời lẽ đanh thép của cô giáo trẻ tuổi can trường và nghị lực, ông giám đốc Nha Học Chánh đành hậm hực ra về, và nhà chức trách địa phương cũng không tra cứu nữa, nhưng từ đó tên tuổi cô giáo Mân và các đồng sự liên quan đến được sở mật thám Huế lưu ý đặc biệt, tất nhiên danh tánh được “trang trọng” ghi vào sổ “đoạn trường” đợi có cơ hội là “phong thánh” đó thôi (!)
Có lẽ do tác động từ nhiều phía nên bản án tử hình dành cho cụ Phan được hủy bỏ, và người công dân yêu nước, nhưng lại là tội nhân của “nhà nước đại Pháp” bị đưa về Huế giam lỏng dưới sự giám sát của mạng lưới mật thám Pháp.
Cô giáo Như Mân vô cùng xúc động mừng rỡ khi nhận được tin ấy, và cô tìm đủ mọi cách để ra mắt nhà chính trị mà cô ngưỡng mộ. Sự xúc động đã cho cô cảm hứng để viết:
“Ao ước bấy lâu chừ được ngày
Vĩ nhân hạnh ngộ giữa trùng vây
Bốn bề răng cản tình sông núi
Gai góc nào ngăn nghĩa nước mây”
Đồng khí tương cầu đó là quy luật để cho những con người mang chung một lý tưởng phụng sự xã hội gặp nhau để đồng cam cộng khổ, biến hoài bão thành hiện thực, mà “Ông già Bến Ngự” là cái gạch nối để các tâm hồn lớn như Nữ sử Đạm Phương, bà Trần Quang Khải và Trần Thị Như Mân gặp gỡ để cùng lập ra trường “Nữ công học hội” mà cố vấn là cụ Phan Bội Châu.
Tiếp theo là sự ra đi của nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng đã từng bị thực dân Pháp bỏ tù tại đảo Côn Lôn, ông đã viết bài thơ tự thán:
“Nhọc lòng chi lắm dã tràng ơi
Xe cát bao năm chẳng thấy rồi
Tháng lụn ngày qua cà cụng đẩy
Bãi dài sóng cả tát xô bồi
Mượn hồn Tinh Vệ thù cho biển
Hóa kiếp Ngu Công chống mấy trời
Cuộc thế tang thương đâu đã chắc
Thân này xin hãy bạn cùng ngươi”
(Phan Châu Trinh)
Nhận được tin cụ Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn, giới trí thức cả nước bàn tán sôi nổi tiếc thương vô cùng, các tỉnh thành cùng đồng loạt tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh, học sinh các trường bị đuổi học vì đi dự lễ truy điệu.
Ở Huế cô giáo Trần Thị Như Mân bị cho thôi việc vì chính quyền bảo hộ thực dân Pháp ghép tội cô cầm đầu nữ sinh Đồng Khánh đi dư lễ truy điệu, nhân tâm hỗn loạn trong không khí ngột ngạt của sự kỳ thị áp bức…
Nhân dịp “rảnh việc” ở trường Đông Khánh, hội nữ học cử cô ra miền Bắc học dệt lụa Hà Đông và cách nuôi tằm lấy tơ.
Bây giờ chúng ta mời nhau đi vào thăm khu vườn tình ái của nữ sĩ Như Mân.
Trở lại với ngày khánh thành trường “Nữ công học hội” mà Trần Thị Như Mân trong vai một thư ký mẫn cán đã dịch bài diễn văn mà bà Đạm Phương vừa đọc trong phút khai mạc buổi lễ khánh thành ra Pháp ngữ, và cất giọng đọc trong trẻo lưu loát trước bao quan khách Việt Nam và cả Tây – nội dung bài diễn văn nhắn gởi và kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ ủng hộ hội, trình bày tôn chỉ và mục đích phục vụ xã hội, bảo vệ và phát huy khả năng nghề nghiệp của nữ giới, bài diễn văn bằng tiếng Pháp vừa dứt cử tọa vỗ tay nồng nhiệt, trong số quan khách có một thanh niên phong vận hào hoa miệng tươi mắt sáng đã nhìn Như Mân với cái nhìn đầy thiện cảm – Như Mân bối rối trước tia nhìn ấy…
Buổi lễ khánh thành được sự hưởng ứng, cổ vũ của công chúng nên đã thành công tốt đẹp. Đến cuối buổi lễ cô Như Mân mới biết được danh tánh, học hàm của người thanh niên đã làm cô xao xuyến với cái nhìn biết nói đầu tiên đấy là giáo sư Đào Duy Anh.
Nhân duyên tiền định đã sắp xếp cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo, để hai bên đồng cảm nhau trong nhiều lĩnh vực, từ lý tưởng phụng sự đất nước xã hội đến quan niệm sống... họ đã từng vào tù ra khám vì chống đối thực dân Pháp để bảo vệ quyền tự chủ cho dân tộc, cho sự bình yên của mỗi mái nhà – và tất nhiên: đồng khí tương cầu, một lễ thành hôn do hai gia đình xếp đặt đã diễn ra tốt đẹp để cô Như Mân thành bà Đào Duy Anh. Từ đó, họ là chim liền cánh cây liền cành, ca dao dân tộc ta chỉ bằng hai vế sáu tám mà đắc dụng trong mọi trường hợp:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Vâng, đôi bạn đời lý tưởng ấy đã sát cánh kề vai cùng cày cấy trên cánh đồng chữ nghĩa mà con trâu là ngòi bút - từ ngòi bút đầy dũng khí và thông tuệ của cái thuở đôi uyên ương này còn là người dưng, Như Mân đã là dịch giả chuyển ngữ tiểu thuyết của Victor Hugo là cuốn Miserables mà hai nhân vật nữ trong nguyên bản là Fantinr và Cosette thành hai tiểu truyện với tên “Hồng nhan bạc mệnh” và “Đầu xanh tội gì” đăng trong số đầu tiên của “Phụ nữ tuần san” vào tháng 5/1929. Lúc ấy chàng thanh niên trí thức độc thân Đào Duy Anh đang hoạt động báo chí với vai trò chủ bút tờ báo “Tiếng Dân” ở Huế.
Trở thành phu nhân của giáo sư Đào Duy Anh, Như Mân là một trợ thủ, một cộng sự đắc lực của chồng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc sắp xếp soạn thảo Pháp Việt từ điển, Hán Việt từ điển, và từ điển Truyện Kiều.
Gái có công thì chồng không phụ, thể hiện sự “không phụ” ấy là dòng chữ trang trọng mà giáo sư Đào Duy Anh đã dành cho bà trong những dòng chữ trang trọng ở đầu cuốn “Từ điển Truyện Kiều”: “Cuốn từ điển này hoàn thành được là nhờ sự cộng tác của vợ tôi: Trần Thị Như Mân”
Chao ôi! Giá như mọi ông chồng trên cõi đời này đều biết nói những lời tương tự như ông Đào Duy Anh đối với những người vợ một đời tận tụy vì mọi người, vì gia tộc, vì chồng con…
Sự phối ngẫu ấy là một cuộc hảo lương duyên - mà hiệu quả là một trong những tác phẩm sinh động bằng xương thịt, mà cụ Phan Bội Châu với tất cả lòng ưu ái đã phóng bút, một bài thất ngôn bát cú tặng Trần Thị Như Mân khi được tin bà sinh con đầu lòng:
“Hai mươi lăm triệu giống dòng ta
Hôm trước nghe thêm một tiếng oa
Mừng chị em mình vừa đáng mẹ
Mong thằng bé nọ khéo in cha
Gió đưa nam tới sen đầy hột
Trời khiến thu về quế nở hoa
Sinh tụ mười năm mong thế mãi
Ấy nhà là nước, nước là nhà”
(Phan Bội Châu MBGSCTĐL - Tháng 7/1931)

Đối với ông bà Đào Duy Anh thì bài thơ tặng của cụ Phan Bội Châu là món quà vô giá. Lòng vả cũng như lòng sung dù thế hệ cách nhau nhưng người viết bài này hình dung ra là bà Mân đã khóc vì hạnh phúc khi đọc bài thơ.

Một năm trước khi Ninh Giang Thu Cúc chào đời, thì Bà Như Mân là người thành lập trường nữ bậc tiểu học (1943) ngôi trường này rất được uy tín với đội ngũ thầy cô đầy đủ tác phong mô phạm, vì thế thu hút rất đông học sinh mặc dù chỉ là trường tư thục, trường hoạt động được 3 năm thì toàn quốc kháng chiến chống Pháp, ông bà Đào Duy Anh bỏ hết cơ nghiệp lên đường kháng chiến bảo vệ quê hương, bà vẫn công tác ngành giáo dục ở các chiến khu thuộc Bình Trị Thiên.
Đến lúc hiệp định Geneve ký kết xong, gia đình bà thuyên chuyển ra Hà Nội sinh sống. Ông Bà lại cống hiến tim óc cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu.

Bà Trần Thị Như Mân không có một tác phẩm riêng nào lưu lại hậu thế ngoài tập hồi ức “Sống với tình thương” viết sau khi cụ Đào Duy Anh tạ thế, nhưng những việc làm thực tế của bà đã là một tác phẩm lớn đủ để cho chúng ta tự hào về một tấm gương lao động không mệt mỏi cho nghĩa nước tình nhà, cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho phụ nữ Thừa Thiên Huế.

Bà đã vĩnh biệt con cháu vào tuổi 85 sau một thời gian đau yếu vào năm 1992. Cầu mong hai cụ Đào Trần lại tái ngộ ở miền vĩnh cửu để cung đàn muôn điệu được tấu lên khúc nhạc trùng phùng.
 


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập