BAN BIÊN TẬP
Trân Trọng Giới Thiệu
Tác Phẩm Mới
Bình Luận Văn Học (T3)
Tác giả: Hoàng Thị Bích Hà
Trân Trọng Giới Thiệu
Tác Phẩm Mới
Bình Luận Văn Học (T3)
Tác giả: Hoàng Thị Bích Hà
Bài 1:
Thao Thức “NỖI NIỀM VỚI HUẾ”
Của Nhà Thơ HOÀNG TRỌNG BƯỜNG
Tôi được anh tin cậy gửi gắm bản thảo tập thơ “Nỗi niềm với Huế” trước khi gửi đi xin cấp phép xuất bản. Tính đến nay anh đã có 8 tập thơ riêng và 6 tập thơ in chung với thi hữu. Anh là một người con của Huế, sinh ra và lớn lên ở Nguyệt Biều - một ngôi làng xinh đẹp nằm bên bờ tả ngạn Sông Hương. Nơi đây, tổ tiên anh gốc kẻ chợ - Thăng Long đã Nam tiến theo con đường binh nghiệp rồi ở lại khai khẩn lập làng từ nửa đầu thế kỷ XVI. Dòng họ Hoàng Trọng là một dòng họ có mặt đầu tiên ở đất Nguyệt Biều. Anh sinh ra trong một gia tộc có truyền thống khoa bảng dưới triều Nguyễn. Anh em trong nhà ai cũng chăm lo học hành. Anh lớn lên cũng vào con đường binh nghiệp, du học Mỹ theo chuyên ngành pilot. Hoàng Trọng Bường đến với thơ từ rất sớm với những “Bài thơ còn hoài trong vở”, sau này công việc cuốn hết thời gian nhưng anh vẫn thích đọc thơ. Anh sưu tầm những bài thơ hay in thành tập. Thỉnh thoảng đọc báo Việt thấy bài thơ nào tâm đắc anh cũng lưu lại trong sổ tay. Ba anh là một trí thức dưới thời Pháp thuộc, giỏi tiếng Pháp bị nghi là Việt Minh nên bị thực dân Pháp bắt giam và mất ở trong nhà giam của thực dân Pháp lúc mẹ anh còn quá trẻ một nách bốn đứa con thơ và một đứa còn trong bụng. Mẹ anh đã tần tảo sớm hôm để nuôi con khôn lớn. Chính vì thế tập thơ “Nỗi niềm với Huế” anh viết về Huế với niềm thao thức lúc nào cũng đau đáu về Huế. Anh dành tình cảm hết sức sâu nặng cho mẹ - người phụ nữ Huế với những phẩm chất nhân hậu, chịu thương chịu khó, đảm đang chu toàn, vén khéo gia đình và nuôi con ăn học. Anh thương mẹ với tất cả tấm lòng của người con chí hiếu.
Tập thơ “Nỗi niềm với Huế” là những dòng cảm xúc trữ tình đậm đà, nỗi niềm tâm sự sâu lắng từ tâm của tác giả đối với Huế, với những người thân yêu và đặc biệt là mẹ của anh. Anh có những vần thơ xúc động khi viết về mẹ, lời thơ như một lời tâm tình nhẹ nhàng, giản dị mà thổn thức tận buồng tim. Những kỷ niệm với mẹ ùa về trong ký ức. Hình ảnh mẹ một nắng hai sương với công việc vườn tược của gia đình, rõ mồn một như vẫn bên anh ngày nào.
Mấy chục năm rồi mạ nhớ không?
Mỗi lần mạ cuốc cỏ sau vườn
Tay chân mạ xước gai thơ ấy
Con thấy tay gầy máu mẹ tươm
(Mạ ơi)
Kể sao xiết những vất vả của mẹ một mình bươn chải, làm lụng để nuôi cả đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn rồi còn lo tròn hiếu đạo với nội ngoại hai bên.
Anh biết mẹ vất vả bởi vì:
“Mạ đã vì bốn đứa con trai
Nặng trên đòn gánh mạ hai vai
Tảo tần buôn bán nuôi con lớn
Lá chuối buồng cau mạ chẳng nài”
(Mạ ơi)
Anh cảm thấy hối tiếc vì lúc bên mẹ thì cũng không đỡ đần gì cho mẹ. Khi khôn lớn trưởng thành rồi xa mẹ, chưa kịp báo đáp ơn đức cao dày của mẹ thì mẹ đã rũ áo đi vào cõi vĩnh hằng. Anh có những câu thơ dồn nén, bật ra như những tiếng nấc nghẹn ngào nhớ mẹ, làm cho người đọc chúng ta cũng quặn thắt lòng. Đặc biệt với những ai có cùng cảnh ngộ là đã xa vòng tay của mẹ thì nỗi niềm thương mẹ càng thấm thía hơn!
Mạ ơi giờ vắng mạ hiền
Đau thương nhớ mạ buồn phiền không nguôi
(Nỗi Nhớ Nghẹn Ngào)
Tình yêu dành cho Huế trong thơ anh thật đậm đà sâu nặng, ngôn từ dung dị chân thành, dễ hiểu. Huế hiện ra trong thơ anh với nỗi buồn cố hữu, trầm mặc của cố đô cũng là nỗi buồn của kẻ xa quê:
Huế đã vào thu vẫn buồn như mây tím
Của sầu đông mang nỗi nhớ trong lòng
(Huế đã vào thu vẫn buồn như mây tím)
Anh xa quê do những biến cố ngoài ý muốn của thời cuộc và hoàn cảnh riêng. Gần nửa thế kỷ trôi qua chưa có dịp trở về nhưng những hình ảnh về Huế vẫn khắc cốt ghi tim. Vì thế, anh nhớ rõ như in về những địa danh thân yêu nơi mảnh đất Cố đô yêu dấu - nơi anh sinh ra và lớn lên với một khung trời kỷ niệm không thể nào phai mờ trong tâm trí.
Dây trầu xanh Kim Long - vườn quê mạ
Nguyệt quê cha giàn thiên lý năm nào
Gót phân trần ai nỡ để xanh xao
Nhớ câu hát mẹ ru thời thơ ấu
Bao mùa thu tình yêu luôn cất giấu
Để mà nghe nỗi nhớ ngập trong lòng
Thương một thời hưng phế của Hoàng thành
Nghe tím lịm sầu đông mùa xoan nở
Những vần thơ anh dành cho Huế thật trang nhã, buồn mà đẹp.
Cuối hạ rồi nên nắng về hơi muộn
Khiến vần thơ trăng chở vẫn chưa sang
Bên tê Cồn… hình như bóng ai sang
Chiều u uẩn hàng cau thôn Vỹ Dạ
Huế là nơi chôn rau cắt rốn của anh và là nơi nâng bước anh đi từ những kiến thức đầu đời cho đến khi hoàn thành tú tài II để đi vào quân ngũ. Nhớ về những năm tháng ngày xanh là những kỷ niệm đẹp, lãng mạn và ngọt ngào còn lưu dấu với những luyến tiếc không nguôi.
Trời cuối hạ xa rồi thời sách vở
Những hẹn hò còn ươn ướt trong mưa
Trang lưu bút tên ai vừa nỗi nhớ
Trong thơ anh có những dang dở chia ly của mối tình chưa vẹn.
Thơ ai viết vẫn còn hoài dang dở
Vì chờ trông một kẻ vẫn chưa về
Khiến Huế vào thu với chiếc lá tỉ tê
Rơi rưng rức trên đường xưa Thôn Nguyệt
Đó là những bài thơ nói về tình yêu thuở thiếu thời thật đẹp nhưng vật đổi sao dời nên mọi thứ không thể là bất biến, chiến tranh loạn lạc ly tán nên tình yêu cũng đành dang dở chia ly để lại trong thơ những nỗi niềm nhớ tiếc, hoài niệm nhiều man mác bâng khuâng.
Một thuở buồn vui giữ trong lòng
Bây giờ đem gửi lại Kim Long
Xuống thuyền em trở về bên ấy
Bỏ lại đằng sau nỗi nhớ nhung
(Gửi Lại Kim Long)
Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp, ngọt ngào, lãng mạn trong trẻo mà thiết tha dẫu chưa một lần nói lời yêu thương.
Cuộc hành trình anh nghe lòng tím Huế
Tím nồng nàn, tim tím của yêu thương
Áo dài em là kỷ niệm cố hương
Cho se thắt một mối tình chưa ngỏ
(Huế tím cuộc tình)
Anh bồi hồi nhớ lại buổi tiễn đưa trong một chiều mưa, cảnh vật cũng nhuốm màu ly biệt. Đây là những vần thơ dùng thủ pháp nhân hóa rất thành công, tạo ra những vần xúc động nhất. Tất cả lưu lại trong tim thành kỷ niệm khó quên, và cũng lý do để anh yêu Huế và nhớ Huế hơn!
Chiều mưa ấy ướt hàng cây phượng đỏ
Cho sân ga trào lệ tiễn người đi
(Huế tím cuộc tình)
Nơi xa, bận bịu với những bộn bề cuộc sống nhưng vẫn nhớ về quê hương, nhớ những kỷ niệm đẹp với một dáng xưa nơi quê nhà. Cảm xúc chất chứa trong lòng bấy nay như tràn ra câu chữ.
Tôi và nàng thường hay đi qua xóm
Ngắm thanh trà bông bưởi nở đầy cây
Và nhiều lúc cũng trên bãi cát này
Đã tản bộ, thả diều chiều lộng gió
(Lương Quán ngày xưa)
Chiến tranh kết thúc, ngày chia xa không hẹn trước, mỗi người về một hướng vì những lý do khác nhau, nhưng tấm lòng anh và tình cảm gửi gắm về người thương thuở ấy vẫn mặn mà như thuở bên nhau. Giọng thơ thật trìu mến ân cần, hãy nghe anh thổ lộ.
Em hãy giữ giùm anh dáng Huế
Giữa Sài Gòn em hãy nhớ đừng quên
Huế của mình, Huế của cả lòng anh
Dẫu xa cách anh vẫn hoài thương Huế
(Cho dù em xa Huế)
Thơ Hoàng Trọng Bường trước hết là những dòng tâm sự giàu chất trữ tình có đan xen tự sự môt cách hài hòa. Thơ anh là tiếng lòng thổn thức không nguôi với Huế, với mẹ và người thân yêu, giàu âm hưởng trữ tình và nhạc tính. Ở thể lục bát, song thất lục bát, các thể thơ: năm chữ, bảy chữ hay tám chữ… anh đều tỏ ra rất rành trong cách gieo vần, lập tứ... Điều quan trọng làm nên hồn cốt của thơ anh là cảm xúc chân thành, là tiếng lòng rất đỗi chân chất nhưng đậm đà thi vị. Chứng tỏ anh có một tình yêu tha thiết với quê hương. Với khả năng quan sát tinh tế, sâu sắc nên thơ anh được tạo nên bởi cảm xúc rất thực, rất sống động, những nỗi niềm tâm sự về quê hương, về người thân, về những đổi thay của nhân tình thế thái. Lời thơ trong sáng, giản dị chân thành và dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Thơ đối với Hoàng Trọng Bường như một niềm đam mê. Một phương tiện nghệ thuật anh gửi gắm những tâm tình để nhớ về quê nhà, về cuộc đời và tình yêu…Thơ tình của anh mang điệu buồn để lại nhiều day dứt không nguôi. Bạn đọc có cùng cảnh ngộ có thể tìm được tiếng nói sẻ chia đồng cảm với tác giả. Thơ anh bắt nguồn từ cảm hứng tự sự và trữ tình nên nhiều khi anh viết một mạch từ năm, bảy... có khi hơn mười khổ thơ, là ghi lại cảm xúc của anh một cách tự nhiên. Nhiều bài thơ của anh viết khá dài, nếu như có thể rút lại gọn hơn để bài thơ có tính hàm súc hơn cũng là điều cần hướng tới. Tuy đôi chỗ còn dàn trải nhưng ý tưởng đẹp, cảm hứng và ngôn ngữ rất riêng đã khơi gợi được tình yêu đời, yêu cuộc sống. Tuy nhiên, nếu buộc anh phải dùng tối ưu hóa tính ước lệ tượng trưng của thơ để câu thơ ít lời hơn thì e không đủ cho anh diễn đạt câu chuyện của mình bằng mạch cảm xúc dạt dào tuôn chảy như thế! Cấu trúc thơ anh phong phú như một phức điệu, đa thanh, đa âm làm cho cảm xúc thơ chất chứa, dồn nén chờ dịp tuôn trào, giọng thơ tha thiết bồi hồi. Thơ là tiếng lòng mà! Làm sao để chuyển tải những tâm tư chất chứa cõi lòng nếu như cứ chú ý vào trau chuốt ngôn từ và làm dáng văn chương. Anh cứ bộc bạch tâm tư với vốn từ dung dị rất gần với cuộc sống đời thường như thế, nhưng có giá trị biểu đạt cao. Vì vậy thơ Hoàng Trọng Bường đã được rất nhiều độc giả yêu mến và đón nhận. Mỗi tâm hồn, mỗi người viết như là những “tiểu vũ trụ” có một phong khác nhau cũng như những vân tay, không ai giống ai. Điều quan trọng là cảm xúc chân thành. Thơ xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Mỗi tác giả sẽ có một lượng độc giả, khi họ tìm thấy bóng hình mình trong đó, cảm thấy như là tác giả đã nói hộ lòng mình, “thay lời muốn nói” nghĩa là họ đã tìm được tiếng nói tri âm. Tình yêu quê hương sâu nặng, cảm xúc tha thiết dâng trào, ngôn ngữ hình tượng thơ giàu thi vị đã tạo nên cốt cách thi sĩ trong tâm hồn người lính không quân. Viết về mẹ, về quê hương, về tình yêu, anh có nhiều bài thơ hay. Đặc biệt anh viết về mẹ bài nào cũng xúc động. Tác giả đã kết hợp giữa bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn của một hồn thơ giàu chất suy tư và tính nhân văn đã tạo nên những vần thơ trữ tình đằm thắm, ngọt ngào và lãng mạn, thể hiện một cách sinh động cảm xúc thẩm mỹ. Hoàng Trọng Bường vẫn đang là một cây bút sung mãn của một người say đắm với thi ca. Độc giả chúng ta có quyền hi vọng và chờ đợi những đóng góp mới của nhà thơ.
Sài Gòn, ngày 7/3/2021