BAN BIÊN TẬP

Hân hạnh giới thiệu

Tác Phẩm Mới

ĐỌC KIỀU THƯƠNG KHÁCH VIỄN PHƯƠNG
Nhà văn: Ninh Giang Thu Cúc




Vài Cảm Nghĩ Về  “ĐỌC KIỀU THƯƠNG KHÁCH VIỄN PHƯƠNG”
của tác giả Ninh Giang Thu Cúc

Giáo sư Doãn Lê
                                          
          Tác phẩm “Đọc Kiều Thương Khách Viễn Phương” của tác giả Ninh Giang Thu Cúc (NGTC) gồm có hai phần: (1) Những cảm nhận về các nhân vật trong Truyện Kiều và 6 bài thơ vịnh các nhân vật này, (2) Phần Phụ Lục, “Mấy Dòng Sử Thi” gồm các bài thơ ca ngợi các nhân vật lịch sử.
          Chúng tôi xin được giới hạn vài cảm nghĩ của mình ở phần thứ nhất.
           Trong “Lối Vào” tác giả đã viết ngay trang đầu: “Với tập sách nhỏ này – tác giả không hề nghĩ nó là công trình nghiên cứu mà chỉ xin được gọi là nén tâm hương, là tấc lòng cảm cựu dâng lên anh linh của người thiên cổ - biểu lộ sự ngưỡng mộ thi tài và xin được chia xẻ nỗi đau đời, đau người của tiền nhân và hậu học”. Và ở một phần khác tác giả thêm một lần nữa khẳng định: “….3254 câu thơ lục bát đã đeo đuổi, đã ám ảnh trong lòng tôi suốt bao năm tháng và tôi muốn làm một điều gì đó để biểu tỏ lòng ngưỡng mộ kính yêu đối với tác phẩm và với người đã tái sinh lại các nhân vật bất tử, điển hình là người con gái, người phụ nữ tài sắc và bất hạnh Thúy Kiều” (trang 57).
          Như vậy tác phẩm này đã ra đời do lòng ngưỡng mộ thi tài của Nguyễn Du và những cảm xúc chân thành của tác giả với từng nhân vật trong truyện Kiều.
          Như tác giả đã nói, đây không phải là một công trình nghiên cứu nên việc tác giả chỉ sử dụng bản Kiều của cụ Đào Duy Anh để trích dẫn thơ, có đối chiếu với hai bản của cụ Bùi Kỉ và Tản Đà, chúng tôi thấy không phải là một vấn đề cần bàn đến dù rằng hiện nay theo các nhà nghiên cứu truyện Kiều có đến ngót 50 bản Kiều, trong đó trên 10 bản Kiều Nôm và hơn 30 bản Kiều Quốc Ngữ, một số bản dịch ra tiếng nước ngoài. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang có sự khác nhau về số lượng câu, trong các bản Kinh là 3258 câu, và các bản Phường là 3254 câu, hay bản của Phạm Kim Chi có 3256 câu. Và có nhiều sự khác biệt về cách dùng từ ngữ giữa 2 bản Kinh và Phường. Tác giả NGTC cũng sắp xếp các chương mục chỉ theo “ngẫu cảm”, nói đúng hơn là chỉ theo dòng cảm xúc và tâm lí của tác giả biểu cảm sự xót thương cho số phận nghiệt ngã của Kiều hay phẫn nộ đối với các nhân vật phản diện.
          Như chúng ta đã biết, NGTC là một nữ sĩ đã có nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam suốt mấy thập niên qua và là một trong số các nhà thơ nữ con nhà nề nếp gia giáo ở đất Thần Kinh, nơi mà theo tác giả, Nguyễn Du đã viết nên tuyệt tác Truyện Kiều.
          Qua toàn bộ tác phẩm chúng ta thấy tác giả đã đến và sống với truyện Kiều bằng trái tim yêu thương, bằng tâm lí của một phụ nữ, không phải cái nhìn biện chứng của một nhà phê bình văn học. Chính vì thế mà có chút “bất ngờ” khi tác giả lại tỏ ra “bênh vực” cho Hoạn Thư, trái lại với những quan điểm lâu nay của đa số. Tác giả viết: “…lòng tự tôn đã thỏa, cơn tam bành lục tặc đã được vỗ về yên giấc, thì lòng nhân hậu, bản chất và thiên lương của người đàn bà đã trở về. Nàng âm thầm tạo cơ hội và giúp đỡ tư trang cho Thúy Kiều hộ thân, ngầm “mở cửa” cho Thúy Kiều ra khỏi Quan Âm các…” Thật thú vị khi tác giả cho rằng Hoạn Thư hành hạ Kiều không phải do ghen vì yêu mà chỉ để “chứng tỏ quyền lực mình trước đối thủ,… để thỏa mãn sự chiếm hữu mang tính ích kỉ” bởi vì, tác giả viết: “Là đàn bà, tôi khẳng định không có chút tình yêu nào Hoạn Thư dành cho Thúc Sinh cả”. Cánh mày râu chúng tôi thuộc diện “ngoại đạo”, có lẽ về mặt này cũng cần lắng nghe tác giả - một nhà thơ, nhà văn “đàn bà” từng trải bao ấm lạnh, dâu bể của cuộc đời hiểu Hoạn Thư hơn chúng ta chăng! Cũng từ đó, qua sự phân tích tâm lí của tác giả về Thúy Vân, chúng ta cũng nên có một cái nhìn công bằng hơn về “sự hi sinh thầm lặng vì đạo nghĩa” của nàng. Đó là cái nhìn mới đầy độ lượng và tình người, hẳn nhiên phát xuất từ cái tâm từ bi của tác giả.
          Một điều dễ nhận thấy ở tác giả đầy nữ tính là sự nhạy cảm đối với từng nhân vật trong truyện Kiều cho dù nhân vật ấy chỉ xuất hiện trong một câu ngắn ngủi trong 3254 câu. Đó là: “Sau chân theo một vài thằng con con” Có lẽ chỉ có một mình tác giả mới trải lòng và nặng tình với “vài thằng con con” như vậy. Thoạt đầu chúng tôi cũng hơi thắc mắc tại sao tác giả lại “chi tiết” đến thế, nhưng khi nhớ lại tác giả là một Phật tử thuần thành:
“Từ tuổi thơ trong trắng/ Hạt đạo đã vươn mầm (DL)”, một con sâu, cái kiến còn phải mở rộng lòng từ, thương yêu, che chở thì huống nữa là “vài thằng con con” phải ôm tráp chạy bở hơi tai. vừa khát nước, vừa đói bụng theo tưởng tượng của tác giả sau chân ngựa của cậu chủ hào hoa! Và từ đó cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi tác giả cũng đã nặng lòng với “khách viễn phương” để chọn làm tên sách và làm chương đầu cho tác phẩm. Đọc để thấy tấm lòng của tác giả và rõ thêm tình người cao quý biết bao!
          Bên cạnh tình cảm thương yêu dành cho những số phận đoạn trường, khổ nhọc, tác giả cũng có một cái nhìn nghiêm khắc đối với những hạng người hèn hạ, đáng khinh bỉ trong xã hội xưa nay từ hạng quan chức cho đến loại thứ dân sống sung sướng, xa hoa bằng những thủ đoạn lưu manh, gian xảo, trên sự đau khổ của đồng loại để đoạt được danh lợi cho chính bản thân mình.
          Chương cuối cùng của phần 1: “Vài vết xước nhỏ trong khối ngọc lớn Truyện Kiều”, tác giả đã nêu lên 3 điểm chưa hợp lí:
(1) Nguyễn Du dùng từ “chung chạ” cho việc sống chung của Thúy Kiều và sư Giác Duyên là “không hợp” vì “chung chạ” thường dùng cho những trường hợp xấu. (2) Sự bề trên của Hoạn Thư đối với Thúc Sinh cũng không đúng trong xã hội thời ấy vì “quan điểm xã hội thuở ấy đàn ông là số một”, và (3) việc Từ Hải huy động quân hùng tướng mạnh để đi bắt vài ba tên “cắc ké” giúp Kiều đền ơn, trả oán có đáng không?
          “Vài vết xước nhỏ” trong Truyện Kiều mà tác giả đã nêu cũng là vấn đề rất thú vị để chúng ta cùng trao đổi:


1. Có hợp tình, hợp lí không khi Nguyễn Du dùng chữ “chung chạ” để chỉ sự sống chung giữa sư Giác Duyên và Thúy Kiều? Theo định nghĩa của các từ điển tiếng Việt hiện nay thì từ “chung chạ” hàm ý nghĩa xấu đúng như tác giả đã nêu. Tuy nhiên GS Hà Huy Giáp đã nhận xét: “Một khó khăn cho người đọc trong khi tiếp xúc với các áng văn cổ như truyện Kiều là nghĩa các từ nay không thông dụng nữa, hay đã biến nghĩa..” (Truyện Kiều,  NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp – Hà Nội 1972).  Xin được nêu  một trường hợp tương tự: Tác giả Trương Chính trên Thế Giới Mới, tháng 5/1993 đã viết: “Phạm Duy Tốn viết “bảo thủ tài sản”, với nghĩa giữ gìn tài sản, theo nghĩa đen. Tiếng Việt chỉ thừa nhận nghĩa bóng: “giữ cái sẵn có, cái cũ, không chịu thay đổi”. Trần Trọng Kim viết: “lý thuyết Nho giáo hủ hóa”, với nghĩa hư hỏng, không còn tốt đẹp nữa. Tiếng Việt chỉ thừa nhận nghĩa: “quan hệ nam nữ bất chính về xác thịt”…Đào Duy Anh viết: “Bỉ nhân khi mới nghiên cứu quốc văn đã lấy sự không có từ điển làm điều rất khốn nạn khổ sở”. Hoài Thanh viết: “Làm thơ là phải phản động lại”. Ngày nay, phản động chỉ dùng với nghĩa “chống lại cách mạng, chống lại sự tiến bộ, còn chống lại cái cũ, cái xấu thì không dùng phản động..” Học giả An Chi đã nhận định về ý kiến trên của Trương Chính: “Trước đó nghĩa thông dụng của nó (bảo thủ, DL) chỉ là “gìn giữ” đúng như Phạm Duy Tốn đã dùng, đã được ghi nhận trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của, hoặc trong Việt Nam Tự  Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ…. Trần Trọng Kim cũng hoàn toàn đúng khi dùng từ hủ hóa theo nghĩa “hư hỏng, không còn tốt đẹp nữa”. Còn cái nghĩa “quan hệ nam nữ bất chính về xác thịt” mà Trương Chính nêu thì lại chỉ bắt đầu được dùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954)…” (Chuyện Đông Chuyện Tây, NXB Trẻ 2006). Xem thế, ngôn ngữ là một thực thể linh động, ý nghĩa có thể thay đổi theo thời gian hoặc không gian. Trong những thí dụ mà Trương Chính đã nêu, ý nghĩa ngôn ngữ đã thay đổi rất xa chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng trên dưới 50 năm), huống gì Nguyễn Du đã viết truyện Kiều cách chúng ta hơn 2 thế kỉ. Vậy từ “chung chạ” vào thời Nguyễn Du, có thể vẫn mang một nghĩa tốt, hay ít nhất  là trung tính, có thể tốt, có thể xấu tùy vào tình huống. Chúng tôi biết vẫn còn có rất nhiều từ khác được nêu lên thảo luận lâu nay. Đây là vấn đề thuộc Văn Bản học, nghiên cứu Ngôn ngữ Truyện Kiều của các nhà  chuyên môn. Theo thiển ý, với một người tài cao, học rộng như Nguyễn Du thì không thể nhầm lẫn nghĩa từ một cách đơn giản như vậy. Trong khi chờ đợi các công trình nghiên cứu ấy được công bố, chúng ta có thể tạm hiểu chữ “chung chạ” theo nghĩa trung tính của nó vậy.

2. Sự bề trên của Hoạn Thư đối với Thúc Sinh cũng không đúng trong xã hội thời ấy vì “quan điểm xã hội thuở ấy đàn ông là số một”Sự nhận xét và phân tích của tác giả NGTC về bối cảnh này theo tinh thần Nho giáo của xã hội thời ấy quả rất đúng.
Trong phần giới thiệu Truyện Kiều của GS Hà Huy Giáp, ông đã nhận định: “…Nguyễn Du đã xây dựng đậm nét nhân vật phản diện mang tính cách điển hình khá cao như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến. Đó là những nhân vật hiện thực, mặc dù còn nặng về mặt khái quát hóa mà nhẹ về mặt cá biệt hóa. Nguyễn Du đã lấy nhiều chi tiết từ cuộc sống mà xây dựng những nhân vật ấy để bóc trần và vạch mặt cái xã hội phong kiến thối tha, sa đọa”. Ở một đoạn khác ông viết: “Nguyễn Du muốn con người thoát khỏi chế độ gia trưởng, phong kiến ”. Từ những nhận định trên chúng ta đã thấy Nguyễn Du đã mạnh dạn cho Thúy Kiều “xé rào” để “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm …trai! Điều ấy đối với xã hội bấy giờ, lấy đạo đức Nho giáo làm chuẩn mực cho cuộc sống quả là điều không thể xảy ra. Nhưng phải chăng Nguyễn Du muốn đánh thẳng vào cái thành trì “tam tòng tứ đức” của xã hội Nho giáo đã cương tỏa thân phận người phụ nữ cả ngàn năm nay? Và với Hoạn Thư, thuộc giai cấp danh gia vọng tộc, tiêu biểu cho những phụ nữ thuộc giai cấp quý tộc đang nắm quyền thế thì sao? Truyện Kiều phản ánh những khía cạnh khá trung thực của xã hội thời cuối Lê sang Nguyễn, những sự thật xấu xa của tầng lớp quan quyền, quý tộc được bọc trong cái hào nhoáng của đạo “tam cương, ngũ thường” Khổng Mạnh. Thúc Sinh là hình ảnh tiêu biểu của giới con buôn nhà giàu, luôn móc nối, tìm kiếm, rồi dựa dẫm vào mối quan hệ tình cảm hoặc hôn nhân với giới quan quyền để hợp tác, dễ dàng trong các “phi vụ làm ăn” ở thời đại nào chẳng có. Gã là một con buôn (bây giờ gọi là doanh nhân) quen thói ăn chơi, hành lạc, trác táng, tiêu tiền như nước giống như phần lớn các đại gia thời @ này, thích “chân dài”, thích ăn vụng bên ngoài (nên kiếm cớ buôn bán xa) nhưng sợ quyền lực của gia đình vợ, nên khi bị lộ gã “bó phép” như một tội nhân trước một Hoạn Thư nanh nọc, nham hiểm dựa vào thế lực của gia đình cũng là điều có thể xảy ra. Và Hoạn Thư với thế thượng phong, trong cơn tức giận vì bị xúc phạm đến danh giá gia đình và tự ái, đã có lời lẽ của kẻ bề trên đối với “tên tội đồ hèn hạ” Thúc Sinh mà nàng đã quá hiểu  cũng là điều hợp lí.


3. Về cái “hoạt cảnh” (chữ của tác giả, DL) Từ Hải điều binh, khiển tướng rầm rộ như sắp mở một cuộc tấn công lớn vào hai kinh của nhà Minh, nhưng lại để đi bắt mấy tên cắc ké về cho Thúy Kiều trị tội thì quả thật chúng tôi cũng có một cái nhìn như tác giả. Đây không phải là “vết xước” duy nhất trong Truyện Kiều. Khi mô tả Từ Hải: “Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao” Nguyễn Du đã vẽ một Từ Hải không cân đối vì một tỉ lệ thước tấc quá chênh lệch giữa vai và lưng dù dùng đơn vị thước Tàu ngày xưa hay thước tây ngày nay. Nhiều tranh cãi đã diễn ra nhiều năm qua vẫn chưa đến hồi kết thúc. Bác sĩ Lê Quang Thông trong một bài phiếm luận, qua cái nhìn “y học” (do méo mó nghề nghiệp!) đã đo được vai Từ Hải khoảng 10 – 11 cm, và cao …2m! Còn học giả Đào Duy Anh thì đo chiều cao bằng thước gì chưa rõ nhưng ông tuyên bố chiều cao củaTừ Hải là…0,70m!“. Học giả An Chi cho rằng thước tấc của Từ Hải chỉ mang tính ước lệ. Ông viết: “Nguyễn Du đâu có đo Từ Hải chính xác như ban giám khảo đo các người đẹp ở các kì thi hoa hậu” Ông nói vui, nếu cứ quyết đo cụ thể thước tấc rồi chụp “X-quang”, với thân hình vai so, cổ rút như thế thì Từ Hải chắc chắn… bị bệnh lao! Và chúng tôi đồng quan điểm với học giả An Chi rằng với một thi phẩm đồ sộ như thế, dẫu được viết bởi một thiên tài, cũng không thể tránh khỏi vài sơ sót nhỏ!          Trong lời đầu của tác phẩm, tác giả NGTC đã cho biết bà viết tác phẩm này khi đang nằm một chỗ vì xẹp cột sống lưng. Với cái tuổi vượt khỏi ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, lại bị bệnh tật nặng nề như thế, tác giả vẫn không thể rời bỏ “nghiệp dĩ” của mình vì Truyện Kiều đã trở thành máu thịt, hơi thở của tác giả. Bằng sự hiểu biết của một trí thức, bằng tấm lòng đôn hậu, từ bi được tưới tẩm qua triết lí nhà Phật, tác giả đã sống, đã khóc, đã cười  với Truyện Kiều gần suốt cuộc đời, đã trân quý Truyện Kiều như một bảo vật thiêng liêng của nền văn học dân tộc. Đọc “Đọc Kiều thương khách viễn phương” chúng ta dễ dàng nhận ra tấm lòng của tác giả đối với Truyện Kiều. Với một cái nhìn mới về một số vấn đề được nêu trong tác phầm, tác giả - một cây bút nữ hiếm hoi về mảng này - đã mở thêm những cánh cửa để đưa chúng ta vào chiêm ngưỡng những phần đẹp, mới của ngôi nhà Truyện Kiều. Chúng tôi trân trọng tình yêu của tác giả đối với Truyện Kiều, đánh giá cao nội dung của tác phẩm mà tác giả đã viết nên bằng tâm huyết của mình với tấm lòng thành “cảm cựu dâng lên anh linh người thiên cổ”, sau cũng để trả cái nợ của người cầm bút, như kiếp tằm miệt mài nhả sợi tơ lòng (xuân tàm đáo tử ti phương tận- Lý Thương Ẩn) mong đóng góp chút sức nhỏ bé cho nền văn học nước nhà.
                                                                    D. L.
                                                          Mạnh Xuân, Kỉ Hợi (2019)
 
 
         
 
 
         
         


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập