BAN BIÊN TẬP

Giới thiệu tác giả: THÁI QUỐC MƯU

(Ảnh chân dung)
 
Tổng Quát:

Thái Quốc Mưu  đã cho chúng ta thấy ông  rất tài ba trong sáng tác Thơ- Văn  nhiều thể loại (và tài hoa trong một số lĩnh vực khác nữa!): Thơ Đường luật, Phú, Thơ vần, Văn xuôi (Truyện, Ký, Phiếm luận..). Thể loại nào, ngòi bút của ông cũng đầy sinh lực và sáng tạo. Ông nặng  duyên với Văn học, nặng lòng với Quê hương Đất nước VN.
Bút ông  có lực  lôi cuốn người đọc. Thơ ông  dù ở hình thức cũ (như thơ luật) hay mới (như  thơ vần), nội dung đều có nét riêng  và đầy vị thơ.
Thái Quốc Mưu  giỏi sớm về Thơ Đường luật (biết làm thơ Đường luật từ năm 12 tuổi, 14 tuổi coi như nhuần nhuyễn, lên 16 tuổi có Thơ Đường luật đăng trên các nhật báo với bút hiệu Liêu Tần Tử).

 Trong "Phiếm Luận":  nét "Luận" của ông  nghiêm chỉnh, thẳng thắn, sắc bén! Nét " Phiếm" của ông  trào và lộng; uyên và thâm! 
Ông có một kiến thức về Văn học Việt-Hán quảng  bác.
Ông còn là một nhà báo (là Chủ nhiệm/ Chủ bút bán nguyệt san Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt, từ 12/1995 đến2013.
Đã có trên 10 tác phẩm xuất bản riêng và viết chung trên 40 tác phẩm văn học ở Hoa Kỳ, Pháp. với nhiều tác giả.
Có  khoảng  trên 100 tờ báo và Website khắp nơi đăng văn thơ ông.
Văn thơ ông còn được đọc và đề cập trên các đài Radio BBC, VOA, VNCR, Tiếng Nước Tôi.
Ông Cộng tác với trang VHNT/ Hai Bờ Giấy  http://haibogiay.net/ 
từ năm 2015. Tác phẩm của ông đã đều đặn tải lên trang nhà, lưu tại
LINK: http://haibogiay.net/vanthi/Tong-Hop/Thai-Quoc-Muu-80/ .
 
 1.Tóm lược tiểu sử:

Tên thật và bút hiệu: Thái Quốc Mưu
 
Thái Quốc Mưu, sanh 12 giờ đêm, ngày 11 tháng 6 năm Canh Thìn (1940) (trên giấy tờ hành chánh, sanh 11 tháng 2, năm 1941). Là con thứ Bảy (thứ miền Nam, con cả thứ Hai) trong 11 người con của Nhà thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu, thương gia.
 
Thái Quốc Mưu, có 4 anh em sống bằng nghề cầm bút: Nhà văn Quốc Phong (Thái Quốc Phong), Văn Thi sĩ, Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế), Văn Thi sĩ, Soạn giả A-lý Phượng Tuyền (Thái Quốc Thế Nguyên); (Riêng Nhà thơ Thái Lệ Hoa, Lệ Hoa (Thái Quốc Lệ Hoa – sống nghề thương mại, chỉ viết tài tử cho các báo địa phương, không kể).
 
Trước tháng 4/75,  Thái Quốc Mưu là Biên Tập Viên Địa Phương cho  Nguyệt San Nông Thôn Mới của Bộ Phát Triển Nông Thôn dưới bút danh Bằng Giang, Liêu Tần Tử.

Sang Mỹ, Thái Quốc Mưu là Chủ nhiệm/ Chủ bút bán nguyệt san Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt, từ 12/1995 đến 2013. Chủ nhiệm trang nhà lieutiensinh.com,  lieutiensinh.org (vì lớn tuổi, đã ngưng hoạt động). Ông từng là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ & Florida. Hội viên Văn Bút Quốc Tế. Đương kim Cố vấn Trung Tâm Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ & Florida, Hội viên Văn Bút Đông Dương (Indochine Writes In-Exile), Hội viên Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Có tên trong Tự Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam của Phan Ni Tấn.

  2.Tác phẩm đã xuất bản:

Gió Quyện Hương Đồng (240 tr. Dân Việt, Inc. 1998) * Phía Sau Cuộc Đời, truyện vừa, (290 tr. Dân Việt, Inc. 1999) * Kỷ Vật Cho Đời, thơ, (264 tr. Dân Việt, Inc. 2007) * Như Giọt Sương Sa, thơ, (258 tr. Dân Việt, Inc. 2008) * Thơ Đường Luật Thái Quốc Mưu, (306 tr. Dân Việt. Inc. 2008) * Thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu, (294 tr. Dân Việt. Inc. 2008) * Tản Mạn - Chuyện Vặt Đời Thường (310 tr. Dân Việt, Inc. 2008) * Truyện ngắn Thái Quốc Mưu, (350 tr, Dân Việt. Inc, 2008) * Kỷ Niệm Một Đời Cầm Bút (600 tr. Dân Việt, Inc. 2013) * Nhạc phẩm: Tình Khúc Quê Hương, với 30 bài thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ: Lưu Nhất Vũ, Nhà văn Lã Mộng Thường (Linh mục Trần Đoàn), Nguyễn Hữu Tân, Bằng Giang, Nguyễn Long. CD Ca cổ Tình Người Viễn Xứ, nghệ sĩ Sân Khấu & Điển Ảnh Lý Bạch Huệ ca.
(Kèm ảnh bìa một số sách đã xb)

 
 
 

 Hiện diện trong các tác phẩm văn học:
 
• Giai Phẩm Không Đề 1 (New Orleans, 1997) • Giai Phẩm Không Đề 2 (New Orleans, 1998) • Những Điều Trông Thấy (California, 2001) • Vườn Thơ Hải Ngoại (California, 2001) • Thơ Việt Hải Ngoại (California, 2001) • Một Phía Trời Thơ, tập 5 (California, 2001) • Tuyển tập Thi Văn Bút Hoa 5 (TTVB. 2001) • Thơ Đường Luật Xướng Họa (Sàigòn, 2002) • Lưu Dân Thi Thoại (California, 2003) • Nối Lại Nghìn Xưa (California, 2003) • Tuyển Tập Mùa Thu (VBVN/HN.
 

3. Sáng tác cũ nhất: (còn nhớ 1 bài thơ)
 
Trái Tim Sông Núi
 
Trời đất sinh ra có núi sông,
Con người thì có trái tim hồng
Nắng mưa dầu dãi trơ gan đá
Dòng máu trung kiên sạch tấm lòng
Sóng bủa dễ đâu mòn sức nước
Nhà lao * há chuyển đặng tâm hồn
Trái tim chân chính ngàn năm vẫn
Giữ vững tinh thần giống Lạc Long
1976.

*viết trong tù “cải tạo” sau 1975.

4. Sáng tác mới nhất:
 
 VỌNG CỐ HƯƠNG PHÚ
 
Chim Việt vọng cành Nam,
Ngựa Kỳ mơ gió Bắc.
Muông thú còn nhớ cội nguồn,
Con người há quên tổ quốc?
 
Nhớ xưa,
 
Đất miền Tây nước trong gạo trắng ruộng vườn, cây trái sum suê
Trời phương Nam mưa thuận gió hòa/ bản tính, lòng người chân chất
Khi no khi đói trai gái hết lòng sát cánh, kề vai,
Dù nắng dù mưa vợ chồng quyết chí chung lưng, đấu cật.
 
Người đậm tình người,
Đất thơm mùi đất.
 
Trời xanh lồng lộng cánh cò cánh vạc mặc sức lượn đồng,
Hoa lá ngạt ngào đàn bướm đàn ong tha hồ hút mật.
Vào đầu năm học, đám trẻ loăng quăng, chân sáo rộn hồn thơ,
Đón ánh nắng soi, giọng cười líu tíu, tuổi xuân vui đường đất.
 
Ngờ đâu,
 
Bom đạn mịt trời gây điều tang tóc thê lương,
Xác người nghẹt lối khiến nỗi u buồn bất cập!
Khi, giọt máu đỏ hào hùng nhuộm từng tấc đất quê hương
Thì, vành khăn trắng tang thương phủ trên mái đầu dân tộc.
 
Để rồi,
 
Khắp đất nước khốn khổ lầm than,
Cả non sông ấm nồng tan tác.
 
Khiến cho,
 
Bao người vượt sóng xác ngập đại dương,
Lắm kẻ xuyên rừng, thân lìa tổ quốc.
Nay, mảnh xương vô định vẫn dạt trôi trong gió dập, sóng dồn,
Giờ, nấm đất quạnh hiu mãi vùi chôn nơi rừng thiêng, nước độc.
Khiến vợ rơi lệ trên gối lẻ lạnh lùng,
Để mẹ nhớ con bên đèn khuya hiu hắt.
 
Nay, ở xứ người,
 
Tiện nghi dẫy đầy tha hồ mặc đẹp, ăn ngon,
Xe cộ rình rang mặc sức đi ngang, về dọc.
Dẫu thân xác an nhàn mà lòng sao cảm thấy đơn côi
Dẫu phố chợ ồn ào mà hồn lại tưởng chừng cô độc.
 
Nhớ sao!
 
Giữa trời cao cánh diều giấy gió lộng vi vu,
Trong chiều tím mái tranh nghèo khói bay phảng phất.
Dù nghèo dù khó, mà tình nồng, nghĩa nặng thiết tha,
Dẫu nắng dẫu mưa vẫn muối mặn, gừng cay chân chất
Canh tàn gió hú, điệu Hoài Tình cung bậc du dương
Giọng hát mẹ ru, tiếng độc huyền âm ba réo rắc.
Nhớ khi mưa thuận gió hòa lời tân cổ giao duyên lảnh lót thâu canh
Thương con nước lớn nước ròng chim lẻ bạn gọi đàn véo von từng chập
Sông đầy nước lớn, thuyền nan, thuyền gỗ nhổ sào
Bến cạn bãi nhô, cây đước, cây bần trơ gốc
Khi mùa nước nổi ngập trắng đồng xanh, thương làm sao đôi mắt cá linh,
Thì ngọn gió chướng đưa thắm hương xuân thèm biết mấy mùi khô cá lóc!
Nhớ vùng Kỳ Đồng Tân Định… lầu cao đụng đến ngàn mây,
Nhớ khu Xóm Chiếu, Cầu Kho… người nghèo chui vô ổ chuột.
Đất Sài Gòn, công viên “tượng đá hoa vàng” (1)
Khu Đại Học, con đường “cây cao bóng mát” (2)
 
Than ôi!
 
Năm tháng nhuộm thời gian,
Gió sương phai màu tóc.
 
Lắm kẻ vong thân không thèm nhớ thảm lúa, bụi tre,
Riêng ta hoài cổ chẳng hề quên bờ đê, đập đất.
Dù thân xác, phải vùi chôn nơi nghĩa địa quê người,
Mà linh hồn vẫn nương theo gió mây ngàn cố quốc.
 
Dẫu đời bốn cõi long đong
Mà tình non sông thắt chặt
 
Thái Quốc Mưu
 
------------
Ghi chú:
 
1. Dựa theo lời trong ca khúc: Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên: “Thu công viên hoa vàng tượng đá”, của Nguyễn Đình Toàn.
 
2. Dựa theo lời trong ca khúc: Trả Lại Em Yêu: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của Phạm Duy.
 
 
5. Đơn Cử Vài Sáng Tác Tiêu Biểu:
 
-SỰ SAI LẦM CỦA HOÀNG XUÂN HÃN TRONG BỘ SÁCH LÝ THƯỜNG KIỆT

Thái Quốc Mưu
(Trong chủ đề  “Phiếm” Chữ Nghĩa Mua Vui. BBT.HBG chú)
 
Tiểu sử Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn (nguồn Internet):
 
“Học giả Hoàng Xuân Hãn cùng thời với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh…, cuộc đời học giả Hoàng Xuân Hãn phủ gần trọn thế kỷ XX và sự nghiệp của ông cũng gần như phủ bóng hầu hết các lĩnh vực khoa học của nước nhà, cả khoa học tự nhiên và xã hội.
 
Ông sinh ngày 18/3/1908, mất ngày 10/3/1996 làng Yên Phúc, thuộc tổng Yên Hồ, nay là xã Yên Hồ. Có sách viết sanh tại Kẻ Trổ, thuộc làng Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Đức Nhân (Đức Thọ). Ông là hậu duệ của dòng họ Hoàng Xuân nổi tiếng với Hoàng giáp Hoàng Trừng (đời thứ 5, đậu Hoàng giáp năm 1499). Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cụ Tú Vạn, phụ thân ông. Về sau học chữ quốc ngữ tại quê. Khi phong trào Cần vương tan rã, cha mẹ ông lâm cảnh nghèo khó, ra Vinh nhận thầu nấu cơm cho trường Quốc Học để nuôi con.
 
Năm 1926, Hoàng Xuân Hãn đỗ bằng Thành Chung, ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi, 1 năm sau thì chuyển sang Khoa Toán, Trường Trung học Albert Sarraut. Năm 1928, sau khi đỗ Tú Tài toàn phần, ông được nhận học bổng du học tại Pháp. Lần lượt thi đỗ và theo học tại các trường đại học danh tiếng như: Sư phạm, Bách khoa, Sorbonne, năm 1934, ông về nước với bằng kỹ sư cầu đường. Tiếp đó, ông trở lại Pháp và đỗ bằng thạc sĩ Toán của trường Sorbonne năm 1935.”
 
Học giả Hoàng Xuân Hãn viết rất nhiều bộ sách. Đáng chú ý và có lẽ nổi danh nhất là Bộ Lý Thường Kiệt, xuất bản năm 1949. Đáng tiếc, trong bộ Lý Thường Kiệt có thể do không có bản chánh để tra cứu, nên nội dung bộ sách nầy có rất nhiều chỗ bị sai lầm cách oan uổng. Làm phí phạm công trình lớn lao của vị học giả đáng kính của chúng ta.
 
***
 
Xin trích một đoạn trong Phần Lý Thường Kiệt Đánh Tống, Hoàng Xuân Hãn, viết:
- “Một nơi quan trọng thuộc trại Vĩnh Bình. Sách Lãnh Ngoại Đại Đáp chép: “Trại Vĩnh Bình kề Giao-chỉ, chỉ cách bằng một con sông mà thôi. Phía bắc sông có trạm Giao-chỉ (ở đất Tống). Phía nam sông có đình Nghi-hòa. Đều là chỗ để buôn bán trao đổi, do chúa trại Vĩnh Bình cai quản”.
Trong khi “Lãnh Ngoại Đại Đáp” chép như sau:
- “Ung châu Hữu giang Vĩnh Bình Trại dữ Giao Chỉ vi cảnh, cách nhất giản nhĩ! Kỳ Bắc hữu Giao Chỉ dịch, kỳ Nam hữu Tuyên Hòa đình, tựu vi bác dịch trường”. (Dịch: Trại Vĩnh Bình ở vùng sông Hữu giang, thuộc Ung châu, tiếp giới với Giao Chỉ, cách một khe suối thôi! Phía Bắc khe suối có trạm (tên gọi là) Giao Chỉ, phía Nam suối có đình Tuyên Hòa, là nơi buôn bán giao dịch).
(Lãnh Ngoại Đại Đáp, Qu. V. Tài Kế môn. Ung châu Vĩnh Bình Trại bác dịch trường)
Hoàng Xuân Hãn đã sai lầm khi ghi rằng đường ranh giới giữa Giao Chỉ và Trại Vĩnh Bình là “một con sông”, trong khi “Lãnh Ngoại Đại Đáp” chép rõ là “một khe suối”. Sông và Khe Suối hoàn toàn khác nhau.
Ở phần các địa danh, Hoàng Xuân Hãn viết và chấm sai, vì thế trong nguyên tác có 16 địa danh trở thành 18 địa danh:
16 địa danh trong nguyên tác:
- Thượng Điện / Hạ Lôi / Ôn / Nhuận / Anh / Dao / Vật Dương / Vật Ác / Kế / Thành / Cống / Lục / Tần / Nhiệm động / Cảnh Tư / Hà Kỷ.
Dưới đây là 18 địa danh do Hoàng Xuân Hãn chấm và viết sai:Thượng- điện / Hạ-lôi / Ôn-nhuận / Anh / Dao / Vật-dương / Vật-ác / Kế-thành / Cống / Lục / Tần / Nhậm / Động / Cảnh / Tư / Kỳ / Kỷ / Huyện.
Sau đây là những cái sai của Hoàng Xuân Hãn khi ngắt câu phân địa danh:
1). Kế tức là Kế động.
Ông Hoàng Xuân Hãn lại nhập chữ Kế với chữ Thành liền ở sau, để trở thành “Kế-thành”.
2). Nhiệm động. (Nhiệm cũng đọc âm Nhậm).
Hoàng Xuân Hãn lại ngắt ra thành 2 Địa danh là “Nhậm” “Động” mà không biết rằng chữ “động” ở đây chỉ là cấp số hành chánh đi liền với chữ “Nhiệm” (hay “Nhậm”).
 
3). Cảnh Tư.
Hoàng Xuân Hãn cũng ngắt ra thành 2 địa danh “Cảnh”, “Tư”.
4)- Địa danh “Kỳ” trong nguyên tác không có.
5). Hà Kỷ huyện.
Hoàng Xuân Hãn thiếu mất chữ “Hà”. Và, Chữ huyện đứng sau tên “Hà Kỷ” để chỉ cấp số hành chánh, ông lại tách chữ Huyện ra và cho nó thành một địa danh khác.
Những sơ suất trên đây người viết trích dẫn để chứng minh những sai lầm và, đó là một trong vô vàn những sai lầm khác trong bộ Lý Thường Kiệt.
 
                                                                        ***
Dưới đây, xin nói về phần Việt Sử:
 
a)- Về Lý Thái Tổ:
 
Trong Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi, viết: “Lý Công Uẩn, tên chữ là Triệu Diễn, con thứ của Lý Thuần An thuộc dòng dõi Lý Tung Tể tướng nhà Hậu Tấn. Tung bị vu oan rồi bị hại. Con cháu phải đến phương nam tị nạn, định cư ở Lý gia trang phía đông Loan Hải, quận Mân Châu. Để tránh bị truy nả bèn đổi sang họ Lê đến khi làm vua. Mãi đến sau khi thiên đô về Thăng Long mới lấy lại họ Lý.”
 
Theo Lý Trang Chử Nội Lý Thị Phòng Phả, viết: “Lý Công Uẩn, có tên khác là Lý Công Tố, hiệu Triệu Diễn, giỏi võ công, giỏi văn chương. Từ nhỏ theo cha di cư đến Bắc Giang, Giao Chỉ. Công Uẩn được Lê Chí Trung dùng làm đại tướng, Năm Canh Tuất Chí Trung chết, con Chí Trung còn nhỏ, em là Minh Sưởng giành ngôi, Công Uẩn giết Minh Sưởng tự lập làm vua đất Giao Châu. Vợ họ Trần.”
 
Ngược lại, trong Wekipedia, viết: “Dưới triều nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư bấy giờ. Năm 1005, Lê Trung Tông bị em trai là Lê Long Đĩnh sát hại, ông ôm Trung Tông khóc, Long Đĩnh cho rằng Uẩn là tôi trung, bèn cho giữ chức quan Cận vệ. Đến năm 1009, Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, ông được lực lượng của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn làm Hoàng đế.”
 
Và, theo truyền/huyền thuyết, trích từ Wekipedia:
 
1. “Phạm Thái Hậu đi chơi núi Tiên Sơn, cùng với thần giao hợp mà sinh ra Lý Công Uẩn. Lý Khánh Vân nuôi làm con, nhận là họ Lý. Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: "Thái Hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi."
 
2. “Mẹ Lý Thái Tổ năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua.”
 
3. “Mẹ Vua ở quanh quẩn trong rừng Cổ Pháp hốt nhiên chết, kiến, mối xông đất đẩy thành mả, cao bảy thước được chỗ đất tốt chung linh. Đến bây giờ Vua về yết lăng, trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng cảm động rớt nước mắt, sai đo quanh mộ mỗi bên vài mươi thước làm cấm địa, sau này các triều có phụ táng ở đó đều gọi là Thọ lăng.”
 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết: Lý “Thái Tổ, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Mẹ là người họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với thần giao hợp, rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh (974). Lớn lên làm quan nhà Lê, thăng đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ”.
 
Còn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là bộ chính sử của nhà Nguyễn do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856-1884, viết: “Công Uẩn, người Cổ Pháp Bắc Giang. Sinh ra đã thông minh sâu sắc, dung mạo đẹp đẽ khác thường, khi nhỏ thường thụ nghiệp với sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh thấy rất lạ mới nói rằng: “đây không phải người thường, ngày sau tất sẽ làm chủ thiên hạ”.
 
Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức, viết: “Quê hương của Lý Công Uẩn là Cổ Pháp thuộc Giao châu. Người mẹ họ Phạm ăn ở với “Thần nhân” mà sinh ra... Nhưng khi lên ngôi Công Uẩn lại truy phong cha làm Hiển Khánh Vương, mẹ làm Minh Đức Thái hậu. (Đất nước, dân tộc, tôn giáo, triều đại nào cũng tạo cho mình một huyền thoại “không giống ai” để mê hoặc lòng người.)
 
Điều lạ lùng là “lý lịch” của một đấng minh quân của đất nước mình mà sử sách viết cũng không đồng nhất, thiếu xót quá nhiều, bịa đặt tùm lum... Chợt nghĩ vui, hay là các nhà sử học nước ta muốn dạy cho hậu duệ của mình cái trò gian gian, trá trá như “Ai kia” tung hỏa mù tiểu sử để dối lừa tộc Việt?
 
b)- Về danh tướng Lý Thường Kiệt:
 
Hầu hết, sử Việt chỉ viết Lý Thường Kiệt mà không ghi rõ Lý Thường Kiệt tên thật là Lý Thượng Cát, nguyên là một Hoạn Quan.
 
Hai tiếng Hoạn Quan dùng chỉ những người yêu nước tự cung (tự thiến) để không vướng bận gia đình, với ý muốn gần gũi vua hầu phục vụ đất nước cách tích cực. Còn thái giám là thành phần bị cưỡng bức cung hình để ngăn chận mọi quan hệ với phái nữ cùng phục vụ trong hậu cung. Giới nầy là Hoạn Nô.
 
Do giới tự hoạn với lý do cao cả quá ít (Việt Nam chỉ có Lý Thường Kiệt và Lê văn Duyệt), về sau người ta gọi hoạn nô (thái giám) là hoạn quan.
 
c)- Lê Hoàn:
 
Cũng như Lý Thường Kiệt phần Lê Hoàn (Lê Đại Hành), sử Việt chỉ viết thuần Lê Hoàn, không ghi còn một tên khác là Lý Uy.
 
Sau cùng, người viết xin thưa: Bài “PHIẾM” được tham khảo, trích dịch từ các sách đã dẫn trong bài (tên sách được tô đậm). Đặc biệt là các bộ: Hoàng Xuân Hãn, Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chư Khứ Phi và Phê Bình Hoàng Xuân Hãn của Học giả Minh Di ở Úc Châu (chưa in). Tuy nhiên, chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, xin quý độc giả xem để giải trí, mua vui hơn là dùng làm tư liệu tra cứu.
 
Atlanta, Nov. 4, 2015
Thái Quốc Mưu
 
-   CẢNH GIÁC
 
Thương thay số kiếp của người nghèo!
Cơm áo đêm ngày cứ bám đeo
Quan chức mặt mo to bóng bẩy
Dân lành thân xác ốm tong teo.
Sang giàu thừa thãi trên mâm cỗ
Khốn khó đói no chốn bọt bèo
Những kẻ tham tiền quên đạo đức.
Cháu con nào khác phận dây leo
 
Atlanta, June 18, 2014
Thái Quốc Mưu   
 
-  VỀ CHỐN XƯA
 
Về quê ngọn lúa vẫy lao xao,
Khơi dậy trong ta nhớ thuở nào
Vác cuốc đào bờ moi dế lửa
Tranh phần há miệng chửi mầy tao
Ở nơi chôn rún xanh đồng nội
Xách giỏ quăng cần mát bóng cau
Con cá bạc đầu ngoi mặt nước
Giật mình thấy tóc trắng bờ ao.
 
Atlanta, Mar. 26, 2014
Thái Quốc Mưu
 
- THƠ ĐƯỜNG NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT:

LINK: http://haibogiay.net/thovan/Thai-Quoc-Muu/Tho-Duong-Nhung-Dieu-It-Nguoi-Biet-134/
 
KHA CÔNG TỬ:

LINK:http://haibogiay.net/thovan/Thai-Quoc-Muu/Kha-Cong-Tu-199/
 
 
* Các bài viết của TQM đã tải lên trang HBG:
LINK: http://haibogiay.net/vanthi/Tong-Hop/Thai-Quoc-Muu-80/

6. Sách Phê Bình Văn Học Viết Về Thái Quốc Mưu:
(Ảnh bìa sách)

 
 
7. Đơn Cử 3 Bài Người Khác Viết về Tác Phẩm & Tác Giả Thái Quốc Mưu:
 

- Châu Thạch Đọc Tiểu luận phê bình văn học viết về nhà văn, nhà thơ Thái quốc Mưu. Của Ts Nguyễn Quang:

Nhà văn, nhà thơ. nhà báo Thái quốc Mưu là một cây bút được nhiều cây bút, độc giả trong và ngoài nước mến mộ. Tôi không biết nhiều về ông nhưng tôi  rất tôn trọng ông vì văn thơ của ông có nhiều suy tư sâu nhiệm. Và, cũng được thấy nhiều bậc bút pháp huynh trưởng của tôi tâm phục ông về tác phong con người và sự nghiệp văn chương.
 Rất hân hạnh cho tôi là một trong những người mà có lẽ được đọc sớm quyển sách viết về ông sau khi vừa xuất bản. Đó là cuốn “Tiểu luận phê bình văn học viết về nhá văn, nhà thơ Thái quốc Mưư” do công ty Amazon, USA. in và phát hành toàn cầu. Tác giả là Giáo sư Nhà văn Nguyễn Quang.
Thú thật, tôi không đủ trình độ để viết lời bình sách phê bình văn học nhưng tôi nghĩ mình có thể sơ lược về quyển sách, giới thiệu cho rộng rãi người đọc, hầu mạo muội góp một chút phần tôn vinh vẽ đẹp và vẽ sáng trong đời.
 Quyển sách dày 400 trang, có 9 chương và trong mỗi chương có nhiều bài viết về nhiều đề tài, nhưng tôi xin tạm chia thành hai phần cho gọn nhẹ:
 Phần một: Phần nầy Giáo sư Nhà văn Nguyễn Quang trích dẫn những bài bình luận, những lời nhận định của nhiều cây bút trong và ngoài nước về văn thơ Thái quốc Mưu,
 Phần hai: Chính tác giả Nguyễn Quang viết nhận định về truyện ngắn, truyện dài, tản văn, thi ca, và tư tưởng đạo Nho Lão trong thơ Thái quốc Mưu, về tư tưởng đạo Phật trong thơ Thái quốc Mưu.
 I ).- Sơ lược phần 1:
 Có 47 tác giả đã viết tổng cộng 56 lời nhận định và bài bình văn thơ Thái quốc Mưu trên báo chí khắp nơi được đem vào trong sách. Tôi xin sơ lược những bài viết ấy theo chủ quan và trình độ hạn hẹp của mình một cách chưa được hệ thống:
 * Tình yêu trong văn thơ Thái quốc Mưu là tình yêu của những con người bình dị, chơn chất,
 * Nhân vật trong văn thơ Thái quốc Mưu dào dạt sức sống, yêu đời, vươn lên tốt tươi.
 * Lối viết trong văn thơ Thái quốc Mưu thật giản dị, tượng hình, trong sáng và đậm đà, nói lên tấm lòng tha thiết yêu quê hương.
 * Văn thơ Thái quốc Mưu đề cao một nền luân lý Việt Nam.
 * Văn Dĩ Tải Đạo đất nước, Đạo người, thủy chung như nhất.
 * Đi sâu vào lòng xã hội, tìm kiếm sự kiện, phát hiện những hiện tượng bằng bút pháp sinh động, mạch lạc, súc tích.
 * Thơ đối với tác giả Thái quốc Mưu như một tấm gương soi rọi bộ mặt cuộc đời và hoài vọng cố hương.
 * Tâm thức thơ của Thái quốc Mưu lãng mạn, tình tứ, bạo tợn, tung hoành bay bướm qua khắp các lảnh vực: đạo thiền, quê hương, đất nước, đời mình, đời thường, mùa xuân, quê người... v.v.
 * Thơ Thái quốc Mưu vừa bay bổng, vừa cúi xuống nhìn nhân thế, nhìn thực tại, tiềm ân nhiều sâu nhiệm trong ấy với mục đích xây dựng xã hội và con người.
 * Thơ của Thái quốc Mưu hay cả về câu tứ, âm điệu lẫn nghệ thuật đối nhau trong Đường thi.
 * Thơ Thái quốc Mưu viết bình dị mà ý tưởng thật cao siêu, vươt trên chữ nghĩa của con người,,,
 II ) Sơ lược phần 2: 
 Giáo sư Nhà văn Nguyễn Quang tác giả của cuốn sách đã sử dụng gần 200 trang để viết về văn thơ Thái quốc Mưư với những suy nghiệm chín chắn, nhận định chính xác, khám phá độc đáo kèm theo lời bình văn sâu sắc mà sự sơ lược của tôi dưới đây chỉ như ngọn đèn bạch lạp thể hiện cho nguồn sáng mà thôi:
 1) Nhận định về truyện ngắn của nhà văn Thái quốc Mưu:
 * Khía cạnh nhân tính từ bài: viết về tổ quốc Việt nam
 * Chân tính trong truyện ngắn: Chuyện nhà thằng “Quách Què”
 * Tính bao dung qua truyện ngắn Gió Quyện Hương Đồng
 * Chân tính tự nhiên qua truyện ngắn Cô Giáo Trẻ Vùng Quê
 * Lương tri con người qua truyện ngắn Đường Tình Vạn Nẻo.
 * Tính thủy chung qua truyện ngắn Tình Già
 * Đọc biên khảo ngày tết nói chuyện tứ linh của Thái quốc Mưu
 2) Nhận định về truyện dài của nhà văn Thái quốc Mưu
 3) Nhận định về tản văn của nhà văn Thái quốc Mưu
 4) Nhận định về thi ca của nhà thơ Thái quốc Mưu
 5) Đạo Nho Lão trong thơ Thái quốc Mưu
 6) Tư tưởng Phật trong thơ Thái quốc Mưu.
 7) Lời kết
 Về phần nhận định thi ca, xin tóm lược thêm những ý như sau:
 * Nhiều bài thơ của Thái quốc Mưu như xuất hiện từ sự xuất thần với thi sĩ trong sự khắc khỏai ưu tư về thân phận con người như “Thi nhân, Viếng Trời, Ngông, Du Địa Phủ, Viếng Cõi Âm ... vv.
 * Thái tiên sinh còn là một thi sĩ dấn thân trong các bài thơ Cây Thông, Lịch Sữ, Hẹn Cùng Mây Gió...
 * Thái tiên sinh khắc họa chính mình để gợi lên được thân phận con người. Minh họa về các bặc phụ mẫu, nói lên chữ Đạo trong Lão học là mẹ chung tất cả, nặng nghĩa ôn nhu và khiêm tốn ...
 * Hồn nhiên và thiện tính, đó là một thế giới ca dao ngọt ngào, dân giả, giàu hình tượng như căn tính trong thơ tứ tuyệt Thái quốc Mưu.
 * Thái quốc Mưu kết nối đời với đạo, người với thiên mệnh và con lưu luyến mãi với cái Đạo của quê hương.
 * Tư tưởng cao vời của Phật giáo vể từ bi, về khổ, về dục, về căn nguyên của sai lạc, về Bát chánh Đạo là đạo hiện diện giữa tòan nhân sinh... v.v, đã được Thái tiên sinh chấp bút trong thơ ông ẩn dụ và tài tình, nhẹ nhàng và thanh thoát
 Đọc xong “Tiểu luận phê bình văn học về nhà văn, nhà thơ Thái quốc Mưu” tôi có cảm tưởng mình đã nhìn được toàn bộ một dòng sông chữ nghĩa lấp lánh sáng, hay đã quan sát được hết một vườn hoa văn thơ muôn màu và thấy được tường tận những bông hoa nổi bậc.
 Những Nhà văn, Nhà thơ viết về Thái Quốc Mưu - được trích trong sách nầy, đều là những người có bề dày văn học nên nhận định phê bình của họ trung thực, xác thực và văn chương lưu loát...
 Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đến Giáo sư Nhà văn Nguyễn Quang về cuốn sách và lời chúc mừng đến Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo Thái quốc Mưu đã thành công trong sự nghiệp văn chương của mình.
Châu Thạch (Đà Nẵng)
 
- Ngợm Người” Trong Thơ Thái Quốc Mưu – Châu Thạch

Nếu ai hỏi tôi nhà thơ Thái Quốc Mưu yêu gì và ghét gì nhất, chắc có lẽ tôi không trả lời được điều yêu nhất, nhưng điều ghét nhất của Thái Quốc Mưu thì qua thơ ông quá rõ ràng.
Trong bài thơ khóc Nguyệt Lãng, một trong những người bạn thơ thân nhất của Thái Quốc Mưu, nhà thơ đã khuyên người quá cố đừng trở lại trần gian chẳng phải vì trần gian là chốn sinh, lão, bệnh, tử hay điều gì khác mà chỉ vì trần gian là chốn có nhiều “ngợm người”:
Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người
 (Khóc Nguyệt Lãng)
Một lần “Viếng Trời” nhà thơ cũng so sánh sự khác biệt đáng kể nhất giữa cõi trời và cõi người mà cõi người có lắm “ngợm người”:
Nước trời trên dưới cùng tôn quý
Khác với nhân gian lắm ngợm người
(Viếng Trời)
Vậy “ngợm người”là gì?
Thật ra chữ “ngợm người” không tìm ra một định nghĩa chính xác. Tự điển Việt Nam có sách định nghĩa: “ngợm người” là người ngu dại”; có sách định nghĩa: “ngợm người” là người, với ý nghĩa xấu nói chung”. Lại có người cho chữ “ngợm” phát xuất từ chữ “ngựa” nên chữ “ngợm người” là, “nửa ngựa nửa người, nghĩa là người không ra người mà ngựa chẳng ra ngựa”. Cũng có giải thích “ngợm người” như sau: “Ngợm là gì? – Ngợm cũng đi bằng hai chân, mặc quần áo, mang hia, đội mão, có trí tuệ, có tiếng nói, ăn từ thượng vàng hạ cám đến cao lương mỹ vị xuống bắp luộc khoai nướng nhưng khác con người ở chỗ, con người có thể ăn được đủ thứ nhưng không bao giờ ăn thịt đồng loại, còn ngợm thì đến thịt đồng loại cũng sẵn sàng ăn sống nuốt tươi” (Tất nhiên người mà ăn thịt người chỉ nói theo nghĩa ngụ ý mà thôi).
Như thế chữ “ngợm người” cũng như chữ “chó má”. “Con chó có thể ăn bẩn nhưng dứt khoát không ăn thịt đồng loại, còn con má về hình thức giống y như con chó nhưng đến thịt đồng loại cũng không từ! Có người nghĩ rằng, “ngợm người” là lũ người “điên” cần phải đi học. Học gì? – Học làm người, học để biết thiên chức của con người”.
Xem như thế “ngợm người” hay “người ngợm” quả nhiên không phải người tốt.
Tóm lại, “ngợm người” để chỉ những kẻ có hình thể, vóc dáng của con người, nhưng cách sống với đồng loại, chưa đạt được cái bản chất đích thực của CON NGƯỜI, mà tôi đã đọc trong mục danh ngôn đâu đó câu: “Hãy sống sao cho người ra NGƯỜI” của Thái tiên sinh.
Ngoài ra, trong bài thơ Niềm Mơ Ước Vĩ Đại Của Tôi, Thái Quốc Mưu đã viết:
Mặc ai mơ nước Thiên Đàng
Mặc ai mơ cõi Niết Bàn xa xôi
Tôi sinh ra giữa Đất, Trời.
Chỉ mong làm được CON NGƯỜI – viết hoa.
Theo Thái Quốc Mưu thì giống động vật mang tên người, khi được “Viết hoa” thành CON NGƯỜI thì vô cùng khó khăn, lớn lao, vĩ đại, và cao quý hơn tất cả. Nó nằm trên tất cả những ước mơ – kể cả Thiên Đàng hoặc Niết Bàn. Bởi, khi tất cả giống người biết tu thân để trở thành CON NGƯỜI được viết hoa, thì xã hội lúc đó đa số chỉ có những CON NGƯỜI đích thực là NGƯỜI. Họ toàn là bậc chính nhân quân tử, lương thiện, gắn bó yêu thương,… thì Thiên Đàng hoặc Niết Bàn đã hiện hữu giữa trần đời, chẳng phải tìm đâu xa. Khi ấy, lũ “ngợm người” không còn đất dung thân, chẳng thể tồn tại. Sẽ tự diệt.
Bây giờ qua thơ Thái Quốc Mưu ta thử tìm xem những thành phần nào trong xã hội mà nhà thơ ghét nhất? Câu trả lời, chính xác nhất, đó là lũ “ngợm người”.
Trong bài thơ “Trên Chót Đỉnh” Thái Quốc Mưu đứng trên núi nhìn xuống “đời”, ông đã thấy “lắm lũ loài”. Ông dùng chữ ‘lũ loài” chứng tỏ ông rất ghét hạng người nầy, đó là hạng người tranh bả lợi danh, giựt dành lợi lộc làm mất cái nhân tính đích thực của CON NGƯỜI:
Ngó xuống. Ôi chao lắm lũ loài
Tranh chấp bả danh nhân tính mất
Giựt dành lợi lộc hận thù sôi
 (Trên chót Đỉnh)
Cái bọn người mà bả danh vọng và lợi lộc đã làm cho họ sôi máu hận thù, mất đi nhân tính đó, đã được nhà thơ gọi đích danh trong bài thơ “Khác Biệt” của ông:
Quan tham đầu óc như “lì đỗn”
Chỉ biết thu gom với nhét vào
 (Khác biệt)
Đọc ngược hai chữ đóng trong ngoặc kép ta thấy Thái Quốc Mưu khinh bọn quan tham đến cỡ nào.
Và với Thái Quốc Mưu bọn người ấy không những là phường phi đạo đức, bất tài, bất nhân, bất nghĩa, tham lam vô tận, lừa bịp, thất học, ngô nghê trước quần chúng; vậy mà hay lếu láo khoe khoang, vênh váo,… ăn trên, ngồi tróc để lèo lái mọi việc chẳng khác nào như bác tài vừa dỡ lại ba hoa:
Đạo đức trống không hay lếu láo
Chân tài rỗng toác cứ thày lay
 (Có những bác tài)
Nhà thơ Thái Quốc Mưu không tiếc lời giận dữ điểm mặt bọn người xấu xa trên với lời lẽ vô cùng cay cú:
Hôm sớm đem đầu ra đội đít
Trưa chiều gục mặt để chờ khi
Cong lưng đổi miếng mồi danh lợi
Ngậm miệng ăn ba cái bã chì
 (Vịnh ông Táo)
Và cuối cùng Thái Quốc Mưu không còn nể nang gì nữa và thẳng tay chỉ vào mặt bọn người mà ông ghét nhất trên trần gian nầy, công bố, vạch trần tội lỗi xấu xa nhơ nhuốt của họ, lũ “ngợm người” mà từ xưa đến nay thời nào cũng có:
Quan ôn xưa nay
Phẩm chất kém – cần sơn, phết, xi
Bằng cao. dốt rặt mới ly kỳ
Văn thư nguệch ngoạc run cầy sấy
Chữ ký loằng ngoằng méo miệng ghi
Quán nhậu nghênh ngang tuồng hổ, sói
Cửa quyền hống hách tựa tần, phi
Gặp thời chồn cáo vươn nanh vuốt
Sớm tối vênh vênh cái mặt chì.
Vậy qua thơ ta biết thứ mà nhà thơ ghét nhất trên đời là ai vậy?
Tất nhiên không phải là những người mang chữ “ngợm” với nghĩa xấu bình thường. Tất nhiên, đó không phải là người ngu dại; tất nhiên không phải người khuyết tật, người phạm tội hình sự, kẻ vô tình, vô tâm… Nói chung tất cả những người bị cho là “người xấu” đó, đều không phải thứ “ngợm người” mà Thái Quốc Mưu muốn đề cập. Thái Quốc Mưu nói thẳng lũ ngợm người ấy chính là những kẻ ngồi ở ghế quan lại trên cao mà kém tài, thất đức, bám danh hưởng lợi,…
Qua thơ Thái Quốc Mưu, bọn “ngợm người” là bọn “Quan ôn” vô lại. Bọn đó làm cho nhà thơ Thái Quốc Mưu chán chê thế gian nầy đến nỗi ông đã nhắn với người bạn thơ tri âm của mình:
 “Nhớ bút hãy đùa cùng trăng gió
Thèm thơ xin nhắn cái thằng tôi”
nhưng,
Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người”.
Với bọn “ngợm người” nầy nhà thơ Thái Quốc Mưu cho rằng đã hết thuốc chửa rồi, cho nên ông chẳng cần nhắn nhủ khuyên lơn, dạy bảo gì họ cả, mà chỉ lắc đầu bỏ đi, buông ra cho chúng một câu để nhớ đời:
Chớ tưởng quyền uy thay trí óc
Đừng hòng sỏi đá hoá trân châu ./.
(Biển Đời)
Châu Thạch
 
-Về Một Bản Dịch Tài Hoa Của Dịch Giả Thái Quốc Mưu – DIỆP KIẾM ANH

TÁC GIẢ:Diệp Kiếm Anh
NỖI ƯU HOÀI
Việc nước cưu mang đến tuổi già.
Tận cùng trời đất mộng bình ca.
Gặp thời – giặc cỏ luôn vênh váo.
Hết vận – phận mình ngậm xót xa
Những tưởng chuyển lay vầng nhật nguyệt
Ngặt không quét nổi dãy Ngân Hà
Mái đầu nhuộm trắng mà quên phắt
Bóng nguyệt mài gươm vụt xế tà.
Thái Quốc Mưu (Phỏng dịch từ bài Cảm hoài (Thuật hoài) của Đặng Dung)
Gần đây, nhân đọc bản dịch NỖI ƯU HOÀI của dịch giả THÁI QUỐC MƯU đăng trên Góc Đường luật của Website Đất Đứng, khiến nhiều người dâng trào nỗi bâng khuâng trước thời cuộc nhiễu nhương xen lẫn niềm cảm phục sự tài hoa nổi trội của người dịch.
Nguyên tác là một bài thơ rất nổi tiếng của danh tướng Đặng Dung (?-1414), không chỉ trong giới thơ văn mà cả trong đại bộ phận người Việt đều hầu như biết đến, lại còn được sử gia Trần Trọng Kim cho in hẳn vào trong cuốn Việt Nam sử lược của chính mình: 
感懷            CẢM HOÀI
(述懷- Thuật hoài)
 世事悠悠奈老何,Thế sự du du nại lão hà
無窮天地入酣歌。Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
時來屠釣成功昜,Thời lai đồ điếu thành công dị
運去英雄飲恨多。Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
致主有懷扶地軸,Trí chúa hữu hoài phù địa trục
洗兵無路挽天河。Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
國讎未報頭先白,Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
幾度龍泉戴月磨。Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Đặng Dung 鄧容 
Nội dung bài thơ là lời tự sự của một danh tướng cuối triều Hậu Trần trước việc thất bại trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược nước ta. Dù bày tỏ mối hận bất lực trước thời thế nhưng chất tráng ca hào hùng khiến bài thơ rực toát lên đầy dẫy hào khí dân tộc của một tráng sỹ đang bôn ba trên đường cứu nước chống kẻ thù ngoại xâm với đầy quyết tâm và niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Lắm người trong chúng ta đã tiếp cận với nhiều bản dịch của bài thơ này qua các tác giả tài danh như: Tản Đà, Phan Kế Bính… Bài thơ đi vào lòng người đến độ dù đã trải qua hơn 600 năm mà khi đọc lại ai ai cũng thấy xúc cảm dạt dào cộng với niềm đồng cảm sâu sắc cùng nỗi u hoài của một con người đứng trước sự ngả nghiêng của vận mệnh đất nước…
Và sự đồng cảm đó càng thể hiện rõ nét nhất là việc đã có rất nhiều thế hệ về sau thử dịch lại bài thơ này với tham vọng làm mới ý thơ trong ngôn ngữ hiện đại. Một phần có thể do chưa có một bản dịch nào trước đây diễn đạt đủ sự “hoàn hảo” trong việc chuyển ngữ và chuyển ý để làm thỏa mãn sự thưởng thức của người đọc, phần còn lại – nhiều  hơn – có lẽ do sự cảm khái từ nội dung bài thơ mỗi khi có biến động của nền chính trị đất nước trước hiểm họa ngoại xâm…
Chợt nhớ có lần cách đây vài năm, nhân đọc trong một số cũ của tạp chí KTNN, có bài của tác giả Kha Tiệm Ly (người hiện đang phụ trách GDL của Web ĐĐ) đăng trong mục Trà dư tửu hậu, phê phán kịch liệt bản dịch “thời đại mới” của một tay nhà báo cỡ khá, vì sự ấu trĩ của ông ta trong việc hiểu “chập chờn và sai” ý nghĩa của từ Hán Ngữ lẫn việc chưa rành lý thuyết của phép đối ngẫu trong việc làm thơ Đường luật…
Nói dông dài thế để thấy rằng việc “dịch lại” bài thơ Thuật hoài của Đặng Dung không hề đơn giản, thậm chí là không cần thiết khi đã có vô số bản dịch của các cây đa cây đề từ trước đến nay trong làng văn học Việt Nam hạ bút chuyển ngữ rồi. Tương tự như việc Lý Bạch quẳng bút đi khi đến chơi Hoàng Hạc lâu đã thấy thơ Thôi Hiệu đề từ cho Hoàng Hạc lâu vậy!
Thế nhưng, khi đọc bài phỏng dịch Nỗi Ưu Hoài của dịch giả Thái Quốc Mưu không ít người dậy sóng trong lòng, sẵn sàng chia sẻ tâm sự với người dịch và không thể không cảm phục cái tài hoa rõ nét trong bản dịch này. Nhưng vì sao là “phỏng dịch” chứ không phải là “dịch”? Phỏng dịch (phỏng 仿=倣=(Động) Bắt chước) nói nôm na là chỉ mượn ý và chêm thêm một số ý khác (thường là ý chủ quan) so với nguyên tác (tương tự nhưng gần với chủ đề nguyên tác hơn phóng tác, cảm tác…). Trong thể thơ Đường luật, phỏng dịch có thể xem như một bài họa nguyên ý.
Ở đây, dịch giả đã kín đáo và ý tứ đưa lòng mình vào bản dịch. Trong khi thể hiện sự đồng cảm với nguyên tác nhưng không quên nói lên nỗi ưu uất của thời đại mình trong tư cách chứng nhân của người trong cuộc đã từng tham gia vào sóng gió của sơn hà. Hai hoàn cảnh của tác giả và dịch giả cách nhau 600 năm nhưng cảnh ngộ của hai người gần như là một: Sự bất lực trước thời cuộc nhiễu nhương mà dù tâm hùng, chí cả, ước mơ “đội đá vá trời”… vẫn không thể xoay chuyển được càn khôn.
Những tưởng chuyển lay vầng nhật nguyệt
Ngặt không quét nổi dãy Ngân Hà
 Đau đớn thay khi Hổ về đồng bằng cũng bị ngay cả Chó giỡn mặt – còn tệ hơn cả con Hổ bị nhốt trong cũi sắt mơ về một thời vang bóng của Thế Lữ nữa. “… nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ…” (Hịch tướng sỹ-Trần Hưng Đạo) thì bất cứ ai nặng lòng với sơn hà xã tắc, với tiền đồ dân tộc, với tương lai giống nòi… mà chẳng thấy bất bình cho hoạt cảnh tiểu nhân đắc chí đang dùng quyền lực may mắn có được để mưu cầu việc vinh thân phì gia, bất chấp cả những việc làm tán tận lương tâm, chôn vùi đạo lý, phỉnh dân, hại nước… và không thể không ngậm ngùi cảm thán khi nhìn lại thân phận kẻ sỹ bất lực của mình trước thời cuộc ba đào
Gặp thời – giặc cỏ luôn vênh váo.
Hết vận – phận mình ngậm xót xa
*****
Bản dịch này còn nhiều điều gởi gắm ẩn tàng của dịch giả Thái Quốc Mưu mà bài viết này chưa đủ sức nhìn thấy và nêu ra hết, nhưng nỗi lòng của một người lính già ngồi kể lại chuyện Nguyên Phong thì chúng ta có thể phần nào cảm nhận được.
Xin chia sẻ và đồng cảm với dịch giả Nỗi Ưu Hoài bằng bài họa – kém cả ý lẫn tứ so với bản dịch – như để kết thúc bài viết đầy nặng lòng này.
 
TỬU CA
Vó câu song cửa tủi thân già
Sức kiệt lực cùng oải tiếng ca
Chi nữa hôm nào vung kiếm bén
Hết rồi dạo ấy vượt đèo xa
Tâm hùng gởi bạn đền sông núi
Chí lớn trao con đoạt hải hà
Dốc tửu gõ bồn mơ chiến trận
Duồng say trong gió lãng sương tà
DIỆP KIẾM ANH
 

Ban Biên Tập/Hai Bờ Giấy
Tổng hợp và Giới thiệu.

 
 
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu