BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu 
Tác Phẩm Mới


THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ
      (Tạp bút & Truyện ngắn)


Tác Giả: Tiểu Nguyệt
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn







 
   
 Bài viết về Tác giả & Tác phẩm:

 Nỗi Khắc Khoải  Và Niềm Hạnh Phúc
NGUYÊN CẨN

     Henry Miller thường lập lại nhiều lần “Sứ mệnh con người trên mặt đất này là NHỚ “The mission of man on earth is to remember”. Và thế là con người luôn có một vùng đất, với những thân thương, những kỷ niệm để cưu mang trong ký ức, lúc mơ hồ lãng đãng, lúc nồng nàn  da diết, để thương để nhớ để dằn vặt trăn trở, để hiểu rằng mình luôn có một chốn quay về. Với Tiều Nguyệt (TN) vùng đất đó là Phú Yên với một đoạn đời đủ dài để chất  chứa bao nhiêu nỗi khắc khoải  và ngần ấy niềm hạnh phúc ... Hãy nghe TN nói về một cơn mưa trên vùng đất ấy ...
“ Các con thân yêu!
     Cơn mưa chiều mùa hạ bất ngờ đã làm mẹ nhớ đến các con vô hạn, mưa ào ào, mưa xối xả cũng như trong lòng mẹ kỷ niệm xưa ào ào cuộn về. Những kỷ niệm thân ái làm sao, dễ thương làm sao. Các con của mẹ đứa nào cũng ốm nhom, ốm nhách từ khi mới sinh ra cho đến lớn; nhưng bù lại đứa nào cũng nhanh nhẹn, trán cao sáng sủa. Ngày ấy vui ghê các con nhỉ!  (Cơn mưa chiều)
     Tiểu Nguyệt viết tùy bút như ... tùy bút (nói theo định nghĩa của  cụ Nguyễn Tuân), ý tưởng đến đâu, ngòi viết đến đấy, nhẹ nhàng, giản dị, có phần mộc mạc nhưng lại sâu lắng, đằm thắm, chạm đến những rung động vi tế nhất của lòng người. Cứ như thế tám (8) tùy bút được bày ra, dàn trải mọi cung bậc tình cảm. Từ cơn mưa chiều  như đoạn trích ở trên cho đến những  cơn bão  kinh hoàng trên đèo Cả “Một cơn gió mạnh rít lên, thốc qua, căn nhà vừa xây của tôi rung lên, nhún nhẩy, rồi đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn. Tôi hoảng hốt nhoài người ra khỏi nơi trú bão chạy qua ngôi nhà của tôi vừa đổ, nhưng gió thổi nhấc bổng tôi lên cao và thảy tôi xuống cách chỗ trú hơn mười mét. Anh nhoài người theo, nắm tay tôi nhưng vuột khỏi, anh cũng bị gió tung lên rơi phía dưới tôi một đoạn. Hai chúng tôi bò lần về lại nơi căn nhà bỏ hoang, đôi chân tôi rướm máu, rát vô cùng. Đôi bàn tay đỏ lòm vì bám chặt dưới mặt đường. Tôi khóc rấm rứt, anh an ủi tôi “Bình tĩnh đi em, cố lên, còn người là còn tất cả”. (Thương lắm quê nhà). Khắc nghiệt là thế, nhưng vẫn kiên trinh ở lại, sắt son với một vùng đất đã mang tên “quê hương”,  dù phải qua nghìn dâu bể, bao nhiêu thay đổi của đất nước, con người, bởi lẽ  đời sống là bức tranh pha trộn nhiều gam màu tối –sáng.” Những kỷ niệm đau thương ngút ngàn đã làm tôi tái tê; nhưng cũng có những kỷ niệm của tuổi thơ đã làm tâm hồn tôi nhẹ nhàng, êm dịu. Quê hương luôn sống trong lòng tôi với bao hình ảnh thơ mộng, êm đềm, khổ đau và hạnh phúc(Thương lắm quê nhà ). Ở đó có “Cánh đồng lúa xanh xanh trải dài tít chân trời, cầu Lưới Gõ, núi Đá Bia xa xa, mờ mờ với câu hát “Chiều chiều mây phủ Đá Bia”.”(TLQN) Cứ thế, TN đưa ta đi qua những vùng đất vùng trời ban đầu xa lạ  nhưng nói như Chế Lan Viên “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở /Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!” Với TN, nó đã hóa thành hơi thở, thành một phần đời không thể thiếu. Hãy cùng lên đường với TN  đi qua những cánh đồng bạt ngàn của đất Phú Yên “Chúng tôi lướt trên cánh đồng lúa xanh mượt thì con gái, lúa gợn sóng rì rào như cười với chúng tôi. Những chú cò trắng xinh xinh nổi bậc trên ruộng lúa xanh mượt, xa tít. Những con mương dẫn nước vào ruộng lúa ngoằn ngoèo uốn khúc, trông giống như một con Trăn khổng lồ đang bò. Những đôi cánh thiên thần đưa tôi bay lượn trên bầu trời. Tôi thấy mình không là mình nữa mà như một loài chim bay không biết mỏi. Chúng tôi vừa bay vừa cười đùa vui vẻ, ngắm nhìn bầu trời bao la rộng lớn. Chúng tôi bay, bay mãi vượt qua núi rừng, vượt qua biển cả; trong niềm vui vô tận.” Nhưng cũng có những vùng gian nan hơn như Mỏ Quạ “Mỏ Quạ là tên của vùng núi ở cách quân trường Lam Sơn thuộc thị trấn Ninh Hòa khoảng hơn mười cây số về hướng Bắc. Đường đi ngoằn ngoèo, lòi lõm, quanh co dọc theo triền núi. Vượt qua hai con suối, mùa mưa nước ngập không thể nào đi qua. Dân làm rẫy, làm rừng muốn đến Mỏ Quạ phải xoắn quần lên cao lội qua suối, nhiều khi qua được con suối áo quần ướt nhẹp.” (Đêm trăng trên Mỏ Quạ) Tác giả chứng kiến những đổi thay tích cực, nhưng vẫn không khỏi bùi ngùi  khi viết thư kể lể cùng cha, dù người cha đã ra đi 27 năm rồi. “Đường vào làng xóm đã trải bê tông hết rồi, cho nên trời có mưa gió gì cũng không sình, không lầy như xưa nữa đâu. Còn cái Dốc Dòi ngày xưa mùa mưa lũ qua lại khó khăn nay không còn nữa, người ta đổ đất nâng cao lên chạy một mạch là tới cổng nhà mình; ôi cái chỗ mà ngày xưa con đứng đấy cùng các bạn bày trò chơi quay chong chóng đã “biến” mất cùng tháng năm, sao mà nhớ quá” ( Bức thư cho ba) Nhưng trên tất cả,  cái ngày  xưa khốn khó vẫn hiện về trong tâm hồn mỗi khi chạnh nhớ bất chấp cái “hôm nay” tốt đẹp và “hiện đại” hơn, TN vẫn luôn dành một chỗ trang trọng trong ký ức của mình cho “thời  xa vắng” ấy! “Quê nhà, dầu lắm tang thương dâu biển, nhưng vẫn luôn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm, bao yêu thương, mà suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Thung lũng Hoàng Hoa ngày nào bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức mờ xa; lời dặn dò “còn người là còn tất cả” cũng theo giông bão xa khơi. Nhưng với tôi, Quê nhà là có thực, là đời sống gắn bó gần gũi cho đến hơi thở cuối cùng - Thương lắm Quê nhà ơi!” Đó cũng chính là chủ đề chính của tác phẩm, xuyên suốt, trải dài, đánh thức trong lòng người đọc về chốn quay về của riêng mình, khi chúng ta như những đứa con biệt xứ, vong thân trong cuộc mưu sinh hay bao dự phóng vĩ đại, có bao giờ hay hôm nào nhìn lại, chợt nhớ rằng mình cũng có  một quê hương ...Lúc đó, nếu bạn có khả năng viết lách, bạn  cũng sẽ như TN mang tâm nguyện “Con muốn viết, viết và viết. Viết lại tất cả những gì con đã trải qua, từ thuở ấu thơ đến bây giờ. Viết để trải lòng mình, để chia sẻ những gì mình đã học được, những gì mình cảm nhận được về cuộc sống đầy dẫy bất công, đầy dẫy khổ đau này; cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn, tất cả mọi người mỗi ngày một an vui, hạnh phúc….” ( Thư cho Ba)
Trong tùy bút của TN, có thiên nhiên khắc nghiệt của miền trung, cụ thể là khu vực Vũng Rô, Đèo Cả ...có cái đẹp yên bình của đồng lúa xanh mướt  với những làng xã bắt đầu bằng những chữ Hòa ..., có ngôi trường và bè bạn thân yêu, có Đội Văn Nghệ Hợp tác xã và những đêm trình diễn hồn nhiên, say đắm, có mùa hè sân trường với bao tình cảm học trò - thầy cô  như lời thơ của thầy Trần Huiền Ân
Thôi nhé, dù sao mình vẫn hẹn
Một ngày hội ngộ ở tương lai
Hè buồn, hè vắng, hè nhung nhớ
Không cản tình ta đến trọn đời”
Sau 8 tùy bút là đến 7 truyện ngắn, những câu chuyện thoạt nghe hay  đọc tưởng đơn giản nhưng thấm đẫm tình người, tình yêu và kết cục thường đem lại cho người đọc những hy vọng, khi thấy hạnh phúc trở lại, lóe lên, thắp sáng  trái tim người trong cuộc. Họ có thể là những người bạn thiếu thời bị ly tán vì chiến tranh, khi trở lại gặp nhau trong những hoàn cảnh éo le, khi chàng là tù binh còn nàng là “ cán bộ”, nhưng rồi họ đã vượt lên mặc cảm, nàng  đi học y tá, chờ ngày chàng ra trại: “Cường trở về. Anh bước vào đứng dưới gốc Sầu Đông năm xưa nay đã già, gốc cây quá to hai tay anh ôm không xuể; anh mỉm cười nhớ về bao kỷ niệm xưa. Con chó mực chạy ra sủa ầm ĩ. Thanh bước ra ngỡ ngàng nhìn anh. Niềm vui vỡ òa, hạnh phúc trở về sau bao ngày xa cách (Hương Sầu Đông ). Tương tự, ta bắt gặp những thân phận khác của con người trong giông bão cuộc đời, với bao  nhiêu biến động, một đôi bạn xa nhau vì chàng  vượt biên, nhưng thất bại, trở về làm kẻ trốn tránh, đã  tự sát vì quá chán chường nhưng bất thành và cuối cùng họ cũng nhận ra là cần phải có niềm tin, hay một người để mình tin yêu cuộc đời, dựa vào nhau mà  sống “Mỗi người trên đời này đều dựa vào đức tin để sống, và em chính là niềm tin vững chải đã giúp anh nghị lực vượt qua mỗi lần mỏi mệt. Đã nhiều lần anh gục ngã, nhưng nghĩ đến em, anh đã đứng lên, bước tiếp.”Họ đã không dám ngồi vào chiếc ghế hạnh phúc dù nó vẫn có ở đó từ rất lâu vì họ ngại ngần, không dám tin vào thứ hạnh phúc lung linh dễ vỡ ấy, khi không đủ can đảm như Lợi, nhưng cuối cùng anh cũng thú tội để khỏi phải trốn tránh  và Tố, cô bạn gái, vẫn chờ chàng mãn hạn, để cùng ngồi vào “ chiếc ghế”! (Chiếc ghế hạnh phúc )
Có khi  tình yêu đến  bất ngờ vào  hoàng hôn của cuộc đời như ông Thành và Bà Thụy. Họ gặp nhau tưởng chừng quá muộn màng khi chàng đã 65 còn nàng thì cũng dang dở do bị chồng cũ phản bội. NhưngTình yêu đã làm tâm hồn họ trẻ lại. Người này nghĩ gì đều trùng hợp ý của người kia. Lạ chưa! Không hiểu sao họ lại giống nhau nhiều như vậy, có lẽ họ đã có nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, bây giờ mới đến thời điểm được gặp nhau chăng?
Gặp em cơn gió tình cờ,/Mà sao tình đã như tơ tóc rồi (Phố Xưa, có một căn nhà)
Hạnh phúc như ai nói là trò chơi cút bắt, chợt đến chợt đi nếu ta không biết cách giữ nó lại. Một đôi vợ chồng do làm ăn sa sút, ông chồng đâm ra nát rượu, còn chị vợ lao vào nghiệp  đỏ đen. Con cái có đứa vào tù vì trộm cướp. Hạnh phúc oái oăm thay chỉ đến khi ông chồng ấy bị tai nạn chết để rồi người vợ nhờ thế có tiền đền bù trang trải nợ nần, bắt đầu lại một chương mới trong cuộc đời sau nhiều đổ vỡ, mất mát ...”Niềm hy vọng đã bừng sáng lại trong đôi mắt chị lõm sâu, sau bao thăng trầm, bất hạnh....     Chị Thảo vừa bước lên bờ, tiến lại phía con mương để rửa tay chân, thì hồi chuông ở chùa Cảnh Tịnh cuối thôn cũng vừa vang lên. (Con dốc cuộc đời)
Lại có những mối  tình dang dở không thành   để lại nỗi hoài mong cho người ở lại như anh Phụng và cô Nga trong “Giấc mơ một đời người”. Họ tình cờ gặp gỡ, yêu nhau, chàng ra đi không lời hẹn ước. Sau bao năm dài, nàng làm  cô giáo đợi chở cho đến khi người bạn của chàng từ phương xa trở về mang theo lời nhắn của chàng trước phút lâm chung và một tập thơ. “Bao nhiêu quá khứ của một thời thương yêu thơ mộng hiện về, rõ như trước mắt - chị nghẹn ngào ngước nhìn ông ta với đôi mắt còn ngấn lệ, đỏ hoe: (Giấc mơ một đời người).
 Tiều Nguyệt (TN) khéo léo lách những vết dao giải phẩu tâm lý con người từ yêu thương đến đợi chờ, lúc nồng nàn da diết, lúc tuyệt vọng ơ hờ... Lối kể chuyện  theo tuyến tính  (linéaire)  khiến người đọc dễ theo dõi và nắm  bắt mạch văn, những biến chuyển tâm hồn nhân vật. TN không dùng những thủ pháp quá hiện đại  hay ngôn ngữ triết lý siêu hình  làm nhức đầu người đọc mà kể chân phương, để độc giả tự cảm nhận và suy ngẫm. Ngôn ngữ sử dụng tinh tế, phù hợp với nhân vật. Hãy nghe một đoạn đối thoại giữa hai người trẻ tuổi khi họ đến với nhau :
“-Nhà anh ở Nha Trang, anh đang ra Tuy Hòa nhận nhiệm sở. Anh ra sớm mấy ngày tìm nhà trọ, nhà em ở đâu?
     Chị không trả lời anh, hỏi tiếp:
-Anh học sư phạm à?
-Vâng! Được không cô bé?
     Chị cười tủm tỉm:
-Sao lại hỏi người ta được không, thưa thầy?
     Anh cười lớn:
-Anh không dám làm thầy em đâu, sợ chết!
-Sao lại sợ?
     -Sợ vỡ tim mất thôi, có cô học trò xinh như thế không vỡ tim mới lạ!
     Chị Nga cười khanh khách:
     -Tim anh dễ vỡ thế kia à? Nghe anh nói vui chưa kìa.
     Anh cười theo chị:
     -Nghe em cười tim anh muốn rụng luôn chớ vỡ gì nữa. Nãy giờ chưa biết tên em. (Giấc mơ một đời người)
    Và giữa hai ngừời lớn tuổi :
“-Vậy làm bạn nhé! Anh tên Thành, sáu lăm tuổi; hiện sống ở nhà số 108, đường Hằng Thuận  thị trấn Phố Xưa thuộc huyện An Phú, hai con, không vợ.
     Thụy cười khúc khích:
-Thật vậy ư?Anh nói giống như tự khai lý lịch không bằng.
     Ông Thành cười lớn:
-Có sao anh khai vậy, đúng sự thật, có gì gian dối anh xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
(Phố Xưa, có một ngôi nhà)
Còn có những câu chuyện cảm động khác nhưng tôi sẽ không kể hết ra đây vì muốn dành lại sự hiếu kỳ  cho người đọc khi đi vào thế giới văn chương của TN, để  bị cuốn hút theo lối hành văn nhẹ nhàng, tả như không tả, không “ biền ngẫu”, lâm ly hay dằn xé triết lý  và chìm đắm trong mớ tư tưởng phức tạp của những nhà văn nặng óc triết luận...TN là như thế, dễ hiểu nhưng đầy tinh tế, đủ sức khiến bạn phải lặng người suy ngẫm  khi gấp tập sách lại hay cả khi đọc xong một truyện, Trên tất cả TN đã gợi ra bao niềm khắc khoải qua tùy bút và cả những niềm hạnh phúc có được nếu có lúc nào ta quay lại “quê hương” trong lòng mình.
“Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa .”(Bùi Giáng)
 Hãy đọc câu thơ ấy ở bình diện văn chương thuần túy  để nhận ra chốn quê mà có lúc chúng ta  đã đi quá xa tưởng chừng đã đánh mất nó trong cuộc đời, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn ta. tất cả đã được TN truyền tải  một cách mạch lạc và đầy lôi cuốn trong “Thương lắm Quê nhà”
Hãy mở sách ra và thanh thản đọc.
                                           Nguyên Cẩn
                                           Sài Gòn, 07/2017
                                                                                                
                                                                                             
 

 
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập