BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới:

MẮC NỢ MÙA ĐÔNG
Tác giả: Hoàng Thị Bích Hà


 
Đôi dòng cảm nhận

1/Tác giả: Nguyên Bình

 
Nhịp cầu fb dẫn lối cho chúng tôi cùng dạo chơi giữa vườn thơ bát ngát. Tôi quen biết em gái Bích Hà qua anh Trần Hồng Tâm với trang Những Vần Thơ Cho Huế. Cái duyên Huế khiến chúng tôi bỗng nhiên mắc nợ nhau. Nợ những bài thơ chưa kịp đọc, nợ những ân tình cho Huế chưa kịp sẻ chia. Nợ nần dùng dằng như dòng Hương không muốn chảy mà ai đó đã viết thành thơ. Rồi một ngày cuối năm 2018, nhà thơ áo tím ấy báo tin vui: “Em gái vừa gởi cho thi huynh mấy tập thơ đó”.
Từ đó tôi mắc nợ Bích Hà thật. MẮC NỢ MÙA ĐÔNG (MNMĐ) đến với tôi, chất chứa bề bộn nỗi cảm hoài của người con gái Huế, với giọng thơ óng mượt như tóc thề, chân thành như lời nguyện ước xửa xưa của cô học trò nho nhỏ em tan trường về:
Anh cất giữ mùa đông giùm em nhé
Em trở thành người mắc nợ mùa đông. (MNMĐ)
Vâng, đó là tâm ý, đó là lời nguyền, một món nợ tự vay bởi cái hồn nhiên chân thật, bình dị của một tâm hồn mẫn cảm, đa đoan, tự thân trói buộc mình vào những mặc định mơ hồ của trái tim, của xao xuyến mỗi hạ xanh thu vàng, mỗi mừa đông cây thầu đâu rụng lá.
Tôi dần bắt nhịp được với cảm xúc vời vợi của Bích Hà qua từng trang thơ. Cứ đọc lại mãi, đọc lại mãi để rồi tìm thấy sự khiêm tốn đến bản lĩnh, sự huyền diệu của nội tâm khi đã bảo hòa cái nền nã truyền thống của phụ nữ đất thần kinh:
Rồi mới có tháng mười hai năm ấy
Em chào đời, hạt bụi của riêng anh.
(Viết cho ngày sinh nhật)
Có sự khiêm tốn nào hơn thế giữa cái thời @? Mà đó chính lại là tâm niệm của một thi nhân luôn ý thức được ánh sáng tự do, được chiếu rọi bằng những áng văn chương kim cổ trên giảng đường đại học, bằng ánh sao lấp lánh tự trong đáy tim đa cảm, đa sầu?
Lặn lội cùng Bích Hà trong biển tình MNMĐ, nơi những nỗi thiết tha cho tình yêu, những cảm xúc dập dồn kìm nén không được phép vỡ òa, cùng bao thổn thức nhẹ nhàng ẩn kín dưới trang viết, tôi bỗng khám phá ra rằng, sự thùy mỵ nết na chính là sức mạnh nội tâm vô biên, là sự khẳng định bản thân hồn nhiên và rất mực chân thành: 
Ai trong đời chẳng có những ưu tư
Thì nỗi buồn đau có bao giờ hiện hữu?
Thơ Bích Hà, xuyên suốt tập MNMĐ là sự sẻ chia, là những bộc bạch giản dị, không nhiều ẩn dụ tu từ, có lẽ tác giả ý thức được rằng, thơ phải là lời chân thành đơn giản nhất, hay cái đức hạnh của người con gái Huế không cho phép Bích Hà khoa trương, múa bút. Chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ nói về tình yêu, như hai người bạn đang ngồi dưới vòm lá xanh ghế đá khuôn viên đại học sư phạm ngày còn cắp vở đến giảng đường:
Tình yêu như viên kẹo
Luôn hấp dẫn bao người
Bổi nó sáng lung linh
Một màu hồng rực rỡ.
Bích Hà không đào sâu những cảm xúc nội tâm sâu kín, tác giả lấy cái bề ngoài mà thể hiện cái bên trong, cho nên hiếm khi ta bắt gặp những sục sôi dồn nén, càng không thấy cái chép miệng than thở thường tình nhi nữ trong ngôn ngữ thơ của mình:
Đừng mong chi tháng chín quay về
Thu ngập úa sắc vàng trên lối vắng
Hãy để tháng chín rơi vào khoảng lặng
Để mùa thu cất giữ mối tình...
(Tạ từ dĩ vãng)
Không gian Huế ngập tràn trong thơ Bích Hà. Điều đó chúng ta hẳn không phải ngạc nhiên. Hơi thở Huế làm nên thơ Bích Hà. Huế ẩn mình kín đáo mà bàng bạc trong thơ của nhà thơ áo tím. Trên trang Fb, mỗi lần nhà thơ xuất hiện thì dường như không gian thơ trờ nên tím ngát. Ai muốn ru hồn vào chốn đế đô hãy đọc Bích Hà để nghe sông Hương thỏ thẻ, để nghe núi ngự thông xanh vi vu. Tất cả Huế được dệt bằng tình yêu Huế tiềm tàng, đặc hữu trong tâm thức nhà thơ:
Anh quên em nhưng trong lòng còn Huế
Có lẽ nào dĩ vãng hết sao anh
Anh hãy về Núi Ngự vẫn đang mong
Sông An Cựu đục trong có phải vì mưa nắng...
(Có lẽ nào) 
Nợ Bích Hà tôi chưa trả hết, cũng như nợ mùa đông nhà thơ còn mãi vương mang. Một vài dòng cảm nhận đâu thể nói hết nét thơ duyên dáng của nhà thơ Hoàng Thị. Xin cảm ơn Bích Hà đã cho tôi tiếp cận một hồn thơ Huế đậm sâu. 
Trân trọng giời thiệu với các bạn tập thơ màu tím MẮC NỢ MÙA ĐÔNG.
Bà Rịa, 24/02/2019
Nguyên Bình

 
2/ Tần Hoài Dạ Vũ

NGƯỜI “MẮC NỢ MÙA ĐÔNG”
HAY MẮC NỢ TÌNH YÊU?
 
Thơ là nhịp cầu giúp con người bước quá cuộc đời thực, bước qua số phận và bước vào thế giới nội tâm để khám phá ra cái thế giới bên trong tưởng quen mà hóa ra còn rất lạ của chính trái tim mình; nhờ đó, có thể khám phá ra thế giới chung quanh và khám phá ra tình yêu, theo cái nghĩa rộng nhất có thể có.
Sự khám phá ấy nhiều khi, rất nhiều khi, chính là con đường dẫn đưa ta trở về lại với tuổi trẻ.
Tôi chỉ mới lần đầu tiên biết đến Bích Hà khi đặt mua, qua bưu điện, tập thơ MẮC NỢ MÙA ĐÔNG (Nxb Thuận Hóa, 2018) của HOÀNG THỊ BÍCH HÀ, nhưng khi đọc “Mắc nợ mùa đông”, tôi bất ngờ nhận ra, hình như Bích Hà đã tìm thấy cho mình một lối đi vào thơ.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ MẮC NỢ MÙA ĐÔNG là thơ BÍCH HÀ chứa đựng những cảm xúc chân thành, tuy nhiều khi được bày tỏ bằng một ngôn ngữ chân phương, nhưng xem ra chính nhờ thế mà lại đạt được một hiệu quả không ngờ, là rất thực, rất đỗi gần gũi với đời thường.
Xuyên suốt những bài thơ của Bích Hà, ta dễ dàng nhận ra cái tâm thế xao xuyến trước TÌNH YÊU của tác giả. Trong văn học của cả nhân loại, cái tâm thế ấy gần như là nỗi ám ảnh triền miên: nỗi ám ảnh về phận người, về sự chia xa :
Chuyện tình ta cũng hệt người xưa vậy
Yêu thương mặn nồng rồi cũng phải chia xa
(Mắc nợ mùa đông 1)
Và còn hơn cả một nỗi xao xuyến khôn nguôi, cuộc đời thực vốn nhiều buồn hơn vui chỉ càng khiến Bích Hà thêm mong muốn khẳng định về những điều thực, giả giữa đời:
Thật và giả luôn đồng hành là vậy
Giả nhiều khi thật hơn thật muôn phần!
Có thể hiểu đây là một quan niệm sống, một cách nhìn đời của tác giả được không? Có thể hay không có thể, cũng còn tùy góc nhìn và quan niệm sống của mỗi người. Nhưng điều quan trọng là Bích Hà đã nói điều ấy, đã bày tỏ điều ấy với cái tâm chân thành, dẫu có thể chính vì thế mà tác giả phải mắc nợ thời gian, mắc nợ một mùa đông của kỷ niệm:
Anh cất giữ mùa đông giùm em nhé
Em trở thành người mắc nợ mùa đông
(Mắc nợ mùa đông 1)
Phải rồi, có ai dám bảo kiếp này ta đã dâng trọn trái tim cho đời mà không còn có gì ân hận, cũng không còn có gì để ước mơ, không phải mắc nợ một tấm lòng, hay chỉ là mắc nợ thời gian? Chẳng ai được như thế cả, dẫu là kẻ trí giả hay bậc thiên tài.
Cho nên, ta cứ hãy sống thực với lòng ta, với đời ta. Vì giọt máu của nhân loại này có bao giờ chảy ra khỏi nỗi trầm luân của thân phận con người (?). Vậy thì hà cớ chi ta lại mong đi ra ngoài lẽ đời hiện thực với bao điều xấu-tốt, sạch-dơ ?
 
Bích Hà chọn một thái độ, một cách thế sống chan hòa trong cõi thật, và từ đó, tìm ra sự vượt thoát cả trí và tâm:
Xin cảm ơn nỗi buồn, cảm ơn cả niềm vui
Để cho em được làm người đàn bà bản lĩnh
(Ơi tháng mười hai...!)
Quan niệm sống ấy giúp Bích Hà hiểu được rằng, không thể không hòa cái tôi nhỏ bé vào với thiên nhiên, và đó không chỉ là một kinh nghiệm bản thân, mà còn là một lời gửi gắm, nhắc nhở:
Anh hãy yêu cả mây trời gió biển
Yêu trời xanh - con sóng cuộn khơi xa
(Xin hãy quên)
Không thể chọn lựa khác được, vì “Ai trong đời chẳng có những ưu tư / Thì nỗi buồn đau có bao giờ thôi hiện hữu” (Nhắn bạn).
Phải rồi, bài học đơn giản nhất của người xưa là hãy đem cái “tiểu ngã” hòa vào với cái “đại ngã”. Ta có bao giờ đi ra khỏi thân phận nhỏ bé của con người, vậy thì sao không bắt chước giọt sương long lanh trên lá cỏ kia, khi nó vẫn chưa bao giờ thôi nhớ về nơi chốn đã sinh thành, ra đi ? Câu thơ trầm tư của Bích Hà khiến tôi không thể không liên tưởng đến nỗi mình, vào một đêm trăng nào trên sông Hương năm xưa, đắm chìm vào cô tịch mới nhận ra cái vô lượng của lẽ thường hằng: “Trái tim ta khát vạn ngày / Trên tay giọt nước, lại đầy dòng Hương”(THDV).
Điều đáng quý là thái độ sống ấy, sự chọn lựa cách thế làm người ấy của Bích Hà không hề được nói ra với một sự lên giọng, đại ngôn, mà ở đây chỉ là một sự bày tỏ nhẹ nhàng, tự nhiên, với cung cách lúc nào cũng dịu dàng, nhỏ nhẹ của người phụ nữ Huế. Nhờ thế, cái đẹp của một cách thế sống cũng là cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của chính câu thơ và của sự an nhiên.
Nếu chịu khó suy ngẫm, ta dễ nhận ra đó cũng chính là cách biểu hiện cuộc sống tâm hồn của hầu hết chúng ta, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Bởi trong nền văn hóa thường tồn (Permanence - thường tồn, chứ không phải trường tồn - Éternel) của dân tộc ta luôn chất chứa vừa đạo lý, vừa tình yêu cuộc sống; chất chứa niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp giữa lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện. Từ người nông dân chân đất cho đến những kẻ sĩ, những nhà thơ dân tộc, gần như tất cả đều đã giữ được cho mình cái cách thế sống ấy.
Ở một phía cảm nhận khác của tâm hồn, Bích Hà còn tạo được cho mình một sự thức tỉnh, nhận ra khuôn mặt của thời gian, nhưng vẫn hẹn một lòng giữ gìn cái đẹp của sự thủy chung son sắt:
Tóc anh giờ có thể chẳng còn xanh,
Và khuôn mặt, dấu thời gian rõ nét
Nhưng tình yêu dành cho anh vẫn thế!
Vẫn cháy trong tim tha thiết nồng nàn
(Đường phượng bay Thành Nội Huế)
Nhưng dẫu luôn ý thức về lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, Bích Hà không phải không có lúc cũng băn khoăn với chính bản thân và với nẻo vô thường kia:
Em giã biệt mùa đông không nuối tiếc
Anh cũng đừng tham luyến một mùa đông
(Đừng luyến tiếc)
Sở dĩ phải như thế vì đã tới lúc “đời ngược nhau hai hướng rẽ hai đường”, như bao câu chuyện đời khác.
Nỗi băn khoăn rất đỗi đời thường nhưng lại nhuốm màu triết lý sống ấy, thực ra, không phải ai cũng có được, mà phải kinh qua mọi lẽ được- mất, thịnh - suy, có không giữa cuộc đời đa đoan lắm nỗi này; rồi lại phải luôn biết tự vấn và biết rút ra cho mình bài học về thế thái nhân tình, thì mới có thể có được, sau khi đã “Để đêm khuya những giọt lệ lạc loài” và chấp nhận như một lẽ đương nhiên “Giọt lệ này xin mình em nhận đủ”.
Đó hoàn toàn không phải là thái độ cầu an, dàn hòa trong tư tưởng, mà thực sự là một sự “đốn ngộ” trước nỗi đời. Và để ngộ được điều ấy, tưởng chừng như tác giả MẮC NỢ MÙA ĐÔNG đã phải trải qua những dằn thúc không nguôi của tâm hồn, phải học được những bài học tưởng như giản dị mà lại vô cùng sâu sắc từ cuộc sống bình thường:
Biết quên đi một người là điều không hề dễ
Nhưng em sẽ làm, và hứa sẽ được, ...nay mai
(Xin hãy quên)
Nghe như có một chút gì đó chịu đựng, “hi sinh”; khiến chúng ta, những người đọc không thể không cảm thông cho nỗi niềm của một người phụ nữ xứ Huế hiền thục nhưng sâu lắng, dịu dàng.
Và khi đã ý thức được rằng cuộc sống là để sống, một cách hồn nhiên, chứ không phải chỉ là để suy niệm, thì tự nhiên lòng sẽ vui, hồn sẽ thanh thoát nhẹ nhàng như có bông “hoa mướp vườn vẫn vàng tươi sắc nắng”; như “ngõ chè tàu xanh biếc nỗi buồn thương”; bởi chính cái bông hoa mướp ấy, ngõ chè tàu ấy, ở một vườn Nguyệt Biều xanh, mới là cuộc sống, mới là cái nghĩa sống bình thường mà chân thật.
Chính ở đây ta đã tìm thấy con người thực, ngoài con người tình cảm nhưng không thiếu lý trí và cả sự tỉnh táo của Bích Hà:
Thì cũng biết xem tình là hư ảo
Nặng lòng chi? Để gió cuốn bay xa
(Ôi tình yêu!)
Suy cho cùng, chẳng có con người thực nào lại có thể thoát ra khỏi những nỗi buồn của tình yêu. Bích Hà có được sự chiêm nghiệm điều này trong cuộc sống xung quanh để có thể viết nên những câu thơ cho tình yêu dang dở và từ nỗi đau xót kia lại liên tưởng đến cái mong manh, nỗi mất mát của cuộc đời:
Cuộc đời ngoài kia chắc chẳng có gì vui
Đầy sóng gió và éo le, trắc trở
(Cuộc đời ngoài kia có gì vui không vậy?)
Câu hỏi nghe sao nhuốm nỗi ngậm ngùi!
Nhưng, ngay trong đau xót ta vẫn tìm thấy con người thiết tha, nhân hậu của Bích Hà:
Gió mang đi những khát vọng thuở nào
Làn mây biếc xóa giùm bao kỷ niệm
Xin trả hết cho mây trời gió biển
Trả tôi về những ngày tháng an nhiên!
(Tâm sự trước biển)
Tới đây, thêm một góc cạnh nữa để ta có thể nhìn thấy, khám phá tâm tình và tư tưởng của Bích Hà: Ngay trong giây phút thiết tha với tình, với người và với cuộc đời nhiều đam mê, quyến rũ này, người phụ nữ xứ Huế dịu dàng ấy vẫn chưa lúc nào quên được sự phù du của kiếp người, dù trước sau nàng vẫn muốn sống nhẹ nhàng, vẫn muốn quên đi những nỗi đời đau xót để thản nhiên làm “miếng ngói khô” vì cũng đã tới lúc “miếng ngói khô nay có còn khô nữa?” Hỏi là đã trả lời, chắc chắn “miếng ngói khô” ấy đã “nay chợt thành ngói ướt bởi vì ai”... (Đọc câu thơ này, tôi bỗng phải bần thần tự hỏi: Liệu có phải đây là một lời trách hay không? Nhưng mà, dẫu có trách thì cũng rất nhẹ nhàng. Và tôi yêu cái chất Huế ấy của người thơ này!).
 
Tôi đã nói, ta có thêm một góc nhìn để ta hiểu Bích Hà, nhưng cũng chính từ góc nhìn ấy mà ta lại có dịp để hiểu cả chính ta, tự nhìn lại ta trong cái lẽ biến dịch không ngừng của thời gian. Và ta có thể nói rằng, cuộc sống của mỗi người và của tất cả chúng ta, là thời gian vừa mất đi nhưng cũng là thời gian vẫn còn lại. Theo tôi, ý niệm thời gian trong tâm hồn con người chính là ý niệm về một thứ thời-gian-nối-kết (temps liés). Chính sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại ấy đã làm nên tình yêu trong chúng ta. Và đâu phải là tình cờ khi có người cho rằng, tình yêu chỉ có thể giữ được sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ của nó nếu óc thông minh và trí tưởng tượng có được một sự tự do sáng tạo nào đó thêm vào cho tình yêu.
Bích Hà đã có được sự sáng tạo đó trong tình yêu và trong thơ, dẫu có thể chỉ là một thứ ý thức bất chợt, như chút nắng mong manh cuối ngày, như sự an nhiên, thanh thản rất đỗi tình cờ:
Thời gian trôi đi có bao giờ trở lại
Thuyền xuôi dòng trên bến Hương giang
(Xin đừng thương nhớ người dưng)
 
Hay đó là câu ca xưa rơi lại bên lòng?:
Ôi có lẽ câu Nam bình suốt đời anh vẫn nhớ
Giọng em ca và cả tiếng em cười
(Gửi lại anh)
Nhưng có điều rất lạ, ở hồn thơ này chẳng có cái gì được quân bình cả, vừa hân hoan trong tình yêu thiết tha, say đắm đó, đã lại buồn rầu lơ đãng; vừa đang nghiền ngẫm về lẽ chia ly, sum họp của phận người đó, lại đã muốn làm làn mây trắng rong chơi; vừa tỏ ra hân hoan ham sống, lại đã chìm đắm trong nỗi sầu xứ Huế chiều đông. Cho nên, ta có thể nói rằng, thơ Bích Hà cũng như con người Bích Hà, là một thực thể tinh tế mà bất an (suy cho cùng, điều ấy cũng là lẽ thường tình, vì cuộc đời này vốn dĩ đã bất toàn!); một thứ tâm thức tình yêu dang dở; một mong đợi không tới, và cả một hoài niệm không có lối về.
Nói khác đi, đây là một thứ tâm thế mong chờ yêu thương mà cô đơn: tình yêu không bao giờ thỏa mộng, cuộc phối ngẫu thiết tha không đến, vì lẽ đời bất khả, cho nên nỗi đam mê nồng nàn chẳng bao giờ tìm thấy bến đỗ:
Em muốn làm người tình thơ chung thủy
Nhưng với ai? Ai sẽ trả lời câu hỏi ấy cho em?
(Em muốn)
Nhưng xét cho cùng, chỉ có sự tĩnh lặng của tâm hồn để đón nhận niềm vui đang mỉm cưới đưa tay vẫy phía xa là ý nghĩa nhất cho một tấm lòng, một tâm hồn nhân hậu thủy chung:
Ai trong đời mà chẳng có những ưu tư
Hãy xếp lại, tạm quên, mà vui sống
Nỗi niềm nào rồi cũng sẽ phôi pha
Hãy lắng dịu đón bình minh ngày mới
(Bông hồng tặng anh)
Xét về mặt nghệ thuật, một trong những nét nổi trội của ngôn ngữ thơ Bích Hà chính là biệt tài miêu tả cảnh sắc quanh mình. Những cảnh vật tươi đẹp hay trầm buồn của xứ Huế mơ màng, đài các; những bông hoa dại trong vườn hay cái ngõ chè tàu xanh biếc đã đi vào thơ Bích Hà một cách tự nhiên, giản dị mà nên thơ, vô cùng gợi cảm. Hay cụ thể hơn, một món đồ chơi ngày thơ dại: “Chiếc thuyền giấy, con cào cào, châu chấu/Chiếc đồng hồ lá chuối đã theo em” (Ngày xưa còn bé)
Những cảnh trí ấy, những vật dụng ấy hình như ta đã gặp nhiều lần trong đời, nhưng qua ngôn ngữ thơ không tả mà gợi của Bích Hà, ta bỗng thấy cảnh sắc ấy, vật dụng ấy như lung linh và vô cùng đẹp đẽ, gợi cảm; khiến ta bỗng thấy ngỡ ngàng.
Này đây là sự tinh tế của nghệ thuật lấy cảnh để gợi tình:
Ước một ngày anh trở lại nơi đây
Nẻo đường xưa anh ghé lại thăm nhà
Nghe em hát khúc tình ca xứ Huế
(Nỗi nhớ vu vơ)
Cách nói ấy, ngôn ngữ thơ ấy khiến ta không thể không bồi hồi tự hỏi, chuyện “tình mình dang dở” hay chính tiếng hát và đôi mắt của người phụ nữ Huế rất đỗi dịu dàng kia đã chiếm linh hồn ta? Còn “bao lộc biếc đã đâm chồi hé nụ” phải chăng là ánh sáng của một ngày mới, và cả ánh sáng của lòng ta nữa, đã vừa làm sống lại trong lòng ta một niềm vui, một hạnh phúc bất chợt mà tràn đầy: “Hạnh phúc tràn đầy, anh nhé - hãy nâng niu!”(?).
Trong một sự thức tỉnh bất chợt, ta có cảm tưởng như người thơ đang theo đuổi cuộc tìm kiếm một tình yêu miên viễn không bao giờ tới, vì đó chính là cuộc tìm kiếm chân tướng của tự thân (sappropre indentité). Có chăng ở đây cái nhìn phản tỉnh về sự mong manh của tình yêu, một tình yêu không có bóng hình của hạnh phúc đích thực mà chỉ là những hoài niệm, những tiếc nuối không quá đớn đau nhưng cũng không bao giờ lặng tắt trong tâm hồn đa cảm của một người đàn bà luôn đi tìm ý nghĩa của tình yêu như một sự giải thích cho ý nghĩa tồn tại của cuộc đời mình? Thật khó có câu trả lời chính xác!
Càng đọc thơ Bích Hà, ta càng nhận ra rằng, trong cái không hoàn chỉnh của toàn bài thơ, nếu đòi hỏi bài thơ phải như một chỉnh thể độc lập, vẫn thấy tác giả, dù vô tình hay cố ý, đã chuyển ý tưởng thành ảnh tượng, tạo nên những thế tương đồng gợi ý (analogies suggestives). Và đó chính là sự mời gọi người đọc cùng tìm cách giải mã vấn đề, cùng chọn lựa như tác giả đã chọn lựa: Chọn lựa tình yêu như một cách giải thoát cho những ức chế tự do, dẫu rằng đó có thể là một thứ ức chế vô thức. Bởi vì, suy cho cùng, chính tác giả “mắc nợ mùa đông” - mắc nợ thời gian - hay thực sự là “mắc nợ tình yêu”?
Sài Gòn, tiết Hạ chí năm Mậu Tuất, 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập