BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới
NGƯỜI TRÊN THÁNH GIÁ
Tác giả: Nguyễn Đông A


LỜI TỰA:

Thế là tôi đã viết xong cuốn sách về đề tài Công giáo, nói đúng hơn là phần lõi của một cuốn sách mà tôi đặt tên là “Người trên thánh giá”, viết dưới dạng “tùy bút khảo cứu”. Vào những năm 1980, tôi bắt đầu tìm hiểu về Công giáo ở Việt Nam. Lúc ấy tôi tiếp xúc các vị linh mục Công giáo, tôi đã đặt những câu hỏi với các ngài, ban đầu chỉ thiên về hình thức, như về màu sắc phẩm phục của các ngài mặc mà tôi thấy thay đổi trong các thánh lễ, rồi các “bí tích”… Sau này tôi tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn. Viết về vấn đề gì tôi cũng cần có hiểu biết, trải nghiệm và có thời gian nghiền ngẫm, nên mãi đến nay tôi mới viết về đề tài này. Tôi đã viết khoảng hai tháng vào những ngày nghỉ cuối tuần và post trên facebook với những bài khá dài. Mảng viết gồm hai nhóm bài. Nhóm viết về những vấn đề gần gũi, điều tôi biết, từng trải nghiệm, nhiều người biết, chỉ mở rộng sâu thêm một vài điều trong mỗi bài. Song song là nhóm viết gồm số ít bài chung, mang tính khái quát và chuyên sâu về Công giáo, một tôn giáo lớn với khoảng 1,2 tỷ kitô hữu trên thế giới.  Mảng viết gồm 18 bài được xếp theo thứ tự trước sau là: Khái quát về Kitô giáo, Các cuộc ly khai Công giáo, Trung tâm hành hương La Vang, Nhà thờ ở Đà Lạt, Công giáo ở Sài Gòn, Công giáo ở miền Tây, Công giáo ở miền Đông, Công giáo ở Tây Nguyên, Công giáo ở miền Trung Nam phần, Công giáo ở Huế, Công giáo ở Đà Nẵng, Công giáo ở Bắc Trung bộ, công giáo ở Phát Diệm - Bùi Chu, Công giáo ở Hải Phòng & Thái Bình, Công giáo ở vùng cao miền Bắc, Công giáo ở Hà Nội & Bắc Ninh, Chính sách cấm đạo của Nhà Nguyễn và Các thánh tử đạo Việt Nam. 

Mỗi bài viết như là một thực thể độc lập viết về Công giáo ở một hoặc vài địa phương, khởi đầu có thể từ một nhà thờ, nhà nguyện, đền thánh, nơi hành hương mà phần lớn kiến trúc bên ngoài mang nét châu Âu, một số bên trong trang trí theo phong cách Việt, Á Đông, thể hiện rất rõ nét ở các nhà thờ miền Bắc, như là một nét văn hóa thông qua kiến trúc, hình thức tồn tại cụ thể của vật thể. Như tôi từng nói, xét cho cùng từ văn hóa vật thể trong đó có thể có văn hóa phi vật thể và tôn giáo. Hoặc khởi đầu có thể từ một giáo họ, một giáo xứ, dần dần khái quát đến một giáo phận hoặc vùng có liên quan. Có thể là xây dựng đôi nét về lịch sử từ lúc hình thành cho đến hiện tại. Trong mỗi bài viết có một vài mảng tri thức chuyên sâu về Công giáo, có khi nói về dòng tu giáo hoàng hoặc trong nước, về hội truyền giáo, hoặc nội dung thuộc về kinh điển hay giáo luật, có thể những nội dung này, ngay cả người có đạo không phải ai cũng biết rõ tường tận.  Để mảng viết này được phong phú, tôi trình bày ở nhiều góc cạnh vấn đề của Công giáo, trong một số bài viết có liên quan tôi cũng trình bày về một ít nhân vật lịch sử, dĩ nhiên tôi cũng có vài thiển ý riêng về họ. Nếu chỉ xét về phương diện tôn giáo thì như thừa sai Alexandre de Rhodes, tôi cho rằng ông là người đã tác động đến Tòa Thánh chọn nhân tố bản địa để phát triển truyền giáo ở các quốc gia, từ điều này dẫn đến sự hình thành hàng giáo phẩm Việt Nam về sau này. Hoặc giám mục Etienne Cuénot Thể là người kiên trì không ngừng phát triển Công giáo lên cao nguyên và là người chuẩn bị và đề nghị phân chia nhỏ địa phận để phù hợp với điều kiện thực tế mà phát triển. Hoặc cụ sáu Trần Lục là người kết hợp tây - đông, thể hiện qua kiến trúc xây dựng cơ sở tôn giáo, qua đó cũng thể hiện sự kết hợp suy nghiệm thần học với triết lý bản địa, dung hợp yếu tố văn hóa từ bên ngoài vào nội địa. Hoặc Nguyễn Trường Tộ với tấm lòng yêu nước qua nội dung các bản điều trần, xét trong bối cảnh cải cách được và mất của các nước xung quanh cùng thời điểm. Hoặc Lê Hữu Từ với các sự kiện chính trị và cuộc di dân 1954 làm thay đổi cục diện Công giáo hai miền. Hoặc Hàn Mặc Tử, một tài năng văn chương và số phận, cùng mục vụ, sứ mệnh phục vụ xã hội, con người bất hạnh của hội dòng Công giáo. Hoặc Trương Vĩnh Ký, Trương Bửu Diệp… Tất cả làm nên sự đa dạng của Công giáo ở Việt Nam.

 Nhưng những bài viết khi nối kết với nhau trong một cuốn sách thì thành một chỉnh thể thống nhất, các bài viết được liên kết chặt chẽ với nhau. Về học thuật, các bài viết được sắp xếp, trình bày theo kiểu quy nạp - diễn dịch - quy nạp. Bốn bài viết mang tính chất chung, khái quát được sắp xếp ở đầu và cuối sách. Hai bài đầu nội dung thế giới. Hai bài cuối nội dung Việt Nam. 14 bài còn lại nội dung địa phương được sắp xếp từ trong Nam, ra Trung, rồi Bắc. Bao gồm nói về 27 giáo phận, tổng giáo phận hiện có ở Việt Nam. Có giáo phận thì trình bày tỉ mỉ, chi tiết, như cũng có giáo phận chỉ nêu một số nét chính. Về giáo xứ, hiện có khoảng 2000, nên tôi chỉ có thể viết một ít, những giáo xứ mà tôi từng biết, tìm hiểu.  Sách không có điều mới mẻ, không phải là tri thức sáng tạo, sáng tác nghệ thuật. “Da thịt” sách là từ “trí khôn nhân loại”, “xương cốt, hồn phách” là của tôi. Bởi tri thức khoa học phát triển vốn là từ tiếp nhận và kế thừa ở những người đi trước. Tôi chỉ là người tìm hiểu, tập hợp khái quát và có cái nhìn riêng về các vấn đề.

  Sách tôi ghi là dạng “tùy bút khảo cứu” nên chủ yếu là ghi chép, miêu tả, tự luận, ghi những điều được trải nghiệm, được biết hoặc nghe hay đọc từ đâu đó. Đây không phải là công trình khoa học, nên không viết theo lối nghiên cứu hàn lâm. Để tránh khô khan, cứng ngắc, những tri thức phổ biến, nhiều người biết thì tôi diễn đạt bằng ngôn từ của mình, chỉ những trích dẫn, lời từ người khác thì ghi trong ngoặc kép, trích dẫn nào cần thiết ghi nguồn gốc, thì tôi ghi ngay trong ngoặc đơn liền sau đó, không ghi thêm ở phần chú thích cuối sách như những nhà nghiên cứu thường làm. Trong sách có chèn hình ảnh không hẳn là minh họa từng bài viết, nhiều lắm chỉ mang tính chất gợi ý chung cho cuốn sách, mà như là hình thức trang trí để cuốn sách được đẹp, mỹ thuật hơn. Tất cả hình ảnh trong và ngoài bìa sách đều do tôi – Nguyễn Đông A chụp. Dĩ nhiên bài viết trong cuốn sách so với bài viết đăng trên mạng xã hội, tôi có tu chỉnh về từ ngữ, văn phong, ý tứ, bổ sung một ít nội dung hoặc lược bớt những chi tiết trùng lặp ở các bài viết để cuốn sách được gãy gọn, khúc triết, phóng khoáng hơn, thu hút và hay hơn với hy vọng sẽ được nhiều người đón nhận. Nói chung tôi muốn một cuốn sách không quá dày, dưới 400 trang, là một cuốn tùy bút, nhưng như là một cuốn sách lịch sử phổ thông nhỏ về Công giáo, không có quá nhiều trích dẫn rối rắm, dễ đọc, viết về nhiều khía cạnh, nhưng trong đó có một số “tri thức chiều sâu”, có đủ những vấn đề mấu chốt về Công giáo Việt Nam, dành cho những ai muốn nghiên cứu, biết rõ ràng về tôn giáo này.
Nguyễn Đông A


  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập