BAN BIÊN TẬP
Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới
THƠ HÀ LINH GIANG
Tác giả:Hà Linh Giang


 
Bìa trước



Bìa sau


GIỚI THIỆU TẬP THƠ HÀ LINH GIANG
 
HÀ LINH GIANG VỌNG MÃI: 
KHÁT MỘT THỜI NHỚ MỘT ĐỜI

Ngã Du Tử
 
Làm thơ là giãi bày tâm sự để vơi chút muộn phiền như xả stress trong hành trình đời sống, viết cho mình như ghi lại một kỷ niệm theo dòng chảy thời gian vui buồn lẫn lộn, coi như xâu chuổi thước phim để lưu lại ngày mai, và nỗ lực xuất bản cũng chỉ thù tạc với bè bạn thơ như thú vui tao nhã của đời mình trước những thi hữu từng tặng thơ cho chị, ngoài ra chị không không mưu cầu danh lợi trong cung cách con người chị. 
Một câu danh ngôn khá hay: “Cuộc sống có thể đẩy bạn ngã nhưng ngồi đó than khóc hay tiếp tục đứng dậy là quyền của bạn”
Thì ra, mỗi con người hiển hiện trên trần gian đều có một định mệnh, nếu như định mệnh ấy nghiệt ngã, ta tận lực có thể cải thiện tốt hơn, điều ấy sẽ chắc chắn. 
Ngày chị còn trẻ, sau khi ra trường sư phạm chị về dạy ở một huyện lỵ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, chung quanh chị là học trò nhỏ như thiên thần hồn nhiên và vô tư, không gợn chút sóng buồn, bên cạnh là những “kỹ sư tâm hồn” nên yêu đời, lạc quan bởi môi trường xung quanh tương tác tạo ảnh hưởng. Nếu như thi nhân coi mùa thu là mùa của chia ly, với nghề giáo tuổi trẻ nhiệt huyết phụng sự cho nhân quần và xã hội ý nghĩ tích cực màu xanh thẳm trong tâm hồn chị, bởi mùa thu là mùa của tựu trường, mùa của đoàn viên cùng học trò nên chị xem mùa thu kỳ ảo, lạ lẫm, hãy nghe chị:
“Thu đã về
Lá không vàng vọt
Sắc lại thêm xanh
Chân trời không sương đục”.
Hay:
“Thu mơ màng diễm lệ
Không buồn mênh mông”. (Thu)
Buổi thuyên chuyển về trường mới, liên hoan để tạm biệt trường cũ cùng thầy cô đồng nghiệp là một ký ức đẹp mà bất kỳ người công chức nào cũng bịn rịn khi rời khung trời cũ cũng lưu luyến, bồi hồi. Người đi kẻ ở với biết bao vui buồn cùng học trò và cô thầy thân yêu thương với năm tháng chung sức chung lòng cho những mầm xanh mai sau Tổ quốc trông đợi, thiên chức cao cả của thầy cô là vậy, xã hội mãi tôn vinh người nuôi dưỡng tâm hồn mầm xanh ấy là đạo của xã hội tiến bộ:
“Buổi chia tay lòng bồi hồi ngây ngất
Rượu trong ly chan chứa cụng tay người
Mai đi rồi, thôi nhé các trò ơi
Thầy cô mới dìu em như cô vậy” 
(Nhớ một chiều)  
Rồi chiến tranh, người yêu chị từ chiến trường trở về với nhành lan rừng từ miền xa ngái, vì yêu em hái hoa rừng tặng em, trên đường hành quân cứ mải theo chân, hình như mãnh lực của tình yêu mạnh như dòng thác lớn cuốn phăng những mỏi mệt, khổ sở đời lính nên suốt chặng đường dài hành quân anh vẫn giữ bên mình ấp ủ nhánh lan rừng ngày nào roi rói tươi xanh như tình yêu đôi lứa trước ngày chia tay, nay về tặng em hóa thành khô héo và bất tử, như chuyện tình đẹp muôn đời mà loài người mãi tụng ca: 
“Đây hoa rừng đường hành quân dừng bước
Hái trao em mong ước mộng ngày mai
Hoa bên anh trong suốt chuyến đi dài
Hành quân mãi nên khô – thành bất tử
(Hoa bất tử)
Chiến tranh ác liệt và tàn khốc lắm, hơn ai hết người lính là người mơ hòa bình nhiều nhất, dữ dội nhất bởi họ thực chứng từng sát–na sinh tử từng đồng đội, họ mơ thực sự về hòa bình nhưng than ôi! Khi hòa bình có những người lính không chết trong chiến trận nhưng vẫn bỏ xác nơi rừng thiêng, không về để bao tâm hồn cô gái khổ đau một thời dằng dặc, ấy là bi kịch lớn nhất sau ngày hòa bình, có lẽ người yêu chị cũng vậy chăng nên nỗi buồn ấy cô đọng lại thành dòng thơ mà độc giả nào đọc cũng nghe ai oán khôn nguôi:
“Ngày lần qua, tháng lại qua
Anh ra chiến trận, em xa tuổi hồng
Mười năm lịm tắt lửa lòng
Thời gian chờ đợi má hồng phôi pha”
(Khát một thời, nhớ trọn đời)
Hay:
Nỗi niềm tháng đợi, ngày mong
Sầu đong, lệ điểm nỗi lòng ai hay!”
(Nhặt là vàng rơi)
Nhịp sống vẫn tiếp diễn theo thịnh suy thời cuộc, khi chị có gia đình quay về nơi quê cha đất tổ với đời sống của ruộng vườn, vốn ngàn đời cơ cực gian nan và rồi chị lập gia đình, tuy gian nan vất vả bên ruộng vườn nắng sương khuya sớm nhưng vẫn vui bên bếp lửa ấm nồng với chồng con hạnh phúc:
“Cha mẹ là vuông đất
con là những hạt mầm 
mọc lên chồi hạnh phúc
nở nụ cười tràn dâng”
(Vườn hoa của mẹ)
Niềm vui hạnh phúc của chị chưa tày gang thì một ngày mùa thu năm ấy định mệnh xé ngang gia đình chị để lại “ngôi nhà không nóc”, anh ra đi về chín suối để lại trong lòng chị nỗi hụt hẫng, lênh đênh trước biển đời giông tố sắp ập tới đôi vai gầy nhỏ nhắn của chị, con chị còn quá nhỏ dại, còn nỗi buồn nào to lớn bằng! Làm sao “con hiểu đắng cay trong lòng của mẹ”và ngay cả người lớn cũng không thể hiểu hết nỗi buồn trong tâm hồn của chị:
“Thu ấy tiễn anh đi 
đắng mấy cho vừa
từ ấy đến giờ
như thuyền không lái
bơ vơ
lạc dòng”
(Thu lại về) 
hoặc “ Bây giờ non nước xanh trong/ bờ sông Tương ấy chia dòng xẻ đôi” tôi đọc mà nghe như tiếng thét của lòng chị vọng về từ bể buồn mất chồng bao nhiêu năm về trước còn ầm vang trong tai tôi, ai mà chẳng ngậm ngùi đứt ruột.
Bắt đầu từ ngày ấy gian nan càng gian nan, cơ cực càng cơ cực hơn, với vóc dáng nhỏ nhắn làm sao chị có thể gánh gồng cho đứa con non dại ấy, quãng đường tương lai của cháu còn thăm thẳm mịt mù, như tôi đã nói ở trên: “Cuộc sống có thể đẩy bạn ngã nhưng ngồi đó than khóc hay tiếp tục đứng dậy là quyền của bạn” và rõ ràng chị phải đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình gian nan gai góc này. 
Bài Gánh của chị khá hay trình bày thân phận của mẹ con chị, các bạn đọc nhé:
“Nghiêng vai gánh đắng, gánh cay
Gánh đêm trăn trở, gánh ngày cô đơn
Gánh khổ đau, gánh tủi hờn
Nỗi niềm tâm sự vùi chôn đáy lòng”
Hay :
“Gánh ngày cơm áo đầy vơi
Oằn vai gánh cả không lời thở than
Gánh luôn đêm với trăng vàng
Biết ai hiểu thấu đa đoan phận nầy”
(Gánh)
Trái tim cao cả của người mẹ mạnh hơn những hiểm nguy lẫn khó nhọc, và chị đã đứng dậy với ‘đôi chân tươm máu’ vươn vai trước những lắng chìm buồn tủi và khổ đau mất mát, may thay trời đất ban tặng cho phụ nữ tính bền bỉ, lòng dẻo dai, chăm 1chỉ nên nghịch cảnh cũng dần dần xô ra, trôi xa đầy huyền nhiệm.
Hạnh phúc rồi cũng thăng hoa khi nhìn lại chặng đường đã qua với đứa con thân yêu mà suốt đời chị tận tụy kỳ vọng, biết yêu thương, vun quen mầm hạnh phúc đơn sơ xanh mát cùng mẹ trong hành trình còn lại:
“Lớn khôn từ những ngọt bùi
Những hờn yêu lẫn ngậm ngùi khổ đau
Giờ con sức rộng vai dài
Ra đời gắng sức ganh đua với người”
(Mẹ là gánh nặng ngọt ngào)
Một lần bệnh nặng, nằm viện chị cảm động sự tận tình chăm sóc, san sẻ của con chị viết như chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng ẩn nét tự hào có được đứa con ngoan thảo thơm cùng mẹ, lòng trào dâng trước niềm vui có được đơn sơ nhưng lấp lánh như tia kim cương được phản chiếu từ tia nắng chân phương hạnh phúc:
“Mắt con rực sáng/ bình phục từng ngày/ mẹ mừng như buổi/ con cười trên tay” (Hạnh phúc)
Phụ nữ ở tuổi bảy mươi, nhà thơ Hà Linh Giang có một thi phẩm với đa thể loại cổ điển như lăng kính phản chiếu cuộc sống một thời của chị tương đối nhiều màu sắc trần gian khá thú vị có thể cho đó là muộn màng nhưng chất liệu đời sống đầy hơn nên vững chải và chín chắn hơn. Đôi khi chị có dịp “về lại vườn xưa” chị vẫn ai hoài thuở còn có anh bên đời, hình bóng ấy như trỗi dậy trong ý thức, cùng cái ngày quyết định ra đi xây đời mới nơi vùng đất lạ, bỏ lại cố xứ nhiều nỗi buồn hơn niềm vui - vẫn âm ỉ bên tai lời thì thầm mà chính chị mới cảm hết được vị ngọt ngào lẫn đắng cay của nó:
“Mình tôi/ bước nhỏ độc hành/ lang thang vườn vắng/ nhớ anh/ thắt lòng” (Về lại vườn xưa)
Xét cho cùng cốt lõi con người trên thế gian luôn kiếm tìm hạnh phúc, hạnh phúc không đâu xa dù ở độ tuổi nào, đơn giản như chị là bằng lòng với nhỏ nhoi đang có trong hoàn cảnh của mình, như thế là hạnh phúc.
Còn khá nhiều ý tứ trong thơ chị mà bạn đang có trên tay, đọc chậm rãi mọi thứ hiển bày từ tốn, ít nhất bạn cũng vui với con chữ đang tung tăng nhảy múa trong suy diễn của bạn.





  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập