BAN BIÊN TẬP
Trân trọng giới thiệu

Tác phẩm mới
Hành Trình Đất Và Nước
Nhà Thơ: Nguyễn An Bình


 
 
GP CỦA NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 2018
Tác phẩm được hỗ trợ kinh phí của  HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TP CẦN THƠ.
Sách dày 160 trang, bìa Đinh Cường, 2 phụ bản màu thật đẹp, giá 72.000đồng
Có bài giới thiệu của nhà văn NGUYỄN NGỌC TUYẾT(HNV TP CẤN THƠ) và nhận xét thơ của HỒ HUẤN CAO(Nhà Thơ DU TỬ LÊ)

Bài Giới thiệu tập thơ HÀNH TRÌNH ĐẤT VÀ NƯỚC của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết
    Những bông hoa trên “HÀNH TRÌNH ĐẤT VÀ NƯỚC” Của NGUYỄN AN BÌNH
 
                                                          Nhắc về một dòng sông
                                                          Đêm thường mơ thấy sóng
                                                          Chiều buông làn khói mỏng
                                                          Vỗ về suốt đời tôi.
                                                          Quê nhà của tôi ơi…
         
          Đó là những dòng thơ viết về quê nhà của một người từng lưu lạc tha hương nhưng mãi thương một điệu lý, một câu hò, một chân cầu, một cây bẹo trên vùng chợ nổi sông nước bồng bềnh…Để rồi từ đó rời quê nhà ra đi, miên man cuộc “Hành trình đất và nước”.
          Tập thơ, như tên gọi đưa người đọc đi khắp mọi miền đất nước một cách tùy hứng với dày đặc địa danh, thắng cảnh. Núi và sông, biển và đồng bằng, miền xuôi rồi miền ngược..Hơn 80 bài thơ, nhìn lên tựa bài, hầu hết là tên của mọi miền đất nước: Huế, cầu Thị Nại, Bạc Liêu, Tháp Mười, Tam Kỳ, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Thiên Cấm Sơn, lăng Mạc Cửu, Cổ Mã, vịnh Vân Phong, Mỹ Sơn, Vàm Cỏ…. Có lẽ vì vậy mà thoạt nhìn qua tập thơ như một thiên du ký mang đậm tính tự sự hơn chất trữ tình, lãng mạn vốn có của thơ ca? Bên cạnh đó, những điểm đến ở đây cũng không được sắp xếp theo một thứ tự nhất định khiến người đọc dễ bị choáng ngợp, mệt mỏi bởi quá nhiều vùng miền, quá nhiều địa danh cụ thể nằm trong mỗi bài thơ. Nhưng, đi sâu vào thơ Nguyễn An Bình, đọc thơ anh như thơ bạn bè thân thiết mới thấy bên trong lớp vỏ kia còn thoang thoảng đâu đây một chút hương tình, một chút tha thiết bâng khuâng của một hồn thơ say đắm tự thuở nào. Đi vào từng bài thơ, dõi theo cuộc hành trình của anh ta sẽ thú vị phát hiện từng bông hoa lung linh, tươi đẹp cứ nở ra, nở ra khiến lòng ta xao xuyến, lâng lâng.
          Trước hết có lẽ là hương vị, là sắc thái vùng miền trong các bài thơ. Rõ nhất vẫn là chất Nam Bộ thấm đẫm trong lòng đứa con vùng sông nước. Ta hãy nghe:                     …    vốc từng ngụm phù sa tê lưỡi
                             Sóng chênh chao vạt lúa xanh rờn
                             Cánh cò trắng chập chờn mải miết
                             Hàng đáy giăng giăng
                             Đổ cá linh non tươi rói
                             Xuồng cui tròng trành tay vói
                             Điên điển vàng óng non tơ…
                                                (Mắc nợ phù sa)
          Và đây nữa:
                             Chiều phương nam thương sợi khói đốt đồng
                             Mùi rơm rạ bao năm rồi vẫn nhớ
                             Tóc cháy nắng phải đâu là duyên nợ
                             Để cánh cò cánh vạc trốn tìm nhau.
                                                (Về phương nam tìm một cánh cò)
          Đọc những câu thơ này, lòng người dân châu thổ nào mà không xao xuyến, rưng rưng. Những hình ảnh thân quen là thế, không gian, mùi vị đắm lòng là thế, một ngụm phù sa, một cánh cò cánh vạc bay qua chiều, chiều mênh mang nỗi nhớ..
          Ở một số bài khác, sắc thái vùng miền cũng lấp lánh, sinh động. Chẳng hạn nét hào sảng, phóng khoáng của núi rừng trong “Tình ca Yang Bay”:
                             Ơi Yang Bay Yang Bay
                             Thác trời ngàn năm buông mình giữa núi rừng hùng vĩ
                             Chảy tràn một huyền thoại tình yêu không bao giờ ngơi nghỉ
                             Thung lũng xanh, đồi núi xanh chập chùng mù sương
                             Gập ghềnh đá dựng ngược đường
                             Để anh đi tìm em giữa mênh mông đại ngàn tiếp nối…
          Hay nét u mặc, huyền bí trong “Chiều Mỹ Sơn”:
                             Sương mênh mông phủ đồi núi bạt ngàn
                             Lòng tháp cổ Chiêm nương về ngang đó
                             Nghe hơi thở lạnh từng viên đá cổ
                             Tiếng ngựa xa sênh phách suốt ngàn năm.
          Và cả cái không khí nên thơ, ngọt ngào đây nữa:
                             Thèm ngồi thuyền uống rượu dưới trăng
                             Bên em nghe giọng hò xứ Huế
                             Câu mái đẩy ngọt ngào đến thế
                             Gõ mạn thuyền say điệu Nam ai.
                                                (Mưa về trên phá Tam Giang)
          Rõ ràng nhà thơ đã đắm mình trong từng cảnh vật, hít thở sâu trong mùi vị, hương sắc của những nơi chốn mình bước chân qua trong cuộc hành trình mới có thể cảm nhận được từng sắc thái, từng đặc trưng của cảnh vật chứ không chỉ “Cưỡi ngựa xem hoa”. Chính sự hòa nhập tâm hồn vào từng nơi như thế đã khiến bài thơ “đứng” được thay vì rơi vào sự miêu tả khô khan.
          Đi vào “Hành trình đất và nước của Nguyễn An Bình như đi vào một khu rừng rất nhiều cây lá, hoa cỏ. Phải đi thật chậm rãi, mắt nhìn thật tinh mới phát hiện được những bông hoa nở đẹp trên mỗi cung đường. Với tôi, ngoài những bông hoa lấp lánh hương sắc của từng vùng đất có lẽ những bông hoa nở đẹp nhất chính là những nụ hoa tình. Có thể đó là một tình yêu đánh mất trong một bài thơ đẹp đến nao lòng:
                             Hình như chiếc lá trở mình rất khẽ
                             Gió mang em đi về tận phương nào
                             Có trái tim anh bốn mùa thật trẻ
                             Mắt nồng nàn theo suối tóc hư hao.
                                                ( Bản luân vũ của gió)
          Bài thơ 5 khổ với những chữ “Hình như” này, khổ nào tôi cũng thích bởi từng câu thơ, từng âm hưởng thơ đều khơi gợi nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi mà có lẽ ai trong chung ta cũng một lần trải qua. Thế nên bài thơ cứ như một bông hoa tím ngát, duyên dáng mọc lên giữa cuộc hành trình dài theo những nẻo đường đất nước.
          Cũng có thể đó là sự tìm nhau trong vô vọng của một mùa xưa:
                             Bay ngơ ngác đàn bướm ong tìm mật
                             Cũng như em tôi tìm suốt mùa hoa
                             Mùi thơm ngái loang trong chiều hoang nắng
                             Tiếng cười ai bay mất tận trời xa
                                                (Tìm nhau mùa hoa cải)
          Hay đó cũng là một bông hoa nở ra từ những hoài niệm rưng rưng trong một bài lục bát êm ái, dịu dàng:
                                      Ta về nhặt sợi tóc phai
                                      Chiều xuân hoa rụng trên vai bao giờ
                                      Nhớ người thuở ấy ngẩn ngơ
                                      Đôi bờ lau trắng biết chờ ai đây..
                                                          (Vu vơ ngày xuân)
          Ngày xuân tưng bừng, người về nhặt lại gì đây ? Một sợi tóc phai, một tuổi thơ mất hút, một chiếc lá ăn năn… Những câu hát vu vơ thật buồn, thật lạnh lẽo phải không ? Có lẽ vì những nụ hoa tình ấy, vì nhân vật « em » lơ lửng, lửng lơ trong nỗi nhớ của nhà thơ ấy mà kẻ viết bài này đã đi theo tác giả không mệt mỏi suốt cuộc « Hành trình đất và nước »  này.
          Nhà thơ Nguyễn An Bình đã viết và xuất bản nhiếu tập thơ, hầu hết là thơ tình. Tập thơ « Hành trình đất và nước » này có lẽ là một thể nghiệm mới của anh sau một thời gian tích lũy và trải nghiệm qua nhiều vùng đất nước. Mong tập thơ mới của anh sẽ đi vào lòng người đọc và anh sẽ còn mãi tiếp tục hành trình thơ của mình.
                                                                   Tháng 8-2018
                                                          NGUYỄN NGỌC TUYẾT



  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập