NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
(NhàThơ/Văn)
 

Chân dung NTKM photo by Le Quy Sơn 2013

I. Sơ Lược Tiểu Sử và Tác Phẩm:
Quê quán: Nha Trang - Hà Nội
Tốt nghiệp Cử Nhân Luật 1974, đại học Luật Khoa Saigon
 
Thơ đã xuất bản:
 - Tặng Phẩm, 1991 Nhà Xuất Bản Khánh Hòa, Việt Nam
- Trăm Năm, 1991, NXB Khánh Hòa, VN
- Tơ Tóc Cũng Buồn, 1997, NXB Văn Học, VN
- Đêm Hoa, 1999, NXB Văn Học, VN
- Những Buổi Sáng, 2002, NXB Trẻ, VN
- Bùa Hương, 2009, Ý Thức xuất bản, VN
- Hoa Mùa Cổ Tích, 2012, lưu hành trong vòng thân hữu
- Ký Ức Của Bóng, 2013, NXB Phố Văn và NXB Sống, Hoa Kỳ
- Bóng Bay Gió Ơi, Tản Văn, 2014, Hoa Kỳ
 
Sách khác
 - Danh Ngôn Đông Tây, song ngữ Việt-Anh, Việt-Pháp, 6 tập, NXB Văn Học 1999
- Tự Điển Việt Anh Hoa, hợp soạn cùng TV Nguyễn Duy Nhường, NXB Văn Hóa Thông Tin VN 2001
 
 II. Giới Thiệu Vài Sáng Tác: 
     (4 bài bài thơ)
 
1.NHỮNG CHIẾC LÁ REO CHUÔNG
 
Tóc chiêm bao còn bay mùa đông. Đêm thức giấc tiếng gió về tung cửa. Khuya cuối đường bóng lá chập chờn đi. Nhỏ và nhẹ hạt nước mắt gõ vào tim đau lắm. Động rất mỏng sương đêm loài hoa vừa bặt tiếng. Lặng lẽ mùi hương đi tìm sắc trắng nghe mơ hồ một giấc mơ tan…
 
Cây ơi gió ơi người ơi… đường mùa đông một thời nằm lạnh. Viên sỏi vỡ âm u vệ cỏ dấu bước chân rụng xuống đôi lần. Sợ reo khô những hồn lá mỏng. Sợ phai đi những nốt thời gian người nhạc sĩ lại so dây năm tháng…
 
Những ngón tay buông mềm trong gió. Mưa đầu mùa gieo cuối phố hoàng lan gọi như thầm em
ơi sợi tóc nhỏ*. Là nhịp tim trao gửi rất riêng đêm cuối cùng mùa đông hiền hậu. Bầu trời lại nói cùng lấp lánh ánh hồ khuya xôn xao tinh tú khóc. Những niềm vui hớn hở xin nghe…
 
Nghe. Những mái nhà bé con mọc cánh từng đàn bay trong giấc mộng. Những cánh chim bỏ lại khung tranh trong vườn cũ. Người hoạ sĩ nằm mơ đêm xanh chuông nhà thờ đong đưa mắt phố**. Cọng rơm vàng đoá môi dấu nụ cười khoảnh khắc. Chờ nhau.
 
Réo rắt bốn mùa trong tay người nhạc sĩ phố âm thanh bay bổng hội hè phố phổ hoa gọi đàn ong bướm. Màu sắc hân hoan đường cọ mới du dương cùng muôn điệu âm thanh. Đón nhân gian ngợp xanh mắt ngó lồng lộng trời một hé mở con ngươi. Nghe diễm lệ trần gian đến thế…
 
Hơi thở mạch vươn lên từ đất cho cội mầm biết phút sinh sôi. Lòng cây hoang vu hội về đông đúc lá reo chuông thánh thót nhựa non. Ấm áp trỗi theo nghìn tia nắng. Mở biết mấy những ánh nhìn tin cậy rằng mùa xuân có một điểm sum vầy nơi dấu chấm cuối cùng của câu thơ tiễn biệt. Em ơi…
 
… Em ơi. Vài bước nữa thôi mặt trời sẽ ôm đàn đi tới. Nhẩy nhót trên ngày âm reo rất lạ đem về từ núi xanh. Xa. Gọi mới mẻ tình yêu xưa tháng năm dài mất dấu. Ôm vào tay phút gặp gỡ thời gian em sẽ thấy bước chân mình gần lắm lá reo chuông môi và mắt tìm nhau.
 
Đọng trong hoa lấp láy vết son còn thơm mướt sao đêm. Ánh mắt xanh liếc dài cỏ mượt. Màu trắng đã về khua những đoá hoa vườn. Đàn kèn ngóc đầu bung loa hoa. Tim vẫn giữ một điều nguyên vẹn rất nôn nao thôi đừng dấu nữa. Nói như từng hạt nắng reo, nhỏ nhỏ rồi vỡ oà trong tán lá… có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ***... Nhẹ kẻo vỡ lưu ly trời đất…
 
Santa Ana
Xuân, 22 tháng 3, 2014
 
*Nhớ Thạch Lam
**Nhớ đêm xanh và nóc nhà thờ trong tranh Đinh Cường
***thơ Olga Bergoltz- Bằng Việt dịch
 
 2.VỠ. VỠ
 
Là những tinh cầu bay. Mất tăm. Vỡ vụn
Nghìn mảnh đau nhuộm tái mặt chiều
Trời cũng sợ không một lần ngó xuống
 
Là trần gian vết thương toác mãi
Thổ máu trời máu đất máu sinh linh
Không thể nữa một ngày da non lại
 
Trên thi thể. Ác mộng còn run rẩy
Trên hồn người. Tang thương bầy thú vấy
Dựng cõi này cơn hồng thuỷ thịt xương
 
Là vô số cách người ta tắt thở
Là chập chùng con mắt mở to và sợ
Trốn vào đâu mảnh lưới thủng tả tơi
 
Là tiếng thở dài. Cúi đầu. Vo hạt lệ
Xâu chuỗi dài. Xâu chuỗi những đêm sâu
Xích nguyện cầu kéo rền âm dương thế
 
Là tiếng kêu không còn thất thanh
Chìm xuống đáy nghìn thâu dấu hỏi
Rồi lặng im. Lặng im. Và câm
 
7. 2014
(Mùa hè đầy chết chóc từ những thảm nạn máy bay, chìm phà, dịch bệnh ebola, chiến tranh, khủng bố, …)
 
3.DƯỚI BÓNG TỬ UYÊN ƯƠNG
 
Buổi sáng loang dần
Trên nấc thang cao nhất mặt trời cười thoả mãn
Mặc kệ bóng đổ dài những tàng lá
Cũng không thể nhìn thấy chúng ta qua kẽ hở mầu tím
Những cặp hoa Tử Uyên Ương. Đong đưa cợt tình.
Nắng tháng 4. Lỗ chỗ. Im lặng.
Nơi chúng ta vừa đủ một vệt sáng của ánh nhìn
Em thấy anh
Tiếng nói đậu mong manh
Trên miệng tách cà phê
Chúng ta nói về một mùa đông đang dần qua, về một con bệnh còn ở lại, về con gió mùa xuân nhẹ dần đi tới
Em. Con chim nhại hót bằng tiếng rơi của nụ cười anh
Tiếng vang rất trong của chiếc thìa buông vội vàng trên mặt gương
Những chiếc lá nhỏ như mắt em, là anh đang nói khẽ
Ngày rớt xuống. Im. Bất ngờ như thể cơn mưa chợt tạnh
Thềm lặng như cánh hoa vừa khép
Bóng tối ấy sẽ không ngần ngại
Nói những điều bí mật
Và em sẽ không nhìn thấy anh
Chúng ta sẽ chẳng nhìn được nhau
Khi khoảng cách gần như thế
Kể cả màu của son môi cùng nỗi im lặng của em
 
4.2014
 
4.QUA MÙA. CÂY VÀ NGƯỜI
 
Đứng rất buồn và ngó đất xa
Nghe mưa ấm tiếp từng hạt nhỏ
Động trong mình những mạch nước âm u
 
Mắt từng con rơi dầy ngọn cỏ
Nhìn lên hoài trời vẫn rất cao
Cúi đất nhủ lòng thôi nắng úa
 
Úa một ngày vàng như con bệnh
Xương nằm đau và tai lắng nghe
Tiếng lặng lắm mà thân buồn xao động
 
Ai ngồi đấy một hồn gió xuống                  
Tường nhà bên hắt chiều vọng âm
Bóng đi qua vệt sầu ảm đạm
 
Ai ngồi đấy một hồn cây mỏng
Nghe từng đàn lá ốm rủ nhau đi
Đêm thao thức những mầm non trở giấc
 
Nói nhỏ như thầm trên vai khuya
Không thấy lối. Mơ hồ con bướm gọi
Nhớ ra rồi. Xuân đợi ở đằng kia
 
Sẽ ngày chứ và mở tung cửa sổ
Người về vui như nắng đậu bên thềm
Hơi ấm cỏ khô mùa chim kết tổ
 
Xanh mướt từng bầy lá đi không hết
Hồi vừa sang réo rắt nhất. Vòng tay
Ôm con phố một màu xanh mải miết
 
Là xanh trời. Mây tan trong gió xanh
Ta trông lên gặp cây ngó xuống
Cây đã khoẻ qua rồi ngày tháng bệnh…
 
2015
 
 III.Những Bài Viết Của Các Nhà Văn, NhàThơ về NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH:
 
1.NHÀ THƠ ĐẶNG NGUYỆT ANH
 
( Trích đoạn bài đọc trong đêm giới thiệu tập thơ ĐÊM HOA của NTKM do BS TRƯƠNG THÌN tổ chức tại Phòng sinh hoạt văn nghệ Viện Y Dược Học thành phố ngày 31-10-1999.)
 
…Từ năm 1991 đến nay, KHÁNH MINH đã cho ra mắt bạn đọc 4 tập thơ: Tặng Phẩm, Trăm Năm, Tơ Tóc Cũng Buồn và Đêm Hoa. Đọc một cách hệ thống để có cái nhìn khái quát qua 4 tập thơ, thấy rằng KM làm một cuộc hành trình thơ -Đi từ nguồn ra bể-
Cảm nhận đầu tiên là sự lặng lẽ : lặng lẽ trong đời và lặng lẽ trong thơ. Không ồn ào, đua chen, chẳng vướng bận ai. Không ai vướng bận mình. Sóng cao vực thẳm thưa rằng/ Chân con kiến bé cứ lằng lặng đi… …Bên đời hội trẩy xôn xao/Bụt ơi áo mới, em vào đêm hoa/Vâng, nủa đêm áo mới về nhà/Thôi xe, thôi áo, em lại là Tấm tâm
Thật là hồn hậu trong cảm nhận và thể hiện, và cũng phảng phất một hơi hướng vô vi, có gì đâu, một cuộc ghé chân vào chốn phù hoa, một thoáng thôi, rồi lại thong dong với cõi riêng mình /thôi xe, thôi áo, em lại là Tấm tâm/ không biết sao, tôi thấy thật cảm xúc với hai chữ Tấm tâm, thêm vào đó là sự biến tấu lục bát, làm tăng chất nhạc cho thơ… người đọc còn nhận thấy sự phong phú về thề loại trong thơ KM: từ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, cho đến lục bát, tự do, ở thể loại nào ngòi bút KM cũng uyển chuyển… tôi đặc biệt thích phong cách đồng dao của chị, thật trẻ trung. Một người đọc dù khó tính đến mấy - đọc KM cũng không thể phủ nhận sự trong trẻo, hồn nhiên trong thơ chị. Một ánh nắng, một tiếng chim, một thoảng gió, một mầu trăng, một mắt lá... được thẩm thấu qua một tâm hồn trong trẻo và mẫn cảm đã trở nên lung linh thanh khiết.… Thiên nhiên ấy hoà quyện trong tình yêu thương của con người, không biết giữa thiên nhiên và con người ai tác động lên ai cái tươi tắn, sinh động ấy… hoa lên em, nắng đang giòn rất nhạc, cái sinh động cũng nằm trong cách xử dụng chữ linh động này -mà ta bắt gặp rất nhiều- trong thơ của chị…Và chúng ta ở đâu không ngoài trời đất này, và vũ trụ trong thơ của KM hầu như không có bão tố, mà là nơi nương náu êm đềm : Cánh diều xanh xanh kia ơi/ bốn phương yêu dấu là trời đất đây. KM  mở lòng ra yêu thương đất trời, hoa cỏ, con người và cuộc đời, một tình yêu tự nhiên, hồn nhiên như bản chất- chính tình yêu ấy đã nuôi dưỡng cho hồn thơ chị mãi tươi xanh.
ĐNA
1999
 
2.NHÀ VĂN PHẠM VĂN NHÀN
 
Đọc : KÝ ỨC CỦA BÓNG - Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Ký Ức Của Bóng là tựa một thi tập của nhà thơ nữ: Nguyễn Thị Khánh Minh. Với cái tựa cho một thi tập mà nhà thơ chọn đã làm cho tôi thích thú, phải đọc.
 
Bóng không phải là hình tướng. Bóng: chỉ là cái bóng mờ mờ ảo ảo không bắt được, không sờ được chỉ nhìn thấy qua phản chiếu. Ai cũng có cái bóng bên cạnh cuộc đời thường của riêng mình. Bóng thường đi đôi với hình. Hình bóng. Hình: dễ thấy dễ nhìn, dễ rờ dễ mó và đễ …đoán . Còn bóng, đơn thuần chỉ là cái bóng của mỗi nhân sinh. Không là của chung ai cả; vì thế thi tập Ký Ức Của Bóng đã lôi cuốn tôi phải đọc nó, để thấy cái bóng của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh này, qua những con chữ, kết thành những bài thơ ngắn hay dài, mà ngôn ngữ thơ đã tạo nên một Nguyễn Thị Khánh Minh. Nói gì, viết gì qua thơ.
 
Bóng. Như tôi đã nói, chỉ có riêng mình biết buồn hay vui đối với mỗi cá nhân. Nguyễn Thị Khánh Minh đã đưa ký ức của  mình qua dòng chảy của cuộc đời lên trang giấy qua bóng, để người đọc cảm nhận và sẻ chia. Như bóng của thiếu phụ Nam Xương, chỉ bóng của mình trên vách cho con, không ai làm được như vậy với người thứ hai trong dân gian. Bóng buồn đối với người thiếu phụ. Nhưng bóng lại vui với đưa con tưởng cha mình về, Thật tế ít có người bọc bạch nói ra hôm nay về cái bóng của mình. Chỉ có Nguyễn Thị Khánh Minh bộc bạch qua thơ trong ký ức của nhà thơ để người đọc chiêm nghiệm, sẻ chia. Ta nghe nhà thơ nữ này nói gì về bóng của mình: Ta ngồi. Bóng thầm/ Ta đi. Bóng động/ Ta nói. Bóng câm/ Ta vào giấc mộng/ Nhẹ tênh bay bổng/ Bóng nặng, bóng nằm/ ta vào cuộc sống/ Bóng nhẹ, bóng bay/ Hoá ra ta, bóng/ Chẳng một, mà hai.
Rõ ràng ngoài ngôn ngữ để diễn đạt qua lời nói. Còn diễn đạt ngôn từ qua những con chữ để thành thơ. Qua bài Hai Bóng, tựa của một bài thơ đã đưa tôi đi sâu vào thi tập với những ngôn ngữ thơ khác lạ, mà còn biểu hiện hình tướng nữa. Ta ngồi. Bóng thầm/ Ta đi. Bóng động. Do đó, với một nhà thơ là nữ, thì khi vui, thơ bay bổng. Khi buồn, thơ trầm,  muốn khóc qua hình ảnh của bóng. Mà bóng với hình như hai mà một. Đây này, ta nghe: Thơ, có khi Nó cõng tôi qua cơn phiền muộn/ Có khi Nó sống cùng tôi giấc mơ bình yên/ Với những lãng quên cần thiết. (Thơ Ơi)
 
Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, những câu thơ đầy tượng hình nghe cay đắng mà không cay đắng chút nào, chỉ buồn cho thân phận. Oán than nhẹ nhàng làm khoái cảm xúc người đọc: Rơi xuống/ Rơi xuống/ Những hạt nước mắt mầu trời/ Vỡ tôi đám mây tan/…Tung lên/ Bung ra/Vỡ tan/ Những hạt nước mắt mầu biển/ Ném tôi con sóng tuột bờ…(Tiếng Vỡ) .
Thấy chưa, Nguyễn Thị Khánh Minh, chẳng lẽ cuộc đời của một nhà thơ nữ đã phải gánh chịu bao nỗi buồn “bầm dập” như thế? Tung/ Hứng/ Vỡ tan/. Thế mà không vừa sao nhân thế?  để rồi cuối cùng đẩy nhà thơ vào “Ném tôi con sóng tuột bờ”. Câu thơ làm người đọc nghe cay đắng hòa cùng tác giả. Với ai đã đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh nghĩ sao tôi không biết. Nhưng với tôi, sau khi đọc đoạn thơ trên, cảm xúc dâng trào.
 
 Những con chữ ngoài đời không lạ. Nhưng vào thơ, thành những ngôn từ thật đẹp, tượng hình cho một kiếp nhân sinh: tung, hứng, vỡ tan. Để rồi Nguyễn Thị Khánh Minh cứ thế để cho nỗi buồn cứ trôi đi, có thể, đó là một sự thay đổi cuộc sống từ một biến cố nào đó xảy đến trong đời tác giả? Cho nên khi có một biến cố nào đó đưa đến, NTKM lại nghĩ đến thơ. Thơ, có thể giải quyết được nổi buồn. Nào ngờ khi làm xong một bài thơ thì: Cứ tưởng viết xong một bài thơ là vơi được nước mắt/ Nhưng chấm hết/ vẫn thấy còn khắc khoải/ Cứ thế, trang giấy mở mãi theo những dòng lệ… (Thơ Ơi)
 
Là một nữ nhi. Cho nên, mấy câu thơ trong bài Tình Tang Cõi Này ta thấy được cái ước mơ của tác giả. Cái ước mơ đó nhỏ nhen lắm, chẳng cao xa chi đâu, nhưng lắng đọng trong tâm người đọc: Vẽ hoài con chữ mù tăm/ Có khi níu được sợi tằm đang tơ/ Vẽ đi vẽ lại bến bờ/ Tuột trôi nắm mãi cái gờ nhân sinh/…Vẽ trăm đường mộng, ô hay/ loanh quanh vẫn một cõi này tình tang.           
 
Và cứ thế, cuộc đời cho dù có đưa nhà thơ đi tới đâu thì vẫn: Là con đường rất nên thơ/ Và tôi lại đi với tấm lòng già nua bình thản/ Là con đường rất ngắn/ Bước quay mòng tôi, con vụ. Những bước quay mòng con vụ ấy, chắc chắn  có lúc vui, có lúc buồn, có lúc ngậm ngùi, chua xót. Dù nhiều hay ít, ký ức của nhà thơ qua từng con chữ như khắc ghi đậm nét nhân sinh, qua  Nỗi Niềm ta đọc: Vơi thôi. Lệ đã rót đầy/ Rượu nhân sinh. Hiu hắt bày cuộc vui/ Chút thôi, nhưng đủ ngậm ngùi/ Thả bay trong gió một nùi. Nhớ. Quên/…Chút thôi, cho có nỗi niềm.                                                                                                         
Nhưng nỗi buồn ấy, nó vẫn loanh quanh. Có khi: Là con đường hiểm trở/ Và tôi lại ngã/ Chỉ vì một giấc mơ êm ái. (Lỗi Nhịp )
 
 Hay cũng có khi: Là con đường rất ngắn/ Bước quay mòng tôi. Con vụ. (Lỗi Nhịp )
 
Mà sao lạ, với NTKM nỗi buồn ấy nó luẩn quẩn, loanh quanh trong cái vòng tròn chất chứa nhiều nỗi buồn hơn vui trong ký ức của một nhà thơ nữ không thoát ra được. Con đường lại đưa tôi đi/ Những bước chân mới có khi lại là/ Những dấu buồn của hôm qua…/
Hay: Vòng tròn tôi muốn đến đâu?/ Luẩn qua luẩn quẩn cái sầu mới toanh/ Nên chi dừng lại không đành… (Loanh quanh) Cứ thế mà  mang hoài nỗi buồn. Ngủ, cũng giật mình thức giấc những giọt lệ lăn âm thầm. Ngày, những bước chân liêu xiêu muốn ngã trên đường đời., Hụt hẫng. Với: Khoảnh khắc những đêm thầm, nỗi sợ/ Nín cơn mơ, canh chừng lời nói mớ…
 
Có lẽ cuộc đời của nhà thơ chỉ tìm được hạnh phúc vững bền không gì bằng hơn là những đứa con. Đó là hình ảnh người mẹ qua bóng con, cho dù đứng trước bao sóng gió. Thì con vẫn là: Con của mẹ/ Tấm khiên che chắn mẹ trong những lằn đạn mũi tên/Là tiếng khóc, tiếng cười con no đủ/ Mẹ biết những bước mẹ đang đi/ Là dấu bước chân con lẫm chẫm/ Là dấu bước chân con mạnh mẽ, đến ngày mai. (Viết Cho Con Mùa Tình Yêu)
 
Tôi nghĩ, Nguyễn Thị Khánh Minh đã tìm được qua: Bóng dịu dàng ôm những giấc mơ. Để rồi không còn “nín cơn mơ, canh chừng lời nói mớ” mà hãy quên đi: Đêm qua ngó bóng giật mình/ Gầy hơn con bóng u tình Nam Xương/ Nghìn khuya ủ dột trên tường. (Đêm Qua) vì: Hôm qua, lắm mộng đêm trường (ác mộng, nv) .Thì: Hôm nay ngơ ngác bên đường, bình minh/ Hóa ra còn có bóng mình…
 
Đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh có cái hấp dẫn lạ lùng không phải qua từng con chữ, hay những ngôn ngữ thơ trong từng câu. Mà, từ đây, trong từng câu thơ của nhà thơ nữ này, nó có một lực hút giữa người đọc và thơ trong một dòng chảy hòa dịu với nhau như hình với bóng vậy.
 
Giới thiệu một bài thơ trong thi tập: Ký Ức Của Bóng
 
HỎI THẦM
 
Hỏi hoài, thành câu thầm thì
Chiêm bao con bóng đi về, riêng ai
Đụng hoài ngõ cụt, thiên nhai
 
Hỏi hoài, thành câu nợ dài
Hạt duyên gieo ở phận ngoài cái kim
Mù khơi góc biển đâu tìm
 
Chiều rồi có con chuồn kim
Khâu vào trong gió một nghìn mơ hoa
Hạt mưa mỏng hạt phôi pha
 
Hạt rơi thêm một lần xa
Cõng hai phương nhớ cái tà huy cong
Hạt đi nặng một về không
 
Hỏi hoài, thành câu thuộc lòng
Hạt muối sẻ mặn sao đong biển cùng
Cái duyên trời nhả. Mông lung
 
Sẩy tay va phải mịt mùng
Thưa người, lệ chẳng đặng đừng, nên rơi.!
 
PVN
2014
 
3.NHÀ VĂN NGUYỄN ÂU HỒNG
 
NHỮNG GÌ TÔI NHẬN ĐƯỢC TỪ NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
                                                                                                                                       
Nguyễn Thị Khánh Minh thường viết về những giấc mơ, nên điều đầu tiên tôi nhận được từ “Người Thơ” ấy là sự thơ mộng. Mặc dù có giấc mơ chan chứa những dòng “lệ sót”, những giọt lệ nhỏ thầm trong đêm vì nhạy cảm quá mức với “Cõi Đẹp”* và cảm xúc dồn nén trong “Phút Mong Manh Giữa Những Từ”*, những giấc mơ ấy vẫn như những đóa hoa đang nở, đang tỏa hương.
 
Đôi khi hạt mưa kia, là em, rơi âm thầm hạt lệ. 
Hạt lệ nối khoảng cách đại  dương, nối chấp chới ánh nhìn Sâm Thương, nối mịt mùng trời với đất, nối một đường tơ đứt tự thuở rất xa xưa. 
Để một lúc nào, tình cờ rơi trên tay anh. Hạt mưa trong ngần sau bao lần dâu bể thời ian...                                     

...Giấc mơ em ở đó, không thời gian. 
Không ở đâu trong thế giới hiện hữu này...                           

...Giấc Mơ, nơi có thể giữ lại thời gian, cho em sống, ở lại, với tấm lòng mãi mãi 
Hôm Nay
.**
...
Khuya còn để lại ngọn đèn                                                                
Mai anh về lại mà xem bóng chờ                                                       
(Em còn để lại bài thơ)            


... Em rơi vào trang thơ                                                                                 
Anh tình cờ đọc thoáng            
(Trách)**
 
Là giấc mơ, sao không là ước mơ. Đọc mấy câu thơ mà ước được sống lại những ngày tuổi trẻ mê đắm si tình, cứ đứng dưới đường nhìn lên khung cửa sổ trong đêm khuya khoắt còn ánh đèn và thấp thoáng bóng giai nhân; ước được ngây thơ khờ dại, khờ dại đến mức không biết được má môi  con gái Ninh Quang tuổi mười sáu thơm mùi hoa trâm trâm, một loài hoa dại mọc hai bên đường đất từ  ga xép (không có nhà ga) vào làng Thạch Thành, Thuận Mỹ  là mùi hương của thiên đường tuổi mộng, rồi ray rứt mãi đến tuổi xế chiều vì đã trót ngạo mạn đọc thơ tình con gái mà chỉ là “tình cờ đọc thoáng”.
Để sửa chữa lỗi lầm và để khởi đầu giấc mơ, tôi đứng lại, quay về quá khứ, lắng nghe:
                       
Trong ánh nhìn rất gần                                   
Tiếng chạm vào                                       
Của hai chiếc lá. Hai hạt sương. Hai cánh gió.                           
Hai đường biên.
Bầu trời của riêng tôi                               
Không trôi ra ngoài tiếng chạm mong manh ấy
Trên đỉnh âm thanh tiếng reo viền mi khép 
 Bầu trời tôi đang bay                                    
Không cao hơn đỉnh núi ấy                                    
Và, điều gì đổi thay dưới sức nóng kỳ diệu của tiếng thầm thì?                
Bầu trời của tôi. 
Tan ra.
    **
(Bầu Trời Của Tôi)   

Lần đầu tiên em biết được “Sức Nóng Kỳ Diệu Của Tiếng Thầm Thì”, nếu thực  sự em đã cảm nhận rõ ràng về hạnh phúc, thì xin được chúc mừng.
Tôi đã đi theo dòng cảm của “Người Thơ” ấy, từng đứng Dưới Chiều* để theo dõi con nắng nhỏ tàn hơi... **
Nhưng bài thơ tôi thích nhất là bài “Từng Bậc Buổi Sớm”:

Tôi đang bước lên                                   
Từ ấm áp của đất                                       
Bóng đêm đang trở thành kỷ niệm                               
Tôi đang là giấc mơ thật nhất của mùa xuân

Vẫn còn hơi gió đêm từ phương Nam                               
Có thể tôi đang ở trong bóng mà nắng đang trú ẩn                       
Bằng cái với tay dịu dàng                                   
Tôi sẽ chạm vào nó                                       
Trao tặng giấc mơ
Sự lạnh lùng của đêm đã ở rất xa                                 
Hình như tôi đã bước thêm bậc nữa
Bây giờ thì đã nghe được hương của những loài hoa                       
Giấc mơ tôi bay bổng                           
Ngày dường như đã khô những dòng nước mắt
Hơi ấm của vòm cây, của tổ chim, của gối chăn giấc ngủ                                      
Của những sắc màu còn lẩn quất                           
Trong hồi hộp của chờ đợi                             
Tôi không biết mình đang bay lên. 
Đang tới.

Hay đang rơi...                                                                                    
 (Từng Bậc Buổi Sớm)**                                  
 
Hình như tôi đã từng được “Người Thơ” ấy thầm thì rủ rê để cứ đứng ở bậc thềm, lắng nghe bước đi lặng lẽ của ngày cứ rạng dần, lắng nghe tiết nhịp của mùa đang đến, mở hết những giác quan nhạy cảm nhất để đón nhận từ sự ấm áp của đất, hơi gió đêm từ phương Nam còn sót lại đến hơi ấm của vòm cây, của tổ chim, của sắc màu bình minh và nghe được hương của những loài hoa...  Tôi không chắc mình có đang bay lên, đang tới, hay đang rơi... nhưng tôi chắc một điều, rồi đây trong những trang văn xuôi của tôi nếu có những tổ chim với mẹ con nhà chim đang rục rịch lúc chạng vạng hay hương của những loài hoa tỏa ra cùng lúc với những tia nắng quý giá đầu xuân...thì đó chính là tiềm thức thẩm mỹ đã hấp thụ từ Nguyễn Thị Khánh Minh.
Tôi không có tham vọng “mua đứt cho mình phút giây mong manh ấy”,** chỉ mong nhịp tim đồng cảm nếu có tàn phai hãy trở thành “một mơ hồ vẫy gọi ở cuối chân trời”** như Nơi Bắt Đầu Mùa Xuân*
Jan 9-2014                                                                                                            
NGUYỄN ÂU HỒNG                                                                                                                    

*Đầu đề những bài thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh.
**Trích thơ Nguyễn Thị Khánh Min
h
                                                                 

 
4.NHÀ VĂN TÔ ĐĂNG KHOA
 
Bóng bay, gió ơi. Nguyễn Thị Khánh Minh.
 
Phần 1.  Tính Hội Tụ của “Một Tản Văn Dị Thường”
 
“Bóng bay, gió ơi” là tác phẩm thứ chín của Nguyễn Thị Khánh Minh (NTKM) phát hành đầu năm 2015.  Đó là tập tản văn mà Phan Tấn Hải gọi là “một tản văn dị thường” trong lời bạt cuối sách. Theo chỗ tôi hiểu, sự “dị thường” đó chính là tác dụng của ngôn ngữ NTKM lên tâm thức của người đọc.  
Thành công NTKM trước hết về mặt mỹ học là cách chọn chữ rất chuẩn xác để lột tả những nét riêng và chung của những cảm xúc phổ quát, thuần khiết, tiềm ẩn trong các mối liên hệ linh thiêng huyền nhiệm giữa người-với-người và người-với-thiên-nhiên. Các tản văn được viết ra đều đẹp như thơ, thâm trầm, nhẹ nhàng, và bay bổng như là “bóng bay, gió ơi.”   Nhưng ở tầng sâu hơn, sự phối hợp tài tình của những con chữ trong tản văn NTKM đã thành tựu một sự kiện “dị thường”: nó truyền tải những ký ức (rất riêng tư) của NTKM thẳng đến tầng sâu vô thức của người đọc.  Tại đó, chúng đánh thức những ký ức rất xưa cũ trong lòng ta, những ký ức mà tưởng chừng đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong những bôi xóa của thời gian trong suốt một đời lang bạt.
Phút này đây, trong tâm thức của người đọc, một tác dụng “dị thường” xảy ra: biên giới của thời gian, không gian bị xóa nhòa. Ký ức ngủ quên bấy lâu được đánh thức bởi ngôn ngữ NTKM sẽ tái hiện thành cái-đang-là của thực tại ngay trong tâm thức người đọc.  
Phút này đây, thực và mộng đan lẫn vào nhau, ký ức riêng lẻ của tác giả và độc giả sẽ hòa tan trong phối cảnh ngôn ngữ NTKM để trở thành một “ký-ức-chung.” Nói cách khác, ngôn ngữ NTKM sẽ đánh thức các ký ức trầm ẩn rất sâu tiềm thức của chúng ta và đưa nó về, tái hiện ngay trên hiện tại để cùng với tác giả chiêm nghiệm lại tất cả “cảm xúc phổ quát” và tinh khôi của những mối liên kết huyền nhiệm của một “thực-tại-người” với “những-cái-còn-lại” của vũ trụ bao la.  
Thành quả đáng kể nhất của các “tản văn dị thường” chính là sự hình thành, và sự gìn giữ lại một “ký-ức-chung” giữa tác giả và những độc giả có thái độ trân trọng thích đáng đối với giá trị của ngôn ngữ. Chính cái “ký-ức-chung” này sẽ trở thành mối liên kết huyền nhiệm khác mang ý nghĩa hội tụ.  Nó thiết lập ra “ngôi-nhà-chung” và cho phép chúng ta an trú trước cơn “bão cát sa mạc” của thời gian.  Nó cho phép chúng ta chỉ trong một-niệm, nhắm mắt lại, khép lại hai hàng mi là có thể kinh nghiệm trở lại  “niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa…”.  
Sự “dị thường” của việc nhận ra “ngôi nhà chung” này là: Ngay cả ý nghĩa của cái chết, mà bản chất chỉ là một sự chia xa, cũng không làm chúng ta nao lòng được nữa. Vì lẽ? Vì chính ta đã biết được “lối về” của ngôi nhà chung đó, và ta cũng “biết như thật” thế nào là “niềm hạnh phúc có một nhà quê.”
 
Vì thế, tuy hình thức của bút pháp là tản văn, hiểu theo ý nghĩa phân kỳ, lang bạt; nhưng nội dung của các “tản văn dị thường” này của NTKM lại mang ý nghĩa của hội tụ.  Đó là “sự hội tụ” của một “nhà quê chung” không có phân biệt sắc tộc , biên giới, giới tính, hay tôn giáo.
“Sự hội tụ” này được thành tựu không phải qua các khẩu hiệu ồn ào kêu gào đoàn kết, không qua các cuộc cách mạng đẫm máu, không qua lý luận suy diễn của chủ nghĩa duy lý, duy vật; mà qua của những “cảm xúc chân thật vàng ròng” của các mối liên hệ linh thiêng, huyền nhiệm giữa người-với-người và người-với-thiên-nhiên.
Một tản văn nhưng lại có tác dụng hội tụ rất thần diệu như thế thì thật đáng để được gọi là “một tản văn dị thường!” Một cách nào đó, với ngôn ngữ tuyệt mỹ và chuẩn xác của mình,  NTKM đã làm cho tái hiện lại trọn vẹn ký ức riêng/chung cho cả chính mình và độc giả với tất cả chi tiết và sự tinh tế đến độ kinh ngạc.
Giờ đây xin bạn hãy thử thả lỏng chính mình và làm y theo lời hướng dẩn cụ thể của tác giả để thử kinh nghiệm ký ức chung đó, tức là bạn hãy khoan thai làm theo đúng trình tự các bước chuẩn bị như sau:
(1) Theo cảm xúc mà đi.   
(2) Nhắm mắt lại.
(3) Phút này đây.  
Và sau đó hãy buông, phó thác cho ngôn ngữ NTKM làm công việc “dị thường” của nó:
“Theo Cảm Xúc Mà Đi”:
“…Nhắm mắt lại. Phút này đây.
… như nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng. Lại như nghe được cả mùi thơm của đất bùn, đất ải quyện lẫn mùi phân trâu bò, mùi rơm rạ trong nắng trưa. Nếu không có một tuổi thơ gắn bó với mùi hương ấy thì chắc tôi không thể nào cảm được trọn vẹn cái êm ả, bình yên, mộc mạc của một làng quê, không chia được với ai kia nỗi nhớ nhà, không xẻ được với ai kia niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa…
…và mêng mang hồ sen của một ngôi chùa sư nữ ở cạnh nhà thời thơ ấu, chắp cho tâm linh ta đôi cánh… có phải không trong tiếng tập vần hai chữ nhân ái thấm đẫm hương tinh khiết của cánh sen hồng, và tiếng chuông chùa đi chậm?
… và phổ độ hơn hết trên đời, “ba ơi mẹ ơi!” tiếng gọi đánh thức từng tế bào nhỏ trong thân thể ta, xao xuyến những dòng li ti màu đỏ đang chở nhịp sống.  Mỗi bước ta đi là say mê theo mùi hương núm ruột đã một lần cắt lìa khỏi ta trong giây phút nhiệm mầu của khai sinh, “con ơi!” tiếng oa oa cột ta một kiếp người, lặn lội trôi theo…
… có phải hương một lời gọi ủ từ đóa hoa tiền kiếp, tới giờ long lanh nở đá vàng, cùng nhau nắng sớm mưa khuya, “mình ơi!”…
…tiếng hòa âm trong phút giây gọi “bạn ơi!” này bàn tay nắm lại cùng nhau. Ngọn lửa nhóm sáng một vòng quay quần, mỗi lúc chúng ta lại chụm thêm mỗi nụ cười, hương bầu bạn cho ngắn lại đêm thâu đường dài bạn hỡi...
Sau mỗi tiếng gọi nhau: “ba ơi!, mẹ ơi!, con ơi!, mình ơi!, bạn ơi! bạn hỡi!”, chúng ta như được kinh nghiệm trở lại, ngay trong phút này đây, những “cảm xúc vàng ròng” phổ quát nhất của những sợi dây huyền nhiệm và thiêng liêng kết nối chúng ta với toàn thể sự sống.  
Đó là những tản văn tuyệt mỹ, nó lãng đãng như những “ký ức của bóng.”  Nó bay bay trong gió (ôi “bóng bay gió ơi!”) trong tiềm thức của ký ức chung/riêng không có thời gian. Tác dụng dị thường của nó là: “chắp cho tâm linh ta đôi cánh… trong tiếng tập vần hai chữ nhân ái thấm đẫm hương tinh khiết của cánh sen hồng”. Chúng ta có nghe được gì không, trong âm vang của “tiếng chuông chùa đi chậm?”
Đọc những tản văn trên tôi chợt có một ý nghĩ:  Ước gì tản văn NTKM được đưa vào các bài tập đọc vỡ lòng của các em học sinh.  Cũng như tôi đã từng học thuộc lòng bài tập đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh.  Tôi ước ao các em học sinh của các thế hệ mai sau sẽ biết cách gìn giữ các “ký-ức-chung” hay là “ngôi-nhà-chung” của những cảm xúc phổ quát về các mối liên kết rất huyền nhiệm của nhà quê, của ngôi chùa làng, của cha mẹ, của gia đình, của bạn bè đã được NTKM tái hiện trong những “tản văn dị thường” này.
Tôi cam đoan chắc chắn ràng những tản văn của NTKM nếu được dịch sang các thứ tiếng khác, thì “cảm xúc vàng ròng” đó vẫn không hề thuyên giảm hay mai một. Vì nó là cảm xúc chung mà con người ai ai cũng có.  Ai sống trên đời này mà không có một quê hương? Không có một người cha, người mẹ, bạn bè, người thân?
Giờ đây giữa những xiêu đổ hoang vu của nền văn minh hậu hiện đại, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, và giúp cho các hế hệ mai sau của con cháu chúng ta gìn giữ “ngôi nhà chung” cùng với “ký ức chung” đó:
“Đời xiêu đổ từ ngàn xưa anh trở lại
Giữa hư vô, em giữ nhé chừng này”
-Bùi Giáng
 
Ôi! Nhà Quê chung!  Xin em hãy giữ nhé: chừng này!

TĐK
2.2015
(http://vietbao.com/a234215/bong-bay-gio-oi-nguyen-thi-khanh-minh)

IV: Sách Mới Xuất Bản:



Liên lạc Tác giả: khanhnguyenm@yahoo.com


BAN BIÊN TẬP HAI BỜ GIẤY
(Tổng Hợp và Giới Thiệu)




  Trở lại chuyên mục của : Giới Thiệu