BAN BIÊN TẬP


Hân hạnh giới thiệu tác phẩm mới:
 
NGOẢNH LẠI PHÙ DUNG
 
Tác giả: NP PHAN

 
“Ngoảnh lại phù dung” là tập thơ gồm 67 bài thơ của tác giả NP phan (còn có bút danh Nhật Phong), một tác giả quen thuộc của các trang mạng văn chương trong và ngoài nước như Tiền Vệ, Da Màu, Văn Chương Việt, Sáng Tạo, Du Tử Lê, Tương Tri, Hai Bờ Giấy…
 
Sách dày 140 trang, 4 phụ bản màu
Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, tháng 5 năm 2017
Lời giới thiệu của nhà văn Mang Viên Long
Lời bạt của Nguyễn Hoa Lư
Tranh bìa: Đinh Cường
Phụ bản: Đinh Cường, Nguyễn Sông Ba
Trình bày bìa: Nguyễn Sông Ba
Giá bìa: 98.000 đồng
 
Liên lạc với tác giả: phanphan.np@gmail.com
Chủ tài khoản: Phan Phú
Số tài khoản: 0061001019109
Ngân hàng Vietcombank
Chi nhánh Khánh Hòa


Lời giới thiệu của nhà văn MANG VIÊN LONG:

NGOẢNH LẠI PHÙ DUNG
những ánh nhìn lại sâu thẳm và dào dạt cảm xúc

Cách đây hơn mười năm, tôi có chia sẻ trên trang Văn học của tuần báo Giác Ngộ (và một số trang mạng trong và ngoài nước) quan niệm của tôi về hai vấn đề “Thế nào là một bài thơ hay” và “Thử tìm mẫu số chung cho thơ” giữa bối cảnh các tác phẩm thơ đã được xuất bản ngày càng tăng, và nhất là, thơ đang đứng ở ngã ba đường, với nhiều quan niệm, trường phái, chủ trương sáng tác khác nhau… (Sau này, có in lại trong tập Tiểu luận và Tạp bút “Như những giọt sương” tập I - Nhà XB Hội Nhà văn - 2012).
         Hôm nay, qua ngần ấy thời gian theo dõi và đọc thơ, tôi vẫn giữ nguyên quan niệm về thơ của mình: Một bài thơ có chân giá trị phải hội đủ bốn yếu tố: Cảm xúc, Trí tuệ, Nhân bản và Kỹ thuật. Theo tôi, thơ  dầu là nhân danh “trường phái nào” đi nữa - cũng đều do “con người” viết ra cho “con người” đọc. Nhà thơ khao khát được giãi bày, tha thiết được tâm sự, sẻ chia - từ đó, có thơ. Người đọc mong ước được cảm nhận, học tập, cảm thông (…) tìm đến với thơ…
           Bốn yếu tố (hay điều kiện) này cũng đã được nhà thơ Dylan Thomas diễn giải một cách bay bướm như sau: “Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng, làm cho các móng chân của bạn lấp lánh, làm bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ, khiến bạn thấy rằng mình cô độc trong thế giới, rằng hạnh phúc, khổ đau của riêng mình đã được mãi mãi sẻ chia”. Hay nói đơn giản “Thơ là những gì đáng ghi nhớ trong cuộc sống” (William Hazlitt).
           Với cảm thức như vậy, trong hơn mười năm qua - tôi chỉ có dịp được đọc vài ba tập thơ mà mình kỳ vọng, ao ước - trong đó có tập “Ngoảnh lại phù dung” của NP phan.
           NP phan (còn có bút danh Nhật Phong) làm thơ không nhiều, thầm lặng, có cuộc sống nội tâm sâu lắng và sống hết lòng cho đam mê thơ ca như niềm an ủi không thể thiếu bên đời; hơn là để chia sẻ, phô trương… Tập thơ dày 140 trang, gồm 67 bài thơ - là những ánh nhìn, những khoảnh khắc “ngoảnh lại” soi rọi vào quá khứ, chiếu sáng kỷ niệm, dò tìm từng bước đi của đời sống trong hiện tại và đôi khi dõi về tương lai dầu chỉ là những bóng hình (…) để tự mình xoa dịu, vỗ về, hay tìm ra cho chính mình một hướng nhìn mới, hướng đi mới - tôi gọi đó là “Những ánh nhìn lại sâu thẳm và dào dạt cảm xúc” rất cần thiết cho mỗi đời người:
(…) tháng ba lỡ đi quá đà
          phảng phất mùi hương và chút chạnh lòng êm ả
          mưa nắng trầm ngâm sớm tối
          một ngoảnh lại phù dung (…)”
                           (Thơ tình tháng ba)
Vẫn “một chút” trong “Một chút duyên cho ta rong ruổi đời”:
một chút thầm hương bỗng thành trộm nhớ
một chút say, một chút tỉnh, chút buồn vui
một chút tình cho ta lao đao lận đận
một chút duyên cho ta ruổi rong đời (…)”
             Tôi đã đọc “Ngoảnh lại phù dung” - có bài đọc nhiều lần, nhưng lần nào cũng cảm nhận thêm “cái mới”, bởi thơ NP phan có nhiều tầng lớp cảm xúc, nhiều tư duy lạ, tinh khôi; nhất là những khám phá sáng tạo cần thiết để mỗi dòng thơ đều là những ánh nhìn trong trẻo, lấp lánh, vẹn toàn!
“… ngày ta khóc giữa cội đời
ngỡ ngàng núi thẳm đã rời sông sâu
chỉ còn một chút niềm đau
ru ta ngủ giữa trái sầu nhân sinh”
                                      (Lời ru)
Tôi đã đôi lần nghĩ, thơ NP phan sở dĩ tạo đươc ấn tượng mới, lạ - chính là ngôn ngữ trong thơ anh đã được chưng cất, tinh lọc sáng tạo nhất của bản thân được kinh qua đời sống. Ví dụ:
“… anh thương em về phía biển muôn phần
sóng vẫn vỗ trong anh
biển vẫn xanh về phía ấy
cách núi, ngăn sông nhưng anh nhìn thấy
cánh hải âu xoãi dài trong nắng vàng mật ong
ở quê mình không có mùa đông
anh muốn em gửi cho anh
những cánh thư đầy nắng
để sưởi cho anh, để giữ cho thật nhiều hơi ấm
để lấp phần trống vắng trong anh”
                                      (Có một mùa đông)
Hay nói một cách khác, “Ngoảnh lại phù dung” là những cung bậc âm vang từ một tâm hồn an tĩnh, như nhiên, như hoa đúng giờ phải nở: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt” (Robert Frost):
“… em từ độ rất sầu bi
trái tim vô lượng thầm thì nói thưa
một mai mưa gió cho vừa
cũng đành bỏ mặc mộng thừa điêu linh
cám ơn một chút yên bình
cô đơn tận tuyệt chỉ mình tôi hay
em về chút nắng cầm tay
xin đừng để lỡ một ngày có nhau 
                                                (Xin đừng để lỡ)
          Và lắm khi trong ký ức, những vết thương tưởng như nhẹ, tưởng như đã lành lặn, nhưng lại lâu phai mờ, khi tình cờ “Ngoảnh lại
chợt ngoảnh lại, thời gian
đã nhuốm màu dâu bể
cho lòng ta như thể
quay quắt trời bão giông… 
“…chợt ngoảnh lại, trên đầu
cả hai vầng nhật nguyệt
cả thu đông biền biệt
còn đắm giấc hoàng hoa
chợt ngoảnh lại, còn ta
trong hoang mang trường mộng
trên sông dài biển rộng
chút ảo vọng phù sinh
                                      (Ngoảnh lại)
Ngày đầu năm mới được thư thả “nhìn lại” một quãng đời đã qua của người bạn văn thân thiết; được chia sẻ cùng nhau đôi điều chân tình  - quả thật là một niềm hạnh phúc!
  Quê nhà, tháng Giêng Bính Thân
20.2.2016
                                                                   MANG VIÊN LONG
 

  Trở lại chuyên mục của : Ban Biên Tập