BAN BIÊN TẬP

Trân trọng giới thiệu


Tập 46 Tháng 6/ 2017: Vào Hạ

Chân Dung Văn Học 
Nhà Thơ Võ Chân Cửu



(Bìa trước)



(Bìa sau)



Võ Chân Cửu

 
Tiểu sử VÕ CHÂN CỬU: 
Tên thật: Văn Hưng, sinh năm 1952 tại Bình Định
Võ Chân Cửu là bút hiệu theo họ Mẹ. Thành danh từ 1969 ở miền Nam lúc này. Thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật: Văn, Bách Khoa, Tư Tưởng, Khởi Hành, Thời Tập, Chính Văn…
.                                                                 *
Đã xuất bản: các tập thơ Tinh Sương (Thi Ca-1972), Đại Mộng (Nhị Khê 1973), Trường ca Quảy Đá Qua Đồng (Tập san Thi Ca 1975), Ngã Tư Vầng Trăng (NXB Trẻ-1990), Ngọn Gió (NXB Văn Học 2011), Trước Sau (NXB Thư Ấn quán, Hoa Kỳ 2011).
Bộ tản văn về chủ đề Văn học Miền Nam gồm 3 cuốn: 22 Tản Mạn, Theo Dấu Nhà Thơ , Vén Mây  do NXB Hội Nhà Văn liên kết với Công ty Sách Phương Nam xuất bản, phát hành vào các năm 2013, 2015, 2017.
 

 
Trích đăng các bài viết về nhà thơ VÕ CHÂN CỬU:

1/ Tác giả: VÕ PHIẾN


Thơ Võ Chân Cửu

 
Võ Phiến bảo trong tâm hồn một số văn thi nhân Bình Ðịnh có nét “u huyền” khó hiểu. Ông “mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu”. “Họ” đều đã nổi tiếng, trừ một người, người trẻ nhất. Vì trẻ, người ấy thuộc vào “Văn Học Miền Nam”. Ðây lời mời nhà thơ Võ Chân Cửu (theo gocnhin.net)
 
Bài trích từ  Văn học Miền Nam, Tập IV - Thơ (trang 3167-3171) NXB Văn Học, California 1998:
 
 Hoài Thanh nhân đọc Yến Lan nhận thấy các nhà thơ Bình Ðịnh (Yến Lan là người Bình Ðịnh) thường bị vầng trăng ám ảnh.

            Quả cái vầng trăng ở bến My Lăng nọ là một kỳ bí. Trăng ấy gây bất an, gây đến sợ hãi. Không riêng trăng My Lăng mà thôi. Từ trăng của Yến Lan, trăng động Chua Me ở Sa Kỳ hay trăng đầy miệng của Hàn Mặc Tử, “trăng ma lầu Việt” của Quách Tấn, cho đến những “trăng ghì trăng riết cả làn da” của Chế Lan Viên..., tất cả đều là thứ trăng quái đản, làm ta rợn cả người.

             Nhưng bảo rằng ở Bình Ðịnh chỉ có cái trăng là đáng khiếp, không đúng. Có trăng, lại có ma: ma lầu Việt, ma Hời, và yêu tinh, và quỉ quái... Và cả những khi không có ma quỉ gì ráo, chỉ có mấy chiếc lá rơi, thi nhân Bình Ðịnh cũng dựng nên cảnh hãi hùng:


“Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ,
Tiếng khu vang rạn khới đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô?
Mơ rồi! Mơ rồi! ta mơ rồi!
Xào xạc chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thóang đôi hồi lửa đóm soi.”
(Mơ Trăng - Chế Lan Viên)

              Chỉ có sao in đáy giếng, thi nhân Bình Ðịnh cũng ghê người:

“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?”

                                     (Ta - Chế Lan Viên)

               Chỉ có đám mây in hình xuống dòng nước, thi nhân Bình Ðịnh trông thấy cũng làm ta nổi da gà:

“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.”

                                 (Thơ Ðiên - Hàn Mặc Tử)
         
                Vậy đó. Cho nên sau này có những người lấy làm nghĩ ngợi về cái con người ở vùng đất này. Vâng, cái lạ lùng là của người, chứ không phải của trăng của ma. Không phải riêng trăng có sức ám ảnh như ông Hoài Thanh đã nói, mà cái gì cũng ám ảnh được người Bình Ðịnh: cái lá, cái sao, đám mây v.v. Mọi thứ, kể từ những thứ hiền lành nhất.
                 Ông Lại Nguyên Ân chẳng hạn, nhân bàn về Hàn Mặc Tử, ông luận luôn đến khí chất người miền Trung. Theo ông, người Việt miền Trung thì “khắc nghiệt, riết róng, quyết liệt, táo bạo, cực đoan”, thì “sôi máu, táo tợn, liều lĩnh” hơn người Việt ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Tiếng nói ở miền Bắc (kể từ ngữ âm đến từ vựng, ngữ pháp) vốn sáng và rõ. Tiếng nói miền Trung thì tối và đục, hoang dã; nó “chuyển” tải những cảm quan điên dại, siêu thực tế của con người trong những dò tìm về những cõi hư huyền, vô hình, vô ảnh trong những diễn tả về thế giới âm u”. Ngôn ngữ như thế, tồng hát cũng thế. Ngoài Bắc có chèo, ở Trung có tuồng. Ở chèo không có gươm có giáo, không có giặc giã, chính biến; trên sân khấu chèo toàn giọng nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo. Trái lại ở tuồng (hát bộ) thường có gào có thét, có giết chóc dữ dằn, rộn rịp đầy những hùng binh dũng tướng. Do khí chất mà khác nhau cả (1) .
              Đồng bào ngoài Bắc cũng như trong Nam thường xem như trên giải đất từ Thanh Hóa vào Phan Thiết mọi sự chung chung là giống nhau; giọng Huế là giọng miền Trung; ông Ngô Đình Nhu là cái thâm hiểm của miền Trung v.v.. Thực ra, suốt giải đất dài ngoằng, quá dài ấy, có nhiều dị biệt: giọng nói Nghệ Tĩnh không hề giống giọng Phan Rang Phan Rí, tính người Nam Ngãi khác hẳn tính người Trị Thiên; cha đàng ngoài, mẹ đàng trong của Xuân Diệu, mặc dù đều là người Việt miền trung cả, vẫn khác nhau rõ rệt v.v.. Cho đến nay, khó mà biết được thực ra những cái gì là đặc điểm chung cho các thể hiện tâm hồn của người miền Trung. Những điều mà ông Lại Nguyên Ân vừa nói, đại khái là chỉ hợp cho một vùng Bình Định thôi: Tuồng (hát bộ) gốc Bình Định, Hàn Mặc Tử và bạn bè trong nhóm ông hầu hết là Bình Định.
             Tất nhiên tôi không muồn giành giật với các tỉnh khác, không muốn vơ vào cho Bình Định làm gì tất cả những cái “sôi máu”, “táo tợn”, và “hoang dã”, và ối trời! cái “điên dại nữa. Làm như thế chỉ e bị bà con đồng tỉnh trách giận thôi, ích gì? Chẳng qua phần ai nấy gánh.
              Võ Chân Cửu đã gánh đủ.

              Này xem: Xa làng lâu ngày, một hôm trở về ông thấy núi thấy mây ở quê mình:

    “Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro
................................................
      Mười năm làng cũ không về
Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.”

                           (Ðăm đăm mây trắng)

              Trên đất nước này, bạn có từng bắt gặp cái núi ở nơi nào nó ngồi như vậy không? Bạn ngờ rằng thứ núi co ro đáng hãi nọ ngẫu nhiên là đặc cảnh địa phương chăng? Không phải vậy đâu. Không cần nhìn cảnh làng mình Võ Chân Cửu mới thấy ra vậy; ngay lúc đi giữa thành phố Sài Gòn ông cũng thấy những cái khó có người thấy:

“Ngã ba ngã bảy xe đi khuất
Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa
Tiếng ma thiên cổ vong u uất
Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa.”

                                    (Sài Gòn)

             Những mây lê thê, những ma thiên cổ nọ là ở trong hồn người, không ở ngoài cảnh vật. Trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ tuổi người Bình Ðịnh cách xa trường thơ “loạn” một thế hệ, vẫn cứ còn chất chứa đầy những “hư huyền, âm u”.

            Cái gì đã phủ xuống cuộc sống tâm linh của nơi này màn u huyền ấy? Tôi không hiểu nổi đâu, không dám lạm bàn tới đâu. Có lúc tôi thấy quanh mình toàn thị những bà con chất phác thàn hậu. Có lúc khác lại đối diện với những con người quằn quại dị thường. Biết nói sao, ngoài việc mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu, suy nghĩ?

                                                                                                              1 - 1993
-------------------

(1)  Lại Nguyên Ấn- “Khí chất người miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử”, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 1 tháng 12-1991. ọcHH

 
2/ Tác giả: Lê Ngọc Trác

Võ Chân Cửu: Đi qua "đại mộng" trở lại "quê nhà" mang mang sầu vạn cổ

Trong những lúc cùng bạn bè uống rượu, tôi thường cao hứng đọc thơ Võ Chân Cửu, những câu thơ ngông nghênh đầy kiêu bạc:
"Người nói Đông Nam kẻ nói Tây
Thánh nhân ra đời vẫn chưa thấy
Đêm đêm trông sao trên bầu trời
Hiền nhân đời nay còn được mấy
 
Tà thuyết được thời rao nơi nơi
Ta muốn làm ma bay rong chơi
Làm ma còn có cháo lá đa
Làm người đói xin không ai cho..."
Cũng có những lúc đi qua một làng quê, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Phố chợ" của Võ Chân Cửu mà lòng buồn man mác trước cảnh bể dâu:           
"Cố hương đèo nối ba truông
Đồn ma họp chợ bán buôn rộn ràng
Xưa theo chân mẹ về làng
Chỉ nghe gió thổi cát vàng mênh mông
Bây giờ xanh ngắt hư không
Trưa nằm nhắc chuyện viễn vông nhớ nhà
Làng xưa vắng bóng người qua
Nổi trôi phố chợ lòng ta ngậm ngùi."
(1974)
 
Võ Chân Cửu tên thật là Võ Văn Hưng, sinh năm 1952 tại Phù Cát, tỉnh Bình Định. Từ những năm cuối cùng theo học bậc phổ thông trung học, Võ Chân Cửu đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí văn học ở miền Nam. Năm 1972, khi mới tròn 20 tuổi, Võ Chân Cửu đã trình làng thi phẩm "Tinh sương". Và chỉ một năm sau, anh xuất bản tiếp tập thơ "Đại mộng". Trước năm 1975, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ, Vũ Hữu Định, Hoàng Ngọc Tuấn … là những cây bút có sức thu hút người đọc.
Sau năm 1975, Võ Chân Cửu làm báo, viết sách và tiếp tục làm thơ. Hiện nay anh định cư ở Bảo Lộc - Lâm Đồng. Từ năm 1990 đến 2015, Võ Chân Cửu liên tục xuất bản 4 tác phẩm, gồm: Ngã tư vắng trăng (Thơ - NXB Trẻ), Ngọn gió (Thơ - NXB Văn học), 22 tản mạn (NXB Hội nhà văn), Theo dấu nhà thơ (Tản văn - NXB Hội nhà văn).
Với tập sách 22 tản mạn, Võ Chân Cửu viết những câu chuyện văn chương được sắp xếp theo chủ đề văn chương và cuộc sống. Đây là cuốn sách có giá trị tư liệu văn học, giúp người đọc hôm nay biết thêm về cuộc sống văn học miền Nam trước năm 1975. Võ Chân Cửu giúp người đọc biết một phần nào về cuộc sống, những sinh hoạt văn chương, báo chí và những đam mê văn chương của những cây bút nổi tiếng như: Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Bắc Sơn, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Lương Vị, Vũ Hữu Định... Đặc biệt, những người yêu thích tác phẩm : “ Hình như là tình yêu ” , "Ở một nơi ai cũng quen nhau", "Cô bé treo mùng" biết được những ngày cuối cùng của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn trước khi từ giã cõi đời. Ở "22 tản mạn", thông qua những câu chuyện văn chương mang tính giai thoại, Võ Chân Cửu cũng đã nêu rõ quan điểm của mình về thơ: "... Dù bắt nguồn từ khuynh hướng hay trường phái nào, tác phẩm văn chương, nhất là thơ ca cũng phải từ cảm xúc con người.
"Khi cảm xúc bị tác động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu. Đó được gọi là Thơ. Như vậy, Thơ dùng biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người". Định nghĩa mang tính nhập môn ấy hình như được công nhận trên toàn thế giới. Nhưng có một ngày những người cầm quyền lại phủ nhận, bắt thơ phải phục vụ cho điều này, điều nọ... Từ đó cho rằng những vần thơ không xuất phát từ cảm xúc hiện thực không phải là thơ. Họ quên mất khả năng "linh cảm" của thơ...".
Nhiều người tán đồng quan điểm của Võ Chân Cửu. Chúng tôi không thích bình giảng thơ theo kiểu lý luận, cũng không quan tâm đến bài thơ ấy thuộc trường phái nào: Thơ cũ hay thơ mới, hiện sinh hay siêu hình, hiện đại hay hậu hiện đại. Với chúng tôi, khi đọc một bài thơ ta bỗng thấy như có dòng điện chạy xuyên qua người. Có bài thơ đọc xong bỗng tâm hồn ta thay đổi sắc thái. Đó là những bài thơ hay. Phần nhiều thơ của Võ Chân Cửu đã lay động tận sâu thẳm tâm hồn người đọc. Chính vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi trong "Tổng tập văn học miền Nam" (Phần thơ, năm 1999) nhà văn Võ Phiến đã giới thiệu thơ Võ Chân Cửu. Tên tuổi Võ Chân Cửu được giới thiệu cùng một lúc với các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Quách Tấn... Điều này chứng tỏ thơ anh có sức lan tỏa rộng.
Trong tập thơ "Đại mộng", chúng ta bắt gặp nỗi cô đơn của nhà thơ trong những phương trời miên viễn. Hình ảnh giữa thực và mộng đan xen, hư ảo, liêu trai trong thơ của Võ Chân Cửu:
"Tiếng ai hát dưới trời thiên cổ
Không có trăm năm, chẳng một ngày
Đằng đẵng nghìn năm, buồn cổ độ
Ta về, nước lạnh bóng trời mây
Ai đi, khói cũng chìm trong mộ
Tiếng hát nhân gian rụng những ngày"
(Trích bài thơ: "Tiếng hát")
Đi qua những phương trời viễn mộng, Võ Chân Cửu trở về lại quê nhà mang mang nỗi sầu vạn cổ. Hai bài thơ "Chùa cổ ven sông" và "Quê nhà" là  “ tuyệt chiêu” của Võ Chân Cửu. Võ Chân Cửu đã dồn toàn bộ tâm huyết và nội lực vào bài thơ "Quê nhà" - bài thơ ngũ ngôn trường thiên với 37 khổ gồm 148 câu thơ. Đây là bài thơ mang dấu ấn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Võ Chân Cửu:
"Ta thấy từ vạn cổ
Ta đi từ bến mê
Mang một linh hồn nhỏ
Vô minh đưa lối về
 
Trăng sao giăng mờ tỏ
Trên mặt đất u sầu
Nhà ai còn bỏ ngõ
Tiếng buồn bay đêm thâu
 
Đêm nào chờ trăng lặn
Nghìn xưa sau bên hồ
Khi thấy trên trời vắng
Khói sương đã phủ mờ
 
Đêm nào trong rừng vắng
Theo gió bay qua đồi
Tâm tư còn nghe nặng
Khi sương tan khắp trời
 
Đêm nào bên nấm mộ
Nghe đất nói gì đâu
Riêng ta và hoa cỏ
Cùng đối bóng trăng thâu
...
Cô độc dặm tà dương
In dày qua núi biếc
Mây trắng miền cố hương
Bay dưới chân người bước
 
Vầng trăng soi hư không
Chốn nào ta trở lại
Bước chân ngoài mênh mông
Nghe thấy đời xa mãi
 
Mây bay từ thiên cổ
Cùng nhau trời đất tan
Ta một linh hồn nhỏ
Vơ vẩn miền Đại Hoang."
(Trích bài thơ: "Quê nhà")
 
Đọc "Quê nhà" của Võ Chân Cửu, trong lòng chúng ta chợt nhẹ nhàng ngân lên ca từ của Trịnh Công Sơn: "Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” , thảng thốt nhớ đến 2 câu thơ của Quách Tấn: "Chớp mắt ngàn thu quạnh / Về đâu chiếc lá bay". Và , chúng ta đồng cảm với Võ Chân Cửu "nghe mây trắng chảy cùng sông".
 
La Gi, mùa bấc biển 2015

3/ Tác giả: Trịnh Bửu Hoài

 Một Thời Không Quên                                                               

Tôi được “thơ thới” tản bộ qua ba tập tản mạntản văn của Võ Chân Cửu. Tập đầu tiên, 22 tản mạn tôi được anh trao tặng tại Bình Dương ngày 22 tháng 9 năm 2012. Tập kế tiếp Theo dấu nhà thơ anh ký tặng riêng tại Hội chợ Sách Cần Thơ ngày 28 tháng 3 năm 2015 khi Công ty sách Phương Nam mở cuộc gặp gỡ, giới thiệu sách mới của anh và một cây bút nữ. Và tập thứ ba Vén mây, anh muốn coi như Theo dấu nhà thơ tập 2, nhưng theo tôi đây là tập 3 trong bộ tản-mạn-tản-văn của anh. Không thể tách rời 22 tản mạn ra khỏi bộ ba nầy được, vì chính tập tản mạn đã dẫn dắt hai tập tản văn kia cho anh mở cửa lòng đối với bằng hữu văn nghệ một thời! Qua điện thoại, anh có ý xem Vén mây như là tập cuối bộ, tôi được anh cho đọc bản thảo hoàn chỉnh trên đường truyền máy tính ngày 28 tháng 8 năm 2016.
          Nhận được sách hoặc bản thảo, tôi đọc liền một mạch, nhưng đọc rất thong thả, vừa đọc vừa tưởng vừa nhớ, bởi trong nầy có cả bạn bè tôi. Có người tôi đã quen đã gặp, có người chưa gặp nhưng quen nhau trên báo, đọc nhau qua tác phẩm. Có những sự kiện văn nghệ tôi đã biết, chứng kiến hay có nghe qua, có những chuyện bây giờ tôi mới tường tận. Võ Chân Cửu đã thủ thỉ kể lại chuyện gặp gỡ bù khú ăn nhậu, hoặc say mê làm văn chương. Thật thú vị, thật vui và cũng thật ngậm ngùi, bởi ngày nay kẻ còn người mất, người ở đâu đây và cũng có người mãi xa. Ngày xưa, bạn bè văn nghệ thường là bạn vong niên, lớn nhỏ hơn nhau năm, mười tuổi là người cùng thời.
          Tôi và Võ Chân Cửu có sự trùng hợp là có cùng một năm sinh; và trước 1975 mỗi người đều xuất bản hai tập thơ. Nhưng tôi có duyên với thơ anh. Một lần ghé qua Sài Gòn ở lại năm, bảy ngày rong chơi, tôi gặp Vũ Hữu Định tại nhà anh Ngô Nguyên Nghiễm. Vũ Hữu Định lấy hai tập thơ Tinh sươngĐại mộng của Võ Chân Cửu, thay mặt tác giả ký tặng tôi vào ngày 8 tháng 9 năm 1973. Bây giờ tôi vẫn còn giữ 2 cuốn sách đó! Thật là một kỷ niệm khó quên với anh Vũ Hữu Định dù chỉ mấy ngày ngắn ngủi bên nhau. Lúc đó, tôi chuẩn bị in tập thơ đầu. Sau khi đọc bản thảo của tôi, anh Vũ Hữu Định tỏ vẻ thích thú và khuyến khích tôi in sớm. Tiếc là khi in xong, anh trôi giạt phương nào, và Võ Chân Cửu ở nơi đâu tôi cũng chẳng biết để gởi thơ tặng. Thời chiến tranh, liên lạc và tìm thăm nhau không dễ, chỉ biết tin nhau trên báo hoặc qua bạn bè. Qua bộ tản văn nầy tôi mới biết Võ Chân Cửu đi nhiều, gặp gỡ và sống cùng nhiều anh em văn nghệ thời bấy giờ, nhất là các tỉnh miền Trung quê anh. Vào Sài Gòn học, anh có điều kiện tiếp cận giới văn nghệ nhiều hơn. Điều đáng khâm phục ở anh không chỉ là máu giang hồ mà anh còn có một trí nhớ rất tốt. Đến với bạn bè, anh có một tấm lòng, một chân tình mới có được những kỉ niệm đẹp như thế.
          Tôi hiểu người làm văn nghệ nào cũng rất ham đi, ham gặp bạn bè và cả “ham yêu” cái đẹp, ham chơi… Nhưng hoàn cảnh đất nước lúc đó muốn đi không phải dễ, đường xe trắc trở, an ninh phức tạp, văn nghệ sĩ lại nghèo. Nhưng đặc biệt anh em văn nghệ thời đó rất phóng khoáng, chơi nhau thật lòng, đam mê văn chương, quí trọng tình bạn hơn bản thân mình. Tôi cũng đã từng đón những bạn thơ lang thang từ tỉnh nầy sang tỉnh nọ mà không có đồng xu dính túi nhưng được rong chơi ăn nhậu đủ đầy. Họ chưa từng gặp nhau, nhưng chỉ cần xưng tên là ôm chầm lấy nhau như quen từ kiếp trước. Họ biết tên tuổi, hiểu nhau qua tác phẩm trên sách báo từ lâu rồi. Bạn ở nhà tôi năm, mười ngày; đưa đi thăm thú văn thi hữu và phong cảnh xứ mình. Bạn cần đi thì dúi vào tay bạn vài ngàn đồng đủ lộ phí sang tỉnh kế bên- có người bạn thơ khác đang đón. Thời đó, miền Tây Nam bộ gạo cá phì nhiêu, nuôi một người quen trong nhà năm ba tháng chỉ là chuyện nhỏ.
          Hành trình theo dấu nhà thơ của Võ Chân Cửu không chỉ bằng tình cảm, kể lại và nhận định, mà xung quanh một nhà thơ còn có những nhà thơ và vợ con, cuộc sống, sự dấn thân của nhà thơ trong thế giới văn chương. Anh đã khơi gợi một không khí văn chương và những con người làm nên nó thời bấy giờ. Những cảm nhận từ sự gần gủi và thân thiết hoặc tiếp xúc và thấu hiểu, được anh thể hiện một cách tản mạn và lãng mạn. Không bị ràng buộc bởi một thể loại nào nên nó rất phong phú và sinh động trong câu chuyện về thơ và các nhà thơ mà anh đã đọc, đã biết, đã quen trên con đường văn chương của mình. Một chút nhận định, một chút lý luận, một chút xúc cảm, một chút đồng ngộ!...Tất cả qua ngòi bút phóng khoáng,  Võ Chân Cửu đã biến hồi ký của hồi ức một thời trở thành một áng văn bàng bạc, thi vị và tao nhã. Không còn là hồi ký dù đầy ắp sự kiện và hoài niệm. Không còn là biên luận dù có không gian và thời gian, bày tỏ và nhận xét. Không còn là chân dung văn học dù viết về từng người với khá nhiều tư liệu về con người, cuộc sống và thi nghiệp. Cũng chẳng phải là du ký dù anh lang thang từ Trung vô Nam, từ Cao nguyên đến Sài Gòn rồi xuống tận miền biên viễn Tây Nam bộ. Anh đã giúp cho thế hệ sau nầy hiểu được, chia sẻ và cảm thụ một thế giới văn nghệ trong chiến tranh của một miền đất và của một giai đoạn. Thời mà chúng ta làm văn nghệ tự phát, tự lực, nhưng sao chân tình, nhiệt huyết và hồn nhiên một cách đáng yêu.
Phong cách diễn đạt tập trung mà đa dạng, lan man mà cô đọng, hoài niệm mà hiện sinh-đó là thủ thuật rất tài tình của Võ Chân Cửu đưa bộ sách trở thành một tác phẩm phong phú về thể loại và mang tính đặc trưng, độc đáo của dòng văn học cận đại. Những trang sách tưởng rằng rất mềm mại và mỏng manh nhưng chứa đầy những bước chân ngang dọc của anh, của những nhà thơ bằng hữu và của một thời. Bây giờ những người hiện diện trong bộ sách nầy còn, mất trong cõi vô thường; đời người như bóng mây, nhưng tác phẩm của họ là ánh dương, chỉ cần… vén mây! Nhờ có anh, một thời kỳ văn nghệ đa dạng, sôi động được sống lại trong hơi thở hôm nay, được lưu lại trong các trang sách chứa đầy những phận người, những tài hoa, không phải tan biến đi trong vết bụi mờ năm tháng.
          Bộ tản văn ba tập của Võ Chân Cửu, theo anh chỉ là những dòng tản mạn. Mới đọc, ta chỉ thấy anh lang thang trong thế giới bạn văn rất tùy hứng, nhưng thực ra anh không tản mạn. Con người, nhân cách và tác phẩm được anh chắt lọc một cách tinh tế để viết về bạn mình…
 
                                                                                                        Tây Nam bộ, 31-8-2016
                                                                                                        T.B.H
 4/ Tác giả: Cao Huy Khanh

 
                  Hãy trao cho thi sĩ một vòng hoa
                 (ĐỌC “CHẮP TAY DÒNG ĐỜI…”)

                  
          Hơn cả chục năm trước, ngồi với Hoàng Ngọc Tuấn, tôi mới biết: lâu nay Tuấn - kẻ vô gia cư trên quê hương mình, không nhà không cửa không cả hộ khẩu lẫn giấy CMND - mỗi tuần vẫn ghé về nhà Võ Chân Cửu ngủ 3-4 đêm (mấy đêm còn lại thì đến tá túc nhà một người bạn khác).
 
          Tuấn có tiếng khó tính, khó chịu, khó gần. Vậy mà anh chấp nhận “nương nhờ sau cửa Phật” (nhà Cửu ở sau lưng chùa Già Lam tại Gò Vấp, một ngôi nhà có cây cối um tùm mát mẻ, sớm và tối đều nghe tiếng kinh, tiếng mõ). Như vậy đủ biết Cửu là “tay” quý và thương bạn đến dường nào !
 
          Tất nhiên toàn là bạn hữu trong giới văn nghệ Miền Nam từ trước 75, đông hằng hà sa số vô thiên lủng. Từ bậc lão trượng như Quách Tấn, Bùi Giáng, đến các bậc trung niên Nguyễn Mộng Giác, Joseph Huỳnh Văn, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn… Rồi lớp bằng vai phải lứa Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ Lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Trần Từ Duy, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Đạt…
 
Cái danh sách còn dài này cho thấy tính “quảng giao” của Cửu “không bờ không bến. Đẹp như kiếp bôhêmiên”.
 
Mà giới văn nhân thi sĩ này, trên chốn giang hồ trường văn trận bút thì ai cũng biết trong ta bà thế giới, mỗi người một cá tính, mỗi người một phách, mỗi người là một quả núi ; ít ai chịu ai. Thế nhưng Võ Chân Cửu có cái hay là chịu được tất cả. Và hầu như tất cả cũng “chịu” anh. Ấy là bởi Cửu có tấm lòng đôn hậu, chân thật đối xử với mọi người tình nghĩa, bản chất lại hiền lành như tự nhận mình vốn là người “dĩ hòa vi quý”, sẵn sàng hòa đồng với bạn, sẵn sàng nhường nhịn bạn, nhận phần thiệt thòi về mình.
 
Một con người biết thương bạn bè thì làm sao không thương đồng hương và quê nhà mình cho được. Đó là đất và người Bình Định nuôi mình lớn lên vẫn để lại dấu ấn đậm đà, và xứ cao nguyên B’Lao nơi anh lui về “ẩn khuất”…Những kỷ niệm gợi lại nơi đây rất trang trọng từ “Rau tập tàng”, “Hoa lưỡi cọp”, đến “Tiếng thác non xa”...
 
Với một nhà thơ, vốn sống chừng ấy đã là quá nhiều rồi. Có dư của để dành để làm thơ kiểu “Anh chống mái che cho con khỏi ướt/ Nơi em thèm viên gạch đứng rửa chân”. Để  viết được nhiều thứ nữa như tập sách này, tập sách muốn xem là hồi ký văn học, hồi ức văn nghệ sĩ , hay tản mạn văn nghệ đều được. Và để có nội lực diễn đạt những điều cao xa bằng giọng văn đôi khi tưng tửng, có duyên ngầm.
 
Chính cái “vốn” bạn bè này của Võ Chân Cửu đã làm sinh động, phong phú những suy nghĩ về thơ và nghiệp làm thơ mà ông muốn gửi gắm trong tập sách “Chắp tay dòng đời”: “Vào đêm, lối đi trước cửa bỗng ngân lan thoảng một mùi hương thanh khiết. Tìm kỹ, mới hay nó từ mấy chuỗi hoa lưỡi cọp. Nhiều nơi chỉ trồng nó vô chậu nhỏ, đặt ở góc nhà hay trên kệ đầu giường, vì nghe nói ban đêm lá tuôn thêm dưỡng khí. Cánh hoa bé, không đẹp, mùi hương âm thầm chỉ dành cho bạn tri âm. Cõi thơ ca hình như cũng vậy.”
 
Hay: “Con người có thể làm ra được nhiều thứ, kể cả chuyện “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nhưng tạo ra được những đường vân gỗ, thì các họa sĩ tài ba nhất, cũng đều phải thua sức các dòng thực vật…Cần có thời gian để cho dó hóa trầm, để cho cây hóa gỗ”Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình..”
Hoặc: “Những lá vú sữa trên tàn cây đã nói với tôi rằng hai màu lá đối nghịch vì lẽ tự nhiên do trời sinh. Nó hợp thành một chiếc lá. Với con người, tâm hồn có khi rất trẻ có khi rất già nua. Nhưng qua chữ nghĩa anh dùng trước sau rồi cũng khẳng định: Văn là người!”
Chưa chắc. Nhìn bề ngoài Võ Chân Cửu, coi chừng lầm. Trông anh thô kệch, đen đúa giống y nông dân, chỉ khác là kèm đôi kính cận thị, thành ra “nông dân trí thức”! May mà lạy Chúa tôi bên trong còn có một chiều sâu tinh tế cộng thêm cái tính tốt bụng chí tình với bạn bè…
 
Từ đó không phải lo chuyện “Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa. Và mời hắn ra khỏi thành phố”! Câu nói của triết gia Platon từ khoảng 350 năm trước Công nguyên đến nay như vẫn còn đúng. Làm sao để họ không gặp cảnh này?”
 
          Giải quyết dễ ợt thôi, hãy cứ làm như bạn đã và đang làm: Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa, và mời hắn… ở lại nhà mình !
         
                                                                                        (SG tháng 8.2012) 
 
 
 
 
 
 
         
 
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập