NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG - MANG VIÊN LONG - TRẦN HOÀNG VY

 Viết về tác giả/ tác phẩm Nguyễn An Bình

&&&&&&&&&&
 
Nguyễn Nguyên Phượng




MỘT CHÚT THÔI MÀ THẤM ĐẪM TÌNH!
 
    (Đọc tập thơ “Còn một chút mưa bay” –Nguyễn An Bình, Nxb Hội Nhà Văn năm 2013)

 
       Bước sang năm 2014, Nguyễn An Bình qua bến lục tuần, 60 tuổi! (anh sinh năm 1954, tại An Bình – Cần Thơ). Và nhà thơ đã có một hành trình thơ 40 năm hơn tính từ tập thơ đầu “Đường tim” (1970). Tháng 10/2013 anh cho in tuyển thơ “Còn một chút mưa bay” là tập thơ thứ bảy. 16 tuổi, anh đã in thơ và  mấy năm sau (1974) có thơ đăng nhiều trên nhiều báo “sang trọng “ ( chữ dùng của nhà thơ Trần Hoàng Vy) ở miền Nam trước năm 1975. như Văn, Văn học, Thời đại mới…thực đáng ghi nhận. Thế mà con đường thơ của Nguyễn An Bình lại khá gập ghềnh vì một thời gian dài có đến 20 năm ngưng sáng tác. Khoảng vài năm gần đây, Nguyễn An Bình đã tìm lại người tình Thi Ca không chỉ bài đăng khá nhiều trên các trang mạng mà còn bước vào làng Thơ với tuyển thơ mới nhất. Nhà văn xa lắc lơ ở tận Bình Định, Mang Viên Long chưa gặp anh lần nào nhưng đầy quý mến khi đọc thơ anh đã có suy nghĩ rất chân tình, “Nguyễn An Bình đã có một niềm đam mê văn chương rất đáng được trân trọng” (Nguyễn An Bình, một đời thơ chưa bao giờ yên ả - Mang Viên Long). Niềm đam mê ấy chính là dòng tình chảy dạt dào trong thơ anh.

       Dòng tình thơ phát khởi vào độ tuổi thiếu niên nhưng thực sự đậm tràn khi anh bước chân vào lớp ĐH Sư phạm Khoa Văn (Cần Thơ) ngẩn ngơ trước tà áo trắng trong mưa lay phay:
                    Em về áo trắng có buồn không?
                    Mưa vẫn còn bay ướt má hồng
                    Bùn đất thương bàn chân bé nhỏ
                    Con đường sao ngủ lá sầu đông?
                                         (Cần Thơ có những ngày mưa – 1973)
       Cho nên cũng không lạ khi thực hiện tuyển thơ này gồm 62 bài, anh đưa vào đến một nửa số lượng thơ sáng tác những năm 72 – 75 (32 bài), trong đó có nhiều bài được đăng ở các tạp  chí Thơ,Văn miền Nam (Yêu người, Viết cho ngày ngưng bắn, Đêm Thánh, Về Phong Điền, Phượng Xưa, Chút ngậm ngùi xưa…). Tình yêu trong thơ anh ngọt ngào ấm áp cũng lắm mơ màng trong dòng tình đang cuốn mê anh: Yêu em ngậm ngãi tìm trầm/ Về hôn thạch thảo khóc thầm trong đêm …, Xưa em áo trắng xuân thì/ Xưa tôi yêu mái tóc thề em bay/ Bây giờ phượng đã về trời/Còn tôi yêu mãi một người năm xưa…Để nhớ thương hoài mơ mộng ấy/ Ngàn thu giấc ngủ địa đàng xanh /Nửa trời nắng đổ chân tình ái/ Giọt lệ thương đau khóc muộn màng…Tình yêu – đề tài muôn thở của văn học nên cũng dễ hiểu thơ ca miền Nam trước 75 đăng tràn thơ tình trên các nhật báo, tạp chí. Những bài thơ của Nguyễn An Bình viết ở độ tuổi hai mươi góp mặt lúc đó, nói một cách công bằng, chưa để lại một ấn tượng nào cho bạn đọc về nội dung lẫn nghệ thuật. Tuy vậy, ở những bài thơ tình ấy vẫn gieo vào lòng người giọng điệu mượt mà, đắm say về chủ đề dễ viết khó hay.  Nhưng thơ tình như thế cũng dễ trôi đi. Miền Nam thời điểm ấy chiến sự dâng cao và đi dần đến hồi kết. Cũng nhờ vậy, tâm tình thơ tác giả còn mang chứa tình nồng ấm về   “Quê nghèo sương khói lạnh chiều hôm” (Dòng sông Ngã Bảy, Về Phong Điền, Về Cần Thơ ngắt  chùm tương tư thảo, Cần Thơ có những ngày mưa…)…
              Trước dấu mốc lịch sử ngày ký Hiệp Định Paris năm 1973, dòng sông Thạch Hãn chia cắt hai miền, Nguyễn An Bình dậy lên xúc cảm yêu thương cùng ít nhiều trăn trở: Kìa Thạch Hãn! dòng sông đầy thương tích/ Bao năm rồi dấu vết của đao binh/ Ta bùi ngùi nhìn cây trơ cành cọc/ Mà thương hoài cho đất nước điêu linh.. (Bên dòng Thạch Hãn – Mùa ngưng bắn, 25/2/1973), Anh sẽ đưa em về quê ngoại/ Ruộng đồng thơm lúa mới Thần Nông…Đẹp lắm quê hương ngày ngưng bắn/ Không còn khói súng, đất khai hoang/ Chèo ghe tam bản về thôn ấp/ Ở đó dựng lên giấc mộng vàng…(Viết cho ngày ngưng bắn, 5/1/1973 – diễn ngâm trong chương trình thi văn Mây Tân – Sài Gòn)…
      Dòng tình chảy trong thơ một chặng đời cầm bút thời trẻ của Nguyễn An Bình buồn êm, ngọt đằm (và cả chặng thơ sau này nữa) nhờ vào điệu vần thể thơ bảy, tám chữ, thể lục bát truyền thống chuyên chở ý, tình xúc cảm cùng  lớp từ ngữ giản dị và cổ điển trộn vào nhau khá nhuyễn nếu không chắc tay dễ thành bóng bẩy, xa vời hiện thực. Xưa ta một trời đầy đại mộng/ Danh không thành chưa trở về quê/ Qua cầu trời đất ngùi thương nhớ/Mơ lối huyền sương lạc nẻo về (Ngày xưa tên hàn sĩ ấy – 1975).
     Học xong ĐH, thầy giáo Lương Mành (tên thật của nhà thơ Nguyễn An Bình) gắn bó với bục giảng, giáo án suốt mấy mươi năm, nợ áo cơm, việc lớp việc trường, những nỗi riêng tư làm xúc cảm ở anh tạm lắng. Thi thoảng mới viết để cho mình, cho bạn hữu đọc. Nhưng đã đắm mê từ thuở yêu người, yêu thơ thật khó mà ngăn mơ, chắn mộng, Nguyễn An Bình lại trở về với Thi ca vào những năm đầu thập niên thế kỷ mới. Dòng tình lại tiếp tục chảy trong thơ anh. Thế mạnh của điệu vần nhuyễn hơn và lại cuốn bạn đọc trong nét mới của hoài vọng miên man, suy tư lắng ngẫm về tình yêu, quê hương, cuộc đời, bè bạn, gia đình…(Nhớ mùa mưa  bong bóng, Bài cho nhỏ, Áo lụa qua sông, Khúc tương phùng của người mất trí, Sau mùa chinh chiến..). Đời dâu bể/ Em ơi buồn muốn khóc/ Chốn nhân gian cánh én/ Lỡ xa bầy /Mưa bong bóng/ Một thời xa xôi quá/ Cuối phương trời/ Ai còn nhớ thương ai?... (Nhớ mùa mưa bong bóng)…                
    Điều đang nói, lần trở lại tình thơ này, thơ Nguyễn An Bình đã có khác, có một bước tiến mới . Vẫn là tình người, tình quê, nỗi nhớ thương về một thời áo trắng, học trò mơ yêu lãng mạn nhưng sâu lắng, đằm đượm chất nhân bản hơn…(Ngút ngàn quê cũ, Nắng ấm quê nhà, Trong cõi đời nhau, Còn một chút mưa bay, Cuối năm nhớ thời yêu em..). Bên cạnh đó nét suy tư triết lí đọng rõ ở nhiều bài:
                    …Anh hỏi em dòng đời bao nhiêu mặt
                       Vừa quay lưng đen trắng đổi thay rồi
                       Tiếng dế gáy râm ran mùa gặt mới
                        Gốc rạ vàng còn bông lúa nào rơi?
                      (Câu hỏi của thời gian – tháng 8/ 2013)
                   …Buổi sáng một mình tìm quanh tìm quẩn – phố lạ quen nay bổng vút cao tầng – có gì đâu chút thường tình nhân thế - người tìm người hoài vọng cả trăm năm…(Buổi sáng một mình – tháng 5/2013)
       Đó  là “bước tiến đáng trân trọng – sự “vượt thoát” trong sáng tạo” (Bđd – Mang Viên Long). Một nhận xét thỏa đáng và đầy khích lệ với người cầm bút. Nhưng “vượt thoát” như thế nào để có thơ hay, một thi phẩm tốt làm cuốn mê người yêu thơ mới là điều phải quan tâm…
       Với Nguyễn An Bình, niềm đam mê thơ ca từ tập thơ đầu đến tập thơ mới nhất dào dạt một dòng tình chảy suốt chặng đường dài 40 năm làm thơ đã có thêm nét mới, bước tiến mới. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã có những nghĩ suy thật lòng về ngọn nguồn sáng tạo thơ: “…Bởi thơ cũng như tình yêu, thật khó nói. Và những tứ thơ bao giờ cũng đòi hỏi ta dâng cho nó mối tình đầu thiết tha, trong sáng, day dứt, xao xuyến, trăn trở,  nồng cháy…” (Hồi nhỏ các nhà văn học Văn như thế nào? – trang 95, Nxb Trẻ năm 2005). Marinetti (Thi sĩ người Ý) thì triết lí hơn: “Thơ là say và tổng hợp”…Và Nguyễn An Bình cũng như bao người đắm say, khát khao trãi lòng với Thơ hẳn sẽ đồng tình với những chia sẻ sâu sắc, chí lý trên.
        Thơ là mối tình đầu thiết tha, trong sáng…nồng cháy. Thơ của người thơ đất Cần Thơ cũng say, thiết tha hết mực:
                   Em mất hút bên bến bờ xa lạ
                   Mưa quê người có ướt áo em tôi?…
              …Lòng dặn lòng…còn một chút mưa bay.
                                                    (Còn một chút mưa bay)
       Để người yêu thơ đón nhận trọn vẹn Nguyễn An Bình qua tuyển thơ “Còn một chút mưa bay”, không chỉ một chút mà thấm đẫm tình!
                                                         Xuân Lộc, 25/12/2013
 
&&&&&&&&&
 
Trần Hoàng Vy

NÉT BÌNH YÊN TRONG THƠ NGUYỄN AN BÌNH
 
( Đọc CÒN MỘT CHÚT MƯA BAY, NXB HỘI NHÀ VĂN,
Văn tuyển ấn hành, quí IV/ 2013)
 
 
     62 bài thơ, với lời giới thiệu của nhà văn Mang Viên Long và phụ lục những cảm nhận của bạn bè thân hữu: Lê Liên, Hoài Huyền Thanh, Ngưng Thu…đã làm nên diện mạo một cây bút thơ, với những phút mong chờ bình yên của thi cảm…
     Nguyễn An Bình làm thơ khá lâu, 16 tuổi đã in thơ, 19, 20 tuổi có thơ in trên tạp chí Văn, một tờ tạp chí văn nghệ “sang trọng” và có tiếng tăm thời đó ở miền Nam. Bẵng đi một thời gian, tìm…bình yên cho cuộc sống, khi đã bước qua lứa tuổi “tri thiên mệnh”, anh trở lại với nghiệp thơ, cũng là sự tìm kiếm lắng lại những bình yên cho tâm hồn, bằng những vần thơ của một thời: “Từ thuở yêu người tim chợt thức/ Mọc nhánh rong buồn một góc sân/ Sớm nắng chiều nghiêng theo lặng lẽ/ Góc nhớ đường quen mòn vết chân…” ( Đánh mất vầng trăng, trang 10), để : “Thơ tình anh viết từ dạo ấy/ Tuổi đôi mươi vụng dại bao lần/ Năm tháng tuổi xuân đi biền biệt/ Đắng lòng chưa hết nỗi bâng khuâng” ( trang 11), và rồi: “Ai người nhả chữ gieo thơ/ Hương tình xưa có đợi chờ mà trông/ Gởi cùng áo lụa qua sông/ Tìm đâu chiếc lá diêu bông tặng người?” ( Áo lụa qua sông, trang 12)
     Có chút gì đó miên man buồn, cái hoài niệm năm tháng cũ, cho dù đã xa lăng xa lắc: “Xưa ta một trời đầy đại mộng/ Danh không thành chưa trở về quê/ Qua cầu trời đất ngùi thương nhớ/ Mơ lối huyền sương lạc nẻo về.”(trang 16), và còn đó những mùa chinh chiến cũ, buồn thương day dứt: “Anh đưa em về miền Năm Căn/ Ở đó phù sa ngập ruộng đồng/ Tháng chạp đến mùa dưa hấu chín/ Ngọt tình ngọt lịm cả dòng sông” ( Viết cho ngày ngưng bắn, trang 29), và “Bạn sau mùa chinh chiến/ Không về, lại ly hương/ Ngày đi ai đưa tiễn/ Phong trần kiếp gió sương?” ( Sau mùa chinh chiến, trang 34). Thơ phảng phất nét truyền thống cũ, là gã giang hồ, tên lãng tử… trước sóng gió của cuộc đời, phù hư danh lợi, và chìm đắm trong sóng tình lãng đãng: “Trước thềm năm ngoái đêm nay/ Trái tim tôi có sông đầy nước trôi/ Thương em quá đổi bùi ngùi/ Sầu trăm năm nhớ một thời yêu nhau.” ( Cuối năm nhớ thời yêu em, trang 36). Và với mong ước bình an: “Về đi thôi đã bao mùa nắng lạ/ Con chim gầy về đậu trước vòm hiên/ Hót lãnh lót bài tình ca thuở ấy/ Để hồn tôi như chiếc lá bay nghiêng.”.
     Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Nguyễn An Bình đã từng là thầy giáo, song nét nghiêm khắc, mô phạm không làm anh bớt đi những vần thơ huyễn mộng, đau tình: “Thì em một lần nghe anh nói/ Dù mộng không tròn cũng thế thôi/ Anh sẽ ra đi sầu viễn khách/ Từng đêm ru giấc ngủ ngậm ngùi.” ( Dòng sông Ngã Bảy, trang 76). Những bài thơ làm từ hồi…non tơ, yêu em và làm thơ, cũng được anh trân trọng đưa vào tập: “Cũng như anh một đời trên bục giảng/ Trong nỗi buồn thoáng chốc đã lên ngôi/ Tình yêu ơi! Sao chia nhiều lối mộng/ Để ngàn năm anh thương nhớ một người.” ( Về Cần thơ ngắt chùm tương tư thảo, trang 19). Tôi đọc và nhận ra anh đang tìm kiếm một tình yêu đích thực hay đang tìm kiếm những bình yên cho chính mình, khi anh tâm sự: “Anh sẽ trao chùm hoa tương tư thảo/ Gởi cho em làm kỷ vật sau nầy” ( trang 19)?
     Với bạn bè, người thân trong gia đình, Nguyễn An Bình vẫn mong tìm đến những sự bằng an cho cuộc sống: “Tôi cứ ngỡ em là nàng công chúa/ Ngủ trong rừng đợi hoàng tử hôn nhau.” (trang 21), cũng như : “Bạn đi mưa bụi mù sương tuyết/ Lãng tử một đời như trăng khuyết…/ … Trăm năm nào có ai không chết?/ Tiễn bạn ngùi ngùi, rượu cạn hết/ Ta khẽ ngâm bài “Khuê oán thi”/ Phong ấn công hầu sao thấm mệt.” ( trang 25), và khi người thơ, gã thi sĩ nghĩ đến con trai còn đang học ở quê người thì: “Nhắc máy đi con đừng làm ba lo lắng/ Sao thời gian trôi chậm chạp vô cùng/ Đồng hồ cát thong dong rơi từng hạt/ Mà lòng ba khắc khoải đến từng cơn.” Hay như “Thầm ước mơ con vẫn còn bé nhỏ/ (Dầu biết rằng đó chỉ ước mơ suông)/ Nơi xứ người có bao mùa tuyết lạnh/ Nhớ quê nhà còn nắng ấm nghe con!” ( Nắng ấm quê nhà, trang 45). Cảm động thay một tấm lòng phụ tử, dù là kẻ làm thơ vẫn mong nắng ấm cho mọi người dù hắn là kẻ du tử cơ hàn? Thơ mang thông điệp nhân văn có lẽ vì thế!...
     Chợt nhớ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã từng viết: “ Đông lưu chi thủy/ Thảm mạc hồi ba” ( Nước sông chảy về biển đông. Buồn sóng không trở lại), đó là đạo trời đất chu lưu không ngừng. Con sóng đời đẩy ra xa nỗi buồn, tâm sự để thấy lòng mình bình yên, thanh thản. Bản tính Nguyễn An Bình xem ra cũng rất hiền, ít nói. Có gì đó cũng mong buồn trôi xa, bình yên trở lại, đó là cái thực của lòng. Thơ anh không dữ dội, cho dù có những bài như “hành”, man mác chút lãng tử đã xa, song cái chính vẫn là: “Gởi em một bài thơ/ Từ quê nhà cách trở/ Gởi em những ngày xưa/ Suốt đời anh vẫn nhớ” (trang 47). Tôi nghĩ, anh cũng sẽ có nhiều những người đồng điệu, đồng cảm trên bước đường thi ca…
 
Vàm Cỏ Đông, đầu tháng 10/2013
 
  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu