BAN BIÊN TẬP
Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm
GỌI TÌNH BÊN SÔNG
Tác giả: Trần Dzạ Lữ


 


Lời bình: HÀN VŨ HÙNG

TRẦN DZẠ LỮ-NGƯỜI HÁT RONG GỌI TÌNH
 
Đọc GỌI TÌNH BÊN SÔNG tôi giật mình biêt rằng có một thi sĩ đã và đang” ngồi co lạnh giữa trần gian”.Anh ngồi bên sông âm thầm gọi tình ơi và “lặng lẽ đưa người cho hết tình xưa” Dường như anh sinh ra làm người hát dạo giữa đời,làm kẻ lông bông ,lang thang như con chim uyên lẻ bầy,khản giọng gọi tình ơi suốt một triền sông đời và anh đã tha hương từ muôn kiếp trước, từ ngày bị định mệnh xua đuổi khỏi vườn Địa Đàng: “Ta đã trót một thời lầm lỡ/Nên bây giờ ngồi gậm nhấm ăn năm/Gõ cửa hoài Thiên Đường đâu hé mở/Đấm ngực đời nghe cô độc hồi âm”
Anh ngậm ngùi ra đi, đánh đổi một đời người, đánh đổi bao thứ phù hoa để tìm kiếm nàng EVA của mình, tìm kiếm Thiên Đường đã bị đánh mất.Vừng ơi hãy mở cửa.câu thần chú ngày xưa đã không còn linh nghiệm.Anh mải miết gọi tình ơi…vẫn không hiển linh.Câu thần chú của thời hiện đại.Tiền ơi! Anh đã không biết kêu gọi.Anh cứ mãi” thiệt thà như trẻ hỏ/Tay khó nghèo đâu hái được tình trong”
Một đời kiếm tìm.Một đời tuyệt vọng.Đấy là định mệnh của Thi Nhân.Hẳn là đúng như anh tâm sự: “Thơ với tôi như một thúc giục khôn nguôi, một ám ảnh không rời để người thơ luôn là kẻ lên đường khai phá, kiếm tìm gì đó ngoài số phận chưa thể gọi tên…”
Anh tìm kiếm trong Thi Ca, trong Tình Yêu, trong cuộc đời.Lên rừng về chợ.Than ôi! Thiên Đường vẫn mù tăm.Toàn bộ cuộc đời anh là một cuộc phiêu lưu dài, kiếm tìm không hạn định,ráo riết,nhẫn nại, bồn chồn, đam mê, rồ dại,ngây ngô.khắc khoải, tưởng như không tìm kiếm anh không còn lý do để tồn tại.Và anh đã làm đẹp đời mình bằng cuộc tìm kiếm có vẻ như vô nghĩa, vô tích sự ấy.Ồ đấy cũng thật sự là một bi kịch.Thơ anh cho ta thấy cái vẻ đẹp bi thương ấy, cái bi kịch thâm trầm ấy: “ta lạnh một đường bay thương nhớ” :
“ Ôi người tình ta chưa hề biết mặt
Nhưng sao là người ta yêu dấu trăm năm”
Chia ly từ muôn kiếp trước, người tình Eva giờ đã mù tăm.Khói sương phai mờ nhâ ảnh, chứ không phải là “chưa biết mặt”( chưa gặp thì làm sao mà hoài niệm? ).Nàng hứa hẹn một Phúc Lạc tuyệt vời mà những giá trị phù phiếm của thế gian không thể đem lại được.Chỉ có Nàng mới có thể “khai sinh dòng sông tình yêu bất tận” , đấy là khát vọng thâm trầm trong anh.Hầu như ai cũng tiềm ẩn một khát vọng như thế.Nhưng ở anh, nó sục sôi, nó riết róng, nó áp bức, thúc giục,nó đốt cháy tâm can, nó tinh luyện tâm trí anh.Vì thế mà anh không ngừng tìm kiếm như một người tâm thần nóng sốt và Thi Ca xuất sinh trên mảnh đất màu mỡ cảm xúc đó nở rộ những bông hoa diễm lệ ngát hương.
Anh là một Tình Nhân cô độc cho dẫu từng có những mùa yêu…Tất cả đều phù du, hư ảo.Những người tình trong thơ anh là những hình ảnh phản chiếu của NGƯỜI TÌNH EVA bất tuyệt mà anh đã lỡ lầm đánh mất.Anh say mê sùng kính những mỹ nhân ấy.đưa họ vào ngôi vị tối thượng trong thế giới Thi Ca thiêng liêng của mình.Thật ra đấy là phương tiện để anh kiềm tìm, để anh bày tỏ sự say mê sùng kính đối với TÌNH YÊU luôn ngự trị trong anh-một chàng A Đam bị lưu đày.Anh mộng tưởng trong đời,anh mộng tưởng trong thơ và nhờ thế anh đã bay thoát khỏi cuộc kiếm ăn ti tiểu, đắng cay, hèn mọn.Đào thoát khỏi cuộc đời là âm mưu thường trực trong anh mà có lẽ thế nhân không hề biết.Nhưng ác nghiệt thay.Đời sống biết, nó cũng có một âm mưu thường trực, ác hiểm” Chuyện văn chương thường bay bổng lên trời/Nhưng đời sống kéo tôi về mặt đất/Cứ hối hả một thói quen có thật/Cuộc mưu sinh mòn nhẵn trái tim người”
Anh hư mòn đi vì những âm mưu khủng bố của đời sống.Bi kịch đời anh là thế.Anh than rằng: “Ở thị thành ta không có đất/ Phải lên non bắt bóng, tìm trầm…”
Thi nhân không có đất sống, không có nhà an cư.Tôi biết rằng, thật ra,cả trái đất này anh cũng không có đất sống.Kiếp sống anh chỉ là “ những ngày lưu xứ quá phù vân “ Anh là kẻ lưu đày chung thân mà càng sống càng: Xa dấu thiên đường ! Không có gì lạ khi anh suốt đời tìm kiếm mà”kiếm mãi không ra trầm hạnh phúc “ Anh chỉ còn có thể trông đợi:” một mai thoát khỏi bụi hồng nhẹ tênh “
Tôi vẫn hằng nghĩ rằng, những thi nhân, triết gia chân chính trên trái đất này là những kẻ bị lưu đày.Và thi nhân cảm nhận sâu sắc thân phận lưu đày hơn ai hết.Ngày trước từng có một Tản Đà ngang tàng và sầu muộn., thường làm những cuộc đào thoát lên trời bằng những cơn say và mộng tưởng dài hơi.Biết bao thi sĩ, triết gia Đông Tây Kim Cổ cũng đã từng làm thế.
Ở Trần Dzạ Lữ, kỳ lạ thay…nhận biết mình đã mất trắng tay.Thiên Đường đã nghìn trùng xa cách, người thương nhớ đã lạc bóng mù tăm. Còn thân phận mình thì bèo bọt” co lạnh giữa trần gian “ , nơi thị thành không có đất cắm dùi, bị đời đá lăn lóc…thế mà anh vẫn giữ được trái tim nóng hổi, tươi nguyên, vẫn đầy ắp nhân hậu, vẫn trau dồi đức bao dung, tâm hồn tế nhị,, niềm tin và tình yêu đối với thế nhân và cuộc sống không hề hủy hoại, mọc nấm độc( trong khi những quán đời đã mọc nấm bi thương ) “ta vẫn tin còn có một ngày.Ta vẫn chờ dẫu cho đến nghìn khuya”
Thật cảm động biết bao, dù có lúc tuyệt vọng, đớn đớn đau nhưng anh phủi tay để hăng hái lên đường.Niềm tin chân thành của anh phát sinh từ đức nhân ái.Tôi tin sự hùng mạnh của anh cũng phát sinh từ đó.Không hùng mạnh sao quẩn bách trắng tay thế mà anh vẫn còn đủ sức yêu thương và làm thơ ngợi ca người ? Không hùng mạnh sao dám lăn lê giữa chợ đời tạp uế, dám bươn bả rừng sâu mà không sợ vong thân.Không bán rẻ thi ca, không bồi bút, không hận thù ? Hãy xem cái cung cách anh yêu thương, cũng là cung cách sống khá lạc điệu giữa thời buổi cơ chế thì trường giành giựt : “Mùa trái chín cũng là mùa thương chín/ Nếu yêu nhau đừng ăn xổi ở thì…”
Đọc thơ anh hẳn người đọc phải suy tư về những điều tưởng như đơn sơ ấy và về một thân phận người đằng sau những bài thơ hào hoa, đa cảm ,thấm đẩm đủ mùi chua cay, mặn đắng lẫn ngọt bùi ấy.
Anh là một THI NHÂN kiêu bạc, một TÌNH NHÂN đắm say cô đơn luôn kiếm tìm HẠNH PHÚC chẳng bao giờ gặp nhưng cũng chẳng bao giờ hết tin yêu, hy vọng.Có như thế, anh mới luôn luôn LÊN ĐƯỜNG ,không ngừng HÁT DẠO và GỌI TÌNH.Với anh, dừng lại có nghĩa là bế mạc cuộc chơi tử sinh, là xây đắp Nấm Mồ…
Hàn Vũ Hùng
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập