BAN BIÊN TẬP
Giới Thiệu Tác Giả: Lê Phương Châu

 
I.Tổng Quát:

Chủ Đề  Kỳ VI này chúng tôi hân hạnh giới thiệu với đọc giả bốn phương nhà thơ nữ Lê Phương Châu, một Cộng Tác Viên kỳ cựu với trang nhà từ thời trang Sông Dinh cho đến hôm nay, trang Hai Bờ Giấy.
Nhà thơ  Lê Phương Châu làm thơ rất sớm, từ thưở còn là một nữ sinh Trung học, thập niên 60. Chị cũng có mặt rất sớm trên Thi đàn, khoảng thập niên 70.
Trước năm 1975, đã cho xuất bản 2 tập: Tập thơ đầu tay xuất bản năm 1969. Tập thứ 2, xuất bản năm 1972.
Sau năm 1975 ngưng sáng tác trong một thời gian dài.
Cho đến năm 2006 mới cho in tập thứ 3.
Từ đó, nhà thơ sáng tác rất mạnh và cho đến nay đã xuất bản tập thơ thứ 8.
Thời gian sau này, thơ chị thơm mùi Thiền, nhẹ nhàng, phiêu hoát.
Chị cũng rất già dặn trong thể Đường luât cận thể, thất ngôn bát cú.
 
 II.Sơ lược tiểu sử:
 
Tên thật : Lê Thị Tuyết Phượng
Bút hiệu  : Lê Phương Châu
Tuổi Giáp Thân (1944)
Tuổi thơ bên giòng sông Cái, làng Phú Lộc, huyện Diên Khánh, Khánh Hoà và cao nguyên Pleiku vùng đất bước vào đời : viết báo, làm thơ đến ngày lịch sử 30.4.1975 di chuyển về Sài Gòn đến hôm nay.
 
 
 II.Trích giới thiệu Thơ:

 3.1: 03 bài thơ gần đây
 
 3.1.1.Một  Đoá  Hư  Vô

ta thong dong tự tại
ngày cắt gọt, rửa chén, rửa rau
xong công việc
khoát áo tràng ê a câu kệ
diện kiến như lai nhỏ to tự sự
lui về sân cỏ ngắm trăng
khuất dần sau đỉnh núi
trời cao xanh vời vợi
câu thơ hoàn tục nửa vời
ta làm thơ cáo phó thời gian
ngày tắt lụn ánh sáng rơi tường gạch rêu xám ngắt
uống cùng ta trôi nhẹ ánh trăng rằm
cứ rót thơ tình cho nhân ngãi thậm thâm
cứ cười vang cho đất trời hoan lạc
mở lối đi, tình thơ say dào dạt
bóng mây tha hương, điệu nhạc lưu vong
ở nơi đây, ta, khách ngụ cầm canh đôi mắt ướt
đêm sừng sững vỗ về trang sách nát
đánh thức con chữ ngã nghiêng bung mình dội ngược
trở về câu thơ chiều qua đứt đoạn
cánh cửa vô tình mời gọi chơi rong
mùi dạ lan níu cành hương cỏ dại
mưa giữa khuya lay động cánh chim trời
ta giữa khuya ho khan tìm nước uống
thấy sơn hà bên nép cửa xanh xao .

Hỷ kiến am tháng 6.2015

3.1.2.Từ  Trang  Thơ  Cũ

nắng ấm từ đôi bàn tay trở lạnh
đời quạnh hiu theo mảnh vỡ bão đêm
dòng sông ngàn năm trôi lênh đênh
thất lạc nhau tình đầu, tình cuối

ta còn ta. Vết hằn sâu quá khứ
quay về lá úa buổi tàn thu
trang giấy khô rang ma mị sương mù
âm bát quái phơi lưng hài vũ điệu

đêm vỗ giấc soi đỉnh trời cách biệt
chút gió chuyển mùa rõ dấu xưa
tiếng ai vang vang tịnh như mơ
thiên đàng lập lờ rung áo lụa

cánh nhạn về đâu reo vội vã
ta về đâu cơn sốt vọt lên cao
có phải quỳnh hoa nở nửa đêm nay
tình xót xa bật máu rơi thành lệ .

Hỷ kiến am tháng 6.2015
 
3.1.3.Vỡ  Nát  Cơn  Buồn
 
đôi khi trong đời  
thấy mình thoáng hiện
lần theo nhánh bão khuya
đêm chập chờn trở giấc
ta như con lật đật
xoải tay vồ bóng ai
bóng cùng ta không hai
biển dìm sóng nặng vai
thèm gót hài bờ cát
ta mơ em mặn nhạt
mỏm đá vàng trổ bông
em ngồi hát trăng trong 
khúc nghê thường mùi mẩn
dạo cảnh đời mênh mông
chờ chim về báo bão
giấc mơ nào song đôi
rống vang nhiều mảnh vỡ
khóc ré lời khát khao
bên dòng sông thú tội
 
em ơi ta tật nguyền
lỡ buông lời tự nguyện
nắng nào chẳng cho ta
hong vàng lời yêu dấu
cơn mưa phùn lâm râm
tay em sờ mặt ướt
tay nào mình nắm chặt
âm ba khúc phù vân
con tim nào mộng mị
gõ cửa mùa ái ân
có đến muôn ngàn lần
rung chuông như tận thế
có đến muôn ngàn lần 
bèo dạt ngóng mây trôi
dốc tình thay đổi dạng
lời tình buồn rong chơi 
đập nát cơn buồn vỡ vụn ....
Hỷ kiến am tháng 6.2015
 
3.2:  02 bài Đường luật:
 
 3.2.1.Nhớ Quê

Sóng vỗ ngàn trùng chạnh biển Nha
Trăm năm tuổi hạc đếm xuân ngà
Người đi đất khách mơ nguồn cội

Kẻ ở quê làng ngâm sử ca
Sông Cái xuôi nguồn tuôn nước ngọc
Đại An sừng sững vẽ Am Bà
Lòng vương tiếng giã đêm mùa gặt
Bài học vỡ lòng nặng bút Hoa .
LPC.
 
 3.2.2.Tình Xuân
(Họa Xuân Đếm Ngón/Hồng Hoa-Phụ Đính VI)
 
Xuân đến xuân đi, đủ lắm rồi !
Thương hồ khách biệt bến Xuân chơi
Chia tay lặng lẽ nhìn trăng mộng
Đứt ruột âm thầm tủi phận côi
Gạn chút hương xưa làm sắc thắm
Khơi nguồn thơ cũ góp màu tươi
C hương thơm dấu chân du t
Xuân đến xuân đi, đủ lắm rồi!
LPC.

 
3.3:Thơ Diễn ngâm
 
Mời nghe 2 bài:
 
3.3.1.Sống Như Rong Chơi
 
-Diễn ngâm:Nghệ sĩ Thu Thủy
-Thực hiện Video: Ca Dao
-Ảnh minh họa Ngọc Danh.
-Link: http://haibogiay.net/ngamtho/Le-Phuong-Chau/Song-Nhu-Rong-Choi-44/
 
3.3.2.Em và Vườn Tâm Tôi

-Diễn ngâm: Nghệ sĩ Hồng Vân
-Thực hiện Video: Ca Dao
-Tranh minh họa: Đinh Cường.
-Link: http://haibogiay.net/ngamtho/Le-Phuong-Chau/Em-La-Vuon-Tam-Toi-41/


 
 
III.Các bài viết về Tác giả và Tác Phẩm:

4.1: Nhà văn: Mang Viên Long

Đường đi vào thơ Lê Phương Châu
 
Tác phẩm văn học nghệ thuật là chuỗi hiện thực rất chân xác, thể hiện trọn vẹn chân dung của tác giả (và xã hội) đang có mặt bên đời. Qua đó, ai không (hay chưa) tạo được chân dung của chính mình (và đồng loại), là tự mình chưa thành thật! Khi chưa (hay không) thành thật với mình, thì những trang viết chỉ là những bóng ma thấp thoáng mà thôi!
         Hai tác phẩm của Lê Phương Châu được xuất bản trước 1975 gồm Tình Khúc Mưa Tháng Năm (1969) & Thơ Lê Phương Châu (1972) là giai đoạn thanh xuân của tuổi 25 – 28, với những ước mơ, khát vọng đang xanh thắm của một thời con gái hồn nhiên sống trong thái bình, an lành, bên tình yêu thương đầu đời! Có thể gọi tên cho giai đoạn thơ nầy của Lê Phương Châu là “Những bước ngập ngừng vào đời với thơ”.
         Hơn ba mươi năm sau, với sự ra đời của hai tác phẩm Nắng Hát Chiều Đông (2006) & Mây Trắng Đầu Non (2008), thơ Lê Phương Châu đã đi dần vào khúc quanh dâu biển của thế sự, với bao nỗi ưu tư, trăn trở, và hoài niệm về một thời “để thương yêu và để nhớ”… Đây là một biến chuyển khá sâu sắc, toàn triệt, và dài lâu trong đời thơ, cũng như đời người của chị. Những rung cảm ray rứt, những tiếng thở dài thầm lặng, cùng bao suy niệm thiết thân với đời sống đang bộn bề vây phủ, đã được sẻ chia chân tình! Ở đây, người đọc thấy rất rõ mối quan hệ không thể chia cách giữa cuộc sống - thời đại - con người trong những năm tháng lao khổ và lận đận!
          Cho đến thi tập Cùng Tử Ca (2012) – bốn năm sau, Lê Phương Châu như đĩnh đạt bước vào con đường sáng lòa ánh nắng của Pháp Hoa… Có thể nói, từ “dấu mốc” (hay dấu chân) nầy, Lê Phương Châu đã vững bước tiến theo đường hân hoan cùng tiếng ca tỉnh thức của gã cùng tử!
          Từ Một Khắc Trăm Năm (2013) & Như Dòng Sông Trôi Xa (2014) là hai con đường thơ song hành, phơi phới, tươi mới, đầy sáng tạo mỹ thuật tôn giáo, được nhà thơ thể hiện rõ nét hơn bao giờ! Tình thương yêu, nỗi nhớ mong, và nhất là những ước mơ, kỳ vọng (…) thể hiện, bàng bạc trong từng bài thơ – tất cả đều hướng về chân lý của sự giải thoát chân chính dành cho kiếp nhân sinh rẫy đầy phiền não và khổ đau mà nhà thơ đã từng kinh qua. Người đọc nhận ra rằng tác giả tâm nguyện miên mật hiến dâng phần đời còn lại cho “niềm vui lớn” ấy!
           Dấu Chân Gió Ngược (2015) sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta theo lộ trình thơ đã được chị khẳng định, với những trang lòng êm đềm mà khoắc khoải:

“Lời như đã gió bay xa
Là tôi với tiếng cười oà sáng nay
Tờ lịch mới, tháng mười hai
Em ru tôi ngắm hoàng mai trở mình
Tắt dần ngọn đuốc ba sinh         
Buông tay nằm hát tự tình đêm qua
Vẫn trong trẻo khúc hương nhà
Chân chầm chậm rải sát na trùng phùng (…)”
           Và trong khu Vườn Thơ Tôi đã nẩy lộc, trổ hoa, góp hương cho đời:
“(…)
Em hiện trong vườn thơ tôi
Mùa xuân đi về rạng rỡ
Lộc xuân in dấu ngàn sao
Nàng thơ nghiêng mình ở lại
Bên tôi trang ngọc dạt dào!”


 “Em” (có nơi gọi “Anh”) là mỹ từ thơ được tác giả dành cho chân tánh (là bản lai diện mục, Phật tánh) như một tên gọi thân thiết, ruột thịt. Trong Hình Như Là Có Tôi nhà thơ đã luôn nhận biết, trong từng sát na đổi thay của vạn pháp nhiệm mầu, đều có “bóng dáng” của chính mình: đây là bước thâm nhập đầu tiên rất quan trọng để tiến dần vào đạo.
“Cũng ôi lúc suối tuôn hối hả
Chảy hiền ngoan mặc định bến lưu vong
Kiếp phù sinh bên triền ảo giác
Tôi neo đời mình lưng lửng hư không
Đêm như đã nổi trôi tình úa nhạt
Rất lạnh lung và cũng rất thậm thâm
Đá lên tiếng mù sương vỡ hạt
Tôi còn gì ngoài những góc quen thân (…)”
 
Từng tháng năm âm thầm nơi thiền viện An Lạc, Hỷ Kiến Am, hay bất cứ nơi chốn dừng chân nào, nhà thơ cũng đã luôn tỉnh thức, trong niềm hỷ lạc vô bờ đầy sức sống:
“Giữa khuya đêm tỉnh thức
Nằm nghe tiếng công phu
Âm Lăng Nghiêm huyền hoặc
Quét khô đỉnh khói mù!”
 
Những lời tâm sự đau đáu kiếm tìm như thế nầy sẽ “gặp” được rất nhiều trong Dấu Chân Gió Ngược:

“Tình ơi rốt ráo vô tình
Trăm lần neo bến một mình mộ ta
Đổi thay, thay đổi chuyến phà
Cơn giông hỉ nộ, đò qua kinh hoàng
Thinh không đỉnh vọng hạt tràng
Ngàn phương đốt đuốc mở màn nguyên tiêu
Sắc xuân chào cánh mây chiều
Xe lăn, quên bẵng một điều có không
Một bước đi – một bước gần
Trên tầm tay đọng giấc nồng ba sinh
Nụ cười lãng tử đầu sân
Là tôi tóc phủ mấy vần tâm kinh.”
(Quay Đầu Nhìn Tôi)
         Và:
“Thinh không bám trụ tồn sinh
Đêm qua nghe tiếng lục bình vang vang
Trăng thiêng vời vợi đạo tràng
Có-không-không-có ngổn ngang cõi trần
 
Cảm thông tiếng lục huyền âm
Hồn nhiên đá sỏi – mạch tâm vô sầu
Bỏ về nguồn – ngắm tằm dâu
Bên sông sóng vỗ – mạn cầu hạc bay.”
(Mặc Nhiên)


 Con đường an lạc rạng ngời ánh sáng đang mời gọi phía trước, nhưng phải vượt bao ghềnh thác, sông suối gian nguy mới có thể dừng chân an ổn – đôi lúc, người lữ hành cũng đã băn khoăn, rất thao thiết:

“Xới lại đằng sau đống tro tàn
Rừng già rơi lệ cánh đồng hoang
Nhớ nhau một chút tình thơm thảo
Đốt bếp than hồn – thắp nén nhang
 
Đánh thức tôi. Dặm dài sông côi
Lững thững say gió chiều chơi vơi
Dấu chân dốc ngược – lời chưa ngỏ
Bõ cuộc chào nhau – nửa ván đời (…)
 
Chia tay chia cả sóng tàn thu
Cả mặt trời rung, cả biển mù
Đỉnh ngàn mây hú không nơi hẹn
Sợi tóc rơi rơi gió bay vù!”
(Dấu Chân Gió Ngược)

Và những dấu chân gió ngược không hề chùn bước, vẫn luôn đi về phía mặt trời nồng nàn, mang lại cho người đọc bao xúc cảm ấm áp đã được thực chứng, bao kinh nghiệm sống dạn dày khổ đau mà âm vang lời sẻ chia thắm thiết, và nhất là, với bao niềm hy vọng cho một tương lai An Lành & Hạnh Phúc lâu dài!
Ngày vẫn bắt đầu với Quét Sân Chùa với tâm tĩnh lặng lại ngời ý thơnhư thuở nào, với đời sống bây giờ, và ngay lúc nầy:

“Sớm mai quét lá sân chùa
Khốc khô ngược dốc ỡm ờ chi đây
Đã rằng nắng nhạt bờ tây
Hom hem tay với giỏ đầy tàn rơi
 
Mặt hồ rơi bong dáng ai
Sao tâm tĩnh lặng lại ngời ý thơ”

MANG VIÊN LONG
Mùa Phật Đản
PL 2559
 
4.2: Nhà thơ Võ Chân Cữu

Dòng sông nhìn thấy


 
Mỗi người làm thơ phải làm thế nào để sức sáng tạo trong người vẫn luôn luôn mới mẻ và tràn trề, có lẽ ai cũng đều có cách riêng của mình. Ở nhiều nơi, tôi may mắn tìm thấy câu trả lời bằng tác phẩm. Nhà thơ Lê Phương Châu là một ví dụ. Quê ở miền thành cổ Diên Khánh - Khánh Hòa, chị có tác phẩm đầu tay in từ năm 1969, khi còn là một nữ sinh ở Nha Trang. Trước 1975, chị có những bài từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tuyến lựa chọn đưa vào tuyển tập thơ hay. Sau biến cố 1975 cuộc sống của chị trải qua những vất vả thăng trầm, phải ngừng bút suốt 23 năm. Sau đó, khi tuổi đã khá, chị lại làm thơ trở lại và xuất bản đến nay thêm được 4 tập. Mới đây nhất, chị cho tôi xem bản thảo tập thơ Như dòng sông trôi xa, gồm những bài thơ liên tục tuôn trào trong vòng hơn 6 tháng cuối năm 2013.
Tuổi đã cao, chị tự nhìn lại mình, những cảm xúc không xa lạ với nhiều người nhưng cách diễn đạt khá thực, nên mới mẻ. Một bài lục bát chị làm hồi tháng 7/2013 khi chị sang Mỹ thăm người nhà đang định cư ở California:

Chân non bóng rủ trăng hờn
Tay trong tay đọng giọt mềm chiếu chăn
Xong rồi, bóng rụng xa xăm
Tình ta như đã sóng giăng ngút ngàn
Tà dương soi mấy nẻo đường
Nước tràn bờ lũ, tứ phương cúi đầu
Liếc quanh gương mặt nhám sầu
Gõ quanh ngực mỏng ngàn sao trở mình
Luân hồi - biển ngọt - sóng êm
Ném bầu thơ dại bên triền vô ngôn!
(Rủ Bóng Đêm)

Hai câu thơ cuối như lời tự sự về cách sống an bình.
Có một loài hoa mang hình bóng những miền quê hương in dấu:

hắt hiu bên tường rên lã chã
ôi đỗ quyên!
đã khuya - vọng âm tìm người
gió thiên thu chao nghiêng hàng cổ thụ
nát tan thời vàng son chạm trổ xà cừ
khắc ngọc bội bên án thư gia phả
tiếng gọi chiêu hồn
máu thịt rã tan
 
ta âm thầm phun châu
em hờn ghen nhả lệ
bờ sông ngân ngàn thu tràn đá vỡ
dòng Dakla chảy ngược đậu bờ ngực thẳm cao nguyên
dòng sông Cái trầm tư xuôi về phố chợ
trăng viễn khơi đậu bến chân em
hồ cô lữ mông lung
tìm đỗ quyên - thánh nữ
mời em ngắm trăng thu
đọc thiên tình sử
ta gửi em xâu chuỗi tùy duyên
trôi xa miền thiên định
thâu đêm nghe huyền sử đỗ quyên
nhắm mắt lại chông chênh nỗi buồn
cơn lốc mùa phượng đỏ Tây Nguyên!
(Huyền sử đỗ quyên)
 
Thơ tự tạo dựng nên “mặt tiền” trên con đường nghệ thuật mình. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, năm tháng dành cho nghệ thuật của mỗi người còn ngắn ngủi hơn. Lê Phương Châu cũng như đa phần những nhà thơ khác, đã có những cảm xúc để nhận ra “Một khắc trăm năm”. Đó cũng tên tập thơ mà chị cho in tại xứ người. Nhiều người cho rằng các nhà thơ thường có tâm hồn đạo sỹ. Cảm xúc về cõi “trăm năm” đưa họ gần với cõi “đạo”. Cảm hứng tôn giáo nhiều khi cũng thể hiện thành thơ. Nhưng sa vào sử dụng ngôn ngữ tôn giáo nhiều quá, có khi chỉ làm ra những bài “thi hóa”. Trong tập Như Dòng Sông Trôi Xa, nhiều bài ghi rõ nơi sáng tác ở Tu viện An Lạc. Ở chốn cửa thiền yên ả này, chị đã có những cơn “say” - không phải là say đạo pháp, mà lại say thơ, mới là điều đáng nói.
Bài Say thơ mùa Đông diễn tả niềm ngây ngất ấy:

Dạo đỉnh non bồng níu áng mây
Tay vin áo gấm xòe cánh bay
Đãy túi tẩm nhừ sương rượu ảo
Sẽ uống cùng ai cho thật say
 
Nghiêng ngả cháy lòng sống với thơ
Thơ từ cổ thụ chĩa cành khô
Thời gian tóc lỡ bồi sương khói
Hóa thân vẫy cánh cũng chào thua


Cái cảm xúc ngất ngây ấy người ta từng gặp trong những bài tùy bút - thơ  Chơi giữa mùa trăng mà Hàn Mặc Tử đã viết ra cách nay hơn 60 năm. Cái say của Hàn Mặc Tử cảm xúc từ tín ngưỡng về Đức Mẹ Maria, còn không khí của thơ Lê Phương Châu bàng bạc từ cõi Phật về, nhưng cái đẹp cao cả thường giống nhau. Có điều ở đây giữa cơn say Lê Phương Châu lại bị cuộc đời đánh thức, như đoạn kết của bài thơ diễn tả:
 
Bật dậy truy tầm cơn mộng du
Vòng lăn âm ỉ khói ngàn thu
Ngoài cửa xuyên trùm cơn địa chấn
Ú ớ - gật gù - tiếng chó tru.


Câu kết của bài này là một sự bất ngờ, cả về hình tượng lẫn tu từ. Thì ra chị còn quá nhiều nặng nợ với cuộc sống - từ những hình bóng quê hương thời chiến tranh ấu thơ, những đổ vỡ chia lìa trong dòng siết lịch sử, và cả với tình yêu sâu kín trong lòng. Nhưng chính vậy nên thơ Lê Phương Châu dễ “tương cầu” với những ai có chung cảnh sống, có chung nỗi niềm trước thế sự tang thương. Vì Lê Phương Châu như “dòng sông trôi xa”. Dòng sông ra biển nhưng vẫn mang bên mình những bóng dáng trầm tích…
Do vậy, tôi tin là những dòng thơ Lê Phương Châu sẽ được giữ lại qua sự nghiệt ngã của thời gian.

Võ Chân Cữu
 
                                                                     
 
4.3.Nhà thơ Du Tử Lê:

Lê Phương Châu, một đời thơ gập ghềnh nắng, gió.
 
Với cá nhân tôi, dường như Lê Phương Châu không có một chọn lựa nào cho mình khác hơn, chọn lựa ăn ở với thi ca? Như chọn lựa ăn ở thủy chung một đời với tình yêu lớn. Nhà thơ Lê Phương Châu Khởi từ thuở còn cắp sách tới trường, bậc trung học, những năm, tháng ở thành phố biển xanh, cát trắng, sau bao nhiêu thác ghềnh thế sự, đời riêng, tôi thấy dường những con chữ, hình ảnh trong lộ trình sinh mệnh đời-thơ Lê Phương Châu càng lúc càng lấp lánh hơn. Phải chăng đó là những lấp lánh kết tinh tự những vực sâu bất hạnh? Hay những khổ đau như máu thấm sâu lòng đất, để từ đấy, thơ như tiếng kêu thương của con chim lẻ bạn, bơ vơ giữa đất trời lồng lộng bi ai, bật lên tiếng hót khác? Những tiếng hót trầm thống / bao dung bay dọc dặm trường lịch sử đất nước lênh đênh? Tôi không biết! Tôi tin chính tác giả “Một Khắc Trăm Năm” cũng không có được câu trả lời minh bạch, chính xác. (1) Đó là phần bí ẩn, mặt khác của định mệnh. Cũng tựa những bí ẩn, mặt khác của những câu thơ mang tên Lê Phương Châu. Như: “…người về thấy mặt nhau “chuông treo khúc nhiệm mầu “mưa lạc đường cơn dông “nắng phơi bờ cỏ cháy “thơ say mùa trúc đông “hàng ghế đá giá băng “tôi ngàn năm ở đậu…” Hoặc thê thiết mà cũng cực kỳ chân thật (cái chân thật thường thấy nơi tâm thái một người nữ nhậy cảm, cô đơn): “cánh bèo trôi phương nào “phương tôi dòng sông cạn “còn một nửa vầng trăng “bên kia dòng sông cạn…” Thảm kịch lớn nhất nơi cuộc đời của mỗi con người, mỗi chúng ta, theo tôi, là tính lá lay của định mệnh. Nhưng, phải chăng, với tác giả “Một Khắc Trăm Năm” thì, bản chất lá lay của định mệnh, vốn như chiếc bóng bất phân ly đời mình, nên Lê Phương Châu đã dành cho định mệnh lá lay kia, một tâm lượng lớn? Tôi muốn nói tâm lượng của một nhà thơ, hiểu tận cùng mỗi sinh phần, chỉ là một xuất hiện ngắn ngủi, phù du, vô nghĩa trước vô thỉ vô chung đất trời: “…dấu xưa cuồng rối tóc “phố khuya buồn thâu đêm “gửi tình nhân sáng sớm “gửi ta đường mây hoang “trái tim hồng độ lượng (…) “sân ga đời mỏi trông “đèn bão mờ sương giăng “bài du ca vô tận “trôi - trôi vào mênh mông.” (Trích “Thắp Nến Đông Về”) Tuy nhiên, không phải thi sĩ nào cũng có được cho mình cái tâm thái thi sĩ, như ta thấy trong thơ Lê Phương Châu. Tôi muốn nói, đằng sau những tiếng kêu bi thương lẻ bạn, là khoảng lặng tịch mịch của vô thường. Và, hạnh phúc thay cho tác giả “Một Khắc Trăm Năm” khi cô cảm nhận được tính vô thường vạn vật. Để từ đó, Lê Phương Châu tự mở lấy cho mình, cánh cửa an nhiên: “…nhịp sống trầm luân - ta cứ bước “quá khứ quên rồi - cánh nhạn bay “tương lai đâu biết - vòm mây nhạt “ung dung hít thở - ngắm chiều nay.” (“Bình Thường”) Và nghe được: “…mưa ném đá cho dòng sông vỡ tiếng “đêm thì thầm – núi tĩnh tịch kề vai “màu thương cảm – hoa cúc vàng đơm đọt “nghe đất mềm mở ngực đón sương mai!” (Trích “Hoài Thu”). Hơn thế, tác giả “Một Khắc Trăm Năm” còn gửi đời, gửi người “Lời Cảm Ơn Thật Thà” của cô: “cám ơn đời cho tôi “đôi mắt nhìn khép mở “cám ơn lời dịu dàng “vần thơ tôi hoa nở “cám ơn người nhìn tôi “trái vàng hong nhịp thở “cám ơn em - vườn khuya “tôi dìu tôi thong thả”. . Trên đây, không chỉ là những câu thơ đậm tính tự tại, nhuốm hương thiền mà, chúng còn là những câu thơ đẹp, trong đời-thơ Lê Phương Châu - - Một đời thơ… gập ghềnh nắng, gió. Trăm năm.” Từ một góc độ khác, trong phần “Bạt” của thi phẩm “Một Khắc Trăm Năm,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ viết: “…Thơ Lê Phương Châu không ồn ào dậy sóng mà hiền hòa như những ngọn gió điền dã, giọng thơ như lời độc thoại với chính mình, “mình tôi khêu bấc đèn dầu/phút giây ẩn hiện sắc màu cao nguyên...” Thơ, với Lê Phương Châu như một ân sủng của trời đất, “một câu thơ nghiền ngẫm mãi chưa rời/đêm sắp thẳng hàng – thuyền vọng viễn khơi/đất nứt nẻ chôn vùi chữ nghĩa/vẫn chút nắng vàng – vẫn có tôi!” Thơ, với Lê Phương Châu như một niềm tín mộ, “lắng nghe trong chữ nghĩa/vô vàn ý thơ rơi/nhặt ba hồn chín vía/kết sợi thơm dâng đời!” Sợi Thơm ấy, khởi đi từ cội nguồn tinh mật của kiếp người là tiếng nói? Tiếng nói trong trẻo, trong veo nhất của kiếp Người là Thơ? “đội mưa mùa thu tím tái/lung linh tiền kiếp trổ hoa/man mác suối mơ xanh lục/ ngập đôi bàn chân đi qua!” “Thơ Lê Phương Châu hiền hòa nhưng chất ngất hoài niệm, chiêu niệm,“đã qua rồi bão lửa chiến chinh/mất còn ai như bóng tượng hình/mắt rủ vọng âm – hồn chiêu niệm/hồng chung thức tỉnh lưới vô minh...” Nỗi chung và niềm riêng khôn nguôi,“thẩn thờ đếm bóng thời gian/thương giòng nước bạc - nhớ tràn điêu linh/về đây - cát bụi thâm tình/long đong muôn hướng có mình có ta/trăm năm hội ngộ cũng là/chuyến đò dang dở - ánh tà dương soi/một dòng.
Du Tử Lê
Tháng 7.2013.

4.4. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ
 
Dấu Chân Ngược Gió Của Lê Phương Châu
 
Cuối tháng 7.2015, nhà thơ Lê Phương Châu đã cho ấn hành tiếp tập thơ thứ 8 của mình, "Dấu Chân Ngược Gió" với trên 50 bài thơ lắng đọng suy tưởng, giàu cảm xúc, trải nghiệm phong phú qua một hành trình Thơ đã gần nửa thế kỷ. Điều đáng trân trọng là mối tri tình, tri kỷ đối với Thơ của Lê Phương Châu như ngọn lửa thiêng bền bỉ bất tận, như tấm lòng của nhà thơ luôn khao khát hiến dâng cho cái Đẹp của Đời và Đạo, được kết tinh thành Thơ. Bởi một lẽ đơn giản: Chính Đạo pháp và Thơ đã cứu rỗi Lê Phương Châu có đầy đủ nghị lực, lòng tin yêu trước những ngọn gió đời đầy oan khiên, bi kịch mà bản thân mình đã phải nếm trải và thọ nhận. Trong sáng, kham nhẫn và cô độc, chính là những phẩm chất quí hiếm của hồn Thơ Lê Phương Châu. Những phẩm chất quí hiếm ấy, tôi tin, đang và sẽ mãi đồng hành với Lê Phương Châu trong suốt hành trình sáng tạo thi ca của mình, dẫu rằng, nhà thơ vẫn chọn cho mình cách sống ẩn dật và khiêm hạ:
 
... Đánh thức tôi. Dặm dài sông côi
Lững thững say gió chiều chơi vơi
Dấu chân dốc ngược - lời chưa ngỏ
Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời...
 
(Dấu Chân Ngược Gió)
 
Tôi đọc chậm lại 2 câu: "Dấu chân dốc ngược - lời chưa ngỏ / Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời" để mong nghe được niềm u uẩn của nhà thơ. "Dấu chân dốc ngược" đầy bất trắc, "lời chưa ngỏ" là lời gì vậy? Ấy là lời vĩnh quyết xé lòng với mối tình thâm thiết nhất của đời mình, "Bỏ cuộc chào nhau - nửa ván đời". Tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong câu thơ. Tiếng nấc đã bay đi và tan theo gió, chỉ còn lại:
 
Đêm khuất dấu tàng thân vô xứ
ngẩn ngơ đời người trên phiến đá phù vân
Vầng trăng non đọc rõ
nỗi cô đơn bên hàng lau thưa thớt lá
là tôi băng ngang
tìm lại dấu chân
bên hình hài điếc đặc
hôm nay...
 
(U Tịch Trăm Năm)
 
Để rồi trong tâm tưởng vẫn còn vang vọng tiếng hát tự tình, "vẫn trong trẻo khúc hương nhà" trong niềm hoài cảm dịu dàng sâu lắng:
 
...Tắt dần ngọn đuốc ba sinh
Buông tay nằm hát tự tình đêm qua
Vẫn trong trẻo khúc hương nhà
Chân chầm chậm rải sát na trùng phùng...
 
(Bờ Gió Bay Xa)
 
Đến buổi xế chiều của cuộc đời, nhà thơ càng thấu tỏ hơn lẽ tử sinh ảo hóa của cuộc đời:
 
... Chiều nay cuồn cuộn phù du
Bước chân truy đuổi thực hư bi hài
Sinh ly chuyện chẳng riêng ai
Mềm tay con nước hoa phai vườn nhà
Rưng rưng dòng cạn màu pha
Nhặt đêm bóng rụng - thì ra bóng mình
 
(Đi Về Tịch Mịch)
 
"đêm bóng rụng" cũng chính là "bóng mình" giữa cõi bờ tịch mịch, "bước chân truy đuổi thực hư bi hài" là một tứ thơ hay, được thấu cảm bởi sự rung động sâu lắng trong tâm thức của nhà thơ. Để rồi, khi tĩnh tâm quán chiếu về lẽ vô thường của vạn hữu, nhà thơ đã nghiệm ra:
 
...Đêm khởi sự vắt ngang vườn xoan cổ tự
Khuất lấp nhịp tim rồ dại
Trôi theo tràng hạt bồ đề
tịnh khẩu
 
Trang kinh tinh khiết thì thầm
tôi như trẻ sơ sinh đói bầu sữa mẹ
lặng lẽ rung chuông hiền triết
Rừng uyên nguyên chia đôi sợi tóc đổi màu
 
Sướt mướt trầm hương khẽ ru lời gió
Ghi lại ngàn sau
có một khởi đầu.
 
(Dòng Trôi Ký Ức)
 
"Dòng Trôi Ký Ức" đã hòa nhập vào "trang kinh tinh khiết thì thầm", rất đỗi hồn nhiên "tôi như trẻ sơ sinh đói bầu sữa mẹ" nhưng rất đỗi tự tại "lặng lẽ rung chuông hiền triết", để rồi Nhìn ra, Thấy ra "rừng uyên nguyên chia đôi sợi tóc đổi màu". Đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ kỳ vĩ lạ lùng của thiền sư Tuệ Sỹ trong một bài thơ của ông:
 
...Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn...

 
(Trích trong bài thơ Không Đề - Tuệ Sỹ)
 
Chẳng biết tôi có khiên cưỡng lắm không, khi nghe ra một niềm tương ưng, rung cảm bất khả tư nghì? Thôi thì, hãy để Thơ hoan hỉ hòa âm nếu có túc duyên vậy!
 
"Dấu Chân Ngược Gió" thấm đẫm mối quan hoài về dòng chảy của Thời Gian. Mối quan hoài man mác nỗi sầu cố xứ, cố quận, cố hương nhưng không bi lụy mà đầy ắp lòng bi mẫn cho thế thái nhân tình:
 
Đưa thân cõng gió lạc mùa
Mù con bóng nổi gió lùa bến không
Tịnh tịnh âm - thác đổi dòng
Non xanh rệu rã ngó đông mịt mờ
Giật mình tỉnh giấc hoa mơ
Xốn xang hạt bụi mới bừa ngã xuôi
Tình ru mật đắng ngọt bùi
Đành thôi bến cũ ngậm ngùi trăng phai
 
(Trả Lại Thời Gian)
 
Rất nhạy cảm trong cách Nghe và Nhìn về sự trôi chảy của thời gian, của giòng Đời bất tuyệt:
 
... về xuôi mặc áo vở lòng
rượu khua bàn thạch hừng đông
ứng linh đất trời mở ngõ
sắc thanh một cõi hòa đồng!
 
(Giao Thừa)
 
Trái chín xuân nay tình rất ngọt
Điểm dừng - điểm đến - điểm phù hư
Có ai phong kín mùi hương tóc
Trêu nhánh cây già trên phố xưa...
 
(Nguyên Tiêu Nhớ Về)
 
Tập thơ tràn ngập Gió và Thời Gian, tràn ngập hồi tưởng và chiêm nghiệm với một tâm thái thanh tịnh, lắng đọng. Tôi hình dung và nhớ mãi đôi mắt sáng đầy nghị lực, gương mặt rất nhân hậu của nhà thơ với nụ cười, giọng nói hiền hòa, chơn chất khi đọc rất chậm, rất nhiều lần 2 khổ thơ sau đây:
 
không con đường - không chọn lựa
dòng sông trôi tình khúc xa xưa
liệu có ai bên cầu tre đứng ngắm
vi vút bay cánh nhạn hót theo mùa
 
nghiệp trần chưa phủi sạch
một sớm theo cánh gió bay ngang
ai có hiểu vì sao chiếc lá vàng
đêm tắt nến còn nghe thơm mùi đất!!!
 
(Thức Tỉnh Trăm Năm)
 
Để chợt hiểu ra, vì sao, nhà thơ - cư sĩ Lê Phương Châu, dù đã bước qua ngưỡng cửa thất thập, vẫn còn nuôi dưỡng được sức sáng tạo thơ sung mãn, nội lực thơ thâm trầm. Bởi một lẽ rất giản dị: Nhà thơ - cư sĩ Lê Phương Châu đã tri ngộ:
 
Giữa khuya đêm tỉnh thức
Nằm nghe tiếng công phu
Âm Lăng Nghiêm huyền hoặc
Quét khô đỉnh núi mù!!!
 
(Tỉnh Thức)
 
Kinh Lăng Nghiêm được xem là tâm ấn của chư Phật, là cốt tủy của Phật pháp.
 
"Dấu Chân Ngược Gió", đây cũng chính là một nỗ lực mới rất đáng trân trọng, gắn kết mật thiết với tâm nguyện chân thành và tối thượng nhất của nhà thơ giữa cuộc đời phù du, ảo hóa nầy:
 
lắng nghe trong chữ nghĩa
vô vàn ý thơ rơi
nhặt ba hồn chín vía
kết sợi thơm dâng đời
 
(4 câu thơ in ở trang đầu của tập thơ).
 
Chúc mừng nhà thơ đã sớm có túc duyên tri ngộ và tinh tấn hành trì Phật pháp trong từng hơi thở của mình, giúp cho hồn Thơ ngày càng thăng hoa, tỏa sáng.
 
Calif., Chớm Thu, 07.08.2015
 
Nguyễn Lương Vỵ
 
V.Thơ đã Xuất bản:


• Tình khúc mưa tháng năm - 1969
• Thơ Lê Phương Châu – 1972
• Nắng hát mùa đông – 2006 - NXB Thanh Niên
• Mây trắng đầu non – 2008- NXB Thanh Niên
• Cùng tử ca – 2012 - NXB Thanh Niên
• Một khắc trăm năm – 2013 - in tại California
• Như dòng sông trôi xa – 2013 - NXB Hội Nhà Văn
.Dấu chân ngược gió – 2015- NXB Hội Nhà Văn

. Bìa Dấu Chân Ngược Gió- Link:
http://haibogiay.net/gioithieu/Ky-Ra-Mat/Sach-moi-xuat-ban-DAU-CHAN-NGUOC-GIO-cua-Le-Phuong-Chau-BBT-39/
 
VI: Phụ đính:
 
6.1.Thư Pháp Songuyên, thơ Lê Phương Châu



 
 
Mời em ở lại cùng ta
Vui xuân khai bút thiền trà nữa đêm
(LPC).
 
6.2.Thơ Mai Quang, thư pháp Songuyên:


Thõng Tay Vào Chợ

Cõi trăng thường tịch Phương Châu
Vạc tùng sương vỗ bạc đầu lâm thâm
Giọt chuông Hải Đức lăn trầm
Biển Nhatrang Hải Triều Âm cựa mình
Phất phơ chéo áo nhật bình
Thỏng tay vào chợ nhân sinh kiếp người.
Mai Quang
(Trích Mời Tà –trang 50 – 51).
 
Ghi chú:
Chùa Hải Đức tọa lạc ở nhánh phía Tây trên đỉnh đồi Trại Thủy tại số 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (Wipikedia).
 
6.3. Bài Nguyên tác Xuân Đếm Ngón
Hồng Hoa
(tặng Tịnh Viên)
 
Xuân nay kể đã mấy Xuân rồi,
 Chẳng thấy Xuân về bến, ghé chơi
 Bến tủi, Hương Giang thuyền lẻ nhịp
 Thông hờn, Non Ngự bóng chim côi
  Cúc cười sân trước không buồn thắm
  Mai trổ vườn sau chẳng muốn tươi
  Xuân vẫn chờ Xuân, Xuân đếm ngón:
 Xuân nay kể đã mấy Xuân rồi ?.
 
Ban Biên Tập/Hai Bờ Giấy
(Tổng hợp và Giới Thiệu)
  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu