Sách Mới Xuất Bản
 
 Hai Bờ Giấy hân hạnh giới thiệu tác phẩm:

 MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ
                   
Tác giả:  Nguyễn An Bình


Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành năm 2016.



 
NGUYỄN AN BÌNH,
THƠ NGHÌN TRÙNG BÊN MÀU RÊU THỜI GIAN

(Tản mạn với Thi phẩm Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ)

   * NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
 
     Hình như trên bước du hành trôi dạt của một kiếp người, cũng có những phút giây tạm dừng vó ngựa, ngồi lên hiện tại giũ chút bụi đường. Gió sương mông mênh phủ lấp quãng đường trước mặt. Người khách giang hồ đang vắt kỷ niệm trên cành cây gáo vàng trước sân, mà lòng vẫn sa giông trong tâm trạng phù hư. Cuộc sống ai lại không chất đầy những rung cảm đầu đời, như gốc rễ chờ lá rụng về cội. Giấc mơ ảo vọng ở những thời khắc trôi qua, đã chuyển dịch bước chân người cố xứ, làm xa rời ảnh tượng xa xưa. Có gởi gió theo mây về quá khứ, cũng nhòe đi trong phân cách của không gian vô thỉ !
      Thật vậy, người đời ai không đa mang vời vợi kỷ niệm sinh thời. Những ray rức có giúp tâm hướng nhân sinh nắm lại được chút gì của dòng nước trôi qua? Quá khứ thì như hồn phố cũ, đã khép lại bóng dáng một thời trăng gió xa vời…
      Có lẽ vậy, nên Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ nói lên được sự trông chờ, hoài niệm, và phủ bóng ngược lại thời gian. Dấu chân vó ngược chỉ người nghệ sĩ sáng tạo, mới chắt chiu để tìm được đường về. Về đi, về đi… cuộc hạnh ngộ trầm luân, quẫy hiện tại bước ngược không gian, người thi nhân gói chút nắng rơi cuối mùa, đi về phố cũ trường xưa như người khách lạ:
 
Rồi một ngày tôi trở lại trường xưa
Thầy giáo cũ nhìn cái gì cũng lạ
Hành lang nhỏ rơi thêm vài chiếc lá
Thơ thẩn tìm từng khuôn mặt thân quen

 
      Cố nhân trong thi tập như bào ảnh, chớp ẩn chớp hiện, mà thi nhân vẫn lãng du trong phương trình giải mã cho cuộc kiếm tìm quá khứ giăng tơ. Nếu không thế, thì thơ không chớp hiện, người làm thơ vẫn đâu đượm nồng trong giấc ngủ đông miên.Một giấc đông miên kéo dài không thời khắc, nên bước du hành mới xuyên thấu được thiên thu:
 
Mấy mươi năm đã chồn chân sức ngựa
Chợt nao lòng về uống nước sông xưa
Trời đất cũ một màu mây trắng nõn
Buồn rưng rưng thương ngọn cỏ gió đùa

 
      Ngày trở lại của vó ngựa mười năm, thềm cũ chắc chắn vẫn còn đầy rêu phong, trong cái lạnh se sắt trên từng cọng lá. Nhưng như cảnh hoa đào tiếu đông phong,nên hành trang trở về âm ấp những ước vọng, nhưng “Chốn quê nhà sao ta làm khách lạ/ Chạy suốt đời chưa hiểu hết nhân gian”.
      Người thơ rải tình thơ âm ấp như rải tận tấm lòng. Cái tài hoa của một thi nhân là biến đổi những ngôn ngữ vô hồn, thành những chiếc bóng chiêu linh rượt đuổi tĩnh-động những hình ảnh cố nhân trên chuyến phà xưa một cách sống động: “Cuối ngày chờ nhặt thời gian/Để tơ tóc phải ngỡ ngàng sớm trưa/ Tìm đâu những chuyến phà xưa/ Chỉ còn tôi đợi cơn mưa chưa về”.
      Rất nhiều người làm thơ nhất là tình thơ, nhưng bậc đại giác trong đạo tình thì chưa thấy, ngoại trừ vài thị giả trong thi khúc tình ca. Như người thưởng ngoạn, càng đi sâu vào dòng thơ, càng thấy khuynh khoái như những hớp sương vừa tan mong manh trên môi. Những âm hưởng của từng hạt thơ long lanh trong ngôn ngữ, khiến khách hào hoa nào không ngợp bóng hạnh ngộ “… như quên mất lời rao giảng/ Bên góc giáo đường anh ngẩn ngơ”.
     Bởi thời gian trôi đi, cái còn lại là những hoài niệm, và nhung nhớ là hình bóng hiện hữu. Sự mông lung là sự huyễn của thế gian, cứ muốn bắt chụp nhưng vẫn cứ ngoài vòng tay với. Người thơ ôm thơ như khách trọ về ngang quán cũ, nên:
 
Lời kinh khua động chiêm bao
Cánh chim lạc giữa ngàn sao mịt mùng
Thì thôi trong cõi vô cùng
Tôi làm hạt bụi nghìn trùng bên em
 

     Thơ si dại, nên người thơ muốn chân tâm trải hết chiếc bóng ra, trên bước hành trình dằn dặt mong manh. Cái chiếm hữu thì vô tâm, nên thi nhân cứ cho thơ đứng gác bóng thẩn thờ suốt nẻo nghìn trùng. Có phải, cái có cái không, cái dễ vỡ mới làm cho thơ trùng lấp được cái chân tâm đau nhói của người thơ:
 
Tìm người vạn dặm chim di
Đường tử sinh biết một đi, mịt mù
Hành trình tôi cuộc viễn du
Về trong một cõi thiên thu nghìn trùng

 
Thì thôi huyễn mộng vô thường
Thế gian lạc bước lầm đường tôi qua.
 

     Dĩ nhiên, những vó ngựa mười năm qua thềm cũ, thi nhân dành trọn vẹn những bài thơ tình bộc phát tâm xanh. Những lời gọi từ tâm xanh, hình như cũng phải chất chứa như đá tảng suốt những ngày quá khứ. Ngôn thi lãng bạt như những thống thiết bay rải rác theo gió sương, từ những góc cạnh phong trần đời sống. Nay, quy tụ như khối cẩm thạch chất chứa những mạch máu mơ hồ năm tháng thỉ chung. Vì vậy, ngoài vóc dáng em độ lượng, tình bằng hữu, còn tình quê cũ trường xưa, còn quê hương-mẹ già-cha ông mở cõi, mà người làm thơ thường ngậm ngùi hơi thở Dạ Cổ Hoài Lang:
 
Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
Theo ai về hò hẹn đất phương Nam
Tiếng đàn kìm nổi trôi đời xa xứ
Ngậm ngùi thương khúc Dạ Cổ Hoài Lang

 
     Tình thơ như vậy, là để biết mình còn có một quê hương. Một quê hương, mà hoàng hôn xuống thẩm xanh bóng núi, mà Rơi nước mắt, đời sao ngắn ngủi/ Bạn của ta lận đận một phương:
 
Chiều biên giới đồng bưng mông quạnh
Ly rượu cay thơm khói quê nhà
Đĩa khô sặc bổi nhiều hơn cá
Vẫn nặng tình bằng hữu phương xa
 
Mai về phố thành người kẻ chợ
Thương nước lên chim vịt kêu chiều
Đi xa lắm quên rồi lại nhớ
Bạn một mình sống giữa quạnh hiu.

 
     Nhiều lúc, ngâm nga vài câu thơ chợt nhớ trong tiềm thức, sự rung cảm đâu phải chỉ riêng ai. Phải chăng vì vậy, mới chợt ngộ ra rằng thơ không có tri kỷ, thì thơ cũng chỉ là mớ ngôn từ bên lề. Người làm thơ cũng cần tri kỷ hiểu tâm thi, ở đó vũ trụ thơ vô hình vô tướng mới bát ngát trong tài hoa của thi sĩ. Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ, đã mang theo gói hành trang đầy ấp ân tình, mà ngày nào người con quê hương xóm làng ngậm ca dao trôi qua biển rộng sông dài, lại về ngồi dưới thềm xưa nghe lại khúc tráng ca:
 
Tiếng chim chiền chiện rưng lòng
Lời kêu khắc khoải mênh mông nỗi buồn
Gọi hè vọng cả khúc sông
Còn thơm hạt lúa thấm hồn hương quê
 
Gánh gồng thấp thỏm chân đê
Khúc ru ngày cũ tôi về đêm rơi
Còn nghe tiếng võng mẹ tôi
Ngày giông mưa bão trắng trời chơi vơi

 
     Hay, như khúc kinh cầu theo bóng ngựa chiều sương, trong cơn mơ về:
 
Trời treo chớp bể tứ bề mưa giăng
Mẹ qua sương núi mây ngàn
Dõi theo tôi mãi đường gần nẻo xa
 
Hạc bay cuối nẻo trăng tà
Trăng non hao hớt trăng già mồ côi
Chiều ngồi bên mộ mẹ ơi

 
     Khép lại cuộc hạnh ngộ trên dòng thơ như một người xa xứ, không hẹn nhưng cũng có lúc quay về thềm cũ. Những kỷ vãng như một khúc phim cầu vồng, bùng vỡ mãnh liệt trong tâm thức. Có trò chuyện hay tham vấn nhau gì đâu, nhưng thơ trong ai vẫn có hình bóng mẹ già, trường xưa, bóng núi, bằng hữu, rượu cay, em xanh, khói quê nhà, biên cương, chiền chiện, sông xưa…đã rượt đuổi nhau suốt một đời người. Chỉ vì nợ nhau hai tiếng trở về/ cánh cò phiêu bạt mảnh hồn quê/ bao năm xa xứ trời vô định… thì ra, thi tập Mười năm bóng ngựa qua thểm cũ đã tìm lại cho đời một mùi hương hoàng lan thanh khiết giữa muôn trùng hoa lạ quanh đây….
 
Thư trang Quang Hạnh
Khuya Rằm tháng 2, Bính Thân       

 
 
NGUYỄN AN BÌNH
"Nhớ áo hoàng hoa chợt ngẩn ngơ"

 
* Lê Ngọc Trác
 
Mỗi lần nhìn cánh phượng hồng nở rực trong nắng hè, chợt nhớ đến những câu thơ của Nguyễn An Bình đã đăng trên tạp chí Văn học ở miền Nam , mà tôi đã đọc cách đây 40 năm :
"Hẹn nhau đã mấy mùa ngâu
Thương người năm cũ mất nhau lâu rồi
Phượng xưa lại nở hoa đời
Trăm năm còn lại bóng người thiên thu".

 
Lương Mành chàng trai của làng An Bình(Bình An) ở Cần Thơ - miền đất một màu xanh sắc lá, sông nước mênh mông, đất ấm tình người đã chọn địa danh quê hương mình làm bút danh khi làm thơ: Nguyễn An Bình
.
Năm mới 16 tuổi, Nguyễn An Bình đã cho ra đời thi phẩm "Đường tim" (1970). Đến hôm nay ,  Nguyễn An Bình đã xuất bản và phát hành được 7 tập thơ, gồm: Ngọn thủy triều (1971), Nửa trời tương tư (1972), Hai phương trời nhớ (1972), Hoa học trò (1972), Trên đỉnh mùa xuân (1973), Còn một chút mưa bay (2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (2016). Bên cạnh, thơ của anh còn có trong 4 tập in chung cùng nhiều tác giả, gồm: Mưa hồng, Những cánh phượng hồng, Mờ bóng thiên thu và Hoa xưa. 
Nhìn gia tài sáng tác của Nguyễn An Bình, chúng ta nhận thấy anh là người yêu và gắn bó với thơ ca. Nguyễn An Bình chinh phục người yêu thơ bằng những câu thơ bình dị, giàu cảm xúc. Văn là người. Thơ hình thành từ cuộc sống, từ vốn sống của tác giả. Qua thơ Nguyễn An Bình chúng ta  nhận thấy : Những năm tháng hoa niên, Nguyễn An Bình viết nhiều về thơ tình tuổi học trò, một thời tuổi ngọc:

"Có một thời con tim rộn rã
Cây điệp già ôm mối tình si
Em tóc ngắn nhuộm vàng hoa nắng
Cánh phượng hồng mang tuổi thơ đi.
 
Người yêu ơi ngày xưa xa quá
Có một thời áo trắng tinh khôi
Mang nỗi buồn len sâu tóc rối
Bước thiên thu tình đã qua đời."

(Trích bài thơ: "Có một thời như thế")

Trong chúng ta , ai cũng có "một thời mưa nhớ, thư tình lén trao trong lớp học, tan trường về trông vời áo tiểu thư...". Chính vì vậy, qua thơ chúng ta đồng cảm với Nguyễn An Bình. Và, nhớ về một thời chưa xa đáng yêu trong cuộc đời:

"Mưa trốn nắng trong hiên đời cũ kỷ
Nắng trốn mưa sao cứ mãi đi tìm?
Tôi thơ dại trong cơn mơ mộng mị
Thấy đường gần đi mãi bỗng xa thêm.
 
Tôi tần ngần trước cây me đầu ngõ
Vị chát chua hái chùm quả đầu mùa
Em cau mặt trong tiếng cười thơ trẻ
Tôi giật mình xao động tiếng gà trưa.
 
Gói ô mai giấu hoài trong chiếc cặp
Ai thèm ăn mà tôi lén để dành?
Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo
Sợ bùn vương làm bẩn gót chân son.
 
Hạ đỏ qua rồi thu vàng lại tới
Mưa vô tình xóa mất dấu chân ai
Chùm phượng vĩ lẻ loi trong tiếc nuối
Nở muộn màng trong nắng nhớ chiều phai.
 
Em mất hút bên bờ xa bến lạ
Mưa quê người có ướt áo em tôi?
Gói ô mai... vẫn còn... chưa kịp gởi
Lòng dặn lòng... còn một chút mưa bay".

(Còn một chút mưa bay)
 
Đi qua tuổi thanh xuân ,  qua bao con dốc trong cuộc đời, khi ngoảnh lại Nguyễn An Bình hoài cảm về một thời chưa xa:

Mười năm mộng trổ thành mây khói
Nhớ áo hoàng(quỳnh) hoa chợt ngẩn ngơ
Nhớ tóc hoàng kim chiều đông muộn
Cùng nhánh sông xưa khuất bến bờ
 
Mười năm nước cuộn bao dòng nhớ
Quán trọ trần gian lạnh buốt hồn
Giấu mãi đời trong(trọn đời) từng hạt bụi
Một mình còn lại mảnh trăng suông
 
Mười năm tình đã phai màu tóc
Nắng ngậm ngùi trên ngón tay thơm
Tôi lặng nhìn hàng cây trốn gió
Thì thầm chiếc lá nhớ nụ hôn
 
Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ
Bạn đã xa tình cũng rất xa
Cuối năm uống rượu tìm hơi ấm
Mắt chợt cay theo khói quê nhà".

                                    ("Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ")
 
Đời người như dòng sông, có dòng sông chia đôi nỗi nhớ. Ngày trở về, Nguyễn An Bình thảng thốt gọi dòng sông, gọi người xưa về bến xưa trong nỗi niềm thương nhớ:

"Về đâu sông ơi
Sao đi mải miết
Đưa người xa người
Tháng năm biền biệt.
 
Về đâu sông ơi
Ngược, xuôi trôi mãi
Lạc mất tình tôi
Đầu bờ cuối bãi.
 
Đời như dâu bể
Sông ơi hãy đưa
Một lần thôi nhé
Ai về bến xưa.
 
Về đâu sông ơi
Sông ơi
Về đâu?..."

(Trích: "Về đâu, sông ơi...")
 
Thời gian trôi. Dòng sông trôi. Đi qua bao mùa nhớ. Qua bao con dốc nắng mưa trong cuộc đời. Có lúc , chúng ta bắt gặp lại chính mình trong thơ Nguyễn An Bình, với bao nỗi hoài vọng về một thời chưa xa "ngẩn ngơ nhớ áo hoàng hoa". Và, nghe trong hồn " sầu trăm năm nhớ một thời yêu nhau".
 

                                                               
                                           Phố biển La Gi mùa phượng 2016





 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập