BAN BIÊN TẬP
Giới Thiệu Họa Sĩ Ái Lan


 
Chân dung họa sĩ Ái Lan

I.Tiểu Sử:

Nữ Họa sĩ Ái Lan sinh Tại Huế, Việt Nam.
Tên thật Công Tằng Tôn Nữ Ái Lan
- Học Mỹ Thuật Huế năm 1986. Hiện tiếp tục nghiên cứu sáng tác nghệ thuật.
- Hội viên Hội Mỹ Thuật Sài Gòn
- Hội viên CLB Mekong Art Sài Gòn
- Hội viên CLB Họa sĩ nữ Ngân Hà Sài Gòn
- Hội viên Hội Mỹ Thuật Thánh Đa Minh Sài Gòn
Cộng tác viên minh họa tạp chí Áo trắng, Tuổi ngọc, Thế giới phụ nữ.
Có tranh trong các bộ sưu tập tại Mỹ, Pháp, ĐanMạch, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đài Loan
và Singapore.
- Hiện cư ngụ tại Orange County, California Hoa Kỳ năm 2011
- Web site          : http://namcalistudio.com/
- Web site          : www.uyenlan.com
- E-mail liên lạc  : ailancongtang@yahoo.com

II. Hoạt Động Nghệ Thuật:

- 2 0 1 4 & 2 0 1 3 Triển lãm "SẮC MÀU HOẠ SĨ" tại Hội trường VNCR California Hoa Kỳ
- 2 0 1 2 : Triển lãm Họa sĩ nữ Quốc tế "HER PRESENCE IN COLORS X" tại Sài Gòn - Việt
              Nam.
- 2 0 1 2 : Triển lãm "MƠ XUÂN" tại toà soạn Nhật báo Người Việt CalifIornia
                Hoa Kỳ.
- 2 0 1 1 : Triển lãm "VỌNG NGUYỆT" tại tòa soạn Nhật báo Người Việt California Hoa Kỳ.
- 2 0 1 1 : Triển lãm đấu giá từ thiện “VUN XỚI NHỮNG MẦM XANH” cho học sinh nghèo
               Việt Nam do du học sinh Singapore tổ chức.
- 2 0 1 1 : Triển lãm Giao lưu Mỹ Thuật với các Họa Sĩ Jose Quant, Hoạ Sĩ Trương Đình
               Uyên tại Courbet Art Circle Gallery – Santa Ana, Cailifornia Hoa Kỳ.
- 2 0 1 0 : Triển lãm Họa sĩ nữ Quốc tế "HER PRESENCE IN COLORS IX" tại Portland
               Oregon – Hoa Kỳ.
- 2 0 1 0 : Triển lãm Từ Thiện tại Đại Chủng Viện Thánh Giu-se - Sài Gòn.
- 2 0 1 0 : Triển lãm FESTIVAL Huế.
- 2 0 1 0 : Triển lãm “SẮC MÀU Huế – Sài Gòn - Hà Nội" tại Hà Nội.
- 2 0 0 8 : Triển lãm cá nhân tại Dragonwick Gallery - Singapore.
- 2 0 0 8 : Triển lãm giao lưu Họa sĩ Việt Nam và Đài Loan tại Đài Bắc - Taiwan.
- 2 0 0 7 : Triển lãm “THE TOUCH OF VIET NAM“ tại Thư viện Quốc Gia - Singapore.
- 2 0 0 6 : Triển lãm Họa sĩ Quốc tế "HER PRESENCE IN COLORS VII" tại Art Center –
               Daegu - Korea.
- 2 0 0 6 : Triển lãm đấu giá tại Marriot Hotel Singapore.
Triển lãm nhiều lần từ năm 2 0 0 2 đến 2 0 1 0 với Hội Mỹ Thuật Sài Gòn, CLB Mekong Art Sài Gòn, CLB Họa sĩ nữ Ngân Hà Sài Gòn và Hội Mỹ Thuật Thánh Đa Minh Sài Gòn - Việt Nam.

Giải thưởng:
- Giải thưởng năm 2006 và năm 2007 Hội Mỹ Thuật - Sài Gòn.
 
III. Giới Thiệu Tranh Ái Lan: 




 



Vạt Nắng

 

 
Miền Nhớ



Tỳ Bà
 
IV. Các Bài Viết về Tác giả & Tác phẩm: 
 
1. Họa Sỹ Ái Lan – Sắc Màu Của Thi Ca

 Trương Đình Uyên, Họa sĩ





”Về Tôi”( sơn dầu trên bố). (Courtesy of INWA)
 
Tôi biết đến Nữ Hoạ Sỹ Ái Lan đã khá lâu, qua những thông tin về sinh hoạt Hội Hoạ ở Việt Nam trên internet, nhưng mãi cho đến mùa Hạ năm 2010, mới được gặp người nữ Hoạ sỹ tài ba này, khi cô nhận lời mời “mang chuông đi đánh xứ người” triển lãm tranh do Hội Nữ Hoạ Sỹ Quốc tế (INWAC) tổ chức tại Oregon – Hoa Kỳ. 
Vào một chiều nắng đẹp tháng 8 năm 2010, trong khuôn viên thơ mộng, rợp tán cây Sycamore xanh ngát của đại học Portland. Phòng tranh Littman  ”Về Tôi”( sơn dầu trên bố). (Courtesy of INWA)
 
Gallery trang trọng khai mạc cuộc triển lãm Hội Họa Quốc Tế tổ chức lần đầu tiên tại Hoa Kỳ với chủ đề “Sự Hiện Diện Của Người Nữ Qua Màu Sắc” (Her Presence In Colours). Phòng triển lãm quy tụ nhiều Nữ Hoạ Sỹ đến từ khắp năm châu với những tác phẩm đại diện cho đất nước họ. Một trong những bức tranh gây nhiều lôi cuốn là họa phẩm “Về tôi” mang nhiều nét đặc thù của người phụ nữ Việt Nam, nhẹ nhàng thanh thoát, giàu thi tính …Và Tác giả Ái Lan đã ưu ái trao tặng lại cho INWAC để đấu giá gây qũy từ thiện sau đó.
Người Nữ là đề tài mà Ái Lan yêu thích, Tranh cô luôn mang hình ảnh của người đàn bà Á Đông dịu dàng, trầm tư nỗi buồn dưới trăng, trong tiếng Tỳ bà nỉ non, hay khúc Nam Ai đồng vọng về một miền ký ức sâu thẳm…Với Ái Lan, Hội Hoạ là thế giới riêng tư…“Cũng như bao phụ nữ Huế, tôi yêu thơ, nhưng lại vẽ tranh. Thơ để chia sẻ và tranh để giải bày” , ở đó cô diễn tả nội tâm khép kín…




“Vọng Nguyệt” (Sơn dầu trên bố) (HS Ái Lan)

“Tôi vẽ nỗi buồn dấu kín dưới những gam màu trầm mặc. Tôi chiêm ngưỡng nỗi buồn ở sau lớp rêu phong thời gian qua từng nét cọ…” 
Sau thời gian theo học ở trường Cao Đẵng Mỹ Thuật Huế 1986 cho đến nay, Aí Lan không ngừng theo đuổi công việc sáng tác tranh và làm tượng gốm. Với khả năng phối hợp giữa sự tinh tế hoà chuyển các sắc độ trong kỹ thuật vẽ Lụa nhẹ nhàng mang đậm hồn dân tộc và sự kết hợp chất liệu (Matière) trong kỹ thuật vẽ Dầu với sức biểu cảm mạnh mẽ phóng khoáng, Hoạ Sỹ Ái Lan đã tạo cho mình một phong cách rất riêng, rất đặc biệt …
Khi chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ thuật vẽ Sơn dầu (Oil-painting) là sở trường. Trước tiên Ái Lan bày tỏ cô rất thích loại canvas có sợi dệt thật to dày để tha hồ kết dính, phối trí các loại chất liệu khác nhau … từ cát, sỏi nhỏ, lá cây khô, cho đến cả những mảng bố xé từng sợi, hay là những chất liệu làm từ quý kim như lá vàng (gold leaf) rực rỡ .. rồi vung tay phóng nhanh những đường cọ đầu tiên, bằng loại Flat thẳng, to bản với màu nâu cháy (Burnt-Umber), mà cô rất ưa thích, để làm nền cho bức tranh. Điều đặc biệt ở Ái Lan là cô phác họa ngay trên mặt bố, không phải qua giai đoạn phác thảo bố cục sáng tối hay tiêu điểm. Khi ý thức vắng bặt, dường như tất cả sự dụng công này đã không còn cần thiết nửa, và người Hoạ sỹ vẽ tranh bằng một trực giác bén nhậy và một mỹ quan thiên phú… Rồi cô khéo léo phủ lên trên nền tranh mầu nâu cháy những mảng màu lạnh trong suốt (transparent) tạo nên màu xám rất tự nhiên, hiệu ứng của các sắc màu đối nghịch trong vòng quang phổ, tuy là màu xám nhưng vẫn giữ được những sắc tố cần thiết. Những khoảng trống còn lại của nền toile trắng, màu được trải lên từng lớp, từng lớp (layers) sau đó, tạo cảm giác xuyên suốt trong vắt long lanh…Ái Lan sử dụng màu sắc thật chính xác và rất giới hạn trong cách pha chế , kết qủa là các sắc màu hiện ra nguyên thủy trong suốt và rực rỡ…
Với Ái Lan, Hội Hoạ là nơi hội tụ những hình ảnh, sắc màu ẩn dụ diễn đạt những trăn trở nội tâm …
“Cuộc sống không lên màu ở sự ồn ào, sự vật hay sự kiện…
Cuộc sống chỉ dậy màu trong sâu lắng trầm tư…”

 

“Vô Thường” (Sơn dầu trên bố) (HS Ái Lan)

Cô vẽ theo lối Bán Trừu Tượng (Semi-Abstract) hoặc Biểu Tượng (Symbolism) - mượn hình mà tỏ nghĩa. Vầng Trăng Non và Thiếu Nữ là những biểu tượng trong tranh … Mỗi hoạ phẩm của Ái Lan là một bài thơ tình lãng mạn mà sắc màu, hình ảnh dệt nên thi tứ tuyệt vời…Trong “Vọng Nguyệt” (*), cô vẽ người thiếu nữ với mái tóc xõa dài quá lưng với đôi mắt đậm mơ màng, bờ vai mỏng manh, đôi tay thon dài với những ngón lan đài các hờ hững trên gối, nằm bên cạnh rèm cửa và ánh trăng thu chan hòa như sương phủ kín mặt đất …
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nhi thị địa thượng sương…
Và những gam màu sáng của vầng trăng khuyết đêm sơ huyền gợi nhớ đến cố đô, khi cả thành phố Huế chìm trong màn sương khuya huyền hoặc, là quê hương lớn lên của người Nữ Hoạ Sỹ…
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Vầng trăng khuyết như một biểu tượng về sự bất toàn về miền quê hương trong ký ức sâu thẳm…
Trong tác phẩm “Vô Thường”, Ái Lan sử dụng những gam mầu thật mạnh và táo bạo với mảng trời màu đỏ thẫm và những cành lá Sen khô khốc, tơi tả còn vương lại chút diệp lục để sống còn.
Sự hòa hợp các sắc độ sáng tối, nhiệt độ ấm lạnh, chất liệu thô tế … gợi lên cái không khí thần bí, và những nỗi ám ảnh không nguôi về kiếp nhân sinh huyễn mộng. Đan xen giữa những gam màu đỏ cuồng nộ kia là những màu sáng xanh mướt khiêm tốn như đóa Sen thanh bạch trong chốn bùn nhơ vẫn sống, vẫn vươn lên cho đời cái đẹp bất ngờ như khải thị niềm ước vọng cao khiết hướng đến Chân Thiện Mỹ.

Ghi chú:
(*) Cũng là tên chủ đề của triển lãm của Hoạ Sỹ Ái Lan và Trương Đình Uyên tại Hội Trường Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt vào ngày 17, 18 tháng 6 năm 2011.


2. Giãi Bày…
                      Vẽ vì muốn tụng ca

 
Ca Dao, nhà thơ

 
“Cũng như bao phụ nữ Huế, tôi yêu thơ nhưng lại…vẽ tranh. Thơ để sẻ chia, tranh để giải bày. Nếu hiểu theo chiều không gian mở rộng thì tôi muốn mỗi bức tranh là một bài thơ.Luôn trân trọng những nổi buồn nhưng không bao giờ thỏa hiệp cùng thân phận. Tôi vẽ nổi buồn dấu mặt dưới gam màu trầm mặc. Tôi chiêm ngưỡng nỗi buồn ẩn mình sau lớp rêu phong thời gian qua từng nét cọ. Tôi tụng ca nỗi buồn trên mỗi bố cục cho sắc màu đạt đến đỉnh lãng mạn, để nổi buồn âu hóa thành thi vị đời thường.Tôi vẽ tôi, tôi vẽ những người phụ nữ…tôi đã, đang và tôi sẽ theo cách nhìn riêng: cuộc sống không lên màu ở sự ồn ào, sự vật hay sự kiện…cuộc sống chỉ dậy màu trong sâu lắng trầm tư.Đừng ngạc nhiên khi tranh tôi vẽ thường chỉ hiện lên những nỗi buồn…và thường chỉ là những nỗi buồn của phụ nữ. Tôi vẽ vì tôi muốn tụng ca.” (Ái Lan )
 

Tôi rất thích dòng tranh của họa sĩ Ái Lan. Khi đọc những lời trên của chị trong tôi gợn lên một cảm xúc đồng cảm khó tả.
Vâng, những bức tranh của chị đối với tôi là những bài thơ. Mỗi một bài thơ ấy mang một sự sống riêng đầy sinh động, gợi lên những cạnh góc trăn trở của con tim. Mỗi bức “tranh thơ” của Ái Lan  mang sắc màu của trầm tư, ngậm ngùi, man mác, sâu lắng.. (chừng như có chút gì như là kiêu hãnh nữa)… len qua cái buồn  mọc cánh bay lên thinh không...Thật khó dùng lời để diễn đạt những gì người họa sĩ tài năng này gởi gắm vào tranh. Trong tôi sao vẫn cứ nghe lòng có một chút u trầm, một chút khắc khoải …khi thưởng lãm những tác phẩm của chị.




Chiều

 
Vậy mà trong tranh  của chị  lại cũng không thiếu phong cách nhẹ nhàng thanh thoát. Ở đó còn bộc lộ  niềm hoài cảm kín đáo, nét thanh tao… gây cảm giác mênh mông cho cảm quan người thưởng thức. Nét đặc biệt, tranh  chị nổi bật bố cục trên những khung nền khá tĩnh lặng, khiến người xem  có cảm giác chung: man mác, buồn buồn, hoài tư, hư ảo
 


Khúc Tỳ Bà
 
 Đây là chiếc đàn tỳ bà với dáng người con gái quí phái ảo diệu như mơ. Người xem như nghe được trong mênh mông xa vắng tiếng đàn của người đẹp Giáng Kiều của Tú Uyên. Tôi lại có thêm cảm giác dư âm của cung khúc như giải tơ trời mùa thu. Thời gian trong bức tranh như ngừng đọng lại mà không gian lại mở ra mênh mông. Có áng tơ trời pha lẫn màu sương chơi vơi trong huyền thoại  Phạm Lãi  cưỡi du thuyền dong chơi biền biệt vào cõi Động Đình Hồ...
 


Bình Yên

 Chị còn cho tôi nhận ra nét thể hiện tài hoa qua ngôn ngữ sắc màu của hội họa dùng diễn đạt hình ảnh sống thực đến cảm giác trừu tượng  qua một phong cách rất riêng… Ở đó  dung chứa cả một không gian mỹ miều của mỹ thuật làm xúc động trái tim người thưởng ngoạn.
 Tranh của chị còn giúp cho riêng tôi thêm chất liệu cảm xúc trong thơ mình.
Chị Ái Lan ơi, cảm ơn chị thật nhiều!

3. Huế Tím Lam
(Tặng Họa Sĩ Ái Lan)

Nguyễn Lương Vỵ, nhà thơ


 I.
 
Tóc em hất ngược nắng
Huế tím lam nhoẻn cười
Chớp đôi mắt có đuôi
Nhốt mùa thu trong đó
Bức tranh còn bỏ ngõ
Một nét tím xa vời
Một nét lam xa xôi
Ngủ quên trên tay lạnh
Bức tranh đang sóng sánh
Thềm rêu nghiêng hết chiều
Nghiêng hết đáy cô liêu
Dấu môi trên vầng trán
Huế tím lam lãng mạn
Men ướt nhị hồ cầm
Ta ngồi như tượng câm
Cho em bày tĩnh vật…
 
II.
 
Bài thơ tươm hương mật
Trong màu tím lam kia
Niềm thương không sớt chia
Đã tràn đầy ngọt đắng
Bức tranh hay chốn vắng
Một nét tím tơ rung
Một nét lam tơ chùng
Tựa vai nhau phố cũ
Bức tranh em đã ủ
Một nét tím chìm sâu
Một nét lam nhẹ đau
Cho Hương Giang trầm mặc
Huế tím lam trở giấc
Ngực em tràn tiếng chim
Ngực em nồng vắng im
Mím môi nghe cỏ hát…
 
 
 
 
III.
 
Huế tím lam ngậm hạt
Hạt rơi theo chiều rơi
Chiều vắng lắm em ơi
Ta vẫn ngồi như tượng
Bức tranh hay giao hưởng
Một nét tím dương cầm
08.2012Một nét lam sương câm
Gió sờn vai viễn xứ
Bức tranh nâng gót lữ
Một nét tím động tình
Một nét lam động kinh

Mùa nhớ em ngất lá
Huế tím lam bóng ngã
Hồn đường thu vút lên
Hồn ta cũng vút lên
Tóc em hất ngược nắng…

08.2012
Nguyễn Lương Vỵ
 
 
BAN BIÊN TẬP TRANG HAI BỜ GIẤY
(Tổng hợp và Giới thiệu)



  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu