VINH HỒ




Chó Trong Thi Ca Việt Nam
              (Bài sưu tầm)

Chó có mặt rất sớm trong nền thi ca Việt Nam.
-Thi hào Nguyễn Trãi: có nhắc đến con chó vằn trong bài thơ 'Thủ vĩ ngâm' trong Quốc Âm Thi Tập:
Thủ vĩ ngâm:
Góc thành Nam lều một căn.
No nước uống, thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dường ai quyến,
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải.
Góc thành Nam lều một căn.
                      Nguyễn Trãi
 
-Vua Lê Thánh Tông: làm nguyên 1 bài thất ngôn bát cú mang tên "Chó Đá" đầy khẩu khí hào hùng:
Chó Đá
Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ
Cửa nghiêm chem chẻm một mình ngồi
Quản bao sương tuyết nào chi kể
Khéo dử cao lương cũng chẳng nài
Mặc khách thị phi giương cháo mắt
Những lời trần tục biếng vào tai
Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng
Bền vững ai lay cũng chẳng rời.
                          Lê Thánh Tông
 
-Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Trong các bản Sấm ký của Trạng Trình dịch ra quốc ngữ thì bản của Sở Cuồng là sớm nhất in trong Quốc học tùng thư (Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1930, in tại nhà in Trịnh Văn Bích). Xin trích 3 đoạn trong bản Sấm ký này có nhắc đến Chó vẫy đuôi như sau:
Khỉ ôm con ngồi khóc
Gà chuồng vỡ tổ bay
Chó vẫy đuôi mừng thánh chúa
Lợn ăn no ngủ cả ngày.
(Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
 
-Thi hào Nguyễn Du:
Trong Kiều có 4 câu nhắc đến Khuyển loài chó săn đi bắt Kiều:
-Khuyển Ưng đã dắt mưu gian,
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
-Giã đò, lên trước sảnh đường,
Khuyển, Ưng, hai đứa nộp nàng dâng công.
                         (Kiều- Nguyễn Du)
 
Thi hào Nguyễn Du từng làm nguyên 1 bài thơ để thương tiếc chó:
Điệu khuyển
Tuấn mã bất lão tử,
Liệt nữ vô thiện chung.
Phàm sinh phụ kỳ khí,
Thiên địa phi sở dung.
Niệm nhĩ thuộc sở súc,
Dữ nhân mao cốt đồng.
Tham tiến bất tri chỉ,
Vẫn thân hàn sơn trung.
Vẫn thân vật thán uyển,
Sổ thí vô toàn công.

Nguyễn Du (Nam Trung tạp ngâm)
 
Bài dịch:
Điếu Con Chó Chết
Ngựa hay không chết lão
Liệt nữ chẳng chết an
Phàm khí phách khác thường

Đất trời không chỗ dung
Thương chó loài gia súc
Như người cùng thịt xương
Không lùi, chỉ biết tiến
Bỏ thân nơi núi sương
Bỏ mình nào than tức 
Thử sức vô toàn công.
        Vinh Hồ tạm dịch
 
Thi hào Nguyễn Du có lòng nhân ái thương người, thương vật, đã nhắc đến chó qua 1 bài thơ chữ Hán:
Tam Giang Khẩu Đường Dạ Bạc
Tây Việt trùng sơn nhất thủy phân
Lưỡng sơn tương đối thạch lân tuân
Viên đề thụ diểu nhược vô lộ
Khuyển phệ lâm trung tri hữu nhân
Tứ vọng vân sơn nhân độc lão
Ðồng chu Hồ Việt các tương thân
Thập niên dĩ thất hoàn hương lộ
Nả đắc gia hương nhập mộng tần.

                            Nguyễn Du
Bài dịch:
Ðêm đậu thuyền ở cửa sông Tam Giang
Tây Việt trùng sơn, nước xẻ đôi,
Đá chồng... hai ngọn núi chơi vơi.
Vượn kêu cây rậm dường không lối,
Chó sủa rừng sâu biết có người.
Bốn phía núi mây, người độc lão,
Cùng thuyền Hồ Việt, ta thân thôi.
Mười năm quên mất đường về cũ,
Giấc mộng quê xưa cũng rối bời?

                       Vinh Hồ tạm dịch
 
-Thi sĩ Cao Bá Quát: Sau cuộc nổi dậy thất bại, các tác phẩm của ông đã bị thu đốt, cấm tàng trữ lưu hành nên bị thất lạc, hiện chỉ còn 4 thi tập trên 1,000 bài thơ (có cả văn xuôi) được viết bằng chữ Nôm lẫn Hán. Cao Bá Quát khinh kẻ quỳ gối khom lưng. Năm 1850, bị đày đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây xa xôi hẻo lánh, Ông viết 2 câu đối dán ngoài nhà học đầy khinh bạt:
 
Nhà dột một hai gian, một thầy, một cô, một chó cái .
Học trò năm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
                                   Cao Bá Quát



-Nhà thơ Nguyễn Khuyến: có hai câu thơ tuyệt bút mô tả tiếng chó sủa giữa làng quê mộc mạc trong bài sau:

Đến Chơi Nhà Bác Đặng
Gậy men ngõ trúc dạo đường quai,
Quá bước lên nhà bác Đặng chơi.
Một lũ tóc râu đều tuổi tác,
Nửa phần làng xóm đã thay dời.
Trâu già gốc bụi phì hơi nắng,
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
Ngửa mặt ông kia chơi mới khỏe,
Suốt hôm một sáo thổi lưng trời.

                   Nguyễn Khuyến
 
Cụ Tam nguyên Yên Đổ có biệt tài làm câu đối Tết, có nụ cười châm biếm nhẹ nhàng hóm hỉnh, có lối chơi chữ rất cao tay như mất chó/nằm mèo sau đây:
Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.

                          Nguyễn Khuyến
 
-Nhà thơ trào phúng Tú Xương: hết cười nỗi trước cảnh nghèo của mình, nếu có cười thì cũng thật chua chát, cười ra nước mắt như bài Ông Cò có nhắc đến con chó sau đây:
Ông Cò
Hà Nam, danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hỏi mái trống toang đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo.
Ngớ ngẩn đi xia, may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!
                          Trần Tế Xương
 
Bài sau đây lại càng cay đắng:
Gái Góa Nhà Giàu
Ta thấy người ta vẫn bảo rằng:
Bảo rằng thằng Cuội ở cung trăng
Cõi đời cũng lắm nơi thanh quý
Chị Nguyệt dung chi đứa tục tằn
Mình tựa vào cây, cây chó ỉa
Chân thò xuống giếng, giếng ai ăn
Con người như thế mà như thế
Như thế thì ra nghĩ cũng xằng.
                    Trần Tế Xương
 
-Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883): quê Gia Định mô tả con chó già phản ảnh 1 giai đoạn lịch sử VN bi thương thời ông bị Tây xâm chiếm:
Con Chó Già
Tuy rằng muông cẩu có ân ba
Răng rụng lâu năm nó phải già
Bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối
Vì lo khỉ Sở mới dun da
Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo
Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà
Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở
Bây giờ yếu đuối hết xông pha.

                 Huỳnh Mẫn Đạt
 
-Học Lạc Nguyễn Văn Lạc (1842-1915): quê Mỹ Tho, có bài Chó chết trôi:
Chó chết trôi
Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện xác còn phơi lẩn dẩn
Thúi tha danh hãy nổi lều bều.
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép,
Đưa đón lao xao lũ quạ diều.
Một trận gió dồn cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.

          Học Lạc Nguyễn Văn Lạc


-Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888): tả cảnh lụt chó ngồi giường cao:
Nước lụt
Trời mưa từng trận gió từng hồi,
Thế giới bao nhiêu nước khỏa rồi.
Lũ kiến bất tài đòi chỗ bợ,
Đấu bèo vô dụng kết bè trôi.
Lao xao rừng cụm nghe chim chíp,
Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi.
Nỡ để dân đen trên gác yếu,
Này ông Hạ Vũ ở đâu ôi!

              Nguyễn Đình Chiểu
 
-Ông già "Bến Ngự” Phan Sào Nam: bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế có nuôi 2 con chó tên là Vá và Ky. Khi chó chết, Cụ dựng bia tỏ lòng thương tiếc. Ngày nay đến Huế thăm mộ cụ Phan, phía dưới chân mộ có 6 tấm bia mộ của hai con chó này:
-Con Vá mất năm 1934: mộ dựng tấm bia khắc 7 chữ Hán "Nghĩa dũng cẩu con Vá chi trủng". Thêm 1 bia chữ Hán và 1 bia chữ Quốc ngữ. Bia chữ Quốc ngữ ghi như sau:
"Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó".
 
-Con Ky chết năm 1937: mộ dựng tấm bia khắc 6 chữ Hán: “Nhân trí cẩu ‘Ki’ chi trủng”. Thêm 1 bia chữ Hán và 1 bia chữ Quốc ngữ. Bia chữ Quốc ngữ ghi như sau:
"Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí ; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con KY nầy lại đủ hai đức ấy.
Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó.
Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ thiệt là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.
Mầy sao vội chết !
Hỡi trời ! Hỡi trời !
Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá ! Đau đớn quá !
Kia những hàng muông người."
 
Bia khắc chữ Hán của con Ky có đoạn:
Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ! Thiên hồ! Nhữ nãi bất thọ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.” Nghĩa là:
"Nhân mà trí, loài vật như mày lại được như thế! Trời ơi! Trời ơi!. Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày. Ai kia là người mà lại là thú đấy, chẳng thể sánh với mày được."
Qua đó, chúng ta thấy cụ Phan trong những năm hiu quạnh trong căn nhà tranh ở bến Ngự trơ trọi không vợ con, họ hàng thân thích, chỉ có 2 con chó làm bạn, khi  2 con chó mất, cụ vô cùng đau buồn thương tiếc và cay đắng trước thói đời đen bạc. Cả 1 đời xả thân cho đất nước mà đáp lại là những hạng "muông người!” mặt người lòng thú luôn rình rập mưu hại, có kẻ đã bán cụ cho Pháp, có kẻ theo lệnh Tây do thám Cụ suốt ngày đêm.
 
-Nhà thơ/nhà báo Nguyễn Vỹ: nổi tiếng với bài "Gửi Trương Tửu" xin trích một đoạn:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó.
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết
Mà thương cho tôi thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh! (...)
                          Nguyễn Vỹ
 
-Nhà thơ Bùi Giáng: nổi tiếng mới mẽ trong suy tưởng và ngôn ngữ thơ, trong bài sau nhắc đến chó có nụ cười chọc ghẹo kín đáo trong nghệ thuật nói lái: cồn lau, cỏ lách, bận liều:
Bờ Trần Gian
Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Đứng trong vườn lá chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ
 
Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều
                         Bùi Giáng
 
-Thơ tình Nguyên Sa: mới mẽ làm say mê biết bao tuổi trẻ đang yêu, dưới ngòi bút của thiên tài, con "chó ốm” và “đôi mắt cá ươn” trở nên độc đáo, lãng mạn, đáng yêu lạ thường, xin trích vài câu trong bài “Nga” - đã được ca/nhạc sĩ Duy Quang sáng tác và trình bày.
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển...

          (trích bài Nga, thơ Nguyên Sa)
 
-Nhà thơ/nhà biên khảo Phạm Công Thiện: có làm 4 câu thơ thật hay, hình ảnh con chó trở nên quá dễ thương:
Thân anh như con chó
Treo bảng bán chợ chiều
Một lần em qua đó
Con chó đứng nhìn theo...

           Phạm Công Thiện
 
-Nhà thơ Hà Huyền Chi: từng viết lời cho nhạc phẩm Lệ Đá, cũng có nhắc đến chó:
Đêm Điên
Một ngày vô vị trôi qua
Tưởng đâu trái đất thêm già ngàn năm
Một giờ trống lạnh mù tăm
Tưởng đâu bốn biển đóng băng cả rồi
Thót lên xe chó ta ngồi
Hướng về quê mẹ ra roi điên khùng.
                       Hà Huyền Chi

-Nhà thơ tự do Tô Thùy Yên: nổi tiếng với các bài bài thơ luật trường thiên như bài "Ta Về". Trong thi tập Thắp Tạ, hình ảnh con chó được nhắc đến trong bài Mùa Hạn gần 50 khổ, làm trong trại tù Nghệ Tĩnh năm 1979:
Làng mạc giờ đây đã trống trơn
Con dê con chó cũng không còn
Người đi bỏ xác nơi bờ bụi
Miếu sạt, thần hoàng rũ héo hon

Em đứng lại, khóc cựu tình sơ ngộ
Nghe hồn con chó nhỏ quấn mừng em.

(trích trong Thắp tạ của Tô Thùy Yên)
 
-Nhà thơ Hoàng Lộc: cũng đưa con chó vào thơ tù:
Bài Thơ Tình Trong Tù
mồ tổ nhà em, loài bất nghĩa
hai năm lòng cũng đủ quên rồi
ta như con chó không buồn sủa
chỉ gầm gừ ngó cuộc tình trôi!
             (thơ Hoàng Lộc 1977)
 
 
-Thi sĩ Chu Vương Miện: đưa con chó vào thơ rất chân thực, trần trụi:
Chuyện Ta Chuyện Mình
vô tội thì lội xuống sông
hữu tội đứng chán chổng mông mà gào
trong thơ hoa mận hoa đào
trong đời chó cắn mèo cào sứt da
chuyện đàn ông chuyện đàn bà
chuyện người chuyện ngợm chuyện ta chuyện mình
               (Thơ Chu Vương Miện)
 
-Nhà thơ Quan Dương: người Ninh Hòa, tác giả của 3 thi tập, nhắc đến hình ảnh con chó rất ngộ nghĩnh trong bài Đợi Khuya Tàn, xin trích 1 khổ:
Ai bảo em biến tôi thành trẻ nhỏ
Để tôi mơ đủ thứ chuyện trên đời
Mơ thân thể thơm mùi hương khám phá
Chạy săn tìm như con chó đánh hơi
                     (thơ Quan Dương)
 
-Kết:
Ba ngày Tết ngồi đọc các vần thơ dính dáng đến chó thật thích thú!
Chó góp mặt từ thơ Nguyễn Trãi đến hiện đại, có nhiều câu/bài tuyệt bút. Chó được ca ngợi hay không, tùy tâm trạng mỗi tác giả.
Thật tội nghiệp con chó VN! Ngoài đời thì bị ăn thịt, trong thơ thì bị khinh rẻ.
Bởi người dân VN khổ đau quá nhiều, khổ đau tận cùng, qua suốt chiều dài lịch sử. Con chó cùng chung số phận đã trở thành biểu tượng đau thương của đời sống, lịch sử.
Có vài nhà thơ lãng mạn như Nguyên Sa từ Pháp về thay đổi cái nhìn, hình ảnh con chó trở nên thơ mộng. Đặc biệt thiên tài thi ca Nguyễn Du với trái tim nhân ái đã làm nguyên 1 bài thơ (Điệu Khuyển) thay cho bài điếu văn ngày con chó qua đời.
Người thứ hai là nhà thơ/nhà cách mạng Phan Bội Châu đã chôn cất, đặt bia mộ và tạc bài điếu văn khóc hai con chó bằng 2 ngôn ngữ.
Hình ảnh con chó sẽ tốt đẹp hơn trong thi ca một khi đời sống con người được thăng tiến về vật chất lẫn tinh thần.
Năm Tuất xin mượn câu tục ngữ:
"Chó đến nhà thì sang"
để thay lời chúc Xuân tốt lành gởi đến mọi người.
 
VINH HỒ
(sưu tầm)
Tham khảo:
-Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó
của Nguyễn Cẩm Xuyên
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19144
-Thơ trích dẫn sưu tầm từ NET.
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập