BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới  

Ngâm Thơ Và Nghe Ngâm Thơ Việt Nam
Tác giả: Nhạc Sĩ Thạch Cầm

Nhà xuất bản: VĂN HÓA - VĂN NGHỆ
Sài Gòn




Hình bìa sách (trước)



Hình bìa sách (sau)
 
 LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ THƠ HỒ THI CA
 
Cuốn sách “Ngâm thơ và nghe ngâm thơ Việt Nam”, một kho tư liệu hiếm.
 
Nhạc sĩ Thạch Cầm đưa tôi tập bản thảo mà anh dày công viết về kỹ thuật ngâm thơ, lồng vào đó là lịch sử thăng trầm của nghệ thuật ngâm thơ trên vùng đất phương Nam. Chúng tôi có duyên may làm việc cùng nhau ở mảng trình diễn thơ trên 20 năm, từ năm 1981 tôi phụ trách chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, còn Thạch Cầm là “đệ tử ruột” của danh cầm đàn tranh Bửu Lộc và khi được chính cụ Bửu Lộc giới thiệu, tôi đã mời anh “cầm chịch” cho dàn nhạc đệm ngâm thơ của Tiếng Thơ.
 
Thạch Cầm - ít ai biết anh là cháu của nhạc sĩ “Đêm đông” Nguyễn Văn Thương - là người đa năng không chỉ là nghệ sĩ đàn tranh tài hoa, anh còn sáng tác ca khúc và từng phát hành album riêng, viết biên khảo, làm thơ… Tôi từng nhờ anh phụ trách một mục rất lạ lùng trong chương trình Tiếng Thơ là “Hướng dẫn ngâm thơ trên sóng phát thanh”, anh vừa biên soạn giáo án (giáo án dạy ngâm thơ, một thể loại giáo án kỳ lạ nhất, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam) vừa trực tiếp trình bày trên sóng với sự minh họa của các giọng ngâm, đọc thơ tài danh lúc đó như Trần Thị Tuyết, Hồng Vân, Mai Hiên, Huyền Trân, Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Kim Lệ, Thúy Vinh… Sau cả năm ròng rã thực hiện tiết mục lạ đời đó, bất ngờ lớn nhất đối với chúng tôi là sự ủng hộ nồng nhiệt của thính giả khắp nơi thể hiện qua yêu cầu phát lại toàn bộ giáo án dạy ngâm thơ, thậm chí không ít khán giả đề nghị in sang các bài hướng dẫn ra băng cassette (lúc đó chưa có dĩa CD) để họ mua về cho tiện tập luyện.
 
Thành công bất ngờ của tiết mục “Hướng dẫn ngâm thơ trên sóng phát thanh” đã khiến tôi nghĩ tới việc tổ chức một cuộc thi ngâm và đọc thơ. Được tổ chức vào mùa xuân năm 1995, cuộc thi ngâm và đọc thơ của Đài TNND TPHCM trở thành cuộc tập hợp “vô tiền khoáng hậu” những người yêu ngâm thơ khi có đến gần 1.000 thí sinh cả nước đăng ký dự thi. Con số “không tưởng” này không phản ánh sự giỏi giang của ban tổ chức mà đúng ra nó đánh động lên hồi chuông nhắc nhỡ chúng ta rằng: ngâm thơ là một thể loại âm nhạc dân gian trường tồn cùng lịch sử dân tộc và phát triển vừa đa dạng theo bề rộng toàn quốc vừa có tính địa phương hóa.
 
Nói không quá lời, chúng tôi đã gửi gấm trọn 20 năm tuổi xuân đẹp nhất của đời người cho bộ môn ngâm thơ, một bộ môn nghệ thuật đang mai một, cố gắng đóng góp tâm lực của mình cùng anh chị em nghệ sĩ ngâm thơ làm nên một thời kỳ “hoàng kim” của nghệ thuật trình diễn ngâm, đọc thơ tại Sài Gòn khoảng từ năm 1981 đến năm 2000. Thời “hoàng kim” này, khắp các nhà văn hoá, các đài phát thanh, truyền hình – thậm chí lan sang các đài truyền hình tỉnh như Bình Dương – đều thường xuyên tổ chức thi ngâm thơ, liên tục làm các đêm thơ… Nghệ sĩ ngâm thơ giai đoạn này có đêm phải chạy sô vài ba nơi diễn là bình thường!
 
Cuốn sách “ Ngâm thơ và nghe ngâm thơ Việt Nam” của nhạc sĩ Thạch Cầm lại gợi trong tôi nỗi ưu tư về bộ môn trình diễn thơ. Những nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật rất độc đáo này nay đang đi về đâu? Vì sao họ, những người chuyển tải thơ thành giai điệu để thơ dễ dàng đến với công chúng, vẫn chưa có hội đoàn nghề nghiệp nào (Hội Âm nhạc, Hội Nhà văn…) tập hợp, dung nhận? Điều cuối cùng tôi muốn nêu lên đây, nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam đã có hàng trăm năm, là độc nhất vô nhị trên thế giới và đặc biệt là nó vẫn đang hiện diện dai dẳng và rộng khắp trong đời sống văn hóa của công chúng – vậy thì nên chăng Nhà nước đề nghị Unesco công nhận ngâm thơ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Nếu được như vậy thì cuốn sách này có thể là một trong những tư liệu hiếm hoi và quý giá cho bộ hồ sơ gởi đến Unesco.
 
Nhà thơ HỒ THI CA
Tháng 1/2015
 
LỜI MỞ ĐẦU

Vào khoảng chín mười tuổi, ngay lần đầu khi được nghe mẹ tôi “hát” một cách rời rạc những câu mà tôi nhớ mãi về sau: “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt. Khói cam tuyền mờ mịt thức mây…” Tôi đã hỏi bà: “Me hát gì lạ thế, nghe nó buồn buồn”! Thế gọi là ngâm thơ đấy con. Ngâm thơ cứ là buồn buồn”. Câu trả lời của bà vẫn trở đi, trở lại với tôi trong suốt cuộc rong chơi với thơ, với ngâm thơ của tôi bắt đầu từ 1978 đến bây giờ.
Với đàn tranh, đàn bầu… tôi đã được đệm đàn và trao đổi về nghệ thuật, học thuật bộ môn ngâm thơ với hầu hết những nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp thành danh từ cuối thập niên 1950 như Trần Thị Tuyết, Hồ Điệp từ Hà Nội vào Sài Gòn – tp. HCM định cư; những nghệ sĩ miền nam nổi tiếng từ 1955 trở đi như Tô Kiều Ngân, Hồng Vân, Huyền Trân, Mai Hiên, Đoàn Yên Linh…; sau 1975 như Thúy Vinh, Bích Ngọc, Ngô Đình Long…; sau 2000 như Đài Trang, Hoàng Đức Tâm… Gặp gỡ những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam, được tiếp xúc nhiều nhà thơ… Nhưng tôi vẫn lay hoay giữa những giải thích thuần ngữ, những phân tích lý luận âm nhạc rất khoa học để tìm câu trả lời cho những thắc mắc như là: Chữ “ngâm” trong cụm từ ngâm thơ từ đâu ra, có ý nghĩa gì? Và tại sao giữa những tác phẩm thơ và người ngâm thơ luôn có một sự thể hiện với những sáng tạo vô cùng uyển chuyển, không bao giờ trùng lắp?
Năm 1985, nhà Văn Hóa quận Phú Nhuận tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thi ngâm thơ quần chúng lần thứ nhất với khoảng 100 thí sinh tham dự; năm 1995 đài Tiếng Nói Nhân Dân tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thi Tiếng Thơ Xuân 95 với gần 1000 thí sinh gồm nhiều thành phần tuổi tác, nghề nghiệp… đến từ nhiều tỉnh thành; sau đó nữa là những hội thi ngâm thơ hàng năm do Nhà Văn Hóa Q. 3 tp. Hồ Chí Minh tổ chức. Tôi đã đệm đàn tranh cho tất cả thí sinh trong những cuộc thi này. Với nhiều vòng loại kéo dài qua nhiều ngày, nhiều tuần tôi đã được lắng nghe từng ấy con người – không phải là nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp – ngâm lên những bài thơ mà họ yêu thích. Tôi muốn kể một chuyện rằng đã có hàng trăm thí sinh đều chọn bài thơ Quê Hương của Giang Nam để ứng thí. Họ đã lần lượt xếp hàng, bước lên sân khấu, cất giọng ngâm bài thơ với tất cả sự tự tin, không bận tâm gì đến người trước mình cũng vừa trình bày xong bài thơ ấy đã diễn tả như thế nào. Thực sự, tôi đã nhiều lần rợn “da gà” khi vừa lắng nghe họ, vừa chuyển đổi giai điệu, tiết tấu của mình sao cho hòa điệu theo những cung bậc diễn tả bài thơ hoàn toàn khác nhau của mỗi thí sinh ở ngay câu mở đầu ”Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường….” của một tác phẩm vô cùng quen thuộc chỉ với nội dung ấy, chừng ấy số câu, chừng ấy hình tượng văn học. Nhưng điều gì ở trong bài thơ đã như ngọn lửa rèn nung nấu những chất chứa trong tâm hồn của mỗi người, làm mềm đi, tuôn chảy ra thành những cung bậc, những giai điệu gọi là ngâm thơ?
Và cách đây chỉ vài năm, trong lần ghé một hàng sách cũ, tôi vô tình lật vài trang trong cuốn Thái Đồ Điển Cố Từ Điển của Lưu Lục Sinh do Thượng Hải Từ Thư Trung Hoa xuất bản năm 1996 (lần 8), được Nguyễn Văn Thiệu và Đào Duy Đạt biên dịch thành Từ Điển Điển Cố Trung Hoa (Nxb. VHTT – Hà Nội 2002) để đã đọc được điển tích “Việt ngâm”. Tôi như đứa trẻ xa xưa, sau một ngày dài ngóng mẹ đi chợ về, hớn hở nhận tấm bánh đa cùi dừa từ tay mẹ trao cho làm quà.
Bây giờ đã ngoài lục tuần, quỹ thời gian còn lại coi như sống có lời, tôi xin san sẻ niềm vui này đến bạn đọc nào quan tâm về bộ môn ngâm thơ Việt Nam. Chắc chắn tư liệu ít ỏi này còn nhiều thiếu sót. Rất mong được độc giả, học giả chuyên môn góp ý, bổ sung.
Thạch Cầm
Sài Gòn – tp. Hồ Chí Minh
Giáp Ngọ 2014
 
III. MỤC LỤC
NGÂM THƠ VÀ NGHE NGÂM THƠ VIỆT NAM
A.  NGÂM THƠ.
I.   Xuất xứ từ “NGÂM’ và những cụm từ  “NGÂM NGA, NGÂM VỊNH, NGÂM THƠ”  
II. Tương quan và sự thành hình giữa “ngâm/ rên rỉ, than thở” và “ngâm nga, ngâm vịnh, ngâm thơ”.
III. Ngâm thơ Việt Nam có từ bao giờ; có vị trí như thế nào trong âm nhạc truyền thống và hiện đại.
IV. Sự quảng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ ở miền bắc VN từ 1945
V. Sự quảng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ từ 1954 - 1975 ở miền nam. Tại sao ngâm thơ ở miền nam còn gọi là “ngâm tao đàn”? Nghệ sĩ điển hình.
VI. Sự quảng bá, vị trí xã hội của bộ môn ngâm thơ từ sau năm 1975 ở miền Nam; nghệ sĩ điển hình.
 
B.   NGHE NGÂM THƠ
I.     Làn điệu là gì?
II.    Các làn điệu căn bản xử dụng trong ngâm thơ.
III.   Những nguyên tắc căn bản xử dụng làn điệu.
IV.  Xử dụng chất giọng, kỹ thuật trong diễn ngâm.
V.    Truyền bá học thuật.
VI.   Kỹ thuật sân khấu và hổ trợ kỹ thuật điện tử.
VII. Lược dẫn sự phối hợp ngâm thơ với những loại hình nghệ thuật khác.
VIII. Nhạc đệm trong ngâm thơ.
 
C.   VÀ ĐỌC THƠ
    
       THAY LỜI KẾT
       MỘT SỐ HÌNH ẢNH TƯ LIỆU 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập