Trần Minh Hiền- Du Tử Lê- Trần Hoài Thư

viết về tác phẩm/tác giả Vinh Hồ

Trần Minh Hiền

BÀI THƠ "SỐNG ẨN DẬT TẠI HOÀ SƠN" CỦA THI SĨ VINH HỒ

Quê Nội tôi ở Thành Diên Khánh, Khánh Hoà nhưng quê Ngoại của tôi ở Ninh Hoà, Khánh Hoà. Sau năm 1975 khi Ba tôi bị đi "cải tạo" từ năm 1975 đến 1982 thì Má tôi đã dắt díu đàn con dại 3 đứa về tá túc nhà Ngoại ở thôn Thạch Thành, Ninh Quang, Ninh Hoà từ năm 1975 đến 1982 (từ lúc tôi 5 tuổi đến 12 tuổi). Cho nên tuổi thơ tôi gắn liền với Ninh Hoà và những ngày tháng khổ cực như triệu người Việt Nam khác. Những ngày tháng theo Má đi thăm nuôi Ba, rồi khi Ba về thì ông sống ẩn dật, cực khổ, chạy đôn chạy đáo để có bữa ăn cho gia đình. Do vậy khi tôi đọc hai bài thơ "Sống Ẩn dật tại Lỗ Gáo" và " Sống Ẩn Dật tại Hoà Sơn" của thi sĩ Vinh Hồ, tôi xúc động vô cùng và có cảm hứng viết lên bài cảm nghĩ này. Hai bài thơ nói trên đều hay và chân chất, chân thật nhưng tôi thích bài " Sống Ẩn dật tại Hoà Sơn" hơn . Có lẽ từ trước đến giờ tôi mê làm thơ, nhất là mê đọc thơ của tất cả mọi người, mọi thời , cả thơ Việt lẫn thơ nước ngoài, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha ... nhưng có 1 bài thơ mà tôi mê nhất là bài "Bài Ca Côn Sơn" của Nguyễn Trãi . ( Xin quý vị đọc thêm phần phụ lục bên dưới về chi tiết của bài thơ độc đáo này của Nguyễn Trãi ).

Bài Ca Côn Sơn
 
Côn Sơn suối chảy rì rầm, 
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. 
Côn Sơn có đá rêu phơi, 
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm. 
Trong ghềnh thông mọc như nêm, 
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm. 
Trong rừng có bóng trúc râm, 
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn. 
Về đi sao chẳng sớm toan, 
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi ? 
Muôn chung chín vạc làm gì, 
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi. 
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời, 
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan. 
Lại kia trên núi Thú San, 
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu. 
Hai đàng khó sánh hiền ngu, 
Đều làm cho thỏa được như ý mình. 
Trăm năm trong cuộc nhân sinh, 
Người như cây cỏ thân hình nát tan. 
Hết ưu lạc đến bi hoan, 
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay. 
Núi gò đài các đó đây, 
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh. 
Sào, Do bằng có tái sinh, 
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
(Nguyễn Trãi , bài này phỏng dịch từ nguyên tác chữ Hán , phần nguyên tác chữ Hán và dịch nghĩa cũng như các bản dịch Việt ngữ khác nhau của nhiều tác giả xin đọc bên dưới)
Xin mời quý vị hãy cùng chúng tôi đọc hết bài thơ "Sống ẩn dật tại Hòa Sơn" của thi sĩ Vinh Hồ và sau đó cùng chúng tôi chia sẻ từng câu chữ ý tứ của bài thơ độc đáo này .
 
Sống Ẩn Dật Tại Hoà Sơn
 
Vác xe qua bến Cây Sung
Hòa Sơn tím ngắt một vùng hoang vu
Bên này Hòn Thượng sương mù
Bên kia Giồng Cốc khói thu xây thành
Giữa rừng núi một chòi tranh
Một mình một cõi năm canh ngáy khò
Bạn cùng tùng hạc mai cò
Bước cao bước thấp tự do khôn cùng.
  
Dắt bò qua bến Cây Sung
Nhập vào mây khói hòa cùng thiên nhiên
Trăng lên đủng đỉnh chiếc thuyền
Hàng cây yên giấc đàn chim cựa mình
Trên sông một bóng một hình
Đôi bờ cô tịch tâm tình cùng ta
Lắng nghe sương khói giang hà
Nửa đêm thiền định, chiều tà nghêu ngao
Đêm hư huyễn, ngày chiêm bao
Hoa bằng lăng tím xanh xao nỗi buồn
Cám ơn rừng núi Hòa Sơn
Đã cho ta những trái sim tím lòng 
Cám ơn Sông Lốt xanh dòng
Đã cho ta tách trà phong lan rừng.
 
Từng chiều trên bến Cây Sung
Ta nhìn ta bóng lung linh hao gầy
Rừng già lớp lớp khói mây 
Lắng nghe vượn hú trên cây sao buồn
Hoẳng kêu cọp rống voi hờn
Lạnh từng tiếng sói cô đơn gọi đàn
Đại ngàn hoang mạc hòa tan
Trong ta tịch tịnh tâm an mở bừng.
Chiều chiều qua bến Cây Sung
Sống đời ẩn dật vui cùng cỏ cây!
Bao năm bao tháng bao ngày
Ngoài vòng cương tỏa áng mây giữa trời.
 Vinh Hồ
Làm tại Hòa Sơn.
3/1991

Bài thơ diễn tả tậm trạng của 1 người tù vừa trở về và phải sống ẩn dật chờ thời và tìm đến thiên nhiên, núi rừng nhưng vẫn chí khí , khí tiết của người ẩn sĩ:
 
"Vác xe qua bến Cây Sung
Hòa Sơn tím ngắt một vùng hoang vu
Bên này Hòn Thượng sương mù
Bên kia Giồng Cốc khói thu xây thành
Giữa rừng núi một chòi tranh
Một mình một cõi năm canh ngáy khò
Bạn cùng tùng hạc mai cò
Bước cao bước thấp tự do khôn cùng."
Tác giả vẽ nên 1 bức tranh thuỷ mặc đẹp vô cùng nhưng lồng trong đó là hình ảnh người ẩn sĩ đã ẩn mình cùng với thiên nhiên cây cỏ nhưng an nhiên tự tại " bước cao bước thấp tự do khôn cùng" .. Điệp khúc lặp đi lặp lại qua bến Cây Sung như là bài hát của người sống ẩn dật nhưng không bi quan, nhụt chí . 
VH viết :
 
" Đôi bờ cô tịch tâm tình cùng ta
Lắng nghe sương khói giang hà
Nửa đêm thiền định, chiều tà nghêu ngao
Đêm hư huyễn, ngày chiêm bao
Hoa bằng lăng tím xanh xao nỗi buồn
Cám ơn rừng núi Hòa Sơn
Đã cho ta những trái sim tím lòng 
Cám ơn Sông Lốt xanh dòng
Đã cho ta tách trà phong lan rừng."

Từng chữ, từng câu đắc địa, tiêu dao thiền định để quán chiếu cuộc đời. Thật là tuyệt vời, thật là khí phách. Thi nhân cám ơn đời, cám ơn thiên nhiên, cám ơn dòng sông, cám ơn trái sim, cám ơn tách trà phong lan rừng . Đọc câu "Nửa đêm thiền định, chiều tà nghêu ngao.  Đêm hư huyễn, ngày chiêm bao. Hoa bằng lăng tím xanh xao nỗi buồn " Nỗi buồn của kẻ sĩ, của người sĩ quan xưa nay mất súng, của thi nhân mang nặng tấm lòng với quê hương đất nước . Đọc đi đọc cả bài thơ nhiều lần ta càng say đắm chữ nghĩa, ngôn từ, ý tứ sâu xa, đắc địa , thật chẳng thể có từ nào đủ để chia sẻ, say mê, hâm mộ ...
Thi sĩ Vinh Hồ viết rất nhiều thơ từ ngày ông còn rất trẻ khi học trung học đến bây giờ sắp tuổi về hưu, từ trong tù cải tạo ra đến hải ngoại , từ thơ Đường Luật đến thơ lục bát, thơ tự do, bài nào cũng hay cũng sâu sắc, chứa đựng tâm hồn của người lính, của thi nhân chân chính, nhưng tôi thích nhất là bài " Sống Ẩn Dật Tại Hoà Sơn " này, có lẽ vì tôi cũng có 1 người cha từng đi tù cải tạo trở về và cũng ẩn dật, ẩn sĩ nhưng ung dung tự tại, khảng khái với cuộc đời . 
Hãy đọc khổ cuối của bài thơ đặc sắc này :
 
" Từng chiều trên bến Cây Sung
Ta nhìn ta bóng lung linh hao gầy
Rừng già lớp lớp khói mây 
Lắng nghe vượn hú trên cây sao buồn
Hoẳng kêu cọp rống voi hờn
Lạnh từng tiếng sói cô đơn gọi đàn
Đại ngàn hoang mạc hòa tan
Trong ta tịch tịnh tâm an mở bừng.
Chiều chiều qua bến Cây Sung
Sống đời ẩn dật vui cùng cỏ cây!
Bao năm bao tháng bao ngày
Ngoài vòng cương tỏa áng mây giữa trời."

Hãy đọc đi đọc lại và nhâm nhi tách trà để thấm thía từng chữ, từng lời, từng câu, từng ý, để hiểu biết, để học hỏi, để cầu tiến, để hướng thượng, để chia sẻ cùng thi nhân " trong ta tịch tịnh tâm an nở bừng " và " ngoài vòng cương toả áng mây giữa trời " . Người sĩ quan, người lính VNCH dẫu có mất súng, dẫu bị tù đày , dẫu phải ẩn dật, lưu đày ngay trên quê hương của mình thì vẫn khảng khái, an nhiên tự tại và tin tưởng vào 1 ngày mai của dân tộc Việt Nam sẽ có tự do dân chủ phú cường thì sá chi những thử thách của đời thường, của những nhiễu nhương, ganh tỵ, ác độc tầm thường . Cám ơn thi sĩ Vinh Hồ đã cống hiến cho đời một bài thơ thật là mộc mạc, chân thật nhưng sâu xa, sâu sắc.
Orlando ngày 30 tháng 3 năm 2015

***
Phụ lục của bài Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi
Côn Sơn ca 崑山歌 • Bài ca Côn Sơn
 Nguyễn Trãi » Ức Trai thi tập » Thơ làm trong thời ở ẩn tại Côn Sơn
 
崑山歌 
崑山有泉, 
其聲冷冷然, 
吾以為琴弦。 
崑山有石, 
雨洗苔鋪碧, 
吾以為簞席。 
岩中有松, 
萬里翠童童, 
吾於是乎偃息其中。 
林中有竹, 
千畝印寒綠, 
吾於是乎吟嘯其側。 
問君何不歸去來, 
半生塵土長膠梏。 
萬鐘九鼎何必然, 
飲水飯蔬隨分足。 
君不見:董卓黃金盈一塢, 
元載胡椒八百斛。 
又不見:伯夷與叔齊, 
首陽餓死不食粟? 
賢愚兩者不相侔, 
亦各自求其所欲。 
人生百歲內, 
畢竟同草木。 
歡悲憂樂迭往來, 
一榮一謝還相續。 
丘山華屋亦偶然, 
死後誰榮更誰辱。 
人間箬有巢由徒, 
勸渠聽我山中曲。
 
Côn Sơn ca 
 
Côn Sơn hữu tuyền, 
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên, 
Ngô dĩ vi cầm huyền. 
Côn Sơn hữu thạch, 
Vũ tẩy đài phô bích, 
Ngô dĩ vi đạm tịch. 
Nham trung hữu tùng, 
Vạn lí thuý đồng đồng, 
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung. 
Lâm trung hữu trúc, 
Thiên mẫu ấn hàn lục, 
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc. 
Vấn quân hà bất quy khứ lai, 
Bán sinh trần thổ trường giao cốc ? 
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên, 
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc. 
Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ, 
Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc. 
Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề, 
Thú Dương ngạ tự bất thực túc ? 
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu, 
Diệc các tự cầu kì sở dục. 
Nhân sinh bách tuế nội, 
Tất cánh đồng thảo mộc. 
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai, 
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục. 
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên, 
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục. 
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ, 
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
 
 Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ. 
Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng hồ Ngọc hác tập của Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình. 
Bản dịch của (Không rõ)
 
Côn Sơn suối chảy rì rầm, 
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. 
Côn Sơn có đá rêu phơi, 
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm. 
Trong ghềnh thông mọc như nêm, 
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm. 
Trong rừng có bóng trúc râm, 
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn. 
Về đi sao chẳng sớm toan, 
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi ? 
Muôn chung chín vạc làm gì, 
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi. 
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời, 
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan. 
Lại kia trên núi Thú San, 
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu. 
Hai đàng khó sánh hiền ngu, 
Đều làm cho thỏa được như ý mình. 
Trăm năm trong cuộc nhân sinh, 
Người như cây cỏ thân hình nát tan. 
Hết ưu lạc đến bi hoan, 
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay. 
Núi gò đài các đó đây, 
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh. 
Sào, Do bằng có tái sinh, 
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh
 
Côn Sơn có khe, 
Tiếng nước chảy rì rầm. 
Ta lấy làm đàn cầm. 
Côn Sơn có đá, 
Mưa xối rêu xanh đậm, 
Ta lấy làm chiếu thảm. 
Trên núi có thông, 
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng, 
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong. 
Trong rừng có trúc, 
Nghìn mẫu in biếc lục, 
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc. 
Ngươi sao còn chửa về đi! 
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc, 
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì? 
Nước lã, cơm rau miễn tri túc, 
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà? 
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc? 
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề? 
Thú Dương chết đói không ăn thóc? 
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu, 
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục. 
Người đời trong trăm năm, 
Rốt cuộc như thảo mộc. 
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau, 
Một tươi một héo vẫn tương tục. 
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên, 
Chết rồi ai vinh với ai nhục? 
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do, 
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
 
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-Nhà thơ Du Tử Lê:

Đi Tìm Chỉ Dấu Chân Dung Thơ Vinh Hồ

Vinh Hồ là bút hiệu của Hồ Văn Thinh, một cựu tù nhân chính trị từng viết văn, làm thơ từ quê nhà, những năm giữa thập niên 60.
Ở điểm khởi hành cách đây trên hai mươi năm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy đa số thơ của Hồ, lại là thơ Đường luật. Dù cho Vinh Hồ dùng chiếc bình cổ, để chứa đựng những lượng rượu mới. Sự mới mẻ thấy rõ, từ cách dùng chữ, cho tới hình ảnh (và,) suy tưởng.
Thí dụ:
Bụng mang, gồng gánh dòng di tản
Trẻ dại, đành cam phận nhọc nhằn.
 Hoặc:
 Hỏi bao ngôi mộ không người nhận
Và những thương binh chẳng kẻ thăm.
 
   Hoặc nữa:
Khuya lắm cũng không biết mấy giờ?
Sạp tre, chòi rạ, ngọn lu lơ.
Một người chẳng ngủ hay tằng hắng…
 
Tôi rất thích chữ (và, hình ảnh) do hai chữ lu lơ gợi lên, đem lại.
 Đó là những chữ nghĩa, những hình ảnh khá xa lạ, nếu không muốn nói có phần “dị ứng” với khí hậu, đất đai Đường Thi.
Nhưng tôi vẫn không thể tự lý giải: hiện tượng nghịch đảo này. Nếu Vinh Hồ không tâm sự: Thói quen làm thơ Đường luật, họ Hồ có từ những năm, tháng tù đày. Những năm tháng bị dẫn, lùa từ trại tù này, tới trại tù khác. Kẻ thua trận, người cựu sĩ quan trẻ tuổi của QL/VNCH cũ, đã quyết định chọn thể thơ Đường luật cho mình, như chọn nẻo sống, còn. Vì,  Đường luật chỉ có 8 câu. Vì  Đường luật là, biền ngẫu, là đối xứng. Nên, dễ nhớ! Đứa con của Khánh Hòa, người cựu tù nhân chính trị, lớn lên từ nắng, gió Ninh Hòa, kể:
“Chính thơ Đường luật đã là những dưỡng chất tinh thần, nuôi Vinh Hồ, những ngày lao lý, khổ ải…”.
Nhưng, khi bước qua thơ mới, Hồ lại cho thấy một Vinh Hồ khác. Một bản ngã khác.
Khả năng phân thân hay hay, bản ngã thi ca thứ hai kia, ở Vinh Hồ, cũng triệt để kiếm tìm nhịp đi, cũng mạnh mẽ thả rơi tâm, thân vào những khoảng sâu thăm dò âm hưởng, chênh vênh; bất trắc, thử nghiệm…
Thí dụ:
 Một ngày chậm chạp trôi qua
 Như tiếng thở dài của thời gian vĩnh cửu
 Ngày lãnh đạm / vô tình / vô tâm
 Nhưng rất thật
 Hoặc:
 Hãy nghe anh hát
Lời ru nước mắt
 Thôi một lần…
 
Hoặc nữa:
Khi tôi sinh ra
Không có ngôi sao nào xuất hiện
Bầu trời tối đen, màn đêm thắt nghẹn
Trên chõng tre già
Không bà mụ cắt nhau
Cha tôi đã bị bắt dẫn đi rồi
Còn trơ trọi đôi trâu cày ngơ ngác.
 …
Theo tôi, những chân thật tới não lòng, thể hiện qua những hình ảnh tương phản, sắc lẻm, cũng tới buốt, nhức xương, gân…, là những chỉ dấu làm thành thẻ nhận dạng chân dung thơ Vinh Hồ. 
Vẫn theo tôi, ngoài những chỉ dấu đó, nếu bạn đọc bắt gặp trong thơ Hồ những cái rất mới, chân chất, hiền lành nằm bên những cái rất mộc mạc, rất đơn sơ; thì, đó cũng là những nét đặc thù của tấm thẻ nhận dạng Vinh Hồ vậy.
Thành tựu đầu tiên của một tiếng thơ, tôi vẫn nghĩ, không ở nơi tiếng thơ ấy tối tăm cao siêu, hay vĩ đại triết lý; (mà, ) đòi hỏi thứ nhất, cho chính nó, phải là một thẻ nhận dạng; một I.D., để y không thể là kẻ khác; trước khi y cùng kẻ đồng hành, đặt chân lên chuyến tầu, đi tới xa, thẳm…
Và, đáng nói biết bao, Vinh Hồ đã có được cho mình, tấm thẻ nhận dạng đó.
Du Tử Lê
(California, Jan. 99
------------------------------------------------------------------------------------------------
Nhà thơ/Văn Trần Hoài Thư:

Đọc “Thơ Vinh Hồ”

Tập thơ gồm hai phần. Phần một gồm những bài thơ Đường luật mà tác giả gọi là Đường luật Vinh Hồ. Phần hai gồm những bài thơ mà theo anh, là những bài thơ mới.
Dù Đường luật hay thơ mới, vẫn là những trăn trở, những đau thương, cay đắng, si dại cùng với nỗi đôn hậu rất thật thà của từng trang lòng của anh. Làm sao không si dại khi tình yêu như thế này:
Tim anh, tim anh ngục tù
 Yêu em, yêu em đến mù lòa thôi
 Ôi! Yêu chi cho xa người
Yêu chi cho tan hoang đời chung thân?
 
Tình yêu là một điệp khúc bất tử. Hạnh phúc thay cho những người được yêu nhau và được gần nhau. Nhưng chắc chắn nỗi hạnh phúc này sẽ không bao giờ quên được, vô lượng lắm, yêu dấu lắm, khi em đến thăm một chiều cuối năm, em ở trong rừng, và anh trốn trại tù, vào rừng:
 
Em đến thăm một chiều cuối năm
Nằm bên người tù trong đêm lặng lẽ
Nghìn nỗi nhớ thương mắt em nhòa lệ.

Xin cho ta ghép kín đôi tim
Xin cho ta đốt cháy môi hôn
Để lòng em vơi đi niềm khổ lụy
Và hồn ta được khóc giữa ăn năn.
 
Chỉ xin trích những câu như trên để càng hiểu về cái tài hoa của Vinh Hồ. Anh sinh năm 1948. Anh vào quân đội năm 20 tuổi. Anh thuộc thế hệ chiến tranh như chúng tôi. Nhưng anh khác với hầu hết nhà thơ thuộc thế hệ, khi anh làm rất nhiều bài thơ Đường, một loại thơ mà chúng tôi chẳng mấy thích thú gì, bởi những vần luật quá khe khắt, trong khi cuộc sống của chúng ta bị hụt hẩng, cuống cuồng, hối hả, trong khi những bài thơ của chúng tôi là những trang chúc thư. Cái tài hoa kia càng bội phần khi anh thổi vào loại thơ này một bầu khí hậu mới, xanh mát hơn, sáng tạo hơn và đầy thi tính hơn. Chẳng hạn câu thứ hai của đoạn thơ sau:
Qua bến Cây Sung tắt nắng rồi
Mặt trời thổ huyết chết trên đồi.
Đường rừng sụp sữ trăng non đợi
Bóng núi nặng nề sương muối rơi.
 
 Nhưng, có lẽ những bài thơ dài và tự do, viết về những năm tháng tù tội của anh, là những bài thơ xúc động nhất. Tôi muốn nói đến những bài thơ của một ông đạo:
Một rẫy mì lúa mọc giữa khu rừng hoang dã
Mai đây mùa đông rét mướt sẽ tới
Lũ thú rừng sẽ có cái đỡ lòng
Con chim bay ngang ngửng cánh nhìn xuống
Người tù chống cuốc trông lên
Suy nghĩ, cười
Nụ cười khô khốc.
(Một ngày trong trại GK3)
 hay:
Chiều nay nười tù vác bó lồ ô
Như thường ngày ghé qua cây đại tuế
Cây đứng thẳng ném tàng xanh vào mây trời
Và thả hạt trần bay khắp núi non.
 
Trên số Văn Học tháng 7, 1999, qua bài Về Chuyện Mới… Cũ, tác giả Nhược Trần nhận định rằng: “bằng mọi cách, mỗi người Việt chúng ta, tự mình, phải khắc phục và triệt để giải thoát văn học nghệ thuật ra khỏi nỗi ám ảnh khốc liệt của con ma chính trị và quá khứ”. Không biết người viết có bao giờ sống trong bóng đêm như thế này không:
 
Chiều nay người tù về trại
Bóng đêm leo qua cửa sổ
Bóng đêm dày đặc trong phòng
Tù nhân san sát tù nhân
Ba gang tay chiều rộng
Lồ ô, nứa cây rừng
-Bây giờ là bao giờ?
Có tiếng tắc kè kêu lên từng tiếng một
Có tiếng kéo cơ bẩm khô dòn
Có tiếng hỏi ai cụt ngủn rơi vào đêm đen.
-Bây giờ là bao giờ?
Không ai trả lời
Không ai hút thuốc
Không ai xin lửa
Không ai trở mình
Không ai thở
Tất cả đã chết hết rồi chăng?
 
Và đây là câu trả lời:

Ông Đạo Khiết
Thời gian trôi qua lâu rồi
Thế giới đổi thay
Vạn vật đổi thay
Chỉ có chiếc cầu còn đứng bên dòng đời
Đó là hồn tôi, tim tôi, trí óc tôi
Đã từng bị đánh đấm, tra tấn, hạch hỏi
Bầm giập, mưng mủ, lở lói
Suốt mười tám năm trời
Vết thương vẫn còn tấy đỏ hằn sâu
Hễ có dịp là nhỏ máu rên rỉ
Đau nhức, quằn quại
Nỗi buồn còn nguyên vẹn như xưa
Nơi những gì đã hiện hữu, trần truồng
Phi lý và ghê tởm
Có ông, có tôi, có bạn bè già trẻ lớn bé
Trong cả hai tầng địa ngục

Ngoài hai tầng địa ngục thênh thang kia
Còn có những tầng nào?
Còn có những tầng nào?
Mà tôi chưa hề biết.
 
 Khi đọc xong bài thơ này, tôi rưng rưng. Nửa đêm tôi gọi anh. Tôi phải cám ơn anh vì anh đã trả lời thay dùm tôi.
Trần Hoài Thư
 (Trích http: //saigonline.com/tht/vinhho1.htm ngày 30/7/1999
 

 
 

 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập