BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới
TUYỂN THƠ PHẠM NGỌC SAN
Tác giả: Phạm Ngọc San



Vài nét về TUYỂN THƠ PHẠM NGỌC SAN
Hoàng Quốc Hải

Trong tay tôi có 6 tập thơ của nhà thơ Phạm Ngọc San
- Vầng trăng trong mưa - Xuất bản năm 2002
- Hoàng hôn không yên lặng - Xuất bản năm 2006
- Chạng vạng hoa đèn - Xuất bản năm 2011
- Sương đâu chỉ là mờ đục - Xuất bản năm 2015
- Sao hôm trên sân thượng - Xuất bản năm 2015
- Khoảng lặng xôn xao - Xuất bản năm 2018.
Nhà thơ Phạm Ngọc San sinh năm 1944 tại huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Sự thật, nghề chính của nhà thơ là kỹ sư Tự động hóa-Ngành điều khiển quá trình công nghệ hóa học. Tốt nghiệp tại trường Đại học tổng hợp Công nghệ Hóa học mang tên D.I. Mendeleev Moscova thuộc Liên bang Xô Viết. Công tác tại Nhà máy phân đạm và hóa chất Hà Bắc.
Phạm Ngọc San có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Nga, bắt gặp mùa thu Nga - Mùa của Bạch dương phơi rực sắc vàng. Rừng cây nom như được đúc thuần bằng vàng ròng. Và mọi thứ đều sạch trong, tinh khiết, khiến chàng sinh viên Việt, cảm như mình lạc vào xứ sở của thần tiên trong truyện cổ.
Và chỉ ít ngày sau, chàng đã lùng sục mua về nào sơn, toile và cọ vẽ. Từ đó lần lượt những bức tranh phong cảnh Nga xuất hiện trong phòng. Bạn bè hết sức ngạc nhiên, cứ tưởng San học khoa Hội họa trường Nghệ thuật Xô Viết chứ không phải anh học khoa hóa.

 

Là sinh viên, kể cả là cán bộ kỹ thuật, chưa bao giờ Phạm Ngọc San từ bỏ ước mơ vẽ và làm thơ. Sau cuộc triển lãm tranh 1974 tại Hà Bắc, do công tác hoàn thiện xây lắp và chạy thử nhà máy anh phải tạm ngừng vè. Anh có tâm nguyện khi làm tròn trách nhiệm công dân anh sẽ tiếp tục thực hiện giấc mơ: Vẽ và Làm thơ. Nhiều bức họa của San đạt giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên, vẽ với San cũng chỉ là một thú chơi tao nhã. Chỉ tới khi về hưu, bệnh tật phát sinh do bị nhiễm độc trong quá trình công tác, khiến đôi tay yếu dần, yếu dần cho tới khi các ngón không nắm được cây cọ nữa, Phạm Ngọc San mới ngừng vẽ...
Đối với người có tâm hồn nghệ sĩ, không tham gia sáng tạo nữa, đồng nghĩa với anh đã chết. Thế là chàng họa sĩ chuyển sang làm thơ. Gần 30 năm từ thập 90 thế kỉ trước tới nay, Phạm Ngọc San đã in tới 6 tập thơ và hàng chục tập thơ in chung, đủ giúp anh trở thành nhà thơ. Đương nhiên, không phải cứ làm được thơ, hoặc viết được nhiều thơ là thành thi sĩ.
Thơ chính là cái điệu của tâm hồn. Câu chữ trong bài chỉ là phương tiện mà thi sĩ mượn nó chắp cánh cho tâm hồn bay cao.
Phạm Ngọc san viết đủ các thể loại: Lục bát, Thất ngôn, Ngũ ngôn, Tứ tuyệt, Bát cú, Trường thiên… Thể loại nào anh cũng viết rất hoạt. Đôi khi bẻ thơ lục bát với lối viết rất tân kỳ, khiến hồn thơ thêm khỏe khoắn, mạch lạc.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống lễ giáo, lại được hấp thu bởi hai nền giáo dục Đông - Tây, nên Phạm Ngọc San chuyển tải được vào thơ một hàm lượng văn hóa khá cao.
Phạm Ngọc san có tâm hồn nhạy cảm. Anh cảm nhận được cả những điều mỏng manh như một sợi tơ trời. Nghe bước đi của gió, anh biết thời tiết đang chuyển mùa. Nghe một chiếc lá nhẹ rơi, anh cảm được mùa thu đang tới. Tựa như người xưa thấy chiếc lá ngô đồng rụng, khiến cả thiên hạ biết thu sang “Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu”.
Tâm hồn Phạm Ngọc San, không chỉ thổn thức với thiên nhiên, mà nhà thơ còn hòa lòng mình vào các biến cố xã hội, chia sẻ vui buồn, yêu thương, căm giận và bất bình với những gì ngang trái, phi luân. Đặc biệt, những mối quan hệ trong gia tộc, gia đình Phạm Ngọc San thể hiện với tình cảm đằm thắm da diết của một người con chí hiếu, người chồng, người cha, người ông; phương diện nào nhà thơ cũng làm hết sức mình.
Bởi vậy thơ San không chỉ có mô tả quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, mà còn lồ lộ những tâm sự mang mầu thế sự, hết sức đa chiều và sâu lắng.
Tôi dẫn ra đây một vài ví dụ của trạng thái tâm hồn nhà thơ. Với “Rét nàng Bân”, anh kết thúc bài thơ với hai câu thơ thật ấn tượng:
“Mùa đông chết tự bao giờ
Còn gieo một chút rét thừa trớ trêu!”

Hoặc tươi trẻ, tinh tế nhưng không kém phần cay đắng như trong bài “Tình ta dưới tán bồ đề”. Tưởng như “Dưới tán bồ đề, “là nơi hạnh phúc trú ngụ. Nhưng oái oăm thay:
“… Nào ai “Bầu rượu nắm nem” 
Anh đinh ninh những lời em dát vàng 
Thế rồi em vội sang ngang
Miếu thiêng để lạnh khói nhang để tàn”…

Hoặc trong bài “ Lời Bình minh ”, có những câu thơ viết thật tài hoa:
“Bước chân trâu đếm sao rơi 
Râm ran chợ sớm như lời mẹ ru…”

Lại có những câu thơ như được viết bằng linh giác:
“Cọ bén sơn dầu, mặt toan lấp lánh 
Thoáng ngập ngừng - mắt phía sau lưng”

(Trong bài “Tia nắng phía sau”). v.v....
Phạm Ngọc San là một người con hiếu thảo, anh nghẹn ngào dâng mẹ “Bát nước chè xanh” khi mẹ đã về miền cực lạc. Lời thơ tha thiết đến se lòng:
“… Chiến tranh mấy cuộc kéo dài 
Gồng vai thay bố nơi ngoài chiến khu 
Tay kim chỉ, miệng hát ru
Khêu đèn lụi bấc, trăng lu tảo tần 
Dạy con đèn sách lập thân
Bát chè xanh cũng chia dần làm ba 
Bao năm rồi mẹ đi xa
Trà xanh dâng mẹ chút là lòng con”

Đời là vậy! Khi ta biết thương cha mẹ, thì cha mẹ đã không còn ở cùng ta nữa!
Với người vợ chia đắng sẻ bùi, anh có bài thơ ngắn tặng vợ “Tình già”. Thơ thì ngắn, nhưng tình thì dài và trĩu nặng không thể cân đong đo đếm.
“Ngủ đi hãy ngủ em ơi 
Mồng tơi có vị mồng tơi lo gì

Và…
Anh bạc đầu em cũng bạc đầu 
Ngủ đi ta hát ru câu tình già”

Với con, cháu và bè bạn, anh cũng gửi trọn tình thương thật là sâu đậm.
Sự thật, với người khỏe mạnh, viết một bài thơ đọc được và lưu giữ được cảm xúc trong người đọc đã là khó.
Nhưng Phạm Ngọc San phải chiến đấu với bệnh tật từng phút, từng giây; bước đi không nổi, tay không nắm nổi cây bút, vậy mà anh đã sáng tác một khối lượng thơ đáng kinh ngạc. Thảo nào có người đã coi anh có sức chiến đấu mạnh mẽ như Paven Coocsaghin.

 

Tôn trọng bạn đọc, tôi không trích dẫn và phẩm bình gì thêm nữa, để các bạn tự khám phá.
 

Chỉ với một Tuyển tập gồm 239 bài thơ, 9 bài thơ dịch trong 5 tự khúc, chắt lọc và nén vào đấy gần cả cuộc đời với biết bao cung bậc của cảm xúc, đủ biết tác giả đã thận trọng và trân trọng bạn đọc biết dường nào. Đó là tập thơ tuyển bạn đang có trong tay.
Hãy đọc nó! Rồi sẽ biết nó!
Và biết tác giả là người như thế nào!

 

Hà Nội ngày đầu thu, 2018
Nhà văn Hoàng Quốc Hải


 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập