BAN BIÊN TẬP
Trân trọng giới thiệu

Tác Phẩm Mới
HẠ ĐỎ LÊN TRỜI
của nhà thơ: Nguyễn An Bình

Tập thơ " HẠ ĐỎ LÊN TRỜI" đã chính thức phát hành ngày 31-07-2018.
Sách dầy 132 trang, 2 phụ bản màu tuyệt đẹp, trình bày thật trang nhã do NXB HỘI NHÀ VĂN cấp phép giá 70.000đồng.
Tập thơ là những tình cảm và biết bao hoài niệm của thời áo trắng về hai ngôi trường PHAN THANH GIẢN và ĐOÀN THỊ ĐIỂM thành phố Cần Thơ ngày xưa, với lời giới thiệu của nhà thơ TRẦN HOÀNG VY(Tây Ninh) và những nhận xét ngắn về thơ Nguyễn An Bình của các bằng hữu NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG(Đồng Nai), LÊ NGỌC TRÁC(Bình Thuận), NGUYỄN NGỌC TUYẾT(Cần Thơ).
Các bạn yêu thơ xin liên hệ qua mail của tác giả: luongmanh2106@gmail.com hay inbox cho tác giả qua facebook Nguyễn An Bình.


 
 
Lời giới thiệu của nhà thơ TRẦN HOÀNG VY về tác phẩm

HẠ ĐỎ, TẬP THƠ ĐONG ĐẦY CẢM XÚC TINH KHÔI MỘT THUỞ HỌC TRÒ...
*Trần Hoàng Vy
 
49 bài thơ, 2 bài thơ phụ bản và 3 bài thơ phổ nhạc trong tập thơ HẠ ĐỎ, của cựu thầy giáo Lương Mành, bút danh NGUYỄN AN BÌNH, gửi thầy cô giáo và những bạn bè đồng môn cũ của 2 ngôi trường nổi tiếng xứ “Gạo trắng nước trong- Cần Thơ” là Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm trong những năm từ 1972 đến 1975 đã đưa bạn đọc về một khung trời thuở còn đi học với bao cảm xúc tinh khôi, bịn rịn đến không ngờ. Đó là khi chàng thư sinh Lương Mành bắt đầu những cảm nhận: “ Khi từ giả áo xưa mùa hạ cũ/ Em đã quên rằng sớm nhớ mưa chiều/ Ta bỏ lại tên mình trên ghế đá/ Hóa kiếp dế mèn hát khúc phiêu diêu.” ( Tháng năm đỏ những mùa phượng cũ). Cái hay và tinh tế của Nguyễn An Bình là đã kết hợp được tên một điệu ca cổ vào trong câu thơ, khiến người đọc cứ mang mang về một vùng sông nước, nơi ấy có những áo trắng học trò: “ Nếu có thể làm nhánh rong phiêu bạt/ Thỏa chút giang hồ lưu thủy hành vân/ Hàng trang mang theo một tà áo trắng/ Bướm trắng tan trường rộn rã bước chân” ( Tháng năm đỏ những mùa phượng cũ).
Từ những cảm xúc tinh khôi của thuở học trò ấy, thy sỹ đã cùng chúng ta ôn lại những miền ký ức xưa, khi trái tim non bắt đầu những nhớ, những thương: “ Nhớ tiếng ve rền trên cây bàng xanh lá/ Và tiếng em cười nghiêng cả nắng trưa...” cho dù “ Mai sau dù mất dấu hài/ Hàng cây nhớ gió bay bay suốt mùa” ( Gửi người một chút mưa thơm).
Cái thuở học trò của thy sỹ và cả của chúng tôi ngày xưa ấy, bây giờ tuổi đời đã vào hàng U 70, song vẫn luôn hằn sâu và cũng lắm mong manh của tình cảm: “ Mấy mươi năm phân rả thành bao nhánh nhớ/ Trôi đi trôi đi mang theo chiếc áo học trò/ Tinh khôi bỏ lại...” và “ Một thời qua đây ngẩn ngơ/ Nghe tiếng sẻ nâu trên tàng phượng cũ/ Năm tháng ùa về/ Mong manh mong manh.” (Tiếng sẻ nâu trong ngôi trường ký ức). Cái mong manh ấy, cụ thể là tình yêu của tuổi mới lớn, của lứa học trò từ những năm đệ... ngũ, đệ tứ (lớp 8, 9 ) trở lên? Cho nên mới: “Thuở ấy yêu nhau áo học trò/ Cánh diều no gió bay xa tít/ Còn lại một mình tôi ngẩn ngơ.” Để rồi: “Chiếc vé tình yêu giờ lạc mất/ Đường phượng xưa nào biết đâu tìm?” (Thơ của thời áo trắng). Phải chăng cũng chỉ là những giấc mơ êm đềm của những năm áo trắng sân trường! Gửi lại những vu vơ của vết hằn dao khắc và mối tình đầu như mưa như nắng: “Áo trắng ơi! Ngày xưa gởi lại/ Dãy hành lang lớp học bảng đen/ Bụi thời gian vẫn còn ghi mãi/Tên người yêu khắc góc bàn quen.” Và “Gởi cho nhau kỷ niệm tuổi hồng/ Tôi yêu mãi từng trang lưu bút/ Có tình đầu tôi thật dễ thương.” ( Thơ của thời áo trắng).
Hạ đỏ cái tên gọi của những biểu tượng trìu mến không quên, là mái trường xưa, là đường phượng hồng, là mù sương, nắng sớm, mưa chiều, song có lẽ, sự thảng thốt của trái tim lại nằm ở một làn hương, cái kẹp tóc: “Yêu mãi một làn hương/ Phía sau cây kẹp tóc/ Cánh phượng thành tơ vương/ Đỏ một trời tuổi ngọc.” ( Chợt gặp em năm 18). Đến một ngày nhận ra như là trong cổ tích? “Cô bạn nhỏ trong khu vườn cổ tích/ Vừa gặp cô tôi đã ngẩn ngơ tình/ Cô khù khờ sao tôi yêu muốn chết/ Chẳng lẽ vì tà áo trắng nguyên trinh?” ( Cô bạn nhỏ trong khu vườn cổ tích). Cổ tích của một thời xa xôi, lăng lắc, sao cứ mãi nhớ khôn khuây cái màu hạ đỏ trong đời.
Có lẽ chỉ đọc tới đây thôi, có độc giả lại thắc mắc hỏi tôi cái hình ảnh, chân dung của thy sỹ ở ngoài đời, ngoài thơ? Đó là một thầy giáo có vẽ ngoài mô phạm, đạo mạo, ít nói, song có nụ cười tươi dễ mến, cứ tưởng tượng thêm, ngày xưa... chắc hẵn là cậu học trò chăm học, chĩn chu và.... nhát? Không thế sao mà thy sỹ viết: “Em hồn nhiên một thời xanh tuổi ngọc/ Tôi vô tình để gió bụi xa đưa/ Ngày trở lại phượng sân trường rực lửa  / Không còn nghe rộn tiếng guốc em khua.” ( Mùa hè gõ cửa), và đây nữa: “Người con gái tròn xoe đôi mắt ngọc/ Nắng lung linh màu áo lụa sân trường/ Có gã khờ một hôm thèm được khóc/ Để mềm lòng cô bạn nhỏ dễ thương.” (Tháng ba không ở lại).
Vượt qua cái tuổi “Nhi nhĩ thuận”, Nguyễn An Bình có sức viết đáng nễ, hàng trăm bài thơ được tải lên trang Facebook của anh, và trong đó cũng có hơn trăm bài thơ được nhiều nhạc sĩ đồng cảm phổ thành ca khúc. “Thi trung hữu nhạc”. Thơ của thy sỹ Nguyễn An Bình đã chứng minh điều đó, lung linh như một bức tranh xưa, đầy âm thanh, nhạc điệu và man mác những tình cảm nhẹ nhàng, tinh khôi, được chắt lọc từ trái tim của một anh học trò, làm thầy, và quay lại “hồi tưởng” lứa tuổi thần tiên một thời đi học...
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bằng hữu, quý độc giả yêu thơ và lứa tuổi học trò tìm đọc, chắc chắn mỗi người sẽ nhìn thấy bóng hình của mình một thuở tinh khôi...
 
Springfield, mùa xuân 2018.
TRẦN HOÀNG VY


 
Một số bài thơ trong tập thơ HẠ ĐỎ LÊN TRỜI của Nguyễn An Bình










  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập