BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới

Truyện dài:
MỘT NGÀY DÀI MỘT ĐỜI NGƯỜI
Nhà văn: Tiểu Nguyệt




LỜI BẠT:
ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ TRUYỆN DÀI
“MỘT NGÀY DÀI MỘT ĐỜI NGƯỜI”
Của Nhà Văn Tiểu Nguyệt.
Bài Viết:
MANG VIÊN LONG


Cho đến thời điểm hôm nay - cuối năm 2019, tôi mới được đọc một Tác phẩm văn học, ghi lại hậu quả cuộc di tản lịch sử đầy nước mắt, và máu trên con lộ huyết mạch liên tỉnh số Bày, nối liền các tỉnh cao nguyên với đồng bằng, duyên hải miền Trung. Có thể nghĩ, truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” là cuốn phim cuối cùng của gần 21 năm chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, mà những vết thương hằn sâu về sự mất mát, chia ly, phân biệt, sẽ kéo dài suốt một đời người, có khi cả một thế hệ.
Nhớ lại bối cảnh lịch sử tháng Ba năm 1975: “…Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, ngày 14 tháng 3 năm 1975, trong cuộc họp khẩn cấp của các tướng lãnh cao cấp và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh đã đưa đến quyết định triệt thoái tất cả chủ lực quân của Quân Đoàn II và tất cả chiến xa, pháo binh cũng như máy bay ra khỏi Pleiku và Kontum. Lệnh triệt thoái được giữ kín trong vòng bí mật giữa những cấp chỉ huy Quân Đoàn, để tránh sự hoang mang cho tầng lớp hành chánh cũng như dân chúng địa phương. Phần còn lại của các lực lượng Địa Phương Quân và các cơ sở hành chánh vẫn tiếp tục làm việc với cấp tỉnh trưởng cũng như các cấp quận trưởng, như không có gì thay đổi (!).
Con đường cho cuộc triệt thoái lịch sử này đã được chọn là con đường hoang phế Liên Tỉnh Lộ 7B.
Từ Pleiku theo con Quốc Lộ 14 về hướng Ban Mê Thuột khoảng bốn mươi cây số sẽ gặp đầu mối đường Liên Tỉnh Lộ 7B. Ngã ba đường này thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ đây, con lộ 7B dài hơn hai trăm cây số xuyên qua vùng rừng núi hiểm trở, đi ngang qua thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) và huyện Phú Túc trước khi đến Tuy Hòa.(1)”; mấy ngày gần cuối tháng Ba, trên con đường số Bảy hoang phế, gồ ghề, hiểm trở sau nhiều chục năm không hề được tu sửa, hàng vạn con người già trẻ và các phương tiện xe cộ, đã chen nhau suốt ngày đêm để mong sớm về thị xã Tuy Hòa, giữa những làn bom đạn và sự đói khát, mệt mỏi rã rời. Trong đoàn người hỗn loạn, tháo chạy tìm sự an lành cho cuộc sống nầy, có bà Kim Trâm dẫn theo hai đứa con - bé Toàn hơn một tuổi, và bé Uyên vừa lên sáu, từ Pleiku, tìm về quê nhà Phú Hiệp, huyện Tuy Hòa.
Cuộc dìu dắt hai con - là tài sản quý giá nhất của bà, đã trải qua bao gian nguy, sống chết trong gang tấc, rủi may chỉ vài phút, trên con đường đã thấm máu, và rải rác đây đó xác người nằm lại! Cuối cùng, Bà Kim Trâm đã tìm về đến quê nhà Phú Hiệp nhờ một duyên may, nhưng đã bỏ lạc mất bé Uyên giữa rừng.
Về với cuộc sống ở quê, những ngày đầu gian khó, bên hai người mẹ già, những người thân, cũng bấp bênh lận đận; bà Trâm đã vắng chồng - anh Tư, còn đang trôi nổi, hay bị gom học tập ở đâu đó, và nhất là bé Uyên không hề biết tin tức. Người đàn bà can đãm nầy, đã phải tự mình vượt qua mọi gian nguy, để đi thăm chồng (khi đã có tin tức); rồi nhiều lần mò lên con lộ số Bảy ngày nào, ghé lại những nơi đã cùng con bên cạnh, để dò tìm! Nỗi khổ thân xác của những tháng năm vào hợp tác xã nông nghiệp khi chưa biết việc đồng áng, số lúa công điểm hằng tháng không đủ hai bữa cơm cho gia đình; không bằng nỗi đau chia ly tình nghĩa vợ chồng, và nỗi buồn quặn thắt khi mất đi một khúc ruột yêu quý.
Mãi bị cuốn trôi theo dòng đời oan nghiêt, đổi thay, đến chuyện cơm áo thời bao cấp, nhưng bà Trâm không ngớt nhớ thương chồng và tìm con. Hai niềm vui lớn của đời sống, với bà Trâm đẫ không còn lại gì. Bà khắc khoải từng ngày mong chờ chồng về sum họp, và hy vọng tìm thấy bé Uyên còn sống vất vưỡng ở đâu đó, quanh những ngôi làng hiu quạnh ven đường.
Sau bốn năm, anh Tư đã được phóng thích, trở về với gia đình, nhưng bóng dáng bé Uyên vẫn còn mù mịt. Người ta đã tu sửa mới lại con lộ kinh hoàng, xây dựng lại nhà cửa; nhưng làm sao xoa dịu, bù đắp, hàn gắn lành lặn lại những mất mát, những vết thương tâm trong lòng hằng vạn con người, trong đó có bà Trâm? Vết thương chiến tranh để lại bao hậu quả nghiêm trọng sâu rộng, nghiệt ngã, thương đau, hơn người ta làm lại con đường, những chiếc cầu, những ngôi biệt thự, phố chợ.
Người ta hãnh diện đã “hàn gắn” vết thương chiến tranh dễ dàng, nhanh chóng, đàng hoàng hơn; nhưng những nỗi đau thầm lặng, sâu kín dài dặt tận đáy lòng, suốt cuộc đời mỗi người, thì dường như đã bị quên lãng? Từ “Một Ngày Đầu Tháng Ba” (chương I) đã kéo dài một đời của người đàn bà đau khổ!
Mười chương của truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” đã ghi lại một cách sâu sắc, đầy dủ, từng chặng đời gian truân của người đàn bà giàu lòng nhân ái, như một phát thảo đau buồn của kiếp nhân sinh, của con người, sau cuộc chiến tàn khốc. Đó là bức thông điệp khẩn thiết về Tinh Thương Yêu, Niềm Tin và lòng Can Đãm trước bao nỗi thăng trầm của đời sống! Trong từng chương truyện, người đọc sẽ tìm thấy triết lý sống của đạo Phật được chuyển hóa, vận dụng một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, linh hoạt; là những giọt sương tưới mát cho bao cảnh đời khô héo.
Sau cùng, cuộc hội ngộ mầu nhiệm, hạnh phúc của bà Trâm và bé Uyên sau bao biến chuyển đau lòng, như một “cái quả” phải đến, dành cho những ai có tâm thành, biết trân quý nghĩa tình, sống cho Tình Yêu Thương trên đời nầy vậy!

(1) Ngày Tàn Cuộc Chiến (ký sự của Vĩnh Hiếu)

Quê nhà, tháng 12, Năm 2019

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập