NINH GIANG THU CÚC
(Biên khảo - Cảm nhận - Giới thiệu)

 
Nữ Lưu Miền Hương Ngự
(Những Gương Mặt Tài Hoa Của Quê Hương)

Tập Một


 
Đôi dòng tâm huyết gởi về quê mẹ
 
Bằng tấm lòng biết ơn vô hạn đối với đất tổ quê cha, với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi được cha mẹ cho làm người, nơi được thầy cô cho chữ nghĩa, cơm áo và hoa trái quê nhà đã nuôi con khôn lớn phổng phao… rồi lặng lẽ tiễn đưa con khăn gói ra đi hiến dâng sức trẻ cho đời.
Non nửa thế kỷ xa quê ngái kiểng, gạo chợ nước sông thăng trầm vinh nhục, con vẫn nguyện lòng sống và làm việc đúng với sự giáo huấn của gia đình, của học đường và của một người con Phật, để không phụ lòng cha mẹ, ân sư, để hạnh phúc và tự hào là con dân của sông núi Thần Kinh đất Mẹ.
Bằng suy nghĩ - cội nguồn nặng nợ hình hài, bằng thao thức trở trăn thăm thẳm chiều hôm quê quán vắng, trên dòng khói tỏa chạnh lòng đau - đau lắm, khi giật mình đối bóng thấy tóc xanh đã ngã màu sương khói, tuổi đời vòng hoa giáp đã qua lâu, vẫn chưa đóng góp được chút công sức nhỏ nhoi gì cho quê hương máu thịt, cho nhà cũ vườn xưa - nơi oa oa tiếng khóc chào đời để được làm công dân của một Tổ quốc Việt Nam oai hùng với bao chiến công giữ nước…
Người xưa và người nay, danh nhân và tiểu nữ đều bình đẳng trong nỗi nhớ niềm thương, nếu thi tiên Lý Bạch của Trung Hoa đã từng:
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Thì ở Việt Nam có một người phụ nữ cũng đã bao đêm hoài niệm:
Đi mãi mà chưa trở lại nhà
Ngậm ngùi thương nhớ một thời qua
Trăng xưa e ấp trời hoa mộng
Lối cũ bâng khuâng tuổi ngọc ngà”
(NGTC)
Với nỗi niềm hoài hương quay quắt trong từng sáng nắng chiều mưa, trong từng mỗi đêm trừ tịch cửa nhà đèn nến sáng trưng, bàn thờ trầm hương nghi ngút khói - mà sao con vẫn chạnh niềm hoài tưởng; về những đêm tháng tận năm cùng, bên nồi bánh chưng rừng rực lửa của thời ấu thơ và xuân mộng thuở hoa niên, rồi bùi ngùi đếm đốt thời gian trên mười ngón tay gầy guộc:
Từ ngày xa cách chốn Thần Kinh
Đất khách đa mang vạn lý tình
Hằng nhớ thông reo vui đỉnh Ngự
Từng mơ trống điểm giấc cung đình
Nam Giao Từ Hiếu thương dư ảnh
Linh Mụ Kim Long rạng thái bình
Áo trắng Trường Tiền in bóng nước
Trời xưa kỷ niệm của riêng mình
(NĐTK - NGTC)
Trong chuỗi nam ai bất tận thương nhớ cõi ân tình dằng dặc ấy từ nỗi nhớ vẩn thương vơ, tình suông mộng ảo, con bỗng “ngộ” ra là phải hành động, hành động gấp để nghĩa trả ơn đền cho một cõi “Miền xưa”
Con đã làm mẹ của sáu đứa con vừa trai vừa gái - con thấu hiểu đến tận cùng niềm hạnh phúc vô biên và nỗi khổ đau dài vô tận của người làm mẹ. Con mang ơn những người phụ nữ, những người mẹ trong từng phân ly da thịt, trong từng ngóc ngách tế bào và con thấy cần phải viết về họ, về những đóng góp từ thực thể đến tâm hồn trí tuệ của người người phụ nữ cho gia đình, xã hội mà tiêu biểu là ở bộ phận văn học nghệ thuật. Vì thế con đã có được 4 tập khảo luận viết về chủ đề này.
Con ôm ấp một nguyện vọng là làm một hợp tuyển về các nữ sĩ Thừa Thiên Huế, và một hợp tuyển về các cây bút nữ của Bình Định - một miền sông văn núi võ đã cưu mang con gần năm chục năm trời.
Thế nhưng, con cứ mãi chần chừ về khâu in ấn phát hành (bởi con không muốn làm theo phương pháp góp gạo nấu cơm).
Xin được cảm ơn sự ủng hộ hợp tác của mọi văn nghệ sĩ gần xa đã gọi điện và cung cấp tư liệu cho hợp tuyển.
Xin hồn thiêng sông núi, xin tổ tiên miền cắt rốn chôn nhau chứng chiếu cho lòng tri ân của đứa con lưu lạc ở góc bể chân trời.
Cầu nguyện mọi bình an cho đất nước, để người và người hạnh phúc sống đẹp cho nhau.
Kính bút,
Ninh Giang Thu Cúc

Lời thưa
 
Kính gửi quý nữ sĩ Thừa Thiên Huế
Là một công dân phải sống xa xứ sở, là một đứa con phải lìa bỏ mái ấm gia đình vì sự nghiệp cá nhân, lại vì một lẽ nữa là:
Vai mang khăn gói sang sông
Mẹ kêu lạy mẹ theo chồng con phải đi
(Ca dao)
Ra đi rồi mới thấy nỗi đau thiếu quê hương đoài đoạn thế nào, nỗi nhớ nhà da diết ra sao, đã bao lần dự định quay về là bấy lần bị bao cản trở từ khách quan đến nội tại, từ nhiệm sở đến gia đình, chồng con bận bịu; và lời hẹn với mẹ hiền trước sân ga hàng không: “Xong hai năm tập sự chúng con về”. Thế mà không về được cho nên lòng tự dối lòng, thôi thì đâu cũng quê hương vậy.
Tôi mắc nợ mẹ tôi lời ước hẹn mà nào phải chỉ một Mẹ thôi đâu, tôi có đến 3 người đàn bà, ba người Mẹ cùng chăm sóc yêu thương tôi từ sơ sinh đến trưởng thành, đó là một mẹ cưu mang banh da xẻ thịt cho tôi được làm người, một Mẹ là bà vú nuôi sữa - tôi đã lớn lên bằng bầu sữa của bà mẹ thứ 2 này và một người cô ruột của tôi vì không có con nên xin được nhận tôi làm dưỡng nữ để thừa tự…
Với 3 người đàn bà vĩ đại ấy quả tôi là một con nợ lớn - vâng - tôi là một con nợ lớn của cha mẹ, của quê hương.
Từ bé, tôi vốn đã là một đứa đa sầu đa cảm. Mới 6 - 7 tuổi đầu tôi đã xót xa khi thấy những trận gió ào ạt làm cây cối run rẩy, cành rơi lá rụng, tôi đã khóc ngon lành khi thấy người ta bắt một con heo đi làm thịt, và khổ sở khi nghe mẹ tôi la rầy vú nuôi sữa tôi, la rầy mấy người giúp việc làm vườn. Tôi ủy mị và hay khóc nhè (đến bây giờ vẫn mu khóc như thường).
Tôi vốn “mê” phụ nữ từ bé (xin đừng nghĩ tôi bị đồng tính… hì hì…) càng lớn tôi lại càng “mê” hơn, bởi tôi thấy phụ nữ sao mà khổ lụy và cao cả vĩ đại quá, mọi giai tầng phụ nữ trên cõi đời này đều thật tuyệt vời và tôi làm thơ ca tụng tôn vinh phụ nữ, tôn vinh những người mẹ năm nắng mười mưa, tảo tần sương gió trên ruộng cạn đồng sâu, trên chợ đời xuôi ngược cho bếp lửa chiều ấm khói thơm cơm. Tôi tôn vinh sự nhẫn nại nhịn nhục của bao người phụ nữ gặp phải nghịch cảnh, những người phụ nữ, những người con thảo, dâu hiền, hiếu thuận với gia nương… và những người phụ nữ anh thư kiệt xuất trong sự nghiệp chính trị, quân sự, văn học nghệ thuật mà tập tiểu luận “Phiên Bản” là dẫn chứng của sự tôn vinh ấy.
Lòng tri ân đối với Mẹ Việt Nam, với mẹ tôi, mẹ chị, mẹ của chúng ta, mẹ của quê hương Thừa Thiên Huế dấu yêu ngàn kiếp, là động lực để Ninh Giang Thu Cúc tôi thực hiện hợp tuyển “Nữ lưu miền Hương Ngự”
Trong quá trình thực hiện hợp tuyển này chúng tôi (NGTC) đã tìm mọi cách liên lạc với các nữ sĩ mà chúng tôi có dự định đưa vào hợp tuyển (ngoại trừ số ít vị đại lão tiền hiền đã quá vãng), có một số vị tôi bị trở ngại trong khâu liên lạc vì thế xin mong được thể tình cho việc làm vì mục đích chung của Ninh Giang Thu Cúc.
Quê hương chúng ta rất nhiều nữ sĩ tài hoa mà tập sách này chưa giới thiệu được, vì chưa đủ tư liệu để tham khảo, sau tập này nếu còn đủ sức khỏe Ninh Giang Thu Cúc xin tiếp tục tập 2, tất nhiên xin được trân trọng đón nhận sự hợp tác của các nữ sĩ xa gần của quê hương từ trong nước đến hải ngoại.
Với việc làm vì quê hương, vì văn học mong nhận được sự cảm thông, sự chỉ giáo cho những đúng sai thiếu sót. Và xin rút ruột để thưa với quý vị nữ sĩ và với các bậc thức giả cùng đông đảo bạn đọc rằng: Vì lòng yêu quý tuyệt đối dành cho nữ giới mà Ninh Giang Thu Cúc đã làm một công trình có thể quá khả năng tự thân, bởi bút lực nghèo nàn, văn phong thô thiển, không chuyển tải hết được nét tài hoa và sự sáng tạo, sự đóng góp công sức trí tuệ và bao nét đẹp của quý vị, của từng vị - nếu có điều ấy (tất nhiên phải có) Ninh Giang Thu Cúc xin được niệm tình xí xóa, và xem đây chỉ là một đôi nét phát thảo tượng trưng cho chân dung của từng nhân vật, góp phần làm tư liệu cho các thế hệ sau khi cần tham khảo.
Và điều này nữa, để bày tỏ sự yêu quý với các bậc nữ lưu tiền hiền, thuộc giai đoạn cận đại nhưng vì sợ sức khỏe Ninh Giang Thu Cúc không cho phép nên chỉ xin đưa vài vị tiêu biểu. Và sự sắp xếp thứ tự ở đây Ninh Giang Thu Cúc không trình bày theo bảng chữ cái tên họ, mà xin được xếp theo năm sinh để thể hiện sự lễ độ đối với chư vị nữ sĩ mà Ninh Giang Thu Cúc được hân hạnh giới thiệu.
Chân dung nhân vật chúng tôi chia làm 3 phần cho mỗi vị:
1.      Phần giới thiệu tiểu sử
2.      Phần cảm nhận tác phẩm
3.      Phần giới thiệu tác phẩm tiêu biểu
 
Trân trọng
Soạn giả Ninh Giang Thu Cúc
Quy Nhơn mùa xuân năm 2009



VI KHUÊ

Tên thật: Trần Trinh Thuận
Sinh năm: 1931
Quê quán: Thạch Bình Thôn,
 Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
Hiện ở: Hải ngoại
   
 
PHẦN TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA
 
Vi Khuê, vâng! Chỉ với hai thanh bằng của bút hiệu - chúng ta đã thấy được sự khiêm tốn của người phụ nữ làm thơ này.
Vi Khuê! Vi Khuê - là hạt bụi ở Khuê Văn Các? Hay một hạt nhỏ li ti của ngôi sao văn khúc ở trên cao?
Nhưng nếu là một hạt bụi ở lầu văn, hay dính trên sao Khuê sao Vũ, thì quá hạnh phúc và rất đáng tự hào lắm chứ. Ở đây ta hiểu theo cách nào cũng đẹp, với phụ nữ thì sự tự phụ là điều nên tránh; nhưng chúng ta có quyền được tự hào với hiệu quả của công việc chúng ta làm, mục đích và lý tưởng chúng ta phụng sự, vì thế được là một hạt bụi ở lầu văn vẫn hạnh phúc vạn lần hơn là làm một viên ngọc Lam Điền đính trên mũ áo của phường ác bá...
Nhà báo, nhà giáo, nhà thơ Vi Khuê Trần Trinh Thuận, được sinh trưởng trong một gia đình nho phong nề nếp mà nghiêm phụ là một vị văn quan nhã đạm (Thị Độc học sĩ) và từ mẫu là một phu nhân đức hạnh vẹn toàn.
Cụ Trần Chỉ Hiếu và phu nhân Nguyễn Thị Hà Châu có tất cả bao người con soạn giả không được rõ lắm, chỉ biết ngoài nữ sĩ Vi Khuê - hai cụ còn có một người con trai tài hoa phong nhã là nhà thơ Trụ Vũ - ông là cây bút vi diệu của văn học Phật giáo và có bàn tay điêu luyện trong nghệ thuật viết thư pháp, thư họa.
Theo suy luận của Ninh Giang Thu Cúc thì chắc rằng Vi Khuê là trưởng nữ của Trần gia.
Quê hương chôn nhau cắt rốn của chị là làng Thạch Bình dọc dài theo triền nước Bồ Giang xanh niềm hy vọng, Quảng Điền là vùng địa cuộc đã sản sinh nhiều nhân tài ở nhiều lĩnh vực, trong đó văn học nghệ thuật là bộ môn chiếm đỉnh cao với nhiều tên tuổi ở Văn đàn. Quảng Điền là một huyện phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nữ sĩ Vi Khuê được thai thành trong không gian trời xanh đất rộng ấy, và trong gia phong nghiêm cẩn mà bậc sinh thành là môn đệ của cửa Khổng sân Trình, ngoài phẩm hàm chức phận của một thị độc học sĩ; thì các kiến thức về y lý, dược lý và phong thủy, cụ đều am hiểu cho nên cô quý nữ Trinh Thuận học hành chăm chỉ giỏi giang âu là sự tất nhiên.
Với học vị Cử nhân văn chương khoa Việt Hán, Vi Khuê đã ứng dụng trình độ, khả năng, cùng kiến thức uyên bác của bản thân vào các hoạt động ở lĩnh vực văn hóa báo chí, như thuở còn son giá chị đã từng là xướng ngôn viên, biên tập viên và cả diễn viên thoại kịch cho đài phát thanh Huế...
Rồi đến một ngày chị đã "khấp như thiếu nữ vu quy nhật", để trở thành người vợ đảm đang tam tòng tứ đức của phu quân Chữ Bá Anh, và từ đấy; thuyền theo lái - anh chị Chữ Bá Anh đồng tâm hợp lực hoạt động ở ngành giáo dục, họ đã sáng lập được hai ngôi trường trung học tư thục khang trang bề thế tại thành phố Đà Lạt, mà tên gọi của hai ngôi trường đã nói lên hoài bão và nguyện vọng của chủ nhân - đó là trường Hiếu học và Văn học. Trường hoạt động từ năm 1955 - 1975 rất có uy tín và hiệu quả, cô hiệu trưởng Trinh Thuận là một con người nhạy cảm với các vấn đề đất nước và xã hội lúc bấy giờ. Vì vậy, tuy đa đoan với trách nhiệm, cô vẫn dành thời gian cho công việc sáng tác và năm 1971 thi phẩm "Giọt lệ" đã đến với công chúng qua nhà xuất bản Giang Châu.
Khi các cô con gái Huế đã dính vào nghiệp văn chương thì anh hoa phát tiết từ rất sớm, bởi do nhiều yếu tố nội tại và khách quan cộng hưởng nên 9-10 tuổi cô nào cũng đã có 1- 2 bài thơ khởi thảo và nghiệp chướng đeo đẳng trọn đời, hạnh phúc vô cùng, nhưng cũng thống khổ vô biên - bởi trái tim các cô quá ư nhạy cảm theo từng giai đoạn, theo bao nỗi thăng trầm hưng phế trên đất nước quê hương, người con gái, người đàn bà nào làm thơ cũng quá nhân hậu, quá đa cảm nên quá đa đoan... chính vì sự nhân hậu, sự đa đoan, sự ưu thời mẫn thế đó mà văn đàn Việt nam có những nữ sĩ mà Vi Khuê là một điển hình tiêu biểu.
Xin được thưa cùng chị Vi Khuê và bạn đọc, thật lòng để tâm sự là với tư liệu ít ỏi về thân thế của nhân vật mà Ninh Giang Thu Cúc có được, nên bản tiểu sử này mang tính suy luận và bằng cả trực cảm của soạn giả, vả lại trộm nghĩ rằng tiểu sử của văn nghệ sĩ phải khác với một văn bản lý lịch nặng phần hành chính trong hồ sơ lưu trữ ở các công sở. Tất nhiên là không phải vì thế mà thiếu chính xác ở phần cần thiết, đúng không? Lại nữa chúng mình cũng chưa có cơ duyên để mặt nhìn mặt cầm tay "phỏng vấn" một câu bởi "người ở phương trời ta ở đây"... mà chỉ căn cứ vào một vài dữ liệu để "từ đó suy ra" rằng bốn người con của Vi Khuê đều có tên Anh - vì cô con đầu có tên Nhất Anh mà tác giả đề tặng ở bài thơ Hoa Đào.
Một mái nhà đầm ấm với hai vợ chồng và bốn đứa con (hai trai, hai gái) là cơ số lý tưởng mà ngày xưa các thế hệ phụ nữ chúng ta thường phát họa trong đời sống lứa đôi, nhưng có bao nhiêu phần trăm đạt tiêu chí ấy - hay có vị sòn sòn năm một, có vị bói không ra, hay chỉ có một cô chiêu hoặc một cậu ấm - rồi lo toát mồ hôi nếu chẳng may nó nhiễm phải hội chứng con một, hay nói "trời không nghe lỗ miệng" lỡ trái gió trở trời thì vốn liếng đi đời nhà ma!
Với nữ sĩ Vi Khuê "Khi nên trời cũng chiều người" bà có đủ hai trai hai gái đều là con ngoan trò giỏi (xuất sắc) và phương trưởng thành đạt, có Nhất Anh chắc phải có nhị, tam, tứ Anh. Xin được ca ngợi tán thán niềm hạnh phúc của người phụ nữ, người mẹ Vi Khuê!
Có tụ phải có tán, sự sum họp nào cũng có dự báo của ly tan khi duyên tròn nghiệp mãn - vào một ngày của tháng 3 định mệnh, ông Chữ Bá Anh, người bạn đời khả kính của nữ sĩ Vi Khuê đã vĩnh biệt vợ con, bằng hữu ở cõi tạm này để làm cuộc trở về miền thiên cổ đó là năm 1996, nữ sĩ Vi Khuê thành quả phụ ở tuổi 65 trên quê người đất khách trong bao niềm nhật mộ hương quan...
Chúng ta đã điểm qua vài nét chính của người phụ nữ làm thơ, người con gái Huế của một thời xa rất xa... bây giờ chúng ta cù rủ nhau dõi theo lộ trình hoạt động văn chương và báo chí của Vi Khuê.
Năm 1975 như bao người Việt Nam vì nhiều lý do tế nhị phải lìa bỏ quê hương ra nước ngoài như loài chim thiên di... và đau đáu vọng về quê Mẹ trong bao hoàng hôn lạnh giá ở xứ người với:
 
"Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời"
(Nguyễn Du)
Cũng như bao người con xa cố quốc Vi Khuê đã ký thác bao tâm sự u hoài, bao niềm quê tình quê về cố lý xa mờ đòi đoạn - nơi ấy có mẹ già tháng ngày tựa cửa ngóng tin con, nơi ấy có con đường quen thuộc quanh co trên nẻo về quê nội, nơi ấy có ngút ngàn kỷ niệm của một thời áo tím sen ngó đào tơ - bên gia đình đoàn tụ quanh bếp cơm chiều thơm mùi rơm rạ dưới tia nhìn thân ái cuả người thân, và trên nữa - nơi ấy là Tổ quốc Việt Nam với bao đồng bào ruột thịt, một mảnh đất mà từ thời lập quốc bốn ngàn năm đã phải gồng mình gánh chịu bao thiên tai trắc ẩn, dịch họa vong thân với hạn hán mất mùa, đồng khô cỏ cháy, khoai sắn cằn cõi quắt queo... Bằng nỗi đồng cảm tuyệt đối với tác giả "Đoạn trường tân thanh" thi phẩm thứ hai được ra đời (chúng ta sẽ gặp lại thi phẩm qua phần cảm  nhận của soạn giả) thi phẩm có tên Cát Vàng in năm 1985.
Ngoài các thi văn phẩm, băng từ đã công bố rộng rãi thì tác giả còn những tác phẩm giáo khoa đang thai nghén và soạn thảo.
Nữ sĩ Vi Khuê thường xuyên cộng tác với các tạp chí: Văn, Làng văn, Văn học, Nhân văn, Thế kỷ 21, Thời luận, Người Việt, Thời Báo Chiêu Dương, Thi Văn cội nguồn, và nguyên chủ bút Nguyệt san Tin Điện, Diễn đàn phụ nữ, bà ký nhiều bút hiệu: Vi Khuê, Đoàn Văn, Đào Thị Khánh, Nguyễn Thị Bình Thường. Bà cũng chủ trương nhà xuất bản Sao và thành viên của hội Văn Bút Việt Nam ở hải ngoại.

TÁC PHẨM CỦA VI KHUÊ
1. Giọt lệ (thơ) - 1971
2. Cát vàng (thơ) - 1985
3. Thất ngôn bát cú (thơ)
4. Tặng phẩm tình yêu (thơ) - 1991
5. Ngựa hồng trên đồi cỏ (văn) - 1986
6. Vẫn chờ xe thổ mộ (văn) - 1993
7. Hoa bướm vườn thơ tôi (thơ) - 1994
8. Thơ Vi Khuê băng và đĩa CD.
 

"Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu..."
(Giã Đảo)
 
THẤT NGÔN BÁT CÚ
(Thơ Đường luật)
 
"... Đau nghìn trang giấy mới nên chương"...
(Vi Khuê)
 
ĐƯỜNG VÀO THẤT NGÔN BÁT CÚ CỦA VI KHUÊ

"Nguyệt Tầm Dương" bài thơ đề từ cho tập thơ Thất ngôn bát cú của nhà thơ Vi Khuê đã cho tôi nhiều liên tưởng thú vị.
Nguyệt Tầm Dương - trăng trên bến nước Tầm Dương và giọt nước mắt của nàng ca nữ nhan sắc đã hoàng hôn, nhỏ xuống cho đẫm ướt áo xanh chàng Tư Mã trên đường về đất trích Giang Châu:
"Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu".
Những câu thơ đứt ruột của Bạch Cư Dị là niềm cảm thông cho sự tình của nàng ca nữ, cho sự ly biệt giữa chủ và khách tri âm trong chén quan hà, và cho cả nỗi đời, nỗi người giữa thân phận thuyền quyên và một vị học sĩ mang bịnh trung ngôn thành ra nghịch nhĩ để khúc tỳ bà đòi đoạn động càn khôn.
Đã một thời bao cô con gái Việt Nam mon men đặt bước vào ngôi đền văn học Trung Hoa, vừa thích thú lại vừa run như cầy sấy khi đọc những dòng văn ma mị của Bồ Tùng Linh, sợ mà lại tò mò thích đọc, nhưng vừa đọc lại vừa lấm lét nhìn quanh, với ý nghĩ là bao nhiêu hồn ma bóng quế đang thập thò chực xuất hiện từ sau các bức tranh, các bức chân dung treo ở trên tường, đọc xong là trùm kín mền đến toát mồ hôi hột... Trời ơi, một thời mộng mị Liêu trai.
Rồi ngưỡng mộ đến phong thánh một nhà thơ mà chỉ bằng một khổ tứ tuyệt 28 chữ ông đã đưa vào bao thi ảnh nửa sờ nắm dễ dàng, nửa lại trừu tượng mênh mông vô hình vô tướng. Đó là Trương Kế với Phong Kiều Dạ Bạc.
Ai là hành nhân trên vạn nẻo sông hồ lại không chạnh niềm cố quận khi đọc lớn cặp kết của Hoàng Hạc Lâu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Thôi Hiệu ơi! Ông là ai mà có tài đánh động lòng quê của kẻ xa nhà đến vậy?
Một thi nhân mang hai dòng máu trong huyết quản đã lãng mạn cực kỳ khi chờ người yêu đến lụi tàn điếu thuốc trên tay và xuýt xoa rên rỉ: "Anh khẽ bảo nhớ làm sao nhớ thế" (Hồ Zdếnh).
Có một kẻ sĩ đau đớn khi nhìn "trời đất nổi cơn gió bụi" với tránh nhiệm của kẻ làm trai người ấy đã quyết lên đường trả nợ non sông và: "người đi, ừ nhỉ, người đi thực..." cùng  lời thề sắt đá : "Chí lớn chưa về bàn tay không..." (Tống biệt - Thâm Tâm)
Tám danh sĩ - tám hình tượng, tám thi ảnh lung linh chất Đường thi tuyệt hảo, trong đó có hai thi sĩ của Việt Nam đều được Vi Khuê phát thảo chân dung tiêu biểu ở bài thơ Nguyệt Tầm Dương, với tình yêu lớn dành cho nền văn chương cổ đại của Trung Hoa và của văn học đương đại Việt Nam. Một mối tình đã được tác giả ấp ủ tự tuổi ấu thơ.
Yêu người tự thuở tôi lên mười
Mỗi phút mỗi giờ tôi đều thở
Thở bằng hơi thở của người thôi
Có thể Ninh Giang Thu Cúc đã nghĩ sai những gì tác giả viết, nhưng biết làm sao được khi nhận định một tác phẩm văn học là quyền của bạn đọc, để từ đó ta tìm ra tiếng nói tri âm. Có gì một đúng mười sai xin được mỉm cười xí xóa cho nhận định ban sơ của soạn giả, trước khi đi vào tập thơ Đường luật của Nữ sĩ Vi Khuê. Lối vào thơ Đường luật của Vi Khuê ắt hẳn sẽ thênh thang, tha hồ cho hành nhân rảo gót theo hậu thân của Lý Bạch và Đỗ Phủ như Vi Khuê đã nằm mơ và khẳng định ở hai câu cuối trong bài: Nguyệt Tầm Dương:

Yêu người tự thuở tôi lên mười
Mỗi phút mỗi giờ tôi đều thở
Thở bằng hơi thở của người thôi
 
Nuôi tôi khôn lớn bằng sữa mẹ
Xanh xao ngôn ngữ liễu thơ Đường
Nuôi tôi đài các bằng hoa lệ
Chín tầng cung Hán nguyệt Tầm Dương
 
Nuôi tôi người đã nuôi tôi mộng
Liêu Trai nghìn giấc nhớ thương chàng
Đâu bến Cô Tô thuyền buộc chặt
Nghìn năm còn vọng tiếng chuông vàng?
Và đâu hoàng hạc bay, bay mất
Để còn trơ lại mái lầu hoang?
 
Hỡi ơi, người khách Minh Hương cũ
Quê ngoại chàng yêu, tôi yêu chàng
"Rạc rời vó ngựa quá quan
Cờ treo ải cũ, trăng đàn mộng xưa..."
 
Người yêu, ừ nhỉ, yêu người thực
Tiềm thức khôn nguôi hận Thủy Hoàng
Mơ thấy tiền thân mình họ Lý
Bút mực thương hoài nét Đỗ lang...
(Vi Khuê)


TÌM THẤY GÌ TRONG NHỮNG BÀI THƠ 56 CHỮ
CỦA VI KHUÊ TRẦN TRINH THUẬN

 
Thấy gì ư? - Dạ thưa, thấy nhiều điều lắm, trước hết chúng ta thấy được mối tình lớn của tác giả đối với Đường thi qua bài "Nguyệt Tầm Dương" đã được dùng thay lời tựa ở đầu tập thơ thất ngôn bát cú (TNBC)
Và ta thấy được cái sung sướng của mỗi người làm con, cái hạnh phúc cao vời nhất của mỗi chúng ta là có Mẹ để được ấp ủ vỗ về, được thương yêu và để thương yêu, để được khóc cười trên vai mẹ, để được nhớ mẹ trong từng sát na của sự sống hằng ngày. Đối với chúng ta Mẹ là số một; bởi thế mà trong 63 bài thơ ở tập "Thất ngôn bát cú" bài đầu tiên nữ sĩ đã dành: Khóc mẹ
Nửa đêm thức dậy nhớ quê hương
Khóc mẹ ngày nao cầu đoạn trường
(Khóc mẹ - Vi Khuê)
Chỉ với cặp phá đề ở trên, ta đã thấu hiểu thế nào là nỗi "chín chiều ruột đau" của một người con ở góc biển chân trời đang vọng tưởng, đang xót xa khi thấy "lòng lão thân buồn khi tựa cửa"... bức màn tâm tưởng cứ khép mở khép mở hoài cho ta quay quắt với nỗi niềm "Nhà hương khói lạnh" mà xót xa cho tình cảm tự thân:
Đi mô bỏ mẹ ở nhà
Gối nghiêng ai sửa chén trà ai dâng
(Ca dao)
Nhưng cũng có nhiều sự ra đi cao cả vĩ đại hơn đa số những người con gái khác, bởi sao? Vì:
"Mịt mù bụi cuốn giang san
Thì thôi một cái hồng nhan kể gì"
Vì không kể gì một cái hồng nhan và vì quốc gia mất hay còn, không phải chỉ riêng đàn ông mới "hữu trách" cho nên Huyền Trân Công chúa đành gạt nước mắt từ giã phụ hoàng mẫu hậu cam phận "chín tháng nằm trong thuyền chài" để được "nhẹ đành tơ liễu nặng vì quốc gia" cho hai châu Ô Lí nằm trên bản đồ Đai Việt, cho hai dân tộc khỏi gầm ghè khởi chiến binh đao... đại sự viên thành, trung hiếu lưỡng toàn, còn niềm đau riêng thì sao, chao ôi!
 
... “Sao lênh đênh thế - dòng thu lệ
Luống võ vàng ôi - nét liễu mày”
(Nhớ - Vi Khuê)
Và:
..." Trời hành chi rứa năm trăm lẻ
Nghĩ tủi Huyền Trân lạc bước giày"
(Nhớ - Vi Khuê)
A ha! Gánh tình nặng nhẹ chị em chung!?
"Nhớ" - bài thơ thứ 2 là chút tâm tình, là lòng cảm cựu đối với người xưa, đồng thời là nỗi cảm thương thân phận cho bao người "nay" "Khóc mẹ" và "Nhớ" chỉ là bước dạo đầu cho các cung bậc trên hành trình "Thất ngôn bát cú" của Vi Khuê.
"Thạch Bình Thôn" - nhà thơ Hạnh Phương đã nhận xét và bình giải trong một tiểu luận "Đây nhé là Thạch Bình thôn! Thôn Thạch Bình là làng nội của nhà thơ Vi Khuê. Sao không là thôn Thạch Bình? Sao lại là Thạch Bình Thôn? Ngay cách đặt nhan đề bài thơ đã khiến bạn đọc lâng lâng tiếp xúc được khí hậu của Đường thi".
Vâng, Ninh Giang Thu Cúc đồng ý với lập luận của Hạnh Phương!
Tôi chạnh nhớ Bạch Cư Dị với: "Cùng một lứa bên trời lận đận", hay gần hơn là Vũ Hoàng Chương: "Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa..." Vậy cho nên Vi Khuê hay kẻ viết bài này hay Hạnh Phương - chúng ta vẫn là năm bảy đứa lạc loài.. cách nửa vòng trái đất, tất nhiên đó là sự lạc loài vô hạn, nhưng ở ngay trong lòng địa phận mang hình cong chữ S, chúng tôi vẫn là loài chim di trú để mãi vọng về cố thổ trên ngàn dặm thiên di...
Nơi chôn nhau cắt rốn, nắng lửa mưa dầu thiên tai dịch họa, cứ đẩy dần đẩy dần những đứa con ra khỏi lũy tre xanh, ra khỏi mái đình làng có cây đa bến nước với muôn ngàn kỷ niệm tuổi thơ ta…
Thạch Bình thôn của Vi Khuê, Gia Độ thôn của Hạnh Phương, hay An Ninh thôn của soạn giả (NGTC) thì vẫn mang bao bóng dáng hình hài ấy, nhưng khác nhau ở chỗ tác giả sử dụng thế nào, sắp xếp ra sao, để tạo dựng nên một thi ảnh như Vi Khuê:
Con hói, lênh đênh bèo, sóng giạt
Rìa bưng, hiu hắt lá, sương sa
Biết bao biển lệ, dòng mưa cũ
Cả một trời thương, giọt nắng tà
(TBT - Vi Khuê)
Bốn câu trên là xương sống của bài "Thạch Bình thôn" cặp trạng như một bức tranh thủy mặc mà họa sĩ Vi Khuê bằng những nét chấm phá tài tình sinh động, cho chúng ta thấy dòng hói, chiếc bèo đang lênh đênh trên từng đợt sóng nhấp nhô, và cả một dải bưng biền vàng hoa mướp đang căng lòng đón nhận từng giọt sương nuôi nấng cuộc tồn sinh.
Cặp trạng đẹp về thi thuật và chỉnh đốn phân minh về kỹ thuật. Cặp luận buồn như cõi lòng sương phụ, giữa thương hải tang điền nặng lòng cố quận nẻo trời xa.
Những "bà nội trợ" có trình độ chuyên nghiệp chẳng ai thích đi chợ buổi chiều, dân ta có thành ngữ: "Rau héo chợ chiều" đã cho thấy mặt hàng nào của chợ chiều cũng đều dở ẹt, còn rau héo chỉ là cách nói biểu trưng...
Cũng có thể tác giả chỉ mượn cảnh chợ chiều thực thể với rau trái cỏ hoa héo xàu khô quắt, với “Rổ cá con lằn xanh đủng đỉnh. Cành bông cái nhặng biếc liêu xiêu...” là để nói đến một cảnh tượng "chợ chiều" khác giữa cuộc bon chen hệ lụy với "kẻ qua người lại dáng đăm chiêu"... đầy hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc chăng?
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau...
Cách đây hơn nửa thế kỷ nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ về mùa xuân như thế, nghe buồn như buổi chiều trên nghĩa địa... rồi có nhà thơ lại nao nức với mùa xuân, với mưa xuân khi viết:
... “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”
(NB)
Mỗi nhà thơ đều có mỗi cái nhìn về mùa xuân về mưa xuân tùy theo tâm thể, theo hoàn cảnh lúc sáng tác. Ta đọc "Mưa xuân ở Virginia" để cộng cảm và chia sẻ với người thơ xứ Huế đang lưu trú tận trời xa:
Mưa xuân tầm tã mấy hôm nay
Chẳng khác trời Nam chút mảy may
Có thật chẳng khác hay tác giả cố nghĩ vậy để phỉnh phờ mình cho bớt xót xa, hai câu thực đã cho ta đáp số rõ ràng:
Chạnh nhớ cố hương phong cảnh cũ
Vui chi khách địa nước non này
Và chúng ta ngậm ngùi theo nỗi khắc khoải vọng tưởng của tấm lòng người con hướng về mẹ, người chị nghĩ về em:
Mẹ còn tuổi hạc mong hôm sớm
Em vẫn phòng thơ đợi tháng ngày
Chao ôi! "Sầu biệt ly vơi sớm đầy chiều", Cụ Vũ Bằng mới từ Bắc vào Nam mà đã kêu lên tha thiết như vậy huống gì người cách nửa địa cầu...
Với người thơ - hai mùa đẹp nhất trong năm có lẽ là mùa Xuân và mùa Thu. Không có người làm thơ nào không ca ngợi vẻ đẹp u hoài của mùa thu khi thấy từng chiếc lá vàng lìa cành bay lãng đãng ở không trung - gợi cho người thơ bao nỗi nhớ như nỗi nhớ của nhà thơ Vi Khuê.
... Nhớ một con thuyền xưa lạc bến
Đau nghìn trang giấy mới nên chương...
Nỗi đau của giấy mực là nỗi đau truyền kiếp của người thơ khi bóp trán tìm vần - vần vẫn bí, cau mày kiếm tứ - tứ không ra, viết thì có chi khó - nhưng viết để đọng lại chút dư ba trong lòng người thưởng lãm thì mới là lẽ cần bàn, giấy đau thì người viết càng đau gấp bội, đó là sự tương quan máu thịt của nghiệp chướng trời đày. Không vậy mà thuở nọ vào thời kỳ nhà Đường (Trung Đường) Giả Đảo đã khóc khi làm được hai câu đắc ý sau 3 năm thôi xao mài dũa.
"Ba năm làm được hai câu
Ngâm lên một dạo lệ đau hai hàng"
Cho nen, khi đọc câu thứ 6 ở bài “Thu ở Virginia” soạn giả dựng toc gáy cho sự khắc nghiệt của loại văn học cổ điển mà một thời đã có một số người mổ xẻ phỉ báng không thương tiếc. Nhưng không sao, chân lý thuộc về mọi người - bởi với một thể loại văn học đã đạt tới đỉnh cao của nhân loại, thì phi thời gian không gian và cả sự phỉ báng cũng phi hiệu quả, bởi phỉ báng sao được với một loại hình nghệ thuật mà phải "Đau nghìn trang giấy mới nên chương" như nữ sĩ Vi Khuê đã khẳng định bằng bao trải nghiệm xương máu khi đặt bút làm thơ luật Đường kia chứ!?
Đọc thơ luật Đường của Vi Khuê ta mới thấy thế nào là "Đau nghìn trang giấy" bởi tác giả đã bao phen.
... "Mượn cay mượn đắng làm gia vị
Vay gió vay mưa để thắng màu..."
(Vốn liếng - Vi Khuê)
Tôi thật sự tâm đắc với cặp trạng này ở bài "Vốn liếng", chỉ có phụ nữ mới thẩm thấu tứ thơ này, mới có sự đồng cảm và cộng cảm cao độ với người viết, nghe như nói "ba lơn"cho vui, nhưng mà đau lắm, đau với nhiều tầng ngữ nghĩa, và tai hoa lắm khi hạ bút hai vế “làm gia vị”, “để thắng màu”. Màu là đường nấu trên lửa sôi đến quằn quại, cho đến lúc thành chất nước sền sệt, màu cánh gián để ướp cá kho khô, từ chất nước đường bị cô lại, gần hóa thành caramen ấy lại phục sinh để làm đẹp con cá kho khô hay miếng thịt heo kho tàu, biến hóa khôn lường qua bao lần dầu sôi lửa bỏng, cũng như người làm thơ phải khổ luyện để gạn đục khơi trong từng câu chữ vần điệu, sự so sánh rất bếp núc đơn sơ nhưng lại thâm thúy vô cùng.
Về đề tài thân phận, Vi Khuê đã ký thác bao ý tình mà đọc đến là thương bởi nghe như có mình trong đó:
... “Ba nghìn đêm trắng tàn hoa nến
Tám chín thu khô úa mộng hời
Nhớ nước trong câu hò mái đẩy
Thương mình bên vực thẳm mù khơi”
(Riêng con - Vi Khuê)
Người thơ trước hết là viết cho mình, vì thế không chỉ là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn theo mây, mà họ còn gởi gắm nỗi niềm của tự thân:
... "Trăng xưa đã khuất đôi bờ liễu
Thềm cũ còn in một dấu hài
Giấc bướm tàn theo hồn bướm lạnh
Hoa đào nở cợt - má đào phai"
(Một tiếng đàn - Vi Khuê)
Và:
... "Mấy chục năm dư sầu vạn cổ
Mười hai bến nước gái thiên kim"
(Tím - Vi Khuê)
Như:
... "Thương cho con nhạn không liền cánh
Tội chiếc thuyền lan khó thuận dằm"
Ở mảng thơ ca ngợi danh nhân của đất nước Việt Nam gồm có 29 bài, cho ta thấy lòng trân trọng của tác giả dành cho tiền nhân ở mọi lãnh vực từ quân sự, với quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, đến bậc danh thần vị quốc vong thân Nguyễn Tri Phương, đến các nhà chính trị như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, các bậc danh y đã đem y thuật để cứu đời, như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh và các văn nhân thi sĩ cận, hiện đại đã đóng góp cho ngôi đền văn học của dân tộc như Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm - một kẻ sĩ bất cần danh lợi mà thú hưởng nhàn của cụ khiến bao người tâm phục:
... "Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao"
Và bao gương mặt nữ nhân tài hoa đức hạnh làm rạng danh cho đất nước như một Huyền Trân, một Ỷ Lan, một Đoàn Thị Điểm, với hai vế đối tài hoa trong bộ cánh của một cô hàng bán nước chè xanh:
"Bắc quốc chư đại phu
Giai do thử đồ xuất"
Với tấm lòng trân quý dành cho tiền nhân, nữ sĩ Vi Khuê đã viết về họ bằng tất cả sự ngưỡng mộ chân thành, mỗi bài thơ là một nén tâm hương.
Và chúng tôi, kẻ hậu sinh hậu học đã đọc tập thất ngôn bát cú với lòng mến mộ về câu chữ về ý tưởng mà nữ sĩ đã bằng tất cả tâm huyết đã "làm đau nghìn trang giấy" để có 63 bài Đường luật, đẹp như trăng và trong như sương.
 

CÁT VÀNG
(100 bài thơ chọn - 1985)
 
"Chim quyên khắc khoải đêm trường
Hồn non nước gọi hàng dương cúi đầu".
(Vi Khuê)
 
"Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy"
(Kiều - ND)
Từ buổi về Liêu Dương thọ tang thúc phụ, cuộc chia ly khắc nghiệt kéo dài mười lăm năm đằng đẵng cho duyên Kim Kiều hai ngã phôi phai, để con người "sắc đành đòi một tài đành họa hai"* phải lận đận "thanh y hai lượt thanh lâu hai lần" **, trăng tàn bóng xế cho lứa đôi bẽ bàng duyên phận trăm năm, chỉ còn niềm an ủi duy nhất là cả hai đã tròn bề hiếu để, vậy đứng về đạo lý thì cuộc ly tan này quá đẹp!
Thế nhưng có cuộc ly tan vì nhiều lẽ nhiều điều với bản thân và của thế hệ kế thừa, để kẻ ra đi nghẹn ngào chân bước ra lòng quay trở lại ngập ngừng căn dặn "nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em" *** và rồi trên bước quan san diệu vợi - người phiêu bạt thẫn thờ quay quắt với tâm trạng: “Ra đi, chân thẳng cẳng dùi, Bâng khuâng nhớ mẹ ngậm ngùi thương em”, nỗi niềm hương khói ấy đeo đẳng hoài trên bước đi của người thơ Vi Khuê; và Vi Khuê đã đúc kết niềm khắc khoải ấy thành thi phẩm có tên gọi Cát Vàng.
Chúng ta đọc "Lời thưa" ở đầu tập của tác giả, để chia sẻ nỗi lòng kết quặn của khách phiêu bồng trên vạn nẻo sông hồ sáng nắng chiều mưa bằng tâm trạng, bằng ý tại ngôn ngoại, bằng cảm thức âm thầm của hai nẻo Sâm Thương bởi "Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc. Ly tán vì cơn gió bụi này" ****.
Ra khỏi bậc thềm nhà cha mẹ; nơi oa oa tiếng khóc chào đời một trăm dặm, hay mười vạn dặm thì vẫn là kẻ thiếu quê hương để tháng ngày phải làm kẻ hành nhân ăn mày dĩ vãng mỗi khi Tết đến xuân về.
Cũng như chị - tôi là kẻ kính ngưỡng Tố Như tiên sinh, vì thế mới mượn hai vế 6-8 trên để mở đầu cho bài cảm nhận tập Cát Vàng.
Để diễn tả sự rối rắm từ tâm tư bất ổn của kẻ ly hương, cảm giác tù túng Vi Khuê viết:
... "Xuân này là xuân thứ mười
Khuây quê hương mới, ngậm ngùi quê xưa
Muốn ra sân để gió lùa
Tóc bay trong nắng ghẹo đùa áo xuân
Lòng như cỏ cứ phân vân
Bước chân chim sáo ngại ngần với ai"
(Xuan trong bốn bức tường - Vi Khuê)
Tương lai là một trạng từ vô cùng đẹp vì nó ban phát cho nhân loại sự đợi chờ, niềm hy vọng vào ngày mai cho hôm nay bền lòng vọng tưởng, cho dù ngày trở về đã chân chồn gối mỏi tóc trắng màu sương.
Mai mốt tôi về đầu đã bạc
Đứng trên cầu cũ nhìn sông xưa
Sóng êm như thuở còn tươi mát
Mười tám xuân nghiêng nón đợi chờ...
(Mai mốt tôi về - VK)
Về để được đứng trên cầu nhìn xuống bến sông xưa, để hồi tưởng lại tuổi mười tám - chao ôi! một hẹn hò, một ước muốn quá dễ thương...
Nhưng đối lập với lời hẹn hò cùng hình ảnh đẹp như thơ ấy là một thực tế đau lòng của tự thân hay của tha nhân qua sự lột tả của Vi Khuê:
... Thì như ai đó mà lưu lạc
Trâu ngựa quê người tủi tấm thân
Ngày phóng xe làm phu hốt rác
Đêm về nằm nước mắt chứa chan
 
Thì như ai đó nữa, bây giờ
Đứng dựa cột đèn, ngó ngẩn ngơ
Dâu bể tan hoang thành phố cũ
Thẫn thờ đi những bóng bơ vơ...
"Thì như ai đó" có thể có ai đó thật, và có thể chỉ là từ phiếm chỉ, là dụ ngôn của tác giả, nhưng sao đọc lên nghe cứ rứt ruột bồi hồi...
Chúng ta trông đợi ngày về của tác giả, về - đúng nghĩa trở về cho dù:
Mai mốt tôi về đầu đã bạc
Đứng trên cầu cũ nhìn sông xưa
Sông ơi! Đá cũng còn cau mặt
Mà nước sông sao cứ lặng lờ?
(Mai mốt tôi về - Vi Khuê)
Hãy về và cứ về đi; hồn non nước đang vẫy gọi - bởi hơn ai hết tác giả cũng đang hoài niệm và tâm niệm ước ao:
... Nhớ khi khép lụa tà xanh
Ta cầm chén ngọc bâng khuâng hỏi người
Bao giờ cho Việt Nam vui
Anh em hòa thuận người người mến nhau?
 
Ôi chao, nhớ thuở ban đầu
Ngàn nằm đã dễ qua cầu gió bay...
(Nhớ nụ hồng vàng - Vi Khuê)
Giang sơn này, Tổ quốc này đã có bao ngày chinh chiến điêu tàn, để tình phụ tử gia đình quê hương ly tán, quá khứ của bao người là một trang sử buồn đứt ruột. Chúng ta dễ gì quên những vành khăn tang trắng đầu quả phụ và hài nhi trong không gian xiêu đổ nhà cháy đầu rơi, bởi bom đạn vô tình và cả bàn tay người hữu ý, những bàn tay của bọn ác bá cường hào nơi thôn ổ đã từng gây cảnh điêu linh thảm họa cho bao gia đình lương thiện - mà chỉ vì lòng tư thù hay đố kỵ cá nhân, đã có những trường hợp điển hình như thế:
Ồ không! Thuở ấy mà ly loạn
Chỉ có phà ngang ở bến đò
Cô gái qua sông mười tám tuổi
Trên đầu đã chít chiếc khăn sô
 
Thì thế thì thôi, thì lận đận
Thì long đong, thì đã lênh đênh
Thì như ai đó ngoài mưa lạnh
Chìm nổi theo cơn sóng bập bềnh...
(MMTV - Vi Khuê)
Một giây vô loại buộc hai thâm tình, thằng bán tơ cùng lũ đầu trâu mặt ngựa đã a dua nhau hãm hại Vương ông và đẩy Thúy Kiều vào bước đường luân lạc cho mười lăm năm đứt ruột khách tao nhân - để nhân loại này có một thiên tuyệt phẩm viết về thời "Gia Tĩnh Triều Minh", thì ở một góc làng nhỏ trên bản đồ miền Trung nước Việt Nam này; lại có một oan sai quy chụp xuống một gia đình, bởi quan điểm bất đồng trong xuất xứ giữa nhân sĩ và khách phàm phu, để tang tóc trùm kín đời quả phụ. Nhưng "gia bần tri hiếu tử" - Tang chế nghiêm đường đưa cô tiểu thư Vi Khuê thông tuệ lên làm trụ cột của gia đình với mẹ yếu và một bầy em thơ dại, nhân vật của "Mai mốt tôi về" oằn tấm thân liễu yếu xuôi ngược giữa chợ đời kiếm miếng cơm manh áo phụng dưỡng mẹ và nuôi nấng mấy đứa em thơ, tấm gương hiếu để ấy, lòng hy sinh ấy, đã được người em kế của nhân vật "Mai mốt tôi về" tụng xưng với tất cả lòng tôn trọng và luật bù trừ đôi khi lại vô cùng chính xác bởi nguyện ước của Vi Khuê đã thành hiện thực rỡ ràng:
Mong một ngày mai em ấm no
Có vuông sân nhỏ có căn nhà
Có riêng ngày tháng tiêu dao nữa
Em sẽ làm thơ: thỏa ước mơ
(NTTD - Vi Khuê)
Bài thơ "Gởi hồn theo sách" tác giả đã bày tỏ niềm tự hào của một con dân đất nước Việt Nam:
Gởi hồn theo sách về thăm nước
Nước mấy ngàn năm Nước gấm hoa
Nước thơm trang sử thơm tình đất
Nước vẫn ngàn năm nước Việt ta
Chúng ta hạnh phúc, Vi Khuê hạnh phúc vì được làm con dân của một xứ sở đã từng có:
Nước có Vua Bà xưa cưỡi voi
Có cô công chúa lấy dân chài
Có Văn chương mở ngàn pho sách
Có Bạch Đằng giang khiếp vía ai...
...
Gởi hồn theo sách về thăm nước
Cát bụi thân mình lại xót xa
Giá có hồn thiêng sông núi thực
Ngày nao ta trở lại quê nhà?
(Gởi hồn theo sách - Vi Khuê)
Người đọc chững lại ở câu thứ 3 của khổ thơ cuối và suy nghĩ: có lẽ tác giả đã có quá nhiều va chạm, quá nhiều uất ức của gia tư từ sâu thẳm cộng với nhiều trải nghiệm, qua bao cung đoạn phiêu bồng từ Á sang Âu, sang Mỹ đối đầu với bao tình huống thực tế nên niềm tin và đức tin có phần hao hụt, để phải hạ bút hoài nghi: "Giá có hồn thiêng sông núi thực".
Có chứ sao không - hồn thiêng sông núi kết tụ từ những anh linh của bà Trưng bà Triệu, những liệt nữ anh thư, từ những anh hùng làm nên lịch sử Bạch Đằng, Đống Đa, hồn thiêng sông núi kết tinh từ anh hoa của Ức Trai Nguyễn Trãi, của Tiên Điền Nguyễn Du... của bao máu xương của những người ngã xuống làm phù sa bồi đắp ruộng vườn cho trái ngọt cây xanh dòng Lạc Việt hôm nay.
Người con nào cũng viết về mẹ với tất cả lòng thành kính thương yêu, và người mẹ nào viết cho con cũng đậm đà thấm đẫm niềm âu yếm tự hào. Nữ sĩ Vi Khuê cũng như bao người làm mẹ đã viết về con bằng tất cả chữ nghĩa đẹp qua chùm thơ "Thiên đường nhỏ", "Khi con còn nhỏ", "Cho con thiên thần" mà mỗi bài là một lời tình tự nghe đến là thương:
... "Ở đây ríu rít bầy chim nhỏ
Hợp xướng bản tình ca xưa cũ
Tình mẹ muôn đời như trăng soi
Tình con bây giờ như nước lũ..."
(TĐN - VK)
Dưới mắt mỗi người mẹ thì cái gì quý trên đời này đều chỉ duy nhất con mình có mà thôi, chẳng thế mà Vi Khuê viết:
... "Chưa nhìn đã thấy cả dung nhan
Con quý con yêu con phượng hoàng
Con đến như trời ban phước xuống
Con nằm nôi nhỏ, rạng hào quang
(KCCN - VK)
... "Tôi ao ước được sống dài trăm tuổi
Để làm người vú bọ dẫn dắt bước em đi...
(CCTT- VK)
Mỗi con người, mỗi thân phận sau bao bon chen hệ lụy rồi cũng đến lúc tự hỏi mình như Vi Khuê đã hỏi:
... "Tôi còn tôi được bao nhiêu
Cái tôi thân thể lụy chiều áo cơm?
(T-VK)
Có vậy thôi, buồn quá nữ sĩ ơi!  Đời sống của mỗi kiếp người dài lắm và cũng ngắn lắm, mà cứ loanh quanh với bao hệ lụy buộc ràng từ thực thể đến những ngóc ngách u uẩn của tâm hồn, của ý thức rồi tự tranh biện, độc thoại, phản biện, loay hoay cũng không giải quyết được gì, thì thỏng tay cho nhẹ nhàng, Ninh Giang Thu Cúc đã đọc đi đọc lại nhiều lần toàn tập Cát Vàng và đọc thật kỹ rất nhiều bài mà tính nhạy cảm của nội dung làm mình muốn khóc. Nhưng xin không dám lạm bàn, thôi xin làm thinh chứ không dám bảo "im lặng như chánh Pháp" nghe cao siêu quá. Xin sẻ chia những câu chữ ăm ắp tâm trạng u hoài, phẫn nộ về những điều bất khả mà tác giả đã dàn trải trong thơ. Xin tác giả nhận sự chia sẻ vô ngôn:
"Đẹp vì không thể nói ra
Nghìn thu trắng một vòng hoa mộ người"
(NTTH - VK)
 
Ninh Giang Thu Cúc
Mùa thu năm 2009
 

ĐỌC VĂN XUÔI CỦA VI KHUÊ
(Truyện ngắn, biên khảo, bút ký, tạp văn)
 
Soạn giả thật sự thích thú khi đọc mảng văn xuôi nhiều thể loại của nhà báo Vi Khuê, ở đó ta bắt gặp sự uyên bác, sự thông tuệ, cả sự dí dỏm và bằng cả nỗi đắng chát của một trái tim nhạy cảm khi phải va đụng vào bao sự, và thế, bao cảnh và tình, nếu bảo phụ nữ là những người dễ xúc động thì Ninh Giang Thu Cúc tôi là trường hợp điển hình, nhưng không phải bạ cái gì cũng giọt dài giọt vắn mà phải có sự tương tác đúng tần số, cho nên khi đọc cái truyện "Truyện ngắn dài 50 mùa xuân" tôi thật sự đau... đau cho nhân vật và đau cả cho mình, đau cho thế hệ con nít chào đời trong bối cảnh xã hội miền Trung Việt Nam vào những năm thuộc thập niên 40 của thế kỷ 20.
Dạo đó, tuổi măng sữa ấu thơ của chúng tôi thường bị xuống hầm trú ẩn để tránh bom rơi đạn lạc nhiều hơn là thời gian ở trên mặt đất, tôi còn được nghe kể lại rằng: hồi đó tôi là một con bé ưa khóc nhè ghê gớm cho nên cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay oanh tạc bay vù vù từ xa là bà vú Sáu phải nhét khăn vào mồm tôi để bồng chạy vào hầm, nếu không tiếng khóc tôi sẽ "kêu gọi" sẽ là mục tiêu để bị tiêu diệt trọn gói, để thành vùng oanh kích tự do, mới lên năm lên bảy những đứa bé đồng trang lứa chúng tôi đã run bần bật khi thấy từng đoàn tây trắng tây đen đổ bộ vào đường làng ngõ xóm đốt nhà, bắt người, hiếp phụ nữ... mọi người dân lành vô tội luôn bị ám ảnh, sợ hãi khi nghe ba tiếng "tây đi lùng" tây đi lùng kéo theo một bầy ưng khuyển vo ve vang tiếng ruồi xanh làm tay sai cho bọn tóc quăn mũi lõ giết hại đồng bào ruột thịt để cướp của, để trộm chó bắt gà...
Tuổi thơ chúng tôi mắt thấy tai nghe những điều như thế đấy, riêng tôi từ phố (đường hàng Bè) tản cư lên hai làng, nội ngoại Kim Long - An Ninh rồi xóm Rào thuộc làng An Ninh Thượng bầu đoàn lếch thếch, đàn bà con nít dắt díu nhau mà sau này vú Sáu tôi kể lại là không phải chỉ sợ bom đạn mà còn phải ngụy trang mặt mày bằng nước nghệ bằng lọ nghẹ, và áo xống thì phải bôi bết cho dơ dáy hôi hám để bọn tây và lính ta là com măng đô không làm nhục... trời ơi!
Vì vậy chỉ cần đọc "Truyện ngắn dài 50 mùa xuân" của Vi Khuê là chúng ta đã trở về với những tháng ngày cùng khổ của bao người qua sự dẫn chuyện nhẹ nhàng ẩn áo của tác giả Vi Khuê.
Với phần biên khảo, khảo luận cây bút của Vi Khuê tỏ ra sắc sảo ở mọi chủ đề - bàn về các danh nhân văn hóa văn học bà đã mổ xẻ rạch ròi tôn vinh đúng mức, lý luận chặt chẽ, người đọc bị thuyết phục với nhiều luận cứ chính xác như ở bài "Ngày xuân nhớ bà Tú Xương" và bài "Hai giả thuyết về ý nghĩa một bài thơ".
Về mảng sân khấu - không biết ta nên khóc hay cười với kịch bản "Đứa con đẻ hộ" và "Nước mắt mẹ già" mỗi kịch bản là một cái nấc nghẹn đắng ở cuống họng cho mọi con người nếu thật là người có đủ tư chất cốt cách của loài động vật cao cấp có xương sống.
Nhìn chung ở mọi lãnh vực văn hóa, văn học, báo chí mà Vi Khuê tham gia đóng góp hoạt động, suốt chiều dài của cuộc đời bà từ thuở thanh xuân đến ngày bạch phát, sự cống hiến trí tuệ, công sức của bà cho gia đình và xã hội – cả Đông lẫn Tây là một mốc son rất đáng tự hào của nữ giới Việt Nam và nói riêng là của phụ nữ Thừa Thiên Huế.
Quả là xứng đáng khi bà được góp mặt trong "Tự điển tiểu sử nhân vật Quốc tế" (Dictornary of internatinonal Biography của nước Anh) và tên bà được trang trọng nằm trong tự điển American Bio- graphical institule, in (ABI) xuất bản ở Mỹ
Bộ sách đồ sộ "Nữ sĩ Việt Nam" do nhà xuất bản Văn học Việt Nam ấn hành là công trình của nhà văn Như Hiên, thì nữ sĩ Vi Khuê là một trong một trăm ba mươi bảy vị được giới thiệu từ cổ cận đến hiện đại.
Ninh Giang Thu Cúc

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập