VÕ CHÂN CỬU

Trân trọng giới thiệu
Tác phẩm mới

MƯA KÝ ỨC
(Thơ)
Tác giả: Phùng Quang Thuận


Nhà xuất bản: Hội nhà văn


Ảnh tác giả


Bìa trước


Bìa sau

 

Lời bạt:

Ký ức thơ Phùng Quang Thuận
Nhà văn: Võ Chân Cửu


Nhận được bản thảo tập thơ Mưa Ký Ức, tôi xin phép tác giả đưa thử một số người quen đọc thử. Đó là những anh chị rất yêu thơ. Thi thoảng khi cao hứng, họ cũng  đưa thơ mới thử làm lên facebook, kết bạn với  tác giả Phùng Quang Thuận trên “thế giới ảo” .
 
Phùng Quang Thuận làm thơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, nay mới có cơ duyên  in  “tác phẩm đầu tay”.Nên khi tôi nhờ “thẩm định”, các bạn “facebooker” của anh Thuận đều không e dè hồi đáp .
 
           -  Có hay không?
           - Hay lắm chứ!
           - Anh (chị) có thích tập “Mưa Ký Ứcc” này không?
           - Thích nhiều bài. Trên FB, đôi khi ông Thuận cũng có post những bài mang chủ đề “ký ức tình yêu”. Nhưng nếu đọc rời rạc, không thích bằng xem  cả tập
 
Khi được hỏi kỹ hơn rằng: “Vì sao cho là hay?”, đa phần đều trả lời:- “Thật khó nói!”. Nhưng với câu “Tại sao lại  thích?”, thì được nhiều bạn nữ   cho rằng; “Vì giọng thơ rất chân thật!
 
“Văn tức là người”! Nhưng nếu chỉ chân thật suông thì cả bài thơ chưa chắc là đã “hay!”. Chuyện văn chương, có lẽ phải đi sâu vào “tâm sự” của tác giả, thì mới có thể giải thích tường tận! Mà tâm sự  tác giả, dễ tìm ra nhất là ở trong những câu thơ!
 
Khi cho ra đời “Mưa Ký Ức”, Phùng Quang Thuận đã không còn trẻ nữa:
 
Em mừng anh còn khỏe 
Anh vui em chưa già 
Gia đình em hạnh phúc 
Vậy thôi rồi chia tay
Lau mục kỉnh mờ đục 
Nhìn nhau nhẹ thở dài
Hơi thở còn hương núi 
Mắt gợn sóng sông dài 
Vậy thôi rồi quay đi 
Chia tay lòng không hận
Em về đi anh đi… 
Chia tay lòng không hẹn 
Anh về đi. 
Em đi…
                      (Tình già)

 
Mưa Ký Ức là một tập thơ tình. Nó độc đáo ở chỗ những người từng một thời yêu nhau, nay gặp lại đã cố nén chặt trái tim bốc lửa một thời.
“Hơi thở còn hương núi/ Mắt gợn sóng sông dài”, tác giả chỉ diễn tả chừng ấy, khi cả hai mái đầu muối tiêu cùng “lau mục kỉnh mờ đục” để nhìn nhau. Rồi…chia tay mà lòng đều không “hận” và không “hẹn”!
Chúng ta đã từng đọc và yêu thích nhiều bài thơ tình viết về thời tuổi trẻ, nhưng có lẽ chỉ có Phùng Quang Thuận là người diễn đạt được tâm trạng của đôi tình nhân về già tình cờ gặp lại nhau, và cả hai đều cố “kềm giữ”!
Nhờ vậy nên thơ anh “chân thật” và “hay”.
 
Tình yêu
Còn một mùa trái 
Cuối cùng 
Những trái đèo xấu xí 
Hạt tiêu 
Những trái nhỏ ngọt ngào 
Và đạt chất
Anh tặng em 
Người yểu điệu 
Những trái cuối cùng 
Thơm ngọt biết bao nhiêu….
                                   (Mùa cuối)

 
Nhà thơ, đa phần là những khách đa tình. Ở cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, có lẽ Phùng Quang Thuận cũng có lúc phải “phá rào”. Nhưng anh biết phận, nên đã tặng người yêu một “mùa trái” cuối cùng mà anh cho là “những trái đèo xấu xí”, nhưng “thơm ngọt biết bao nhiêu”. Với những vần thơ nhẹ nhàng ở tuổi già, có lẽ anh sẽ gặp được nhiều đồng cảm.
 Cái hay trong thơ anh cũng rất kín đáo. Trước hết là từ những chữ rất  Nam bộ. Nó chơn chất, quê mùa mà không thô thiển! Như: nhưng trái “đèo” ở bài thơ trên; những con nước “rong” trong bài “Em về trường cũ”:
 
Em về thăm lại ngôi trường nhỏ
Bên dòng Tàu Hũ nước rong cao 
Có nhớ một mùa hoa phượng đỏ 
Gió tình lùa vạt áo xôn xao

 
Cái ngôn ngữ dung dị ấy cũng ghi dấu ấn khá đậm khi anh diễn tả cả mưa Sài gòn. Cái nhìn của một chàng trai tỉnh lẻ lên đô thành đi học:
 
Mùa mưa đã về rồi đó em 
Nhớ con chim sẻ cánh ướt mèm 
Bơi theo chiếc lá vào miệng cống 
Anh dầm mưa vớt dành tặng em


Chân thật từ ngôn ngữ chất chứa ở cõi lòng, nên thơ dễ  truyền cảm. Tác giả Phùng Quang Thuận làm thơ đã từ lâu và cảm thụ thơ nhiều, nhưng trong cuộc sống thường nhật, anh lại đến với thơ rất lặng lẽ. Không băn khoăn về tên tuổi trong chốn làng văn! Không so bì về “chiếu trên, chiếu dưới”. Đó là điều quý nhất của một người vốn mang nhiều ký ức thơ.
 
Mời bạn cùng gặp điều quý giá ấy trong Mưa Ký Ức!
                                                   Võ Chân Cửu
                                                     Tháng 11-2017
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập