BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu


Tác Phẩm Mới
HẠT SƯƠNG ĐÊM
của nhà văn, nhà thơ Mang Viên Long



ảnh bìa tác phẩm Hạt Sương Đêm

 
                   Nỗi cô độc và niềm khát vọng trong “HẠT SƯƠNG ĐÊM”
                    Của nhà văn MANG VIÊN LONG
 
 
      Tháng 09 năm 2017 tôi nhận được tập Nhật Ký Thơ Bốn Câu “HẠT SƯƠNG ĐÊM” của nhà văn Mang Viên Long gởi tặng. Tập thơ dày 111 trang với tranh bìa là chân dung tác giả qua nét phác họa rất ấn tượng của danh họa Đinh Cường. Có bốn phụ bản mầu là tranh họa sĩ Đinh Cường và họa sĩ Nguyễn Sông Ba, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
     “Hạt Sương Đêm” gồm những bài thơ bốn câu, đủ thể loại: lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ; ghi vội như những giòng nhật ký nhằm “lưu giữ” những kỷ niệm buồn - vui, hạnh phúc - khổ đau, cùng nỗi cô độc đã theo từng bước chân trôi dạt đây đó, mà tác giả đã trải qua - nhất là giải bày niềm khát vọng đang nổ lực vươn tới.
       Thơ ngắn, gọn, nhưng cô đọng và sâu lắng, như những giây phút ngẫu cảm bất chợt đến - đi, đã làm cho người đọc dễ đồng cảm, tạo cảm xúc mạnh, gây ấn tượng lâu dài.
     “Sương đêm” từng hạt thấm đẫm vào niềm cô độc, muộn phiền; thấm vào tận đáy lòng trống trải, cô quạnh của cuộc đời bất hạnh, khổ đau. Những tia nắng buổi sớm không đủ mang đến sự ấm áp, niềm vui cho ngày mới; mà là nỗi nhọc nhằn, cam khổ bắt đầu:  
     “Cởi áo phơi nắng sớm
     Cởi quần phơi nắng chiều
     Giọt mồ hôi thấm ướt
     Tận đáy lòng cô liêu “
    (Thường Nhật - trang 66)
        Có thể nắng sớm chiều sẽ làm khô những giọt mồ hôi ướt đẫm trên chiếc áo, chiếc quần lao tác vì cơm áo; nhưng không thể “làm khô”, hay xóa được nỗi cô độc đã thấm sâu tận đáy lòng mình.
        Và nhà thơ đã đi đi, về về, lang bạt khắp nơi trong nhiều chục năm với nỗi buồn thương; tác giả ví những chuyến đi về đó như những giọt sương rơi; mà sương thì mong manh, dễ vỡ. “Chăn chiếu mốc meo”,“chăn chiếu lạnh theo tình người”; cho ta thấy rõ niềm cô quạnh, không ai sẻ chia, không ai quan tâm đến những chuyến đi về bơ vơ, đau khổ trong đời. Rồi nhà thơ tự hỏi thầm với lòng, như lời an ủi, rằng: “Có ai thầm gởi một lời sương khuya?” - Có ai?
     “Ta đi, chăn chiếu mốc meo
    Ta về, chăn chiếu lạnh theo tình người”
       (Đi Về - trang 44)
        Thế rồi, theo dòng thời gian vô tình, nhà thơ mãi trôi nổi trong niềm cô quạnh, xót xa của phận mình, bởi chẳng có ai quan tâm, chia sẻ:
       “Có vợ, áo rách hở vai
     Có vợ, quần đứt nút cài kim băng
        Vợ còn ở tận cung trăng
       Thương chi chú Cuội trôi lăn bể trần”.
    (Chú Cuội - trang 46)
         Lời trách nhẹ nhàng mà nghe đau xót. Tác giả chỉ ví mình như chú Cuội, đang trôi lăn bể trần, để trả cho hết nợ duyên.
        Để rồi “Chú Cuội” ấy thoát khỏi cái tầm thường của đời sống, chú Cuội bao dung, rộng mở với từ tâm. Chú Cuội cảm ơn người đã làm mình đau khổ, không chút giận hờn, oán trách; đã cho mình hiểu được“ngọn ngành của thương đau”, đã cho tác giả thấy được “đời là cuộc bể dâu mịt mù”:
     “Nhờ em đã dạy cho anh
  Để anh hiểu được ngọn ngành thương đau
     Cho anh bạc sớm mái đầu
  Thấy đời là cuộc bể dâu mịt mù!
      (Đa Tạ - trang 53)
         Mặc dù biết được đời là cuộc bể dâu, thế nhưng nhà thơ vẫn không thể dễ dàng xóa tan nỗi buồn, và trong những phút quá tuyệt vọng, đã bắt chước người xưa, mong “mượn rượu đè nỗi buồn” xuống, không cho nỗi buồn dâng tràn; nhưng liệu nỗi buồn có chịu lắng xuống không, khi mà niềm cô đơn quá lớn đang vây bủa?
     “Một mình ngồi uống rượu
      Mượn rượu đè nỗi buồn
     Buồn thương không chịu lắng
     Rượu vào sầu lại tuôn”
    (Uống Rượu Một Mình - trang 95)
        Thế rồi hết ví mình là “Chú Cuội”, nhà thơ lại ví mình là “Tảng Đá”. Tảng Đá không vô tri, vô giác chút nào, mà “Tảng - đá - anh” có thể đớn đau, chua xót, có thể lắng nghe chút hương thừa còn lại khi người yêu quý đã rời xa. Nhà thơ xin chịu thua thiệt, chịu bao khổ đau, buồn thương về mình, không hơn thua, toan tính. Tôi xin chia sẻ cùng nhà thơ nỗi đau này, có lẽ tôi cũng có hoàn cảnh giống tác giả và tôi đồng cảm với cuộc chia ly ấy.
     “Ta như tảng đá bên đường
  Cho em ngồi nghỉ dặm trường nắng trưa
     Em đi còn chút hương thừa
  Ta còn ở lại gió mưa mặc tình!”
    (Tảng Đá - Trang 97)
          Trong nỗi cô đơn đã tận cùng, nhà thơ muốn hét to lên cho cả đất trời cùng nghe, muốn cười thật lớn để thấu đến trời xanh. Nhưng dù anh có hét lớn, cười to đến đâu cũng chỉ đáp lại là tiếng dội vang vọng đau buồn mà thôi. Cô đơn vẫn cô đơn, trên kia ngàn sao vẫn mịt mù, lạnh lẽo; trời cao cũng chỉ não nùng:
     “Nửa đêm thức giấc lạnh lùng
  Cười khan một tiếng não nùng trời cao
     Mịt mù lạnh lẽo ngàn sao
  Địa cầu trống trải lao xao sóng gầm”
        Tác giá đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, bao nỗi bất hạnh, tủi nhục -  đã nếm trải bao chén đắng của cuộc đời, để rồi ngộ ra cuộc đời này là vô thường, có rồi không, không rồi có. Tôi có thể cảm nhận được điều này khi đọc bài thơ “Trăng”. Một cảm giác thư thái, an nhiên khi nghe tiếng chuông chùa vang vọng từ ngõ xa. Hình ảnh “Ánh trăng” tỏa sáng khắp sân nhà, như ánh sáng của sự giác ngộ vừa bắt gặp. Nhà thơ ngồi yên tắm trăng, tắm trong sự tĩnh lặng, trong ánh sáng chan hòa như nhiên, hạnh phúc. Trăng vàng từng gáo, từng gáo dội vào; và Nhà thơ đã ngập tràn hạnh phúc trong niềm an lạc vĩnh cửu:
     “Sân nhà rộng ánh trăng
      Ngõ xa tiếng chuông gọi
     Ta ngồi yên một mình
     Trăng vàng từng gáo dội”
    (Trăng - trang 72)
          Theo dòng thời gian tự mình “nhìn lại”, tác giả đã đạt tới niềm tỉnh giác cao độ, và xóa sạch dần những khổ đau, phiền muộn còn sót lại như đã quét những chiếc lá trong sân chùa. Quét từng cánh lá thật sạch như quét hết những đớn đau, nhọc nhằn trong cuộc đời; để “sạch trong, sạch ngoài” đón chờ một ngày mới an vui.
     “Một vòng chùa rộng mênh mông
    Một tay ta quét sạch trong sạch ngoài
     Lá rơi, từng cánh lá rơi
  Muộn phiền từng cánh nằm phơi nắng vàng”
     (Quét Chùa - trang 45)
         Về chùa - tìm đường về với Đạo, tìm thoát khỏi những khổ lụy gian truân. Dù vậy, niềm cô quạnh đôi khi vẫn dấy lên trong tâm hồn nhà thơ, khi nhìn bóng nắng in trên vách, với đôi mắt nhạy cảm của thi nhân. Và tôi tin rằng, sau giấc ngủ trưa ở chùa Phổ Hiền, nhà thơ sẽ không còn cô độc nữa, bởi sẽ tìm được sự an vui sau sự “tỉnh thức” ấy:
     “Trải chiếu bên hiên chùa
     Đặt lưng thềm đá lạnh
     Bóng nắng in vách xưa
     Soi rõ niềm cô quạnh”
   (Ngủ Trưa Ở Chùa Phổ Hiền - trang 11).
        Trong “Hạt Sương Đêm” ngoài nỗi cô độc, còn có những tia sáng lóe lên của niềm hy vọng - có lúc, là khát khao bừng lên, mạnh mẽ vươn về phía trước. Nhà thơ bắt đầu góp nhặt hết những hạt thương đau để kết thành một chuỗi trân châu đeo vào cổ như một ghi nhớ, để vươn lên niềm khát vọng, một đời sống an nhiên, tự tại:
     “Tỉnh bơ nhận lấy đau buồn
  Góp từng hạt nhớ, hạt thương, hạt sầu…
     Kết thành một chuỗi trân châu
  Đeo vào cổ để ngày sau nhớ đời”
    (Góp Nhặt - trang 19)
         Nhờ đạt được sự tỉnh giác sau bao thăng trầm, tác giả lại ung dung, coi nhẹ tử sinh; sống chết không có còn là sự buồn thảm, nhưng là để được sống - một đời sống mới an lành, tốt đẹp hơn.
     “Ngày nay sống biết ngày nay
  Ngày mai có chết cũng tày như không
     Ta bà dạo bước thong dong
  Có gì mà để nặng lòng tử sinh”
        (Chiều - trang 14)
          Nhà thơ tự nhủ khi đã trả hết duyên nghiệp, trả hết những món nợ oan khiên nhiều đời - sẽ được sống an nhiên, mà nhìn ngắm “gương mặt thật” của chính mình”:
     “Kiếp này trả hết nợ duyên
  Mai sau thư thả an nhiên giữa đời
     Bồ Đề tâm giữ nào vơi
  “Bản lai diện mục” một thời rõ soi”
     (Ý Nguyện - trang 40)
      Niềm hoan lạc đã làm cho nhà thơ reo vui - tiếng cười đã vang lên “suốt đêm thâu” vì nỗi mừng vui khi đã qua được chiếc cầu “Đoạn Trường”, qua được bến mê. Sự hân hoan của người “qua bờ kia” thật lớn lao, nhưng chỉ bảy tỏ trong bốn câu thơ thật gọn gàng, nhưng người đọc cũng chia sẻ được trọn vẹn niềm vui lớn ấy với tác giả:
     “Vui cười suốt cả đêm thâu
  Đoạn trường ta đã qua cầu từ đây
     Ngàn năm chỉ một phút giây
  Ngoái đầu bỗng gặp tâm này như nhiên”
     (Tự Giác - trang 25)
        Nhà thơ đã bao phen ngắm nhìn “Hạt Sương Đêm” tan vỡ, để hiểu thêm rằng cuộc đời này như một “Giấc chiêm bao”; nhưng trong “vô thường ấy có tình em dạt dào” để xoa dịu nỗi thương đau của kiếp người.  “Tình em” ở đây, theo tôi đó là tình yêu thương rộng lớn, không phải tình riêng cho một bóng hồng nào. “Tình em” ở đây là tình chung, thật sâu lắng, dạt dào trải rộng khắp bốn cõi nhân gian. Có được tình chung bao la ấy, sẽ không còn có cái tình hẹp hòi và ích kỷ.
     “Ta về nhặt hạt sương đêm
   Trong vô thường có tình em dạt dào
     Dẫu rằng đời: Giấc chiêm bao
  Nhìn sương tan vỡ - biết bao lệ sầu…”
          (Hạt Sương - Trang 43)
      Cuối cùng, Nhà thơ đã thênh thang dạo bước vì đã tìm được chân lý vĩnh hằng cho cuộc sống, đã hòa nhập vào ánh sáng nhiệm mầu của Đạo pháp - như một giọt nước đã hội nhập về đại dương mênh mông.
     “Thênh thang đi giữa ta bà
  Vui sao một kiếp không nhà từ đây
     Bốn phương tám hướng sum vầy
  Hợp tan như áng mây trôi thuở nào”
         (Đường Trần - trang 94)
          Đọc “Hạt Sương Đêm” - tâm tình của một đời người, tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác, sâu lắng; nhưng rồi tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm như chính mình cũng ngộ ra cuộc đời vô thường hư huyễn này, không có gì để mang nặng ưu phiền.
    Qua những bài thơ ngắn, gọn, súc tích; tác giả đã tâm sự, giải bày cùng bạn đọc một triết lý sống sâu xa, vi diệu của Đạo Phật qua thực chứng đời sống bất hạnh của chính mình. Thật đáng trân trọng!
                                                             11/2017
                                                            TIỂU NGUYỆT.
 
 
 
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập