NINH GIANG THU CÚC


Nữ Lưu Miền Hương Ngự

 
NGUYỄN KHOA BỘI LAN

Họ tên: Nguyễn Khoa Bội Lan
Sinh năm: 1912
Quê quán: Thôn Tây Thượng,
Thừa Thiên Huế.
Nhà báo lão thành
Hiện ở: Thôn Tây Thượng - Thừa Thiên Huế.
   

PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG

Bà Bội Lan là con cháu của dòng họ Nguyễn Khoa nổi tiếng ở cố đô Huế. Tuổi thiếu nữ đã từng hoạt động sôi nổi cho lý tưởng phục vụ xã hội và đất nước.
Thời trung niên bà sống ở Hà Nội làm việc ở Thông Tấn xã Việt Nam sau đó phụ trách tiểu ban văn nghệ phía Nam, thuộc hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Sau 1975 thống nhất đất nước bà về lại quê hương Thừa Thiên Huế, bà ở tại thôn Tây Thượng cho đến bây giờ (2009).
Khi lên danh sách những nhân vật mà Ninh Giang Thu Cúc có dự định đưa vào hợp tuyển này, chúng tôi đã về Huế tìm gặp bà để xin tư liệu. Cuộc gặp gỡ khá thú vị giữa chúng tôi và nhà báo lão thành Bội Lan, tại tư gia bà ở thôn Tây Thượng, TP. Huế: Cùng đi với NGTC có 2 nữ sĩ, một trong 2 vị là cô em họ của bà Bội Lan, sau màn chào hỏi và giới thiệu mục đích thăm viếng, chúng tôi đi vào nội dung:
NGTC: Thưa cô dạo này cô có khỏe không?
BBL: Ở đây không có cô cháu chi hết, mà chỉ chị em thôi – dân văn nghệ không phân biệt già trẻ chỉ cả.
Ba đứa chúng tôi cười xòa. HKL xin xuống nhà ngang để lại tôi và HHT ngồi cùng bà Bội Lan.
NGTC: Dạ vâng em tuân lệnh chị.
BBL: Ninh Giang Thu Cúc muốn hỏi chi, chị sẵn sàng trả lời.
NGTC: Em đang làm một tập biên khảo về các gương mặt phụ nữ làm văn hóa văn nghệ của quê hương TTH và em muốn giới thiệu chị trong  hợp tuyển ấy.
BBL: Ừ, được, mà em viết về chị đừng khen chị chi hết nghe em.
NGTC: Dạ, chị yên tâm điều gì cần viết thì em viết, không có chuyện tâng bốc đâu chị ạ.
BBL: Năm nay chị 97 tuổi, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và sau đó là thời kỳ chống Mỹ với công việc làm báo, chị đã có dịp đi nhiều nơi nhiều nước… Thời kỳ 9 năm, ở trước chỗ chị em mình ngồi là cái phòng chị nuôi giấu nhiều cán bộ cao cấp lãnh đạo cuộc kháng chiến…
NGTC: Chị cung cấp cho em một ít tư liệu bằng văn bản như các bài viết của chị và các bài bạn đọc viết nhận xét về chị.
BBL: Chị có chi mô, sách báo mất hoặc lạc đâu mất, thôi chị nhớ chi kể nấy, em cứ rứa mà viết…
NGTC: Dạ.
Tiếp theo bà hào hứng kể bao nhiêu là chuyện; chuyện hoạt động cách mạng, chuyện phục vụ xã hội, chuyện gia đình Nguyễn Khoa, chuyện đời tư với chồng và các con nuôi của bà (bà không có con đẻ) nhưng vì thiếu văn bản, dữ liệu, yếu tố cần thiết và quan trọng cho người sưu tầm biên khảo, nên chúng tôi (NGTC) không dám đưa vào phần giới thiệu, tôi có đến nhà xuất bản Thuận Hóa để mượn tư liệu về bà, nhưng ban biên tập không tìm ra.
Vì thế bài viết này chúng tôi làm vì lòng tôn trọng một nhà báo nữ lão thành còn lại trên quê hương.
Buổi gặp gỡ trò chuyện suốt hai tiếng đồng hồ, mà chúng tôi không dám xâu chuỗi các tư liệu sống ấy lại để bài giới thiệu được phong phú cho nhân vật, âu đó không phải là niềm vui, vì sau đó chúng tôi đã kiểm chứng lại nội dung buổi nói chuyện qua vài người trong họ Nguyễn Khoa…
Nên xem đây chỉ là tấc lòng của kẻ hậu sinh đối với bậc lão thành đang ở ngưỡng cửa ngoài cửu tuần chi tuế.


   
MINH QUÂN 

Tên khai sinh: Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi
Bút hiệu: Minh Quân
Ngày tháng năm sinh: 28 – 10 – 1928
Quê quán: Phủ Thọ Xuân, Thừa Thiên Huế
Hiện ở: 611/61 Điện Biên Phủ,
P.1, Q.3, TP.HCM
ĐT: 083.38350810


TIỂU SỬ
 
Người con gái hoàng tộc có cái tên khai sinh tốn khá nhiều âm tiết, và sau đó là cái bút hiệu ký thác một trời ước nguyện và hoài bão: Minh Quân! Vâng, Minh Quân, thoạt nghe người đọc ắt hẳn phải nhíu mày tự hỏi: Với chữ Quân đồng âm dị nghĩa này phải hiểu theo cách nào đây? Ninh Giang Thu Cúc có một người bạn thơ lớn tuổi ông ấy đã định nghĩa bút hiệu của mình: “Tôi lấy bút hiệu Thường Quân vì tôi tâm niệm mình là người lính thường trực của văn hóa văn nghệ…”.
Vậy thì Minh Quân - là người lính trong sáng của nền văn hóa Việt Nam, là một vị vua trong làng văn nghệ hay xuất phát từ lòng ao ước mong có những ông vua sáng cho trăm họ bớt lầm than, mà cô tiểu thư cành vàng lá ngọc tự chọn cho mình bút hiệu Minh Quân?!
Là con gái của cụ Ưng Giáp và phu nhân Đặng Thị Thái thuộc Phủ Thọ Xuân, hoàng gia quốc tộc Nguyễn Triều chị là cháu năm đời của thế tổ Gia Long hoàng đế, nhưng cụ Ưng Giáp chỉ là một công chức bình thường của ngành cầu đường, nên cuộc sống của cả gia đình cứ phải xê dịch theo công việc của ông. Vì thế mà cô tiểu thư Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi, được chào đời tại thành phố biển Nha Trang thay vì trên đất tổ.
Cứ như thế hết vùng miền này đến nơi chốn nọ, cho nên sự học hành cũng xê dịch luân chuyển theo bước chân công vụ của cụ thân sinh. Bậc tiểu học chị học ở Nha Trang, lên trung học chị lại học ở Phan Thiết, và lập gia đình khi chưa qua tuổi 20, phu quân của chị chắc có liên quan đến công việc của cụ Giáp; cũng có thể là một đồng nghiệp trẻ mới về công tác ở chỗ cụ chăng, bởi anh Lê Văn Minh là kỹ sư công chánh, và hình như chị Bích Lợi có số phiêu bồng, bởi nghề nghiệp của chồng chị cũng thường đổi thay nơi chốn; vì công việc của chồng chị là làm nhịp cầu nối hai bờ sông nước, là làm con đường đi lại thông thương. Có lẽ cứ thường xuyên thay đổi nơi cư ngụ  lại rất có lợi cho sự nghiệp văn học của chị sau này, đi nhiều, vốn sống sẽ phong phú giàu có cho chị ký thác lưu trữ vào ngân hàng tri thức để tha hồ hào phóng chi tiêu trên đầu ngọn bút mà chinh phục hàng triệu độc giả tí hon qua bao truyện ngắn, truyện vừa, dịch thuật như  “Túp lều của chú Tom”…
Thời thơ ấu của Bích Lợi đã có nhiều dự báo cho nghiệp văn bút sau này đó là thích nghe thơ và yêu cầu mẹ đọc, hoặc kể cho nghe chuyện cổ tích như các chuyện Tấm Cám, Lục súc tranh công, thơ Mụ Đội, Lục Vân Tiên và ngâm thơ hay hò vè v.v…
Năm 1947 chị trở thành phu nhân của kỹ sư công chánh Lê Văn Minh, người cùng quê quán gốc Thừa Thiên, và người thiếu phụ này bắt đầu dấn thân vào con đường văn học bằng bài thơ đầu tiên với cái tựa đề mang tính thuật sự diễn ca đó là bài “Câu chuyện làng tôi”. Và từ đây, Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi (tức là bà kỹ sư Lê Văn Minh) trở thành tác giả Minh Quân.
Ở hợp tuyển này chúng tôi (NGTC) chưa đề cập đến mảng truyện viết cho thiếu nhi của nữ sĩ Minh Quân. Chúng tôi có tâm niệm sẽ thực hiện riêng một tuyển tập mang chủ đề thiếu nhi mới chuyển tải hết sự cống hiến tất cả tâm huyết của bà cho lứa tuổi măng non.
Cuộc hôn phối với văn học của Minh Quân bắt đầu bằng những bài thơ để sau này xâu chuỗi lại thành thi phẩm Đơn Sơ với hai mươi mốt bài được viết từ những năm cuối thập kỷ 40 đến giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Chúng tôi sẽ có chính kiến về tập “Đơn Sơ” ở phần cảm nhận tác phẩm của Minh Quân.
Nếu bảo văn là người - thì tôi nghĩ Minh Quân là một con người đúng nghĩa Người, bởi tấm lòng của người con, người vợ, người mẹ, người công dân với Tổ quốc, người học trò đối với ân sư, và người với người trong tương quan đồng loại, mà tác giả đã xây dựng, đã hóa thân qua nhiều nhân vật trong tác phẩm. Dù viết về người lớn hay con trẻ thì mảng văn xuôi của chị vẫn gây được sự thích thú với bút pháp thông tuệ nhân ái, và có cả cái nghịch ngầm, cái dí dỏm, làm người đọc vừa xúc động bởi cốt truyện lại vừa cười khúc khích bởi cách đặc tả tưng tửng của tác giả (Những ngày cạn sữa, Về thăm thầy cũ).
Đa cảm mà không ủy mị yếu đuối, vọng tộc mà không trình diễn phô trương, giản dị mà ngôn chí bản lĩnh (Tôi không muốn nói như đàn ông) bởi theo thiển ý: bản lĩnh, cương nghị, lòng yêu tổ quốc, xả thân vì nghĩa cả là cốt cách, là tính cách của mọi người. Không phải chỉ có đàn ông mới có thuộc tính ấy, từ nghìn xưa đến bây giờ và cả mai sau thiếu gì đàn ông bận yếm và phụ nữ mang gươm, đất nước này có Trưng nữ Vương, Bùi Thị Xuân thì lại sản sinh ra một Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống, vì thế nếu dùng phương pháp so sánh: “Bà ấy yêu nước không thua gì đàn ông”. Đó là sự so sánh khập khiễng không công bằng hàm ý ban ơn đoái tưởng của bậc bề trên, do từ quan điểm “Nhất nam viết hữu” của chế độ phong kiến tập quyền, trong tay các bậc mày râu.
Có thể vì bức xúc người viết bài này hơi lan man một tí, xin lỗi Minh Quân và bạn đọc nhé.
Với bút lực sung mãn Minh Quân tung hoành trên mọi lĩnh vực từ văn chương đến báo chí, tạp chí, dịch thuật, từ chính luận đến phê bình. Và trên lộ trình thênh thang ấy nhiều lúc đầy gai góc và chướng ngại chị đã từng bị làm khó dễ và sau đó là bị “chỉ định cư trú” tại Đà Lạt năm 1950 bởi tờ tuần báo “Dân chủ” đăng bài “Bên lề lịch sử” của chị.
Tiết tháo của kẻ sỹ không vì áp bức mà đầu hàng, bị nhà cầm quyền giai đoạn đó ra lệnh ở tại chỗ (Đà Lạt) bà vẫn tiếp tục sáng tác (hì! cấm di chuyển chứ có cấm viết đâu) nhưng để an toàn bà ký nhiều bút hiệu khác nhau: Bửu Lợi, Mặc Lan, Việt Thường v.v…
Qua từng mốc phế hưng của thời cuộc, nhà Ngô lên chấp chính, năm 1954 – 1955 bà bị quy kết là thành phần thân cộng, là tuyên truyền cho Việt cộng và bà bị treo bút từ mùa thu 1956 cho đến khi chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô bị cáo chung theo cái chết bi đát của hai anh em ông Diệm (1963) thì bà mới tái xuất văn đàn, tuy vậy trong không khí giao thời với bao mưu toan phế lập của các chính khách sa lỡ cơ vận, đang kéo bè rẽ phái dòm ngó chỉ điểm để kiếm tư lợi cá nhân, thì với quan niệm sống cũng như tư tưởng mà bà muốn ký thác cùng thế hệ mình và mai sau bị gặp nhiều trở ngại, mà cái trở ngại, chướng ngại lớn nhất là ông xã bà không muốn bà viết lách gì cả để cầu sự yên ổn cho gia đình.
Nhưng đã mang lấy nghiệp vào thân rồi làm sao từ bỏ được, bà nhẫn nại thuyết phục chồng để được làm công việc mà bản thân đã trót đam mê phụng sự Chân Thiện…
Năm 1964 bà là thư ký thường trực của tòa soạn báo Tuổi Xanh, là cây bút đắt lực của tủ sách Tuổi Hoa. Cộng tác thường xuyên với nhà sách Khai Trí ở tuần báo Tuổi Thơ (1964 – 1975).
Năm 1965 Trung tâm Văn Bút Việt Nam mà chủ tịch là giáo sư linh mục Nguyễn Thanh Lãng đã trao giải thưởng hạng nhất cho chùm truyện ngắn của Minh Quân.
Nhưng thiết tưởng phần thưởng vô giá của người cầm bút là chút dư vị đọng lại trong tâm hồn độc giả, là chút ảnh hưởng từ những điều gan ruột mà tác giả bằng trách nhiệm bằng sự tin tưởng yêu quý con người, yêu quý cuộc đời mà tận hiến những ý tình xây dựng, những đóng góp mang tính giáo dục rất chân tình rất đằm thắm được đông đảo công chúng bạn đọc tâm đắc, đó là thành công lớn của nữ sĩ Minh Quân.
Bà đã là quả phụ 12 năm nay và đang sống bình yên cùng con cháu tại thành phố Hồ Chí Minh với tuổi 81 và 60 tuổi nghề, với số lượng tác phẩm đồ sộ và sự thành công về văn nghiệp khá viên mãn. Sinh nhật và mừng thọ 80 của bà có một món quà ý nghĩa là “Tuyển tập thiếu nhi” của Minh Quân do các con bà cho in tái bản để dâng tặng Mẹ.
Còn gì vui hơn !!!
Ở hợp tuyển này soạn giả chỉ giới thiệu tập thơ "Đơn Sơ" và 2 truyện ngắn đó là “Những ngày cạn sữa” và “Về thăm thầy cũ” của nữ sĩ Minh Quân.
 
Vĩnh biệt nhà văn Minh Quân.
Bài giới thiệu đã đặt dấu chấm hết ở câu trên thì sáng nay 6/12/2009 NGTC nhận được tin buồn là nữ sĩ Minh Quân đã rũ áo phất tay về cõi miên trường… Tôi quay quắt xót xa vì chưa thực hiện lời dặn dò của chị “Viết xong dì cho chị đọc bản thảo, lỡ sách chưa in mà chị chết thì uổng quá…” Chao ôi!



  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập