BAN BIÊN TẬP

Hân hạnh giới thiệu Tác Phẩm
KINH VÔ THƯỜNG
Tác Giả: Phù hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN



 
KINH VÔ THƯỜNG
chứa 10 nghìn câu thơ lục bát, được phân thành 10 tập, từ Cát Bụi 1 đến Cát Bụi 10, mỗi tập 1000 câu.
 
Như vậy, toàn bộ KINH VÔ THƯỜNG có 70 nghìn chữ, mỗi tập Cát Bụi chứa 7 nghìn chữ

 
KINH VÔ THƯỜNG được đóng thành 2 quyển
 
- Quyển Thượng
từ Cát Bụi 1 đến Cát Bụi 5


CÁT BỤI
1
 
thơ

phù hư dật sĩ
VÕ THẠNH VĂN
 

Vanitas
Vanitatum
Omnia Vanitas
 
Phù vân
Phù vân của phù vân
Tất cả đều phù vân
 
Quỳ dâng THƯỢNG ĐẾ
Đấng Hóa Công kỳ vỹ
vô thủy, vô chung

Cúi dâng SONG THÂN
để tri ân giọt máu
thủy chung, khiêm hạ
 
Trao tay TRI KỶ
những người đã một lần
gặp gỡ trong đời
 
Thương gởi TRI ÂM
những tao nhân, mặc khách
đang cầm trên tay
tập CÁT BỤI nầy.
 

-Quyển Hạ
từ Cát Bụi 6 đến Cát Bụi 10

  
TỰA:

CÁT BỤI  #1
Thi Lão HÀ THƯỢNG NHÂN

 

Cuộc đời vốn vô thường, nay còn mai mất. Sinh để mà diệt, có để mà không, còn để mà mất. Lão Tử nói: “Tạo Hóa bất nhân.” Thật ra, không phải Tạo Hóa bất nhân, mà, Tạo Hóa vô tình trước mọi sự, thản nhiên trước mọi việc.
 
Cổ nhân khắt khe ư? Nhiều người đẹp cỡ Tây Thi, Chiêu Quân mà cổ nhân nỡ bảo đó là “cái túi da đựng mớ thịt thối.” Sự thật vốn tàn nhẫn. Sự sống là tự đánh lừa mình bằng những ngôn từ hoa mỹ. Thật ra, chỉ vì cổ nhân đã thấu suốt tận ngọn ngành nguyên ủy mà thốt lời chân thật vậy.
 
Suy đến cùng thì đời người chẳng có gì cả. Sống lâu hay chết yểu thì cũng có lúc bắt đầu và chấm dứt. Cho nên cổ nhân lại nói: “Không có thọ yểu, không có  sang hèn.” Dù biết đời không có gì cả mà tác giả Võ Thạnh Văn lại làm KINH VÔ THƯỜNG dài đến mười nghìn câu thơ lục bát!
 
Con người quả là một con vật phi lý. Lỗ Trí Thâm vừa đi tu vừa ăn thịt chó và uống rượu. Nguyễn Công Trứ thì lên Chùa lễ Phật mà “theo sau đủng đỉnh một đôi dì…” Đời người vốn vô nghĩa như cuộc đời vốn vô nghĩa vậy. Con người vốn vô lý như cuộc đời vốn vô lý vậy.
 
Tác giả Võ Thạnh Văn chắc chắn thừa biết câu: “Hữu danh bất như vô danh, vô danh bất như đào danh.” Đào danh là chạy trốn sự nổi danh. Trốn danh lại còn viết sách! Viết sách để làm gì? Để khoe kiến thức, thông thái, uyên bác, tài năng?… Hay ít nhất là “thốn tâm thiên cổ” gởi gắm tấc lòng mình lại cho mai hậu, mong gặp được kẻ tri âm, người tri kỷ.
 
Người xưa, Khổng Minh và Châu Do là hai kẻ thù bất cộng đái thiên. Du than: “Thiên sinh Du hà tất sinh Lượng.” Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?! Thế mà khi Chu Du chết, Khổng Minh đã khóc bằng một bài điếu văn vô cùng thảm thiết. Hóa ra, giết Du mà Khổng Minh vẫn thật tình thương Du. Bởi, trong đời, Du mới đáng mặt tri kỷ của Khổng Minh Gia Cát Lượng Vũ Hầu vậy.
 
Tôi nghĩ Võ Thạnh Văn chẳng muốn khoe mình, cũng chẳng mong gì tìm được tri kỷ tri âm trong mai hậu. Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ chỉ muốn kiếp sau làm một cây thông đứng giữa trời mà reo, nhưng vẫn làm hết tập thơ nầy đến tập thơ khác. Bởi, không viết thì không chịu được. Bất bình tắc minh là thế đấy.
 
Chung cuộc, kẻ tài tuấn trong thiên hạ, từ đông sang tây, từ kim chí cổ, bất đắc dĩ mà phải viết, bất đắc dĩ mà phải làm văn chương đấy thôi. Âu cũng là cái nghiệp dĩ của một kiếp tài hoa nghiệp chướng nặng nợ văn chương. Võ Thạnh Văn cũng nằm trong cái định luật thường hằng muôn kiếp ấy.
 
Viết tại chung cư Sommerset park, San Jose, California, Đêm mồng 10 tháng Sáu, năm 2007.
 
HÀ THƯỢNG NHÂN
 
TIỂU TỰ Của Tác Giả Nhân Ngày Hoàn Thành CÁT BỤI #10 Của Toàn Bộ KINH VÔ THƯỜNG.
 

KINH VÔ THƯỜNG là lời kêu thương bi thống của một kiếp nhân sinh bi lụy trong cõi trần bi ai. Đó là lời ca cùng tột bi tráng chứa đựng ngậm ngùi chất ngất đau thương của những tâm hồn vươn lên từ nỗi bi thiết thường hằng.
 
Từng chữ trong KINH VÔ THƯỜNG là từng bước chân rời rạc rã riêng của hành trình đi vào tâm thức, một tâm thức tuyệt đối cô đơn khép kín riêng tư. Từng chữ, từng lời là những bước chân hành giả trên đường hành hương, ngơ ngác dọ dẫm đi vào tự thức để tìm lại chính mình.
 
Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.
 
Trong suốt cuộc hành trinh đơn độc đi vào tiểu ngã để tìm kiếm đại ngã, con người vừa hân hoan bắt gặp, vừa ngậm ngùi chua chát cho thân phận. Đó là hình ảnh ngậm ngải tìm trầm giữa rừng thiêng nước độc của non ngàn bát ngát.
 
Giữa đoạn đường tìm kiếm đó, con người chợt mê chợt ngộ, chợt tỉnh chợt say, chợt ngủ chợt thức, chợt mừng chợt tủi, chợt mù chợt sáng. Càng mê càng băn khoăn, trăn trở, thao thức. Càng (tiểu) ngộ càng chập chờn, khắc khoải, mất ngủ, nghi hoặc.
 
Đông Thiên, Tây Trúc và miền Đất Hứa… càng đi càng lạc, càng đến gần càng giạt xa. Đứng sát bên Linh Thứu vẫn thấy mình trôi giạt, lạc lõng, quạnh hiu. Quỳ dưới chân núi Sinai chợt biết mình mất hướng, bồng bềnh, vong lạc.
 
Đó chính là nỗi bi tráng, nhục nhằn, thống hận, lạc hướng, hoang mang, khắc khoải, bất lực, ngờ vực… của kiếp người, của từng kiếp người, của muôn thuở, của muôn nơi, của bất cứ không gian hoặc thời gian nào.
 
Có lẽ, thái độ khôn ngoan duy nhất mà con người có thể là nên khiêm nhượng lựa chọn cho chính mình, qua khuôn thước mà cha ông đã vạch sẵn, đó là: Gần với trời, hòa với đất, vui với đạo, yên với đức, bằng lòng với mệnh, chấp nhận an bài.
 
Như thế cũng có nghĩa là: Không xa đời, không lánh người. Đối với đời cũng như đối với người: không oán, không ghét, không giận, không hờn… mà, chỉ thương, chỉ nhớ, nên vui, nên mừng… để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên.
 
Từ đó, từ trong nỗi quạnh hiu tuyệt đối, con người nhận chân Đấng Tạo Hóa để điềm nhiên cười cợt với cô đơn hiện hữu, ve vuốt khổ đau thường hằng, mơn trớn những bất hạnh chung quanh, chiêm nghiệm lẽ sắc không vô thường từng niệm, kết thân với sự chết đang rình rập phút giây.
 
Từ đó, cùng với đức khiêm hạ chân cần thiết, lấy thiên nhiên làm thầy, lấy sương khói làm bạn, lấy trăng nước làm vui, lấy lá hoa cây cỏ làm sản nghiệp, lấy bốn mùa làm của riêng tư, lấy sắc không vô thường làm thi nghiệp, lấy niềm tin tôn giáo làm thần hứng đầy mãnh lực sáng tạo.
 
Từ đó, con người biết thực là thực, biết hư là hư, biết hư là thực, biết thực là hư; biết có là có, biết không là không, biết có là không, biết không là có; biết còn là còn, biết mất là mất, biết còn là mất, biết mất là còn; biết tụ là tụ, biết tán là tán, biết tụ là tán, biết tán là tụ, biết hợp là hợp, biết tan là tan, biết hợp là tan, biết tan là hợp…
 
Bởi vì cuộc sống biến động vô thường, từng giây, từng phút. Do đức hiếu sinh của Tạo Hóa mà cuộc sống sinh hoại dị diệt xảy ra từng sát na, từng niệm… Cho nên, cây lá phải rã mục cho hạt nẩy mầm. Con người muốn trổ hoa cũng phải tự vác thập giá đi lên đỉnh Golgotha, phải bước qua sa mạc để đến Đất Hứa, phải chết đi để được phục sinh.
 
Từ đó, từ hiểu biết và thái độ lựa chọn trên đưa con người đến sự thức tỉnh. Với tinh thần thức tỉnh, con người sẽ vừa rong chơi, vừa ca hát nghêu ngao… để an nhiên thư thái đi hết chặng đường thánh giá nghiêu khê như một cái nghiệp phải trả trong kiếp nhân sinh hữu hạn để bước vào thế giới vô hạn mai sau.
 
Viết tại Phù Hư Am
Vùng Bắc Vịnh, Mùa Đông năm 2000.
VÕ THẠNH VĂN

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập