BAN BIÊN TẬP

Hân hạnh giới thiệu bài viết của:

   - Du Tử Lê -
 
PHAN TRANG HY và tiểu thuyết:

NGƯỜI HAY LÀ NHỮNG CƠN MƠ MẠO DANH
                                   

 
Sáng tác mới nhất của nhà văn Phan Trang Hy là tiểu thuyết “Người hay là những cơn mơ mạo danh”.
Truyện của họ Phan mở vào với hai nhân vật: “Rớt”, và “tấm gương”. Tôi gọi “Tấm gương” trong “Người hay là những cơn mơ mạo danh” (NHLNCMMD) của Phan Trang Hy là một nhân vật vì, “tấm gương” trong truyện họ Phan đã như người bạn đồng hành với nhân vật “Rớt” của ông hoặc, như một người bạn thân thiết nhất, để “Rớt” không chỉ tâm sự mà qua “nhân vật” tấm gương này, Rớt còn có thể đi tìm định mệnh của mình. Một thứ định mệnh ngặt nghèo, bất ưng, như hầu hết những thân phận không chờ đợi của đa số kiếp người.
Ngay tự những dòng thứ nhất của NHLNCMMD, Phan Trang Hy viết:
“Rớt lại ngắm mình trong gương. Đến giờ, cô vẫn không thể tin tại sao cô lại xấu như quỷ. Mới hai mươi tuổi đời, cái tuổi đáng lẽ ra phải đầy những ước mơ của cuộc đời người, cái tuổi mà bất kỳ người con gái nào cũng tràn trề nhựa sống của thân thể tạo hóa đã cho. Nhưng ở cô thì ngược lại. Có thể như thế này sao, hỡi trời? Nhiều lần, rất nhiều lần cô nhìn mình trong gương và cô bật khóc. Và bây giờ cô vẫn khóc. Khóc cho gương mặt già nua trước tuổi của mụ đàn bà nào đó? Có phải gương mặt cô mang là của chính cô hay của một người nào khác? Gương mặt cô đây ư? Vô lý thật!” (NHLNCMMD, trang 5)
Gạt bỏ khía cạnh tâm lý đương nhiên đau đớn, khi một thiếu nữ ở tuổi hai mươi, vừa mở cánh cửa thanh xuân thân, tâm mới định dợm bước vào cõi xanh vườn đời thì, tấm gương đã cho cô thấy mặt trái của niềm tin; phũ phàng của bất hạnh - (bất hạnh phải thụ đắc, phải khứng nhận một một nhan sắc “xấu như quỷ”) -  Tôi nghĩ, khi đẩy nhân vật nữ của mình tới cực điểm của thất vọng, ở khía cạnh ẩn dụ, họ Phan dường muốn cho thấy (nêu lên) những vấn nạn như chiếc bóng bất hạnh khôn rời của một số phận? Hay tính thiêu hủy, ăn mòn gia tăng của lượng át-xít-ác-độc -thời- gian trên một (hay những) kiếp người?
Nó như hai mặt của một đồng tiền thanh xuân và ác quỷ. Cuộc tương tranh giữa ảo ảnh và hiện thực. Nó như một “trận địa chiến” khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối. Tương lai và vực thẳm.  Cõi lập lòa ý thức và vô thức...  
Chưa hết, vào sâu cõi giới truyện Phan Trang Hy, người đọc còn bắt gặp những hoán đổi vị trí cay nghiệt, liên tục giữa quá khứ và hiện tại. (Tôi muốn nói thời gian đã qua và thời gian sẽ tới). Cụ thể, sự hoán vị giữa bà chủ nhà, người cưu mang nhân vật Rớt – trong vai trò chủ / tớ, đổi sang vai trò van xin Rớt đừng lìa bỏ bà - Vì, bà sẽ không thể sống khi không có Rớt! Phải chăng, qua ẩn dụ này, Phan Trang Hy còn muốn nói tới tương quan bất khả chia lìa giữa những con vật người sống giữa nhân quần, tập thể?
Cũng như sự xuất hiện (trong gương?) của các nhân vật Thi, tượng trưng cho phần tinh thần, thơ mộng. Như thằng Bạc, hay thằng Đế (tượng trưng cho bản năng:
“...Chạy vào lò vôi bên cạnh cầu, Rớt bắt gặp thằng Đế nằm trần truồng. Bên cạnh nó là chai rượt đã cạn. Áo quần nó vứt một nơi. Mặc sấm chớp. Mặc mưa xối xả. Đế vẫn nằm như không biết có gì trên đời. Ngoài trời sấm chớp nổi lên mỗi lúc một nhiều. Thằng Đế vẫn cứ nằm. Rớt lần đầu tiên nhìn thấy thằng người trần truồng. Cô nhìn trân trân vào thân thể Đế. Nhìn từng bộ phận trên thân thể nó. Một cảm giác thèm của lạ theo nước bọt, bắt cô phải nuốt...” (NHLNCMMD, trang 168)
Tựa mỗi thân phận không chỉ phải gánh vác định mệnh riêng mình mà, mỗi cá thể còn phải gánh vác, chia xót định mệnh đám đông - - Rộng hơn, định mệnh một dân tộc, một đất nước!?!
Nhưng, tựu trung, Rớt vẫn muốn được làm người, dù quỷ đói hay tiên thần. Tính nhân bản qua tiếng kêu rên thống thiết của Rớt, thể hiện qua đoạn văn dưới đây:
“Mày có phải là quỷ không hở Rớt? Hay mày là tiên hở Rớt? Có thể mày vừa là quỷ, vừa là tiên?
“- Không tôi muốn được là người! Ai biến tôi thành tiên? Ai biến tôi thành quỷ! Sao tôi không được làm người? Các người ác lắm! Tôi chỉ muốn thành người.” (NHLNCMMD, trang 96)
Ở đây, họ Phan khiến người đọc nhớ lại quan điểm con người có nửa phần thiên thần, nửa phần thú vật của triết gia Rene Decartes (?)
Và, nhân vật của họ Phan không chỉ muốn làm người mà “muốn thành người”!    
Vẫn theo tôi, họ Phan, từ vị trí nhà văn qua tấm gương (nhân vật tĩnh mà rất biến hóa, sinh động) lại phóng chiếu từng chân tóc bất hạnh, như thể ông muốn đưa người đọc tới điểm cực đại của bất hạnh hay, nỗi cô đơn đá tảng của mỗi cá thể giữa nhân quần - - Mà, tâm bão của bi kịch đã phục sẵn ngay tự khởi đầu với ý thức bất lực trước những câu hỏi, không có câu trả lời.
Ở đây, qua những trang văn xuôi thao thiết bi kịch từng thân phận, người đọc gặp lại câu hỏi thường được cất lên trong văn chương của những nhà văn mang tâm thái thương đời và, thương người. Đó là hai câu hỏi căn bản: Con người sinh ra để làm gì? Khi chết sẽ đi về đâu?
Hai câu hỏi này, cùng với Rớt, Tấm Gương (tôi viết hoa) và những nhân vật khác, (cùng một bè, mảng) lênh đênh chìm, nổi bất lực, miệt mài trôi trên khúc sông đời dài gần hai trăm trang của NHLNCMMD.     
Điều đáng nói là những nhân vật (cùng nghiệp duyên) với Rớt và Tấm Gương, cũng không thoát khỏi vòng kiềm tỏa ít, nhiều của lượng át-xít-ác-độc -thời- gian trên những kiếp người? Nó như một thứ thuộc tính đương nhiên của định mệnh. Hay đó mới là diện mạo, là chân dung đích thực và, cuối cùng của kiếp người?
Với tôi, trong một chừng mực nào đó, thì cách gì, tiểu thuyết NHLNCMMD cũng vẫn là tác phẩm tự thân có được cho nó độ sâu, đáng kể.
Du Tử Lê
(Garden Grove, Oct. 2015)
Nguồn: dutule.com
http://www.dutule.com/D_1-2_2-148_4-7350_5-10_6-2_17-139_14-2_15-2/phan-trang-hy-va-tieu-thuyet-nguoi-hay-la-nhung-con-mo-mao-danh.html
 


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập